CON ĐƯỜNG TỎ NGỘ CỦA THIỀN SƯ OSHO
CON ĐƯỜNG TỎ NGỘ CỦA THIỀN SƯ OSHO
MINH HIỀN
Nhận được cuốn sách do vị bác sĩ kính mến trong nhóm Học Phật tại chùa Xá Lợi cho mượn. Đó là cuốn sách “Phật: Trái tim trống rỗng”, của tác giả OSHO, bản dịch của Pháp Châu, nguyên tác “The Buddha: The Emptiness Of The Heart”, xuất bản năm 2014. Từ tác phẩm này, chúng ta sẽ tìm hiểu con đường tỏ ngộ Phật pháp của tác giả OSHO.
OSHO (1931-1990) một đạo sư, thiền sư của thế kỷ XX, người Ấn Độ, ông là một nhà triết học, một nhà tâm linh… một người có ảnh hưởng lớn đến các tôn giáo thế giới. Ông giới thiệu phương pháp “Thiền năng động”(dynamic meditation), “Thiền tích cực” (active meditation), và các phương pháp này khác với thiền Phật giáo trước đây. Ông cho phương pháp này đưa con người vào thiền định một cách tự nhiên hơn những phương pháp xưa là tỉnh tọa tìm sự an định và tập ngưng bặt các ý tưởng.
OSHO đã để lại hàng trăm cuốn sách và các bài thuyết giảng khắp nơi, OSHO theo tiếng Nhật Bản cổ xưa có nghĩa là “Đạo sư”. Có thể kể một số tác phẩm của ông đã được dịch như:
1. The Book Of The Secrets 1974 : Quyển sách của những bí mật.
2. The Secret Of Secrets 1978: Bí mật của những bí mật.
3. The Hidden Harmony 1976: Sự hòa hợp ẩn núp.
4. The Everyday Meditation: Thiền định hằng ngày.
5. Teach Fearlessness: Dạy cách không sợ hãi.
6. The White Lotus: Hoa sen trắng.
7. Life, love, laughter: Cuộc sống, tinh yêu, nụ cười.
8. The Empty Boot: Khởi động sự trống rỗng.
9. The Search: Sự tìm kiếm.
10. The Journey Of Being Human: Cuộc hành trình của con người.
11. Sex Matters: From Sex To Superconciousness: Vấn đề tình dục: Từ tình dục đến ý thức siêu việt.
12. The Path Of Love: Con đường của tình thương.
13. Inner War And Peace: Timeless Solutions To Conflict From: Bên trong chiến tranh và hòa bình: Giải pháp vượt thời gian đến xung đột.
14. Yoga, The Science Of Soul: Yoga, khoa học của tâm hồn.
15. TANTRA: The Supereme Understanding: TAN TRA: Sự hiểu biết siêu việt.
Trong phương pháp của OSHO đi đến sự chứng ngộ, ông cho chứng ngộ không phải là một thành tựu vì nó là điều bạn đã có rồi, đó không phải là việc tìm kiếm khó khăn vì Phật đã có sẵn trong ta, chỉ cần một ít nhận biết, một chút xoay vào… và không được làm điều này một cách thúc ép, các dòng tư tưởng cứ để nó tự nhiên lắng đọng và sự thật sẽ hiển bày. Ông cho con người ai cũng có thể đạt được sự tỏ ngộ này nhưng do lòng mong cầu vô tận, dục vọng trong cuộc sống triền miên, con người mất đi sự bình an, hạnh phúc, muốn đạt được tỏ ngộ này phải vượt qua lo âu và ức chế và phương tiện thực hành là sự thiền định. Ông viết:
“…Hãy làm mọi việc một cách thoải mái và không thúc ép thì sau một thời gian, sự đổ xô của dòng tư tưởng cả trong lẫn ngoài sẽ tự nhiên lắng xuống và mặt thật sẽ tự biểu lộ”.
“…Bây giờ cả thân thể và tâm trí đã thoát khỏi mọi động cơ, luôn hiện ra như hư không và tuyệt đối như nhiên, chiếu sáng như ánh sáng của Thiên đàng. Ngay tại trung tâm của cái trải rộng bao la thuộc những cái phi thường thì không cần đánh bóng hay lau chùi. Điều này vượt ngoài mọi quan niệm, vượt ngoài tồn tại và không tồn tại”.
“…Hãy bỏ lại hết những cái đã biết, cái đã thấy và cái đã nghe và đi thẳng vào cái vĩ đại của không gian đó. Khi các ông đến được cái mênh mông đó, không có một hạt bụi nào về đạo Phật trong tim các ông. Và khi không có một hạt bụi kiến thức nào về các ông, các ông sẽ có cái nhìn đúng về chư Phật và chư Tổ. Cái bản tính chân thật (chân tánh) giống như sự mênh mông của không gian, nó chứa mọi thứ. Ở đó mọi tôn giáo đều bằng nhau, không có gì đặc biệt là của các ông, không trong không ngoài, các ông hợp với cao với thấp, với vuông, với tròn, nó là như vậy.
Sự trống rỗng của biển cả cho phép những con sóng vỗ, sự trống rỗng của thung lũng tạo nên những tiếng vọng, sự trống rỗng của trái tim tạo nên một vị Phật. Khi trái tim các ông trống rỗng, mọi thứ hiện ra như trong gương, sáng chói mà không có sự phân biệt nào về chúng. Sống chết chỉ là ảo tưởng, tất cả chư Phật đều đồng một thể”.
Con đường chứng ngộ của OSHO là buông bỏ tự nhiên, không thúc ép, không can thiệp vào dòng tư tưởng, hãy như một kẻ đứng bên đường nhìn vào dòng xe cộ chạy qua lại từ sáng đến chiều, từ ngày này qua ngày tháng, thản nhiên, vô tư nhìn chúng và đến lúc nó sẽ tự nhiên vắng bặt. Khi đó trong cái không trống rỗng đó, trí tuệ bát nhã sẽ tỏ bày, cái chân tánh hiển lộ đó là khoảng mênh mông, mà không có những đối đãi nhị nguyên của tục đế. Chân tánh đó nguồn gốc tự đã có sẵn trong ta. Nói như theo kinh Lăng nghiêm, nó không phải do nhân duyên sanh mà cũng không do tự nhiên sanh, nó viên tròn, thanh tịnh lan tràn có sẵn khắp nơi.
Khi đạt đến thiền điểm đó lòng không mong muốn, không còn khởi nghi, tất cả là trống rỗng là không ngã sở, ngã chấp... là vô ngã và không ý nghĩ (vô niệm). Trong sự trống rỗng ấy của trái tim, OSHO cho là lúc ta tạo nên một vị Phật, là một bước tỏ ngộ trên con đường thiền chứng ngộ.
Bản thân trong hiện tại ấy chứa đựng tất cả: pháp thân, giải thoát, trí tuệ bát nhã, Phật, các cõi nước Phật, đó là chân tánh, chân tánh đó sáng rực rỡ và thể hiện qua các khả năng thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, chạm và tư duy qua các uẩn của con người. Các uẩn thì vô thường nhưng chân tánh thì không sinh, không diệt, vượt khỏi có, không, mọi khái niệm.
Theo OSHO, phương pháp đưa đến giác ngộ ra việc thực hành thiền định, nhưng hiểu thiền như thế nào, ông viết:
“Thiền không phải là một điều gì huyền bí, nó chỉ là một cú đánh và xuyên qua. Nếu các ông chặt đứt hết nghi ngờ, tiến trình sống chết sẽ bị cắt đứt một cách tự nhiên”.
Một cú đánh và xuyên qua, với ngụ ý thiền sinh phải biết chỗ nào của mình để đánh và xuyên qua được, nó không có gì huyền bí nhưng phải nhận diện chỗ nào của mình thì chỉ cần gõ vào đúng lúc đúng chỗ mọi việc tỏ bày không có gì bí ẩn. Mọi người phải tìm chỗ đó bằng cách đi sâu hơn vào chính mình, nhìn xem ánh sáng đến từ đâu, cuộc sống từ đâu đến và rồi di chuyển về hướng đó mà không sợ hãi.
Để chặt đứt hết nghi ngờ, ông giải thích:
“Hành Thiền không phải để làm rõ những khái niệm sai biệt mà là để quăng bỏ những định kiến, quan niệm, kinh sách thiêng và vân vân… để xuyên vào những lớp bao phủ lên suối nguồn của tự tính nằm phía sau chúng. Tất cả những bậc thánh hiền đều quay vào trong và đã tìm thấy tự tính và do vậy, vượt thoát mọi nghi ngờ”.
“…Kẻ kiên quyết tầm đạo phải, ngay từ lúc đầu, không được để mất dấu nó, dù ở nơi yên tĩnh hay nơi ồn ào và kẻ đó không được bám vào những nơi yên tĩnh và lánh xa nơi xao động”.
“Nếu kẻ nào cố trốn tránh những nơi rắc rối bằng cách chạy vào những nơi yên lặng, kẻ ấy sẽ rơi vào hắc đạo”.
Như vậy, Thiền của OSHO là phải buông bỏ, phải quay vào trong tự chính mình để tìm kiếm tự tính và vượt thoát nghi khởi, phải tinh tấn miên mật và đối đầu chủ động, không lìa bỏ thế gian mà lìa bỏ cái tôi của bạn để bạn có thể tìm thấy trái tim trống rỗng. Trái tim trống rỗng là sự thuần khiết, sự tinh bạch của bạn. Trái tim trống rỗng này là cánh cửa mở vào vũ trụ và vào cái vĩnh hằng.
Không trốn tránh những rắc rối bằng cách chạy vào những nơi yên lặng, đây là cách hành thiền tích cực (Active Meditation) hay năng động (Dynamic Meditation) của OSHO. Những rắc rối ở đây là những đam mê, những ham muốn, OSHO cho “không ghét bỏ những đam mê, nó đơn giản làm trái tim mình thuần khiết”. Nếu bạn bước vào cuộc chiến với đam mê, bạn sẽ thua. Đừng bực mình, lo lắng bởi những đam mê, bởi những ham muốn mà hãy tìm trái tim trống rỗng và sự thuần khiết, thì mọi đam mê, mọi ham muốn sẽ được chuyển hóa. Đây là chuyển hóa năng lực của đam mê, ham muốn, dục vọng thành động lực của giác ngộ. Phép thiền này tin rằng con người sẽ vượt qua sự ức chế bằng cách đối trị nó, nếm trải nó và hiểu nó cuối cùng cũng chỉ là “không” thì mới vượt qua nó được, trong khi hành trì thiền định quán tưởng người đam mê và đối tượng đam mê đều là “không” thì sẽ đạt chứng ngộ.
Đến đây, chúng ta thấy thiền của OSHO khác với tu thiền Phật giáo là phải Giới - Định - Tuệ, không cần phải theo thứ tự trước sau, nhưng 3 yếu tố đó phải thực hiện đồng hành, buông bỏ một yếu tố nào sẽ dể sa vào lạc đạo.
Kỳ tới, chúng ta tiếp tục tìm hiểu hành thiền của OSHO để đến vô niệm, vô ngã và trình bày cuộc sống của người chứng ngộ trong tác phẩm “Phật: Trái tim trống rỗng”.
(Còn tiếp)
Tin tức khác
- TỪ QUANG TẬP 16 – THÁNG 4 NĂM 2016 (PL. 2560)
- TỪ QUANG XUÂN BÍNH THÂN (TẬP 15) – THÁNG 1 NĂM 2016 (PL. 2559)
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
Bình luận bài viết