Thông tin

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN BỒ ĐỀ TÂM TRONG PHẬT GIÁO TÂY TẠNG

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN BỒ ĐỀ TÂM TRONG PHẬT GIÁO TÂY TẠNG

 

MINH HIỀN - MINH BẢN

 

 

Lời mở đầu: 

Các tài liệu trong bài viết này hoàn toàn dựa trên những tư tưởng, lời dạy, giảng giải và những chỉ dẫn phương pháp tu tập của Thiền sư Tây Tạng danh tiếng, ngài Gue/she/ Kelsang Gyatso hiện đang sống tại Âu châu.

Tóm lược tiểu sử của Thiền sư Gue/she/ Kelsang Gyatso

Gue/she/ Kelsang Gyatso, sinh năm 1931, tại Tây Tạng, từ năm 8 tuổi đã theo học đạo tại các tu viện và đại học ở Tây Tạng trong suốt 20 năm và đạt cấp bậc Gue/she/  (Thượng tọa). Năm 1959, ngài đến ở Thiền viện tại Buxar, Ấn Độ. Sau đó, ngài rời Buxar để đến Mussoorie miền núi Ấn Độ để dạy học. Theo hướng dẫn của người thầy là Kyadje/ Tridjang
Rinpoche, ngài đã đi thiền định trong miền núi Hy Mã Lạp Sơn trong suốt 18 năm.

Năm 1977, được mời dạy tại Viện Manjushi tại Ulverton Anh quốc và sau đó rời khỏi nơi này để thành lập Truyền thống mới của Phật giáo Đại thừa Mật tông Tây Tạng vào năm 1991 với hơn một ngàn trung tâm gồm những nhóm người thực hành thiền định khắp các nước trên thế giới, trong đó Ngài thiết lập ba chương trình nghiên cứu tập luyện tâm linh. Đến nay, ngài đã giảng dạy và viết mấy chục cuốn sách về lý thuyết, quan niệm, phương pháp thực hành Thiền của Phật giáo Tây Tạng.

Năm 1997, Ngài đến dạy ở Trung tâm Thiền định Phật giáo Đại thừa Mật tông Tây Tạng Manjushi ở Anh quốc, số phật tử ngày một đông, trong các lễ hội quốc tế có hàng ngàn người từ các nơi trên thế giới đến tham dự. Ngài cũng đã đào tạo hàng trăm giáo sư với phẩm chất cao và một cộng đồng to lớn cho nam và nữ tu sĩ.

Vào tháng Giêng năm 1987, khi ngài đến Tharpaland ở miền Nam xứ E/cosse và ở ẩn trong 3 năm. Giữa những buổi thiền định, ngài đã viết nhiều cuốn sách như:

- La voie joyeuse de la bonne fortune (Con đường mang lại niềm vui của vận mệnh).

- La compassion universelle (Từ bi Phổ quát).

- La Manuel de Me/ditation (Cẩm nang Thiền định).

- Introdution an Bouddhisme (Dẫn nhập đạo Phật).

- Le Guide du pays des Dakinis. 

...

Trong những lời giảng dạy, Gue/she/ Kelsang Gyatso nhấn mạnh đặc biệt về sự thiền định và những phương cách áp dụng trong đời sống hàng ngày nhằm đem lại sự phát triển tuệ giác, sự hiểu biết, tâm từ bi, khiến tinh thần chúng ta được an lạc và có được hạnh phúc, an bình nội tâm trong cuộc sống.

I. Bồ Đề Tâm là gì?

1. Định nghĩa và khái quát

Bồ Đề Tâm được gọi là Giác tâm là Tâm hướng về giác ngộ, Tâm trong giác ngộ hay Tâm của sự giác ngộ. Định nghĩa theo Phật giáo Tây Tạng thì Bồ đề tâm có hai dạng, tương đối và tuyệt đối.

Bồ đề tâm tương đối được chia làm 2 cấp:

- Xuất phát từ lòng từ bi chân thật, người tu hành hướng về tất cả chúng sinh quyết tâm tìm giải thoát để cứu độ.

- Nhận biết sự cần thiết phải đạt tới giác ngộ viên mãn qua thực hành thiền định để mang lại lợi ích cho muôn loài.

Bồ đề tâm tuyệt đối chính là sự chứng ngộ về Tính không, từ lúc người tu hành trực nhận được tính không thì tâm thức nội tại lúc ấy chính là Bồ đề tâm tuyệt đối.

Theo truyền thống Mật tông Tây Tạng thì Bồ đề tâm là một sự thật cụ thể, sự thực hành Bồ đề tâm này có thể đưa đến một dạng giác ngộ mà toàn thân thể người tu hành có thể cảm nhận thật sự được.

Phật giáo Tây Tạng cũng được gọi là Lạt-ma giáo, là một hệ phái Phật giáo thuộc Phật giáo Đại thừa, được truyền bá nhiều nơi gần Hy Mã Lạp Sơn, đặc biệt ở Tây Tạng. Đặc trưng Phật giáo Tây Tạng là sự trộn lẫn của các giới luật của Thuyết nhất thiết hữu bộ và các phép tu của Kim Cương thừa. Các dòng tu quan trọng của Tây Tạng thường có một hệ thống gồm các tu viện, đồng thời cũng khởi nguồn từ các vị Đại thành tựu. Về mặt lý thuyết, ngoài A-tì-đạt-ma, Phật giáo Tây Tạng còn dựa vào các giáo pháp Đại thừa của ngài Long Thọ và Vô Trước, xem đó là hai lý thuyết căn bản mà đặc biệt là triết lý Trung quán cụ duyên của ngài Luận sư Nguyệt Xứng được xem trọng hơn hết. Ngoài ra, luận lý học cũng được đưa vào để luận giải các vấn đề có tính giáo khoa. Đặc biệt, các phép tu Tantra (Đạo giáo theo luật thiên nhiên) thường được dùng để biến các kiến thức lý thuyết thành kinh nghiệm bản thân. Phật giáo Tây Tạng tin tưởng vào sự đầu thai và sự tái sinh của con người.

Năm chủ đề quan trọng phải được học hỏi nghiên cứu trong một thiền viện tại Tây Tạng trước khi đạt được danh hiệu Gue/she/  gồm: Bát nhã Ba la mật đa, Trung quán, Nhân minh hoặc Lượng học, A-tì- đạt- ma và Luật lệ Phật giáo.

2. Tinh thần  cao quý của Bồ đề tâm

Từ sự phát triển tình yêu thương và lo nghĩ về những người khác đến việc thực hành “lấy” và “cho” làm phát sinh bên trong chúng ta một sự thành quả  đặc biệt của Bồ đề tâm. Bồ đề tâm sinh ra từ lòng từ bi phổ quát hay là “Đại bi”, nó phụ thuộc vào tình thương yêu và lo nghĩ đến người khác, là lòng từ bi chân thật với bản năng tự nhiên rộng mở đến tất cả chúng sinh không có giới hạn, nó khác lòng từ bi thông thường là có giới hạn. Tình thương yêu và lo nghĩ có thể so sánh như với một đồng ruộng lúa, lòng từ bi so với những hạt lúa, “lấy và cho” so sánh với những phương pháp gieo trồng cho những hạt giống và để Bồ đề tâm đạt được thành quả bội thu ở mùa gặt.

Trong chữ Bồ đề tâm, Bồ đề ở đây có nghĩa là giác ngộ, còn tâm có nghĩa là tinh thần. Như thế Bồ đề tâm có nghĩa là “tinh thần giác ngộ”. Theo định nghĩa, đó là một tinh thần được khích lệ bởi đại bi đi tìm giác ngộ một cách tự nhiên để giúp đỡ trực tiếp chúng sinh. Việc thực hành, luyện tập theo những chỉ dạy để tiến bước trên con đường đạt đến Bồ đề tâm sẽ làm sinh ra bên trong chúng ta lòng đại bi hay lòng từ bi phổ quát, có nghĩa là sự mong muốn bảo vệ một cách tự nhiên cho tất cả chúng sinh đối với sự đau khổ, lòng đại bi này phải luôn có tuệ giác hiểu rõ về bản chất của khổ đau, khổ đau của chính mình và người khác. Không có đại bi, Bồ đề tâm không thể nào biểu hiện trong tinh thần của chúng ta. Ngược lại, khi chúng ta có đại bi mà đặc biệt là đại bi được sinh ra do sự thực hành trao đổi chính mình với những người khác thì Bồ đề tâm đó sẽ tự xuất hiện một cách tự nhiên.

Trong giáo pháp của đức Phật, tinh thần từ bi, thương xót chúng sanh là bản thể của Phật pháp, phát triển thiện tâm, Bồ đề tâm giúp con người hoàn thiện chính mình. Bồ đề tâm là phần tốt nhất chúng ta có thể có được và là phẩm chất cao cả nhất mà chúng ta có thể phát triển.

Chúng ta thường nghĩ, một người tử tế với bạn bè, chăm sóc cha mẹ chu đáo, và “cho” không tính toán để làm các việc thiện là người tốt. Nhưng những hy sinh cao cả hơn như hy sinh cả cuộc đời để làm nhẹ bớt và cứu vớt những khổ đau cho các sinh vật cảm thọ, tất cả nhờ vào sức mạnh của Bồ đề tâm. Nếu chúng ta có Bồ đề tâm, những trạng thái tinh thần tiêu cực như buồn rầu, giận dữ, tham lam, ghen ghét v.v… sẽ không tác động được vào chúng ta. Nếu chúng ta không tìm thấy được một công việc lương cao hay  một ngôi nhà vừa ý hay có những người bạn tốt chúng ta không cảm thấy nghịch ý, khó chịu. Chúng ta sẽ tự nhủ rằng “Sự mong muốn chính của tôi là mong cầu giác ngộ, những tìm kiếm tầm thường dù sao đi nữa cũng còn liên hệ đến sinh tử luân hồi”. Với một tinh thần tinh tấn mạnh mẽ sẽ không cho ý tưởng thương hại chính mình hay đổ thừa trách nhiệm người khác và không có gì cản trở sự tiến bước chúng ta hướng đến giác ngộ. Hơn nữa, với tinh thần vị tha cao cả của Bồ đề tâm, chúng ta sẽ thực hiện nhiều công việc, nhiều hành động xứng đáng làm lợi ích cho những người khác, và từ những điều này sẽ phát triển khả năng thích ứng để giúp đỡ người khác được thành công.

Chúng ta cần phải tham thiền về những lợi ích của Bồ đề tâm cho đến khi cảm nhận sâu xa sự tăng trưởng tinh thần quý giá này. Việc tham thiền phát triển Bồ đề tâm này từ bốn mặt: 1/ Kết quả của các công phu thực hiện, 2/ Sự phát triển sâu sắc hơn tuệ giác của mình, 3/ Nhớ ơn của bậc thầy hướng dẫn, 4/ Cố gắng liên tục hay tinh tấn trong thực hành.

Kết quả việc tham thiền phát triển Bồ đề tâm này giúp chúng ta có cơ hội quý giá để đạt được cuộc sống hạnh phúc, có được trí tuệ, thấu rõ Phật pháp.

(Còn tiếp)

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6058400