Thông tin

CUỐI NĂM ĐI QUÉT MỘ ÔNG BÀ

CUỐI NĂM ĐI QUÉT MỘ ÔNG BÀ

 

TRẦN THÁI HỌC

 


 

Đối với người Việt, việc quét mộ là nghĩa cử thiêng liêng của con cháu đối với ông bà đã khuất. Quét mộ, hay còn gọi là tảo mộ, hiểu nôm na là sửa sang mộ phần ông bà, phát quang xung quanh cho sạch sẽ, tươm tất… Riêng đối với Tết Thanh minh (trong tiết Thanh minh) vào mồng 3 tháng 3 Âm lịch, dành cho những người con xa quê không kịp về quét mộ trong dịp Tết cổ truyền, hoặc muốn di dời hài cốt ông bà vào những nơi trang trọng hơn, hoặc mang về sau vườn nhà cho ấm cúng.

Cứ tầm đầu tháng Chạp, đã thấy nhiều đám lục tục kéo nhau đi quét mộ trải thành hàng dài, lô nhô chật kín cả con đường làng. Điều đó cho thấy, người Việt trân trọng, nâng niu, giữ gìn nét văn hóa này như một vật gia bảo. Phong tục quét mộ ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa như hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đã viết: “Thanh minh trong tiết tháng Ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. Tuy nhiên, ở Trung Hoa thì việc tảo mộ lại rơi vào Tết Thanh minh mồng 3 tháng 3 Âm lịch là chủ yếu.

Ở quê tôi, mỗi nhà chọn một ngày ấn định trong tháng 12 Âm lịch để đi quét mộ ông bà và lấy đó làm truyền thống duy trì từ đời này sang đời khác, không bao giờ thay đổi. Tất nhiên sẽ có nhiều gia đình chọn trùng ngày với  nhau. Bởi lẽ một tháng chỉ có 30 ngày. Trong khi cả xã có đến hàng trăm hộ dân chứ đâu có ít. Ngày trước, mộ ông bà thường nằm ở những khu nghĩa địa có người cai quản, tức quản trang. Họ làm không lương, thuần túy là có bãi đất dư rồi mở lòng cho người qua đời yên giấc nơi đây như là cách làm phước giúp đời. Dù vậy, mỗi năm đi quét mộ, gia đình nào cũng cảm ơn ông quản trang bằng một gói quà nhỏ hay một bao lì xì đỏ thắm để ông vui xuân. Của ít lòng nhiều, ông buộc phải nhận cho mọi người vui vẻ. 

Quét mộ là một việc làm thiêng liêng của con cháu đối với ông bà đã khuất nên chẳng ai làm sơ sài mà phải có bài bản, nghi thức đầy đủ. Vì nghĩa địa xa nhà, nên mới từ 3 - 4 giờ khuya là cả nhà tôi đã thức dậy. Phụ nữ trong nhà thì lo chuẩn bị các món ăn để cúng kiến. Trẻ con như anh em tôi cũng nhốn nháo, nôn nao thức dậy đòi xin đi theo. Vì vào cuối năm được nghỉ học, vả lại ba tôi muốn cho con cháu biết nguồn biết cội nên đồng ý cho theo cùng. Con trai út, chịu trách nhiệm việc thờ cúng ông bà, là ba tôi, tranh thủ đốt vài nén nhang lên bàn thờ gia tiên rồi xuất hành. Dụng cụ mang theo quét mộ gồm có chổi, cuốc, dao, thau, nhang, bánh, hoa và không quên quà biếu ông quản trang. Ngày trước kiếm tiền mua một chiếc xe đạp là cả vấn đề nên ai cũng đi bộ. Nhộn nhịp lắm cơ. Những người có cùng ngày quét mộ với gia đình tôi, đi ngang nhà, gọi nhau í ới làm cả một vùng rộn ràng. Ít nhất cũng ba chục người, bao gồm cả trẻ con. Một nhà thường đi khoảng năm người, anh em dù xa nhà, nhưng vẫn cố gắng về sớm một ngày, ngủ lại nhà thờ để sáng sớm cùng gia tộc đi quét mộ. Bóng đêm chưa tan hẳn, sương phủ đầy không gian khiến cho trẻ con rét run người. Dù ớn lạnh, sợ ma, nhưng có ba và các chú, các bác nên tôi cảm thấy thích thú hơn rùng mình. Khi tiếng gà tắt hẳn, mặt trời thức giấc phủ những tia nắng le lói mong manh lên những vòm me xanh thì cũng là lúc mọi người đến nơi.

Quang cảnh khi nghĩa địa thật ồn ào, tiếng nói cười, gọi nhau í ới xua tan đi không khí u ám, lạnh lẽo. Cả một vùng rực sắc vàng với mai, cúc, vạn thọ được người ta trang trọng đặt trước bia mộ người thân. Ba tôi vào bàn thờ chung nhà bác quản trang đốt một nén hương tưởng niệm, biếu bác một giỏ trái cây rồi bắt đầu ra một khu mộ ông bà để làm việc. Lúc đó nhà tôi nghèo lắm, vì vậy mộ ông bà không được xây cất xi-măng, đá tổ ong như những gia đình khác mà là mộ đất. Ba tôi lại tiếp tục đốt nhang trước mộ, khấn vái rất lâu, cầu cho ông bà nơi miền cực lạc phù hộ cho gia đình mạnh khỏe, làm ăn phát tài. Rồi ba phân công người thì đi ra bờ kênh xúc bùn già cho vào xô, thau để tráng mộ mới. Người thì phát quang xung quanh, nhổ cỏ, nhặt rác. Sau một năm quét mộ, cỏ cây lại mọc xanh um che khuất cả khu mộ. Nhất là những cây trâm bầu, ma dương, mắc cỡ... phải nhổ tận gốc để chúng không mọc lại. Ba kéo tay tôi đi khắp khu mộ, chỉ nơi nào ông bà nội, ông bà cố hay các bác an nghỉ. Rồi ba dúi vào tay tôi con dao, bảo: "Con phải làm điều gì đó cho khu mộ này sạch sẽ. Mau lên, để các chú mang bùn về làm mới mộ không kịp". Vâng lời ba, tôi lao vào nhổ cỏ, chặt cây, nhặt rác cùng ba. Phải mất gần một giờ mới xong việc này. Để đó cho các bác và các anh trám bùn, ba dẫn tôi lại một khu đất khác, rồi bảo: "Con có biết đây là mộ của ai không?". Ôi chao, tất nhiên là tôi biết rồi, bia mộ có ghi rõ ràng kia mà. Nhưng khi ba tôi gằng giọng: "Người nằm đây là anh của ba đấy, một liệt sĩ hy sinh trong thời kháng chiến chống Mỹ". Không để tôi thắc mắc vì sao bác nằm lẻ loi nơi này, ba giải thích: "Do khu đất hết chỗ rồi, nên bác Ba con buộc phải chịu cô đơn". Như nắng hạn gặp mưa rào, khơi gợi miền ký ức, ba tuôn ra những dòng kỷ niệm của một thời trai trẻ chiến đấu vì đất nước, vì quê hương.

Công việc chỉ có thế nhưng mất nửa ngày mới xong. Mọi người thu dọn dụng cụ rồi ra về. Trước khi rời khu nghĩa địa, ai cũng nhớ chắp tay xá vài cái như nói lời chào tạm biệt người đã khuất. Về đến nhà, các món ăn đã được mẹ và các cô dọn sẵn. Giờ chỉ việc mang lên bàn thờ cúng kiến như là đám giỗ chung. Sau đó thì mọi người dùng một bữa cơm thân mật, nói cười vui vẻ, ai cũng cảm thấy hài lòng khi vừa hoàn thành xong một nhiệm vụ thiêng liêng.

Mỗi năm cùng ba đi quét mộ, tôi lại học thêm được nhiều điều hay: về phong tục tập quán của làng quê, bản sắc văn hóa, phụng sự gia tiên, uống nước nhớ nguồn... Càng lớn, tình yêu gia đình, làng quê của tôi ngày càng mãnh liệt và tôi nghĩ nhiệm vụ của các thế hệ trẻ như chúng tôi phải có trách nhiệm bảo vệ bản sắc ấy không bị mai một. Dù rằng, những nấm mồ đất đen nứt nẻ ngày ấy của ông bà đã được khoác lớp áo xi-măng trắng tinh tươm tất. Nhưng phong tục đi quét mộ cuối năm vẫn được duy trì đều đặn, tiếp nối những người đi trước như là cách tri ân những người nằm xuống để che chở cho những người đứng lên nhìn về tương lai xán lạn.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 10
    • Số lượt truy cập : 6126854