DANH, BIỂU TỰ VÀ BIỆT HIỆU
DANH, BIỂU TỰ VÀ BIỆT HIỆU(名、表字和别号)
PHAN THỊ BÍCH TRẦM
Tánh Thị (姓氏:họ) dùng để phân biệt huyết thống và tông tộc, Danh (名:tên) dùng để phân biệt mỗi cá nhân. Danh sản sinh vào thời kỳ xã hội thị tộc, hiện nay theo ghi lại của sách sử, tên sớm nhất có từ đời Thương, lúc đó mọi người sùng bái lấy Thiên Can đặt làm tên như: Thái Ất(太乙), Bàn Canh
(盘庚), Thái Giáp (太甲), Vũ Đinh (武丁) v.v…
Người xưa ngoài Danh (名) ra còn có Biểu Tự (表字). Sách Lễ Ký có nói, quý tộc bật Sĩ trở lên trước khi thành niên xưng Danh, sau khi thành niên, hành Quán lễ (冠礼: lễ đội nón) thì xưng Tự, sau khi chết thì xưng Thụy Hiệu (谥号).
Sự xuất hiện của Tự là vì để biểu thị sự tôn trọng đối với Danh, Danh và Tự trong một số trường hợp có cách dùng riêng.
Con cái trước mặt cha tự xưng Danh của mình, thần tử trước mặt vua tự xưng Danh của mình, Thiên tử tự xưng Quả Nhân (寡人), đối với chư hầu thì tự xưng Danh. Nhưng cho dù tôn quý như Thiên tử, khi làm lễ tế trời đất, quỷ thần cũng phải tự xưng Danh hoặc Thần (臣). Trực tiếp gọi Danh người khác, nếu như không ngoài mục đích là hạ thấp người ta thì đều là hành vi không hiểu lễ nghĩa. Cho nên, người xưa khi giao tế luôn kị húy (避讳: tị húy) hoặc xưng tên quan chức, tước vị, biểu tự của đối phương, để biểu thị sự tôn trọng của mình đối với người nghe, thường những người cùng bậc, đẳng cấp thì xưng với nhau bằng Tự.
Bất luận là cổ đại hay hiện nay, việc đặt tên là một việc cần phải cân nhắc, suy xét. Những từ có nghĩa cát tường, vui vẻ, nho nhã, vui tai thường được dùng nhiều, nhưng một số chữ vốn nghĩa tốt nhưng vì một người nào đó dùng chữ đó mà khi sống lại tạo nên tiếng xấu cho đời thì chữ đó trở nên từ mà người ta không muốn sử dụng nữa để đặt tên.
Đời Tống tên đại gian thần Tần Cối (秦桧) bán nước cầu vinh, hãm hại trung lương, tiếng xấu muôn đời. Cho nên chữ Cối (桧) trong tên Tần Cối vốn có nghĩa tốt, nhưng vì mọi người căm ghét Tần Cối nên đến cái tên của hắn người ta cũng cảm thấy sỉ nhục khi sử dụng để đặt tên. Đời vua Càn Long có trạng nguyên tên là Tần Đại sĩ (秦大士), ông từ nhỏ thông minh, hiếu học, mười tuổi đã có thể làm thơ, viết văn, thư pháp cũng vào hàng tuyệt đỉnh, đậu trạng nguyên xong được vào Hàn lâm viện (翰林院), nhậm chức biên tu quốc sử (编修国史). Càn Long rất xem trọng tài hoa của Tần Đại sĩ, đối với thân thế của ông cũng rất hứng thú, bèn hỏi: “Nghe nói khanh là hậu đại của Tần Cối, thật như vậy không?”. Tần Đại sĩ đáp: “Nhất triều thiên tử nhất triều thần.” (一朝天子一朝臣). Sau đó, qua tra xét gia phả, biết Tần Đại sĩ là hậu đại của Tần Tể (秦宰), một vị thanh quan đời Tống, vì thế từ đó Tần Đại sĩ mới được trọng dụng. Một lần, Tần Đại sĩ cùng với bạn đến Hàng Châu chơi. Tại miếu Nhạc vương bên Tây Hồ, Tần Đại sĩ chiêm ngưỡng lăng mộ của Nhạc Phi. Nhìn thấy tượng vợ chồng tên gian thần Tần Cối bị trói trong tư thế quỳ lạy trước mộ, có người bạn nhớ đến thân thế của Tần Đại sĩ, bèn trêu rằng, xin Đại sĩ hãy dựa vào tình cảnh này mà làm một câu đối. Đối diện trước lăng tẩm của một vị anh hùng và tượng của một tên gian thần, Tần Đại sĩ xúc động vô cùng, ông không hề cự tuyệt đề nghị của bạn, cầm bút lưu lại một đôi liễn:
“Nhân tùng Tống hậu tu danh Cối; (人从宋后羞名桧)
Ngã đáo mộ tiền quý tánh Tần.” (我到墓前愧姓秦)
Đặc điểm kết hợp hình, âm, nghĩa của chữ Hán cũng thể hiện qua tên gọi, vì thế mà tên gọi chứa đựng ẩn ý đa dạng, có người có cái tên thật độc đáo và ý vị.
Cận đại mạn họa gia Liêu Băng Huynh (廖冰兄) có một lần tiến hành triển lãm ở Trùng Khánh, Quách Mạt Nhược (郭沫若) đến tham quan đột nhiên nghĩ ra một vấn đề, ông bèn hỏi Liêu Băng Huynh tên có ý nghĩa gì. Liêu Băng Huynh không trả lời, một Bản Họa gia tên Vương Kỳ bèn thay ông giải thích rằng: “Liêu Băng Huynh từ nhỏ sống cùng với em gái là Liêu Băng, cho nên đặt tên mình là Liêu Băng Huynh”. Quách Mạc Nhược cười nói: “Vậy vợ của Úc Đạt Phu (郁达父) nhất định tên là Úc Đạt, cha của Thiệu Lực Tử (邵力子) nhất định tên là Thiệu Lực (邵力) rồi”. Mọi người nghe xong cười rộ lên.
Trong tên họ của người xưa, ngoài Biểu Tự ra còn có Hiệu (号). Hiệu cũng gọi là Biệt Xưng (别称), Biệt Tự (别字), Biệt Hiệu (别号). Hiệu có thể tự mình đặt, gọi là Tự Hiệu, ví dụ: Tấn đại thi nhân Đào Uyên Minh có tự hiệu là “Ngũ Liễu tiên sinh” (五柳先生) , cũng có thể do người khác đặt tặng cho mình gọi là “Tôn Hiệu” (尊号), như đời Tống Từ nhân Trương Tiên (张先) vì làm nên 3 câu thơ đều có 3 chữ ảnh: (云破月来花弄影,浮萍断处见山影,隔墙送过秋千影 - Vân phá nguyệt lai hoa lộng ảnh, Phù bình đoạn xử kiến san ảnh, Cách tường tống quá thu thiên ảnh), nên được người ta khen tặng tự hiệu là “Trương Tam Ảnh”.
So với Danh và Tự, Hiệu thể hiện tính cách, sở thích và phẩm chất của một cá nhân một cách rõ rệt. Ái quốc thi nhân Lục Du (陆游) thời Nam Tống cả đời yêu nước thương dân, sĩ đồ không thuận lợi, báo quốc không thành, chỉ đành mượn việc phóng lãng hình hài để giải sầu, người đương thời châm biếm ông không giữ lễ pháp, là kẻ phóng túng, ông dứt khoát đặt tự hiệu cho mình là “Phóng Ông”, để biểu thị sự miệt thị của mình đối với lễ pháp và quyền quý. Tống đại văn học gia Âu Dương Tu hiệu là “Lục Nhất cư sĩ”(六一居士), ông giải thích rằng: “Nhà tôi tập họp 3 đời Kim thạch di văn 1.000 quyển, tàng thư 1 vạn quyển, có 1 cây đàn, 1 bàn cờ, thường đeo theo 1 bầu rượu, tôi sắp già đi với 5 thứ đó, cho nên hiệu là Lục nhất”.
Xước Hiệu (绰号) là một loại hiệu đăc biệt, cũng gọi là Ngộn danh (诨名), Ngộn hiệu (诨号), thường đều do người khác đặt cho. Xước hiệu thường dựa theo đặc điểm sinh lý, tánh danh, tướng mạo mà mang màu sắc bao biếm dư luận sâu sắc. Giám sát ngự sử đời Minh là Đinh Tuấn, sống tiết kiệm, mỗi bữa ăn trên bàn chỉ có một đĩa đậu hủ nên người đời tặng cho ông ta ngoại hiệu là “Đậu hủ ngự sử” ; Đời Tống Bao Chuẩn ngự sử làm quan thanh liêm, cương trực không a dua, không sợ uy quyền, thiết diện vô tư, nên người đời xưng ông là “Diêm La Bao Lão” (阎罗包老). Những Xước Hiệu này không có ý châm biếm, chỉ biểu đạt sự tán dương, yêu mến của người dân đối với các vị quan thanh liêm. Trong tiểu thuyết cổ đại Thủy Hử có một trăm lẻ tám vị anh hùng hảo hán đều có những Xước Hiệu rất oách: “Báo Tử Đầu - 豹子头, Hoa Hòa Thượng – 花和尚, Thanh Diện Thú - 青面兽, Hắc Toàn Phong - 黑旋风 …”, chỉ cần nhắc đến những Xước Hiệu này, trong đầu mọi người đều hiện lên hình tượng anh hùng trọng nghĩa, hào hiệp, đỉnh thiên lập địa của các vị hảo hán này.
Không chỉ người thường có Hiệu, Vương Hầu cũng có Hiệu. Hiệu của bậc đế vương thời cổ đại, gồm có Thụy Hiệu (谥号), Miếu Hiệu (庙号), Niên Hiệu (年号), Tôn Hiệu (尊号). Miếu Hiệu là tên hiệu đặt cho đế vương sau khi họ mất và đem truy tôn thờ phụng trong Thái Miếu, như Tây Hán khai quốc hoàng đế Lưu Bang có miếu hiệu là “Cao Tổ”, Tống đại khai quốc hoàng đế Triệu Khuông Dẫn có miếu hiệu là “Thái Tổ”, thụy hiệu là tên đặt cho các đế vương, chư hầu, trọng thần thời cổ đại sau khi mất đi, nó căn cứ theo sự tích khi còn sống của các vị đó mà đặt, có ý khen chê trong đó. Thụy hiệu lúc đầu chỉ có ý tốt đẹp (美谥 Mỹ Thụy), ca ngợi tán dương là chính, tới thời Tây Chu mới xuất hiện ý xấu (恶谥 Ác Thụy). Chu Lệ Vương (周厉王), tham tài, hám lợi, chuyên quyền tàn bạo, còn phái người giám sát lão bá tánh, không cho họ nói lời oán trách, ai phạm sẽ chém đầu, khủng bố họ đến mức gặp nhau trên đường cũng không dám nói chuyện, chỉ dùng mắt để biểu đạt ý muốn. Sau đó vì lão bá tánh chịu không nổi, phát động chiến tranh lật đổ Chu Lệ Vương. Chu Lệ Vương chạy đến đất Trệ (彘), sau chết ở nơi đó. Chữ Lệ chính là Ác Hiệu do người đời sau đặt cho ông ta.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 20 – THÁNG 4 NĂM 2017 (PL. 2560)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 19 – THÁNG 1 NĂM 2017 (PL. 2560)
Bình luận bài viết