ĐIỂM TÂM
ĐIỂM TÂM
NGUYỄN ĐỨC TIẾU
Đối với kinh điển, mỗi người có một cách hiểu biết khác nhau, sâu cạn tùy theo căn cơ. Sâu thì đi ngay được vào tinh thần của đạo xuyên qua lớp chữ: đó là học đạo. Cạn thì nắm chữ làm món sở đắc mà đánh mất tinh thần: Đó là học huệ.
Nhờ học đạo, Ngài Huệ Năng nghe tụng kinh Kim Cương mới đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kì tâm” là liền được sáng tỏ.
Vì học huệ, sư Đức Sơn Tuyên Giám cũng học Kim Cương đến nát nhàu bộ kinh mà vẫn không thấy được gì ngoài những lời chú giải, và lòng ngã mạn cứ mãi được thổi phồng lên theo mớ chữ vô trí. Sư nghe nói ở phương Nam đang thạnh hành phép tu đốn ngộ dạy đạo ngoài kinh điển. Sư nhất quyết tìm qua đó dùng tài biện luận hạ đối phương mà sư xếp vào hàng ngoại đạo. Dọc đường, sư ghé vào quán uống nước và xin chủ quán có gì cho điểm tâm. Chủ quán là một bà cụ già, mắt nhìn bộ kinh “Kim Cương chư gia chú giải” sư ôm kè kè trong tay nải, miệng nhắc đi nhắc lại hai tiếng điểm tâm; rồi như sực nhớ chuyện gì ấp ủ từ lâu, bà ta lên tiếng: “Thầy học kinh Kim Cương. Mụ có điều thắc mắc về kinh Kim Cương. Cúi mong thầy giải rõ cho”.
Sư ừ chịu ngay, vững tin ở tài học của mình.
Bà cụ tiếp: Già có nghe kinh Kim Cương dạy rằng: Cái tâm quá khứ không thể được. Cái tâm hiện tại không thể được. Cái tâm vị lai không thể được. Vậy thấy “điểm” cái “tâm” nào?
Nghe như sét đánh ngang mày, sư bủn rủn tay chân, lính quýnh giây lâu rồi lặng lẽ rút lui như cái bóng. Sư hết tự đắc, hết ngã mạn, hết bám víu vào văn tự, nhưng lòng càng thiết tha hơn lúc nào hết với đạo giải thoát.
Thế rồi, trong tâm trạng “hư kỷ cầu sư” đó, Đức Sơn Tuyên Giám đến Đầm Rồng (Long Đàm) ra mắt tổ Sùng Tín. Sư bạch: “Con nghe nói Đầm Rồng, đến đây không thấy đầm mà cũng không thấy rồng. Tổ chỉ ừ hử vớ vẩn: “Phải, đây chính là Đầm Rồng”. Rồi sư ở đó học đạo. Cái lạ là lần nầy sư không học với sách, với thầy, mà chỉ học với chính mình, luôn luôn mình cút bắt mình ở khắp nẻo tư duy đùn dần vào hang cùng ngõ cụt.
Ngày kia, trời chạng vạng tối, sư mãi còn thẫn thờ ngồi trước am vắng, trí óc căng thẳng lên đến tột cùng như đang chụp bắt một cái gì thoạt ẩn thoạt hiện. Tổ bước đến cạnh mà sư không hay. Tổ hỏi. Sư đáp bâng quơ, xa vắng. Tổ bèn thắp lên ngọn đèn cầy, lặng lẽ trao cho sư. Sư đưa tay vừa nắm lấy thì bất thình lình Tổ vụt thổi tắt. Và cũng bất thình lình, trong khoảnh khắc phi thường đó, sư vụt tỏ ngộ.
Cái biến cố tâm linh đó, Thiền gọi là “thấy tánh”. Cái thấy ấy đột ngột nên gọi là đốn. Đốn là một bước nhảy, nhảy giữa hư vô, nhảy từ cái hữu quá cái vô, cái phi… để thế nhập vào cái “thiên địa chi tâm” không nghĩ bàn được.
Cái nhảy siêu hình đó, Thiền ví như người leo cây sào cao trăm thước, leo đến nấc chót rồi là hết đường tới lui đành phải nhảy. Nhảy làm sao? Nhảy vào đâu. Ta không biết.
Điều ta có thể biết được là, cũng như leo sào, bất cứ ai học Phật, bất cứ dùng phương tiện nào, rốt cuộc đều rơi vào ngõ bí, song đó là một ngõ bí đặc biệt, không có không được, tự đó mới “nhảy” được vào giác ngộ, mới đủ cơ đốn ngộ.
Tuy nhiên, trước khi đốn, ngay đến Đức Phật cũng phải trải qua một thời kỳ chuẩn bị, tức là tiệm tu. Ngài đã học, đã tu ép xác, và cuối cùng đã tư duy ở cội bồ đề. Tại đây, sau khi dùng hết cái năng lực cuối cùng của trí óc, ngài lại bị rơi vào ngõ bí, vào cái trạng thái tâm linh mà kinh điển gọi là đại nghi. Tất cả công dụng rốt ráo của tư duy đều chỉ có vậy: đẩy con người vào bước đường cùng rốt ráo, không thể thiếu được trong quá trình giác ngộ. Tự đó, sau khi làm nhiệm vụ đó, tư duy đành chịu bất lực và dứt bặt, bặt luôn con người tư duy với cái tư duy. Hành giả còn lại đứng chơ vơ giữa vực thẳm trong khi vấn đề giải thoát càng quyết liệt đòi một giải đáp cuối cùng.
Tuy nhiên, có cùng mới biến, có biến mới thông, đức Phật vẫn thoát được đường cùng, không phải thoát bằng một lối thoát mà thoát ngay bằng đường cùng, vì đường chính là lối thoát, vì giải đáp tức là vấn đề, vì phiền não tức là bồ đề.
Vậy nên đốn mà tiệm, tiệm mà đốn, sự học kinh điển vẫn rất cần cho người tu Phật, sự suy tư vẫn không thể thiếu được để dọn mình vào cảnh giới đại nghi. Nhưng học làm sao? Suy tư bằng cách nào? Đó lại là một chuyện khác.
Trích Tạp chí Từ Quang số 147 - 148
Tháng 11 - 12 năm 1964 (PL 2508)
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 20 – THÁNG 4 NĂM 2017 (PL. 2560)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 19 – THÁNG 1 NĂM 2017 (PL. 2560)
- ĐÓN XEM TỪ QUANG TẬP 19
Bình luận bài viết