Thông tin

ĐẠO TRÀNG PHẬT HỌC Ở ĐÂU?

ĐẠO TRÀNG PHẬT HỌC Ở ĐÂU?

 

MINH THẠNH

 

 

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Xin nêu câu hỏi về một thực trạng của Phật giáo Việt Nam hiện nay. Đâu đâu cũng thấy các đạo tràng Tịnh độ, dưới nhiều tên gọi khác như đạo tràng niệm Phật, ban hộ niệm, đạo tràng vãng sanh…, nhưng không thấy những đạo tràng Phật học. Trong khi đó, có những đạo tràng Tịnh độ đạt quy mô cả nước, ba miền Bắc Trung Nam đều có, đồng bằng hay cao nguyên cũng có.

Minh Thạnh có nhận xét và bình luận gì về hiện trạng này?

MINH THẠNH: Đã có những ý kiến khác nhau về các đạo tràng Tịnh độ, nhưng rất dễ thống nhất về sự phát triển của những đạo tràng này. Dù quan niệm thế nào đi nữa thì đây vẫn là những hình thức liên kết tín đồ Phật giáo.

Câu hỏi của ông đặt vấn đề so sánh với đạo tràng Phật học, do đó, chúng ta  sẽ hướng việc bàn luận theo hướng này.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Có lẽ cũng đồng thời theo hướng đề tài ông thường đề cập: sự thịnh suy của Phật giáo Việt Nam?

MINH THẠNH: Tôi nghĩ rằng, sự phát triển mất cân đối các loại hình đạo tràng, mà chiếm ưu thế là những đạo tràng Tịnh độ, tụng niệm thể hiện sự suy thoái của Phật giáo Việt Nam. Phật giáo Việt Nam đang ngả dần về hướng cầu cúng, tụng niệm, xu hướng nổi trội của thời kỳ trước chấn hưng Phật giáo.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Tại sao chúng ta không nghĩ rằng, nhiều đạo tràng Tịnh độ là người tin Phật cũng nhiều, mà đạo tràng là phương thức gắn kết những người bạn đồng tu với nhau?

MINH THẠNH: Chỉ đáng mừng khi đồng thời với những đạo trạng tịnh độ, tụng niệm, Phật giáo Việt Nam cũng có những đạo tràng Phật học, liên kết những tín đồ cùng nhau học Phật, tìm hiểu giáo lý, phổ biến giáo lý.

Còn nếu chỉ có sự phát triển của những đạo tràng Tịnh độ, với hoạt động chỉ có tụng niệm, thì mừng vẫn mừng, nhưng lo thì cũng rất đáng lo.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Tại sao phải lo?

MINH THẠNH: Công cuộc chấn hưng Phật giáo từ khởi đầu khoảng thập niên 1920 trên phạm vi toàn quốc, gần như kết thúc hoàn toàn năm 1975 ở miền Nam đã đưa đến sự phát triển theo xu hướng một đạo Phật trí tuệ, học hỏi, nghiên cứu, thực hành đa dạng, cân đối với một đạo Phật tụng niệm, cúng bái. Dù sao, một sự cân đối bước đầu đã đạt đến, mà ở tín đồ Phật giáo, biểu hiện rõ nét nhất là sự phát triển của Hội Phật học Nam Việt, một hình thức đạo tràng Phật học liên tỉnh, khu vực.

Nói đạo tràng là nói đến hình thức liên kết tín đồ. Dạng hội Phật học cũng là hình thức kết nối cư sĩ.

Từ năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thiên về kết cấu của một giáo hội tăng già. Tên gọi Ban Hướng dẫn Phật tử, ban có liên hệ đến tổ chức tín đồ chỉ hàm ý phân công để giúp đỡ tín đồ tu học, việc quản lý, tổ chức kết nối tín đồ khác hẳn đối với tăng ni.

Những năm gần đây, tín đồ Phật giáo thành lập nhiều đạo tràng, chủ yếu là đạo tràng Tịnh độ. Một dạng thức liên kết cư sĩ được hình thành, nhưng diễn tiến theo hướng không cân đối giữa tụng niệm và học Phật.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Như vậy, Minh Thạnh cho rằng phải thúc đẩy thành lập và gia tăng đạo tràng Phật học?

MINH THẠNH: Đúng vậy. Đúng ra nên là thúc đẩy cân đối tỷ lệ đạo tràng Phật học. Vì thực tế, nhiều đạo tràng đã được thành lập, hoạt động. Vấn đề không chỉ thành lập, mà có thể “chuyển đổi”, “nâng cấp” đạo tràng chỉ tụng niệm thành những đạo tràng có hoạt động đa dạng hơn, vừa có tụng niệm, vừa có học Phật.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Đạo tràng Phật học hoạt động ra sao?

MINH THẠNH: Chúng ta có thể lấy hoạt động Hội Phật học Nam Việt trước năm 1975 làm mẫu. Phổ biến kinh sách, tổ chức lớp học giáo lý, tương trợ nâng cao kiến thức Phật học…

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Ông có nghĩ như vậy là khó cho người Phật tử, so với tập họp nhau lại đến nhà người quá vãng niệm “A Di Đà Phật” hay tụng kinh A Di Đà?

MINH THẠNH: Dĩ nhiên là khó hơn. Nhưng, như bệnh nhân đái tháo đường chẳng hạn, họ còn tập họp lại được bằng nhiều hình thức linh hoạt và có những sinh hoạt thiên về học hỏi, phổ cập kiến thức, trong đó những người tham gia khác biệt về trình độ. Liên kết Phật học, dù trong sự khác biệt có khó khăn hơn, nhưng phải không thể thực hiện.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Có ý kiến cho rằng trước đây, dưới chế độ cai trị của Pháp, chính quyền không cho Phật giáo có giáo hội nên mới có các tổ chức Phật học?

MINH THẠNH: Theo tôi, từ Phật học trong tên của các tổ chức Phật giáo thành lập từ thập niên 1920 đến giữa thế kỷ XX là do nhận thức nhu cầu về Phật học trong chấn hưng Phật giáo, không phải là việc đối phó với chính quyền thực dân Pháp.

Ở Nam kỳ, năm 1932, chỉ một năm sau khi cho phép thành lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, Thống đốc Nam kỳ đã cho phép thành lập Hội Phật giáo Liên Hữu, đến năm 1934 lại cho thành lập Hội Phật giáo Tương tế, Thiên Thai Thiền Giáo tông Liên hữu, Hội Tịnh độ Cư sĩ. Năm 1935, Thống đốc Nam kỳ cho phép lập Hội Phước thiện Nhà Phật, Hội Thiên thai Thiền giáo tông.

Chính quyền thực dân Pháp còn cho phép thành lập đạo Cao Đài, một tôn giáo tổ chức như một triều đình.

Theo tôi, chư tổ và cư sĩ hữu công có ý nhấn mạnh mục tiêu học Phật, xem đó là cốt lõi hoạt động của các tổ chức có tên liên hệ.

Quan niệm Phật học chỉ là chuyện danh xưng bên ngoài sẽ đưa Phật giáo đi thụt lùi 100 năm, trở về thời kỳ hễ theo đạo Phật thì chỉ có thể biết đốt nhang, quỳ lạy, khấn vái bằng đủ hình thức.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Minh Thạnh có cho rằng xu hướng đạo tràng tụng niệm xung đột với những đạo tràng Phật học?

MINH THẠNH: Hướng đến cân đối về tỷ lệ đạo tràng Phật học so với đạo tràng tụng niệm là đã nói đến xung đột.

Chúng ta cần xét xung đột này trong mối tương quan giữa một đạo Phật cúng bái và một đạo Phật hoằng hóa.

Khi một Phật tử được nâng cao trình độ Phật học thì tất yếu họ sẽ bớt đi việc tụng niệm. Cái cách mà ông đặt vấn đề cũng đã cho thấy có sự xung đột.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Cũng có ý kiến cho rằng tụng niệm mới là tu, còn tích lũy kiến thức Phật học thì không phải cách để giải thoát?

MINH THẠNH: Tôi không cho rằng đạo tràng Phật học chỉ là việc tích lũy kiến thức giáo lý Phật giáo và không tụng niệm.

Ở đây, chúng ta chỉ bàn về sự cân đối giữa các hình thức liên kết người Phật tử với nhau.

Cùng nhau tụng niệm đã là một phương thức thúc đẩy việc liên kết việc tu hành, thì cùng nhau học Phật là một phương thức cần chú trọng thúc đẩy.

Khi một tôn giáo mà tín đồ không biết giáo lý thì tôn giáo đó chỉ là tín ngưỡng.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Hiện nay, Phật giáo Việt Nam đã có Viện Nghiên cứu Phật học, các trung tâm nghiên cứu Phật học, có cần đạo tràng Phật học?

MINH THẠNH: Các viện, các trung tâm nghiên cứu là nhánh Phật học hàn lâm, với mục tiêu, chức năng, nội dung, kết quả hoạt động hoàn toàn khác với điều chúng ta đang nói đây: Liên kết người Phật tử bằng tìm hiểu và thực hành Phật học.

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng nếu liên kết những cư sĩ nghiên cứu Phật học một mối liên kết thích hợp, có sự điều phối khéo léo, thì có thể vẫn có những đạo tràng Phật học đạt được những thành quả như những viện, trung tâm nghiên cứu Phật học hay học viện Phật giáo.

Có lẽ hiện nay đang có xu hướng hành chính hóa, quan lại hóa trong nghiên cứu Phật học, nên mới đi đến cách hiểu nghiên cứu là cần có ban bệ, cấp trên cấp dưới, chỉ đạo điều hành, cần viện, cần trung tâm…

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Tại sao những người Phật tử bình dân liên kết dễ dàng trong các đạo tràng tụng niệm, còn các Phật tử trí thức lại dường như khó khăn trong việc liên kết thành những dạng đạo tràng Phật học mà ông nói?

MINH THẠNH: Khái niệm đạo tràng Phật học mà chúng ta nói đến không chỉ dành cho Phật tử trí thức.

Nhưng phải thấy rằng liên kết bằng cách cùng nhau tụng niệm, hộ tang dễ hơn nhiều so với những hình thức liên kết thiên về những hoạt động tinh thần như tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu, truyền bá Phật học.

Tuy nhiên, những diễn tiến trong thời gian gần đây cho thấy, trách nhiệm những người Phật tử trí thức là có đối với việc các đạo tràng Phật tử được hình thành chỉ thiên về tụng niệm.

Có nhiều người Phật tử là trí thức (bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo) nói vẫn theo đạo Phật, nhưng lại chỉ theo cách của những người bình dân cũng chỉ cúng bái, tụng niệm và tìm sự liên kết trên cơ sở cúng bái, thay vì cơ sở nghiên cứu giáo lý.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Chính Minh Thạnh đã e ngại các đạo tràng phát triển thành những “giáo hội con”, nhưng nay sao lại đề xuất thúc đẩy đạo tràng Phật học?

MINH THẠNH: Chúng ta bàn luận đến đề xuất cân đối đạo tràng Phật học trong bối cảnh các đạo tràng đã xuất hiện rất nhiều, khác hẳn với thời kỳ đầu.

Các đạo tràng cũng rất đa dạng trong hoạt động, trong đó có những xu hướng phức tạp như đặt ở vị thế loại trừ tăng bảo, tách biệt khỏi chùa chiền.

Nếu đạo tràng đi đến hình thức quản lý, kiểm soát… thì có lẽ, có thể gọi là có xu hướng “giáo hội con” (chúng ta chú ý là với nghĩa chỉ trong ngoặc kép). Vì pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo phân biệt liên kết tín đồ như ca đoàn chẳng hạn khác với giáo hội.

Còn ở đây, chúng ta nói đến một mối liên kết, cộng tu, một sự xúc tác gắn bó bạn đồng tu lấy cơ sở là Phật học, không có quan hệ quản lý, kiểm soát, thống thuộc.

Hiện nay, mối liên kết trên cơ sở tụng niệm, hộ tang đã rất phát triển. Điều được mong muốn là đưa vào đó yếu tố Phật học, chuyển hóa từ chỉ tụng niệm sang học Phật.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Ông có thấy một đạo tràng Phật học nào đó sinh hoạt?

MINH THẠNH: Có. Những hoạt động Phật giáo khác của họ, tôi không rõ. Nhưng tôi biết, họ đóng tiền thành một quỹ để mỗi tháng họp mặt ăn chay hai lần để nói chuyện học Phật, bên cạnh hoạt động hộ niệm chỉ có khi đột xuất. Phật học giữ vai trò chính. Tôi thấy một vài người giới thiệu sách Phật học mới mua. Tôi cũng thấy đọc thấy một số chùa có ban Phật học. Gọi là đạo tràng, ban, nhóm… gì cũng được, miễn là tạo được mối liên kết là Phật học, thay vì chỉ có tụng niệm.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 95
    • Số lượt truy cập : 6712488