Thông tin

CƯ NHO MỘ THÍCH DƯỚI THỜI

CÁC CHÚA NGUYỄN ĐẾN CÁC VUA NGUYỄN

 

HOÀNG NGỌC VĨNH*
HOÀNG TRẦN NHƯ NGỌC**

 

Từ thế kỷ VI đến thế kỷ X là sự ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Nho giáo trong đời sống xã hội Việt Nam. Trong thế “tam giáo đồng nguyên” của quá trình Hán hóa, truyền bá Phật giáo bằng chữ Hán vốn chứa đựng nội dung Nho giáo, thì Nho giáo và Phật giáo luôn giữ địa vị “độc tôn” trong tư tưởng dân tộc là một đặc điểm của văn hóa Việt Nam.

Phái Thảo Đường có thể xem là một truyền thừa của thiền phái Vân Môn Trung Quốc, có chủ trương dung hoà Nho - Phật, nhằm hoằng dương đạo Phật trong giới trí thức, truyền thừa ở Việt Nam đến thế kỷ XIII được sáu thế hệ (kể cả Thảo Đường), nhưng có nhiều người không xuất gia, gồm các vị vua, các quý tộc và các quan lớn nhà Lý. Phật giáo Thảo Đường có ảnh hưởng đáng kể về mặt học tập và có một thế lực lớn dưới thời nhà Lý, nhưng không có sức mạnh tạo nên một truyền thống sinh hoạt độc lập để lưu truyền về sau.

Cũng có những ý kiến khác nhau về thiền phái Trúc Lâm, nhưng cái thống nhất là tư tưởng thiền của Trần Nhân Tông có sự kế thừa tư tưởng thiền học của Trần Thái Tông, của Tuệ Trung Thượng Sỹ, là sự dung hoà Nho - Phật - Lão trong sự thống nhất các môn phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường trên cơ sở của tư tưởng nền tảng là ý thức dân tộc độc lập, xây dựng một nền hoà bình Chiêm - Việt. Trần Nhân Tông là vị vua – Phật hoàng của Phật giáo Việt Nam.

Thời kỳ thế kỷ XVI - 17I: Chiến tranh Nam triều (Lê Trung Hưng) - Bắc triều (Nhà Mạc) rồi chiến tranh Trịnh - Nguyễn đã kéo dài những loạn ly, thống khổ, oan trái trong cuộc sống xã hội Việt Nam. Đây cũng là điều kiện tốt cho sự phát triển những tư tưởng, tình cảm Phật giáo. Đặc biệt dưới thời Trịnh - Nguyễn, Phật giáo đã trở thành như một phương tiện cứu cánh cho sự thu phục nhân tâm của các Chúa trên con đường củng cố địa vị chính trị của mình. Nét nổi bật của thời kỳ này vẫn là tam giáo đồng nguyên, nhưng Phật giáo bắt đầu chiếm lại ưu thế của mình trong thế tam giáo ấy với quan niệm Thầy hơn Vua, hơn Cha.

Dưới triều đại Hậu Lê, bên cạnh những cấm đoán đối với Phật giáo như xua sư đi lính, đuổi sư về hoàn tục, cấm xây cất chùa mới, nhà có tang không được thiết lễ Trung nguyên Phật sự…, thì vương triều Hậu Lê vẫn có những hoạt động có tính tích cực đối với Phật giáo như rước tượng Phật ở chùa Pháp Vân để đăng đàn cầu mưa, cho tu sửa chùa Báo Thiên, chùa Thiên Phúc, mở hội Vu Lan, ban phẩm phục cho sư Huệ Hồng…, mà Phật giáo tuy không ở địa vị độc tôn trong ưu thế chính trị nhưng lại là nhu cầu sinh hoạt tâm linh trong tình cảm của con người mà Nho giáo không thay thế được. Phật giáo bị loại khỏi ảnh hưởng về vị trí xã hội nhưng lại sống trong tâm tư tình cảm của nhân dân và được thể hiện trong nhiều tác phẩm  văn học và dân gian.

Trong văn hóa truyền miệng xưa, dân ta đã có quan niệm sai lầm rằng:

“Hai châu Ô, Rí giữa ngàn

Huyền Trân Công chúa đặng là mấy mươi

Tiếc thay cây quế giữa rừng

Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo”

Thật ra, cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân công chúa và vua Chế Mân là cuộc hôn nhân tự nguyện, trong sáng, nhờ đó thiết lập quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước Việt – Chiêm: Châu Ô và châu Lý thuộc về Đại Việt (1306), là kết quả của sự thỏa thuận, hóa giải những bất đồng giữa hai dân tộc, xác lập quan hệ tốt đẹp, hữu nghị giữa hai dân tộc.

Thuận Quảng (Từ Quảng Bình đến Phú Yên) 1604, được xác lập thời chúa Nguyễn Hoàng, đã không chỉ được quản lý bằng Nho giáo, chính chúa Nguyễn Hoàng đã xác định đúng việc dùng Phật giáo để thu phục nhân tâm, bằng trước hết là trùng tu các chùa cổ, thứ đến là xây dựng chùa mới.

Các chúa và các vua về sau đã noi gương chúa Nguyễn Hoàng, không ngừng phát triển nhân tâm, thu phục nhân tài bắt đầu từ Phật giáo.

Thời Trịnh - Nguyễn, Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong, các chúa đều hâm mộ Phật giáo, coi Phật giáo như là một cứu cánh, một chiến lược thu phục nhân dân có lợi cho mình trong công cuộc lập quốc. Chính thế mà tuy không ở địa vị độc tôn về chính trị, nhưng Phật giáo đã có sự phục hưng và phát triển. Ngoài sự phục hưng phát triển của phái thiền Việt Nam Trúc Lâm Yên Tử ở Đàng Ngoài, còn thấy sự xuất hiện và phát triển của hai phái Lâm Tế và Tào Động của thiền tông Trung Quốc ở cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong.

Từ 1558 - 1788, ngoài việc bảo vệ và mở mang Đàng Trong (1558 biên giới nước ta mới chỉ đến Tuy Phước - Bình Định, 1611 mở đến Đồng Xuân - Tuy Hoà, 1679 mở đến Mỹ Tho, 1725 mở đến mũi Cà Mau), các Chúa Nguyễn một mặt vẫn dùng Nho giáo làm tư tưởng thống trị, mặt khác lại dùng Phật giáo làm nơi nương dựa tinh thần cho công cuộc lập quốc và chống lại xu hướng Nho giáo độc tôn. Hầu hết các chúa đều chăm lo xây dựng, trùng tu chùa chiền, trọng đãi các bậc cao tăng của Phật giáo. Ngoài ra các chúa còn cử người sang Trung Quốc mời các danh tăng, thỉnh pháp tượng, pháp khí và kinh điển Phật giáo về Việt Nam. Giai đoạn này Phật giáo phát triển khá mạnh ở Đàng Trong.

Qua 9 đời chúa Nguyễn (1558 - 1788) thì với luỹ Trường Dục và sông Gianh  làm giới tuyến (1624), Phật giáo Bắc và Nam (Việt Nam) không liên hệ với nhau. Các chúa Nguyễn dù chống lại xu hướng đưa Nho giáo lên địa vị độc tôn thì cũng phải đề cao Nho giáo trong công cuộc lập quốc của mình. Đồng thời họ cũng đã mộ Phật, dùng Phật giáo để thu phục nhân dân, góp phần củng cố địa vị của mình và vương triều. Các chúa Hiển Tông (1691-1725), Ninh Vương (1725-1738), Võ Vương (1738-1765) đều thọ giới Bồ tát. Các chúa khác rất quan tâm đến việc trùng tu chùa chiền và ủng hộ sự hoằng dương của Phật giáo, tạo nhiều điều kiện thuận cho Phật giáo phát triển mạnh ở Đàng Trong.

Chúa Nguyễn Hoàng là người cho dựng chùa Thiên Mụ, ngôi chùa cổ nhất của miền Nam cho đến nay vẫn còn và chính là một trong những ngôi chùa nổi tiếng của Việt Nam. Ông chính là người đầu tiên ở Đàng Trong dùng Phật giáo làm nơi nương tựa tinh thần thần cho các chúa trong công cuộc xây dựng, củng cố cát cứ, chống lại chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã sử dụng một số nhà tư tưởng nổi tiếng và có chủ trương thân Phật giáo như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến, v.v. Chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên là người đã thu phục được Đào Duy Từ. Vốn là nhà Nho uyên thâm thời ấy, nhưng Đào Duy Từ đã chống lại nho học bảo thủ, phò tá chúa Nguyễn với những chính sách cư Nho mộ Thích.

Chúa Nguyễn Phước Tần đã mời thiền sư Minh Châu Hương Hải - người có công lớn nhất trong việc phục hưng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử tại Quảng Trị và Thuận Hóa - về hoằng pháp tại phủ Phú Xuân. Nhiều người trong phủ chúa và một số các triều thần đã quy y với Hương Hải thiền sư. Chúa cũng đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Thiền sư Hoán Bích Tạ Nguyên Thiều truyền bá và hoằng dương thiền phái Lâm Tế tại Thuận Hóa.

Thời chúa Nguyễn Phúc Trăn, nhờ sự trợ giúp của chúa và sự nỗ lực của thiền sư Hoán Bích mà Phật giáo Lâm Tế Trung Quốc được phục hưng, phát triển mạnh ở Thừa Thiên - Huế và Đàng Trong.

Chúa Nguyễn Phúc Chu không chỉ tôn sùng Nho giáo mà còn là người rất mến mộ đạo Phật. Ông đã mời được thiền sư Thạch Liêm Đại Sán cùng các đệ tử của thiền sư sang hoằng dương phái Tào Động Trung Quốc tại Phú Xuân và Đàng Trong. Bản thân chúa cũng thọ giới Bồ tát với thiền sư Thạch Liêm, lấy pháp danh là Hưng Long, đạo hiệu là Thiên Túng đạo nhân. Trên đại hồng chung ông cho đúc năm 1710 đặt tại chùa Thiên Mụ có nói rõ mục đích đúc chuông đặt tại đây của ông là: “để vĩnh viễn cung phụng tam bảo, chú nguyện mưa hoà gió thuận, quốc thái dân an”. Trong Bia trùng tu chùa Thiên Mụ, ông viết năm 1715 có đoạn nói rất rõ sự sùng ái Phật giáo của ông: “Sống theo đạo Nho, chuộng đạo Phật vì chính trị không thể chẳng làm nhơn, tin đạo kính thầy, lấy nhân quả mà nghĩ điều gieo phước. Nhờ vậy, biên giới được thanh bình, thân tâm an ổn”.

Chúa Nguyễn Phúc Trú thọ giới bồ tát lấy đạo hiệu là Vân Tuyền Đạo Nhân.

Chúa Nguyễn Phúc Khoát là người rắp tâm mộng cát cứ chia nước ta thành hai quốc gia. Ông cho định lại triều phục của quan lại Đàng Trong, buộc nhân dân Đàng Trong thay đổi kiểu y phục cho khác với Đàng Ngoài, chính thức xưng vương với hiệu là Võ Vương, dổi dinh Phú Xuân thành Đô thành Phú Xuân và đổi phủ chúa thành Điện. Nhưng ông cũng là người thọ giới bồ tát với pháp danh là Phật Tâm, đạo hiệu là Từ Tế Đạo Nhân và tạo nhiều điều kiện cho Phật giáo phát triển. Khi thiền sư Liễu Quán viên tịch tại Phú Xuân, ông ban hiệu cho thiền sư là Đạo Hạnh, thuỵ là Chánh Giác Viên Ngộ Hòa thượng...

Thời chúa Nguyễn Phúc Chu, với tinh thần cư Nho mộ Thích, ông đã làm được nhiều việc có lợi cho nước: Thu phục Mạc Cửu (người Hoa) cai quản vùng Hà Tiên rộng lớn lúc ấy đang thuộc Chân Lạp, dâng toàn bộ lãnh thổ này cho Đại Việt vào năm 1725; Chủ trương đoàn kết Việt – Hoa, xóa bỏ mâu thuẫn giữa người Hoa và người thiểu số Việt Nam, sử dụng nhân tài người Hoa; Giữ vững độc lập dân tộc tại Côn Lôn, thắng sự xâm lược của thực dân Anh, xác định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa; thành lập phủ Tân Bình (ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay) 1698.

Ở thế kỷ XIX- XX, dưới triều Nguyễn (1802 - 1945) tình hình đất nước không ổn định. Nhà Nguyễn ban hành nhiều chính sách về chính trị, xã hội mang tính chất chuyên chế hà khắc, thậm chí tàn sát cả công thần. Các thời kỳ phát triển của các vua Nguyễn đều cấm đạo Công giáo, đề cao Nho giáo lên địa vị độc tôn và có một số chiếu dụ hạn chế sự phát triển của Phật giáo. Trong hoàn cảnh đó, Phật giáo cố vượt ra khỏi sự cương tỏa của triều đình, phát triển một cách độc lập và chi phối trở lại cách nhìn và thái độ của triều đình đối với Phật giáo. Đối với các chiếu dụ hạn chế, cấm đoán của triều đình, Phật giáo không có tấu sớ thỉnh cầu xét lại. Đối với những lời lẽ đả kích của các trào lưu tư tưởng khác về mình Phật giáo cũng không đáp lại. Giáo lý nhà Phật lặng lẽ thâm nhập vào mọi ngõ ngách, mọi tầng lớp xã hội, chi phối được cả chốn Hoàng gia, Cung thất nơi mà ở đó coi nhân sinh quan Nho giáo là hàng đầu, là nguyên tắc không thay đổi.

Trên thực tế thì không phải tất cả vua quan nhà Nguyễn đều bài xích Phật giáo, mà ở mỗi giai đoạn khác nhau do hoàn cảnh lịch sử mà quan niệm của các vị vua và quan lại đối với Phật giáo có khác nhau, thậm chí có vị vua và các vị quan lớn trong triều cũng như các bà Hoàng và Công chúa đều đã mộ Phật giáo. Chính thế mà thời kỳ này, các chùa Dâu, Bút Tháp, Phật Tích, Vĩnh Nghiêm, Keo, Sài Sơn, Tây Phương,.. được trùng tu, một hệ thống kinh sách được sưu tập và khắc in. Việc tổ chức thi sư tăng, kiểm tra giáo lý, kiểm tra sự tu trì và đức độ của các sư của Nhà Nguyễn một mặt hạn chế về sự phát triển số lượng sư, chùa, nhưng mặt khác lại làm cho Phật giáo phát triển có nề nếp, quy củ, sư sãi có trình độ, kiến thức uyên thâm hơn.

Từ Gia Long đến Khải Định không thấy có phái Phật giáo nào mới mà chỉ thấy trong công cuộc trị quốc của mình, dù đề cao Nho giáo lên địa vị độc tôn, có ban một số đạo dụ ngăn cản sự phát triển của Phật giáo, nhưng trên thực tế các vua đều mến mộ Phật giáo và đã tạo không ít điều kiện thuân lợi cho Phật giáo phát triển.

Vua Gia Long (làm vua từ 1802 - 1820) thường bị kết tội “cõng rắn cắn gà nhà”, nhưng với công là người đầu tiên thống nhất đất nước từ Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, vị vua này cũng mến mộ Phật giáo, làm cho Phật giáo truyền khắp đất nước. Đây là thời kỳ nhiều chùa được trùng tu và khởi tạo. Tại Huế, vào năm 1815, vua cho trùng tu chùa Thiên Mụ và triệu thiền sư Mật Hoằng về kinh đô cấp chức tăng cang, sắc trụ trì chùa Quốc Ân...

Triều Minh Mạng (1820 - 1840), vua cấm đạo Công giáo và ra lệnh bế quan tỏa cảng, nhưng sắc chỉ cho tái thiết chùa Thánh Duyên ở Huế, sắc chỉ sư các nơi phải về kinh đô để bộ lễ cấp độ điệp…

Triều Thiệu Trị (1841 - 1847), vua cấm đạo Công giáo nhưng sắc chỉ xây tháp Từ Nhơn (Phước Duyên Bảo tháp) bảy tầng ở chùa Thiên Mụ và sắc chỉ lập chùa Diệu Đế...

Vua Thiệu Trị đã có bài thơ “Thiên Mụ chung thanh” để xác nhận sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với nhân dân Việt Nam nói chung, với nhân dân Huế nói riêng với tư cách là chỗ dựa, là sự cứu cánh cho vương triều rằng:     

“Cao cương cổ sát trấn tiền xuyên

Nguyệt tướng thường viên tự tại thiên.

Bách bát hồng thanh tiêu bách kết,

Tam thiên thế giới tỉnh tam duyên.

Tăng hoàng ngọ nhật u minh cảm,

Liêu lượng dần tiêu dạo vi huyền.

Phật tích thánh công thùy hải vũ,

Thiện nhân tăng quả phổ cai diên.”

Trong tạp chí “Huế xưa và nay - Số 1 - tháng ba - năm 1993”, Ngô Văn Phú đã dịch bài thơ ấy như sau: 

“Tiếng chuông Thiên Mụ

Gò cao, chùa cũ, mặt sông giăng,

Cao tít trời xanh, trăng độ rằm,

Trống gióng giải oan, trăm lẻ tám

Gỡ duyên, thế giới, trọn ba ngàn

Mõ sư đúng ngọ, hồn man mác,

Tiu tiều canh dần, đạo vộnh hằng.

Dấu Phật, công Thần, dài đất nước

Nhân lành, quả tốt hãy vun chăm.”        

Cũng có một bản dịch khác là:

“Tiếng chuông Thiên Mụ.

Chùa cổ gò cao trấn mặt sông,

Bóng nguyệt thường tròn giữa cõi không.

Hồi chuông linh tám tiêu phiền não,

Thế giới ba ngàn tỉnh sắc không.

Văng vẳng ban trưa, bừng chốn tối,

Ngân nga về sáng, tỏ thiền tông.

Đức Phật, công Vua trùm sáu cõi,

Quả phước, nhân lành toả núi sông.”

Như vậy, trong đạo trị nước của vua đã rất cần đến sự có mặt của Phật giáo. Triều Tự Đức (1847 - 1883), vua cấm đạo Công giáo nhưng sắc chỉ một số chùa thành chùa công (chùa nhà nước) như các chùa Thiên Mụ, Giác Hoàng, Thánh Duyên và cấp bằng sắc cho các chùa công có tăng cang trông coi chùa cùng tăng chúng. Vua cũng sắc chỉ cấp công điền cho chùa Thiên Mụ, Diệu Đế, Thánh Duyên, Linh Hựu, Long Quang ở Huế; Tam Thai, Ứng Hòa ở Quảng Nam; Khải Tường ở Sài Gòn v.v.

Có thể thấy, từ Gia Long đến Tự Đức các chùa Thiên Mụ, Báo Quốc, Quốc Ân, Thuyền Tôn, Thiền Lâm, Viên Thông, Viên Giác, Phước Thành, Kim Tiên, Thánh Duyên, Đông Thuyền, Hà Trung, v.v được trùng tu; các chùa Thiên Hưng, Quảng Tế, Giác Hoàng, Linh Hựu, Diệu Đế, Từ Hiếu, Linh Quang, Kỳ Viên, Tường Vân, Long Quang, v.v được khởi tạo khai sơn...

Các thời sau Tự Đức như Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Hàm Nghi, Khải Định là thời kỳ Phật giáo phục hồi. Giai đoạn này, Huế xuất hiện các chùa Balamật, Kim Quang, Phổ Phúc, Phổ Quang, Hải Đức, Quy Thiện, Châu Lâm, Diệu Đức, Diệu Viên, Hồng Ân, Phổ Tế, Hồng Khê, Hiếu Quang, Giác Lâm, Bảo Vân, chùa khuôn hội Dương Biều, Kiên An, Thuận Hóa, Tịnh Bình, Vĩnh Nhơn, Thành Nội, Thường Lạc.

Thời vua Khải Định và Bảo Đại, Phật giáo Nam Kỳ, Trung Kỳ có sự chấn hưng bởi ảnh hưởng chấn hưng của Phật giáo Trung Quốc.

Phật giáo triều Nguyễn có ảnh hưởng lớn đến thi ca, văn học Việt Nam (Phan Huy Chú, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát...). Giáo lý Phật giáo lặng lẽ thâm nhập vào các tầng lớp xã hội, chi phối đời sống tinh thần của nhiều tầng lớp trong đó có cả chốn Hoàng gia trên những phương diện: Có - Không, Còn - Mất, Sống - Chết, Phúc - Họa, Từ bi, Cứu độ, Giải thoát.

Tóm lại: Tam giáo đồng nguyên là hiện tượng phổ biến ở Việt Nam kể từ thế kỷ X, nhưng cư Nho mộ Thích có thể nói là do chúa Nguyễn Phúc Chu khởi xướng trên nền tảng tam giáo đồng nguyên ấy. Vị chúa đề cao Nho giáo này đã tu tại gia, thọ giới bồ tát năm 20 tuổi với Thạch Liêm Đại Sán. Trai giới của chúa là “làm những gì ích nước lợi dân”.

Cư Nho là phát triển Nho học, áp dụng những điểm tích cực của Nho giáo nhằm củng cố và phát triển bộ máy nhà nước.

Mộ Thích là cư xử, ứng xử, quan hệ xã hội, quan hệ gia đình theo triết lý đạo đức Phật giáo, đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Từ các chúa Nguyễn, đến các vua Nguyễn, cư Nho mộ Thích là trên cơ sở đề cao Nho giáo với tư cách là tư tưởng độc tôn, dùng Phật giáo làm chiến lược thu phục nhân tâm, nhằm củng cố địa vị và sự ổn định của vương triều, đất nước.

Thực tiễn ấy đã làm cho Phật giáo Huế có một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần, văn hóa xã hội Huế nói riêng; sinh hoạt theo nghi thức Phật giáo là điều không thể thiếu của cư dân Thừa Thiên Huế. Đó cũng là vị trí của Phật giáo với đời sống văn hóa-xã hội ở Đàng Trong (trước đây), miền Nam (ngày nay) nói chung.



* Thạc sĩ, Khoa Lý luận Chính trị, Đại học Khoa học Huế.

** Đại học Khoa học Huế.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 24
    • Số lượt truy cập : 6115437