Thông tin

DẤU ẤN CỦA PHẬT GIÁO

QUA VĂN HỌC DÂN GIAN XỨ NGHỆ

 

ThS. PHAN THỊ ANH*

 

 Phật giáo là một tôn giáo du nhập từ Ấn Độ nhưng có sức ảnh hưởng rất lớn và trở thành một bộ phận quan trọng của lịch sử văn hoá Việt Nam. Và gần như ở đâu trong các khía cạnh văn hoá Việt Nam chúng ta đều tìm thấy dấu ấn của văn hoá Phật giáo. Bởi sự gần gũi với đạo lý truyền thống của dân tộc mà khi vào Việt Nam, Phật giáo nhanh chóng hoà nhập, hỗn dung với tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc để đi vào tâm thức dân gian, ăn sâu vào tư tưởng, tâm lý mỗi người dân Việt.

Nằm trong dòng chảy chung của lịch sử văn hoá Việt Nam, văn hoá Phật giáo xứ Nghệ cũng được tạo lập bởi sự kết hợp, giao thoa của giáo lý Phật với tín ngưỡng, văn hoá con người xứ Nghệ. Tuy không phát triển mạnh mẽ như Phật giáo ở các vùng miền khác của cả nước nhưng Phật giáo cũng đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong các khía cạnh của văn hoá xứ Nghệ, trong đó có văn học dân gian.

Bên cạnh các tư liệu lịch sử khác, tìm hiểu dấu ấn của Phật giáo qua văn học dân gian xứ Nghệ, chúng ta bước đầu có được những nhận thức về Phật giáo trong tâm thức dân gian, thấy được sự thịnh suy của đạo Phật ở xứ Nghệ qua từng thời kỳ lịch sử, bước đầu góp phần vào việc xác định diện mạo của văn hoá Phật giáo ở xứ Nghệ trong quá khứ.

Ở xứ Nghệ, theo một số nhà nghiên cứu, Phật giáo được truyền nhập vào nơi đây từ thời Đường, đó là việc Cao Biền xây dựng chùa Phương Tích, Nhạn Tháp. Nhưng từ thời Lý trở đi, Phật giáo ở Nghệ Tĩnh mới phát triển mạnh. Hàng loạt chùa được xây dựng, người theo đạo Phật ngày một đông. Theo lưu truyền trong nhân dân, từ cách đây hàng trăm năm ở xứ Nghệ đã có những ngôi chùa cổ như chùa Trả (Quỳnh Dị), chùa Bình An (Quỳnh Thiện), chùa Am (Diễn Đoài)… Từ thời Lý trở đi, với việc mở mang đất đai, lập làng mới của Uy Minh vương Lý Nhật Quang, nhiều địa danh gắn với chữ nghĩa của nhà Phật cũng được sử dụng như Đà Lam, Phật Kệ, Bụt Đà, Lạc Thiện, Tiên Bồng…

Văn học dân gian xứ Nghệ theo đó cũng bắt đầu đề cập đến đề tài xây dựng chùa chiền, thể hiện quan niệm của dân gian về Phật,… Trong kho tàng đồ sộ của văn học dân gian xứ Nghệ, thực sự khó để có thể tìm hiểu hết mọi ngõ ngách, thể loại. Ở đây, tác giả chỉ muốn thông qua một số thể loại văn học tiêu biểu như ca dao, truyện kể, vè... để bước đầu phác hoạ một số nét về văn hoá Phật giáo trong tâm thức dân gian xứ Nghệ.

1. Văn học dân gian xứ Nghệ cho thấy sự phong phú của hệ thống chùa chiền, các cơ sở thờ tự Phật giáo ở các làng xã

Từ khi Phật giáo có mặt ở xứ Nghệ, chùa chiền đã được xây dựng. Theo một số tư liệu lịch sử, đến cuối đời Lý, ở xứ Nghệ đã có rất nhiều chùa. Riêng Quỳnh Lưu đã có hơn 80 chùa, Diễn Châu có khoảng 70 chùa… Thống kê của PGS. Ninh Viết Giao cho biết đến đầu thế kỷ XX, ở Nghệ An có đến 363 ngôi chùa lớn, nhỏ. Chùa gắn với làng và gần như làng nào cũng có chùa, có làng có đến 2, 3 ngôi chùa; chỉ một số ít làng là không có chùa. Chùa ở đây cũng khá phong phú về kiểu dáng, kiến trúc, quy mô: có chùa trần, chùa trong hang đá; có chùa làm bằng tranh tre nứa lá, có chùa xây gạch lợp ngói; có chùa có sư trụ trì, có chùa không có sư…

Qua ca dao, vè, chúng ta cũng có thể phần nào thấy được sự phong phú ấy và hình dung được sự “ưu ái” của dân gian với Phật giáo thông qua việc làng nào cũng góp công góp của dựng chùa, đúc chuông, tô tượng.

Vè là một loại văn vần để kể chuyện (tự sự), tường thuật sự việc trong dân gian. Nội dung biểu đạt của thể loại vè hết sức phong phú, bao gồm gần như tất cả mọi phương diện của đời sống làng xã hàng ngày, là một “bộ bách khoa thư của nhân dân trong vùng”. Chính vì thế, tìm hiểu về thể loại vè xứ Nghệ, chúng ta cũng tìm thấy nhiều thông tin thú vị về dấu ấn của văn hoá Phật giáo trong lòng dân gian Nghệ Tĩnh.

Trong các bài vè về phong tục, sinh hoạt làng xã, có rất nhiều bài viết về việc làng dựng chùa, đúc chuông như vè Làm chùa Nguyễn Xá, Làm chùa Thát Đát, Làm chùa Đại Hùng, Đúc chuông chùa Chân Tiên…, thể hiện sự thâm nhập của đạo Phật vào trong tín ngưỡng dân gian, sự sùng Phật của nhân dân ở các làng xã ở khắp vùng Nghệ Tĩnh. 

Trong bài vè Làm chùa Nguyễn Xá, dân làng Nguyễn Xá tự hào vì quê mình phong cảnh hữu tình, dân cư thịnh sự bởi nhờ thần phật phù hộ. Vì thế mà cả làng đồng tâm góp sức trùng tu đền, chùa:

… Lên miếu phật tụng kinh

Làm chay hơn ba tháng

Đúc chuông rồi tạc tượng

Cúng ruộng lại làm chùa

Công đức biết từng mô

Dân ta thờ vạn đại…

Chùa Thát Đát ở xã Nho Lâm (Diễn Thọ, Diễn Châu) được xây dựng vào năm 1927, tường xây bằng gạch sò. Trong bài vè dựng chùa của làng cũng nói rõ:

Làng ta mới lập chùa lên

Tứ vi thành đất, bốn bên thành sò.

Làng Nham Xá thuộc huyện Can Lộc có chùa Đại Hùng, vốn được xây trên đỉnh ngọn Mồng Gà thuộc dãy núi Hồng Lĩnh, đến năm 1920, làng dời chùa về ngọn Động Chùa để gần dân hơn. Nhân sự kiện này, làng cũng có vè Làm chùa Đại Hùng:

… Đồng thôn thượng hạ

Người chiếu bổ tài, công

Dặn ai nấy một lòng

Đưa chùa về cả thảy…

… Hướng ngôi chùa được rồi

Thật phong quang tứ diện…

Cũng ở vùng đất Can Lộc, chùa Thông trên ngọn núi Vân Am là một danh thắng có tiếng, được xếp vào “Vân Am thập cảnh”. Chùa được dựng cạnh lèn đá có dấu chân tiên nên còn được gọi là chùa Tiên. Tương truyền xưa, chùa có quả chuông lớn. Sau khi quả chuông ấy mất, làng đã đúc quả chuông khác. Bài Đúc chuông chùa Chân Tiên miêu tả:

Trước dâng hương Phật tổ

Sau hạ tượng đúc chuông

Đất gần chợ gần truông

Đúc chuông rồi kéo hội

Vùng đất làng Lộc Điền (nay thuộc xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên), trong bài vè Ngẫm xem phong cảnh Lộc Điền cũng nói về việc xây dựng chùa Mụ:

Cha xuất công đi tìm

Bất cân rẻ đắt

Hết mấy thì hết

Mua được thì mua

Kêu thợ về làm chùa

Cắt phu ra chặt củi.

Trong khi đó, tuy không có vè dựng chùa nhưng rất nhiều những làng khác ở xứ Nghệ cũng vô cùng tự hào vì những ngôi chùa của làng mình như Làng Hoàng Hà (nay thuộc xã Diễn Hoàng, Diễn Châu) tự hào vì có chùa Thiên Phúc:

Cõi Nam rộng ở nước non

Có xã Kim Bảng, có thôn Hoàng Hà

Có chùa Thiên Phúc một toà

Có đất Tam Bảo để mà dầu hương.

Tuy chỉ là một số bài vè điển hình kể về việc xây dựng chùa ở một số làng xã nhưng từ đó cũng góp phần giúp chúng ta hình dung về sự thịnh trị của Phật giáo ở xứ Nghệ, khi mà làng nào cũng coi chùa chiền là một công trình, một thiết chế quan trọng, sự phụng thờ Phật vừa là nghĩa vụ vừa là nhu cầu tâm linh:

Nam mô pháp, nam mô tăng

Chùa làng làng giữ, ta đừng cậy ai.

Cùng với vè thì ca dao cũng là một thể loại văn học dân gian hết sức phổ biến, gần gũi, dễ nhớ, trong đó có rất nhiều câu dành để miêu tả, ca ngợi về cảnh đẹp của làng xóm, chùa chiền và bộc lộ thái độ của tầng lớp bình dân với đạo Phật.

Người dân vùng Hà Tĩnh tự hào vì có 99 đỉnh non Hồng, trên đó có những ngôi chùa nổi tiếng đẹp và linh thiêng. Danh thắng chùa Hương Tích từng được xem là “Nam thiên đệ nhất động”. Ca dao xưa cũng miêu tả:

Ai lên Hương Tích, chùa Tiên

Gặp cô sư bác anh khuyên đôi lời…

… Chùa Tiên cao tít mịt mù

Bao la Ngàn Hống, mây mờ giăng giăng.

Trong khi đó những câu ca dao liệt kê ngắn gọn:

Đi qua thấy cảnh chùa Bi

Nghe chuông chùa Đạt, có khi hay gần;

và:

Đi ngang nghe tiếng chùa Ơi

Nghe chuông chùa Dạ, nhớ lời chị em;

hay:

Mừng đây phong cảnh Nộn Hồ

Đây đền Mụ Ngọ, kia chùa Nam Chinh

Lại nhắc đến một loạt ngôi chùa ở vùng đất Nam Đàn: chùa Ơi, chùa Dạ ở xã Nam Anh; chùa Bi ở xã Nam Lĩnh; chùa Đạt ở xã Kim Liên; chùa Nam Chinh ở xã Nam Thanh.

Cũng có câu ca dao sử dụng lối chơi chữ rất tinh tế để nói về cảnh chùa đẹp ở xã Tự Trì thuộc huyện Nam Đàn.

Mừng đây phong cảnh Tự Trì

Ao chùa Cực Lạc, vui thì thậm vui.

Có thể nói, tuy không thực sự đầy đủ như các nguồn sử liệu nhưng qua những câu ca dao, hò vè kể, miêu tả về chùa chiền ở các làng xã xứ Nghệ đã bước đầu cho chúng ta thấy sự phong phú của hệ thống chùa xứ Nghệ.

2. Văn học dân gian xứ Nghệ thể hiện tư tưởng, quan niệm của dân gian về Phật và đạo Phật

Đạo Phật với giáo lý nhân văn, nghi lễ thờ cúng đơn giản, gần gũi với tín ngưỡng, phong tục của người Việt nên khi du nhập vào Việt Nam, nó đã nhanh chóng đi sâu vào tâm thức, đời sống của nhân dân. Vì thế mà với người dân Việt Nam nói chung, Nghệ Tĩnh nói riêng, dù có thể họ không phải là tín đồ của đạo Phật nhưng vẫn sống dung hoà, vẫn có nhiều thiện cảm với đạo Phật.

Tác giả Bùi Dương Lịch trong Nghệ An ký cho rằng người Nghệ không mê đạo Phật, nên không có chùa quán lớn, không có những nghi lễ Phật giáo linh đình như những nơi khác. Tuy vậy, qua thể hiện của văn học dân gian cho thấy Phật giáo vẫn có một sức ảnh hưởng không nhỏ đối với đời sống văn hoá, tâm linh của người dân xứ Nghệ.

Với người dân xứ Nghệ, cũng như quan niệm chung của người dân Việt Nam, chùa là một thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng có ý nghĩa đặc biệt, quan trọng trong các thiết chế khác của làng xã. Có rất nhiều câu ca dao nói về cảnh chùa, mà gần như tất cả đều hướng về với nhận thức chùa là một nơi đẹp đẽ, linh thiêng, ở đó người ta tìm thấy sự an nhàn, tĩnh tâm, vui vẻ:

Chào chàng bước tới cảnh này

Chùa vui cực lạc, trồng cây bồ đề

hay:

Đã chơi chơi chốn non tiên

Chơi nơi lịch sự, chơi miền Bồng lai

và:

Ra đi vừa gặp bạn hiền

Cũng bằng dội nước hồ sen trước chùa.

Bởi chùa là của làng (đất vua, chùa làng) nên dù có linh thiêng, thanh tịnh thì nó vẫn bình dị và gần gũi. Trong tâm thức dân gian, nghĩ đến chùa là nhớ đến tượng Phật, ao sen, khói nhang, tụng kinh, gõ mõ:

Nhất vui cảnh thú Kim Liên

Vui chùa nhờ tượng, tốt sen nhờ hồ

hay:

Gần chùa nghe cảnh với tiu

Ở gần thợ mộc nghe rìu với cưa

và:

Trống cắc trên chùa, mõ cắc trên chùa

Anh thương em một nỗi phải vác bừa hai vai

Từ khi du nhập vào Việt Nam, bởi sự gần gũi giữa giáo lý Phật giáo với tư tưởng người Việt nên Phật giáo nhanh chóng hoà nhập, dung hoà với tín ngưỡng dân gian, ăn sâu, bén rễ trong đời sống văn hoá tâm linh của người Việt. Chính vì sự hoà nhập, hỗn dung một cách tự nhiên, tự nguyện ấy nên nhiều khi chính những người đi chùa cúng Phật cũng không nắm rõ giáo lý nhà Phật. Với đa số người dân xứ Nghệ cũng vậy. Họ không cần biết mình theo Phật giáo Tiểu thừa hay Đại thừa, lý thuyết sâu xa của đạo Phật về “Tứ diệu đế” hay “Thập nhị nhân duyên”… Họ chỉ hiểu rằng đức Phật là một thế lực siêu phàm, thuộc một thế giới yên vui, cực lạc. Phật có lòng bác ái, có đức từ bi hỉ xả, cứu khổ cứu nạn, phù hộ cho con người thoát khỏi tai ương, bất hạnh. Họ tâm niệm rằng thành tâm thờ Phật, cúng Phật để tránh điều ác, gặp điều lành, tu nhân tích đức để mong những điều bình an, tốt đẹp cho bản thân và gia đình. Văn học dân gian xứ Nghệ cũng phản ánh rất rõ quan niệm ấy.

Người ta đến với chùa, với Phật để cầu mong những điều tốt đẹp:

Hai tay bưng lấy mâm vàng

Lên chùa khấn nguyện ngày chàng đi thi

hay:

Lên chùa thắp một trăm nhang

Khấn nguyện trời bụt ra đàng xáp cho

Xáp anh không ăn cũng no

Đau đầu cũng nhẹ, hen ho cũng lành.

Nhưng để những điều như mong muốn được linh ứng, dân gian cho rằng phải thật sự thành tâm đến với Phật:

Nhất tâm phụng thỉnh em ơi

Trong kinh nhà Phật anh xem đã tường.

Đường đến với Phật dù có khó khăn cũng không từ:

Chùa cao mấy bậc cũng trèo

Đường xa mấy dặm cũng đeo em về.

Người theo Phật phải có tâm trong sáng và có những hành động để thể hiện sự thành tâm trước Phật:

Phật tự phải trùng tu

Miệng đọc chữ nam mô

Tâm nhớ điều khẩu phật

và:

Đêm ngày tụng niệm nam mô

Kệ kinh lòng thuộc, hiến đồ lễ chăm.

Con người có thành tâm thì mới đạt được ý nguyện. Trời Phật là thế lực đứng trên con người, nhìn rõ đúng sai, đen trắng, phân định một cách công bằng, minh bạch. Phật có thể nhìn thấu tâm người, khi tâm thành, Phật sẽ chứng giám mà ban phúc, ban lộc cho:

Cười em đã bấy nhiêu lần

Em còn để tiếng xa gần cho anh

- Ai cười trời bụt xét cho

Rồi ra ta kể nguyên do sự tình.

Tâm thành, hành động tốt, nhất định sẽ có kết cục như ý nguyện:

Đền chùa mà tu chỉnh lại

Thì ủng hộ có Phật, thần

Dân ta sẽ dần dần

Hưởng thái bình mãi mãi

Giáo lý nhà Phật răn dạy cho phật tử về thuyết nhân - quả: gieo nhân nào, gặt quả ấy. Điều này rất gần với quan niệm truyền thống của dân tộc Việt Nam “ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”. Quan niệm này xuất hiện rất nhiều trong ca dao, hò vè và chúng ta cũng khó xác định được đó là quan niệm truyền thống hay giáo lý đạo Phật:

Hiền lành trời để cho yên

Ở mà gian ác có phen ăn mày.

hay:

Ở đời thế mới biết

Lẽ nhân quả xưa nay

Ai nắm tay tối ngày

Đời cha ăn mặn, đời con khát nước.

và:

Xưa nay sãi giữ chùa chiền

Cướp của Tam bảo, vững bền hay chăng?

Thấm nhuần tư tưởng “gieo nhân nào, gặt quả ấy” nên dân gian tích cực khuyên con người tu nhân tích đức. Và chữ “tu” cũng được nhắc đến nhiều trong văn học dân gian xứ Nghệ, thể hiện sự hướng thiện một cách sâu sắc của tầng lớp bình dân:

Ai lên Hương Tích, chùa Tiên

Gặp cô sư bác anh khuyên đôi lời

Đem thân đến đất nước này

Tu sao cho vẹn một đời thì tu

Dân gian hướng theo Phật, lấy giáo lý nhà Phật và cũng là đạo lý của dân tộc mà khuyên răn những kẻ giàu có:

Giàu hay sửa quán làm đình

Đúc chuông, tô tượng, san kinh, bắc cầu

Hiếu tâm trời phụ ai đâu

Châu rời Hợp Phố rồi châu về liền.

Tuy nhiên, trong con mắt dân gian, chữ “tu” cũng có khi được hiểu một cách giản dị mà sâu sắc, thấu đáo:

Dầu mà không lấy được em

Anh về đóng cửa, cài rèm đi tu

- Tu mô cho em tu cùng

May ra thành Phật, thờ chung một chùa

- Tu mô cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ cũng là đi tu.

Bên cạnh ca dao, vè thì truyện kể cũng là một thể loại đặc sắc, góp phần làm nên sự phong phú của kho tàng văn học dân gian xứ Nghệ. Qua tìm hiểu một số truyện kể dân gian Nghệ Tĩnh, kể cả thần thoại, truyền thuyết hay truyện cười, chúng ta đều có thể tìm thấy trong đó dấu ấn của đạo Phật.

Xung quanh truyện kể Làm ơn hoá hại kể về chuyện một người tốt bụng lên trời để giục bà thần Mưa cứu hạn cho một vùng. Nhưng vì quá sốt sắng, nhiệt tình mà người này đã làm hỏng việc, vô tình tiêu diệt cả vùng mà mình định cứu. Trong truyện, thần Mưa làm mưa bằng phương tiện là một bầu nước và một nhánh lá để nhúng nước và vẩy. Chi tiết này làm chúng ta liên tưởng đến hình ảnh Quan âm Bồ Tát với bầu nước và nhành lá Người mang theo bên mình. Hay thực tế hơn, đó là phương tiện giống với dụng cụ mà thày chùa sử dụng trong nghi thức chạy đàn của Phật giáo. Điều đó cho phép chúng ta nghĩ đến việc khi câu chuyện thần kỳ này ra đời, có thể đã từ rất lâu, thì Phật giáo đã có mặt ở xứ Nghệ.

Sự có mặt của Phật và vai trò của Phật trong đời sống của người dân xứ Nghệ và cả dân tộc còn được biết đến qua những câu chuyện truyền thuyết nhưng mang màu sắc huyền thoại như chuyện kể về Uy Minh vương Lý Nhật Quang với Phật bà ở chùa Bà Bụt, Hồ Quý Ly và Quang Trung - Nguyễn Huệ với Phật bà chùa Đại Tuệ… Những câu chuyện này được sử chép lại, nhưng những yếu tố mang tính thần bí, ly kỳ của nó lại được dân gian thêu dệt, làm cho nó trở nên lung linh, mang đậm màu sắc thần thoại, trong đó ca ngợi, đề cao hình tượng Phật bà Quan Âm.

Về chùa Bà Bụt nằm ở thôn Thượng Thọ, xã Bạch Ngọc, nay thuộc xã Lam Sơn, huyện Đô Lương. Nguyên xưa chùa Bà Bụt có tên gọi là chùa Thượng Thọ. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia, tại bến đò Trung Lở ngần chùa Thượng Thọ có cô lái đò rất đẹp và duyên dáng. Vào một buổi trưa có một thanh niên trong làng đi ngang qua, thấy cô lái đò xinh đẹp liền buông lời trêu ghẹo. Cô lái đò bỗng nhiên biến hoá thành Phật bà 12 tay ngồi lên đầu người thanh niên và bắt anh đội vào một lùm cây xanh. Đến nơi anh ta thấy đầu nhẹ bỗng, một đám mây ngũ sắc đang từ từ bay lên trời. Cũng từ đó nhân dân đổi tên chùa Thượng Thọ thành chùa Tiên Tích và dân gian thường gọi là chùa Bà Bụt.

Đến thời kỳ Lý Nhật Quang (con trai thứ 8 vua Lý Thái Tổ) được bổ làm Tri châu Nghệ An, ông đã tổ chức khai hoang mở đất, xây dựng và phát triển kinh tế. Phật bà Quan Âm ở chùa Bà Bụt đã phù giúp Lý Nhật Quang gặp nhiều thuận lợi, may mắn. Trong quá trình chinh phạt quân Chiêm Thành, Lý Nhật Quang được Phật bà Quan Âm linh ứng phù giúp cho ông đánh giặc thắng lợi. Đến cái chết của Lý Nhật Quang, Phật bà cũng ra tay vớt xác Ngài trên hữu ngạn sông Lam. Vì thế sau này, cứ hai năm một lần, mỗi khi xã mở lễ hội vào tháng giêng, bao giờ cũng có lễ trả ơn Phật bà ở chùa Bà Bụt.

Theo truyện kể, chùa Đại Tuệ trên núi Đại Huệ, thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn được cha con Hồ Quý Ly cho xây dựng để cảm ơn Đức Phật Đại Tuệ (trí sáng suốt lớn) hiển linh, phù hộ cho quan quân, tướng sĩ, nhân dân trong quá trình xây dựng thành Hồ Vương, mong muốn Đức Phật phù hộ, giúp đỡ vương triều nhà Hồ trong công cuộc chống ngoại xâm cũng như trị nước, yên dân.

Ngày ấy Hồ Vương cho xây tường thành trên dãy núi Đại Huệ. Việc xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. Dân phu vất vả nhiều mà không xây được thành. Một đêm, Hồ Vương mơ thấy Phật Bà Đại Tuệ chỉ vẽ cho cách xây thành. Từ đó việc xây thành đắp luỹ trở nên thuận lợi. Biết ơn Phật Bà, Hồ Vương giao cho con gái là công chúa Thái Dương ở lại chùa chăm lo hương khói phụng thờ, cầu quốc thái dân an.

Cũng liên quan đến Phật Bà Đại Tuệ còn có câu chuyện về vua Quang Trung trên đường tiến quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh. Khi đi qua chùa Đại Tuệ, ngài đã dừng lại và vào chùa dâng hương, lễ Phật, cầu xin đức Phật phù hộ cho ông và ba quân tướng sĩ nhanh chóng quét sạch ngoại xâm. Sau khi thắng lợi, trên đường trở về Phú Xuân, ngài lại lên chùa cảm tạ đức Phật, cắt ruộng đất cho chùa và đổi tên chùa là Đại Huệ.

Xung quanh chuyện kể về sự linh ứng của Phật đã cho thấy niềm tin mãnh liệt của nhân dân vào sức mạnh, sự ban ơn, giúp đỡ của Phật cho con người trong hoàn cảnh khó khăn.

3. Văn học dân gian xứ Nghệ phản ánh thực trạng của Phật giáo qua các giai đoạn lịch sử

Bên cạnh những giai đoạn thịnh trị, Phật giáo được ngợi ca và có vai trò, ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hoá tín ngưỡng của người dân xứ Nghệ thì cũng có giai đoạn Phật giáo bị suy đồi, mất đi vai trò vốn có của nó. Biểu hiện của sự suy thoái là chùa chiền bị lãng quên, sư sãi đánh mất nhân cách, không thực sự chân tu. Hiện thực này có lẽ xuất hiện vào thời kỳ tình hình kinh tế, chính trị, xã hội bất ổn, mâu thuẫn giai cấp diễn ra quyết liệt. Phật giáo, hệ tư tưởng gần gũi với tầng lớp bình dân đã không giữ nổi chỗ đứng của mình trong xã hội đảo điên.

Trong thơ ca dân gian hiện lên hình ảnh chùa chiền hoang lạnh, đổ nát:

Phạm nơi Phật tự, thành hoàng

Chùa chiền trúc đổ, miếu hoang chẳng nề

hay:

Cửa chùa then khoá toang ra

Toà sen mốc thếch, lá đa sạch lì

Nối đời nương cảnh bồ đề

Trước thời là Phật, sau thì ra ma.

và:

Chùa này rách nát, bụt ngã, sư sầu

Còn tình chi anh nữa để dựng lầu đúc chuông

Chùa chiền bị bỏ bê, không ai quan tâm thờ tự, hương khói. Trong khi đó, những vị sư trụ trì, những đệ tử của Phật giáo vốn được nể trọng bởi nhân cách đạo đức, học vấn nay cũng đánh mất chính mình. Đệ tử của cửa Phật mà nay chẳng còn chân tu:

Cái trống sơn son, cái mõ sơn son

Ông sư chùa Diệc rõ ràng tám con.

Trong truyện tiếu lâm Con thanh tịnh tuy là câu chuyện vui nhưng cũng đã phản ánh về sự có mặt của Phật giáo trên đất Nghệ Tĩnh. Câu chuyện xoay quanh việc ông quan thích ăn thịt ếch (được gọi là con Thanh tịnh) những cuối cùng là để cười cợt, chế giễu việc nhà sư được coi là “thanh tịnh” mà lại chẳng “thanh tịnh”, chẳng đáng tư cách một nhà sư nơi cửa Phật. Có lẽ câu chuyện này ra đời khi Phật giáo ở vào giai đoạn suy vong, giáo lý nhà Phật không được tôn trọng, sư tôn chẳng phải chân tu.

Có thể nói, từ giáo lý, kinh kệ của đạo Phật đến đạo Phật qua tâm thức dân gian là một quá trình cải biến, thích nghi, hoà nhập để phù hợp với môi trường mới. Phật giáo trong nhận thức, quan niệm dân gian đã mang màu sắc mới, gần hơn với đời sống thực, vừa linh thiêng, huyền bí nhưng vừa gần gũi, giản dị. Qua những sáng tác của văn học dân gian xứ Nghệ, chúng ta có thêm một cách tiếp cận với Phật giáo xứ Nghệ, để hiểu hơn về lịch sử phát triển, cách nhìn nhận và các sắc thái của đạo Phật trong quá khứ qua tâm thức dân gian.

Trải qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển, có lúc thịnh, lúc suy nhưng cuối cùng thì Phật giáo vẫn là một tôn giáo có ảnh hưởng lớn đối với đời sống văn hoá tinh thần của người dân xứ Nghệ nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung và xung quanh nó còn nhiều điều để tìm hiểu, nghiên cứu.



* Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nghệ An

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 47
    • Số lượt truy cập : 6757558