Thông tin

ĐỌC "TRĂNG VÀNG THUYỀN KHÔNG"

ĐỌC TRĂNG VÀNG THUYỀN KHÔNG

 SA MÔN THÍCH GIÁC TOÀN

(Nxb Tổng hợp TP.HCM 2019)

 

ĐỖ HỒNG NGỌC

 

 

Sư Giác Toàn vừa gởi tặng tôi cuốn Trăng Vàng Thuyền Không, thơ Lục bát về Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục tổ Huệ Năng để kỷ niệm “Bảy mươi năm- hạt bụi hồng/ Chí thành chí kính... tông phong Phật đà” của mình.

Tôi chẳng ngạc nhiên chút nào vì từ lâu đã thân quen với nhà thơ Trần Quê Hương, một bút danh của Sư Giác Toàn. Tôi cũng chẳng ngạc nhiên về truyền thống của hệ phái Khất sĩ Việt Nam vẫn thường sử dụng thể thơ Lục bát – một thể thơ dân gian ai cũng biết, đặc biệt phù hợp với đồng bào Nam bộ - để truyền đạo pháp xưa nay.  Lạ chăng là lạ ở chỗ Sư “thú thiệt”: khi thấm đẫm Pháp Bảo Đàn Kinh với thơ lục bát Sư đã không ngăn được sự trào dâng của cảm xúc chân thành, những ý tưởng tâm đắc, tự nội, tự thân...

Bảy mươi năm... vạn sắc không

Bảy mươi năm... hạt bụi hồng long lanh!

(Trần Quê Hương, 2018)

Bảy mươi năm, vẫn là hạt bụi hồng “vạn sắc không” đó thôi nhưng đã là hạt bụi hồng... long lanh! Chân không mà diệu hữu là vậy!

Nhận định về Pháp Bảo Đàn Kinh, Sư viết: “Lục tổ Huệ Năng đã mở đầu môt truyền thống sinh hoạt, tu tập, giảng pháp mới mẻ và sinh động (...), ở Pháp Bảo Đàn Kinh ta thấy một giáo pháp khi thì nhẹ nhàng, chân chất, khi thì hóc hiểm, kỳ khu... thâm nhập trực tiếp vào tâm người học (...)

(Trăng Vàng Thuyền Không)

“Tôi không ngăn được sự trào dâng của cảm xúc”, Sư nói như một lời sám hối rất chân thành. Không ngăn được cảm xúc? Phải, đó là điều mà Chu Hy, hơn tám trăm năm trước khi đề tựa cho tác phẩm Thi kinh tập truyện, đặt câu hỏi: Thơ, tại sao mà làm ra? Và trả lời: Ấy là vì không ngăn được cảm xúc trào dâng...

Cho nên, vừa cố gắng giữ trọn ý nghĩa của văn bản Pháp Bảo Đàn Kinh vừa “không ra sức ngăn cản cảm xúc của chính mình khi chuyển thành Lục bát” quả là không dễ dàng.

“Đá mòn nhưng dạ không mòn

Tào Khê nước chảy vẫn còn trơ trơ”.

Và quả thật, Sư Giác Toàn đã làm được.

Ý nghĩa của Pháp Bảo Đàn Kinh vẫn được tôn trọng chính xác. Từ Tự thuật đến Bát Nhã, Đinh Huệ, Đốn Tiệm... được diễn dịch đầy đủ, dễ hiểu, từng ý từng lời.

Ngồi, nằm, đi, đứng... an nhiên

“Nhất tướng tam muội” diệu huyền thanh trong

Rồi “Nhất hạnh tam muội” hiện tiền đài sen khi:

               Một tâm ngay thẳng thuyền không

               Đạo tràng bất động gia phong cảnh thiền...

Lục tổ Huệ Năng nhắc đi nhắc lại trong Pháp Bảo Đàn Kinh để người người không mất công tìm kiếm đâu xa: Tự tâm đó thôi. Phật ở đó mà chúng sanh cũng ở đó. Chúng sanh là cõi Phật của Bồ-tát mà!

Thức tự tâm chúng sanh

Kiến tự tâm Phật tánh

                                   (Pháp Bảo Đàn Kinh)

Nhà thơ Trần Quê Hương chuyển thành lục bát:

Chúng sanh tự tâm lung linh

Tức thì Phật tánh tự tình long lanh

Muốn tìm thấy Phật cao thanh

Chỉ cần tỏ rõ chúng sanh của mình

“Tỏ rõ”, ấy là Thức. “Thức tự tâm”. Chúng sanh chẳng đâu xa. Chúng sanh ngay trong “tự tâm” mình đó thôi. Chính cái tự tâm mình bày đặt, vẽ vời ra vô số vô lượng vô biên chúng sanh để tự mình phiền não, tự mình khổ đau! Nếu tự mình “chiếu kiến ngũ uẩn giai không” thì đã “độ nhứt thiết khổ ách”!

Gia trung hữu bảo hưu tầm mích (Trần Nhân Tông).

Rồi nhà thơ viết:

Chúng sanh tự tâm lung linh

Tức thì Phật tánh tự tình long lanh

Cái “tự tâm lung linh” kia bày vẻ đủ trò, chỉ cần có “tri kiến Phật” để thấy biết. Thấy biết Phật tánh ngay trong tự tâm mình, thì đã “Tức thì” (đốn ngộ) rồi đó vậy.

Từ cái “lung linh” hay sanh sự kia đã trở thành cái “long lanh” Phật tánh nọ. Tưởng dễ mà chẳng dễ chút nào. Phật Thích Ca cũng đã mất 6 năm chặng đường gian khổ để thấy Trung đạo, Duyên sanh...

Nhưng thú vị nhất là những đoạn đầy kịch tính trong Pháp Bảo Đàn Kinh đã được chuyển thành lục bát sôi động, như lúc Huệ Năng đối đáp với Ngũ tổ Hoàng Nhẫn:

Tổ rằng: Ngươi kẻ man di

Quê miền biên địa, sao bì Phật gia!

Năng rằng: Nam Bắc chánh tà

Thế gian câu nệ thiền gia đâu cần

Thân đệ tử dẫu tiện nhân

Phật tâm Phật tánh... há phân nghèo giàu

Tứ đại huyễn ảo chiêm bao

Hòa thượng, đệ tử... một màu sắc không”.

Hoàng Nhẫn giựt mình là phải.

Phật dạy: không thể coi khinh người mới học.

Rồi cảnh Thần Tú bứt rứt khi làm kệ, nhà thơ viết:

Thần Tú đi ra đi vào

Trước phòng Ngũ tổ lao xao nỗi niềm

Tự mình run sợ bâng khuâng

Toát mồ hôi lạnh âm thầm dầm tuôn

Và khi Huệ Năng nhờ người viết mấy câu kệ “Bổn lai vô nhất vật” thì:

Kệ viết xong chúng hãi hùng

Mọi người kinh ngạc tần ngần

Rồi sau đó:

Năng liễu ngộ, đắc tâm linh

Canh ba hầu tổ hữu tình chứng tri

Thầy trò truyền đạt huyền vi...

Đúng là một đoạn đầy kịch tính:

Thầy trò truyền thọ nghiêm trang

Nửa đêm tĩnh lặng ánh vàng lung linh

Rồi sau đó, Huệ Năng chạy thoát về phương Nam:

Đêm nay canh ba xuất thần

Thọ nhận y bát nhanh chân vượt ngàn.

Tiễn đưa Lục tổ lên thuyền sang sông

 Cửu giang lồng lộng tông phong...

Lúc đó, cả một đoàn người đèn đuốc sáng choang rầm rập rượt đuổi Huệ Năng. Thượng tọa Huệ Minh, xưa là một quan tướng, dẫn đầu đoàn người sắp bắt được Huệ Năng. Huệ Năng bảo: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bổn lại diện mục của thượng tọa Huệ Minh?”. Chỉ với một câu đó thôi, Huệ Minh bừng tỉnh, sụp lạy, cúi đầu.

Đừng quên trước đó đã có một câu quan trọng hơn: “Dứt bặt duyên trần, chớ sanh một niệm, không nghĩ thiện, không nghĩ ác...”.

Vô niệm từ đó.

Vô tướng từ đó.

Rồi những hoạt cảnh sinh động khác qua vần thơ lục bát, lúc Huệ Năng gặp Pháp Hải, Pháp Đạt, Trí Thông, Trí Thường...

Và đặc biệt, lúc gặp Vĩnh Gia Huyền Giác:

Tổ chứng: Ngươi đã nhập tông

Một đêm tương hội bên dòng thiền quang

“Một đêm giác ngộ” hương vàng

“Bài ca chứng đạo” huy hoàng nhân gian

Vừa trách Pháp Đạt đã không kính lễ đúng mực, đến lúc gặp Huyền Giác, mọi sự đã khác.

               “Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân

               Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân

               Vô minh thực tánh tức Phật tánh

               Ảo hóa không thân tức pháp thân”...

                         (Chúng đạo ca. Vĩnh Gia Huyền Giác)

 

Đọc Trăng Vàng Thuyền Không, diễn dịch Pháp Bảo Đàn Kinh bằng thơ Lục bát của Sa môn Thích Giác Toàn, cũng là nhà thơ Trần Quê Hương hôm nay, vừa giữ được nguyên tinh thần bản kinh, vừa bay bổng với những câu thơ Lục bát truyền thống đầy thăng hoa, ta không khỏi khâm phục, cảm mến một nhà sư thi sĩ đã có công đem đạo vào đời như thế.

Cảm ơn Sư Giác Toàn, cảm ơn nhà thơ Trần Quê Hương.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 16
    • Số lượt truy cập : 6058733