Thông tin

CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ VỚI PHONG TRÀO PHẬT GIÁO

MIỀN NAM VIỆT NAM NĂM 1963

 

NNC. LÊ CHÍNH TÂM Nhà nghiên cứu Huế
TS. LÊ THÀNH NAM Khoa Lịch sử,
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế


Trong lịch sử phát triển 2.000 năm của Phật giáo Việt Nam, phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 được xem là một mốc son chói lọi: “Từ sau thời đại Lý - Trần đến nay, trong nhiệm vụ phục vụ Dân tộc và Đạo pháp của Phật giáo Việt Nam chưa có sự kiện nào có qui mô và có tiếng vang rộng lớn như phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963”(1). Đối với dân tộc, phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 “bước đầu góp phần làm phá sản chính sách can thiệp của Mỹ ở Việt Nam, tạo đà cho phong trào cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi trọn vẹn trong Đại thắng mùa Xuân 1975”(2). Và điều khẳng định, phong trào “đã ghi đậm nét trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân miền Nam”(3). Do vậy, phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 “là một đề tài lịch sử rất đáng được nghiên cứu cho dù phải mất nhiều công sức sưu tầm và xử lý tư liệu”(4) nhằm “làm sáng tỏ những ẩn số đang gây tranh cãi giữa các nhà chính trị - xã hội, những người nghiên cứu có quan điểm, tư tưởng khác nhau, thậm chí đối địch nhau”(5).

Từ cách tiếp cận vấn đề như đã nêu, đòi hỏi chúng ta cần phải đi sâu nghiên cứu phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 về nhiều phương diện với nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Tham luận này chỉ giới hạn trong việc tìm hiểu “Cộng đồng quốc tế với phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963”.

Trên bình diện quốc tế, ngay trong đêm 6-5-1963, sau khi nhận được Công điện 9195 của chính quyền Ngô Đình Diệm với nội dung cấm treo cờ tôn giáo, thực chất là cấm treo cờ Phật giáo thế giới vào dịp Đại lễ Phật đản 1963, giới lãnh đạo Phật giáo đã họp hội nghị mật tại chùa Từ Đàm (Huế), nhất trí đánh điện yêu cầu Phật giáo thế giới can thiệp. Bức điện viết: “Cờ Phật giáo bị không cho treo tại các tự viện Phật giáo ngay trong Đại lễ Phật đản quốc tế. Yêu cầu can thiệp với Chính phủ Việt Nam Cộng hòa”(6).

Mặc dầu ở vào một tình thế hết sức khó khăn bởi những mưu toan nham hiểm của chính quyền Ngô Đình Diệm, song cuộc vận động cộng đồng quốc tế, trước hết là các quốc gia Phật giáo, ủng hộ cuộc đấu tranh của Phật giáo vì mục tiêu bình đẳng tôn giáo, tự do tín ngưỡng vẫn đạt được kết quả. Những tin tức về cuộc đấu tranh của Phật giáo chống chính quyền Ngô Đình Diệm, về sự đàn áp dã man của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với Phật giáo,... ngay từ đầu đã nhanh chóng truyền đi khắp hành tinh, thu hút sự chú ý và được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Khi phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 bùng nổ, cộng đồng quốc tế trước hết chú ý đến nguồn gốc, nguyên nhân sâu xa của nó. Ở Đài Loan, Trần Tuệ Kiếm với bài “Thế kỷ đen tối tại châu Âu sống lại”, đăng trên báo Công Luận (10-6-1963), sau “khi ca tụng sự sáng suốt của Tổng thống Lincoln và Tổng thống Kennedy của Hoa Kỳ đối với vấn đề dân Mỹ phân biệt chủng tộc”, đã chỉ trích “Chính phủ Việt Nam có tư tưởng thù hằn hẹp hòi về tôn giáo đối với chính nhân dân của mình là những tín đồ Phật giáo đòi bình đẳng tôn giáo”, cụ thể ngày 8-5-1963, “khi tín đồ Phật giáo trang nghiêm kéo giáo kỳ lên vui mừng khánh chúc ngày lễ tôn giáo của họ, chính phủ Việt Nam bất mãn, phái quân đội đến bắt bớ, giật cờ xuống, hạn chế họ hoạt động về tôn giáo”(7). Ở Anh, tờ Sunday Times (2-6-1963) khẳng định: “Việc cấm treo cờ Phật giáo là một biện pháp điên rồ đã gây ra sự công phẫn và nổi dậy của người Phật tử Việt Nam”(8).

Việc cấm treo cờ Phật giáo... là sự thực”. Nhưng xét cho cùng, việc này theo cách nói của giới lãnh đạo Phật giáo thì “sự đó như một giọt nước cũng thừa sức làm chảy tràn một bát nước vốn đã quá đầy”(9).

Một bát nước vốn đã quá đầy”, cụ thể hơn là chính sách kỳ thị Phật giáo trong suốt 9 năm, từ khi Ngô Đình Diệm cầm quyền ở miền Nam, mới là nguyên nhân chủ yếu của phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963. Lời hiệu triệu của ông Chan Htoon - Hội trưởng Phật giáo thế giới đã chỉ ra rất chính xác về vấn đề này: “Ngay khi chế độ Ngô Đình Diệm được thiết lập, dân chúng Campuchia khoảng sáu trăm ngàn người theo Phật giáo Nam tông sinh sống tại miền Nam Việt Nam đã kêu ca là họ đã bị chính quyền Nam Việt Nam và Giáo hội Thiên Chúa giáo ngược đãi một cách có tổ chức. Từ năm năm qua sự áp chế ngược đãi trở nên phổ biến, cho đến nay thì Phật tử Việt Nam cũng chịu chung số phận. Mặt khác, Giáo hội Thiên Chúa giáo ảnh hưởng đến tận toàn bộ chính phủ xuống viên xã trưởng (kể cả lực lượng vũ trang) đã có rất nhiều đặc quyền và ân sủng. Thí dụ, Giáo hội và tín đồ Thiên Chúa giáo được đặt ngoài Dụ số 10, một dụ hạn chế và gây nhiều khó khăn cho các chùa, các tự viện và các hoạt động của Phật giáo và các tôn giáo khác”(10).

Cùng với quan điểm trên đây, tờ Témoigne Chretien (Paris, 20-6-1963) viết: “Các biến cố trong những tuần vừa qua chỉ là sự kết tinh của một tình trạng bất an, âm ỉ từ lâu. Nhiều năm rồi Phật tử bị nhà cầm quyền đàn áp ngược đãi ... trái lại tín đồ Thiên Chúa giáo thì thừa hưởng đủ mọi sự dễ dàng và mọi ưu đãi. Phe chính phủ và một vài đại diện của giáo hội mà đứng đầu là Đức cha Ngô Đình Thục, anh ruột của Tổng thống đã cố tình đem chính trị hợp nhất với Thiên Chúa giáo, trộn lẫn hai vấn đề làm một”(11). Bài “The City that ‘s seen just about everything” của John Stirling đăng trên tờ Straits Times (Singapore, 17-6-1963), nêu nội dung cụ thể về chính sách giáo trị của chính quyền Ngô Đình Diệm: “Tại Sài Gòn có đủ loại nhà thờ, đền chùa cho mọi tôn giáo, nhưng khách ngoại quốc mới đặt chân đến có thể tưởng Gia-tô-giáo là đạo chính ở nơi đây vì Vương cung Thánh đường tọa lạc tại một địa điểm rất đẹp và các ngày lễ được tổ chức rầm rộ khắp nơi”(12). Tờ Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của “Mặt trận giải phóng Angieri” nhấn mạnh đến sự tàn bạo của chế độ Ngô Đình Diệm là nguồn gốc của phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963: “Sự độc quyền về tôn giáo và quan niệm hẹp hòi của Diệm đã làm cho chính quyền miền Nam Việt Nam càng trở nên tàn bạo và thúc đẩy nhân dân miền Nam vùng dậy đấu tranh”(13).

Về sự kiện đêm 8-5-1963 tại Đài phát thanh Huế, dư luận thế giới đã quan tâm làm rõ sự thật. Ở Algérie, tờ Cách mạng châu Phi (15-6-1963) đã dành hẳn hai trang báo để tường thuật tỉ mỉ cuộc đấu tranh của tín đồ Phật tử ở Huế tối 8-5-1963; đồng thời lên án sự tàn bạo của chính quyền Ngô Đình Diệm: “Những người theo đạo Thiên Chúa hay không theo đạo Thiên Chúa và những người dân chủ trên thế giới đều tích cực đứng về phía ông Hội chủ Hội Phật giáo miền Nam Việt Nam để tố cáo Ngô Đình Diệm và cái chính phủ thối nát của hắn đã gây nên bao đau thương, tang tóc đối với những người theo đạo Phật trong nước và tỏ ra bất công, thô bạo đối với một tôn giáo vốn đã có từ nghìn xưa ở Việt Nam”(14).

Ở Thái Lan, tờ Phim Thai (16-5-1963) đã sớm vạch trần luận điệu xuyên tạc, tìm cách chạy trốn sự thật của chính quyền Ngô Đình Diệm, khi cho rằng những Phật tử chết tại Đài phát thanh Huế là do những người cộng sản gây nên. Tờ báo viết: “Chính quyền đỗ lỗi cho cộng sản xúi giục dân chúng biểu tình và cộng sản nhân cơ hội ấy đã ném tạc đạn và gây máu đổ. Nhưng những người mục kích đã cam đoan rằng chính quân đội chính phủ bắn vào dân chúng bằng những súng lớn và súng máy đặt trên xe tăng; xét thi hài nạn nhân thì đúng những vết của súng lớn chứ không phải tạc đạn nào cả”(15). Aime Savard với bài “Dưới dây cưa của xe tăng” đăng trên báo Témoigne Chretien (Paris, 20-6-1963) khẳng định: “Ai cũng biết rằng ngày 8-5-1963, tại Huế có 8 Phật tử bị bỏ mình trong một cuộc biểu tình phản đối chính phủ mà chính quyền qui trách nhiệm cho cộng sản. Nhưng những bằng chứng của quan sát viên người Mỹ cũng như những tín đồ Thiên Chúa giáo tại Huế, giờ đây cho phép chúng ta xác nhận quả quyết rằng chính đoàn xe thiết giáp do vị phó tỉnh trưởng gọi đến giải tán đám biểu tình đã bắn xả vào quần chúng. Trong đám người bị thương có một số người khi ngã xuống bị dây cưa của xe tăng nghiến nữa. Chính sự kiện đó mà tờ New York Times tường thuật biến cố này không nghĩ rằng có bàn tay cộng sản nhúng vào”(16).

Điều quan trọng là qua sự kiện đêm 8-5-1963 tại Đài phát thanh Huế, cộng đồng quốc tế cho rằng chính quyền Ngô Đình Diệm mất chỗ dựa xã hội, trở thành kẻ đối lập với nhân dân. Tờ Sin Jit Poh (Sin­gapore, 16-5-1963) khẳng định: “Chính phủ chỉ trông cậy vào viện trợ ngoại quốc nên cảm thấy không cần đến dân chúng, do đó mà đã xảy ra vụ lộn xộn tại Huế” và “đây là một bất lợi cho Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và còn nghiêm trọng hơn cả việc chống Cộng hiện nay. Việc này chứng tỏ rằng Chính phủ đã mất sự ủng hộ của dân”(17). Và hệ quả tất yếu là làm suy yếu chính quyền Ngô Đình Diệm trong cuộc đối đầu với lực lượng cách mạng. Tờ Philippines Herald (10-6-1963) cho rằng đây là “một trong những hậu quả nhất thời của cuộc lộn xộn hiện nay là đã làm yếu kém uy thế của Việt Nam Cộng hòa trong cuộc chống Cộng. Trên mặt quốc tế, các việc đáng tiếc trên làm Việt Nam Cộng hòa mất một phần thiện cảm của một vài quốc gia ở Á và Phi châu”(18).

Ở Liên Xô (cũ), ngày 23-5-1963, Đài phát thanh Moscow phát đi bài bình luận bằng tiếng Việt, nội dung lên án chính quyền Ngô Đình Diệm về vụ xảy ra ở Huế ngày 8-5-1963. Ngày 13-6-1963, bài bình luận của Nicôlaép của hãng Thông tin Nôvôxô cho rằng sự tàn bạo của tập đoàn Ngô Đình Diệm càng làm cho nhân dân miền Nam Việt Nam thêm đoàn kết, kiên quyết đấu tranh, rằng “những phát đạn bắn vào những người theo đạo Phật biểu tình một cách hòa bình ở Huế, cuộc biểu tình lặng lẽ của hàng chục vạn tín đồ Phật giáo miền Nam Việt Nam, cuộc tuyệt thực của nhà sư, ... Những sự kiện đó một lần nữa chỉ cho toàn thế giới thấy bộ mặt thật của chế độ Mỹ - Diệm. Vị Hội chủ Tổng hội Phật giáo toàn Liên Xô Saracốp đã tỏ lòng thông cảm sâu sắc và ủng hộ các đạo hữu của ông ở miền Nam Việt Nam. Những người dân xô-viết thì cho rằng những sự kiện ở Huế và Sài Gòn chứng tỏ quyền lợi của tập đoàn Ngô Đình Diệm và lợi ích của nhân dân là không thể điều hòa được. Chiến tranh chống lại nhân dân đã trở thành ‘quốc sách’ của Diệm và tập đoàn của hắn ... Những cuộc tàn sát dã man, mù quáng của Mỹ - Diệm, hơn tất cả mọi lời tuyên truyền, đã làm cho nhân dân miền Nam cảm thấy cần phải đoàn kết tất cả mọi lực lượng chống lại Mỹ - Diệm”(19).

Sau sự kiện đêm 8-5-1963, phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam chống chính quyền Ngô Đình Diệm diễn ra hết sức mạnh mẽ với những yêu sách cụ thể và những biện pháp quyết liệt của phương pháp bất bạo động, cộng đồng quốc tế đã theo sát và kịp thời có kế sách ủng hộ phong trào. Phật giáo Đài Loan ra lời kêu gọi Phật giáo đồ thế giới giúp đỡ Phật giáo đồ Việt Nam đang gặp đại nạn. Lời kêu gọi viết:

Hỡi giáo hữu Tăng tín đồ Phật giáo khắp thế giới!

Chúng tôi rất đau lòng, trình bày cùng quý vị, tình cảnh Phật giáo Việt Nam gần đây gặp đại nạn: ‘Kỳ thị tôn giáo’; đồng thời chúng tôi cũng trông mong quý vị thiết tha lưu ý tinh thần: Đồng chu cộng tế (đồng thuyền chung cứu). Đây cũng là chánh nghĩa đáng nên trợ giúp”(20).

Ở Thụy Sĩ, tờ Journal de Genève (21-5-1963) với đầu đề “Ngô Đình Diệm Favoriserait les Catholiques” sau khi nhắc lại năm nguyện vọng của Phật giáo miền Nam, đã nhấn mạnh đến việc các nhà sư đấu tranh vì mục đích tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo; đồng thời tường thuật các cuộc biểu tình bất bạo động của các vị sư trước quốc hội và tuyệt thực tại các chùa ở Huế và Sài Gòn để đòi chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi bình đẳng tôn giáo.

Ở Mông Cổ, những người theo đạo Phật đã gởi điện tới Ủy ban Đoàn kết nhân dân Á - Phi của Việt Nam, lên án chính quyền Ngô Đình Diệm khủng bố tín đồ Phật giáo ở miền Nam Việt Nam. Bức điện viết: “Chúng tôi những tín đồ Phật giáo Mông Cổ lên án những hành động tội ác của Mỹ và chính quyền tay sai đối với tín đồ Phật giáo ở miền Nam Việt Nam, chống lại chính sách Mỹ - Diệm đàn áp khủng bố nhân dân”(21).

Ở Đài Loan, trên báo Công Luận (10-6-1963), tác giả Trần Tuệ Kiếm đả kích mạnh mẽ chính quyền Ngô Đình Diệm khủng bố Phật giáo đồ, đồng thời kêu gọi thế giới phải có hành động cụ thể để ủng hộ Phật giáo Việt Nam trước cơn sóng gió. Bài báo khẳng định: “Tâm lý bài xích vị kỷ và đặt người Thiên Chúa giáo lên trên hết, dùng mọi cách để hạn chế hoạt động của 15 triệu tín đồ Phật giáo Việt Nam. Hành vi trái với Hiến chương Liên Hiệp Quốc ... Chúng ta không thể khoanh tay nhìn. Cần viện trợ cho các bạn Phật giáo Việt Nam”(22).

Ngày 7-6-1963, Liên đoàn Thanh niên Dân chủ thế giới đã gởi điện cho Hội Thanh niên Dân chủ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phản đối cuộc đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, đồng thời ủng hộ cuộc đấu tranh đòi quyền dân chủ và tự do tín ngưỡng của nhân dân miền Nam Việt Nam.

Lên án chính quyền Ngô Đình Diệm có cả những tín đồ Thiên Chúa giáo. Ở Bỉ, Linh mục Dominique Pie được Giải thưởng Nobel Hòa bình đã gởi công hàm cho ông U Thant - Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc một lá thư yêu cầu gấp rút mở cuộc điều tra tại chỗ để làm sáng tỏ “một vài yếu tố bất khoan dung trong lập trường của Nam Việt Nam đối với Phật giáo đồ”. Linh mục Pie cho rằng: “Hiện nay muốn được sống hòa bình loài người chỉ có một phương thức là thông cảm nhau bằng cách hỗ tương chấp nhận mọi sai khác của nhau”(23).

Ở Hồng Kông, tuần báo Sunday Examiner (Thiên Chúa giáo) số ra ngày 18-7-1963, khẳng định lập trường của những người Thiên Chúa giáo ở Hồng Kông trước chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, rằng “Thiên Chúa giáo lấy làm tiếc về việc đối xử tàn nhẫn với Phật giáo đồ và cho rằng sự đối xử ấy là một đau đớn của anh em”(24).

Do chính sách khủng bố, đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm ngày càng gia tăng, Phật giáo miền Nam đã sử dụng đến nhiều biện pháp đấu tranh hết sức quyết liệt. Tiêu biểu nhất là cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức tại ngã tư đường Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt (Sài Gòn)(25) (11-6-1963). “Cuộc hy sinh phi thường và dũng cảm của Hòa thượng Thích Quảng Đức, hình ảnh cụ ngồi thẳng như tượng đá trong ngọn lửa rực hồng đã nhanh như một làn sóng điện làm sôi nổi dư luận trong cả nước Việt Nam và trên thế giới. Ảnh của vị Hòa thượng Việt Nam Thích Quảng Đức ngồi trong ngọn lửa được đăng trên hầu hết các báo khắp năm châu với những dòng chữ nói lên sự khâm phục”(26). Đối với thế giới, cuộc tự thiêu của Thích Quảng Đức, theo báo Neak Cheat Niym (30-6-1963), là một “trạng thái mới lạ và huyền ảo của bất bạo động. Nó chứng tỏ rõ rệt với cái uy quyền tối thượng của tinh thần. Không bạo lực nào có thể làm suy giảm được tâm hồn; sức chịu đựng của một cá thế đối với mọi ức chế đàn áp chính trị độc tài thật là vô biên”(27).

Đặc biệt, ở Mỹ, vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tạo nên một chấn động mạnh, làm cho dư luận Mỹ quay sang chống chế độ độc tài gia đình trị, giáo trị Ngô Đình Diệm. Tờ New York Herald Tribune (21-7-1963) cho rằng: “Hòa thượng Thích Quảng Đức một tu sĩ đã biến tấm áo cà-sa vàng của mình thành một giàn hỏa thiêu không phải là người duy nhất có thể tự đốt mình. Tổng thống Ngô Đình Diệm tại miền Nam Việt Nam đang làm một việc rất hay là ông đang tự đốt hết nền tảng của chế độ ông”(28). Hãng UPI (19-7-1963) bình luận: “Chế độ gia đình trị của Tổng thống Ngô Đình Diệm đang tự đào hố chôn mình”(29). Tờ Francisco Chinese World đã đưa ra lập trường kiên quyết hơn: “Đã đến lúc chính quyền Hoa Kỳ phải từ giã ông Ngô Đình Diệm. The Chinese World khẩn thành kêu gọi tất cả mọi người Mỹ hãy lên án ông Diệm, một kẻ độc tài ở Sài Gòn”(30). Tờ New York Times (19-7-1963) dẫn lời Tổng thống Kennedy: “Sự đụng chạm của Tổng thống Ngô Đình Diệm với Phật giáo đồ rất có hại cho công cuộc chống Cộng tại miền Nam Việt Nam. Những du khách người Mỹ đã chứng kiến những sự kiện xảy ra ở Việt Nam tin rằng tình hình ở đây còn tệ hơn những viên chức Hoa Kỳ mô tả nhiều, có lẽ còn tệ hơn là Tổng thống Kennedy nhận định nữa”(31). Hãng thông tấn UPI tiết lộ: “Nhiều viên chức cao cấp ở Mỹ không tán thành chính sách của Đại sứ Nolting và tướng Harkins và không đồng ý các phúc trình lạc quan mà hai vị này gởi về. Trong 3 tháng rồi, vài nhân viên cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ đã vi hành qua Việt Nam để cứu xét một cách sâu rộng tình hình và đã phúc trình ngay về Mỹ mà không cho ông Nolting và tướng Harkins biết”(32).

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Sài Gòn, trong một cuộc họp báo tại Washington, khi trả lời báo chí, Tổng thổng Kennedy “tiếc rằng vụ lộn xộn Phật giáo xảy ra giữa lúc mà tình hình quân sự tại Việt Nam Cộng hòa tiến triển khả quan ... và kết luận ông hy vọng Việt Nam Cộng hòa sẽ giải quyết ổn thỏa vấn đề Phật giáo”(33) và trong một cuộc tiếp xúc với Ngô Đình Diệm tại Sài Gòn, Trueheart - Đại diện Mỹ, đã chỉ ra rằng: “Chính quyền Kennedy không ưa thích rối ren”(34). Báo US New and World Report (24-6-1963) khẳng định: “Hoa Kỳ lại phải đối phó một cuộc khủng hoảng ở miền Nam Việt Nam mà Hoa Kỳ không bao giờ ngờ đến”(35); cùng quan điểm, báo Straits Times (Sin­gapore, 9-7-1963) viết: “Sự phát triển của cuộc khủng hoảng tôn giáo ... đã từ lãnh vực tôn giáo lan sang phạm vi chính trị, đã đặt người Mỹ vào một tình trạng hết sức khó xử”(36). Những tư liệu này cho thấy Nhà Trắng đang tiến đến chính sách “thay ngựa giữa dòng” ở miền Nam Việt Nam.

Sau cuộc đại khủng bố của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với Phật giáo miền Nam vào đêm 20 rạng ngày 21-8-1963, cộng đồng quốc tế càng lên án mạnh mẽ gia đình trị Ngô Đình Diệm. Tại Anh, trong một cuộc biểu tình tại một ngôi chùa ở Luân Đôn, giới Phật tử Anh đã ra một bản kiến nghị tỏ lòng công phẫn trước việc Phật giáo miền Nam Việt Nam bị đàn áp và yêu cầu Ngô Đình Diệm phải gấp rút giải quyết “Vụ Phật giáo” trong tinh thần hiểu biết và hòa hợp. Bản kiến nghị cũng yêu cầu ông Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Mỹ Kennedy, Giáo hoàng Paule VI, Thủ tướng Anh Mac Miland, Thủ tướng Liên Xô Khruso và Thủ tướng Ấn Độ Nehru can thiệp để chấm dứt tình trạng đau thương và bi thảm của Phật giáo ở Việt Nam(37).

Tại Trung Quốc, ngày 29-8-1963, Chủ tịch Mao Trạch Đông tuyên bố: “Gần đây, tập đoàn phản động Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam ráo riết tiến hành sự đàn áp đẫm máu đối với tín đồ Phật giáo, học sinh các trường đại học và trung học, các nhà trí thức và đông đảo nhân dân miền Nam Việt Nam. Nhân dân Trung Quốc tỏ ý hết sức căm phẫn và kịch liệt lên án tội ác tày trời của tập đoàn Ngô Đình Diệm”; đồng thời yêu cầu “giai cấp công nhân, nhân dân cách mạng và nhân sĩ tiến bộ trên toàn thế giới đều đứng về phía nhân dân miền Nam Việt Nam anh dũng chống sự xâm lược và áp bức của bè lũ Mỹ - Diệm phản cách mạng, làm cho nhân dân miền Nam Việt Nam khỏi bị tàn sát và giành được giải phóng triệt để”(38).

Đặc biệt, từ khi phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam bùng nổ (7-5-1963) đến lúc kết thúc (1-11-1963), các quốc gia Phật giáo đã kịch liệt lên án chính quyền Ngô Đình Diệm và có nhiều hoạt động tích cực để ủng hộ phong trào. Ngày 20-6-1963, tại Rangoon (Myanmar), ông Chan Htoon, Chủ tịch Hội Phật giáo thế giới đã ra lời kêu gọi tất cả các tổ chức và tín đồ Phật giáo trên thế giới ủng hộ những người anh em theo đạo Phật ở miền Nam Việt Nam đã từ lâu chịu đựng đau khổ. Lời kêu gọi viết: “Cách tốt nhất để giúp đỡ tín đồ Phật giáo ở miền Nam Việt Nam củng cố lập trường và giúp họ đạt được mục đích là các tổ chức Phật giáo trên thế giới hãy nói lên tiếng nói thống nhất của mình để kích động lương tâm của mọi người trên thế giới và kêu gọi các chính phủ của mình dùng mọi biện pháp có thể được để đảm bảo ngay cho những người theo đạo Phật ở miền Nam Việt Nam thoát khỏi cảnh đau thương và được tự do tín ngưỡng như bản Tuyên ngôn Nhân quyền nêu ra”(39).

Tại Ấn Độ, Hội Phật giáo Nalanda ở Patna đã tổ chức lễ cầu siêu cho các Phật tử bị giết ở Huế. Tham dự lễ cầu siêu có các nhà sư Ấn Độ, Miến Điện, Pakistan, Cao Mên, Thái Lan, Tích Lan, Tibet, Đức, Lào và Việt Nam. Các nhà sư đã ra một bản tuyên bố phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm chà đạp tự do tín ngưỡng và đàn áp, giết chết những Phật giáo vô tội(40). Ngày 23-6-1963, bà Rêm Soari Neerru, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Á - Phi của Ấn Độ, đã tuyên bố rằng việc chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp những người theo đạo Phật ở miền Nam Việt Nam đã làm cho mọi người xúc động. Bà nói: “Ủy ban Đoàn kết Á - Phi của Ấn Độ nguyện đoàn kết chặt chẽ với nhân dân Nam Việt Nam đang đứng trước một sự đe dọa và đàn áp chưa từng có. Tim của chúng tôi đập cùng nhịp đập với tim của những người theo đạo Phật đang đấu tranh dũng cảm để thực hiện các yêu sách chính đáng và lên án thái độ hống hách của chính quyền Ngô Đình Diệm không để ý đến các yêu sách chính đáng và không chú ý đến dư luận thế giới”(41). Thủ tướng Nehru, trong một thông điệp trả lời bức thư riêng của bà Bandaranaike - Thủ tướng Sri Lanka, viết: “Ông cùng chia sẻ nỗi quan tâm của bà về những biến cố mới đây tại Nam Việt Nam”(42).

Ở Nhật Bản, Đại hội toàn quốc Phật giáo đồ ngày 3-6-1963, ông Makayama, đại diện Hội Phật giáo thế giới tại Nhật Bản đã tường trình rõ ràng sự đàn áp khủng bố Phật giáo tại miền Nam Việt Nam và yếu cầu đại hội tìm cách can thiệp với chính quyền Ngô Đình Diệm chấm dứt tình trạng ấy(43).

Từ sau ngày Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm, các báo Nhật Bản đã dành những chỗ trang trọng đăng tin và ảnh, như tờ “Asahi Evening News ngày 12-6 đã đăng 3 cái ảnh lớn lớn chiếm gần một phần tư trang một và các báo khác cũng đều đăng tỉ mỉ rõ ràng về vụ này”(44). Ngày 19-6-1963, Ủy ban Tôn giáo bảo vệ hòa bình và Hội Phật giáo Nhật Bản đã tổ chức cuộc mít-tinh phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp tín đồ theo đạo Phật ở miền Nam Việt Nam. Cuộc mít-tinh đã mặc niệm Hòa thượng Thích Quảng Đức và những người bị chính quyền Ngô Đình Diệm giết hại ở Huế, Sài Gòn và ra tuyên bố kịch liệt lên án chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngày 20-6-1963, các tín đồ Phật giáo ở Nhật Bản do Hòa thượng Mibu Sôgiun dẫn đầu đến Sứ quán “Việt Nam Cộng hòa” tại Tokyo trao bản tuyên bố nói trên cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Thực tế, “vấn đề tranh chấp giữa Phật giáo và Chính phủ đã gây một luồng dư luận sôi nổi ở Nhật Bản”(45).

Ngày 23-6-1963, sau lễ cầu siêu cho Tăng, tín đồ Phật giáo miền Nam tử vì đạo, toàn thể Tăng, tín đồ phái Tịnh độ Chân tôn cùng một lúc đã đánh ba điện văn. Điện văn gởi giới lãnh đạo Phật giáo miền Nam Việt Nam viết: “Sự kiện sát hại Phật giáo đồ tại Việt Nam gần đây là một việc làm đáng buồn, và cũng là một triệu chứng bất tường. Nhân danh Tổng hội Phật giáo Chân tôn Nhật Bản, chúng tôi xin gởi đến quý Ngài lòng tôn kính và ai điếu đối với việc vì đạo thiêu thân của cố Hòa thượng Thích Quảng Đức. Chúng tôi xin gửi đến quý Ngài lòng nhiệt thành ủng hộ trong cuộc hộ pháp của toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam trong lúc Pháp nạn này”. Điện văn gởi Ngô Đình Diệm viết: “Sự kiện đàn áp sát hại Phật giáo đồ tại Việt Nam gần đây là một việc bất tường chưa có trong lịch sử. Toàn thể Tăng Ni và tín đồ của Tổng hội Chân tôn chúng tôi rất xúc động và phẫn uất khi nhận được tin này”. Điện văn gởi Giáo hoàng Paule VI viết: “Dưới mắt chúng tôi, việc khủng bố và sát hại Phật giáo đồ tại Việt Nam là một việc xúc phạm đến tự do tín ngưỡng, quyền căn bản của con người. Nhất là việc ấy phát sinh bởi một chính sách hà khắc tôn giáo của một chính phủ Thiên Chúa giáo”.

Chúng tôi hy vọng Ngài sẽ vì danh dự Hội Thánh Thiên Chúa tìm cách can thiệp với ông Ngô Đình Diệm, Tổng Giám mục Giáo khu Huế để việc bất công trên khỏi tái diễn”(46).

Ngày 25-6-1963, Tổng hội Phật giáo Nhật Bản đã gởi thư cho ông Chan Htoon, Hội trưởng Hội Phật giáo thế giới. Bức thư viết: “Đối với sự hy sinh cao cả của Phật giáo đồ Việt Nam, để tỏ lòng ai điếu, chúng tôi Phật giáo đồ Nhật Bản rất lấy làm đau buồn về sự phân tranh giữa Chính phủ Việt Nam và Phật giáo đồ đã xảy ra nhiều lần từ sau ngày Phật đản 8-5-1963, ...

Để giám sát tầm quan trọng về tự do, bình đẳng tôn giáo một cách xác thực, bản bộ Phật giáo thế giới cần phải điều tra tường tận về nguyên nhân của sự kiện đã xảy ra ở miền Nam Việt Nam và nương vào sự hợp lực của chúng ta với những phương pháp thích đáng để chấm dứt tình trạng phân tranh không tái phát, đó là điều mong muốn của Tổng hội Phật giáo Nhật Bản chúng tôi”(47).

Rõ ràng, dư luận Phật giáo đồ Nhật Bản là không có lợi cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Chính Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Nhật Bản phải thừa nhận: “Dư luận Phật giáo Nhật Bản trở nên sôi nổi đối với vấn đề Phật giáo ở Việt Nam. Một số đoàn thể hoặc tư nhân có uy tín đã tiếp xúc thẳng với Thiểm tòa để thăm dò tin tức và chất vấn về những biến cố đáng tiếc mới xảy ra; một số khác viết thư hoặc gởi điện tín đến Thiểm tòa để phản kháng những hành động mà họ cho rằng có tính cách đàn áp Phật giáo ở Việt Nam”(48). Đặc biệt, sau ngày chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện “Kế hoạch nước lũ” (đêm 20 rạng 21-8-1963), ngày 23-8-1963, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản trực tiếp gặp Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Nhật Bản, thông báo: “Biến cố ngày 21-8-63 đã khiến dư luận quốc tế và nhất là dư luận Nhật Bản xôn xao sôi nổi ... Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản thấy cần phải chính thức yêu cầu Chính phủ Việt Nam sớm tìm những biện pháp ôn hòa để giải quyết vấn đề Phật giáo một cách thỏa đáng”(49).

Ở Myanmar, ngày 16-5-1963, Hội Phật giáo Thawtuzana tại Ran­goon ra một bản tuyên bố yêu cầu các tín đồ Phật giáo Myanmar, châu Á và các nước khác trên thế giới hãy phản đối cuộc đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm và cho “đó là một sự đe dọa đối với Phật tử trên thế giới, kể cả Miến Điện và Á châu”(50). Báo chí Myanmar đã mở một chiến dịch lớn lên án chính quyền Ngô Đình Diệm. Tờ Người Phụ nữ (17-5-1963) viết: “Nghe tin vụ đàn áp ở Huế, ai mà không đau lòng và căm giận. Không chỉ người theo đạo Phật mà tất cả tín đồ tôn giáo khác trên thế giới đều đau lòng”(51). Nhà văn nổi tiếng của Myanmar là Daoana thì cho rằng: “Chúng tôi chưa hề thấy một hành động nào đối với những người theo đạo Phật tàn tệ hơn vụ đàn áp ở Huế”(52). Điều này đúng với nội dung mà ông Chan Htoon - Hội trưởng Phật giáo thế giới thông báo cho Quyền Tổng Lãnh sự Việt Nam Cộng hòa tại Myanmar ngày 18-5-1963: “Qua các bài tường thuật trên mặt báo, những Hội Phật giáo ở Miến Điện, nhứt là Hội Tăng già toàn quốc (The All-Bruma Presiding Sayadaws Association) là Hội có nhiều uy tín và thế lực nhất trong giới Phật giáo Miến Điện tỏ vẻ rất phẫn nộ đối với Chánh phủ Việt Nam Cộng hòa, quyết định tổ chức nhiều buổi họp và thông qua nhiều quyết định để tố cáo Việt Nam Cộng hòa trước dư luận quốc tế”(53). Ngày 26-8-1963, ba tổ chức Phật giáo: Tổng hội các nhà sư trú trì các tu viện Phật giáo, Hội Liên hiệp các nhà sư và Ủy ban Trung ương tổ chức các nhà sư ở Myanmar ra tuyên bố chung phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp, bắn giết, bắt bớ tín đồ Phật giáo ở miền Nam Việt Nam và cho rằng đó “không những là một sự thóa mạ đối với Phật giáo toàn thế giới mà còn là hành động phá hoại tôn giáo nói chung trên thế giới. Vì vậy, chúng ta phải tố cáo tội ác của chính quyền Ngô Đình Diệm cho nhân dân toàn thế giới biết”(54).

Ở Lào, ngày 28-05-1963, 77 Tăng Ni và Phật tử ở Sêpôn (Savan­nakhet) đã tổ chức một cuộc mít tinh phản đối cuộc đàn áp tín đồ Phật giáo tại miền Nam Việt Nam. Ngày 6-6-1963, Hòa thượng Kong Si, người đứng đầu Phật giáo ở Sầm Nưa, tuyên bố: “Hành động của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đối với Phật tử là hoàn toàn trái với tinh thần nhân đạo và lòng bác ái của Phật giáo và trái với luật pháp quốc tế”(55).

Ở Campuchia, dư luận kịch liệt lên án chính quyền Ngô Đình Diệm, rằng vụ đàn áp Phật giáo đêm 8-5-1963 tại Huế “chứng tỏ tình trạng không được sáng sủa về mặt tôn giáo”, “lưu lại một kỷ niệm không đẹp”. Nhật báo “La Dépêche du Cambodge” ra ngày 16-5-1963 đã nhấn mạnh chính quân đội của Ngô Đình Diệm đã bình tĩnh bắn súng từ một xe thiết giáp(56). Ngày 1-6-1963, trong một buổi lễ khánh thành chùa Onnalum, Thái tử Sihanouk tuyên bố: “Chúng ta hãy tưởng niệm và cầu siêu cho các Phật tử Việt Nam, nạn nhân của chính phủ Ngô Đình Diệm”. Ông cho rằng: “Tích Lan và các nước Phật giáo đã phản kháng sự tàn bạo trên và can thiệp với Liên Hiệp Quốc để bảo vệ tự do tín ngưỡng ở miền Nam Việt Nam. Chúng ta cũng sẽ phản đối theo họ”(57). Tờ Meatophum (1-6-1963) tố cáo chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật tử là vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế; đồng thời kêu gọi nhân dân tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên thế giới hãy lên tiếng để nhà cầm quyền Sài Gòn thỏa mãn những nguyện vọng của Phật giáo.

Ngày 8-6-1963, các sư sãi Campuchia thuộc phái Tiểu thừa đã họp tại chùa Bottomvadday, một ngôi chùa lớn tại Phnôm Pênh, để phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo tại miền Nam Việt Nam. Hôm sau (9-6-1963), một cuộc mít tinh “đoàn kết với Phật tử Nam Việt Nam” và lên án chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo được tổ chức tại chùa Onnalum. Tới ngày 27-8-1963, sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm “vét chùa”, Chính phủ Hoàng gia Campuchia thông báo đoạn giao với Việt Nam cộng hòa(58).

Ở Thái Lan, theo báo cáo của Tòa Đại sứ “Việt Nam Cộng hòa” ngày 2-9-1963 thì “hôm 31-8-1963, một Đại hội đồng Phật giáo đã triệu tập tại Bangkok để thảo luận về vụ Phật giáo tại Việt Nam. Tham dự phiên họp này có 800 Phật giáo đồ thuộc các giới bộ trưởng, dân biểu, luật sư, ký giả, đại diện Phật giáo tại Bangkok và 63 trong số 73 tỉnh của Thái Lan, Hội Phật giáo Trung Hoa, Ấn Độ, Mã Lai và cả Hồi giáo cùng Bà-la-môn (Brahman) cũng gởi đại diện đến dự họp ... Cuộc thảo luận đã diễn ra trong bầu không khí cực kỳ sôi nổi. Ngót hơn 5 tiếng đồng hồ, hơn 20 diễn giả luân phiên nhau lên diễn đàn bày tỏ quan điểm về vụ Phật giáo ở Việt Nam..., phần đông các diễn giả đã dùng những lời lẽ chua cay để công kích chính phủ ta ... Một số diễn giả, vì cảm tình với ta, đã lên tiếng bênh vực chánh phủ ta nhưng không được cử tọa hoan nghênh”(59).

Tại Sri Lanka, từ khi nghe tin vụ tàn sát Phật giáo ở Huế, một không khí sôi sục căm phẫn lan rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức đảng phái chính trị, cả đến quốc hội và chính phủ. Ngày 15-5-1963, giới lãnh đạo Phật giáo Sri Lanka yêu cầu bà Bandara­naike, Thủ tướng Chính phủ Sri Lanka, hành động để bảo vệ quyền lợi của những người theo đạo Phật. Một nghị sĩ Quốc hội Sri Lanka đã yêu cầu bà Bandaranaike đặt vấn đề này trước Liên Hiệp Quốc và đề nghị Sri Lanka cắt đứt mọi quan hệ với Việt Nam Cộng hòa. Ngày 20-5-1963, một đoàn gồm 20 nhà sư trong Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Sri Lanka, do Đại đức Udakankêla Saranankara, người được giải Hòa bình Lênin, dẫn đầu đến biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ ở Colombo để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm khủng bố dã man các Phật tử ở Huế. Họ đã mang theo các biểu ngữ: “Không được giết người theo đạo Phật”(60). Cùng ngày đó, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Sri Lanka ra thông báo với nội dung: “Thủ tướng và Chính phủ rất quan tâm đến vụ Phật tử bị khủng bố tại Việt Nam Cộng hòa, đã hành động ngay để ghi nhận sự ủng hộ của các nước bạn có đại diện tại Việt Nam để cung cấp cho tài liệu đầy đủ về vụ này. Chính phủ đã quyết định ra lệnh cho đại diện tại Liên Hiệp Quốc, nhờ ngài Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc dùng mọi biện pháp thích nghi để làm giảm mối lo âu trong giới Phật giáo thế giới. Đồng thời Chính phủ Tích Lan cũng yêu cầu Phật giáo các nước Á châu cũng hành động như trên qua các đại diện của họ tại Liên Hiệp Quốc”(61), và đề nghị các nước có đại diện ở miền Nam Việt Nam hãy cung cấp cho Chính phủ Sri Lanka những tin tức về vụ khủng bố Phật giáo ở Huế để họ có những hành động thích đáng. Ngày 30-5-1963, chính phủ vừa mới được cải tổ ra thông báo tỏ ý xúc động sâu sắc về sự ngược đãi đối với Phật tử Việt Nam. Ngày 31-5-1963, ông Gunapala P. Malaxêkêra, Đại diện của Chính phủ Sri Lanka tại Liên Hiệp Quốc, theo lệnh của Chính phủ Sri Lanka, đã đến gặp Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc để thảo luận về những người theo đạo Phật ở miền Nam Việt Nam bị chính quyền Ngô Đình Diệm khủng bố(62).

Trước sự công kích, lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, nhất là các quốc gia Phật giáo, đối với chính sách đàn áp dã man và thô bạo của chính quyền Ngô Đình Diệm, đòi hỏi Liên Hiệp Quốc phải bày tỏ thái độ. Ngày 2-8-1963, tại Liên Hiệp Quốc, lần đầu tiên bình luận về vụ rắc rối giữa Phật giáo và chính quyền Ngô Đình Diệm, ông U Thant, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, cho rằng ông đã yêu cầu Ngô Đình Diệm “giải quyết vấn đề trong tinh thần hòa bình, công lý và hiểu biết”(63). Ông U Thant còn cho biết thêm trong mấy tuần lễ gần đây, ông đã nhận được nhiều bài bình luận của nhiều tổ chức trên khắp toàn cầu về việc đối xử với Phật giáo ở miền Nam Việt Nam và ông đã thảo luận về vấn đề này với một số đại biểu Liên Hiệp Quốc, những quốc gia Phật giáo, kể cả Sri Lanka, Campuchia và Nepal.

Tới ngày 7-10-1963, trong phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, đại biểu Sri Lanka đã tố cáo mạnh mẽ chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo miền Nam và vi phạm nhân quyền. Trong một bài thuyết trình dài, đại biểu Sri Lanka đã nêu lên các điểm chủ yếu sau:

Đã từ lâu Phật giáo thế giới quan tâm đến tình trạng bị bạc đãi của Phật giáo Việt Nam và đã thường xuyên theo dõi vấn đề này.

Sri Lanka đã cùng với các nước Á, Phi chuẩn bị kỹ càng trước lúc đưa vụ này ra Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là đã nghe lời biện hộ của chính quyền Ngô Đình Diệm”.

Sri Lanka “Nêu trách nhiệm của Mỹ và cho rằng nếu Mỹ không bảo được ông Diệm thì phải cắt viện trợ cho chính thể Diệm và rút về”(64).

Cũng trong phiên họp này, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đồng ý cử một phái đoàn sang miền Nam Việt Nam để điều tra việc chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Ngày 24-10-1963, Phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc đến Việt Nam. Tình hình này buộc Mỹ phải gấp rút thủ tiêu bị cáo, tức chính quyền Ngô Đình Diệm, mà phải thủ tiêu trước lúc Liên Hiệp Quốc tái nhóm để xét về tờ trình của Phái đoàn điều tra, khiến cho chính sách “thay ngựa giữa dòng” nhanh chóng diễn ra bằng cuộc đảo chính ngày 1-11-1963, anh em Ngô Đình Diệm bị giết chết, nền Đệ nhất Cộng hòa do Mỹ dày công xây dựng cáo chung.

* * *

Rõ ràng, trên bình diện quốc tế, phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 hầu như không bị cô lập đối với bất cứ ai. Khắp nơi trên thế giới, từ các cơ quan báo chí, các hãng thống tấn, các tổ chức và đoàn thể tôn giáo, chính trị đến các nguyên thủ quốc gia và cả Liên Hiệp Quốc, với nhiều hình thức và biện pháp khác nhau, đã vạch trần sự tàn bạo của chính quyền Ngô Đình Diệm; đồng tình với cuộc đấu tranh chính nghĩa của Phật giáo miền Nam Việt Nam. Ngay cả Mỹ, đồng minh thân cận nhất của chính quyền Ngô Đình Diệm, thì từ người dân bình thường cho đến người đứng đầu Nhà Trắng đều lên tiếng công kích, và cuối cùng “bật đèn xanh” cho nhóm tướng lãnh Sài Gòn làm cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Thực tế, qua phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, cộng đồng quốc tế đã kết thành một khối dù khác màu da, chính kiến và đã hội tụ được tinh anh của những khối óc và trái tim vì tình thương mà hành động. Đây được xem như là một đặc điểm độc đáo xét trong phạm vi một phong trào đấu tranh chống bạo quyền do một tôn giáo khởi xướng.

Sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nói chung, đặc biệt là các quốc gia Phật giáo, đã đóng góp một phần hết sức quan trọng trong việc tạo thêm thế và lực giúp cho phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 không ngừng phát triển để đi đến thắng lợi, dù cho chính quyền Ngô Đình Diệm đã tiến hành cuộc đàn áp, khủng bố hết sức quyết liệt. Điều này giải thích tại sao ngày 28-8-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời tuyên bố về tình hình miền Nam Việt Nam hiện nay” khẳng định: “Cả thế giới đều lên tiếng phản đối, nhân dân tiến bộ Mỹ cũng tỏ lòng bất bình” và bày tỏ sự cám ơn nhân dân thế giới đã ủng hộ cuộc đấu tranh chống chế độ bạo quyền Ngô Đình Diệm của Tăng, tín đồ Phật tử miền Nam: “Thay mặt nhân dân Việt Nam, tôi chân thành cảm ơn nhân dân và chính phủ các nước Phật giáo, các nước xã hội chủ nghĩa anh em, cảm ơn nhân dân yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa trên thế giới, cảm ơn nhân dân và nhân sĩ tiến bộ nước Mỹ đã nghiêm khắc lên án Mỹ - Diệm và nhiệt liệt ủng hộ nhân dân miền Nam”(65).

 


1. Lê Cung. Về phong trào Phật giáo Sài Gòn năm 1963 trong “Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Sài Gòn - Gia Định” tại Tp. Hồ Chí Minh. Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 2002, tr. 143.

2. Lê Cung. Bàn về “phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 trong giáo trình ‘Lịch sử Việt Nam hiện đại’ ở bậc đại học và cao đẳng. Nghiên cứu Lịch sử, số 1 (369), 2007, tr. 70.

3. Những văn kiện chủ yếu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (từ tháng 12-1963 đến tháng 10-1964). Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1964, tr. 64.

4. Lê Cung. Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 (in lần thứ tư). Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 13.

5. Lê Cung, Sđd., tr. 7.

6. Hải Triều Âm (Tuần báo), số 2, ngày 30-4-1964, tr. 4.

7. Điểm báo ngoại ngữ nói đến tình hình Việt Nam và quốc tế từ 30-6 đến 6-7-1963. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP. Hồ Chí Minh. Ký hiệu tài liệu TNTP - 4238).

8. Tuệ Giác. Việt Nam Phật giáo tranh đấu sử. Nxb. Hoa Nghiêm, Sài Gòn, 1964, tr. 195.

9. Hải Triều Âm (Tuần báo), số 2, ngày 30-4-1964, tr. 4.

10. Tuệ Giác, Sđd., tr. 184.

11. Lê Cung, Sđd., tr. 250.

12. Điểm báo ngoại ngữ nói đến tình hình Việt Nam và quốc tế từ 30-6 đến 6-7-1963. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP. Hồ Chí Minh. Ký hiệu tài liệu TNTP - 4238.

13. Báo Nhân dân, ngày 1-7-1963, tr. 4.

14. Dư luận Angiêri ủng hộ Phật giáo miền Nam Việt Nam. Báo Nhân Dân, ngày 1-7-1963, tr. 4.

15. Tuệ Giác, Sđd., tr. 185-186.

16. Lê Cung, Sđd., tr. 117-118.

17. Công văn số 146-S/M Tổng Lãnh sự quán Việt Nam Cộng hòa tại Singapore gởi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Sài Gòn. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP. Hồ Chí Minh. Ký hiệu tài liệu PTTg - 3044.

18. Điểm báo ngoại ngữ nói đến tình hình Việt Nam và quốc tế từ 30-6 đến 6-7-1963. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP. Hồ Chí Minh. Ký hiệu tài liệu TNTP - 4238.

19. Lê Cung, Sđd., tr. 251-252.

20. Quốc Oai. Phật giáo tranh đấu. Nxb. Tân Sanh, Sài Gòn, 1963, tr. 85.

21. Báo Nhân Dân, ngày 1-7-1963, tr. 4.

22. Tuệ Giác, Sđd., tr. 187.

23. Quốc Oai, Sđd., tr. 96.

24. Quốc Oai, Sđd., tr. 98.

25. Nay là đường Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng Tám.

26. Trần Văn Giàu. Miền Nam giữ vững thành đồng, Tập II. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1966, tr. 342.

27. Quốc Oai, Sđd., tr. 93.

28. Tuệ Giác, Sđd., tr. 211.

29. Quốc Oai, Sđd., tr. 101.

30. Quốc Tuệ. Công cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam. Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1964, tr. 211.

31. Quốc Oai, Sđd., tr. 210.

32. Điểm báo ngoại ngữ nói đến tình hình Việt Nam và quốc tế từ 23-6 đến 29-6-1963. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP. Hồ Chí Minh. Ký hiệu tài liệu TNTP - 4238.

33. Công văn số 577/TTBC/A/M của Bộ trưởng Ngoại giao gởi Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống Sài Gòn ngày 23-7-1963. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP. Hồ Chí Minh. Ký hiệu tài liệu PTTg - 3044.

34. Phong trào Phật giáo miền Nam (Tài liệu tham khảo đặc biệt). Việt Nam Thông tấn xã, Hà Nội, 1973, tr. 211.

35. Điểm báo ngoại ngữ nói đến tình hình Việt Nam và quốc tế từ 30-6 đến 6-7-1963. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP. Hồ Chí Minh. Ký hiệu tài liệu TNTP - 4238.

36. Tin thế giới liên hệ cuộc vận động Phật giáo Việt Nam, ngày 14-7-1963. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP. Hồ Chí Minh. Ký hiệu tài liệu PTTg - 1291.

37. Nguyệt san Liên Hoa, số ra ngày 28-3-1964, tr. 6.

38. Trần Văn Giàu, Sđd., tr. 355.

39. Báo Nhân Dân, ngày 4-7-1963, tr. 4.

40. Phiếu trình Ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giáo số 081/PDVN/CT/TD/9.M ngày 15-6-1963 của Phái đoàn giao dịch với Ủy hội Quốc tế. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP. Hồ Chí Minh. Ký hiệu tài liệu SC.04-HS. 8469.

41. Báo Nhân Dân, ngày 27-6-1963, tr. 4.

42. Tin thế giới liên quan đến cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam, ngày 17-6-1963. Lưu tại chùa Từ Đàm.

43. Tin thế giới liên quan đến cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam, ngày 17-6-1963. Lưu tại chùa Từ Đàm.

44. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC.04-HS. 8467.

45. Công văn mật số 27-VP/DK ngày 21-6-1963 của Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Nhật Bản gởi Bộ trưởng Phủ Tổng thống. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC.04-HS. 8467.

46. Buddhist Times (Nhật Bản), số 537, ngày 25-6-1963. Lưu tại chùa Từ Đàm (Huế).

47. Tuệ Giác, Sđd., tr. 170-171.

48. Công văn số 43/DK/VP/M ngày 21-8-1963 của Tòa Đại sứ “Việt Nam Cộng hòa” tại Tokyo gởi Bộ trưởng Ngoại giao chính quyền Ngô Đình Diệm. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC.04-HS. 8467.

49. Công văn số 47 DK/M của Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Nhật Bản gởi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Sài Gòn ngày 29-8-1963. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh (Bản sao).

50. Phiếu trình Ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giáo số 081/PDVN/CT/TD/9.M ngày 15-6-1963 của Phái đoàn giao dịch với Ủy hội Quốc tế. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP. Hồ Chí Minh. Ký hiệu tài liệu SC.04-HS. 8469.

51. Báo Quân Đội Nhân Dân, ngày 23-5-1963, tr. 4.

52. Báo Quân Đội Nhân Dân, ngày 23-5-1963, tr. 4.

53. Công văn số 44/NQ/63/01 của Quyền Tổng Lãnh sự Việt Nam Cộng hòa tại Myanmar gởi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Sài Gòn ngày 21-5-1963.

54. Báo Nhân Dân, ngày 1-7-1963, tr.

55. Phiếu trình Ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao số 081/PDVN/CT/TD/9.M ngày 15-6-1963 của Phái đoàn giao dịch với Ủy hội quốc tế. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC.04-HS. 8469.

56. Công văn số 466/CT/5/M. của Đại diện Chính phủ Cộng hòa Việt Nam tại Phnom Penh gởi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ngày 17-5-1963.

57. Phiếu trình Ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao số 081/PDVN/CT/TD/9.M ngày 15-6-1963 của Phái đoàn giao dịch với Ủy hội Quốc tế. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP. Hồ Chí Minh. Ký hiệu tài liệu SC.04-HS. 8469.

58. Đoàn Thêm. Hai mươi năm qua - Việc từng ngày (1945-1964). Nxb Nam Chi Tùng thư, Sài Gòn, 1966, tr. 360.

59. Công văn số 43/DK/VP/M ngày 21-8-1963 của Tòa Đại sứ “Việt Nam Cộng hòa” tại Tokyo gởi Bộ trưởng Ngoại giao chính quyền Ngô Đình Diệm. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC.04-HS. 8467.

60. T.H. Mỹ - Diệm đang cố bịt ngòi thuốc nổ. Báo Quân Đội Nhân Dân, ngày 23-5-1963, tr. 4.

61. Phiếu trình Ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao số 081/PDVN/CT/TD/9.M ngày 15-6-1963 của Phái đoàn giao dịch với Ủy hội quốc tế. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP. Hồ Chí Minh. Ký hiệu tài liệu SC.04-HS. 8469.

62. Báo Nhân Dân, ngày 2-6-1963, tr. 4.

63. Tin thế giới về cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam, ngày 12-7-1963. Lưu tại chùa Từ Đàm (Huế).

64. Tâm Phong. Nhớ lại cuộc vận động của Phật giáo. Tuần báo Thiện Mỹ, số 1, ngày 27-10-1964, tr. 12.

65. Lời Tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 35
    • Số lượt truy cập : 6783334