Thông tin

ĐỀ DẪN HỘI THẢO KHOA HỌC

VĂN HÓA PHẬT GIÁO XỨ NGHỆ:

QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI

 

TS. NGUYỄN QUỐC TUẤN*

 

Xứ Nghệ gồm địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay, tức là vùng văn hóa Bắc Trung Bộ. Cách gọi này đã từng hình thành trong lịch sử, ít nhất được biết đến trong thời Nguyễn với câu ca: Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ. Không những thế, xứ Nghệ còn được mô tả rất kỹ trong cuốn Nghệ An ký của Tiến sỹ Bùi Dương Lịch thế kỷ 19.

Ngược thời gian, cho đến thời Lý-Trần, cùng với Thanh Hóa, xứ Nghệ được hình thành và định hình với tên gọi hành chính là "Trại" với nghĩa là "phên dậu" của Đại Việt ở phía nam, giáp với Chiêm quốc.

Xứ Nghệ từ thế kỷ 15 cho đến nay, xứ Nghệ đã trở thành vùng văn hóa được khẳng định một cách vững chắc trong tâm trí dân tộc, đóng góp nhiều thành tựu cho đất nước, có những người con xuất chúng như Hồ Chủ Tịch, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, Đảng và đất nước ta. Văn hóa xứ Nghệ là một trong những vùng văn hóa độc sáng của đất nước, có vị trí và vai trò lớn lao trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Mặt khác, xứ Nghệ cũng để lại một di sản văn hóa nói chung, văn hóa Phật giáo và Tam giáo (Phật, Nho, Đạo) nói riêng hết sức quý báu, nhưng chưa được nghiên cứu và giới thiệu đầy đủ tới công chúng và nhân dân cả nước. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử và biến động xã hội, di sản văn hóa Phật giáo xứ Nghệ đã bị mai một, thất tán và chưa được tập hợp, phân tích một cách thỏa đáng, ngõ hầu đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu, giữ gìn, phát huy giá trị của di sản đó trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay, cũng là di sản có giá trị to lớn trong việc xây một Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất và vững mạnh.

Đó là lý do để Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học: Văn hóa Phật giáo xứ Nghệ: quá khứ, hiện tại và tương lai, để bước đầu chuyên bàn về di sản văn hóa xứ Nghệ và văn hóa Phật giáo xứ Nghệ, tạo ra bước chuyển biến mới trong nhận thức của nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng và nhân dân cả nước, khơi gợi lòng yêu quê hương, đất nước, thỏa mãn tấm lòng của những người con xứ Nghệ xa quê hương.

Cuộc hội thảo khoa học được tổ chức với mục đích: khảo sát và tập hợp bước đầu các nguồn tài liệu liên quan đến văn hóa xứ Nghệ, phân tích làm rõ các giá trị sử học, triết học, văn hóa học, tôn giáo học của chúng; thống kê những di tích còn có thể thống kê, đi sâu nghiên cứu các di sản văn hóa vật thể, phế tích, kiến trúc, tiếu tượng học Phật giáo nói riêng và cơ sở thờ tự nói chung; đi sâu khảo tả, phân tích các giá trị văn hóa phi vật thể xứ Nghệ nói chung, văn hóa phi vật thể Phật giáo xứ Nghệ nói riêng qua các bộ môn văn chương nghệ thuật, diễn xướng và lễ hội, chú trọng đến mối quan hệ giữa hai di sản chung và riêng đó; khảo tả và phân tích vị trí, vai trò của Tam giáo và Phật giáo trong việc xây dựng tư tưởng, đạo đức và lối sống xứ Nghệ trong quá khứ và hiện tại; thống kê và đi sâu phân tích nhân vật Phật giáo bao gồm tiểu sử, hành trạng và công lao của các nhà sư, cư sĩ đã đóng góp cho Phật giáo nước nhà trong lịch sử và hiện tại; phân tích và làm rõ định hướng cho việc xây dựng Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Nghệ An, đào tạo tăng tài, đào tạo tăng ni, hướng dẫn Phật tử, xây dựng các đoàn thể Phật giáo theo quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, của tỉnh Nghệ An.

Hội thảo đã nhận được gần 70 tham luận, chia thành bốn chủ đề lớn như sau:

Chủ đề 1: Định vị văn hóa xứ Nghệ và văn hóa Phật giáo xứ Nghệ qua các nguồn tài liệu liên quan;

Chủ đề 2: Tương quan giữa di sản văn hóa xứ Nghệ và văn hóa Phật giáo xứ Nghệ trong lịch sử;

Chủ đề 3: Phật giáo xứ Nghệ trong lịch sử: nhân vật và công trạng;

Chủ đề 4: Xây dựng Phật giáo Nghệ An hiện tại và tương lai.

Nội dung của các tham luận tham gia Hội thảo này là những viên gạch đầu tiên trong việc tìm hiểu tổng thể Phật giáo xứ Nghệ. Chúng tôi hi vọng, trong thời gian tới, nhiều cuộc hội thảo khoa học sẽ tiếp tục được tổ chức đề cập đến những vấn đề chuyên sâu nhằm làm rõ hơn nữa các chiều cạnh cụ thể khác nhau của Phật giáo xứ Nghệ, làm cho Phật giáo địa bàn này ngày càng phát triển một cách sâu rộng, lành mạnh và chính tín.



* Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 40
    • Số lượt truy cập : 6757626