Thông tin

CON ĐƯỜNG MANG TÊN CHÂN LÝ

CON ĐƯỜNG MANG TÊN CHÂN LÝ

 

HÀNG CHÂU

 

 

Bến Tre, cái tên giản dị ngọt ngào nơi vùng đất phù sa kiên cường, thanh lịch với rừng dừa lấp lánh ánh nắng ban mai trải dài trên những tảng lá mượt mà xanh ngát. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Tiểu đoàn 307 “đánh đâu được đấy, oai hùng biết mấy”, đã làm lễ xuất quân đầu tiên trên mảnh đất Đại điền huyện Thạnh Phú. Huyện nầy nằm ở cù lao Minh cuối dòng sông Cửu Long. Mảnh đất trời cho ấy hình thành từ đất phù sa của hai con sông Hàm Luông và Cổ Chiên, là huyện duyên hải với cánh đồng thẳng tắp xen lẫn những giồng cát và khu rừng ngập mặn. Ở ven biển, ven sông là những dải rừng ráng, chà là, tràn ngập dừa nước, chen chúc hàng bần.

Quê anh ở vùng đất có truyền thống yêu nước chống quân xâm lược, hầu hết người dân đều có mặt trong đội nghĩa quân của tỉnh Bến Tre anh hùng.

Gia đình anh có 7 anh chị em. Anh là người con đứng hàng thứ tư. Trong những năm đất nước khói lửa ngất trời, người cha cùng với bà con tỉnh nhà, cầm tầm vông vạt nhọn xung phong lên đường cứu nước. Mẹ anh vừa mớm sữa nuôi con, vừa tham gia làm giao liên cho cách mạng. Những giờ phút vắng bóng mẹ, lũ trẻ líu lo quấn quít níu áo ông bà. Nội ngoại là tình thương với ánh mắt trìu mến, với lời nói ngọt ngào đã un đúc tình yêu gia đình còn quê hương đất nước vào trong lòng anh từ tuổi ấu thơ. Thỉnh thoảng có dịp tạt ngang nhà, anh ôm người cha phong trần dải nắng dầm mưa, rồi khẽ hỏi:

- Ba ơi! Chừng nào ba được về luôn với anh em con hả ba?

- Bao giờ bình yên, không còn tiếng súng con ơi!

Thời gian cứ theo luật đất trời, trôi đi ngày sang tháng sang năm, anh đã là thanh niên. Phụ mẹ nuôi các em làm thợ hồ xây dựng nhà rồi lập gia đình theo lứa tuổi ở chốn đồng quê. Thu qua, xuân đến, hai đứa trẻ kháu khỉnh lần lượt chào đời, hạnh phúc trong ngôi nhà rách lá đơn sơ.

Đất nước Việt Nam ở sát cạnh biên giới với nước bạn láng giềng Campuchia, từ Hà Tiên dài theo An Giang với hàng cây thốt nốt, lên đến tận Tây Ninh có ngọn núi Bà đen cao ngất hình chóp như chiếc nón lá bài thơ vào mừa đông giá lạnh phủ mờ sương mộng mơ huyền ảo.

Thật không thể tưởng tượng nổi, chiến tranh bùng nổ trên đất chùa tháp, mảnh đất có nền văn hóa cổ với tượng đài Ăng Co, Đế Thiên Đế Thích ngây ngất hồn người, bọn Pôn Pốt điên cuồng chủ trương âm mưu diệt chủng. Họ tàn sát chính người dân cùng máu mủ với họ. Đất nước Campuchia chơn chất, ngập tràn trong lửa đạn. Máu đổ thịt rơi từ thôn quê hẻo lánh lan tràn đến chốn thị thành.

Những ánh mắt cảm thông, tiếng thở dài đau xót của người dân Việt Nam khi đất nước nầy vừa dứt chiến tranh từng bước ổn định đời sống, thì người bạn láng giềng đang ngả nghiêng dưới lằn tên mũi đạn. Đang là viên chức ở chánh quyền xã, trước lời kêu gọi chia sẻ đau thương, anh hăng hái tình nguyện lên đường nhập ngũ theo đoàn quân thiện nguyện sang giúp bạn.

Gấp rút thời gian, đoàn quân đi trong đêm tối không một vì sao, xuyên qua cánh rừng già với hàng cây cổ thụ trăm năm, nhành lá xum xuê đen ngòm như đêm ba mươi. Từng bước chân êm ru của những người chiến sĩ trẻ, tia mắt sáng quắc như chọc thủng màn đêm vào chiến trường trọng điểm ở đất chùa tháp.

Anh tác chiến tại mảnh đất Kong pông chàm, nhà miền quê mái lá mưa thưa, bọn Pôn Pốt đốt sạch. Ruồng đồng trơ trọi, hạt lúa không còn. Người chết nằm ngang dọc trên con đường làng. Bên hông nhà, cây đổ ngổn ngang, bó lúa cháy xác xơ, chỉ còn trơ trụi đống than đen ngòm. Anh núp vò ụ đất, ôm cây súng trường dài nằm sẵn sàng nhả đạn. Hai người chiến sĩ gần đấy cũng với tư thế, ánh mắt không chớp tìm cơ diệt địch. Rồi đại đội của anh chuyển địa bàn núi Kim Cương, khu núi rừng nầy âm u với rắn rít khí hậu độc chết người, nhất quyết phải tiêu diệt địch, kiên cường giúp bạn.

Sau ba năm nghĩa vụ chiến đấu khốc liệt ở chiến trường K, anh được giải ngũ trở về quê nhà với những vết trọng thương, vết thương hằn trên thể xác và vết thương trong tâm hồn anh.

Có những ngày không đếm thời gian, anh lang thang theo con đường mòn ven sông, không định hướng. Trong đầu anh mà như trước mắt anh, những tên lính Pôn Pốt chém ông già, chặt đầu thanh niên, xé xác hài nhi mà bọn chúng cho là người di truyền nòi giống, giết, giết cho sạch người có trí tuệ và gieo mầm sống. Anh đã trông thấy và thét như điên lên, tâm trí rối loạn mất rồi! Trời ơi! Tại sao bọn chúng là loài ác thú thời tiền sử?

Khách du lịch đến đất Campuchia, họ đã được đến tham quan nhà tù Stung leng, hình dáng như là trường phổ thông trung học. Vào từng phòng, khách thấy từng đống cao ngất xương người chồng chất, những đầu lâu mắt sâu hoắm, xen lẫn xương tay chân. Trên tường, từng dãy chi chít đeo thẻ bài theo thứ tự từ trên xuống ông bà, cha mẹ, chồng con. Vị nữ giám đốc Bảo Tàng K cho biết gia đình chị bị giết tất cả, độc nhất chỉ còn mỗi một mình. Chị thuyết minh cho đoàn khách văn hóa Việt Nam sau ánh mắt u sầu ngàn thu ngấn lệ. Bộ trưởng Bộ Văn hóa K, kể lại, ông thoát chết nhờ trà trộn trong số nông dân nhuốm đầy bùn, chạy níu thở cố tránh lằn đạn bọn diệt chủng. Hôm ngang qua tỉnh Kratíc, người già ở đây ngậm ngùi kể lại:

- Dân chúng tôi có 7 triệu người mà bọn ác thú tàn sát trên 3 triệu, gần nửa dân số, chỉ còn đàn bà luống tuổi và trẻ con.

Bọn man rợ thất trận, những người chiến sĩ Việt Nam về nước. Người dân Campuchia đưa tiễn lưu luyến với bao nụ cười và cũng thấm đẫm nước mắt với lòng kính tặng và biết ơn.

Anh gần như bị bệnh trầm cảm, tâm thần. Sức chịu đựng khủng hoảng con người quá sức hạn định. Anh đành chia tay người vợ trẻ vì tự thấy không còn sức lao động và tỉnh trí để làm trụ cột gia đình. Hai đứa con về ở với một để ông bà chăm sóc dạy dỗ. Đời anh như không còn định hướng. Có những lúc loạn trí, anh không tha thiết gì đến cuộc sống. Hình ảnh quá khứ điên loạn cứ hiện lên, chặt đầu, xé xác như thước phim kinh dị. Rồi bệnh tình càng thâm nghiệt ngã, những mảnh đạn còn ẩn trong người, dày vò, nhức nhối mỗi khi trái gió trở trời. Để cố quên đi quá khứ, ngày lễ hội Phật đản và lễ Vu lan, anh theo đoàn người đi lo cảnh chùa. Khi thì về miền Tây, lúc thì lên miền Đông, chiếc xe khởi hành từ Bến Tre qua Mỹ Tho, Long An vào Thành phố Hồ Chí Minh ra Biên Hòa rẽ về Long Thành. Khi vào địa phận huyện Tân Thành thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, anh ngắm nhìn dãy núi dài in trên nền trời xanh, ngây ngất. Chiếc xe đoàn hành hương ngừng ở chân núi. Từng người một nối đuôi nhau quanh co qua những phiến đá khổng lổ chồng chất ngất ngưởng từ ngày tạo thiên lập địa. Họ vào Bửu Tràng Sơn Tự, Chùa Hang Tổ, lên hàng Hàm Rồng – Bưng Lùng, rẽ qua chùa Hang Mai, có đoạn khom lưng, có khoảng phải vịn nhành cây bò sợ trượt ngã, về chùa Tây Phương, ngôi chùa lịch sử có mặt hơn hai thế kỷ.

- Ôi! Huyền diệu thay! Anh thốt lên như bừng sống. Khí hậu trong lành mát dịu, tiếng chuông ngân thanh thoát lan xa, lòng người như không còn vương vấn bụi trần. Mỗi hang động đều có tu sĩ thiền như ẩn dật. Ngôi chùa Hang Tổ mái cong nhỏ có vị thầy và vài ba học trò lập tu. Các vị gần như không tiếp xúc với giồng đời nghiêng ngã nên gương mặt hiền hòa lan tỏa chinh phục lòng người.

Anh thấy tim mình quyến luyến ngọn núi thiên thai nầy như có điều thôi thúc - ở lại nơi đây thôi, đầu óc như giản ra, thanh tịnh. Hồi nhỏ ở quê nhà, bà nội thường dắt con gái đi chùa, là thân con trai phải ở nhà phục vụ cha mẹ làm nương rẫy. Anh không có ý niệm gì về tôn giáo.

Từng bước chân chậm rãi như nghĩ suy, anh vào chùa Tây Phương, gặp ni sư Huệ giác, âm thầm, lặng lẽ, nhỏ nhẹ xin phép được cúi đầu quì lạy dưới Phật đài, đọc từng vần dòng kinh chỉ dạy làm “người”. Từng nắm tóc rơi lả tả trờ về với đất, tim anh như bừng dậy với tấm lòng nhân ái bao la đi theo bước chân trên con đường chân lý của Đức Thích ca Mâu ni.

Thuở ấy, đạo tràng Bửu tịnh thuộc tổ đình Tây Phương là cái thất mái lá đơn sơ của Sư Đức Tánh, quanh co ở lưng chừng ngọn núi Dinh bình yên, thơ mộng. Buổi sáng tinh sương gió lạnh, gà rừng gáy, chim ríu rít ca.

Vị sư trẻ đôi mắt khép kín, tiếng tụng kinh lên bổng xuống trầm hòa củng nhịp chuông lan xa như gieo vào lòng người trái tim đức hạnh.

Một mình giữa ngọn núi cao hoang vu, có lần Sư Đức Tánh nhớ về quê hương Thạnh Phú, nhớ con đường làng nối dài hàng dừa trĩu quả, anh yêu đất nước anh mảnh đất nhỏ bé chiến tranh triền miên, từ đời ông bà cha mẹ, cho đến đời con phải cầm súng giữ nước. Anh thương người dân láng giềng bị bọn dạ thú tàn sát, ngày ấy không ít đồng đội của anh, với tình người giúp bạn phải ngã xuống nơi mảnh đất nầy. Ngày về nước, xóm làng K đưa tiễn với nụ cười và nước mắt, anh quáy nhìn từ giả mà lòng thổn thức giữa người còn sống và người an giấc ngàn thu.

Tiếng thì thầm vang lên từ trái tim nhỏ bé:

- Con xin khấn nguyện, cầu mong trái đất nầy được bình yên. Là người phải có cái Tâm cái Đức. Phải cương quyết dứt bỏ lòng tham mà ngập tràn nhân ái.

Thắm thoắt không ngờ, vậy mà đã 26 năm Sư Đức Tánh gắn bó ơi chốn thiền môn nầy.

Ghi ơn ni Sư Huệ Giác đã hết lòng hướng dẫn người học trò đi theo từng bước chân của Đức Phật – thật nhiệm mầu của thế giới tâm linh.

Con đường đi mang tên “chân lý” tồn tại 2.600 năm trên quả đất nầy, từng bước, từng bước gieo mầm hướng thiện.

Ngày 24-4-2018

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 4
    • Số lượt truy cập : 6126899