Thông tin

DÒNG NƯỚC THANH XUÂN VÀ NGỌN NGUỒN THANH TỊNH

DÒNG NƯỚC THANH XUÂN VÀ NGỌN NGUỒN THANH TỊNH

 

HUỲNH NGỌC TRẢNG

 

         

Giờ thì mỗi khi Tết đến, chúng ta thường hay nhắc đến “Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ / Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh” cùng các tập tục lễ bái tổ tiên, gia thần, đi chùa, hái lộc... và dường như quên đi rằng Tết là một lễ tiết nông nghiệp, liên quan đến mùa vụ, gắn với sự chuyển mùa của trời đất; ở đó, nước là một đối tượng vốn được quan tâm hàng đầu, biểu thị niềm mơ ước “phong điều vũ thuận”, là nguồn sống, là khởi nguyên của chu kỳ tái sinh và là phương tiện thanh tịnh hóa.

1. Cứ đến ngày 25 tháng Chạp, đa số chùa chiền, tu viện làm lễ Đưa Chư Thiên. Tập tục này phổ biến trong dân gian thành lệ cúng tiễn chư thần chư Phật về trời vào ngày 25 tháng Chạp, sau lễ đưa Ông Táo hai ngày trước đó. Kể từ khi lễ tất, tăng chúng ở chùa, ban hội hương ở đình miếu và mỗi tư gia đều tiến hành dọn dẹp, chùi rửa hương án, đồ tự khí, tượng thờ... mà không sợ việc “làm động” đến các đối tượng thờ tự thiêng liêng. Nước tắm tượng chư thần, chư Phật phải là thứ nước tinh khiết, thường là nước mưa, nấu trong chiếc nồi mới và pha thêm các mùi hương cây lá có tinh dầu thơm... Việc dọn dẹp, tắm tượng xong thì đem an vị vào chỗ cũ và buông màn che kín cẩn thận cho đến khi cử hành lễ rước thần vào ngày cuối năm. Thời gian này tịnh nhiên không đốt nhang, gõ chuông, dâng cúng lễ vật gì cả.

Tập tục tắm tượng và tẩy rửa đồ tự khí, bàn thờ, điện thờ vào ngày 25 tháng Chạp nói trên có lẽ là một biện sự từ nghi thức Sái tịnh/ Sái thủy của nhà Phật. Đây là nghi thức được thực hành khi tu pháp Hộ ma hoặc pháp Quán đỉnh trong Phật giáo, và là nghi thức phổ biến trong khoa nghi Phật giáo: rải nước thơm đã gia trì ẩn khế và chân ngôn để thanh tịnh đạo tràng - gọi là kiết giới thanh tịnh. Cần lưu ý rằng trong nghi thức tế lễ của Nho gia, nghi tiết Quán tẩy (Chánh tế đến nơi đặt thau nước: rửa mặt, lau mặt trước khi quỳ xuống niệm hương) cũng có ý nghĩa thanh tịnh bản thân trước khi thực hành nghi lễ thông linh với thần thánh.

Đối với người Việt, việc dùng nước nấu bánh chưng (pha với nước lạnh) để tắm cho trẻ vào chiều 30 Tết cũng như lệ “tắm tất niên” từ lâu đã là một cách thanh tẩy cuối năm có phần phổ biến. Người Chăm Islam có tập tục vào ngày mồng một cả làng ra sông tắm để gột rửa cái xấu của năm cũ. Người H”mông, vào đêm tối cuối năm, mẹ và con gái gọi nhau đi gội đầu bằng nước lá chua; rồi mồng một, cả làng bản gọi nhau ra bến nước, mỏ nước để rửa mặt, tắm gội. Người Gia Rai có 2 tập tục: 1/ Sau khi đưa tang về, ông đầu tộc rảy nước làm phép rửa nhà người chết và rảy nước lên người đi đưa đám ma để xua ma quỷ, hồn người chết ám; 2/  Sau lễ bỏ mả, mọi người té nước vào tang chủ hoặc đưa tang chủ ra suối tắm cho sạch sẽ: từ đây, người sống không còn ràng buộc với người chết nữa và sống với cộng đồng như mọi người... Dẫn ra một số trong nhiều tập tục dùng nước thanh tẩy của nhiều tộc người xứ ta ở trên để chỉ ra rằng đây là tập tục phổ biến, kể cả các tộc người không chịu ảnh hưởng của đạo Phật. Tập tục dùng nước như công cụ thanh tẩy trong nghi lễ phổ biến ở nhiều tôn giáo, nhiều dân tộc, kể cả trong nghi lễ của phù thủy Đạo giáo, cũng như nghi thức rảy nước trong lễ Ki-tô giáo.

2. Rõ ràng là rửa, gội, tắm... theo nghi lễ là biểu tượng của dòng nước làm sạch; và không chỉ là như vậy, hành vi nghi lễ này cũng bắt nguồn từ nghi lễ biểu trưng của nguồn nước; theo đó rửa, gội, đặc biệt tắm, là tiếp nhận sức mạnh, phẩm chất của nguồn nước làm cho người ấy được sạch sẽ, sảng khoái, tiêu trừ bệnh tật, nâng cao khả năng sinh sản, trí tuệ sáng suốt... Công năng tẩy rửa và phục hồi của tắm phổ biến trong cả đời sống thế tục lẫn trong việc thiêng liêng. Tắm là nghi thức trong các nghi thức ghi nhận những bước ngoặt trong cuộc đời mỗi con người: Sinh ra, bắt đầu có khả năng sinh sản và chết (chết ở đây được hiểu là chuyển kiếp, là chuyển từ thế giới bên này sang thế giới bên kia - nơi chốn chuẩn bị cuộc tái sinh/ đầu thai mới). Theo ý nghĩa đó, tắm vào thời điểm giao thừa của chu kỳ thời gian năm cũ - năm mới cũng hàm chứa ý nghĩa kép: tẩy uế và tái tạo sự sống. Tắm là dầm mình trong nước là sự trở về nguồn cội khởi nguyên, là tự tiếp cho mình từ kho dự trữ tiềm năng vô biên và lấy ở đó một sức mạnh mới. Do đó, nước không chỉ gột rửa, thanh tẩy mà còn là năng lực tái sinh. Từ đó, nước là nguồn gốc của sự sống, biểu tượng của khả năng sinh sôi nảy nở. Tập tục té nước vào nhau của một số dân tộc ở Đông Nam Á cũng mang ý nghĩa tẩy uế và tái tạo sức sống chứ không chỉ là một “biến thể” của tập tục cầu mưa như một số nhà nghiên cứu giải thích.

3. Về mặt tự nhiên, nước là thứ trời cho, là ân phúc của trời; đặc biệt, các cư dân nông nghiệp coi mưa là biểu tượng ban phúc, sông suối là tác nhân của phì nhiêu. Bởi vậy, cứ đến chiều 30 Tết, phổ biến tập tục gánh nước đổ đầy tất cả lu, ảng, ghè, hồ chứa và đậy giếng lại. Việc làm này biểu hiện điều cầu mong được sung mãn: đầy đủ, không thiếu thốn trong năm tới. Ở đó, nước được coi là cội nguồn của cuộc sống.

Tập tục múc nước giếng hay đi lấy nước suối (máng nước, mỏ nước) trong đêm trừ tịch để đem về cúng tổ tiên (cúng nước, nấu xôi cúng, pha trà cúng...) của các tộc người ở xứ ta cho thấy việc coi nước là vật phẩm tinh khiết có nguồn gốc thiêng liêng và có công năng khởi tạo nên sự hanh thông, cát tường - cụ thể là ấm no, hạnh phúc. Người Pu Péo, người Thái ở Mai Châu có tục sau bữa cỗ cuối năm không được rửa bát đĩa vì kiêng không để nước thiêng trôi đi... vô ích!

Các tộc người miền núi xứ ta hầu hết đều cho rằng nước của trời làm ra thóc lúa; họ cũng coi trọng chức năng tái sinh của nước; đặc biệt nhấn mạnh nguồn gốc vũ trụ của nước mưa: là tinh dịch của trời làm thụ tinh cho đất. Chính vì coi nước là nguồn sống nên không ít dân tộc xem nguồn nước, bến nước, mỏ nước là địa điểm thiêng, là đối tượng cầu cúng, tạ ơn vào dịp cuối năm cũ, đầu năm mới. Trong các lễ vật dâng cúng bến nước luôn phải có một bầu nước. Bầu nước cúng này có phần tương đồng với tục cúng nước (chén, bát...) trong lễ cúng thần - Phật, tổ tiên và tục lấy nước đầu năm từ giếng, suối, mỏ nước, máng nước để cúng tổ tiên nói trên. Điều này chỉ ra rằng các hình thức có khác song đều cùng một tín lý.

 

 

4. Nói chung, dù có khác biệt ở từng tọa độ điạ lý - dân tộc, song ý nghĩa tượng trưng của nước đều quy về ba chủ đề chính: 1/ Nước là dạng thức thực thể của thế giới, là nguồn gốc của sự sống. 2/ Nước là yếu tố tái sinh thể xác và linh hồn, biểu tượng của khả năng sinh sôi nảy nở. 3/ Nước là biểu trưng cho tính thanh khiết, hiền minh và khoan dung, đức hạnh. Trong các tập tục văn hóa, tín ngưỡng, các biện sự cụ thể có thể biếu đạt riêng từng chủ đề, song đa phần đều hàm chứa cả ba chủ đề - đậm nhạt không chừng.

Hầu hết các tôn giáo và thần thoại khai nguyên các dân tộc đều coi nước là khởi thủy cho cuộc sáng tạo thế giới. Bắt nguồn từ vũ trụ quan Ấn Độ cổ, thế gian luận về vũ trụ của Phật giáo thì toàn thế giới của chúng ta (lấy núi Tu di làm trung tâm, chung quanh có 4 đại châu, 9 lớp núi, 8 lớp biển), các đại châu - trong đó có Nam Thiệm bộ châu của loài người, là các lục địa nổi bồng bềnh trên biển nước thơm Hương hải. Dưới cái nhìn của nhà Phật, các kinh tạng xác định bản thể của nước là lắng trong / thanh tịnh nên dùng nước làm phép tu tập (Thủy định, Thủy quán, Thủy tưởng quán, Từ bi thủy sám pháp...) và từ cái nhìn tương tác viên dung giữa hiện tượng và bản thể (duyên khởi và thật tướng), nước được coi là biểu tượng cho 10 ý nghĩa của chân tâm (Thủy dụ chân tâm thập nghĩa) hay 10 thiện pháp của Bồ tát (Thủy dụ Bồ tát thập chủng thiện pháp).

Rõ ràng, nước là thanh khiết, nhưng rửa tay chưa đủ để gạt bỏ tội lỗi về đạo lý; sạch sẽ da thịt chưa phải đã là thanh tịnh tâm trí, đạt đến thường lạc. Nói cách khác, cần có một chiều kích quy chiếu hoàn hảo hơn, mới tương thích với bản chất xuất thế gian của nước.

Theo Trừ cái chướng Bồ tát sớ vấn, Bồ tát có khả năng dùng pháp thủy để cứu giúp chúng sanh khiến cho thiện căn của họ được tăng trưởng, trừ sạch được tội cấu, xa lìa sự nóng bức của sinh tử và dứt được tâm khát ái đặng thành tựu Bồ đề mà bước lên bờ giác như nước. Bản thể của nước vốn thanh tịnh - yên tĩnh, nhất là khả năng làm cho vạn vật tăng trưởng, tẩy sạch cấu uế, nóng bức gặp nước được mát mẻ, khô khát gặp nước được tươi mát. Chính 10 thuộc tính đó đã biểu thị khá tường minh 10 thiện pháp: 1/ Chảy thấm vào đất (Bồ tát dùng pháp thủy thanh tịnh điều phục tất thảy các chúng sanh không phân biệt); 2/ Gieo trồng hạt thiện pháp (Bồ tát gieo hạt bồ đề, dùng nước định tưới cho thành diệu quả); 3/ Tin ưa hoan hỉ  (như dòng nước lớn, chảy thấm khắp và làm tươi tốt các loại thực vật); 4/ Tiêu trừ cội gốc phiền não; 5/ Tự thể thanh tịnh không xen tạp; 6/ Dứt trừ sự nóng bức của phiền não; 7/ Ngăn được lòng ham muốn khát ái; 8/ Sâu rộng vô biên; 9/ Chỗ cao chỗ thấp đều đầy đủ (Tùy theo căn khí cao thấp của tất cả loài hữu tình mà dùng phương tiện thích hợp để khai thị); 10/ Dứt trừ trần lao (Bồ tát dùng nước định huệ tưới nhuần tất cả hữu tình khiến họ từ bỏ tất cả tập khí thô ác, phát tâm dứt bỏ trần lao, phiền não đồng nhập vào cảnh giới thanh tịnh).

Ở một tầm kích khác tính/ bản thể thanh tịnh của nước cũng được quy chiếu với thuộc tính của chân tâm. Ở Thủy dụ chân tâm thập nghĩa này, chúng ta thấy cái nhìn khá tường minh về thể và tướng của nước: 1/ Thể của nước là lắng trong thanh tịnh; 2/ Do bùn mà thành đục; 3/ Tuy đục nhưng không mất tính trong; 4/ Bùn lắng xuống thì nước trong hiện; 5/ Gặp lạnh thành băng có công dụng cứng chắc; 6/ Tuy có công dụng cứng chắc nhưng không mất tính mềm; 7/ Băng gặp nóng chảy thành nước (trở về với tính ướt); 8/ Gió nổi lên thì nước biến thành sóng, nhưng tính yên tĩnh vẫn không thay đổi ; 9/ Nước chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp nhưng tự tính thì bất động; 10/ Nước có hình dáng tùy theo đồ đựng nhưng không mất đi tự tính của nó.

5. Khó có thể nói hết được nghĩa lý và công năng của nước trong giáo pháp và nghi lễ của nhà Phật và đó cũng không phải chủ đề của bài viết này. Ở đây, chỉ là một vài ghi nhận tản mạn về nước trong tập tục đón xuân của thế gian và nhân đó liên hệ đến các tầm kích xuất thế gian của nước.

Nước của mùa xuân là dòng nước thanh xuân. Thời điểm mà thế gian tiến hành lễ hội theo chu kì của năm tháng là thời điểm thiêng, là khoảnh khắc đặc biệt, bứt ra khỏi thời gian của cuộc sống thường nhật... và ở đó mọi thứ đều tìm lại được điều bí ẩn, huyền nhiệm vốn có của chúng. Nước là một ví dụ.

Có nhiều loại lễ hội, trong đó có những lễ hội đáp ứng những trói buộc không thể vượt qua của quy luật tự nhiên (như những biến đổi sinh lí và cái chết của qui luật sinh tử) và hành vi lễ hội thực ra là những cố gắng giải thoát con người khỏi mối sợ hãi cá nhân. Tết được gọi là lễ Chịu tuổi (Khmer) hay lễ Mừng tuổi - tức thời điểm đánh dấu sự già đi của mỗi cá nhân, tức chỉ rõ ra khoảng cách đến “đích cuối cùng” đã bị thu ngắn lại một lượng nhất định.

Cổ tích suy nguyên của chúng ta có câu chuyện kể về sự hèn nhát của thiên sứ nhà Trời trước lũ rắn độc nên đã buộc lòng nói ngược lời thiên khải rằng: “Rắn già rắn lột, người già chui tuột hòm săng”. Con người phải lâm vào vòng sinh tử từ đó. Ở sử thi thần thoại Đẻ đất đẻ nước của người Mường cổ (gốc của nhóm Việt - Mường) cũng kể câu chuyện tương tự, nhưng cổ xưa hơn, mộc mạc hơn. Truyện kể rằng từ thuở xa xưa, khi đất còn bạc lạc, nước còn bời lời, đất trời còn dính làm một, bông cơm trái lúa ngày ấy chưa nên...

Đặt cho đá Chính Chi là kẻ đi rao

Rao từ mường dưới đất rao lên

Rao từ mường trên cao rao xuống:

Bắt đầu khi xưa con rắn chết cốt,

Con người lột lại

Cây trái năm được năm thua

Làm mùa năm cạn năm không...

(...)

Rắn đen nghe thật lời tiếng ấy,

Nghe hại thân, hạ mình

Ra đón cắn đá Chính Chi giữa đàng.

Rắn vàng nghe thật lời tiếng ấy,

Ra đón cắn đá Chính Chi giữa sá

Đá Chính Chi không dám đi rao, đi gọi.

Thế là, đá Chính Chi sợ, và sau đó đổi lại lời rao:

Bắt đầu con người xưa chết cốt,

Con rắn lột lại.

Rắn đen không đón đàng,

Rắn vàng không đón sá,

Cắn đá Chính Chi giữa đàng!

Việc sinh tử là nỗi lo từ thời buổi bình minh của con người và mong muốn thoát khỏi điều đó cũng tồn tại thường xuyên nên mới ước ao: cây gậy đầu sanh - đầu tử của Tản Viên Sơn thánh/ Sơn Tinh, lá thuốc trường sinh của chú Cuội, thờ Thọ Tinh/ Ông Thọ, chọn giải pháp tu tâm hướng thiện để làm xúc động lòng công chính của Nam Tào - Bắc Đẩu... Và rồi mỗi năm khi Tết đến, cùng với sự tái sinh của vạn vật con người cũng cần đến khả năng thanh tẩy và phục hồi của nước. Các tập tục liên quan đến nước ở thời điểm này là nhằm mục đích đó. Nước phép đầu năm là hai mặt của một mong muốn vô vọng: xóa bỏ dấu vết tàn phá của thời gian và đưa vào thế giới loài người một chút vĩnh cửu - vốn là đặc hữu của thần linh. Khác với kỳ vọng bất thành của dòng nước thanh xuân, nguồn nước thanh tịnh lại có khả năng thù thắng trong nỗ lực tu dưỡng nhằm gia tăng phẩm chất và giá trị cho cuộc sống ở đây và bây giờ.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 78
    • Số lượt truy cập : 6367826