ĐI TÌM LỜI CHÚC CHO TUỔI TRẺ - MÙA XUÂN
ĐI TÌM LỜI CHÚC CHO TUỔI TRẺ - MÙA XUÂN
NGUYÊN CẨN
Từ nỗi lo mùa xuân trước
Năm ngoái, cũng trên Từ Quang, chúng ta đã tâm sự với nhau ước mơ về một mùa xuân ấm áp bao dung mà nhân loại, trong đó có chúng ta mải mê, mệt mỏi kiếm tìm mà đến xuân này, thế giới vẫn chưa hết hận thù, bạo lực. Vẫn còn đó tiếng súng ở Aleppo (Syria) hay Mosul (Iraq); vẫn còn đó tiếng bom nổ bất ngờ ở Paris hay Bagdha hay ở những nơi đông người khác trên mặt đất này!
Riêng tại đất nước ta, bạo lực trong hành xử giữa người với người cũng làm chúng ta nhức nhối hàng ngày khi những người, phần đông còn trẻ, manh động dễ dàng giết nhau chỉ vì một cái nhìn, một sự hiểu lầm trên facebook, một sự giành giật ái tình, một nỗi bực dọc vô cớ vì người bạn của mình chưa kịp trả nợ, hay không chịu uống nốt một ly bia... Mạng người chết đơn giản như trong phim, sao mà rẻ vậy! Thế nên chúng ta vẫn cứ thao thức trăn trở vì một nền văn hóa mang tính người, nói theo ngôn ngữ triết học là nhân bản. Ông Nguyễn Xuân Phúc hồi làm phó thủ tướng đã từng la lên: “Văn hóa gì mà quẹt xe là đánh nhau, giết nhau?”. Ông cũng xót xa khi đòi hỏi ngành giáo dục nhìn lại mình. Nhưng lỗi không chỉ của ngành giáo dục, mà của toàn xã hội. Tình thần “tranh chấp” không khoan nhượng và dùng bạo lực diễn ra đều khắp trải dài mọi khung thời gian và không gian, từ nông thôn đến thành thị, từ sáng tinh mơ đến nửa đêm về sáng. Có gây sự là có máu đổ. “Tập khí” ấy không biết hình thành từ bao giờ quanh ta, trong ta? Nên chăng hãy lấy sự can đảm quyết liệt ấy để thể hiện mình như một chiến sĩ. Chiến sĩ là người can đảm mà can đảm là biết sợ, chỉ có kẻ liều mới không biết sợ. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, mình phải sợ cái “nhân” ác mà mình gieo chứ! Vì nhân quả là một quy luật khách quan muôn đời, không ai thay đổi được. Chogyam Trungpa có lần viết: “Phần lớn những hỗn loạn trong thế giới xảy ra bởi vì người ta không nhận thức và thưởng thức được mình. Không bao giờ phát triển thiện cảm và hòa dịu đối với chính mình, họ không thể trải nghiệm sự hài hòa hay an bình bên trong họ và bởi thế, cái mà họ phóng chiếu cho người khác cũng bất hòa và rối loạn”. (Shambala - Con đường thiêng liêng của người chiến sĩ). Nói cách khác như Phật ngữ “Tâm bình, thế giới bình”. Trungpa lấy hình tượng người chiến sĩ “giác ngộ”, dạy chúng ta phấn đấu mạnh mẽ, vượt lên chiến thắng chính mình.
Đến lời chúc cho mùa xuân này
Tuổi trẻ - nếu xem họ là những chiến sĩ đấu tranh cho hạnh phúc và tự do luôn được xem như mùa xuân của cuộc đời, vì các em còn nguyên sức lực, trí tuệ và ước vọng tương lai, lao mình về phía trước.
Chúc gì đây trong mùa xuân này? Khi suy nghĩ về một lời chúc hay lời nhắn gửi cho tuổi trẻ xuân này, khi bản thân mình và thế hệ cha anh đã đi qua bên kia sườn dốc của cuộc đời, tôi tình cờ đọc lại bài thơ IF của Ruyard Kipling viết năm 1895 mà giáo sư Nguyễn Văn Lương khi giảng dạy chúng tôi ở Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn - khoa Anh ngữ năm 1974 đã đọc cho cả lớp nghe bản dịch của thầy. Thầy rất tâm đắc vì đó là lời dặn đầy đủ và chu đáo của người cha cho đứa con trai của mình trở thành một con Người đúng nghĩa. Hãy cùng tôi đọc lại xem người xưa dạy gì cho tuổi trẻ và xem những lời dạy ấy còn phù hợp với chúng ta hôm nay không?
Ruyard Kipling dạy con ông rằng:
Nếu trong lúc mọi người hoảng hốt
Con thản nhiên không chút kinh hoàng
Nếu con không chút hoang mang
Người càng ngờ vực lại càng tự tin.
(khổ thứ 1 -câu 1-4)
Có ai đó nói rằng để kinh nghiệm tính không sợ hãi cần phải kinh nghiệm sự sợ hãi. Sợ hãi có thể khoác nhiều chiếc áo khác nhau. Chúng ta thiếu tự tin khi đối mặt với cuộc đời khi mới lớn: thất nghiệp, công việc không phù hợp, tình yêu phản bội, gia đình không thông cảm, tài năng bị ruồng bỏ... Người ta có nhiều cách để đem nỗi sợ hãi ra khỏi tâm thức, nhưng phần đông nhờ vào ngoại cảnh hay tha lực: có người lao vào internet, tìm kiếm bạn bè điên cuồng trên facebook, Instagram,... kết mọi quan hệ có thể chia sẻ, hay đàn đúm tụ tập, hy vọng tìm thấy sự bình an trong đám đông? Có người uống bia rượu, có người, tệ hơn, tìm đến cần sa hay ma túy, và sống trong thế giới ảo giác, tương tự như có những em chơi games suốt ngày. Có em, gia đình giàu có, đến vũ trường nhảy nhót, tìm sự lãng quên, kết bạn và nghĩ rằng mình sẽ thoát được nỗi sợ: cô đơn, buốn chán, và cả cái chết. Có người thích chơi chữ nói rằng tiếng Việt có từ “không sợ”, Hán Việt là vô úy, trong khi tiếng Anh là fearless, nghĩa là less fear (ít sợ hãi) mà đúng ra phải là “vượt trên nỗi sợ”. Tuổi trẻ phải khắc phục nỗi sợ bằng sức mạnh nội tâm của chính mình, vì không ai khác có thể làm điều đó thay cho mình! Không có tha lực hay ngoại nhân nào giúp gỉảm bớt nỗi sợ nếu mình không tự vượt qua!
Xuân nhẫn nhục
Muốn đạt tâm thức ấy, Kipling dạy con rằng:
Nếu luyện đủ tâm can nhuệ khí
Để bền gan quyết chí đến cùng
Thịt tan xương nát mặc lòng
Gian nan lao khổ không chùng không lay.
(khổ thứ 6- câu 21-24)
Sự nhẫn nhục là một phẩm chất mà con người cần có. Riêng nhà Phật cũng đòi hỏi rất cao ở người Phật tử. Nó đi cùng vơi lòng quyết tâm tự chuyển hóa tâm mình. Ban đầu, người ta ví tuổi trẻ như con nai tuyết, với cái sừng rất mềm nhưng càng lớn lên nó càng phát triển thành bốn hay mười nhánh nhọn có thể chiến đấu tự bảo vệ được. Ban đầu, khi vào đời chúng ta có thể rất nhu mì hiền hòa, thậm chí còn biết buồn rầu và dịu dàng.Nhờ thế, tuổi trẻ sau những gian nan, trở nên can đảm khi cần thiết. Nhưng sự can đảm của tuổi trẻ phải vững vàng như người chiến sĩ, vừa mềm vừa cứng. Trungpa chấp nhận nỗi buồn như bài test cần thiết. Không có nỗi buồn nó sẽ như một cái tách sứ, sự can đảm bấp bênh, rớt xuống là vỡ tan. Nhưng sự hiền hòa bên trong con người cương nghị và can đảm khiến chúng ta như tách sơn mài, rớt xuống lại bật lên: “Sự biểu lộ của tánh thiện luôn tương ứng với sự dịu dàng- không hề yếu đuối, lãnh đạm...” (Trungpa -sđd) Tuổi trẻ hôm nay thiếu quyết tâm hay thiếu can đảm khi đối diện những khó khăn trong cuộc đời, vì các em lớn lên trong vòng tay cha mẹ nên khi phải đối diện thực tại, có em hoảng loạn và quyết định lầm lạc. Kipling muốn con mình giữ vững sự kiên định, không lay chuyển trước mọi bất trắc của lòng người và sự việc, mang tâm an lành đi giữa cuộc đời sóng gió, nói theo Phật ngữ “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.
Nếu chờ đợi không phiền không giận,
Nếu bị lừa con vẫn thẳng ngay;
Ghét ghen không biết mảy may,
Cũng không kiêu ngạo, ta đây hơn người,
(khổ thứ 2 - câu 5-8)
...
Nếu suy nghĩ nhưng cười do dự
Vẫn mơ màng, tư lự thời không
Suốt đời thất bại thành công
Xem như không đáng bận lòng mày râu,
(khổ thứ 3- câu 9-12)
Chúng tôi ghi nhận tuổi trẻ hôm nay có những em mạnh dạn start up (khởi nghiệp) như những shop bánh mang thương hiệu Chewy Junior; như chuỗi cafe Urban station...; có em vận dụng kiến thức tin học tinh thông của mình vào việc bán hàng, đi chợ trên mạng; nhưng rất nhiều em, có đến hơn 200 nghìn cử nhân thạc sĩ vẫn đang chờ việc! Vậy mà khi có việc lại đắn đo về mức lương hay đãi ngộ, về địa bàn, cự ly di chuyển... Em để nỗi sợ sang bên và bước tới, mạnh dạn chấp nhận những công việc chưa như ý để thu hoạch kinh nghiệm trước khi tìm ra sở trường, sở đoản của chính mình và điều chỉnh sở thích hay công việc. Thời cơ không chờ đợi ai!
Xuân kiên định
Kipling ném những đồng xu hy vọng cuối cùng của con ông lên mặt bàn vì ai biết được, tuổi trẻ mà, thiếu kinh nghiệm, dễ thất bại trắng tay. Phải nghĩ đến kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra chứ! Thì sao?
Nếu dám vất bạc tiền danh vọng,
Đánh một bàn túi rỗng như chơi,
Ra đi lập lại cuộc đời,
Không hề to nhỏ nửa lời tiếc than,
(khổ thứ 5- câu 21-24)
Là trang nam nhi (hay nữ nhi) cũng vậy vì thời đại này bình quyền cả rồi, thanh niên phải có dũng khí dám đứng lên dù có vấp ngã. Điều quan trọng không phải là bao nhiêu lần vấp ngã mà là bao nhiêu lần đứng lên để tiếp tục đi tới. Chưa hết, trắng tay thôi sao? Còn tha nhân nữa, Họ luôn phán xét tuổi trẻ khắc nghiệt, thậm chí gièm siểm nặng lời. Thái độ đối với họ sao đây khi họ “ném đá” sau lưng ta, gài bẫy triệt hạ ta. Kipling cũng đã từng trải qua nên ông dặn con:
Nếu không giận thấy câu mình nói
Bị người đem thay đổi đặt bày
Cơ đồ tan vỡ phút giây
Cũng không nao núng đắp xây lại liền,
(khổ thứ 4- câu 13-16)
Thế đấy, luôn kiên định. Không xao động trước vọng ngữ, xảo ngôn, mưu ma chước quỷ của người đời, hiện nay kẻ xấu nhiều ngang hoặc hơn người tốt. Tuổi trẻ cứ phải lầm lũi bước qua, rồi sẽ đến lúc công thành danh toại.
Xuân hòa hợp và tinh tấn
Khi đã thành công rồi thì thói thường tuổi trẻ dễ sanh kiêu ngạo, hãnh tiến và coi thường người khác. Hiểu nên Kipling lại dặn con:
Nếu không ngại bùn lầy nước đọng
Nếu quyền cao chức trọng không kiêu,
Mọi người ai cũng kính yêu
Bạn thân đều khó làm xiêu lòng vàng,
(khổ thứ 7- câu 25-28)
Phật đã đề cao sự bình đẳng vì “máu chúng sinh chỉ một màu”. Hãy sống hòa hợp cùng quần chúng trong ý nghĩa tương tức, tương sinh, đồng cảm. Được như thế, tuổi trẻ sẽ tiếp thu cái hay của những người đi trước bổ sung cho những thiếu sót của mình. Ai cũng có cái hay cho mình phải học. Cuối cùng, Kipling dặn con:
Nếu con chẳng khinh thường ngày tháng
Mỗi phút giây mỗi gắng cần lao
Dù không chức trọng quyền cao
Cũng không thẹn mặt anh hào nam nhi.
(khổ thứ 8- câu 29-32)
Lúc nào cũng vậy. Học và làm việc luôn là chìa khóa của thành công. Học trong sách vở, trong công việc, trong thực tế. Học từ người trên và cả kẻ dưới. Luôn tâm niệm “Hôm nay, phải tốt hơn hôm qua”, khiêm tốn nếu muốn đi xa. Vậy là chàng tuổi trẻ của chúng ta có 11(mười một) chữ NẾU phải ứng xử, phải hành động để trở thành một con người đúng nghĩa. Chàng phải khiêm cung, nhã nhặn, kiên nhẫn, duy lý, trung thực, đáng tin cậy và tự tin dù có ai hoài nghi đi nữa. Chàng phải sống truớc sau như một, trên dưới như nhau, đứng vững trước những âm mưu, những vu khống, vọng ngữ của thế nhân.. Được như thế, chàng đã trở thành một “thắng nhân” đúng nghĩa!
Mùa xuân, hãy chúc cho tuổi trẻ giữ được sự kiên định và tinh tấn trong công việc, nhẫn nhục trong ứng xử đời sống, và can đảm đối diện với thực tại, dù đẹp hay phũ phàng với sự can đảm hay lòng vô úy. Vì như Steve Job nói: “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ”. Để rồi mong sao quanh ta là những con người tuổi trẻ, tâm hồn tràn đầy khí phách và nhiệt huyết, những con người sẽ hoàn thiện nhân cách để là chính mình.
Hãy chúc nhau một mùa xuân như thế!
Ghi chú
Nguyên tác bài thơ IF
By Ruyard Kipling
If you can keep your head when all about you
Are losing theirs and blaming it on you,
If you can trust yourself when all men doubt you,
But make allowance for their doubting too;
If you can wait and not be tired by waiting,
Or being lied about, don”t deal in lies,
Or being hated, don”t give way to hating,
And yet don”t look too good, nor talk too wise:
If you can dream - and not make dreams your master;
If you can think - and not make thoughts your aim;
If you can meet with Triumph and Disaster
And treat those two impostors just the same;
If you can bear to hear the truth you've spoken
Twisted by knaves to make a trap for fools,
Or watch the things you gave your life to, broken,
And stoop and build “em up with worn-out tools:
If you can make one heap of all your winnings
And risk it on one turn of pitch-and-toss,
And lose, and start again at your beginnings
And never breathe a word about your loss;
If you can force your heart and nerve and sinew
To serve your turn long after they are gone,
And so hold on when there is nothing in you
Except the Will which says to them: “Hold on!”
If you can talk with crowds and keep your virtue,
Or walk with Kings - nor lose the common touch,
If neither foes nor loving friends can hurt you,
If all men count with you, but none too much;
If you can fill the unforgiving minute
With sixty seconds” worth of distance run,
Yours is the Earth and everything that”s in it,
And - which is more - you”ll be a Man, my son.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 19 – THÁNG 1 NĂM 2017 (PL. 2560)
- ĐÓN XEM TỪ QUANG TẬP 19
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 18 – THÁNG 10 NĂM 2016 (PL. 2560)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 17 – THÁNG 7 NĂM 2016 (PL. 2560)
- TỪ QUANG TẬP 16 – THÁNG 4 NĂM 2016 (PL. 2560)
- TỪ QUANG XUÂN BÍNH THÂN (TẬP 15) – THÁNG 1 NĂM 2016 (PL. 2559)
Bình luận bài viết