Thông tin

DIỄN VĂN KHAI MẠC HỘI THẢO KHOA HỌC:

“CHÙA THẦY VÀ CHƯ THÁNH TỔ SƯ”

 

HT.THÍCH TRUNG HẬU
Trưởng Ban Văn hoá Trung ương
Giáo hội Phật giáo Việt Nam

 

Kính bạch Chư tôn đức,

Kính thưa Liệt quý vị!

Di sản văn hoá chỉ ra cội nguồn tinh thần dân tộc. Chùa Thầy là một trong những di sản văn hoá tâm linh quan trọng của người Việt, bởi ở đó không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hội tụ khí thiêng của trời đất, mà còn là nơi sản sinh những nhân cách Phật học xuất chúng, có thể phù nghiêng đỡ lệch cho những biến động xảy ra trong cuộc sống đương thời.

Những ai tín ngưỡng những huyền thoại hẳn không thể không nhắc đến chùa Thầy, nhắc đến các bậc Thánh tổ sư đã truyền đời nối ngọn đèn thiền soi tỏ cho nhân gian về một đời sống tinh thần thuần hậu, chất phác, bao dung, độ lượng và không kém phần lung linh huyền nhiệm. Trong ý nghĩa ấy, bằng đạo lý uống nước nhớ nguồn, chúng ta cùng nhau tìm về dưới chân núi Sài Sơn để khẳng định giá trị, vai trò của chùa Thầy, của chư Thánh tổ sư trong dòng chảy lịch sử dân tộc.

Trải qua gần 10 thế kỷ thăng trầm, có những lúc tưởng chừng như di sản chùa Thầy bị mai một, lãng quên, nhưng nhờ anh linh tiên tổ, ngôi già lam vẫn tiếp nối được nguồn mạch tâm linh dân tộc qua sự bảo vệ và tôn thờ của nhân dân lao động.

Nhằm khẳng định các giá trị vừa nêu, Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Thành hội Phật giáo Hà Nội và Tổ đình chùa Thầy đồng tổ chức Hội thảo khoa học: “Chùa Thầy và Chư Thánh tổ sư”. Hội thảo sẽ tập trung vào bốn chủ đề chính như sau:

1. Bối cảnh Phật giáo triều Lý với xứ Đoài

2. Chùa Thầy trong lịch sử và hiện tại

3. Sự nghiệp của Thánh tổ sư Từ Đạo Hạnh

4. Chư tổ và cố Hòa thượng Thích Viên Thành gắn bó với chùa Thầy

Chắc chắn không chỉ gói gọn trong những chủ đề như thế, di sản văn hoá chùa Thầy và công đức của chư vị Thánh Tổ sư tiền bối còn là nguồn cảm hứng bất tận đối với người đời sau. Sẽ có những điểm cần nhìn nhận ở sự tiếp nối và qua những góc nhìn đa chiều, với nhiều tầng lớp ngôn ngữ từ dân gian đến bác học, chúng ta sẽ có những khám phá, trải nghiệm mới. Bởi qua những gì lịch sử đã viết, những gì nền văn hoá đã khắc dấu ấn, những gì dòng chảy tâm linh đã lan toả, chúng ta vẫn tiếp tục bỏ công để tìm kiếm nhiều hơn nữa những mạch ngầm văn hoá, tâm linh đã đóng góp cho miền đồng bằng Bắc Bộ những mảng màu trù phú, yên bình, góp phần cho việc giữ hồn, giữ nếp để đời sống tinh thần ngày một thăng hoa.

Kính bạch Chư tôn đức,

Kính thưa Liệt quý vị!

Hạnh phúc đích thực luôn bắt nguồn từ tâm. Chúng ta đến với Hội thảo để nối liền tâm quá khứ với tâm hiện tại. Làm được như vậy, có lẽ cái được lớn nhất thông qua cuộc Hội thảo này là sự trải lòng với niềm tin nhân quả và cả sự tái sinh diệu kỳ nữa. Cuộc đời cần huyền thoại, cũng như kiếp sống luôn được tiếp nối không ngừng trước vô vàn sự biến của thời thế. Cuộc sống vẫn còn đó những sự khác biệt trong nhận thức, song với tương quan của lịch sử dân tộc, những tranh luận của chúng ta không nằm ngoài những kiến giải, thậm chí cả những cường điệu ở góc nhìn đa chiều. Dĩ nhiên huyền thoại và lịch sử vẫn song hành với nhau, và cuộc sống bằng cách này hay cách khác chỉ có thế là như thế, và vẫn luôn được biểu hiện ra như thế.

Đạo Phật thời Lý là đạo Phật của niềm tin thuần thiện, an vui. Nhà Lý và đạo Phật đã mang đến cho dân tộc không chỉ một thế đứng văn hoá có khả năng đối kháng văn hoá mạnh mẽ, mà còn đem đến tinh thần độc lập, tự chủ mang đậm yếu tính của tinh thần tự do, tự tại, vô ngã, vị tha của đạo Phật.

Sức sống của tín ngưỡng dân gian ngày thêm phong phú và gần gũi khi các bậc tu hành được Thánh hoá và trở nên bất tử trong tâm hồn người Việt. Sự bất tử ấy không chỉ thoả mãn những giá trị trường cửu của hình mẫu danh nhân, hào kiệt, mà còn được lý giải như niềm tự hào của một dân tộc. Chẳng phải qua các câu chuyện mang màu sắc huyền thoại, còn có những bài học đạo lý làm người sâu sắc hay sao? Bởi ngay cả trong chiến tranh, giặc ngoại xâm cũng phải nhìn lại các hành vi tàn bạo của mình. Trong một giấc mơ, ngài Từ Đạo Hạnh đã xác nhận với quân giặc rằng: “Ta đã trải từ đời Lý - Trần đến nay mà chân thân không hề nát, linh diệu pháp có phải là ngẫu nhiên đâu”. Sự xác lập đó không chỉ xét ở bề mặt tâm linh mà còn phản ánh ý chí của người Việt, rằng dù khi thân xác không còn thì anh linh vẫn hiển hiện đâu đó khắp núi sông, cây cỏ.

Nếu không có những niềm tin, có khi hồn nhiên, có khi bền chắc về nhân quả, về những nghiệp báo phải trả vay trong từng kiếp sống, thì cuộc sống tinh thần con người đã bế tắc và ngả về phía những mưu toan bất ổn. Vì thế đằng sau những câu chuyện kỳ bí, việc xác lập nhân cách thông qua hình mẫu những con người biết lo nước, thương đời, cứu khổ, độ nguy đã mang lại cho chúng ta những trải nghiệm thú vị.

Hôm nay, đứng trên mảnh đất thiêng này, dưới bóng tùng lâm, khắc sâu trong tâm khảm của hậu thế vẫn là lòng biết ơn và sự cảm phục công hạnh của chư vị Thánh tổ sư.

Vùng văn hoá Xứ Đoài đã không ngừng ấp ủ, nuôi dưỡng và sẽ còn điểm tô cho hình tượng Thánh tổ sư Từ Đạo Hạnh, Chư tổ sư, Chư Tôn đức tiền bối và thắng tích chùa Thầy những huyền thoại đẹp đầy tính nhân văn. Dân gian có câu Nhất vui là hội chùa Thầy”. Trong niềm vui chào đón một mùa hội mới nơi vùng văn hoá in đậm dấu ấn tâm linh, xin được cùng liệt quý vị hân hoan tuyên bố khai mạc Hội thảo khoa học: “Chùa Thầy và chư Thánh tổ sư”.

Kính chúc liệt quý vị một ngày thật đẹp và ý nghĩa!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6115953