Thông tin

DỌN ĐƯỜNG TRỞ VỀ

 

NGUYỄN BÁ HOÀN

 

 

Khi chúng ta đã có sự thấy biết rõ về con người, cụ thể là thấy biết rõ về những nhu cầu trong đời sống con người, thì việc dọn đường mở lối trở về sẽ trở nên thuận lợi. Như chúng ta đã biết, mục tiêu mà mọi hành giả Phật môn hướng đến chính là diệt trừ vô minh tham ái, mà dục vọng tham ái lại là những nhu cầu rất tự nhiên từ bản năng tồn tại, bản năng thụ hưởng, bàn năng duy trì nòi giống nơi con người đòi hỏi, sự hiểu biết này rất quan trọng, vì nó sẽ giúp chúng ta chủ động trong đời sống sinh hoạt và làm chủ các pháp trên bước đường tu.

I. Hiểu về con người

Trong các nội dung trước, chúng ta khi nói về “Thân thể” thì đó thuộc về Sắc pháp, nhưng ở đây khi nói về con người, tức bao gồm “Thân” và “Tâm”. Như chúng ta đã biết, con người là một sự kết hợp chặt chẽ của hai hệ thống “Thân” và “Tâm”. Song, dù là hữu hình hay vô hình thì cả hai cũng đều thuộc về tướng (trong đó “tâm” thuộc “tướng vô tướng”), nên cả hai đều là tổ hợp vô thường sanh diệt. Nếu tách rời “Tâm” ra, thì “Thân” cũng chỉ là một vật thể vô hồn, cũng chỉ là một khối thịt vô tri như bao nhiêu dạng vật chất khác.

Khi “Thân” dính chặt với “Tâm”, thì mọi sinh hoạt, hoàn cảnh, tâm tư, gia đình, xã hội, ngay cả tình trạng khí hậu, thời tiết, cũng đều chi phối cả hệ thống thân tâm này. Chẳng hạn, khi tâm buồn bực sẽ sanh đau bệnh, khi đau bệnh thì tâm sanh buồn bực, hay trời nắng nóng quá sẽ khiến cho thân tâm ta khó chịu… Nghiêm túc mà nói, thì phần xác thân chưa hẳn là thủ phạm chánh gây ra sự cố cho con người, mà nó chỉ là một công cụ để cho vọng tâm có chỗ đam mê bám chặt rồi biến cái thân này thành một kho chất chứa khổ đau và tội lỗi.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng vì cái thân này mà ta cứ mãi gây nên đau khổ rồi quy kết tội lỗi cho cái thân. Đây là nhận định chủ quan và phiến diện, cho nên người xưa nói: “Không biết bổn tâm, thì học đạo sẽ trở nên vô ích”.

Thế nhưng, nếu nói “Thân” chưa hẳn là cội nguồn tội lỗi, vậy yếu tố nào gây nên hệ lụy cuộc đời? Nếu không phải là “Thân”, thì đương nhiên phải là “Tâm”, vậy “Tâm” là gì, nó ở đâu?

Để gián tiếp trả lời vấn đề nan giải này, chúng ta hãy chọn lúc đêm trường canh vắng, ngồi yên tĩnh một mình và nhắm mắt lại, đừng nghĩ đến bất cứ điều gì. Lặng lẽ ngồi như vậy giây lâu, thì ngay sau đó, chúng ta sẽ thấy con người của ta không phải chỉ là một khối thịt hoàn toàn im lặng mà là cả một xã hội ngầm, một thế giới ngầm, nhưng nó vọng động hỗn mang bất tận. Khi đó, trong ta là cả một cái chợ đời ngỗn ngang trăm thứ lao xao di động, và đó chính là tâm của chúng ta. Tâm này, mang trên mình nó với vô số danh xưng, nào là Nghiệp thức, Tập nghiệp, Tâm nhóm chứa, nào là Tâm cuồng loạn, Tâm vọng, Tâm sanh diệt…

Vọng tâm nó bao gồm cả Sắc pháp và Tâm pháp trải qua bao cuộc xúc chạm tương giao, tạo tác tích lũy từ vô lượng kiếp đến nay. Rồi cứ thế, nó theo đà mê muội nhóm chứa thành một kho tàng cất chứa vĩ đại mà trong đó chỉ là bóng dáng của tất cả những sự việc đã qua, kết thành một khối vô minh vọng động hành hoạt không ngừng nghỉ. Khi náo nhiệt, nó tựa sóng dâng biển động. Khi tạm yên, nó tựa mặt nước hồ thu. Do đó, nếu nói về “Tâm”, thì cũng dễ thấy, dễ biết. Nhưng nếu nói khó thấy, khó biết, thì cũng thật là khó thấy, khó biết tường tận cái cội nguồn khởi sinh ra nó.

Trên hành trình tu tập, nếu chúng ta muốn khống chế vọng tâm một cách dễ dàng, hầu chủ động hoàn toàn cuộc sống cho ứng hợp với trật tự thiên nhiên, tạo điều kiện tốt nhất để cắt đứt sức hấp dẫn của luân hồi sanh tử, vượt khỏi khổ đau, không còn bị lệ thuộc vào bất cứ một thành kiến nào, thì trước hết chúng ta cần phải biết cách làm hạ nhiệt những điều kiện vốn góp phần khiến cho nó phan duyên diêu động.

II. Bớt ham muốn và biết đủ

Chúng ta cần lưu ý, những nhu cầu từ bản năng tồn tại và bản năng duy trì nòi giống có mối quan hệ qua lại với nhau rất mật thiết. Chính vì vậy, để hạn chế năng lực của dục vọng tham ái, thì chúng ta thường phải bắt đầu từ việc giảm thiểu tối đa những nhu cầu trong đời sống, nói nôm na là thực hiện một đời sống “thiểu dục tri túc”, tức là bớt ham muốn và sống biết đủ.

Về điều này, trong kinh Di Giáo, Đức Phật dạy: “Các thầy Tỷ kheo, phải biết kẻ ham muốn nhiều nên khổ não cũng nhiều; còn ít ham muốn thì không cầu hồ, không dục vọng, nên không có cái họa đó… Thực hành đức tính ít ham muốn, thì lòng bình thản, không lo sợ, gặp cảnh ngộ nào cũng thấy thừa thải, không bao giờ có cảm giác thiếu thốn, có ít ham muốn là có Niết bàn” và “các thầy Tỷ kheo muốn giải thoát khổ não, thì các thầy hãy cứu xét sự biết vừa đủ, chính sự biết vừa đủ là giàu sang, vui thú và yên ổn…; không biết vừa đủ, thì luôn bị năm thứ dục lạc lôi kéo”…

Nhu cầu từ bản năng tồn tại thì rất nhiều, nhưng cũng chỉ có ba điều căn bản là ăn, mặc và ngủ. Ba điều này, Đức Phật dạy chúng ta phải “tam thường bất túc”, nếu giản lược nữa thì chỉ còn hai điều đáng quan tâm, đó là “ăn” và “ngủ”.

Về việc ngủ, trong kinh Di Giáo, Đức Phật dạy: “Các thầy Tỷ kheo, ban ngày thì nỗ lực thực tập thiện pháp, không để thì giờ lướt mất, đầu đêm cuối đêm cũng đừng phế bỏ, giữa đêm lại phải tụng niệm để tự tiêu trừ điều ác, sinh trưởng điều thiện; đừng vì lý do ngủ nghỉ mà để đời mình trôi đi, không được một chút ích lợi; hãy nhớ ngọn lửa vô thường đốt cháy thế gian, để sớm cầu tự độ, đừng ham ngủ nghỉ”.

Về việc ăn, trong kinh Di Giáo, Đức Phật dạy ngắn gọn: “Các thầy Tỷ kheo, thọ dụng đồ ăn thức uống, hãy coi như việc uống thuốc, ngon không ham, dở không bỏ, vừa đủ duy trì cơ thể cho khỏi đói khát”…

Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật dạy rất cụ thể nhu cầu quan trọng này như sau: “Thiện nam tử! Ông không nên hiểu giống như bọn ngoại đạo Ni Kiền, Như Lai chế định mỗi một giới cấm đều có dụng ý riêng, vì có dụng ý riêng, nên ta cho phép ăn ba thứ tịnh nhục, vì có dụng ý riêng, nên ta cấm dùng mười loại thịt bất tịnh, vì có dụng ý riêng, nên nay ta cấm hẳn việc đệ tử ta ăn tất cả các loại thịt, kể cả thịt của những con thú tự nhiên chết, không bị giết hại… Ca Diếp! Kể từ hôm nay, ta cấm tất cả các đệ tử không được ăn bất cứ loại thịt nào cả; những người ăn thịt, trong khi đi, đứng, ngồi nằm đều xông ra hơi thịt, tất cả chúng sanh nghe hơi ấy, đều lấy làm sợ sệt, bởi vậy Bồ tát không có thói quen ăn thịt”1.

Sự thật khi thân thể sung mãn, ắt dễ khiến tâm phát dục. Ngược lại, sự ăn uống đạm bạc tinh sạch, sẽ là tác nhân quan trọng để thân tâm nhẹ nhàng, trong sáng. Do vậy, Đức Phật khuyên hành giả đối với ba thứ ăn uống, may mặc và ngủ nghỉ không nên đầy đủ, bởi sự tiện nghi thoải mái cùng sự hưởng thụ đều là nguyên nhân làm cho thân tâm phóng túng, giải đãi, thậm chí có nguy cơ dẫn đến trụy lạc. Nếu hành giả biết tiết độ trong ăn uống, ngủ nghỉ chừng mực, sẽ thuận lợi trong việc chế ngự các pháp bất thiện. Tóm lại, về việc ăn uống, Đức Phật dạy hành giả chỉ thọ dụng vừa đủ để duy trì cơ thể cho khỏi đói khát.

Chúng ta cũng nên lưu ý, việc chúng ta ăn chay, giữ giới, hành thiện, ly dục, ly ác pháp, tất cả thảy đều là pháp thiện lành. Nhưng điều cực kỳ quan trọng, đó là chúng ta phải luôn thấy biết rõ như thật từng việc chúng ta đang làm chỉ là nhất thời tùy duyên hành sự nhằm tịnh hóa ba nghiệp. Sự thấy biết rõ như thật trước mọi diễn biến đó mới chính là ta, còn các pháp chúng ta tạo tác cùng với những gì đang diễn ra trước mắt chỉ là các pháp vô thường sanh diệt.

Do thấy biết rõ những thọ cảm đang diễn ra, cùng với những việc mà mình đang làm, và kết quả của những việc mình làm, tất cả chúng đều không phải là mình, mà chỉ là thành quả của sự tạo tác đó mà thôi. Những thành quả thiện lành hay bất thiện, thì cũng đều là hư ảo huyễn hoặc, đều vô thường, đều không có chủ thể, đều theo duyên lự trùng trùng mà thành, chúng cũng sẽ là nhân tiếp theo sinh ra những quả khổ tiếp theo.

Chính nhờ sự thấy biết rõ như thật này đã chỉ ra cho chúng ta một điều rất quan trọng, đó là những việc làm của chúng ta đều cho ra những kết quả huyễ̉n hoặc hư ảo, thì hà cớ gì chúng ta cứ mãi mê tạo tác. Điều này, trong kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, Đức Phật dạy: “Chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề sanh tâm động niệm không chi là không phải tội”, hay kinh Kim Cang, Đức Phật dạy: “Phật pháp còn xả, hà huống phi pháp”.

Khi nhận ra lẽ thật này cũng đồng với nghĩa chúng ta đã biết cách trở về ngay trong đời sống thực tế này. Vấn đề nằm ở chỗ, sự thấy biết rõ các pháp như thật đó chính là sự thấy biết nguyên thủy chưa từng bị ảnh hưởng chi phối bởi tâm ý thức vọng tưởng, phân biệt. Trong sự rõ biết sáng suốt đó, chúng ta sẽ tùy duyên hành sự vì lợi ích tha nhân một cách thong dong vô ngã chứ không phải là tạo tác vì bất cứ mục đích mong muốn được thành tựu thứ gì cả.

Ở đây, chúng tôi xin nhấn mạnh, tất cả những tác nhân thiện lành của chúng ta cũng chỉ là nhất thời tạo duyên nhằm tịnh hóa tam nghiệp. Nếu như chúng ta không thấu hiểu đạo lý “Phật pháp còn xả, hà huống phi pháp”, thì tất cả thiện nghiệp mà chúng ta thừa hành đó thảy đều xây dựng trên bản ngã, đồng thời vô tình sẽ làm kiên cố thêm bản ngã vốn đã khó buông bỏ.

Nói cách khác, nếu tất cả thiện pháp từ bản ngã mà hình thành, dù với mục đích gì và mang lại kết quả gì đi chăng nữa, thì cũng sẽ làm kiên cố thêm bản ngã, nên không thể nào giúp hành giả giải thoát. Ngược lại, đối với người thấu suốt lý tánh, việc thực hành các thiện pháp đó sẽ là những thiện pháp thù thắng để tiêu trừ tập khí và trang nghiêm quốc độ. Bởi, tự thân người kiến tánh lúc này là vô ngã, không còn vọng động trước tưởng hay dính mắc mê lầm trước vạn pháp.

III. Tập thói quen nhìn gần

Hướng ngoại là sở trường của muôn loài, trong đó có chúng ta. Đương khi hướng ngoại, thì chúng ta hoàn toàn không biết tình trạng hiện thời chúng ta diễn biến như thế nào. Như vậy, thì cội nguồn cố hương của chúng ta mỗi ngày càng xa tít mù khơi. Một khi đã như vậy, thì đường về cố hương cũng theo đó trở nên bế tắt. Cứ như vậy, chúng ta sẽ mãi mãi trôi lăn trong dòng chảy sanh diệt vô cùng tận. Đây chính là lý do mà chúng ta cần phải quay về. Thế nhưng, cơ sở để chúng ta có thể bắt đầu cho sự quay về này như thế nào? Chúng tôi cho rằng, việc làm đầu tiên cho một lối sống mới này chính là chúng ta phải tập nhìn gần. Chúng ta phải tập lối sống mới này, sao cho nó trở thành một thói quen và trở thành một thuộc tính trong mỗi chúng ta.

Thiết nghĩ, việc tập nhìn gần là cách sống mà mỗi chúng ta đều có thể áp dụng được. Một khi chúng ta thuần thục trong cách sống mới này và nó trở thành thuộc tính trong ta rồi, thì tự nhiên kết quả ban đầu này nó sẽ mở ra những điều mới mẽ tích cực khác, để qua đó chúng ta sẽ được tiếp cận những nội hàm quan trọng và thiết yếu khác trên bước đường phản bổn hoàn nguyên.

Thật vậy, con người từ khi sinh ra là đã nhìn ra thế giới bên ngoài. Cứ thế, suốt một đời nhìn, nghe, nghĩ, tưởng; có thể nói sở trường của con người là hướng ngoại. Hướng ngoại cho đến khi mệt nhoài không còn sức để tạo tác, thì người ta mới tạm thời tĩnh lặng.

Nói rằng sở trường của con người là hướng ngoại cũng không ngoa lắm, bởi, cứ mỗi sớm mai khi vừa mới thức dậy người ta đã phóng tầm nhìn ra cảnh vật bên ngoài. Thói quen nhìn không giới hạn vào không gian đã khiến cho tâm thức phân ly, dễ bị tán loạn, tạo điều kiện cho tâm phan duyên phát triển khó mà kiểm soát. Do vậy, mà tâm khó trụ một chô,̃ nên hoàn toàn không có sự định tâm nào cả.

Vì vậy, để dễ dàng nhiếp tâm an định, thì ngay bây giờ chúng ta cần tập thói quen thu ngắn khoảng cách tầm nhìn ra thế giới bên ngoài. Chẳng hạn, thường ngày chúng ta cứ phóng tầm nhìn ra xung quanh một cách thoải mái, thì nay chúng ta tập nhìn gần lại sao cho từ ánh mắt của chúng ta đến khoảng không trước mắt độ chừng vài ba mét trở lại. Sự thể này cũng giống như khi tọa thiền chúng ta thường thu ngắn tầm nhìn tối đa và để tâm trên chóp mũi.

Chúng ta hãy tập cách nhìn gần, hãy tập cách thu ngắn tầm nhìn này lại, như một nếp sống mới thay đổi dần thói quen nhìn ngó mông lung vô định của lối sống thường ngày. Điều này, sẽ giúp chúng ta dễ dàng kiểm soát được tâm phan duyên và vọng tưởng. Với cách nhìn này, sẽ giúp chúng ta trở nên khiêm tốn, hòa ái với người và gần gũi với chính mình hơn, nhất là sẽ giúp chúng ta hạn chế tối đa những thị phi vốn không cần thiết trong đời sống.

Ở đây, chúng ta cần lưu ý là cách nhìn này không phải là một pháp tu, mà đây chỉ là một cách sống thông minh, mang tính khoa học và thực tế nhằm dọn đường chuẩn bị cho hành trình trở về của mỗi chúng ta…

Trong suốt quá trình sống, những lúc chúng ta phạm phải một lỗi lầm nào đó, khiến sanh tâm ân hận, hối tiếc, thì chúng ta mới đổi hướng nhìn vào bên trong để tự răn lòng khắc kỷ với bản thân. Cũng trong quá trình sống, đang khi còn trai trẻ sung sức, thì chúng ta rất năng nỗ hướng ngoại, đến khi già yếu bệnh tật, thì chúng ta mới mệt mỏi hướng vào tâm suy xét chiêm nghiệm.

Trên tinh thần trở về tự tánh, chúng ta cần lưu ý là, dù năng nỗ nhìn ra, hay mệt mỏi hướng vào, thì cũng đều là hướng ngoại. Bởi, một khi chúng ta “hướng ra hay hướng vào chỗ nào đó”, thì đều là đối tượng của tâm hướng đến, tức ngoài tâm rồi. Một khi chúng ta hiểu về “Tâm”, hiểu về “Niệm” và “Động niệm” mà chúng tôi sẽ trình bày trong các chương kế tiếp, thì chúng ta sẽ dễ dàng cảm nhận điều này. Và, nếu chúng ta hướng vào với tư thế khỏe mạnh, chúng ta sẽ có một sự sống nội tĩnh tràn đầy năng lượng rất có ý nghĩa. Sống trong trạng thái nội tĩnh, thì con người dễ dàng lấy lại quân bình, lập lại trật tự thăng bằng, khiến cho cơ thể phục hồi chức năng. Tất nhiên, tinh thần từ đó sẽ sáng suốt hơn.

Như trên đã nói, một khi chúng ta hướng vào đâu đó, dù là hướng vào trong hay hướng ra ngoài, thì lẽ tất nhiên là cũng đều phải có chỗ để hướng đến. Một khi đã có chỗ để hướng đến, thì cũng đều là hướng ngoại. Chính vì vậy, mà việc chúng ta thực tập thói quen nhìn gần chỉ là bước đầu của sự ngưng nghỉ dòng tâm thức, chứ không phải là để chúng ta nhìn vào đâu đó. Tuy nhiên, do sở trường, hay nói cách khác là do tập quán hướng ngoại của chúng ta vốn đã thâm căn cố đế, cho nên bước đầu để thuận lợi cho việc kiểm soát tâm phan duyên nhằm thúc liễm thân tâm, thì chúng ta không thể không hướng tầm nhìn vào sự hiện hành của tâm thức.

Nhưng điều đặc biệt quan trọng là khi hướng vào trong rồi, thì chúng ta còn phải nhìn vào đâu, nhìn như thế nào, để thấy cho rõ bộ mặt thật của cái tâm điên đảo trong ta. Nó đã sai khiến chúng ta, cuốn hút chúng ta trôi lăn trong luân hồi đau khổ, thì đây mới là vấn đề quan trọng, nhằm minh họa cho việc hướng vào để nhìn cho rõ cái vọng tâm điên đảo đó. Nhân đây, chúng tôi xin nêu ra một vài ví dụ, để qua đó mỗi người trong chúng ta có thể rút ra một cách nhìn đúng đắn.

Ví như những tia sáng mặt trời chỉ có thể soi sáng vạn vật, nhưng nếu bắt nó quay lại để tự rọi vào bản thân nó, thì cũng chẳng thể nào làm được, hay như ánh đèn pin chỉ có thể chiếu rọi và làm sáng góc phòng. Những tia sáng của cái đèn pin đó, thật không thể nào quẹo lại để soi sáng khắp bản thân nó. Từ những ví dụ này, chúng ta có thể đưa ra một nhận xét, chúng ta chỉ có thể thấy được những cái bên ngoài, tức ngoài tâm, chứ chúng ta chẳng thể đem “Tâm” tìm “Tâm” mà mong cầu thấy được “Tâm”. Vì sao vậy? Vì “Thấy” đó chính là diệu dụng của “Tâm” đó.

Quay lại vấn đề, chúng ta thường nghe nói về niệm niệm sanh diệt, cũng thường nghe nói về cái tâm điên đảo vọng tưởng, chứ chẳng mấy ai trong chúng ta thấy được cái tâm điên đảo vọng tưởng đó. Chúng ta cũng cần lưu ý là, tất cả những “thấy, nghe, hay, biết” (kiến, văn, giác, tri) của chúng ta thảy đều là hoạt dụng sống động của nguồn tâm. Bởi, thấy, nghe, hay, biết, đó chính là ánh sáng chiếu dụng phát xuất từ nguồn tâm. Do vậy, chẳng thể nào đem “thấy, nghe, hay, biết” mà quay lại để nhìn vào Tâm, để mà “thấy, nghe, hay, biết” Tâm được. Chính vì vậy mà chư Tổ dạy: “Trong chẳng trụ căn bản, ngoài chẳng dính sắc trần” hay “Linh quang độc chiểu thoát hẳn căn trần”.

Tuy nhiên, đối với người học đạo thời nay, do căn khí chậm lụt không bằng người xưa, cũng do tập khí gông cùm kiết sử nhiều đời, nên dù cho chưa kiến tánh hay đã kiến tánh đi chăng nữa, thì hành giả lúc này cần phải tu định để tiêu trừ tập khí và gông cùm kiết sử. Chúng ta cũng nên lưu ý, hành giả khi đã kiến tánh rồi, không có nghĩa là sống phóng túng tùy tiện, bất chấp khuôn phép. Nếu sống như vậy, tức là sự ngộ nhận lầm chấp từ tâm ý thức. Đối với hành giả đã kiến tánh, thì sự tu định trong giai đoạn này rất quan trọng và nó hoàn toàn khác hẳn với sự tu định còn dính chấp khi chưa kiến tánh.

IV. Thực hiện việc buông bỏ

Cuộc đời là bể khổ. Mạng sống lại vô thường. Mỗi chúng ta đều đang phải đối mặt với đời sống vô thường. Chúng ta đang trong tình trạng từng giây, từng phút thản nhiên sải những bước chân đến huyệt mồ của chính mình. Trong khi đó, quỹ thời gian và sức khỏe của chúng ta ngày càng thu ngắn và hao hụt. Đây là một thực tế. Thực tế này, cứ tiếp diễn và là nguyên nhân khiến chúng ta hoàn toàn mất phương hướng, dù chúng ta rất muốn trở về nguồn cội.

Nền tảng và cũng là cơ sở lý luận để chúng ta thực hành sự buông bỏ, đó chính là “Tam Pháp Ấn”, tức là tính chất khổ, vô thường và vô ngã của vạn pháp. Trong đời sống sinh hoạt và tu hành, nếu chúng ta luôn có chánh niệm về Tam Pháp Ấn, đó là chánh niệm về sự khổ, về đời sống vô thường và về tính vô ngã của vạn pháp, thì sự buông bỏ của chúng ta trở nên thiết thực hơn bao giờ hết.

Tam Pháp Ấn mang tính pháp định trong hệ thống giáo lý của Phật giáo. Điều này, Đức Phật dạy, đại ý: “Cái gì được thấy, được nghe, được nghĩ đến, được biết, được tìm cầu, được ý tư duy, cái ấy là vô thường. Vì nó là vô thường nên là khổ, và cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại. Nếu chấp thủ cái ấy, thì có thể khởi lên suy nghĩ, cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi. Thật ra, khởi lên sự suy nghĩ và chấp thủ này là mê lầm, vì nó vốn vô ngã”2. Như vậy, vô thường, khổ và vô ngã là ba dấu ấn đã được Đức Phật xác định và khẳng định tính chất huyễn hoặc, bất an, biến hoại, đổi thay không ngừng của vạn pháp.

Thật ra, cái gọi là “con người” vốn chỉ là sự cấu hợp của hai thành phần “Danh” và “Sắc”, tức phần tinh thần bao gồm các trạng thái tâm lý và phần vật chất là thân thể sinh vật lý. Hai thành phần này luôn ở trong trạng thái biến đổi, như trong kinh, Đức Phật dạy: “Nó giống như giọt sương buổi sáng tan đi khi mặt trời vừa mọc; nó giống như bọt nước, như một dòng thác cuốn trôi đi tất cả những gì nó gặp và trôi chảy mãi không ngừng; nó giống như một con vật tại lò sát sanh, lúc nào cũng đương đầu với cái chết”3. Cho nên, mọi hoạt động vận hành tâm lý của con người như cảm giác, tri giác, tình cảm, tư duy luôn tồn tại trong khoảng thời gian rất ngắn ngủi. Các biến chuyển trạng thái tâm lý theo thời gian được chia làm hai loại: Một là thường biến tâm lý và đột biến tâm lý. Thường biến tâm lý là sự thay đổi các trạng thái tâm lý theo những phản xạ chức năng của ý thức và tập quán nghiệp. Ví như vui thì cười, nhưng sau đó buồn thì khóc lóc, ưu sầu. Thành đạt thì vui mừng. Thất bại thì đau khổ. Hai là đột biến tâm lý. Đó là sự biến đổi tâm trạng đột ngột trong khoảng thời gian rất ngắn, tầng dao động tâm diễn ra rất nhanh. Ví như trạng thái tâm dao động, tán loạn trong khi gặp các sự cố nguy hiểm như nhà cháy, người thân qua đời; dù là thường biến hay đột biến cũng đều phản ánh tính vô thường trong đời sống con người.

Khi chánh niệm về khổ, chúng ta cần ý thức sự đau khổ trong thế giới hữu tình chứa đựng nhiều bất hạnh. Nó luôn mang lại cho chúng ta cảm giác bất an, như Đức Phật đã diễn tả sự khổ đau trong một đoạn kinh: “Toàn thể thế giới bốc cháy, toàn thể vũ trụ đắm chìm trong khói lửa, toàn thể vũ trụ làm mồi cho lửa, toàn thể vũ trụ run lập cập”4.

Cùng với chánh niệm về khổ và vô thường, thì chánh niệm về vô ngã chính là mấu chốt của sự buông bỏ, hướng đến sự giải thoát trên tiến trình tu hành giác ngộ giải thoát. Tính chất quan trọng của vô ngã được Đức Phật dạy trong bài pháp Vô Ngã Tướng (Anattalakkhana Sutta), trong đó, Đức Phật dạy tính vô ngã trong thân Ngũ uẩn như sau: “Này các thầy, Sắc (thể chất, thân thể vật lý) này là vô ngã. Này các thầy, nếu trong Sắc có ngã như vậy, sắc không phải chịu đau khổ và ta có thể ra lệnh “Sắc phải như thế này hay phải như thế kia”. Nhưng vì Sắc không có ngã (vô ngã), nên Sắc này còn phải chịu khổ đau và không thể có trường hợp “Sắc này phải như thế này hay sắc phải như thế kia…”5.

Khi chánh niệm về vô ngã sẽ giúp chúng ta nhận thức các uẩn còn lại như Thọ (cảm giác), Tưởng (tri giác), Hành (các trạng thái tâm lý), Thức (nhận thức). Cũng tương tự, Ngũ uẩn này chúng tạo thành một ý niệm giả tạo về một cái “Ngã”, rồi sanh tâm tham đắm, bảo thủ và chấp chặt vào những gì thuộc về Ngũ uẩn (Ngã sở). Sự sinh thành và hoại diệt trong hình thể và ngay trong bản chất của Ngũ uẩn là kết quả của các điều kiện nhân duyên và quá trình sanh lão bệnh tử, hay hình thành, tồn tại, biến dạng rồi hoại diệt luôn là chân lý cho vạn hữu. Có thể nói những nhận thức đúng đắn này, sẽ là cơ sở lý luận và cũng chính là động lực mạnh mẽ giúp chúng ta tự tin thực hành việc buông bỏ.

Trên tiến trình tu học Phật pháp, mong muốn lớn nhất của người tu hành là làm sao thọ dụng nguồn an lạc một cách vĩnh cửu chứ không phải nhất thời. Mọi phương pháp hành trì trong đạo Phật đều có định hướng đưa người tu tập vượt thoát vô minh, tham ái. Một khi thái độ sống của chúng ta bị nhuốm màu chấp thủ, thì khi đó khổ đau sẽ có mặt. Chính vì vậy mà việc thực hành sự buông bỏ đối với hành giả trên bước đường trở về càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Như chúng ta đã biết, chánh pháp được truyền thừa với ba mục đích: Thứ nhất là giúp người bị mê mờ bởi cái “không” và cái “có”. Từ đó, sáng suốt nhận ra bản chất của cái “có” và cái “không” này, qua đó để có sự hiểu biết đúng đắn. Thứ hai là, khi hiểu biết đúng đắn sẽ dứt trừ hai trọng chướng… Thứ ba là nhờ dứt hai trọng chướng, tức là dứt bỏ ngã chấp và pháp chấp, thì sẽ thành tựu đạo quả…

Cho nên, một khi nói về cốt lõi của sự buông bỏ, thì “cái tôi”, tức “bản ngã” là cái mà chúng ta dứt khoát phải buông bỏ nó. Bởi vì chính “cái tôi” này đã sản sinh ra vô số quan điểm, tư tưởng, lý thuyết, khiến cho chúng ta luôn bị lôi cuốn và bị buộc ràng trong sự chấp thủ vào thế giới nhị biên đối đãi. Sự chấp thủ vào hai đối tượng này được gọi là ngã chấp và pháp chấp. Ngã chấp là chấp chặt vào mọi suy nghĩ ý niệm của mình. Pháp chấp là sự bảo thủ quan niệm của mình đối với vạn pháp. Nói chung là chúng ta thường cho rằng chúng ta luôn đúng trong mọi trường hợp theo ý niệm chủ quan của chúng ta. Đây là những điều tối kỵ cho việc thuần tịnh tâm tánh chúng ta, cho nên đây cũng là đối tượng để chúng ta buông bỏ nó.

Trong kinh Lương Hoàng Sám, Đức Phật chỉ rõ đời sống vô thường: “Đời là vô thường, thân không sống lâu, trẻ mạnh rồi phải già yếu; chớ ỷ hình dung tốt đẹp mà không giữ gìn tịnh hạnh; vạn vật cũng vô thường thảy đều sanh diệt, trên trời dưới đất không có việc gì là tồn tại mãi mãi. Lúc còn trẻ, nhan sắc tốt đẹp, da thịt mịn màng thơm tho trong sạch, nhưng thân này cũng vô thường. Người sống có hợp có tan, sanh già bệnh chết không hẹn mà đến, ai sẽ trừ khử khổ ấy cho ta, tai họa thình lình đưa đến biết đâu mà tránh, không thể thoát được, sang hèn, giàu nghèo, thảy đều nhân vậy mà chết, chết rồi thân thể sình thối không thể chịu nổi, vậy luyến tiếc thân này nào có ích gì, nếu không lo tu nghiệp lành thù thắng, thì do đâu mà thoát ly sanh tử”6. Và: “Tội phước trong ba cõi, nhân quả sinh nhau ở ngay tại tâm, không rời đương niệm, nhân quả ảnh hưởng lẫn nhau, không ngoài thiện ác; không thể sai lầm...; vả lại, thế gian huyễn hóa, rốt cuộc tất cả đều tiêu ma, có rồi hoàn không, lên cao rồi phải xuống thấp; có sum hợp phải có chia ly; có sanh quyết có tử; cha mẹ vợ chồng con cái, anh em quyến thuộc, thương yêu đến tận cốt tủy, đến giờ phút lâm chung, không ai có thể chết thế cho ai…; quyền cao chức trọng, vinh hoa phú quý, tiền tài bảo vật cũng không thể kéo dài đời sống, cũng không thể dùng lời lẽ, ăn uống cầu chúc để mong thoát khỏi tử thần...”7.

Từ đoạn kinh văn này, Đức Phật nhấn mạnh thực tế kiếp sống con người vốn ngắn ngủi vô thường, qua đó giúp chúng ta có một cái nhìn chuẩn xác, định hướng gieo nhân trên bước học Phật. Chúng tôi thiết nghĩ, khi đã cảm nhận sâu sắc lý vô thường, thì nghiệp lành thù thắng đầu tiên mà chúng ta cần phải thực hành chắc chắn đó phải là sự buông bỏ. Buông bỏ tất cả những gì không cần thiết đối với một hành giả, chí tâm tha thiết tu tập.

Thật vậy, trong đời sống đầy dẫy bất an, đau khổ và mạng sống thì ngắn ngủi vô thường. Một khi đã nhận thức sâu sắc vấn đề hệ trọng này và thường xuyên ý thức cảnh tỉnh bản thân, thì chúng ta không thể nào yên tâm sống trong sự hủy diệt của vô thường. Và chỉ có như vậy, con người mới giảm bớt sự ham muốn đua tranh trong đời sống. Và cũng chỉ có như vậy, chúng ta mới có khả năng quay đầu nhìn lại sự hoang phí thời gian đã tạo nên những núi rừng nghiệp chướng, tạo nên những huyễn hoặc phù du giống như dã tràng xe cát biển Đông vậy. Qua đó, chúng ta cũng sẽ xác định cho mình những việc cần thiết phải làm trong những ngày còn lại của cuộc đời. Thiết nghĩ, khi đã nhận thức một cách tường tận và sâu sắc về sự hủy diệt của vô thường, về mạng sống mong manh không chắc thật của một kiếp người, thì đối với người học đạo, điều cần thiết phải làm ngay đó chính là việc buông bỏ. Đây là hành sự hết sức quan trọng mà mỗi chúng ta cần phải thực hiện khi đã xác định mục đích lý tưởng sống của mình trong ngôi nhà chánh pháp.

Đối với người học đạo đã từng sống trong môi trường Phật pháp, hầu như tất cả đều được thấm nhuần lời dạy vàng ngọc của chư Phật về luật nhân quả, về lý vô thường, nhất là trong thời công phu chiều tại các ngôi chùa tu theo hệ phái Bắc tông. Lời bài kệ cảnh sách người học Phật rất là thống thiết như còn vang vọng trong tâm thức mỗi chúng ta: “Thị nhật dĩ quá; mạng diệc tùy giảm; như thiểu thủy ngư; tư hữu hà lạc; đại chúng đương cần tinh tấn như cứu đầu nhiên; đản niệm vô thường; thận vật phóng dật”8, ngụ ý: “Ngày giờ qua mau, mạng sống con người giảm dần, không khác gì con cá ở trong bể nước bị rò rỉ, thì lấy gì mà vui thú chứ, cho nên đại chúng chớ buông lung phóng dật, mà hãy tự cứu lấy mình như cứu lửa đang cháy trên đầu vậy”. Lời kệ có nội dung sách tấn người học đạo rất thống thiết của chư vị Tổ sư, ví bản thân mỗi chúng ta không khác hình ảnh một con cá ở trong bể nước bị rò rỉ, thì có gì mà chúng ta phải ham muốn, phải ôm đồm hay chấp giữ. Do đó, khi cảm nhận sâu sắc đời sống vô thường, thì chúng ta cần phải buông xả, và chúng ta hãy buông xả ngay lúc này cho nhẹ gánh trên bước đường về.

Lại nữa, nhằm giúp người học Phật có thêm động lực để buông bỏ những gì không cần thiết cho việc tu tập, chúng tôi thiết nghĩ, tất cả chúng ta cần phải xác định bản thân mình hiện đang ở đâu trong tam giới, chúng ta có vị trí ở đâu trong không gian hỗn mang bất tận này.

Trong đời sống vô thường và ngắn ngủi của một kiếp người, dù trên ý thức chúng ta đã biết rõ là như vậy, nhưng trên thực tế thì chúng ta vẫn còn vướng bận với những rào cản thường tình trong đời sống. Đó là chúng ta không vượt ra khỏi duyên nghiệp của tình ái, tiền tài, danh vọng, sự luyến tiếc và oán thù, sự hờn ghen và sân hận. Chúng ta cứ vướng vào những thứ cám dỗ này trong vòng nhân quả trả vay, vay trả lẫn nhau từ đời này sang đời khác, thâm tâm mỗi chúng ta vẫn tự biết những thứ này nó vốn không phải tự nhiên mà có, mà chính là từ trùng điệp nhân quả từ tâm thức chúng ta tạo ra. Do vậy, ngoài việc chúng ta cần phải bình tâm đón nhận nó, thì đồng thời chúng ta cũng phải sáng suốt buông bỏ chúng.

Thật ra, mỗi chúng ta vẫn còn may mắn là chúng ta còn giữ được mạng sống này để làm lại từ đầu. Vì thế, từ đây chúng ta quyết không để dính mắc vào lưới tình rọ ái, vượt ra khỏi vòng nhân quả thị phi, không hồ đồ dính mắc vào những nhân duyên tệ hại. Đồng thời, chúng ta phải luôn tự khẳng định chơn tâm mình vốn không dính mắc, vốn siêu việt tam giới. Chúng ta nên nhớ là, tất cả nhân duyên dù sâu đậm hay thoảng qua, dù tưởng chừng khó thoát, nhưng thực chất nó cũng chỉ là một chớp mắt trong sự hỗn mang bất tận trong vũ trụ bao la này mà thôi. Nếu muốn thoát khỏi sự hỗn mang này, thì trước hết là chúng ta đừng bao giờ nghĩ tưởng đến những gì đã qua, cũng đừng vọng tưởng những gì chưa đến. Chúng ta cũng nên lưu ý, trong đời sống con người thì Sắc, Tài, Danh, vốn là ba yếu tố mà con người khó vượt qua trong thế giới ngũ dục này. Bởi tất cả những ham muốn này, đều là quán tính của tâm thức hỗn mang trùng điệp và bất tận trong mỗi chúng ta. Trên tiến trình buông bỏ, chúng ta nhất định phải hết sức thận trọng khi tiếp duyên. Bởi, theo đà quán tính phan duyên và trong tình trạng gông cùm kết sử tập khí nhiều đời chưa tiêu hết, thì chúng ta thường rất dễ bị cuốn vào vòng hỗn mang bất tận đó.

Sự buông xả sẽ làm cho tâm chúng ta bình đẳng, ngay thẳng, an ổn tự tại mà không phải dụng công. Đây chính là thể tánh của sự buông xả.

Về mặt lý luận, công năng của sự buông xả, từ cạn vào sâu có ba tầng:

Thứ nhất là “Bình Đẳng” (đối với sai biệt không có khác nhau giữa thấp cao, sâu cạn, gọi là bình đẳng). Theo đó, sự buông xả có thể trừ sạch quan niệm sai biệt về thân sơ, nhân ngã, xa lìa lỗi lầm do tối tăm, trạo cử, làm cho tâm an trụ trong bình đẳng, vắng lặng, an ổn.

Thứ hai là “Ngay thẳng” (Hành động đúng đắn, suy nghĩ ngay thẳng, lìa xa tâm siểm khúc cong quẹo, gọi là chánh trực)…

Thứ ba là “Vô Công Dụng Trụ” (an ổn tự tại không phải dụng công). Một khi tâm đã bình đẳng, chánh trực, lại có sức siêng năng, càng tiến đến cảnh giới vô công dụng, đồng với địa thứ tám trong mười địa là Bất Động Địa, tức là chẳng phải bằng sự vay mượn làm ra, mà tự nhiên tự tại. Khi tâm an trụ trên đường đạo, chúng ta gọi đó là công năng thù thắng (vượt trội hơn hết) của việc thực hành hạnh buông xả.

Một điều mà chúng ta cần lưu ý, đó là sự buông xả rốt ráo ở trong vắng lặng nó sẽ đối trị với trạo cử. Có thể nói rằng đây là nghiệp dụng của buông xả. Như chúng ta đã biết, “Trạo” là không ở yên, tức là chỉ Tâm của chúng ta luôn dao động, suy niệm lung tung, “Cử” là lung lay, bộp chộp, chỉ tâm của chúng ta cợt nhả, bồng bột, không yên ổn. “Trạo Cử” có thể khiến cho tâm chúng ta không thể yên ổn khi quán sát mọi cảnh giới, như khi vọng niệm dấy lên, nếu không buông xả thì chúng ta không thể nào nhìn thấu những diễn biến của hành nghiệp và vọng tưởng đương khi đó. Nhưng nếu có sự buông xả, thì khi đó chúng ta có thể làm cho tâm yên lặng, bình đẳng (xa lìa trạo cử), ngay thẳng (xa lìa tà vọng), an trú trong tự tại (an trú trong vắng lặng đối với cảnh giới quán sát). Tóm lại, sự buông xả sẽ dần dần làm cho vọng tâm ngưng bặt, chúng ta quán sát cảnh giới trong sự yên tĩnh của tâm rất dễ dàng, như vậy chính sự buông xả sẽ mang đến cho chúng ta hai chi yếu Định và Huệ rất quan trọng. Có thể nói rằng đây là thành tựu bước đầu của người học Phật.

Khi buông xả, thì tâm chúng ta đối với các pháp sẽ xa lìa phóng dật. Điều này, sẽ khiến tâm tịch tịnh, y chỉ tư duy, y chỉ ly dục, y chỉ tịch diệt, nhiếp phục tranh cãi. Với kết quả này, hành giả nhờ tư duy về đoạn giới, ly giới, diệt giới trong những định trên và cũng nhờ tâm phát khởi tính bình đẳng, thì tâm sẽ trở nên tánh chính trực, tâm không còn kỉnh giác mà an trụ vào tính tịch tĩnh.

Lúc bấy giờ, hành giả tự nghĩ rằng, nay ta nên đối với các pháp tham, sân, si liền xa lìa tham, sân, si, nhờ tâm phát khởi tính bình đẳng, tâm trở nên tính chánh trực, tâm không còn kỉnh giác nữa mà an trụ vào tính tịch tĩnh. Lại nghĩ, nay ta nên đối với các pháp tham, sân, si, tâm không còn nhiếp thọ; do tâm phát khởi tính bình đẳng, tâm trở nên tính chánh trực, tâm không cảnh giác mà an trụ vào tính tịch tĩnh. Ở đây, hành giả nhờ xem xét tư duy sáu pháp thuận xả mà có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý, tâm trụ vào tính bình đẳng, tâm trụ vào tính chánh trực, tâm không còn cảnh giác mà trụ vào tính tịch tĩnh. Ở đây, gọi chung là buông xả.

Trên tiến trình tu tập, sự buông xả sẽ giúp chúng ta tĩnh lặng. Dù chúng ta không chủ trương thực hành thiền minh sát (Vipassanā) hay thiền định (Samatha), nhưng cũng có nghĩa, trong chiều sâu của sự buông xả vốn đã có cả hai công cụ hành thiền này rồi. Điều này, cũng nhắn gởi đến chúng ta một thông điệp rằng, chúng ta không nên cố chấp vào công cụ, không nên cố chấp vào phương tiện để rồi kiến lập ra những thị hay phi, chánh pháp hay không phải chánh pháp. Đồng thời, Đức Phật dạy: “Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo tác; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo” và “Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý thanh tịnh, nói lên hay hành động, an lạc bước theo sau, như bóng không rời hình”9. Và Đức Phật cũng dạy chúng ta “Tự tịnh kỳ ý”, tức là làm cho trong sạch tâm ý. Được như vậy, thì ở đó hoàn toàn không có thị phi, không có phân biệt và chấp trước. Nhờ đó, chúng ta mới dễ dàng nhận diện tâm niệm dấy khởi. Từ đó, chúng ta mới có cơ sở buông xả chúng. Và như vậy, nền tảng tu hành của đạo Phật đều phải bắt đầu từ tỉnh thức chánh niệm để có cơ sở và điều kiện mà buông xả. Nói một cách dễ hiểu, thì đó chính là sự sáng suốt, lắng tâm và buông xả.

Trong thực hành buông xả, khi tâm chúng ta được bình an, sự bình an có được đó là nhờ sự tĩnh lặng trong khi buông xả. Và khi chúng ta buông xả tận cùng, thì trạng thái tâm an khi đó sẽ tự nhiên hòa hợp vào những trạng thái khinh an của định. Thật ra, sự tĩnh lặng hay trạng thái định hình thành từ buông xả vẫn còn là một phần của thế giới hữu vi có điều kiện. Và sự dính chấp vào loại bình an này, là sự dính chấp vào thực tại theo quy ước, cho nên chừng nào tâm chúng ta còn dính chấp vào đó, thì chúng ta vẫn còn phải thực hành sự buông xả. Bởi, những nguyên nhân của sự khổ và ràng buộc vẫn còn nằm bên dưới tiến trình sinh hữu, tức là những điều kiện nhân duyên gây ra tái sinh vẫn còn. Vì thế, sự nghiệp tu hành của hành giả lúc đó vẫn chưa đạt đến mức hoàn thiện. Do vậy, từ cơ sở sự tĩnh lặng có được do quá trình buông xả, chúng ta cần ứng dụng sự quán chiếu để thẩm thấu bản chất của thực tại hữu vi, cho đến khi nào không còn bất kỳ sự dính chấp nào nữa, thậm chí ngay cả sự dính chấp vào sự tĩnh lặng cũng không còn nữa.

Trong Duy Thức thì buông xả là thiện pháp thứ 10 trong 11 thiện pháp. Buông xả nghĩa là dứt bỏ, đó là lìa bốn tướng: Ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả để không còn vướng mắc vào đó. Đối với hành giả, thì việc thực hiện sự buông xả là phương pháp tu tập cực kỳ thẳng tắt rất quan trọng, vì người tu tựa như người đi đường Người đi đường quyết tâm buông bỏ, thì mới có thể bước thêm những bước tiếp theo sau đó. Đặc biệt là càng đi, hành giả phải càng quên, tức là phải buông bỏ cả những bước chân đã đi qua, thì mới có thể đạt được mục tiêu cuối cùng là vô ngã. Mục đích tối hậu của sự buông xả tận cùng này, trong kinh Kim Cang, Đức Phật dạy ngắn gọn: “Phật pháp còn xả, hà huống phi pháp”.

Tóm lại, một khi chúng ta đã nhận thấy rõ cái gì là của ta, thì nó chỉ là “của Ta” chứ không phải là “Ta”. Đã là không phải là “Ta”, thì khi đó ít ra trong nhận thức của chúng ta đã manh nha sự buông bỏ, đồng thời nếu như chúng ta đã thực hiện một đời sống biết đủ, tức là chúng ta đã phần nào thực hiện được sự buông bỏ những nhu cầu không cần thiết trong đời sống. Có thể nói, đây là những việc làm thiết thực đối với một hành giả trên tiến trình tu tập.

Trong phần mục này, chúng tôi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự buông bỏ đối với một hành giả dù tu tập bất cứ pháp môn nào. Riêng đối với một hành giả trên hành trình trở về tự tánh, thì sự buông bỏ mang tính triệt để hơn, nhất là cần phải buông bỏ mọi tri kiến chấp trước vào tâm, vào pháp.

V. Thực hiện ngưng nghỉ

Đức Phật ra đời, đã trao cho chúng ta một con đường tuệ giác. Trong hệ thống các công cụ để chúng ta tự mình thực tập hầu giải thoát khỏi sự khổ, thì sự ngưng nghỉ vọng tâm phan duyên là một trong những cách sống thông minh và căn bản nhất để tiếp cận chơn tâm trở về tự tánh.

Chúng ta nên nhớ, đối với hành giả về nguồn, thì sự hoài nghi là một trong những trở ngại lớn nhất. Chính vì vậy, mà trước hết chúng ta cần có một ý chí để “đình chỉ sự hoài nghi”, tức tạm gác cái sự không tin tưởng qua một bên. Nghĩa là chúng ta hãy tạm thời “treo” những thói quen “tự động bác bỏ” vốn đã có xưa nay trong tâm chúng ta. Và chúng ta chỉ cần “treo” sự hoài nghi đó trong một thời gian vừa đủ để cho chúng ta có thể nhận thấy con đường trở về này là có hữu ích cho chúng ta hay không.

Về mặt nào đó, thì sự hoài nghi luôn là một vật cản trên đường đời lẫn đường đạo. Bởi vì những quan niệm mà chúng ta từng gieo cấy vào tâm thức bấy lâu nay, nó đã nằm sâu trong vô thức. Theo đó, chúng ta thường thấy mình rất nhạy bác bỏ và nhạy từ chối một điều gì đó ngay tức khắc. Sự nhạy bén để bác bỏ mọi thứ diễn ra rất nhanh, thậm chí chỉ trong tích tắc sát na mà chúng ta không hề xem xét cái định kiến đó của mình là đúng hay sai, thậm chí cũng không biết mình vừa có một định kiến.

Cách sống tạm đình chỉ sự hoài nghi, chính là một phương thức giúp cho chúng ta nhìn thẳng vào tâm của mình trong trạng thái “tự tịnh kỳ ý” để biết được trong sâu thẳm tâm thức mình đang có một định kiến, đang có phản ứng gì hay không. Sau khi đã nhận biết rõ là mình đang có một định kiến hay đang phản ứng, thì tiếp theo sau đó chúng ta có quyền quyết định phản ứng bao nhiêu cũng được, tùy theo chúng ta muốn. Bởi lúc này, thì chúng ta đều hoàn toàn làm chủ được tiến trình phản ứng hay các máy động của tâm trước một vấn đề mà chúng ta đang tiếp cận.

Song, việc tạm đình chỉ sự không tin tưởng của mình trước một quan niệm hay một vấn đề nào đó trong nhất thời và ngay lúc tiếp nhận nó thì thật không phải dễ, bởi từ lâu nay chúng ta đã bị đồng hóa với những thói quen cố hữu như vậy rồi. Chính vì vậy, mà chúng ta cần phải dùng ý chí để “tạm treo” những phản ứng đó. Chúng ta cần có một khả năng tạm thời dẹp bỏ sự không tin tưởng của mình một cách đủ mức và đủ lâu để có thể nhìn thấy mọi hiện trạng của tâm thửc một cách thuần khiết nhất. Điều này, sẽ không dễ dàng thực hiện, nhưng chúng ta phải biết là ngay vào lúc này chúng ta đang đối diện với những nguồn lực mạnh mẽ nhất trong tâm khi chúng ta có xu hướng trở về.

Thực hiện việc ngưng nghỉ, bắt buộc chúng ta phải bỏ công thực tập. Bởi chúng ta vốn xuất phát từ thế giới mà chúng ta hằng luôn nhận biết thông qua những giác quan và sự suy nghĩ thuộc về quan niệm. Chúng ta là những cá nhân khác nhau, tích lũy “ô nhiễm” ở những mức độ khác nhau trong tâm. Bây giờ, mỗi người trong số chúng ta cần phải tự thân nỗ lực để gỡ bỏ những thứ có hại đó ra khỏi tâm, và chúng ta phải bắt đầu bằng sự ngưng nghỉ, tức là ngưng nghỉ sự máy động của tâm thức. Đây là bước đầu của sự thanh lọc thân tâm theo lời Đức Phật đã dạy một cách cụ thể.

Việc khởi đầu của tiến trình này nằm ở chỗ chúng ta cần phải “nhận dạng” chúng, chỉ ra chúng, và làm “tắt nguồn” những thứ được gọi là những chướng ngại (tức triền cái). Những chướng ngại triền cái đó là những lớp thô tế và dễ nhận thấy của các chức năng xấu trong tâm. Để làm được việc này, chúng ta phải có cái nhìn thấu suốt và phải thực hành thiền định. Chỉ khi nào chúng ta ở trong các tầng thiền định, thì chúng ta mới có thể tạm thời hóa giải được một lớp những thứ ô nhiễm khác được gọi là những gông cùm kiết sử trong tâm. Những gông cùm này là những yếu tố vi tế so với những chướng ngại triền cái. Và chính những yếu tố vi tế trong tâm này, làm khởi sinh ra những triền cái, bởi vì, những gông cùm chính là gốc rễ tạo ra những triền cái chướng ngại. Những chướng ngại là phần nổi thô tế và dễ nhìn thấy, còn những gông cùm là phần chìm vi tế khó nhận thấy. Một khi chúng ta dẹp được những đá cuội và chướng ngại trên đường đi, thì sự định tâm sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Khi đó, chúng ta sẽ dùng sự định tâm để chiếu rọi vào những đối tượng một cách hữu hiệu và tìm kiếm những đặc tính vô thường, khổ, vô ngã của những đối tượng đó để dẫn chúng ta đến sự tự do giải thoát.

Trong tiến trình thực hành sự ngưng nghỉ, hành giả thực hiện những bước nêu trên, thì sẽ giúp các bước khác tiến triển. Làm bước này tốt, thì cũng tự nhiên hỗ trợ những bước kia thuận lợi. Một ngày nào chúng ta đang đi trên con đường ngưng nghỉ, thì bỗng nhiên sự định tâm sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và sẽ dẫn chúng ta bước vào một cảnh quan trong sáng thuần khiết của tâm. Khi đó, thế giới của những giác quan, những suy nghĩ theo quan niệm thường tình sẽ lùi lại phía sau, và chúng hầu như không còn dính líu đến thực tại của thế giới phàm trần mà chúng ta hiện đang nhận biết. Quan trọng hơn, những thành quả của sự thực hành ngưng nghỉ sẽ xóa sạch mọi dấu vết liên quan đến thế giới phàm trần quen thuộc của con người. Ở giai đoạn này, hành giả phần nào thoát khỏi những hệ lụy trong đời sống. Sự ngưng nghỉ chính là con đường thiền định thông minh, mà ở đó chúng ta không bị dính mắc vào pháp hành nào trên tiến trình trở về tự tánh.

Sự ngưng nghỉ, ở mặt khác đó cũng chính là sự tập trung, là sự gom tụ tất cả những nguồn lực tích cực của tâm. Sự thể này, sẽ “hội tụ” chúng lại thành một tia sáng mạnh, giống kiểu một chiếc kính lúp hội tụ những ánh sáng thành một tia sáng mạnh soi rọi đốt thủng một điểm trên tờ giấy. Việc làm chủ được sự định tâm có nghĩa là chúng ta đang học cách nhắm chiếu tia sáng đó trực chỉ vào mục tiêu chúng ta đã chọn. Sự định tâm này là mạnh mẽ và đầy năng lượng, nó không bị lăng xăng hay bị lạc khỏi mục tiêu.

Việc chúng ta thực hiện ngưng nghỉ sự diêu động của tâm thức, tức là chúng ta đang xây dựng sự định tâm. Về căn bản, nó cũng giống như việc loại bỏ những yếu tố xấu trong tâm đang là chướng ngại cho sự vận hành của nguồn tâm. Theo đó, chúng ta học cách chiếu rọi tia sáng vào những dấy động của tâm thức. Chúng ta suy xét những mống khởi đó, thì chúng sẽ không còn trói buộc chúng ta và chúng ta sẽ được tự do và giải thoát.

Sự ngưng nghỉ, sư định tâm, cùng với sự tỉnh giác và chánh niệm sẽ giúp cho tâm nhìn vào chính nó, để xem xét những sự hoạt động của nó, để tìm ra và hóa giải những thứ tiêu cực đang làm trở ngại dòng chảy tự nhiên vốn có của chân tâm. Từ cơ sở này, chúng ta sẽ tiến dần đến nguồn tuệ giác và sự an định một cách chậm rãi, nhưng an toàn và vững chãi. Theo trình tự, thì ban đầu chúng ta dùng cách làm suy yếu những yếu tố là chướng ngại ở trong tâm, tiếp theo sau đó là chúng ta tạm thời “treo giò” chúng. Chúng ta bắt đầu làm suy yếu những sợ hãi, sự bất an, sự tức giận, sự tham lam. Tuy những thứ này so với gông cùm kiết sử, thì đây chỉ là những thói tâm nhỏ nhặt, nhưng chúng đã ăn sâu vào trong tâm đến nỗi lâu nay chúng ta nhận lầm những thứ này chính là “Ta”.

Thật ra, tất cả những thứ ngăn che và chướng ngại đó chỉ là những thói quen hay thói tâm. Chúng ta có thể học hiểu về chúng và học những kỹ năng để cho chúng nằm yên trong một thời gian, rồi sau đó, khi những chướng ngại đang nằm ngủ, chúng ta có thể được tĩnh thức trải nghiệm một cách trực tiếp với cái bản chất chiếu sáng, tinh khiết và sáng tỏ của chân tâm nằm sâu bên dưới.

Một khi chúng ta đã trải nghiệm được bản chất đích thực vốn có của chân tâm nằm bên dưới những lớp ô nhiễm đó, thì chúng ta có thể mang từng mảng tâm sáng tỏ và tĩnh lặng đó trở lại với đời sống thường ngày của chúng ta. Nhờ vào những mảng tâm thuần khiết tốt lành này, chúng ta tiếp tục công trình đào bứng thêm những lớp chướng ngại và rác rưởi mà chúng ta cần loại bỏ. Điều này, sẽ giúp cho việc định tâm được sâu hơn và tạo duyên để sinh ra thêm nhiều niềm hỷ lạc thấm rỉ vào cuộc sống của chúng ta. Điều này, cũng sẽ giúp cho chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về những thói tâm đó, chúng ta có thể làm suy yếu chúng thêm nữa. Và cứ như vậy, nó giống như con đường xoắn óc đi lên, tiến đến sự bình an và trí tuệ. Tuy là vậy, nhưng điều quan trọng là ngay bây giờ và tại lúc này, chúng ta cần phải bắt đầu sự buông bỏ và ngưng nghỉ tuyệt đối.

Thực hành sự buông bỏ mọi dính mắc và ngưng nghỉ tâm phan duyên sẽ giúp chúng ta có được sự tỉnh giác và sự rõ biết, có nghĩa là khi đó chúng ta sẽ luôn tỉnh thức và có ý thức hoàn toàn về sự đang làm bất cứ việc gì, về mọi thứ đang diễn ra ngay trong thân tâm. Ở đây, chúng tôi tạm nói rằng, đây là sự hướng vào bên trong nhằm dõi theo mọi hiện tượng đang diễn ra ở thân và tâm. Một khi sự ngưng nghỉ mang lại kết quả nhất định, thì sự tỉnh giác hiện hữu. Nhưng sự tỉnh giác này, đòi hỏi phải có sự chú tâm thuần khiết và không có bất cứ phương tiện công cụ nào ngoài sự chú tâm. Ở đây, chúng tôi xin nhấn mạnh, sự tỉnh giác này đòi hỏi phải là sự chú tâm thuần khiết để bảo đảm rằng chúng ta đang thật sự chánh niệm. Chánh niệm trong trường hợp này, chính là vô niệm. Khi đã có chánh niệm một cách đúng đắn, thì đây là yếu tố kiểm soát chất lượng dùng để theo dõi những thứ đang được nhận biết trong tâm, và cũng là cách chúng ta thấy rõ, ghi nhận được những gì đang diễn ra một cách tường tận trong sự sáng suốt.

Từ bước đầu thực hiện sự ngưng nghỉ, dần dần chúng ta sẽ tạo dựng được quán tính đúng đắn và thiện lành của ba nghiệp thân, miệng, ý. Khi chúng ta chánh niệm và thực sự nỗ lực xây dựng quán tính này; thì tâm chúng ta tự nhiên sẽ được thanh tịnh an bình. Việc thực hiện sự ngưng nghỉ rất đơn giản, nhưng vô cùng hiệu quả, vì chúng ta sẽ không cần phải có một tư thế nhất định nào, không cần đến một chủ đề, hay một môi trường thích hợp nào. Bởi, chúng ta vẫn có thể thực hành sự ngưng nghỉ, sự buông bỏ mọi lúc mọi nơi không lệ thuộc bởi không gian hay thời gian nào cả.

 


1. Kinh Đại Bát Niết Bàn, quyển bốn, Phẩm thứ tư Tánh Như Lai, Phần một.

2. Kinh Tương Ưng III.

3. Tăng Chi Bộ Kinh III, tr.70.

4. Kinh Tương Ưng Bộ, tr.133.

5. Tương Ưng Bộ Kinh III, tr.66.

6. Lương Hoàng Sám Pháp do ngài Chí Công đời nhà Lương (Trung Hoa) biên soạn, Hòa thượng Thích Viên Giác phiên dịch, Hòa thượng Thích Trí Tịnh hiệu đính.

7. Lương Hoàng Sám Pháp do ngài Chí Công đời nhà Lương (Trung Hoa) biên soạn, Hòa thượng Thích Viên Giác phiên dịch, Hòa thượng Thích Trí Tịnh hiệu đính.

8. Bài kệ Mông Sơn Thí Thực trong thời công phu chiều tại các chùa hệ phái Bắc Tông.

9. Kinh Pháp Cú 01-02 – Phẩm Song Yếu.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 62
    • Số lượt truy cập : 6757764