Thông tin

PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER: ĐẶC ĐIỂM VÀ HƯỚNG ĐẾN CÁC GIẢI PHÁP GIÁO DỤC, XÃ HỘI

PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER

ĐẶC ĐIỂM VÀ HƯỚNG ĐẾN CÁC GIẢI PHÁP
GIÁO DỤC, XÃ HỘI

                            

KIM CHƯƠL

 

 

 

1. Mấy đặc điểm hoằng pháp của Phật giáo Nam tông Khmer

Tộc người Khmer ở Nam Bộ gắn liền với Phật giáo nguyên thủy (Theravada) đã được truyền bá vào khu vực Suvannabhumi tức Đông Nam Á ngày nay. Theo phong tục tập quán của đồng bào Khmer qua nhiều thế kỷ, khi định cư ở một nơi nào có từ 60-70 hộ gia đình trở lên, họ chung lòng chung sức cùng nhau lập chùa, thỉnh chư Tăng về trụ trì để có nơi thờ phụng Tam bảo và cúng dường tạo phước. Chùa của người Khmer vốn tĩnh lặng và tôn nghiêm, một trung tâm đoàn kết, là nơi thực hiện chức năng giáo dục, đồng thời dành cho các hàng Phật tử gieo duyên tạo phước để làm tài sản cho kiếp vị lai cũng như sự an lành trong đời sống hiện tại. Mặt khác, nhà chùa là chốn để cho đồng bào Phật tử quy y Tam bảo, có nhiệm vụ giáo huấn lời dạy của Đức Phật đến chư Tăng và hàng Phật tử am hiểu về đạo lý và để  thực hành theo giáo pháp của Đức Phật. Tục ngữ Khmer có câu:

“Còn sống vào chùa gửi thân

Sau khi từ trần vào xin gửi cốt”.

Tóm lại, chùa là nơi truyền bá những lời dạy của Đức Phật. Chư Tăng là người hướng dẫn cho đồng bào Phật tử thực hiện nếp sống lành mạnh, tốt đạo đẹp đời. Đó là mục tiêu cốt lõi của công việc hoằng pháp ở các chùa Khmer Nam bộ xưa cũng như nay.

Đối với người Khmer, các lễ hội truyền thống đóng một vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng. Chúng không những chi phối đến toàn bộ sinh hoạt tinh thần, vật chất mà còn chiếm một khoảng thời gian lớn của các gia đình. Họ có rất nhiều lễ hội dân gian và lễ hội trong Phật giáo như: Lễ Vêsak (lễ Phật Đản), lễ Maghapuja (rằm tháng Giêng âm lịch), lễ Kathina (lễ dâng y), lễ Nhập Hạ, lễ Ra Hạ, lễ Đôn-ta, lễ Chôl Chchnăm Thmây, Okombook, Trai tăng, Cầu siêu, Tang lễ, lễ Cưới. Ngoài các ngày lễ lớn ra hàng tháng còn có các ngày giới như: ngày mùng 8, ngày Rằm, ngày 23 và ngày 30, v.v… nên trong những ngày lễ của họ, dù bắt nguồn từ đâu thì vẫn gắn liền với ngôi chùa và chư Tăng. Người Khmer thỉnh chư Tăng tụng kinh cầu an, cầu siêu và giảng đạo, thuyết pháp. Hình thức thuyết pháp ở đây là thuyết giảng 1 vị hoặc thuyết giảng đối đáp gồm 2, 3, 4, 5 vị. Đặc biệt, hình thức thuyết 3 vị là họ lấy theo tích kết tập Kinh Tạng lần thứ nhất. Người chủ tọa kết tập Tam Tạng lần thứ nhất là Trưởng lão Mahakassapa, Ngài là vị vấn đạo về pháp luật đến Trưởng lão Upàli là người đáp về luật đáp những câu hỏi của ngài Mahakassapa. Còn Trưởng lão Ananda là vị đáp về Kinh Tạng lẫn Vi Diệu Tạng. Ngoài ra, hình thức thuyết pháp gồm 5 vị là họ lấy theo tích từ khi Bimbà (Da Du Ða La) tỳ khưu Ni nhập niết bàn được 15 ngày, tất cả Tăng đoàn có sự thương tiếc vô cùng, nên Đức Phật cho phép các vị thánh tăng thuyết giảng đối đáp trong thời ấy là Trưởng lão Mahakassapa. Ngài là vị vấn đạo đến Ngài Trưởng lão Anuruutha và Trưởng lão Ananda là người đáp và Trưởng lão Ananda là người vấn đạo đến Lahula và Kalenathera là 2 vị đáp lời. Một hình thức nữa là đàm đạo tức là thuyết nhiều vị tùy theo đơn vị tổ chức thỉnh giảng, và có thể thuyết giảng ở chùa hoặc ở nhà hay là một làng xóm nào đó. Đó là một nét đặc trưng mang tính truyền thống mà không thể không nhắc đến trong lĩnh vực hoằng pháp của Phật giáo Nam tông Khmer.

Đối với đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ, tư tưởng giáo lý Phật giáo đã thắm nhuần trong tâm hồn mọi người. Họ lấy giáo lý của Đức Phật làm tiêu chuẩn sống và càng không thiếu trong sinh hoạt lễ hội, trong xu thế hội nhập và phát triển không ngừng của xã hội hiện nay. Điều này đã cho chúng ta thấy, trong các phương tiện dẫn dắt con người đến với đạo Phật thì hoằng pháp là phương tiện gần gũi, phổ biến và hiệu quả hơn hết. Mặt khác, sức truyền cảm và sự chuyển hóa của hoằng pháp để đáp ứng nhu cầu tâm tư tình cảm của đại đa số quần chúng, nên hoằng pháp trong Phật giáo luôn có sức thu hút để thuyết phục lôi cuốn quần chúng hơn. Hoằng pháp là phương tiện hoằng hóa độ sanh, mục tiêu hóa độ chúng sanh giác ngộ chân lý giải thoát của Đức Phật làm chính. Bản chất của hoằng pháp hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer là đề cao tư tưởng và triết lý đạo Phật, sáng suốt tùy duyên mà khởi sự hoằng pháp để phù hợp và đáp ứng nhu cầu của Phật tử người Khmer.

  2. Phát triển công tác hoằng pháp của Phật giáo Nam tông Khmer hiện nay: Một số đề xuất

Hiện nay, nền khoa học hiện đại và  lối sống văn minh ngày càng phát triển, nhu cầu về đời sống vật chất của con người được nâng lên. Mặt khác, cần có nhiều nỗ lực đưa ra những giải pháp thích hợp nhằm để cân bằng đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người, góp phần cải thiện đạo đức xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Hoằng pháp của hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer giữ vai trò thiết thực, gắn liền mục tiêu này đối với đời sống của đồng bào Khmer Nam Bộ hiện nay.

Bên cạnh đó, đời sống của người Khmer Nam Bộ hiện nay có nhiều thay đổi hơn so với trước kia. Một thực tế hiện nay là ở Nam Bộ ngày càng nhiều vấn đề xã hội đang nảy sinh và tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân, trong đó có tộc người Khmer ở đây. Những vấn đề xã hội nổi cộm của đồng bào Khmer Nam Bộ hiện tại là: Hạ tầng cơ sở còn thấp, giao thông đi lại khó khăn, hoạt động kinh tế kém phát triển nên thiếu việc làm cho lao động nông thôn Khmer, tỉ lệ sinh đẻ khá cao, trình độ dân trí thấp, một bộ phận còn thiếu nhà ở, thiếu đất sản xuất và đối mặt với vấn đề nghèo đói ngày một gia tăng. Trong những tháng đầu năm 2016, với đợt hạn hạn kéo dài và nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, đồng bào Khmer các tỉnh ven biển Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh,… gặp rất nhiều khó khăn do không thu hoạch được lúa và thiếu nước sạch sinh hoạt. Vì thế, hiện tượng di dân đã gia tăng, ngày càng nhiều người Khmer bỏ phum, sóc lên Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ để tìm kiếm việc làm.

Đặc biệt, nhiều tôn giáo lạ đang thâm nhập ở các phum, sóc và dẫn đến hiện tượng cải đạo ở người Khmer, họ từ bỏ Phật giáo chuyển sang tôn giáo khác ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang,… Đây là một vấn đề nổi cộm và không thể không quan tâm đối với các cấp chính quyền, Giáo hội Phật giáo lẫn hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer vì sẽ tác động không nhỏ đến xã hội, văn hóa truyền thống và an ninh trật tự vùng đồng bào Khmer Nam Bộ.

 

 

Từ thực trạng nêu trên đây, chúng tôi cho rằng ngành hoằng pháp có một vai trò quan trọng để khắc phục những vấn đề nêu trên, giúp Phật giáo thấm sâu hơn nữa vào đời sống văn hóa của người Khmer Nam Bộ, trưởng dưỡng tín tâm của Phật tử, là động lực tinh thần để họ vươn lên trước những khó khăn, thách thức đang đặt ra bằng hệ tư tưởng giáo lý minh triết và chân thật của đức Phật. Muốn vậy, công tác hoằng pháp của Phật giáo Nam tông Khmer cần phải tập trung vào những giải pháp ưu tiên sau:

- Thứ nhất, một giải pháp quan trọng đó là cần tổ chức các lớp học liên quan đến kiến thức và kĩ năng liên quan đến sư phạm, thuyết trình, tư duy logic và phản biện cho chư Tăng Nam tông Khmer đang tham gia hoặc yêu thích công việc hoằng pháp ở các chùa hiện nay để giúp họ nâng cao năng lực thuyết giảng đến người Phật tử.

- Thứ hai, áp dụng các công nghệ hiện đại như máy tính, máy chiếu là một phương tiện đế nâng chất lượng các buổi thuyết pháp với nhiều hình ảnh trực quan sinh động sẽ thuyết phục và lôi cuốn bà con Phật tử. Cho nên, các nhà sư cần phải được học các sử dụng máy vi tính, xây dựng và thiết kế bài giảng.

- Thứ ba, hoằng pháp trong vùng đồng bào Khmer muốn thật sự có chất lượng và chiều sâu thì cần phải gắn với hoạt động từ thiện xã hội hiệu quả nhằm giúp đỡ người dân Khmer vốn gặp nhiều khó khăn. Cho nên, Hội Đoàn kết Sư sãi các tỉnh, thành cần tổ chức các lớp học liên quan đến Công tác xã hội, phát triển cộng đồng, tâm lý học cho các chư Tăng trẻ và nhiệt tâm để đáp ứng nhu cầu này.

- Thứ tư, cần phải xây dựng đội ngũ hoằng pháp viên từ Phật tử là người Khmer am hiểu giáo lý, tâm huyết và năng động. Họ sẽ là lực lượng nòng cốt để giữ vững niềm tín tâm nơi Phật pháp của người Khmer.

- Thứ năm, những chủ đề thuyết pháp cần gắn với những đề tài có tính thời sự đang được người Khmer quan tâm như: Môi trường, đạo đức xã hội, gia đình, văn hóa,… Thông qua đó cho thấy tính toàn diện và hiện đại của giáo lý nhà Phật, giúp cho Phật giáo gắn bó một cách thiết thực với cuộc sống bà con Khmer hiện nay. Qua đó cho thấy được tính nhập thế, linh hoạt của đạo Phật.

- Thứ sáu, hiện tại, người Khmer có xu hướng di dân đến Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ ngày một đông vì lý do tìm kiếm việc làm ở các khu công nghiệp, khiến họ phải đối mặt với nhiều khó khăn như sức khỏe, tâm lý, chỗ ăn ở, bị sa thải, hôn nhân,... Vì thế, để giữ được đời sống văn hóa truyền thống, để cho họ gắn bó với Phật giáo, làm chỗ dựa tinh thần trong điều kiện ly hương thì phải đưa chư Tăng đến nơi đây hoằng pháp bằng nhiều hình thức uyển chuyển, linh hoạt như tổ chức văn hóa văn nghệ, khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí, tư vấn tâm lý, hỗ trợ việc làm, tư vấn pháp luật, giới thiệu học nghề… để giúp đỡ thanh niên người Khmer ổn định sinh hoạt, tìm kiếm công việc ổn định. Bên cạnh đó, chính quyền và Giáo hội Phật giáo ở nơi đây cần tạo điều kiện xây dựng trước mắt là những Sala và sau là chùa để làm nơi thực hành văn hóa, tâm linh, chia sẻ khó khăn với họ. Đây là một tiền đề quan trọng giúp cho công tác hoằng pháp của Phật giáo Nam tông Khmer gắn liền với những nhóm người này.

3. Kết luận

Đạo Phật hiện diện hơn 2.560 năm và ngành hoằng pháp Phật giáo cũng đã tạo thành dấu ấn văn hóa, góp phần xây dựng đạo đức và truyền thống văn hóa tâm linh không thể thiếu của đồng bào dân tộc. Hoằng pháp của Phật giáo cũng là một phương thức có tác dụng chuyển hóa khổ đau, rất có hiệu quả để tiếp tục thực hiện tốt chức năng cứu khổ ban vui của Phật giáo trong thời hiện đại. Ngoài ra, chúng ta cần quan tâm hơn về việc thay đổi những gì không còn phù hợp, đồng thời tạo được sự thống nhất chung để làm cho hoằng pháp Phật giáo tiếp tục đáp ứng nhu cầu trong thời kỳ mới, nhất là đối với bà con Phật tử Khmer Nam Bộ hiện nay.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 46
    • Số lượt truy cập : 6367625