Thông tin

DANH THẮNG CHÙA PHẬT TÍCH

TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM

 

PGS. TS. NGUYỄN HỮU SƠN*

 

Trong suốt thời trung đại, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trung tâm văn hóa, tôn giáo, kiến trúc,… luôn được các văn nhân coi trọng và viết truyện, bia ký, làm thơ đề vịnh. Bên cạnh các địa danh Yên Tử, Bài Thơ, Cửa Ông (Quảng Ninh), Hồ Tây, Hồ Gươm, Sông Hồng, Tản Viên (Hà Nội), Ngự Bình, Sông Hương (Huế), Giác Lâm, Cây Mai, Bình Hòa (Sài Gòn), Tô Châu, Đông Hồ, Thạch Động (Hà Tiên),… điểm di tích chùa Phật Tích (còn gọi chùa Vạn Phúc) tọa lạc ở phía nam núi Phật Tích, còn gọi núi Lạn Kha, Non Tiên (nay thuộc địa phận xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) cũng là một trong những trung tâm Phật giáo cổ và nơi danh thắng nổi tiếng, được văn nhân các đời đề vịnh, ca tụng trong nhiều áng thơ văn. Nổi bật trong số các văn nhân từng viết về Phật Tích có Nguyễn Sưởng, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Vũ Lãm, Nguyễn Dữ…

Có thể coi Nguyễn Sưởng (cuối thế kỷ XIII – đầu thế kỷ XIV) là một trong những thi nhân đầu tiên làm thơ đề vịnh cảnh quan chùa Phật Tích. Bản thân Nguyễn Sưởng là người từng tham gia Thi xã Bích Động cùng Trần Quang Triều, Tự Lạc tiên sinh… Khi đến chùa Vạn Phúc – Phật Tích, ông có bài thơ Tiên Du sơn Vạn Phúc tự (Chơi chùa Vạn Phúc ở Tiên Du) nói về vẻ nguy nga của ngôi chùa và ngậm ngùi buồn thương trước dòng thời gian muôn năm xưa cũ:

Phật thổ trang nghiêm xỉ vạn câm (kim),

Tùng phong xuy khởi hải triều âm.

Vân tàng cổ tự sơn Nam Bắc,

Tháp ỷ tằng tiêu thế cổ câm (kim).

Cấp giản qui tăng hành mộc diểu,

Thính chung miên khách ỷ hoa âm.

Lạn Kha vấn khước tiên gia sự,

Thạch thượng đài y tích tiệm thâm.

Dịch nghĩa:

Xây dựng đất Phật trang nghiêm, tốn phí hàng vạn nén vàng,

Gió thông thổi lên nghe như tiếng sóng bể rì rầm.

Mây che ngôi chùa cổ, núi ở phía Nam phía Bắc,

Tháp dựa trời cao trải bao đời xưa và nay.

Nhà sư múc nước dưới khe về như đi trên ngọn cây,

Người khách mơ màng nằm nghe tiếng chuông dưới bóng hoa.

Muốn tìm hỏi lại câu chuyện tiên “mục cán búa”,

Chỉ thấy lớp rêu trên đá ngày một dày thêm)

Phạm Tú Châu dịch thơ:

Đất Phật trang nghiêm tốn vạn vàng,

Rì rào sóng bể gió thông ngàn.

Trời cao tháp dựa đời kim cổ,

Chùa cũ mây che núi Bắc Nam.

Múc nước ngọn cây sư nhẹ lướt,

Nghe chuông bóng rợp khách mơ màng.

Lạn Kha lần dấu tiên ngày ấy,

Đá núi tầng tầng rêu biếc tan[1].

Một người học trò của bậc phu tử Chu Văn An là Phạm Sư Mạnh (cuối thế kỷ XIII – giữa thế kỷ XIV) có bài thơ Du Phật Tích sơn ngẫu đề (Đi chơi núi Phật Tích ngẫu nhiên đề thơ):

Ngâm tiên từ khách thượng thiều nghiêu,

Đạp biến chiêu đề tuyệt thế hiêu.

Tùng lãng thiên phong hàn động khẩu,

Nguyên thần đà bạch lặc sơn yêu.

Quần phong yên vụ Tam thần đảo,

Vạn khiếu sinh dung cửu tấu Thiều.

Từ thị quái kỳ hưu thuyết trước,

Bồi hồi ngâm bãi hựu suy tiêu.

Dịch nghĩa:

Ngâm nga, khách văn chương bước lên núi cao chót vót,

Dạo khắp cảnh chùa, quên hẳn sự phiền nhiễu ở đời.

Gió thổi rừng thông thành tiếng sóng lạnh đến cửa hang,

Thần đất đem những dải mây như lụa thắt vào vào sườn núi.

Trên đỉnh non, mây mù phảng phất như đảo Tam Thần,

Muôn hốc núi, tiếng sênh ca tấu chín khúc nhạc Thiều.

Thôi đừng nói chuyện quái đản về họ Từ nữa,

Bâng khuâng hết ngâm thơ lại thổi sáo.

Đào Phương Bình dịch thơ:

Ngâm nga thẳng tếch đỉnh cheo leo,

Cảnh bụt lên thăm dứt mọi điều.

Lụa vắt sườn non thần núi đặt,

Gió lùa cửa động sóng thông reo.

Bầy non mây phủ Tam Thần đảo,

Vạn hốc chuông rung chín khúc Thiều.

Chuyện lạ họ Từ thôi bác bó,

Ngâm thơ xong lại thổi bài tiêu[2].

Với Phạm Sư Mạnh, ông coi núi Phật Tích như ba ngọn núi tiên trên biển Bột Hải, tiếng gió thổi nơi hang núi vang ngân như tiếng nhạc Thiều. Trước cảnh đẹp non thiêng Phật Tích, ông thấy không cần nhớ đến câu chuyện Từ Thức sống giữa đảo tiên bởi chính nơi đây đã là non tiên rồi, cứ việc vui mà ngâm thơ thổi sáo.

Vào khoảng thời Trần - Hồ, Nguyễn Phi Khanh (1356-1429) có bài thơ tứ tuyệt Đề Tiên Du tự (Đề chùa Tiên Du):

Thiên Đức sơn hà cổ đế đô,

Danh lam hình thắng tiểu Phương Hồ.

Nhân gian hà xứ phi trần tích,

Hư phỏng thần tiên sự hữu vô.

Dịch nghĩa:

Núi sông Thiên Đức là đế đô thời xưa,

Danh lam thắng cảnh này là nơi Bồng Lai nhỏ.

Trên cõi đời chỗ nào chẳng là dấu vết cũ,

Sao phải tìm ở hư vô chuyện thần tiên có hay không?)

Đào Phương Bình dịch thơ:

Thiên Đức nơi đây cổ đế đô,

Danh lam thắng cảnh cũng Bồng Hồ.

Trần gian dấu cũ đâu không có,

Cứ hỏi thần tiên chuyện hữu vô[3].

Nguyễn Phi Khanh còn có bài thơ Du Phật Tích sơn đối giang ngẫu tác (Chơi núi Phật Tích đối diện với dòng sông, ngẫu nhiên làm thơ) in đậm phong cách du ký, thưởng ngoạn vẻ đẹp đất trời:

Bán sinh trần thổ phụ đăng lâm,

Quang cảnh ta đà triệu đáo câm (kim).

Phù thế bách niên chân nhất thuấn,

Cổ nhân phiến lạc trị thiên câm.

Trần xuyên ngọ nhật bàng hoa hứng,

Nghi thủy xuân phong dữ vật tâm.

Ngưỡng chỉ cao sơn hoài nẵng triết,

Giản hà lộ thứ chính u tầm.

Dịch nghĩa:

Nửa đời gió bụi phụ cảnh núi sông,

Ngày tháng sa đà mãi đến ngày hôm nay.

Cuộc đời trăm năm thực chỉ như một chớp mắt,

Vui chơi một khắc người xưa đánh giá đến nghìn vàng.

Cái thú kể hoa ngắm sông phía trước trong buổi trời trưa,

Lòng cùng cảnh vật sông Nghi trong gió xuân.

Ngước nhìn ngọn núi cao nhớ những bậc hiền xưa,

Dừng lại bên suối, tìm đúng cảnh thanh u

Qua thăm chùa Tiên Du, Nguyễn Trãi (1380-1442) để lòng mình hoà hợp với cảnh sắc êm đềm, yên ả nơi nhà chùa:

Đoản trạo hệ tà dương,

Thông thống yết thượng phương.

Vân quy thiền sáp lãnh,

Hoa lạc giản lưu hương.

Nhật mộ viên thanh cấp,

Sơn không trúc ảnh trường.

Cá trung chân hữu ý,

Dục ngữ hốt hoàn vương.

(Tiên Du tự)

Bóng xế con thuyền buộc,

Vội lên lễ Phật đài.

Mây về giường sãi lạnh,

Hoa rụng suối hương trôi.

Chiều tối vượn kêu rộn,

Núi quang bóng trúc dài.

Ở trong dường có ý,

Muốn nói bỗng quên rồi[4]

(Chùa Tiên Du)

Cả bài thơ không có sự hiện diện của hình bóng con người, đến ngay cả nhà sư cũng đi vắng đâu rồi. Tất cả chỉ là sự đối diện giữa tâm cảnh, một sự giao hoà giữa cảnh tâm. Cho đến hai câu kết, nhà thơ dường như đã chứng nghiệm được cái giây lát hoà hội giữa chủ thể và khách thể, giữa ý tưởng biểu đạt và cái “được biểu đạt”, vươn tới sự tỉnh thức (Buddha) hay là thức trực giác vô phân biệt trí (Nirvikalpajanana). Ở đây Dục ngữ hốt hoàn vong (vương) không phải là người thơ “quên” mà chính là thể nhập được đối tượng như kiểu giây lát chứng nghiệm chén trà thiền; và đó cũng là sự “vô ngôn” theo cung cách mà Bồ Đề Đạt Ma chỉ hướng: “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật” (Truyền lại không lệ thuộc vào giáo nghĩa, văn tự, đi thẳng vào lòng người, thấy được bản tính và thành Phật”[5]. Do đó, đây chính là sự “vong”, “vô ngôn” của một bậc minh triết đạt đạo[6].

Vũ Lãm (Thế kỷ XV), người đã đỗ Hoàng giáp và được lạm bàn thơ văn cùng vua Lê Thánh Tông, từng đến chùa phật Tích và có bài thơ Du Lạn Kha sơn (Lên chơi núi Lạn Kha):

Nhàn lai huề trượng thướng toàn ngoan

Tứ thập vân tiêu nhãn giới khoan

Phong động viễn lâm thu sắt sắt

Giản thông u cốc thủy sằn sằn

Bình không tử lạc tiên kỳ tĩnh

Vật hoán tinh di Phật cốt hàn

Duyệt thế du du kim kỷ hử

Không tồn di tích hậu nhân khan.

Dịch thơ:

Thong thả chống gậy lên chơi trên đỉnh núi,

Cảm thấy mây trên trời cao nên mắt trông xa rộng.

Gió thổi ù ù rừng xa nhuốm màu thu,

Khe chảy róc rách hang thẳm liền suối nước.

Bàn không quân rơi cuộc cờ tiên vắng vẻ,

Vật đổi sao dời nắm xương Phật lạnh lùng.

Biết bao người từng trải cuộc đời,

Đã có dấu vết gì để lại muôn sau

Bản dịch thơ của nhóm Hoàng Việt thi văn tuyển:

Chống gậy trèo lên đỉnh núi chơi,

Bầu trời bát ngát mắt trông khơi.

Vi vu gió thổi rừng thu lạnh,

Róc rách hang liền suối nước trôi.

Vắng vẻ cờ tiên đà mãn cuộc,

Lạnh lùng xương Phật cách lâu đời.

Cõi trần từng trải nay là mấy,

Không để sau này dấu vết rơi[7].

Bài thơ in đậm cảm quan hiện thực, từ thực tại núi Phật Tích mà liên tưởng tới những truyền thuyết dân gian hư ảo. Đến bốn câu thơ sau, thi nhân ngụ ý cho rằng nới đây quả có bàn cờ tiên nhưng cuộc cờ đã tàn, dấu tích nhà chùa và con người muôn năm cũ còn lại có là bao. Đây chính là tiếng nói của một nhà nho thịnh thời cảm nhận về thiên nhiên, cõi Phật và cả cõi con người.

Trong dòng chảy văn học trung đại đề cập đến chùa Phật Tích cần đặc biệt  nhấn mạnh vị trí tác phẩm Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên trong tập Truyền kỳ mạn lục nổi tiếng của Nguyễn Dữ (Thế kỷ XVI). Thiên truyện kể về viên Tri huyện Từ Thức bỏ việc quan dạo chơi khắp chốn non nước, sau lạc động tiên ở núi Phù Lai, kết duyên cùng tiên nữ Giáng Hương, khi trở về quê cũ thì đã qua hơn 80 năm[8]. Cần lưu ý rằng trong Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên không thấy nói đến chùa núi Phật Tích nhưng trong dị bản truyện cổ tích và lời truyền vẫn thấy có nói đến ngôi chùa bên cạnh huyện trồng nhiều hoa mẫu đơn, được cho là vùng núi Phật Tích. Trong hệ thống truyện cổ tích Việt Nam cũng có Sự tích động Từ Thức và được Nguyễn Đổng Chi xếp vào loại “Truyện thần tiên, ma quỷ và phù phép”[9]. Trên cơ sở các dị bản dân gian Truyện Từ Thức, Nguyễn Duy Hinh lý giải ý nghĩa đoạn kết: “Trở lại trần gian, không còn tìm thấy trần gian cụ thể của cá nhân mình nữa. Cây đa còn đó, dòng suối còn đó, dòng máu cũng còn đó nhưng họ Từ đã trở thành một kẻ xa lạ, không gắn bó được với không gian cũ nữa bởi vì thời gian đã trải qua. Trần Gian có hai chiều Không Gian và Thời Gian, mất đi một chiều thì không còn là Trần Gian của mỗi một cá thể nhân loại nữa. Từ Thức bơ vơ trong Không Gian cũ mà không còn tìm thấy được mối tình Trần Gian của mình nữa”[10]. Từ điểm nhìn so sánh văn hoá học, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử xác định: “Có thể nói Từ Thức kết tinh bao nhiêu hình bóng và tâm sự kẻ sĩ Việt Nam đương thời. Từ Thức lấy vợ tiên có cảm hứng siêu thoát, nhưng chỉ là siêu thoát chính sự, không phải siêu thoát cuộc đời. Chàng không chạy theo cảnh sống trường sinh bất tử… Nhưng truyện Từ Thức còn là bi kịch của kẻ sĩ không chốn nương thân. Chàng lên tiên thì nhớ mong quê cũ, chàng về quê thì thiên hạ đổi dời. Chàng thui thủi mặc áo cừu nhẹ, đội nón lá ngắn vào núi Hoành Sơn rồi biến mất, chỉ để lại hoài niệm về một cái chí thanh cao và một tấm lòng trần rất nặng”[11]… Nói chung, sự lạc bước này đều có nguyên cớ và đưa nhân vật tới một miền không gian xa lạ với cõi trần, muốn dời bỏ cõi trần và lưu lạc đến cõi tiên, sau bao lưu luyến đến khi trở về cõi trần gian lại thấy không thể hòa hợp được với cuộc sống thường ngày nữa[12]

Qua suốt thời trung đại, hình ảnh chùa núi Phật Tích đã lưu lại dấu ấn khá sâu đậm trong đời sống văn chương. Có thể nói chùa núi Phật Tích đã trở thành biểu tượng một vùng quê văn hóa giàu truyền thống và trở thành đối tượng của nhiều bài thơ in đậm phong cách du ký và truyện truyền kỳ. Sau bao nhiêu biến thiên của lịch sử, chính nhờ những trang thơ văn mà dấu ấn chùa núi Phật Tích hiện lên như một chốn tiên cảnh, một vùng danh thắng và sẽ còn ngời sáng tới mai sau.

Hà Nội, tháng 12 năm 2010 



* Viện Văn học

[1] Thơ văn Lý – Trần, Tập II, Quyển thượng (Nguyễn Huệ Chi chủ biên). Nxb Khoa học xã hội, H. 1988, tr.774.Xem thêm Tồn Am Bùi Huy Bích. Hoàng Việt thi tuyển (Bản dịch). Nxb. Văn học, H., 2007, tr.97-98.

[2] Dẫn theo Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam (Thế kỷ X-XIX), TậpI. (Bùi Duy Tân chủ biên). Nxb Giáo dục, H., 2004, tr.227-228.

[3] Dẫn theo Tổng tậpvăn học Việt Nam, Tập 3 (Trần Lê Sáng chủ biên). Tái bản. Nxb. Khoa học xã hội, H. 2000, tr.697-698...

[4] Dẫn theo Nguyễn Trãi toàn tập. Tái bản. Nxb. Khoa học xã hội, H. 1976.

Sách Nguyễn Trãi toàn tập tân biên (Mai Quốc Liên chủ biên), in lần hai (Nxb. Văn học, H., 2001), chép lại đúng nhan đề là Du sơn tự (Đi chơi chùa trên núi) và nhấn mạnh: “Thật ra thì căn cứ vào lời thơ, chưa có thể phán đoán đây là chùa nào” (tr.31).

[5] Chuyển dẫn theo Nhất Hạnh: Nẻo vào thiền học. Lá Bối xuất bản, Sài Gòn, 1971, tr.27-28.

[6] Xin xem Nguyễn Hữu Sơn: Về cảm quan Phật giáo trong thơ văn Nguyễn Trãi. Nghiên cứu Phật học, số 11-1993. In lại trong Văn học trung đại Việt Nam – Quan niệm con người và tiến trình phát triển. Nxb Khoa học xã hội, H, 2005, tr.155-168.

[7] Dẫn theo Tồn Am Bùi Huy Bích: Hoàng Việt thi tuyển (Bản dịch). Nxb Văn học, H., 2007, tr.507-509.

[8] Nguyễn Dữ: Truyền kỳ mạn lục (Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch).  Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 1988, tr.100-113.

[9]Nguyễn Đổng Chi: Sự tích động Từ Thức, trong sách Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Tập I. Tái bản. Nxb Giáo dục, H., 2000, tr.946-952.

[10] Nguyễn Duy  Hinh: Vấn đề Từ Thức. Tạp chí Văn học, số 5-1986, tr.106.

[11] Trần Đình Sử: So sánh văn học và văn hoá - Nguyễn Dữ và tiên thoại Trung Quốc qua truyện Từ Thức lấy vợ tiên. Tạp chí Văn học, số 5-2000, tr.25-26. In lại trong Trần Đình Sử tuyển tập, Tập II. Nxb Giáo dục, H., 2005, tr.896-904.

[12] Xin xem Nguyễn Hữu Sơn: Tương đồng mô hình cốt truyện dân gian và những sáng tạo trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Nghiên cứu Văn học, số 1-2010, tr.30-40.

 

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 90
    • Số lượt truy cập : 6573364