Thông tin

DANH SĨ XỨ NGHỆ: TIẾN SĨ ĐINH VĂN CHẤP

NGƯỜI MỞ ĐẦU CHO CÔNG VIỆC DỊCH THƠ THIỀN

THỜI LÝ –TRẦN

 

ĐÀO NGUYÊN*

 

Học giả Phạm Quỳnh (1892 – 1945) trong phần mở đầu của bài khảo cứu “Phật Giáo Lược Khảo” viết năm 1920, đã than thở về tình trạng suy đồi của Phật Giáo thời bấy giờ: “…Đã lâu nay, đạo Phật nhiều người tin mà ít người biết, những bậc cao tăng danh thiền đời xưa tuy cũng có mà gần đây không đâu còn, tới nay đến những nơi chùa chiền, đám Tăng chúng cũng khó lòng tìm được người nào là còn giữ được chút tâm hồn Phật Giáo. Đạo Phật bây giờ chỉ có tên mà không có thực, chỉ có bóng mà không có hình…Phật Giáo đã vắng ngắt trong cõi tư tưởng nước ta lâu lắm vậy!”[1].

Ghi nhận như thế là có phần chính xác, chứng tỏ cái tâm của nhà nghiên cứu “thương tiếc” xót xa vì sự suy kém của một tôn giáo, một nền  Đạo học đã từng có ảnh hưởng lớn đối với văn hóa Việt Nam. Nhưng nhìn chung, nhận xét như Phạm Quỳnh là quá đáng.

Thực tế vào thời bấy giờ, trong cửa thiền , đây đó vẫn có các bậc cao tăng tài đức gồm đủ, đang cố gắng hết sức để duy trì mạng mạch của Phật giáo Việt Nam, chờ có hoàn cảnh thuận tiện sẽ phát huy[2].

Thêm nữa, bên ngoài, vẫn có các vị cư sĩ, các nhà trí thức, tuy sống trong thời kì chữ Hán đã trở thành quá khứ, nhưng vẫn tâm niệm: Cần phải bảo tồn và phát huy vốn văn hóa – văn học cổ Việt Nam. Trong chiều hướng đó, Tiến sĩ Đinh Văn Chấp, chính là người mở đầu cho công việc dịch thuật thơ văn cổ, nhất là mảng thơ Thiền thời Lý – Trần.

Đinh Văn Chấp (1882 - 1953); người xã Kim Khê, huyện Nghi Lộc, phủ Hưng Yên, tỉnh Nghệ An; xuất thân từ một gia đình khoa bảng, có truyền thống yêu nước, mộ Phật, đậu tiến sĩ năm Quý Sửu (1913), cộng tác với tạp chí Nam Phong; Hán học vững, am tường về thi ca, lại có những hiểu biết về Phật học, là những yếu tố cơ bản giúp ông mạnh dạn làm công việc mở đầu cho phong trào dịch thuật thơ Thiền thời Lý – Trần.

Năm 1927, trên tạp chí Nam Phong số 114, 115, 116[3], Tiến sĩ  Đinh Văn Chấp đã công bố các bản dịch của mình gồm 113 bài, bước đầu giúp cho người đọc làm quen với mảng thi ca khá đặc thù ấy. Trong khi chờ đợi một sự tiếp cận đầy đủ các dịch phẩm kia, chúng tôi, trong khả năng rất hạn chế của mình, đã tập hợp được hơn 40 bài, bước đầu xin giới thiệu một gương mặt dịch thuật thơ Thiền tuy xuất hiện cách nay đã hơn 80 năm nhưng đối với chúng ta rất gần gũi.

Đời Lý

Chúng tôi nêu bản dịch, phần trong ngoặc là nguyên bản chữ Hán được phiên âm. Một số trường hợp, chúng tôi xin có một vài ghi nhận, đối chiếu cần thiết.

Kệ “Thị Tịch” của Quốc sư Vạn Hạnh

Có không tựa chớp chiếc thân này

Muôn vật tư mùa khéo đổi thay

Khí vận thịnh suy nào chút sợ

Xem dường giọt móc đỗ trên cây.

Đinh Văn Chấp dịch, Dẫn theo Việt Nam cổ văn học sử (VNCVHS) của Nguyễn Đổng Chi, bản in 1970, S, tr.104.

(Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn vật xuân vinh thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô)

Kệ “Truy tán Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi” của vua Lý Thái Tông

Qua Nam từ thuở trước

Người đã tiếng say Thiền

Phép Phật mười phương đủ

Lòng xa một mối truyền

Lăng Già trong vẻ nguyệt

Bát Nhã nức mùi sen

Bao giờ hay gặp mặt

Cùng giải lẽ u huyền.

Đinh Văn Chấp dịch. Dẫn theo VNCVHS, sđd, tr.13

(Sáng tự lai Nam quốc

Văn quân cửu tập thiền

Ứng khai chư Phật tín

Viễn hợp nhất tâm nguyên

Hạo hạo Lăng Già nguyệt

Phân phân Bát Nhã Liên

Hà thời lâm diện kiến

Tương dữ thoại trùng huyền).

Kệ “Truy Tán Quốc sư Vạn Hạnh” của vua Lý Nhân Tông

Vạn Hạnh thông ba học

Rành rành có sấm thi

Quê nhà tên Cổ Pháp

Gậy Phật đất vương kỳ.

Đinh Văn Chấp dịch. Dẫn theo VHCVHS, sđd, tr.105 – 106

(Vạn Hạnh dung tam tế

Chân phù cổ sấm ky

Hương quan danh Cổ Pháp

Trụ tích trấn vương kỳ).

Tam tế mà dịch là “Ba học” là chưa sát, nhưng cũng có thể chấp nhận được. Ba học ở đây là chỉ cho Nho học, Phật học, Lão học, hoặc Giới học, Định học, Tuệ học theo Phật giáo, và như thế thì đấy là một vị thiền sư tài trí và đạo hạnh toàn diện.

Trong Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, Thượng tọa Mật Thể dịch:

Thiền sư học rộng bao la

Giữ mình hợp phép sấm ra ngoài lời

Quê hương Cổ Pháp danh ngời

Tháp bia đứng vững muôn đời đế đô.

(VNPGSL, bản in 1960, tr.121)

Ngô Tất Tố (1894 – 1954) trong Văn Học Đời Lý đã dịch:

Học rộng làu ba cõi

Lời in tiếng sấm xưa

Quên làng tên Cổ Pháp

Dựng gậy vững kinh vua

(VHĐL, bản in 1960, tr.45)

Tam tế dịch là ba cõi là cũng không sát, mà giải thích Tam tế gồm trời, đất, người (VHĐL, sđd, tr.44) cũng không đúng. Trời, đất, người là Tam tài[4]. Tam tế là 3 đời quá khứ, hiện tại và vị lai.[5] Đây là bản dịch của Giáo sư Nguyễn Lang:

Hành tung thấu triệt ba đời

Ngữ ngôn phù hợp muôn lời sấm xưa

Quê hương Cổ Pháp bấy giờ

Dựng cây tích trượng, kinh đô vững bền.

(VNPGSL I, bản in 1992, tr. 163)

Kệ “Thị tịch” của Thiền sư Mãn Giác

Thời tiết qua rồi lại

Hẹn hò xuân với hoa

Trước mắt thoi đưa việc

Trên đầu tóc giục già

Chớ nói xuân tàn hoa cũng vậy

Sân mai một đóa mới hôm qua.

Đinh Văn Chấp dịch[6].

(Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tùng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đinh tiền tạc dạ nhất chi mai).

Bài “Ngôn hoài” của Thiền sư Không Lộ

Long xà đất ở chọn lâu nay

Mượn thú quê vui mới trót ngày

Có lúc đưa chân lên đỉnh núi

Kêu dài một tiếng lạnh cung mây.

Đinh Văn Chấp dịch[7]

(Trạch đắc long xà địa khả cư

Dã tình chung nhật lạc vô dư

Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh

Trường khiếu nhất thanh  hàn thái hư).

Long xà: Ở đây, Đinh Văn Chấp đã để nguyên không dịch. Kiều Thu Hoạch trong tạp chí Văn học – được Thơ Văn Lý – Trần I dẫn lại cũng để nguyên (Kiểu đất Long xà chọn được nơi…)[8]. Ngô Tất Tố trong VHĐL đã giải thích Long xà là rồng rắn và dịch: “Lựa nơi rồng rắn đất ưa người…”[9].

Theo chúng tôi, trong thuật ngữ Phật học, chúng ta đã có Long tượng, Long mã, không phải là rồng voi, rồng ngựa mà là voi quý, ngựa quý. Vậy Long xà có thể hiểu là rắn thiêng. Chúng ta lại có từ xà pháp, chỉ cho pháp thấp. Như thế, Long xà có thể hiểu là những vùng đất trũng sâu, (sông, hồ) có địa thế thoáng đẹp. Giáo sư Nguyễn Lang đã dịch: “Chọn nơi địa thế đẹp sông hồ”[10] phải chăng là theo ý  vừa nêu?

Thơ của Đoàn Văn Khâm viếng Thiền sư Quảng Trí

Đầu bạc non xanh lánh bụi hồng

Tầng mây rũ áo gió thơm lồng

Rắp đem khăn tĩnh theo nhà tiểu

Bỗng thấy giày rơi đóng cửa không.

Chim hóng trăng chùa thưa giọng hót

Ai đề bia mộ kén ngòi lông

Tăng đồ xin chớ buồn ly biệt

Kìa ảnh truyền thần có núi sông.

Đinh Văn Chấp dịch[11]

Đời Trần

Thơ của hai vị Tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử:

1. Thơ của vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308), tức Trúc Lâm đệ nhất Tổ:

Lên núi Bảo Đài

Cảnh vắng nhà rêu phủ

Cành xuân nhị tuyết phong

Chung trời mây dải núi

Chia bóng ngõ chen bông.

Muôn việc theo dòng nước

Trăm năm ngỏ tấm lòng

Nương cầu giong tiếng địch

Dạ khách tấm trăng trong.

Đinh Văn Chấp dịch[12]

Trăng

Đèn song chếch bóng sách kề đầu

Đêm vắng sân rơi giọt móc thâu

Thức dậy, tiếng chày đâu đến tá?

Trên cành bông quế bóng trăng nhô.

Đinh Văn Chấp dịch[13]

Phủ Thiên Trường

Hồng lục phai màu cảnh quạnh hiu

Hoa vi mây móc dáng buồn thiu

Sư về trong viện câu kinh vẳng

Lầu ở trên sông bóng nguyệt treo.

Ba chục cung Tiên cây tháp đặt

Tám nghìn cõi Phật tiếng triều reo

Phổ Minh cảnh Phật còn như cũ

Trong giấc mơ màng thấy Thuấn Nghiêu.

Đinh Văn Chấp dịch[14]

2.Thơ của Thiền sư Huyền Quang (1254 – 1334) là đệ tam Tổ:

Phiếm Chu – (Đi chơi thuyền)

Cưỡi thuyền lướt gió sóng mênh mông

Non nước trời thu một sắc trong

Tiếng sáo thuyền câu ngoài bến sậy

Trăng rơi đáy nước móc đầy sông.

Đinh Văn Chấp dịch[15]

Hoa cúc  (Bài 3):

Thân thế nào hay có với không

Một giường lạnh ngắt kẻ ngồi trông

Giữa non năm cuối quên ngày tháng

Mách tiết trùng dương cúc nở bông.

Đinh Văn Chấp dịch[16]

Chu trung – (Trong thuyền)

Dấu khách giang hồ thuyền một lá

Hàng lau lách gió chèo thong thả

Bốn bề trông quạnh ngọn triều lên

Nước biếc liền trời âu trắng xóa.

Đinh Văn Chấp dịch[17]

3. Thơ của các vị vua đời Trần:

Thơ của vua Trần Thánh Tông (1240 – 1290):

Hạ cảnh – (Cảnh mùa Hè)

Bóng ác ngày dài dãy gác hoa

Nhị sen đưa mát trước song qua

Sau mưa, cây cỏ buông màn biếc

Vài tiếng ve kêu rộn bóng tà.

Đinh Văn Chấp dịch[18]

Thơ của vua Trần Minh Tông (1300 – 1357):

Bạch Đằng Giang

Giáo gươm chởm chởm đám mây phô

Làn sóng về đông sắc khéo tô

Gấm đất sau mưa màu cỏ ối

Đàn trời trước gió tiếng thông vo,

Xưa nay một bức đồ sơn thủy

Thua được nhìn năm dấu Việt Hồ

Nước nhiễm bóng tà sông đỏ rực

Máu người chinh chiến ngỡ chưa khô.

Đinh Văn Chấp dịch[19]

Văn Pháp Loa Tôn giả - (Viếng Tôn giả Pháp Loa)

Trắng tay chẳng chút nợ trần mang

Đã có người truyền phép Giác vương

Giày xếp trong quan nghìn núi cỏ

Ve ra ngoài xác một cây sương

Trăng đêm nương náu trong Tăng viện

Mù sớm ngăn che trước Pháp đường

Kim cổ cùng nhau nay vắng vẻ

Viếng ai một khúc lệ đôi hàng.

Đinh Văn Chấp dịch[20]

Tham khảo bản dịch của Giáo sư Nguyễn Lang:

Tay duỗi trần hoàn rũ sạch duyên

Giác Hoàng sự nghiệp đã nên truyền

Chân mộ núi xanh mờ cỏ dại

Xác ve cây biếc tỏa sương mềm.

Giảng đường dọi bóng trăng kim cổ

Thiền thất mờ sương khói nhị biên

Tiếc duyên kim cải ngày xưa đó

Chuốt một bài thơ khóc bạn thiền.

(VNPGSL I, sđd, tr.396)

Tiễn sứ Bắc…

Vạch đám mây mù ruổi vó câu

Tuyệt vời cờ tuyết nước in màu

Làm trai giao thiệp phương trời quạnh

Rắp kẻ bao dung lượng bể sâu

Thơ Thánh sẵn đề non nước Việt

Ơn vua đem tưới móc mưa Châu,

Vầng mây Nam Bắc ngày mai đã

Chén rượu từ chi lúc hợp nhau.

(Đinh Văn Chấp dịch)[21]

4. Thơ của một số tác giả đời Trần – Hồ:

Chúng tôi đã ghi nhận được 26 bài của 15 tác giả:Trần Quang Triều (1286 – 1325): 1 bài[22]; Nguyễn Trung Ngạn (1289 – 1370): 2 bài; Chu Văn An (1292 – 1370): 1 bài; Phạm Sư Mạnh (thế kỷ XIV): 4 bài; Lê Bá Quát (thế kỷ XIV): 1 bài; Trần Nguyên Đán (1325 – 1390): 3 bài; Phạm Ngộ (thế kỷ XIV): 3 bài; Phạm Mại (thế kỷ XIV): 1 bài; Phạm Nhân Khanh (thế kỷ XIV): 3 bài; Hồ Tông Thốc (hậu bán thế kỷ XIV): 1 bài; Chu Đường Anh ( cuối thế kỷ XIV): 1 bài; Lê Cảnh Tuân (? – 1216): 2 bài; Nguyễn Phi Khanh (1355 – 1428): 1 bài ; Trần Lâu (đầu thế kỷ XV): 1 bài; Phạm Nhữ Dực (đầu thế kỷ XV): 1 bài.

Chúng tôi xin giới thiệu một số bài dịch tiêu biểu

Trần Quang Triều

Chu trung độc chước

(Uống rượu một mình trong thuyền)

Màu thu hiu hắt khắp non thành

Trời bể tin nhà đợi vắng tanh

Nết ở nhặt thưa mưa trước mái

Mùi đời cao thấp sóng đầu ghềnh.

Bạn xưa tùng cúc chia đôi ngả

Tuổi tác đàn thơ hợp với mình

Trong dạ ngổn ngang nào tả xiết

Hãy nâng chén rượu dốc lưng bình.

Đinh Văn Chấp dịch[23]

Nguyễn Trung Ngạn

Hồ Nam

Ngán nỗi lao đao giữa bụi hồng

Hồ Nam, thử mở mắt trần trông

Buồm đưa thuyền tới chừng muười dặm

Mưa vượt lầu qua độ nửa sông.

Nhạc Lộc từng mây, chuông cửa Phật

Hành Dương chiếc bóng, nhạn trên không

Trường Sa quạnh cõi trông càng nhớ

Tiếc Giả sinh kia gặp vận cùng.

Đinh Văn Chấp dịch[24]

Chu Văn An

Sơ Hạ - (Đầu mùa Hè)

Trại non chợt tỉnh giấc mùa hè

Hơi mát đưa qua chiếc bóng mai

Tìm lối lũy hoang xao xác yến

Đầy đường tiếng mới não nùng ve

Nhấp nhô sen nước xa mùi tục

Ngay thẳng măng đồng át giậu tre

Lặng dựa cành ngô người tựa biếng

Gió đâu giở sách ý khôn đè.

Đinh Văn Chấp dịch[25]

Phạm Sư Mạnh

Đề Cam Lộ tự -  (Đề chùa Cam Lộ)

Rẽ đám mây mù gõ trước rèm

Buồng Tăng nhà Phật nước quanh thềm

Gió lay giọt lệ sương phá tóc

Thơ Mục Lăng xưa lại đọc lên.

Đinh Văn Chấp dịch[26]

Trần Nguyên Đán

Dạ quy chu trung tác

(Thơ làm trên thuyền trong đêm trở về):

Dân bị lầm than mấy triệu thừa

Yên tan, Biện nát đã bao giờ

Giang hồ chiếc gối chưa yên giấc

Mượn lửa thuyền chài đọc sách xưa.

Đinh Văn Chấp dịch[27]

Phạm Ngộ

Cảm tác Lúc đi thuyền… (bài 2):

Phù Trạch năm nay lại dạo qua

Non nước in xưa, người đã già

Ngày tháng thoi đưa nhà xuân vắng

Sóng nổi cơn sầu nghìn dặm xa.

Đinh Văn Chấp dịch[28]

Phạm Mại

Nhân lúc rỗi, dùng thơ sáu chữ…

Cây đỏ một khe nước chảy

Non xanh nghìn dặm bóng chênh

Muốn gọi chiếc thuyền về thử

Thân này xuất xử chưa đành.

Đinh Văn Chấp dịch[29]

Phạm Nhân Khanh

Đêm thất tịch

Chuôi Đẩu về Tây bánh hỏa thâu

Duyên trời gặp gỡ Nữ và Ngâu

Mây giăng sông bạc dường cây tán

Trăng đứng cầu ao tựa lưỡi câu.

Mùi đủ vui buồn đêm kết ước

Hương xông kim chỉ khách nương lầu,

Cười mình bản tính xưa nay vụng

Khéo léo nghề ai chẳng chút cầu.

Đinh Văn Chấp dịch[30]

Hồ Tông Thốc

Qua chơi Hồ Động Đình, họa thơ của Nhị Khê

Khen ai tài bộ tuổi còn xanh

Già với văn chương hổ phận mình

Lòng Phật hẳn quên điều được mất

Giấc Tiên nào thấy cuộc đua tranh

Che mù đành vậy, beo trên núi

Không lưới khen chi cá dưới gành

Thăm viếng miễn cho ngày mỗi có

Khánh treo chớ ngại kẻ Đông đình.

Đinh Văn Chấp dịch[31]

Chu Đường Anh

Đề bức tranh…

Ngựa Ngọc Hoa sao khéo lạ lùng

Tắm rồi đém tiến dưới sân rồng

Nếu lòng yêu mến người như ngựa

Lọ phải lo dân nỗi khốn cùng.

Đinh Văn Chấp dịch[32]

Lê Cảnh Thân

Nguyên nhật - Ngày đầu năm

Đất khách bao ngày trải

Trời xuân năm thứ hai

Kỳ về còn chưa định

Quê cũ đã chồi mai.

Đinh Văn Chấp dịch[33]

Nguyễn Phi Khanh

Gia viên lạc- Thú quê nhà

Vườn xưa kinh loạn sẵn nhà xưa

Ham sách vui xem lũ trẻ thơ

Hoa rụng chim kêu đầu ngõ vắng

Giấc tàn gió mát cánh song thưa

Lòng vào chốn tĩnh thiên sầu dứt

Học đến chừng hay sức khỏe thua

Trần lụy buộc mình từ ấy khỏi

Chàng Phan chiếc ốc đủ khoan thư.

Đinh Văn Chấp dịch[34]

Trần Lâu

Qua ải Hàm Tử - (Quá Hàm Tử quan)

Sa tràng đau đớn chuyện tương truyền

Hàm Tử hôm nay ngấp nghé thuyền

Trống giục ngọn triều nghe tiếng nhặt

Cờ giăng bóng trúc đứng hàng chen

Cây già còn nhiễm xuân trời Việt

Sóng lạnh khôn nguôi trận giặc Nguyên

Dò hỏi Toa Đô nơi tử trận

Nước non thăm thẳm lối xưa quên.

Đinh Văn Chấp dịch[35]

Phạm Nhữ Dực

Ông Lý Hạ Trai tới thăm…

Tuyết in mấy độ vuốt chim Hồng

Gặp gỡ sao không ước cũng đồng

Mặt vắng khiến người trông Thúc độ

Thân hèn thẹn kẻ mộng Chu công.

Mượn câu văn vẻ lời vàng đá

Cầm chén thề chia gánh núi sông

Xin chép thơ này làm khoán ước

Ngại gì đất Bắc với trời Đông.

Đinh Văn Chấp dịch[36]

Trong số 42 bài đã tập hợp được, chúng tôi giới thiệu 31 bài, tạm đủ để chúng ta thấy được phần nào những nổ lực cùng những thành tựu bước đầu của người dịch. Không chỉ mang tính chất mở đường, một số bài dịch của Tiến sĩ Đinh Văn Chấp đã đạt đến những giá trị nghệ thuật cao, được các tuyển tập, toàn tập sử dụng, nêu dẫn, khiên tên tuổi ông càng trở nên gần gũi, thân thiết đối với chúng ta, những người vốn luôn mến mộ thơ văn thời Lý – Trần.

Cùng với sự việc Học giả Lê Thước (1890 – 1975) đã phát hiện tác phẩm Văn tế Thập Loại Chúng Sinh của thi hào Nguyễn Du (1765 – 1820) tại ngôi chùa Diệc (Nghệ An). Cùng với sự việc nhà chí sĩ, nhà văn Phan Bội Châu (1867 – 1940) đã công bố về tiểu sử cùng hành trạng của Thiền sư Thiện Quảng (1862 – 1911). Và cùng với việc H.th Thích Minh Châu (tức Đinh Văn Nam, con trai của Tiến sĩ Đinh Văn Chấp) một vị danh tăng tiêu biểu của Phật Giáo Việt Nam thế kỷ XX, người đã mở đầu cho sự nghiệp Việt dịch ĐTK chữ Pali, đã dịch 4 Bộ Nikàya (Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ, Tăng Chi Bộ) góp phần chính để hoàn thành ĐTK Việt Nam phần Phật Giáo Nam truyền… Tất cả đã cho thấy, danh lam của xứ Nghệ An, nhân tài, danh sĩ của xứ Nghệ An, đã lưu giữ, đã đóng góp rất đáng kể cho Phật Giáo nói chung và Phật Giáo Việt Nam nói riêng. Như thế thì văn hóa Phật Giáo xứ Nghệ An cần được sưu tập, cần được bảo tồn và phát huy, cần được hiện đại hóa…góp phần giúp cho Phật Giáo Nghệ An hiện tại đạt được những thành tựu, vướn tới tầm cao đã có trong quá khứ.



* Nhà dịch thuật Hán tạng

[1].  Phật giáo lược khảo, in trong Thượng chi văn tập, tập 4, Nxb A.De Rodes, Hà Nội, trang 8.

[2].  Xem thêm: Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo sử luận, T3, tr.22 – 23.

[3]. Theo Thơ văn Lý – Trần, T1, 1977, tr.141.

[4]. Hán Việt TĐ của Đào Duy Anh, bản in năm 1957, quyển hạ, tr .228.

[5]. Phật Quang ĐTĐ, tr.668 thượng; Phật học ĐTĐ của Đinh Phúc Bảo, tr.347 hạ 348 thượng.

[6]. Dẫn theo VNCVHS, sđd, tr. 130

[7]. Dẫn theo VNCVHS, sđd, tr.131.

[8]. Thơ văn Lý – Trần I, 1977, tr.385

[9]. VHĐL, sđd, tr.67

[10]. VNPGSL I, sđd, tr.220

[11]. Dẫn theo VNCVHS, sđd, tr.133

[12]. Dẫn theo VNCVHS, sđd, tr.310

[13]. Dẫn theo VNCVHS, sđd, tr. 311

[14]. Dẫn theo VNCVHS, sđd, tr.311

[15]. Hợp tuyển Thơ văn Việt Nam thế kỷ X – XVII (HTTVVN) 1976, tr.161

[16]. Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu – (VNVHSY), bản in 1968, tr.243

[17]. Dẫn theo Thơ Văn Lý – Trần II – TVLT II, 1989, tr.685

[18]. Dẫn theo TVLT II, sđd, tr.404

[19]. Dẫn theo VNCVHS, sđd, tr.316

[20]. Dẫn theo TVLT II, sđd, tr.807

[21]. Dẫn theo VNCVHS, sđd, tr.329-330

[22]. Trong Việt Nam Phật Giáo sử luận I, Giáo sư Nguyễn Lang dựa theo tài liệu nơi Tam Tổ thực lục, cho biết Trần Quang Triều đã xuất gia tu Phật năm 1322 (sđd, tr.438)

[23]. Dẫn theo TVLT II, sđd, tr.622

[24]. Dẫn theo HTTVVN, sđd, tr.224 – 225

[25]. Dẫn theo VNVHSY, sđd, tr.241

[26]. Dẫn theo Thơ văn Lý – Trần 3, 1978, tr.85

[27]. Dẫn theo HTTVVN, sđd, tr.256

[28]. Dẫn theo TVLT II, sđd, tr.830

[29]. Dẫn theo VNCVHS, sđd, tr.409

[30]. Dẫn theo TVLT 3, sđd, tr.306

[31]. Dẫn theo VNCVHS, sđd, tr.393

[32]. Dẫn theo TVLT 3, sđd, tr.246

[33]. Dẫn theo HTTVVN, sđd, tr.292

[34]. Dẫn theo VNCVHS, sđd, tr.391 – 392

[35]. Dẫn theo VNCVHS, sđd, tr.394

[36]. Dẫn theo VNCVHS, sđd, tr.395

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 38
    • Số lượt truy cập : 6369847