Thông tin

ĐÓNG GÓP THÊM CÁC BẢN DỊCH MỚI

VỀ BÀI KỆ CỦA THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH

(Hội thảo kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long)

 

Trong số các tác phẩm, thiền sư Từ Đạo Hạnh để lại, có một bài kệ mà người viết bài rất tâm đắc và bất hủ với thơi gian. Nhân duyên của bài kệ này là khi có vị tăng nhân hỏi: "Phải chăng hành trụ tọa ngọa là Phật tâm?"([1]). Ông đáp rằng:

Tác hữu trần sa hữu,

Vi không nhất thiết không.

Hữu không như thủy nguyệt

Vật trước hữu không không.

"Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072-1116) tục gọi là đức thánh Láng, là một thiền sư nổi tiếng Việt Nam thời nhà Lý. Cuộc đời ngài được ghi lại dưới nhiều màu sắc huyền thoại. Dân chúng lập đền thờ ngài tại chùa Thiên Phúc (nay thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội), tục gọi là chùa Thầychùa Láng, ở Hà Nội. Hàng năm, lễ hội chùa Thầy được mở vào ngày 7 tháng 3 âm lịch, tương truyền là ngày ông viên tịch.

Tương truyền ông tên là Lộ, con của quan đô sát Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan. Do Từ Vinh bị giết bởi một pháp sư có tên là Đại Điên, Từ Lộ đã đi tu luyện phép thuật và giết được Đại Điên để trả thù cho cha. Sau đó, ông đi vân du khắp nơi để học đạo và cứu nhân độ thế và cuối cùng viên tịch tại núi Sài Sơn.

Truyền thuyết lưu rằng, sau khi Từ Đạo Hạnh chết, ông đầu thai thành con của Sùng Hiền Hầu – em trai của vua Lý Nhân Tông. Vị vua này không có con nên đã nhường ngôi cho con của Sùng Hiền Hầu, người con này chính là Từ Đạo Hạnh đầu thai, trở thành vua Lý Thần Tông." ([2])

* * *

Bản diễn nghĩa trước đây bằng thơ lục bát đã thể hiện tuyệt tác này như sau:

Có thì có tự mảy may

Không thì cả thế gian này cũng không

Vừng trăng vằng vặc in sông

Chắc chi có có không không mơ màng.

Huyền Quang([3])

Thiền sư Nhất Hạnh cũng đã diễn dịch văn vần bài kệ này như sau:

Có thì có tự mảy may,

Không thì cả vũ trụ này cũng không

Có, không bóng nguyệt lòng sông

Cả hai tuy vậy chẳng không chút nào!

Nguyễn Lang([4])

Trước đây, cũng có lưu truyền phổ biến trong nhân gian một bản dịch có khác ở 2 câu sau, song chưa biết được tác giả, bản dịch này được sử dụng rộng rải hơn hai bài đầu:

Có thì có tự mảy may

Không thì cả thế gian này cũng không

Có không bóng nguyệt lòng sông

Nào ai hay có với không làm gì.

Khuyết danh([5])

Các dịch phẩm trên đều là tuyệt tác, nhưng hình như chưa có dị bản nào cho hai câu kệ đầu khi diễn nghĩa, có thể chỉ vì hai câu đầu tiên này được diễn dịch quá tuyệt vời, nên chắc cũng không có bản dịch nào sau này hay hơn được, thế nên không có sự khác nhau chăng?

* * *

Do người viết bài tư duy cảm nhận và rung cảm với bài kệ trên, cũng để tỏ lòng trân trọng tác phẩm bất hủ này của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Nay nhân sự kiện kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long, xin đóng góp vài bản dịch mới, mục đích làm phong phú thêm cho bài kệ trên và thêm giá trị kho tàng Văn học Phật giáo đời Lý, là nền tảng căn bản của một triều đại đã làm nên Thăng Long thành ngày xưa và thủ đô Hà Nội ngày nay.

1) Đầu tiên là một bài theo thể thất ngôn bằng cảm nhận của mình với khắc khoải sự không hay có qua bóng trăng đáy nước, rồi giải quyết kết thúc bằng từ ngữ "bận lòng chi":

Đã có, xưa nay vốn có rồi,

Là không, ngàn thuở vẫn đều không.

Bóng trăng đáy nước không hay có?

Bận lòng chi mãi có với không!

(Chiêu đề)

"Ngôn ngữ là sự thể hiện của tư tưởng, các thiền sư đời Lý quen sống với tư tưởng nên họ nhìn vụ trụ nhân sinh quan bằng quan niệm: Có, Không; "Hữu hình cũng là một cái với vô hình và ngược lại, cái vô hình cũng có thể diễn đạt bằng cái nhìn hữu hình"."([6])

2) Bài thứ hai, là một bài kệ theo lối thơ lục bát, cũng giải quyết bằng từ ngữ "bận lòng chi" nhưng là thề khẳng định ngay trong câu thứ ba:

Ngàn xưa có đã có rồi,

Ngàn sau không vẫn mãi là trống không

Tựa như trăng hiện đáy sông

Có không xin chớ bận lòng làm chi!

(Chiêu đề)

"Cảm nhận sống hết cái triết lý Bất Nhị, các thiền sư đời Lý nhìn đâu cũng thấy là Chân Như." ([7])

3) Trongbài lục bát thứ hai, là bài không còn giải quyết giới hạn bởi từ ngữ "bận lòng" như hai bài đầu, mà thể hiện bằng nhìn ví dụ trăng đáy nước để tạo nghi vấn trong khẳng định bằng từ ngữ "Đố ai":

Đã có thời có từ xưa

Đã không tìm mãi trên đời cũng không

Kìa xem bóng nguyệt lòng sông

Đố ai biết được có, không trăng thiền...

(Chiêu đề)

"Thi ca đời Lý, có thể nói, là thứ ngôn ngữ siêu ngôn ngữ, triết lý siêu triết lý, có khả năng rút tất cả thế giới vào trong một vài chữ (Có-Không) bằng một ý niệm (idée) mà vẫn diễn đạt được hết mọi lẽ sinh hóa của vũ trụ vạn hữu." ([8])

4) Đến bài cuối cùng trong loạt cảm tác này, tác giải dùng thể loại thất ngôn tứ cú để diễn nghĩa bài kệ của thiền sư Từ Đạo Hạnh bằng cách tự vấn, đặt dấu chấm hỏi ngay từ hai câu thơ đầu:

Trên cao trăng có tự khi nào?

Ảnh hiện đáy sông, trăng thật sao?

Có, không, trăng vẫn là trăng ấy,

Nào luận có không để hỏi nhau!

(Chiêu đề)

"Một ánh nắng, một bông hoa nở, một áng mây, một giọt sương rời đều mang một ý nghĩa mật ẩn sâu xa; tất cả chỉ là hình ảnh của Tâm hay Chân Như biến hiện và sự sống từ đó tràn lan bất tận vô thủy vô chung." ([9])

* * *

Qua bài kệ của thiền sư Từ Đạo Hạnh, ta thấy hệ tư tưởng Hoa Nghiêm "Vạn pháp trùng trùng duyên khởi" đã hiển hiện nơi hai câu thơ đầu của bài kệ:

"Đã có xưa nay vốn có rồi

Là không muôn thuở vẫn đều không"

Đây là triết lý cốt lõi đại thừa dung thông, chứng tỏ thiền sư đã đạt được đỉnh cao rốt ráo làm cho nền tảng tư tưởng này đã có mặt ở đất Việt từ thời Lý. Chúng ta dễ dàng bắt gặp tư tưởng triết lý này phổ biến ngày nay trong tông chỉ Mật giáo Tây Tạng: "Cái gì có ở nơi này, thì có ở nơi khác".

Ngàn xưa có đã có rồi,

Ngàn sau không vẫn mãi là trống không

Qua đó, đủ biết rằng dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi đã dung thông được Thiền – Mật một cách rốt ráo cả Thể và Dụng trong việc hoằng truyền và phổ độ chúng sinh tại đất Việt ngày xưa.

Nhận định này cũng phù hợp với đánh giá về văn học đời Lý: "Thơ văn đời Lý chịu ảnh hưởng sâu xa của nguồn giáo lý Đại thừa Phật giáo, nhất là về thiền tông và Mật tông, nên "huyền diệu, thần bí lạ lùng!" ([10])

Tựa như trăng hiện đáy sông

Có không xin chớ bận lòng làm chi!

* * *

Triều đại nhà Lý vì thế trở thành nền tảng bền vững, trải qua một ngàn năm vẫn lưu dấu tích của thiền sư Từ Đạo Hạnh nơi hai ngôi chùa Láng và chùa Thầy.

"Tại Hà Nộichùa Láng, tên chữ là Chiêu Thiền Tự được xây dựng đời vua Lý Anh Tông (con của Lý Thần Tông). Chùa thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh và Lý Thần Tông. Bên cạnh đó có chùa Nền, tên chữ là Đản Cơ Tự dựng trên nền ngôi nhà cũ của Từ Đạo Hạnh.

Chùa Thầy là một ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ, nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây nam, đi theo đường cao tốc Láng – Hòa Lạc. Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy, nên chùa được gọi là chùa Thầy. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý. Đây là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, lúc này núi Thầy còn gọi là núi Phật tích.

Chùa Láng gắn liền với giai đoạn đầu của cuộc đời Từ Đạo Hạnh, còn chùa Thầy lại chứng kiến quãng đời sau cùng cho đến ngày thoát xác của vị sư thế hệ thứ 12 thuộc dòng Thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi này.

Ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì. Vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa: chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi và chùa Dưới (tức chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc Tự). Đầu thế kỷ 17, Dĩnh Quận Công cùng hoàng tộc chăm lo việc trùng tu, xây dựng điện Phật, điện Thánh; sau đó là nhà hậu, nhà bia, gác chuông. Theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam, trước chùa, nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên Long Chiểu hay Long Trì (ao Rồng). Sân có hàm rồng." ([11])

Tự hào là người dân nước Việt ngày nay, chúng ta lại tự hào lịch sử nước nhà đã có những nhà tư tưởng thâm thúy, mà bài kệ trên của thiền sư Từ Đạo Hạnh là một giá trị văn học đã đạt đến chân lý giác ngộ, góp phần cho tư tưởng chủ đạo nước nhà thời bấy giờ.

Nhưng trên tất cả, tư tưởng của ngài từ bài kệ bất hủ trên đã làm vị trí thiền sư sống mãi trong lòng bao thế hệ tinh hoa dân tộc Việt, khi nghĩ về sự kiện kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long từ câu thơ:

Kìa xem bóng nguyệt lòng sông

Đố ai biết được có, không trăng thiền . . .

Viết tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 26. 06. 2010 



[1]. Lĩnh Nam Chích Quái: Trần Thế Pháp: Từ Đạo Hạnh: website Wikipedia.

[2]. Chùa Thầy, chùa Láng: Từ Đạo Hạnh: website Wikipedia

[3]. Loại hình tác phẩm: Thuyền Uyển Tập Anh:Nguyễn Hữu Sơn: Viện Văn Học: Trung Tâm KHXH&NVQG: nxb KHXH: Hà Nội 2003

[4]. Phật Giáo Việt Nam Sử Luận: T1: tr152: nxb Văn Học: Hà Nội 1994

[5]. Đây là bài phổ biến nhất, nhưng người viết chưa tìm được tác giả, có người nói là của Tản Đà-Nguyễn Khắc Hiếu?

[6]. Những đóng góp to lớn của Đạo Phật cho dân tộc dưới triều Lý (1010-1225): HT Thích Đức Nhuận: website Thư Viện Hoa Sen.

[7]. Những đóng góp...Sđd

[8]. Những đóng góp... Sđd

[9]. Những đóng góp... Sđd

[10]. Thích Đức Nhuận: Sđd

[11]. Chùa Thầy, chùa Láng... Sđd

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 22
    • Số lượt truy cập : 6059311