Thông tin

TQ14 - ĐỌC PHÁP BẢO ĐÀN KINH - NHỮNG ĐIỀU CÒN BĂN KHOĂN

ĐỌC PHÁP BẢO ĐÀN KINH

NHỮNG ĐIỀU CÒN BĂN KHOĂN

VU GIA

Khi đọc Pháp bảo đàn kinh của Lục Tổ Huệ Năng (bản dịch của Tỳ kheo Thích Duy Lực, đăng trên website thuvienhoasen.org), tôi có chút băn khoăn, nhưng đọc đi đọc lại tôi bớt đi nỗi băn khoăn ấy mà có thể khẳng định rằng Pháp bảo đàn kinh là tác phẩm mang tính hư cấu cao.

Chương thứ nhất, phẩm Tựa, cho biết ngài Pháp Hải - đệ tử được Lục Tổ giao nhiệm vụ viết Pháp bảo đàn kinh “để lưu truyền cho đời sau” - làm sao biết “Một ngày kia, Ngũ Tổ triệu tập môn đồ bảo rằng:...”, vì cái “Một ngày kia” ấy, ngài Huệ Năng cũng không biết (nhiệm vụ của Huệ Năng lúc đó là giã gạo chứ không phải người hằng ngày học Phật) làm sao ngài Pháp Hải biết? Ngài Pháp Hải làm sao biết “Đại chúng nghe xong nói với nhau rằng:...”, và làm sao biết “Ngài Thần Tú suy nghĩ:...”? Ngài Pháp Hải làm sao biết những việc làm của ngài Thần Tú lúc đó, như “Thần Tú làm kệ xong, mấy lần muốn vào trình, nhưng khi đến trước Pháp đường thì trong tâm bấn loạn, mồ hôi ướt đẵm mình”, làm sao biết “Thần Tú suy nghĩ: Chi bằng ghi trên vách tường hành lang để Hòa thượng thấy được; nếu Tổ nói tốt thì ta ra lễ bái nói của Thần Tú làm, nếu nói là chẳng được thì uổng công ta ở núi mấy năm, lại tu đạo gì mà được nhận lễ bái của người! Nửa đêm đó không cho ai hay, tự cầm đèn viết kệ trên vách hành lang phía Nam”? Những chuyện này, ngài Huệ Năng cũng không thể biết, ngay cả Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn cũng không thể biết. Nếu nói như dân gian là Trời biết, Phật biết, và chỉ ngài Thần Tú biết, chứ ngài Pháp Hải không thể nào biết được.

Ngài Pháp Hải làm sao biết suy nghĩ của ngài Thần Tú: “Nếu chẳng trình kệ thì làm sao đắc Pháp được, thực khó! Thực khó!”? Ngài Pháp Hải làm sao biết: “Nửa đêm Tổ kêu Thần Tú vào phòng hỏi:...”, và ghi rõ những lời đối đáp giữa Tổ Hoằng Nhẫn và ngài Thần Tú? v.v...

Dẫu biết “lìa tất cả tướng tức Phật”...

Pháp bảo đàn kinh, chép: “Huệ Năng đến Tào Khê, bị bọn ác tìm theo, nên phải lánh nạn trong đám thợ săn nơi Tứ Hội, trải qua mười lăm năm, thường vì thợ săn tùy nghi thuyết pháp. Bọn họ bảo giữ lưới, mỗi khi thấy cầm thú lọt vào đều thả ra hết. Tới bữa ăn, gởi rau trong nồi thịt, có người hỏi thì trả lời: Chỉ ăn rau luộc bên cạnh thịt mà thôi”.

Huệ Năng đến chùa và “giã gạo ở đây hơn tám tháng, chưa từng đi đến nhà trước”, chưa thấy nói có một lần được học pháp, thì làm sao có thể “vì thợ săn tùy nghi thuyết pháp”? Đi theo thợ săn, “Bọn họ bảo giữ lưới, mỗi khi thấy cầm thú lọt vào đều thả ra hết”, thì họ sẽ tống cổ ra khỏi nhóm ngay, vì Huệ Năng tu chứ họ có tu đâu? Họ săn thú là để nuôi thân, nuôi gia đình mà Huệ Năng thả ra, họ không sát hại là may (vì hành động đó không khác gì lấy mất cuộc sống của họ, của gia đình họ), làm sao có thể sống cùng họ những 15 năm? Đã vậy, Huệ Năng “Tới bữa ăn, gởi rau trong nồi thịt, có người hỏi thì trả lời: Chỉ ăn rau luộc bên cạnh thịt mà thôi”. Chi tiết này, tôi thấy Huệ Năng chưa thể tu được bởi còn chấp tướng nặng quá, dẫu ngài biết “lìa tất cả tướng tức Phật”. Nhưng đó là lúc ngài chưa trở thành tăng sĩ. Khi ngài tiếp tăng độ chúng, qua Pháp bảo đàn kinh, tôi thấy ngài chưa tiến bộ bao nhiêu dù đại chúng đã tôn ngài là Phật (sau khi giảng pháp, đại chúng “đảnh lễ tán thán rằng: Lành thay, đâu ngờ xứ Lãnh Nam lại có Phật ra đời”): “Tăng Pháp Đạt, người Hồng Châu, 7 tuổi xuất gia, thường tụng Kinh Pháp Hoa, đến lễ Tổ Sư mà đầu chẳng chấm đất. Sư quở rằng: Đảnh lễ mà chẳng chấm đất bằng như chẳng lễ”, và đọc bài kệ cũng nhắc chuyện này: “Lễ bổn chiết mạn tràng/ Đầu hề bất chí địa?” (Lễ vốn trừ ngã mạn/ ÐĐầu sao chẳng chấm đất?).

Pháp đàn bảo kinh còn chép: “Sư lại hỏi: Ngươi tên gì? Đáp: Tên là Pháp Đạt. Sư nói: Ngươi tên Pháp Đạt, đâu từng đạt pháp”. Đem tên của người khác ra đùa, dù là dạy dỗ cũng không hay, vì tên là do cha mẹ người ta đặt chứ không phải tự nhiên mà có. Nếu chuyển lại: “Ngươi tên Pháp Đạt, hãy cố gắng tu hành cho đạt pháp”, tôi nghĩ hay hơn. Dân gian Việt Nam có câu: “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.


Phải chăng đệ tử chép sót?

Ở phẩm Tựa, chúng ta được biết ngài Huệ Năng “chẳng may cha lại mất sớm, mẹ là góa phụ, nhà ở Nam Lộ, nghèo khổ phải đi bán củi ngoài chợ”. Khi nghe “Ngũ Tổ thường khuyên Tăng tục trì Kinh Kim Cang thì được kiến tánh, trực liễu thành Phật”, chàng thanh niên Huệ Năng muốn lên đường cầu đạo, thì “được một người khách cho mười lượng bạc để cho mẹ già được sinh sống và bảo đi ngay đến Huỳnh Mai tham lễ Ngũ Tổ. Huệ Năng sắp xếp cho mẹ xong, liền từ giã lên đường”. Thế nhưng đọc hết cuốn Pháp bảo đàn kinh, không thấy lần nào, ngài nhắc tới mẹ, dẫu trong phẩm Nghi vấn, ngài có nói: “Báo ân là nuôi dưỡng cha mẹ”.

Người sinh ra đời, không ai là không có cha mẹ. Có hiếu với mẹ mà bất hiếu với cha hoặc ngược lại cũng không được. Kinh Tăng chi I, Phật dạy: “Có hai hạng người, này các Tỳ Kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai. Là Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ, làm vậy cho đến trăm tuổi, nếu đấm bóp, thoa nước tắm rửa, thoa gội, và dầu tại đấy có vãi tiểu tiện, đại tiện như thế, này các Tỳ Kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỳ Kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng con khôn lớn, giới thiệu con vào đời”. Phật còn dạy không nhất thiết phải tới chùa lễ Phật, cầu Phật mới được phước, mới gặp an lành. Kinh Tâm địa quán, viết: “Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế, gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật vậy”. Kinh Tạp bảo tạng, Phật nói rõ hơn: “Nếu có người muốn được vua Phạm Thiên ở trong nhà, hãy hiếu dưỡng cha mẹ, vua Phạm Thiên đã có ở trong nhà. Muốn có Đế Thích ở trong nhà, hãy hiếu dưỡng cha mẹ, Đế Thích sẵn ở trong nhà. Muốn được tất cả thiên thần ở trong nhà, chỉ cúng dường cha mẹ, tất cả thiên thần đều ở trong nhà. Cho đến muốn cúng dường Thánh Hiền và Phật, chỉ cúng dường cha mẹ, các vị Thánh Hiền và Phật đều ở trong nhà”.

Lắm lúc, tôi nghĩ phải chăng pháp môn của ngài Huệ Năng tu là phải “cắt ái lìa gia”, nhưng nghĩ lại cũng không đúng. Ngài tu Phật (và dẫu có thành Phật sống ở thế gian) thì cũng phải lấy Phật làm gương. Theo Lịch sử Đức Phật Thích ca mâu ni (website tuvienquangduc.com.au) thì khi thành chánh quả ngài độ cho cả nhà, đặc biệt “đức Phật đang trong thiền định, biết vua Tịnh Phạn bệnh rất nặng. Ngài bảo các đệ tử mau chóng trở về thành Ca-tỳ-la-vệ. Sau đó, đức Phật thuyết giảng về đạo lý vô thường, khổ, không, vô ngã... cho vua Tịnh Phạn nghe. Vua Tịnh Phạn nghe xong, an nhiên qua đời. Khi đưa linh cữu của vua đi, đức Phật cũng tham gia khiêng linh cữu. Nhân dân thấy bậc vĩ đại như đức Phật mà cũng khiêng đưa linh cữu vua cha, ai nấy đều cảm động rơi lệ, lớp lớp quỳ bên đường lễ bái”.

Nhà nghèo, mười lượng bạc làm sao mẹ già sống đủ một đời? Khi mẹ đau, mẹ chết ai lo? Dẫu vì hoàn cảnh, ngài để mặc cho chòm xóm lo, thì sau khi đã có lớp đại chúng “đảnh lễ tán thán rằng: Lành thay, đâu ngờ xứ Lãnh Nam lại có Phật ra đời”, thì cũng về quê cũ, thắp cho mẹ nén nhang chứ? Do đó, tôi nghĩ ngài Pháp Hải viết... sót chi tiết này.

Đọc Pháp bảo đàn kinh, ta thấy trong các bài giảng, ngài Huệ Năng dẫn Kinh Niết Bàn, Kinh Duy Ma Cật, Kinh Phạm Võng, Kinh Đại Niết Bàn, Kinh Pháp Hoa. Chỉ riêng Kinh Pháp Hoa là do Tăng Pháp Đạt đọc không hiểu bèn đọc lên nhờ ngài giảng, còn những kinh khác thì không thấy có chi tiết tương tự. Ngài Huệ Năng là người không biết chữ nên không thể đọc được kinh. Vì thế, tôi không biết ngài Huệ Năng học những kinh ấy với ai mà nhớ rõ như thế để đưa vào bài giảng của mình. Do đó, tôi nghĩ khi viết lại những bài
giảng pháp của ngài Huệ Năng, ngài Pháp Hải có sử dụng thêm kiến thức của mình.

Qua Pháp bảo đàn kinh, tôi thấy ngài Chí Thành – để tử nổi trội của ngài Thần Tú – cũng kém! Vâng lời thầy đến phương Nam cầu đạo, cụ thể là nghe ngài Huệ Năng giảng pháp và được thầy dặn dò phải “tận tâm ghi nhớ các điều thấy nghe, về lặp lại cho ta”. Thế nhưng sau khi nghe ngài Huệ Năng giảng pháp, “Chí Thành lễ bái, nguyện làm thị giả hầu hạ sớm chiều”. Hành xử kiểu này, người đời không nên học. Nếu tôi là ngài Huệ Năng, tôi cũng không nhận Chí Thành “làm thị giả hầu hạ sớm chiều”, bởi Chí Thành phụ thầy tổ của mình được, thì phụ ngài Huệ Năng cũng được.

Chương thứ hai, phẩm Bát nhã, ngài Huệ Năng có giảng: “Thiện tri thức, Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật là tiếng Phạn, dịch là đại trí huệ đến bờ bên kia”. Ở đây, tôi nghĩ có mấy khả năng: 1- Ngài Huệ Năng nghe ai đó giảng rồi lặp lại, vì ngài không biết chữ nên không thể có hiểu biết như vậy. 2- Khi viết chương này, ngài Pháp Hải đưa kiến thức của mình vào. Rồi nào là “Kinh Phạm Võng nói: Tự tánh vốn thanh tịnh, nếu nhận được tự tâm, thấy được bản tánh, tức thành Phật đạo. Kinh Duy Ma Cật nói: Ngay lúc đó hoát nhiên đốn ngộ, liền được bổn tâm”... Những lời giảng này, tôi không tin là của ngài Huệ Năng.

Pháp bảo đàn kinh và Tây du ký?

Đọc Pháp bảo đàn kinh, tôi thấy có mấy chi tiết mà vào cuối thế kỷ XVI, Ngô Thừa Ân viết, xuất bản Tây du ký có ảnh hưởng. Tôi tin thế. 

Nếu sau khi đọc bài kệ của Huệ Năng nhờ Biệt Giá viết lên tường, “Hôm sau Tổ lén đến nhà giã gạo, thấy Huệ Năng lưng đeo đá giã gạo, nói rằng: Người cầu đạo cần phải như thế. Lại hỏi: Gạo trắng chưa? Huệ Năng đáp: Trắng đã lâu, còn thiếu giần sàng thôi. Tổ lấy gậy gõ trên cối ba cái rồi bỏ đi. Huệ Năng hiểu ý Tổ, nên canh ba vào thất. Tổ dùng Ca sa che lại không cho người thấy, rồi thuyết Kinh Kim Cang”..., thì trong tác phẩm Tây du ký, có chi tiết Bồ Đề Lão Tổ dùng thước đánh vào đầu Ngộ Không ba cái, Ngộ Không liền ngộ được rằng Tổ sư muốn bảo mình rằng sau canh ba đi học nghệ. Và qua đó, Ngộ Không có được 72 phép thần thông.

Qua bài kệ của Thần Tú, “Huệ Năng nghe xong bèn nói: Tôi cũng có một bài kệ, xin Biệt Giá viết giùm. Biệt Giá nói: Ông cũng làm kệ à, việc này hi hữu! Huệ Năng nói với Biệt Giá rằng: Muốn học Vô Thượng Bồ Đề, chẳng nên khinh bỉ kẻ sơ học, hạ hạ nhơn hữu thượng thượng trí, thượng thượng nhơn hữu một (chìm mất) ý trí. Biệt Giá nói: Ông hãy tụng kệ đi, ta viết giùm cho. Ông nếu đắc pháp phải độ ta trước, về sau chớ quên lời này”.

Chi tiết ấy có phần giống kiếp nạn thứ 81 của thầy trò Đường Tăng (Tây du ký), nhưng kết cục không giống, bởi Pháp bảo đàn kinh không nhắc tới. Có kiếp nạn thứ 81, nguyên do là trước đây, khi bốn thầy trò Đường Tăng qua sông Thông Thiên, nhờ Lão Rùa lớn chở qua. Lúc đó, Lão Rùa có nhắn gửi là khi qua Tây Thiên, gặp Phật Tổ, nhớ hỏi dùm lão: “Tôi có một điều thắc mắc là tu đã một ngàn ba trăm năm mà chưa đặng hóa hình người, tuy là biết nói và sống lâu, song chưa thoát kiếp! Xin thầy làm ơn bạch quá Phật Tổ, coi bao giờ tôi đặng thành người”.

Khi Tam Tạng đến thỉnh kinh đã quên mất việc này, nên lúc trở về qua sông Thông Thiên, gặp lại Lão Rùa, nhờ Lão Rùa chở qua sông. Lúc giữa sông, Lão Rùa hỏi Đường Tăng có hỏi về việc của mình nhờ vả không? Đường Tăng vì quên mất nên đã lặng thinh. Lão Rùa tức giận hất cả bốn thầy trò xuống sông.

***

Nhìn chung, chất sáng tác trong Pháp đàn bảo kinh hơi bị nhiều đã làm phai nhạt tính chân thật của tác phẩm. Trong phẩm Tựa, có đoạn: “Khi Sư đến chùa Bảo Lâm, có Châu trưởng Thiều Châu tên là Vi Cứ và các quan chức vào núi thỉnh Sư ra chùa Đại Phạn ở trong thành vì tứ chúng khai duyên thuyết pháp. Sư thăng tòa, Vi Thứ Sử (châu trưởng) và các quan chức hơn ba chục người, học sĩ nhà nho hơn ba mươi người, Tăng Ni cư sĩ hơn ngàn người, đồng thời đảnh lễ xin nghe Pháp Yếu”.

Những năm cuối thế kỷ thứ VII, ở vùng Thiều Châu mà có những “học sĩ nhà nho hơn ba mươi người” là nhiều lắm lắm. Cứ cho nhân dân Trung Quốc ngày đó hiếu học nên con số ấy có thể chấp nhận, song làm gì có “Tăng Ni cư sĩ hơn ngàn người, đồng thời đảnh lễ xin nghe Pháp Yếu”? Ngày ấy, dân cư thưa thớt, cho dẫu dân đông như Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay (khoảng 10 triệu người), huy động “hơn ngàn người” đến nghe pháp không dễ.

Tôi không biết Tỳ kheo Thích Duy Lực dịch Pháp bảo đàn kinh dựa theo bản nào, bởi theo Bách khoa toàn thư mở, “Trải qua nhiều lần sửa chữa thêm thắt, xuất hiện hơn 10 bản khác nhau”. Nhưng nói thật những người “sửa chữa thêm thắt” để có bản dịch mà tôi đã trích dẫn, quá kém, bởi sáng tác không ra sáng tác, ghi chép không ra ghi chép, viết truyện ký không ra truyện ký...

Đọc qua những băn khoăn này, chắc có nhiều người không bằng lòng, và cho đó là ngôn ngữ đặc biệt của nhà Thiền, nếu nghe mà chấp thì không hiểu gì hết. Vâng, nhưng đây là suy nghĩ của riêng tôi khi đọc Pháp bảo đàn kinh. Và tôi tin không ít người khi đọc cũng nghĩ như tôi.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6126644