Thông tin

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN BỒ ĐỀ TÂM TRONG PHẬT GIÁO TÂY TẠNG (tt)

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN BỒ ĐỀ TÂM TRONG PHẬT GIÁO TÂY TẠNG (tt)

PHẦN III: LUYỆN TẬP BỒ ĐỀ TÂM

 

MINH HIỀN - MINH BẢN

 

 

 

1. Tâm cao quý: Bồ Đề Tâm

Suốt ngày đêm, chúng ta luôn giữ vững sự từ bỏ, giữ một lòng mong muốn vững chắc đạt đến sự giải thoát vĩnh viễn. Sự từ bỏ, buông bỏ là cánh cửa mở đến sự giải thoát, thanh tịnh, an bình cao nhất và thường xuyên cho tinh thần, cho tâm hồn và cũng là căn bản cho các sự thực hành cao cả hơn. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ tìm kiếm sự giải thoát cho riêng mình mà phải luôn nhìn đến sự giải thoát, đời sống tốt đẹp, an lành cho những chúng sinh khác. Đã có vô số người chết trong đại dương luân hồi sinh tử và kéo dài những khổ đau không thể xiết. Mỗi người chúng ta chỉ là một, trong khi những chúng sinh khác thì vô số. Do vậy, hạnh phúc và sự tự do của chúng sinh to lớn và quan trọng hơn nhiều hạnh phúc và tự do riêng tư của chúng ta. Đó là lý do khiến chúng ta phải đi vào con đường của Bồ tát, con đường dẫn dắt chúng ta đến được sự giác ngộ rộng lớn, cao thượng.

Bồ đề tâm là cửa ngõ mà từ đó chúng ta đi vào trên con đường của Bồ tát. Chữ Bồ đề có nghĩa là giác ngộ và tâm ở đây là tâm hồn, là tinh thần. Bồ đề tâm là một tinh thần mong muốn nhanh chóng đạt đến được giác ngộ để đi đến trực tiếp giúp đỡ từng mỗi chúng sinh. Chúng ta sẽ trở thành một Bồ tát, một người mong muốn tức thời đạt được giác ngộ để giúp đỡ cho các chúng sinh, và ngay từ lúc đó chúng ta làm nảy sinh bên trong chúng ta cái tinh thần cao quý Bồ đề tâm này. Như thế, chúng ta trở thành những đứa con của các đức Phật.

Không thể nào làm nảy sinh Bồ đề tâm, một tâm cao thượng mà không luyện tập. Ngài Dje Tsongkhapa đã tuyên bố rằng: “Trong khi tưới đất bằng tình yêu thân thiết với tình yêu thương và lo nghĩ đến những người khác, trong khi gieo những hạt giống tình yêu mong muốn và lòng từ bi thì cây thuốc và Bồ đề tâm sẽ mọc lên”.

2. Tập luyện phát triển tình yêu thương

Trong sự luyện tập này, chúng ta học hỏi triển khai và giữ gìn một trái tim đầy nhiệt huyết và tình cảm gần gũi với những chúng sinh không ngoại trừ một người nào cả. Tình yêu thương này làm cho tinh thần của chúng ta thanh khiết và thăng bằng, và chuẩn bị một nền tảng cho phép làm nảy nở tình thương, biết yêu thương và lo nghĩ cho tất cả chúng sinh. Thông thường, tinh thần chúng ta mất thăng bằng khi cảm thấy quá gần gũi một người nào do bởi sự ràng buộc hay quá cách biệt đối với những người khác do bởi sự giận dữ thì không thể nào trái tim cao quý Bồ đề tâm lại hiện ra trong một tinh thần mất thăng bằng như thế. Tinh thần mất thăng bằng này là từ nguồn gốc của tất cả những vấn đề trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Có thể chúng ta nghĩ những người nào đó là những kẻ thù của chúng ta, bởi vì họ đã làm cho chúng ta đau khổ và như vậy làm sao chúng ta có thể thực hành và gìn giữ một con tim đầy nhiệt huyết và một tình cảm gần gũi với những người đó. Cách suy nghĩ như thế chưa đúng. Hãy suy nghĩ những người mà chúng ta nghĩ là kẻ thù, có thể trong những đời kiếp trước là những bà mẹ của những cuộc đời trước đây của chúng ta. Bà mẹ của những cuộc đời trước và bà mẹ của cuộc đời này, tất cả đều là những bà mẹ của chúng ta. Tất cả bà mẹ của những người này hay những người khác hay mẹ của chúng ta đều lo chăm sóc tử tế đồng đều đối với chúng ta.

Nghĩ rằng những bà mẹ của các đời quá khứ không còn là mẹ của chúng ta chỉ vì một lý do giản dị rằng thời gian đã quá lâu từ lúc các bà mẹ đó nuôi nấng và chăm sóc chúng ta thì thật là một lý do không đúng đắn. Nếu bà mẹ hiện thời chết ngày hôm nay thì bà không còn là mẹ của chúng ta nữa sao. Không! Chúng ta luôn luôn xem bà là mẹ của chúng ta mãi mãi và cầu xin cho bà được an vui hạnh phúc. Điều đó giống như tất cả những bà mẹ của những kiếp trước. Các bà đã chết nhưng vẫn là mẹ của chúng ta. Lý do duy nhất là do sự xuất hiện bên ngoài qua nhiều đời nhiều kiếp khiến chúng ta không thể nhận biết nhau. Mỗi khi chúng ta gặp một người, chúng ta nghĩ rằng “Người này là mẹ của chúng ta”. Bằng cách này, chúng ta làm nảy sinh trong ta một tình cảm đầy nhiệt huyết và sẽ tự cảm thấy gần gũi với tất cả chúng sinh một cách đồng đều. Sự tin tưởng tất cả chúng sinh đều là những bà mẹ là một sự thông thái khôn ngoan vì sự tin tưởng đó cho thấy đối tượng có một ý nghĩa thật sự, nghĩa là tất cả chúng sinh đều là bà mẹ của chúng ta. Nhờ sự tin tưởng và hiểu biết này, ở đời sống hiện tại cũng như vô số cuộc sống tương lai của chúng ta sẽ có được nhiều ý nghĩa. Chúng ta đừng bao giờ quên sự tin tưởng này, đó là một quan điểm lợi ích.

Chúng ta tham thiền theo cách như sau: “Không thể nào tìm thấy sự khởi đầu qua không gian và thời gian Chân tâm (Bản lai hay Phật tánh) của tôi, nên tôi dùng sự kiện vô số những sự tái sinh trong quá khứ. Đã có vô số sự tái sinh, tôi ắt phải có vô số những bà mẹ. Hiện giờ, những bà mẹ đó ở đâu? Đó là tất cả những chúng sinh hiện thời đang sống ngày nay”. Sau khi tham thiền điểm này bằng cách lặp đi lặp lại, chúng ta triển khai ý tưởng sâu xa rằng tất cả chúng sinh đều là những bà mẹ của chúng ta. Tiếp theo, chúng ta thiền định trên ý tưởng này.

• Lòng nhân từ của chúng sinh

Sau khi đạt được ý tưởng cho rằng tất cả chúng sinh đều là những bà mẹ của chúng ta và tham thiền đến lòng nhân từ bao la mà chúng ta đã nhận được từ mỗi người trong kiếp là mẹ chúng ta. Chúng ta biết lòng yêu thương bao la của những bà mẹ dù ở đâu, nơi này hay xứ khác, dù giàu sang hay nghèo khổ, trong mọi hoàn cảnh nào tình mẹ luôn là thể hiện lòng yêu thương nhân từ vô bờ bến. Bao nhiêu sách vở văn chương qua bao đời, qua bao đất nước ca tụng tình mẹ này. Từ bi hỷ xả cũng là cách mà cha mẹ dành cho con cái cả cuộc đời. Ngày nay, chúng ta có thể thực hành Phật pháp và cuối cùng đạt đến được giác ngộ cũng là nhờ vào lòng nhân từ của bà mẹ, bởi vì không có người nào đã là mẹ chúng ta trong thời nay hay thời gian khác, trong suốt những cuộc đời quá khứ mà không luôn đối xử tử tế giống như bà mẹ hiện thời của chúng ta.

Lòng nhân từ của chúng sinh không tự giới hạn trong thời kỳ họ là mẹ của chúng ta. Chúng ta trong cuộc sống hàng ngày luôn đều đặn nhận được lòng nhân từ của những người khác. Ngay khi sinh ra, chúng ta đã nhận được từ nhà ở, thức ăn, áo mặc và tất cả những gì chúng ta cần. Xung quanh cuộc sống chúng ta, những tiện nghi, xe cộ, đường sá, phương tiện vận chuyển, tiệm ăn, khách sạn, thư viện, trường học, nhà thương, siêu thị… Tất cả những thứ đó đều sẵn sàng cho chúng ta, dù rằng chúng ta chỉ đóng góp một ít hay không đóng góp gì cả trong sự sản xuất này. Điều đó chỉ rõ cho chúng ta thấy lòng tốt to lớn của những người khác.

Nhân danh là con người, khi tu tập chúng ta có thể đạt đến hạnh phúc cao quý của sự giác ngộ, và con đường đi đến giác ngộ này được chỉ bày bởi lòng từ bi dành cho tất cả chúng sinh của Đấng giác ngộ. Như thế, tất cả chúng sinh đối với chúng ta đều quý giá vô cùng và là lòng nhân từ to lớn.

Hiểu được và suy nghĩ đến điều đó, chúng ta làm nảy sinh một tình cảm nhiệt thành và cảm thấy gần gũi với tất cả chúng sinh, không ngoại trừ một ai, với một phương cách đồng đều. Trong khi tham thiền và thiền định, chúng ta giữ một tấm lòng nhiệt thành và chúng ta sẽ tự cảm thấy luôn gần gũi với từng chúng sinh trong tất cả mọi tình trạng.

3. Tập luyện tình thương yêu và lo nghĩ đến những người khác

Sự luyện tập này gồm hai giai đoạn:

a. Tự đặt mình bình đẳng với những người khác

Học tập thương yêu và lo nghĩ đến những người khác là giải pháp tốt nhất giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Đó là nguồn gốc của hạnh phúc và gia tài tốt lành cho tương lai chúng ta. Thương yêu và lo nghĩ người khác có 2 trình độ: Thứ nhất như yêu thương và chăm sóc cho người thân hay bạn trong gia đình. Thứ hai như yêu thương và chăm sóc cho chính mình. Hai mức độ này khác nhau. Khi lo nghĩ cho chúng sanh như chính mình, chúng ta phát triển sâu xa được lòng từ bi, đó là con đường nhanh chóng đưa đến sự giác ngộ và là một trong những điểm chính của Phật giáo Tây Tạng.

Để tập luyện tự đặt bình đẳng với những người khác, chúng ta thực hành tham thiền như sau bằng cách nghĩ đến: “Tôi phải có ý tưởng rằng hạnh phúc và sự tự tại an vui của tất cả chúng sinh cũng quan trọng giống y như hạnh phúc và sự tự tại an vui của riêng tôi bởi vì:

• Tất cả chúng sinh đã làm bằng chứng về một lòng nhân từ rộng lớn với tôi trong cuộc đời này và trong những đời trước của tôi.

• Tôi không muốn sống với một đau khổ nào cả và chỉ mong muốn hạnh phúc. Tất cả như tôi, tất cả những người khác cũng đều muốn như tôi. Như thế, tôi không khác biệt một chút nào so với những người khác.

• Tôi là một người, trong khi đó người khác là vô số. Như thế, làm thế nào tôi có thể chỉ lo nghĩ đến mình tôi mà bỏ quên tất cả những người khác. Hạnh phúc và sự đau khổ của tôi không nghĩa lý gì so với hạnh phúc và sự đau khổ của vô số chúng sinh khác”.

Chúng ta thực hành sự tham thiền này và thiền định liên tục cho đến khi chúng ta nghĩ một cách đều đặn rằng hạnh phúc và sự tự do an bình của tất cả chúng sinh đều là quan trọng giống như hạnh phúc và sự tự do an lạc của riêng mình. Đó là sự thực hiện tự đặt mình bình đẳng với những người khác.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 68
    • Số lượt truy cập : 6127363