Thông tin

DIỆN MẠO PHẬT GIÁO QUẢNG NAM

DƯỚI THỜI CÁC CHÚA NGUYỄN

 

NGUYỄN DUY PHƯƠNG*

 

Khai sinh từ cuộc hôn nhân lịch sử đặc sắc giữa công chúa Huyền Trân (Đại Việt) và vua Chế Mân (Chămpa) năm 1306, nhưng phải đến thời chúa Nguyễn, Quảng Nam mới thực sự trở thành miền đất hứa để lưu dân Việt định cư sinh sống lâu dài. Một trong những công cụ hữu hiệu giúp các chúa Nguyễn phủ dụ, an dân ở vùng đất được xem là “ô châu ác địa” này chính là Phật giáo. Vì vậy, trong suốt các đời chúa Nguyễn, Phật giáo ở Đàng Trong nói chung và Quảng Nam nói riêng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.

1. Một số nhân tố tác động đến diện mạo Phật giáo Quảng Nam dưới thời các chúa Nguyễn

Sau khi Trịnh Kiểm sát hại Long Quốc Công Nguyễn Uông để thâu tóm quyền lực, Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng sợ mình có thể bị hãm hại nên đã nhờ chị ruột là Nguyễn Ngọc Bảo, vợ của Trịnh Kiểm xin cho mình vào trấn thủ vùng Thuận Hóa. Trịnh Kiểm thấy đó là cách đẩy Nguyễn Hoàng vào hang hùm có lợi cho mình nên đã tâu với vua Lê Anh Tông cho Nguyễn Hoàng thực hiện mong muốn đó nhưng Trịnh Kiểm đâu ngờ rằng chính hành động này của mình đã là duyên cơ cho sự ra đời của vùng đất Đàng Trong cùng với sự lên ngôi trị vì của các chúa Nguyễn. Bởi lẽ, xuất phát từ ý đồ xây dựng thế lực riêng, Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn sau này đã tận dụng những ưu thế sẵn có về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để nhanh chóng biến nơi “ô châu ác địa” thành vùng đất trù phú, dân cư đông đúc, xây dựng nên chính quyền độc lập vững mạnh, ly khai hẳn với triều đình Lê – Trịnh.

Dựng nghiệp trên vùng đất biên viễn còn mang đậm dấu ấn của văn hóa Chăm, với nhiều thành phần cư dân phức tạp, lại luôn phải đối phó với thế lực họ Trịnh ở phương Bắc, các chúa Nguyễn phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đe dọa đến sự tồn vọng. Theo nhà sử học Li Tana: “Trong tình hình mới này, các nhà lãnh đạo họ Nguyễn cảm thấy cần phải đưa ra một cái gì đó khác với tín ngưỡng của người Chăm để củng cố các di dân người Việt về mặt tinh thần và tâm lý. Không thể sử dụng Khổng giáo vì những khẳng định cơ bản của Khổng giáo trực tiếp mâu thuẫn với vị trí của họ Nguyễn bị coi là một chế độ ly khai và nổi loạn đối với triều đình. Tuy nhiên, họ Nguyễn lại không dám đi quá xa và không dám tìm ra một giải pháp hoàn toàn khác biệt với truyền thống của người Việt ở phía Bắc. Trong những hoàn cảnh đó, Phật giáo Đại Thừa đã cung cấp một giải pháp đáp ứng nhu cầu của họ Nguyễn. Phật giáo, một mặt đẩy mạnh bản sắc dân tộc của người Việt và mặt khác làm lắng đọng các mối lo âu của người di dân mà không đặt lại vấn đề về tính hợp pháp của những người cai trị”[1].

Hơn nữa, các chúa Nguyễn từ Nguyễn Hoàng cho đến vị chúa cuối cùng là Nguyễn Phúc Thuần đều là có nhiều thiện cảm với đạo Phật. Trong suốt thời gian trị vì của mình, các chúa Nguyễn đã có nhiều đóng góp cho Phật giáo Đàng Trong. Các chúa đã cho xây dựng rất nhiều chùa chiền, mở trai đàn, hội chùa với quy mô lớn, đồng thời tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các sinh hoạt Phật giáo. Vì vậy, người đời tôn gọi chúa Nguyễn Hoàng là chúa Tiên, chúa Nguyễn Phúc Nguyên là chúa Sãi – chúa Phật, chúa Nguyễn Phúc Lan là chúa Thượng, chúa Nguyễn Phúc Tần là chúa Hiền, chúa Nguyễn Phúc Trăn là chúa Nghĩa, chúa Nguyễn Phúc Chu là chúa Minh…

      Quảng Nam trong hai thế kỷ 17, 17I là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Đàng Trong, giữ vai trò như là kinh đô thứ hai của chúa Nguyễn. Nơi đây, năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng đã cho lập dinh trấn tại xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên và cử hoàng tử thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên vào trấn thủ. Về vấn đề này Đại Nam thực lục tiền biên có viết: “Quảng Nam đất tốt, dân đông, sản vật giàu có, số thuế nộp vào nhiều hơn Thuận Hóa. Chúa thường để ý kinh dinh đất này. Đến đây đi chơi núi Ải Vân, thấy một dải núi cao dăng dài mấy trăm dặm nằm ngang trên bờ biển. Chúa khen rằng: “Chỗ này đất yết hầu của miền Thuận Quảng”. Liền vượt qua núi xem xét tình thế, dựng dinh trấn ở xã Cần Húc (huyện Duy Xuyên), xây kho tàng chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu trấn giữ”[2].

Cùng với thái độ và chính sách ưu ái của các chúa Nguyễn đối với Phật giáo thì sự giàu có, phồn thịnh và vị thế quan trọng của vùng đấtđã là những nhân tố quan trọng tác động đến diện mạo Phật giáo Quảng Nam dưới thời các chúa Nguyễn.

2. Diện mạo Phật giáo Quảng Nam dưới thời chúa Nguyễn

2.1. Hệ thống chùa chiền

Diện mạo Phật giáo Quảng Nam dưới thời các chúa Nguyễn được thể hiện trước hết qua hệ thống chùa chiền được xây dựng trong thời kỳ này.

Ngôi chùa đầu tiên được xây dựng trên đất Quảng Nam theo lệnh Nguyễn Hoàng trong chuyến đi kinh lý vùng đất này vào năm 1602 là chùa Long Hưng ở phía Đông dinh trấn thuộc xã Cần Húc[3]. Tiếp theo 5 năm (1607) sau đó, chùa Bảo Châu được xây dựng trên nền của một phế tích Chămpa ở xã Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên[4].

Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần, năm 1657, nhân dân trong xã Nại Hiên, huyện Hòa Vang góp tiền của xây dựng chùa Long Thủ [5] [6] và năm sau dựng bia trong khuôn viên của chùa. Xuất hiện cùng thời với chùa Long Thủ là chùa An Sơn. Chùa An Sơn được xây dựng ở Hòa Phát, huyện Hòa Vang vào thế kỷ 17.

Vào khoảng năm 1683, tổ sư Nguyễn Thiều – Hoàn Bích lập chùa Tam Thai trước khi ra Thuận Hóa lập chùa Hà Trung tại Thừa Thiên và chùa Quốc Ân ở Phú Xuân (Huế)[7]. Chùa Tam Thai tọa lạc ở phía Tây Ngũ Hành Sơn, huyện Diên Phước[8]. Tại núi Tam Thai có tháp Phổ Ðồng, Hoa Nghiêm Thạch Ðộng và Hoa Nghiêm Vân Ðộng, có chạm chữ trên vách đá. Những tên động này là do Thiền sư Thạch Liêm đặt trong lúc viếng chùa năm 1695. Do những biến loạn vào khoảng năm 1692 – 1694, tổ sư Nguyễn Thiều vào Đồng Nai ẩn nấp và lập chùa Kim Cang tiếp tục hoằng hóa. Chúa Nguyễn Phúc Chu đã cử Thiền sư Hưng Liên – Quả Hoằng thuộc phái thiền Tào Động trú trì. Năm 1695, ngài Thích Đại Sán (Thạch Liêm) đã đến thăm chùa này. Trong Hải ngoại kỷ sự có viết:

“Đây là núi Tham Thai, ngôi chùa ấy tức là đạo tràng của ngài Quả Hoằng (Hưng Liên) Quốc sư ngày mai chắc sẽ qua đó chơi… Đi quanh mé núi thấy có viên mọc đứng thẳng lên, có viên chúc ngược xuống, nhưng chẳng thấy chùa ở đâu, mới trông qua thấy thô lỗ tưởng chẳng có gì kì thú vậy. Chúng tôi đi cách núi chừng nửa dặm thấy một thầy sãi đứng nhìn chăm chú, rồi chạy chui vào kẻ đá sau núi đi mất. Trước núi có một cái gò, trước gò trèo lên chừng năm bước có một ngôi chùa cổ; Sãi trông chùa đánh chuông trống, mặc áo tràng ra rước vào lễ Phật”[9].

Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần, một thương nhân người Nhật tên là Kadoya đã xây dựng chùa Tùng Bổn tại Hội An năm 1670, phỏng theo kiểu dáng ngôi chùa cùng tên ở quê hương ông, đến nay không còn dấu tích. Năm 1676, sư Minh Lượng, người từ Trung Quốc sang đã đứng ra lập chùa Láng Thọ, còn có tên là chùa Vạn Đức tại Hội An. Năm 1678, chùa Hải Tạng được xây dựng trên đảo Cù Lao Chàm. Cũng trong năm này, chùa Phổ Khánh được dựng ở xã Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc[10].

Phật giáo Quảng Nam phát triển mạnh mẽ nhất là dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725) là vị chúa rất mộ đạo Phật, ông đã cử người mang thư mời nhà sư Thạch Liêm, một danh tăng đời nhà Thanh (Trung Quốc) sang thăm Đàng Trong. Vào năm 1695, chúa đã cho xây dựng chùa Phước Lộc (ở làng Phú Lộc nay là làng Hòa Phú). Hai năm sau (1697), ở xã Phước Hòa, phủ Tam Kỳ, nhân dân trong xã đã xây dựng chùa Phước Hòa làm nơi thờ Phật.

Bước sang thế kỷ 17I, Phật giáo Quảng Nam tiếp tục phát triển, nhiều ngôi chùa mới được xây dựng, tiêu biểu nhất là chùa Tân Thái và chùa Long Sơn. Năm 1740, xã Tân Thái được thành lập (nay là phường Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Để đáp ứng nhu cầu tâm linh, năm 1741, người dân trong làng đã lập chùa Tân Thái bằng đá trái hình tròn, lợp ngói âm dương, thiết kế theo hình chữ Nhị. Xây dựng cùng thời với chùa Tân Thái là chùa Long Sơn (nay là khối phố Đà Sơn, phường Hòa Khánh, thành phố Đà Nẵng). Năm 1755, các tín đồ Phật tử đã đúc đại hồng chung nặng 450 kg cho đến nay vẫn còn đang được lưu giữ tại chùa.

Với số lượng chùa chiền được xây dựng như trên, chúng ta nhận thấy nếu so sánh với vùng Thuận Hóa hoặc cả Đàng Trong thì chùa chiền ở Quảng Nam trong các thế kỷ 17, 17I còn khá khiêm tốn. Nhưng đó là những ngôi chùa đầu tiên được xây dựng bởi người Việt và chịu ảnh hưởng của văn hóa Việt trên đất Quảng Nam. Sự hiện diện của các ngôi chùa đã phần nào đáp ứng được đời sống tâm linh của đông đảo lưu dân Việt, đồng thời nó cũng cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo tại vùng đất mới này.

2.2. Một số danh tăng và dòng thiền Phật giáo được truyền bá ở Quảng Nam dưới thời các chúa Nguyễn

Đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo tại Quảng Nam, cũng như Đàng Trong trong thế kỷ 17, 17I, đầu tiên phải kể đến các nhà sư Trung Quốc. Khi nhà Thanh lật đổ nhà Hán, cai trị Trung Quốc thì nhiều nhà sư đã di cư sang Việt Nam. Chúa Nguyễn đã không bỏ lỡ cơ hội này để thu phục họ. Hầu hết các ngôi chùa có tiếng ở Quảng Nam được xây dựng ở thời kỳ này đều có công của các nhà sư Trung Quốc. Đồng thời, các nhà sư cũng đã truyền bá vào Quảng Nam một số dòng thiền mới góp phần làm đa đạng và phát triển Phật giáo nơi đây. Trong đó, tiêu biểu như: Quốc sư Hưng Liên, Thiền sư Minh Hải, Thiền sư Minh Châu, Thiền sư Minh Lượng.

Trong những năm đầu giữa thế kỷ 17, Thiền sư Minh Châu-Hương Hải tu học và hoằng hóa tại Quảng Nam. Tổ tiên Ngài vốn người Nghệ An, theo phò chúa Tiên vào định cư tại phủ Thăng Hoa. Năm 1652, Ngài đến thọ giáo với Tổ Lục Hồ-Viên Cảnh và Đại Thâm-Viên Khoan, để rồi 3 năm sau xuất gia với pháp danh Minh Châu-Hương Hải và hiệu là Huyền Cơ-Thiện Giác. Sau đó, Ngài ra đảo Tiêm Bút La (Cù Lao Chàm ngày nay) lập thảo am tu hành. Đạo phong của Ngài đã ảnh hưởng đến mọi tầng lớp nhân dân xứ Quảng và được chúa Nguyễn mời ra Thuận Hóa hoằng pháp. Rất tiếc là một thời gian sau, vào tháng 3 năm 1682, ngài cùng với 50 đồ chúng đóng thuyền vượt biển ra Đàng Ngoài. Đây cũng là một tổn thất lớn cho Phật giáo Quảng Nam lúc bấy giờ.

Thiền sư Hưng Liên, pháp danh Quả Hoằng, là đệ tử của Thiền sư Thạch Liêm, sang Ðại Việt vào khoảng đời chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691). Trước khi Thiền sư Thạch Liêm qua Ðại Việt, ông được chúa Nguyễn Phúc Chu tôn làm Quốc sư. Ông là người đầu tiên đem tông phái Tào Ðộng vào Ðàng Trong của Ðại Việt và cũng là người có công lớn trong việc truyền bá phái Tào Động ở Quảng Nam. Quốc sư Hưng Liên là trú trì Chùa Tam Thai, ở núi Ngũ Hành Sơn, đây cũng là nơi đầu tiên ở Đàng Trong đón nhận và phát triển dòng thiền Tào Động. Trong suốt hai thế kỷ 17, 17I, phái thiền Tào Động đã hoạt động rất mạnh ở Quảng Nam, có ảnh hưởng lớn đến đời sống của tâm linh của nhân dân khắp vùng.

Thiền sư Thạch Liêm hiệu Ðại Sán Hán Ông, người Giang Tây, sinh năm 1633. Theo lời đề nghị của Quốc sư Hưng Liên, chúa Nguyễn Phúc Trăn đã hai lần mời ông sang Ðại Việt, nhưng ông chưa đi được. Mãi đến năm 1694, khi chúa Nguyễn Phúc Chu cho người sang mời ông mới quyết định ra đi. Thuyền của ông tới đảo Tiêm Bút La (đảo Cù Lao Chàm, Quảng Nam) vào ngày 27 tháng giêng năm Ất Hợi (1695). Chúa Nguyễn Phúc Chu cho thuyền đi đón, rước về định cư ở chùa Thiền Lâm, Thuận Hóa. Đóng góp tiêu biểu nhất của Thiền sư Thạch Liêm cho Phật giáo Quảng Nam là ông đã đứng ra tổ chức giới đàn tại chùa Di Ðà ở Hội An vào ngày mồng 7 tháng 7 năm 1695. Khoảng trên ba trăm người đã xin thụ giới. Giới đàn ở đây được tổ chức rất đơn giản, nhưng giới điệp được đóng kèm ấn chúa. Thiền sư Thạch Liêm cũng đã để lại nhiều đệ tử mà sau này đã có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của Phật giáo Quảng Nam.

Thiền sư Minh Hải (1670-1746, pháp danh Minh Hải, tự Đắc Trí, hiệu Pháp Bảo, nối pháp đời 34 dòng Lâm Tế truyền theo bài kệ của ngài Vạn Phong-Thời Ủy. Năm Ất Hợi (1695), ngài cùng với các ngài Minh Vật-Nhất Tri, Minh Hoằng-Tử Dung, Minh Lượng-Thành Đẳng… trong hội đồng thập sư cùng Hòa thượng Thạch Liêm theo lời thỉnh cầu của chúa Nguyễn Phúc Chu sang An Nam truyền giới. Sau khi tham dự Giới đàn truyền giới tại chùa Linh Mụ, ngài vào núi Ngũ Hành Sơn (nay là núi Non Nước, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) lập một am nhỏ ẩn tu. Sau đó, ngài vào khu phố của người Hoa kiều ở Hội An khai sơn chùa Chúc Thánh và khai sáng một dòng thiền mới là Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Từ đây, các chùa tại Quảng Nam đều do các Thiền sư dòng Chúc Thánh đảm nhiệm giáo hóa. Đến cuối thế kỷ 17I, dòng Chúc Thánh đã hình thành ba trung tâm hoằng pháp: trung tâm Hội An nằm ở phía Đông với các Tổ đình Chúc Thánh, Vạn Đức, Phước Lâm; trung tâm Ngũ Hành Sơn nằm ở phía Bắc với hai ngôi quốc tự Tam Thai và Linh Ứng; trung tâm Đại Lộc nằm ở phía Tây với Tổ đình Cổ Lâm. Cả ba trung tâm hoằng pháp của dòng Chúc Thánh tại Quảng Nam có sự liên hệ mật thiết và hỗ tương cho nhau. Trong đó, các chùa Chúc Thánh, Phước Lâm giữ vai trò trung tâm đào tạo tăng tài, phân bổ đến các chùa trong tỉnh. Không chỉ phát triển mạnh ở Quảng Nam mà tầm ảnh hưởng của dòng Chúc Thánh còn lan rộng vào các tỉnh phía Nam như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Định.

3. Kết luận

Qua một loạt chùa chiền được xây dựng cùng với sự có mặt của nhiều bậc danh tăng và các dòng thiền, tông phái mới, chúng ta đã phần nào hình dung được diện mạo của Phật giáo Quảng Nam dưới thời các chúa Nguyễn. Đó là một diện mạo đầy khởi sắc với sự đa dạng, phong phú của các ngôi chùa, của các hoạt động Phật giáo. Diện mạo đó đã đánh đấu một giai đoạn phát triển của Phật giáo Quảng Nam nói riêng và Phật giáo Đàng Trong nói chung. Góp phần làm nên sự phát triển đó phải kể đến công lao của các chúa Nguyễn. Chính chính sách ưu ái, hậu đãi của các chúa đã giúp Phật giáo Quảng Nam được phục hưng. Và bắt đầu từ đây, Phật giáo Việt Nam được khôi phục và phát triển, trở thành một bộ phận quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt trong quá khứ lẫn hiện tại hôm nay.



* Thạc sĩ, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.

[1] Li Tana (Nguyễn Nghị dịch), Xứ Đàng Trong – lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17-17I, NXB. Hà Nội, 1999, tr 194.

[2] Đại Nam thực lục tiền biên, tập 1, NXB. Giáo dục, H, 2004, tr. 36

[3] Đại Nam thực lục tiền biên, tập 1, sđd, tr. 36.

[4] Đại Nam thực lục tiền biên, tập 1, sđd, tr. 36.

[5] Nay là phường Bình Hiên, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, chùa Long Thủ nay có tên là chùa An Long

[6] Nguyên Lam Chân Tuệ Định, Lịch sử Phật giáo Đà Nẵng, NXB. Tôn giáo, H, 2008, tr. 48.

[7] Lịch sử Phật giáo Đà Nẵng, sđd, tr 35.

[8] Nay là núi Non Nước (Thủy Sơn), thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 8 km.

[9] Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế, 1963, tr 147-148.

[10] Thạch Phương, Nguyễn Đình An (chủ biên) (2010), Địa chí Quảng Nam – Đà Nẵng, NXB. Khoa học xã hội, H, 2000, tr 914.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 14
    • Số lượt truy cập : 6115106