Thông tin

DU LỊCH TÂM LINH MỘT CÁI NHÌN THAM CHIẾU QUA THIỀN VIỆN BONGEUNSA HÀN QUỐC

DU LỊCH TÂM LINH MỘT CÁI NHÌN THAM CHIẾU

QUA THIỀN VIỆN BONGEUNSA HÀN QUỐC

                                                                                                        

ĐỖ THỊ MINH THÚY

 

Chính điện của Điện Yeongsan-jeon nơi tượng trưng cho đỉnh Vulture (Ấn Độ)

Du lịch tâm linh là một khái niệm xuất hiện trong xã hội hiện đại. Bản chất của du lịch tâm linh là dựa vào tài nguyên văn hóa tâm linh để làm kinh tế. Hàn Quốc là một quốc gia có nền văn hóa gần gũi với Việt Nam trong quá khứ; trong hiện tại văn hóa Hàn Quốc cùng với sự phát triển của kinh tế đã có những bước phát triển vượt bậc vươn ra thế giới. Trong phạm vi bài viết, qua trường hợp thiền viện Bongeunsa của Hàn Quốc chúng tôi muốn đưa ra cái nhìn tham chiếu về việc phát huy các di sản văn hóa thông qua các hoạt động du lịch tâm linh.

Du lịch tâm linh là một khái niệm xuất hiện trong xã hội hiện đại có một phần nội hàm trùng với khái niệm hành hương. Nếu hành hương là một khái niệm xuất hiện từ xa xưa gắn liền với các nghi thức tôn giáo, là nghĩa vụ bắt buộc của mỗi tín đồ theo định kỳ tới cầu nguyện tại các vùng đất thiêng nơi phát tích của đạo như Jezuzalem của người theo đạo Thiên chúa, người theo đạo Do Thái, Thánh địa Mecca của người theo đạo Hồi, thì du lịch tâm linh có đối tượng gồm người theo đạo đến để cầu nguyện và du khách đến thuần túy vì mục đích khám phá văn hóa. Điểm khác biệt lớn giữa du lịch tâm linh với hành hương ở chỗ du lịch tâm linh nhắm tới mục đích kinh tế. Bản chất của du lịch tâm linh là dựa vào tài nguyên văn hóa tâm linh để làm kinh tế. Hoạt động du lịch tâm linh được thực hiện bởi các công ty du lịch xúc tiến đưa khách đến các địa danh. Hoạt động du lịch tâm linh còn do chính giới tăng lữ và các tín đồ tại cơ sở thờ tự thực hiện, đây là một khía cạnh khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng ở Hàn Quốc đã có nhưng bước phát triển. Đặc biệt, du lịch tâm linh là một trong những hoạt động góp phần chấn hưng Phật giáo tại Hàn Quốc.

Hàn Quốc là một quốc gia có nền văn hóa gần gũi với Việt Nam trong quá khứ; trong hiện tại văn hóa Hàn Quốc cùng với sự phát triển của kinh tế đã có những bước phát triển vượt bậc vươn ra thế giới, đặc biệt có sự chuyển đổi từ một quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo sang một quốc gia có đa số dân theo đạo Tin Lành. Trong phạm vi bài viết, qua trường hợp thiền viện Bongeunsa của Hàn Quốc, chúng tôi muốn đưa ra cái nhìn tham chiếu về việc phát huy các di sản văn hóa thông qua các hoạt động du lịch tâm linh.

Vài nét về Thiền viện Bongeunsa

Thiền viện Bongeunsa là ngôi đền nổi tiếng của Hàn Quốc không chỉ về giá trị lịch sử, văn hóa mà còn là một mô hình thành công phát triển du lịch tâm linh trong việc mang lại lợi ích kinh tế từ các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả di sản văn hóa.

Bonngeunsa thuộc Samseong-dong, quận Gangnam-gu, thành phố Seoul, Hàn Quốc. Chùa được Quốc sư Ven.Yeonhoe xây dựng vào năm 794, dưới triều vua Wonseong. Đến triều đại Joseon (1392 – 1910), sự phát triển của Phật giáo gặp nhiều khó khăn do chính sách đề cao Khổng giáo bài Phật giáo. Thiền sư Ven.Bowu, trụ trì tại Bongeunsa được coi là người có công chấn hưng Phật giáo, và là người đặt nền móng cho Bongeunsa phát triển, trở thành trung tâm Phật giáo Thiền tông tại Hàn Quốc. Trong suốt chiều dài lịch sử, mặc dù bị Nhà nước kiểm soát việc tuyển chọn sư sãi, Bongeunsa vẫn luôn giữ vai trò một trung tâm lớn đào tạo các vị thiền sư, đặc biệt các thiền sư thuộc dòng Thiền thực hành ở Hàn Quốc.

Vào cuối triều Joseon, thiền sư Ven.Younggi cho xây dựng trong khuôn viên Bongeunsa, tòa nhà Pan-Jeon để chứa kinh Phật, đến nay vẫn còn lưu giữ được 81 bản khắc gỗ kinh Hoa Nghiêm nổi tiếng. Cũng trong thời gian này, Jeonghee Kim, bút danh Chusa là nhà giáo và là nhà thi pháp lớn nhất Hàn Quốc - người tạo dựng dòng thi pháp đặc biệt Chusache cư ngụ tại chùa.

Bước vào thời hiện đại, Bongeunsa trải qua các giai đoạn suy thoái. Thiền sư Ven.Youngam đã dần dần tập hợp Phật tử trên toàn quốc, phát triển Bongeunsa trở thành một ngôi chùa lớn nhất hiện nay. Vào năm 1960, Viện Dịch thuật Dongguk được thành lập tại đây và trở thành Viện hàng đầu dịch kinh Phật từ tiếng Trung sang tiếng Hàn, ngôi chùa trở thành chiếc nôi của phong trào chấn hưng Phật giáo tại Hàn Quốc.

Bongeunsa hiện nay có quần thể kiến trúc khá bề thế, tổng thể có 10 cụm kiến trúc, điêu khắc đáng chú ý:

- Cổng Như thị (Jinyeo-mun) với hàm ý bước qua ranh giới tượng trưng này ta sẽ tới một thực tại nguyên sơ như nó vốn có.

- Điện Dharma (Beopwang-ru) là nơi gặp gỡ của các vị thượng tọa và thực hành nghi lễ buổi sáng. Tại đây, thờ 3.300 pho tượng Bồ tát thu nhỏ nhằm tôn vinh lòng từ bi cứu nạn cứu khổ chúng sinh theo tinh thần Phật giáo, đồng thời thể hiện tôn chỉ của ngôi chùa về con đường thực hành tu trì giữa nhân gian.

 


Điện Dharma (Beopwang-ru) thờ 3.300 pho tượng Bồ tát thu nhỏ

- Nhà học (Seonbul-dang) được xây dựng dưới triều Joseon, là nơi giảng dạy, đào tạo thiền sư. Đây là một mẫu mực về kiến trúc cổ của Hàn Quốc, có giá trị về lịch sử, văn hóa không thể tìm thấy ở các ngôi chùa khác.

 

Nhà học (Seonbul-dang) nơi giảng dạy, đào tạo thiền sư

 

- Đại điện (Daewoong-jeon) là tòa nhà trung tâm được ví như trái tim của Bongeunsa. Gian giữa thờ Phật tổ Như Lai, hai bên là Đức Phật A Di Đà và Đức Phật Dược Sư, tại đây diễn ra hầu hết các hoạt động thường nhật của ngôi chùa.

- Điện Jijang-jeon thờ Đức Phật Địa Tạng, người bảo hộ các linh hồn, vị Phật từ chối về thế giới cực lạc, ở lại nhân gian nguyện cứu tất cả các chúng sinh.

- Điện Yeongsan-jeon được xây dựng ở vị trí cao nhất, từ đây có thể nhìn toàn cảnh khuôn viên Bongeunsa. Tòa nhà này tượng trưng cho đỉnh Vulture ở Ấn Độ, nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng Phật pháp. Để tái tạo bối cảnh lịch sử này, chính điện thờ tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hai bên là 2 đệ tử xuất sắc Phật Ma Ha Ca Diếp và A Nan Đà cùng với 16 vị La hán (được thể hiện trong tranh vẽ trên tường).

- Điện thờ báu vật của thần Bắc Đẩu (Bukgeukbo-jeon). Việc thờ sao Bắc Đẩu cho thấy ảnh hưởng của Đạo giáo tới Phật giáo tại Hàn Quốc, đồng thời đây còn là sự tiếp nối việc thờ cúng bảy ngôi sao thuộc chòm sao Đại Hùng vốn được coi là các vị thần bảo trợ sinh sản, tuổi thọ, sự giàu có và mùa màng trong tín ngưỡng dân gian Hàn Quốc.

- Thư viện (Pan-jeon) đã được đề cập ở trên, đây là tòa nhà lâu đời nhất trong khuôn viên Bongeunsa. hiện lưu trữ 3.438 bản kinh Phật, bao gồm bài luận cổ về kinh Hoa Nghiêm. Đáng chú ý trên tường gian chính giữa treo một bức thi pháp được biết tới là tác phẩm cuối cùng của nhà thư pháp huyền thoại Jeonghee Kim.

- Tại Bongeunsa có hai gác chuông khá đặc biệt, không phải về kiến trúc mà là về bốn kỳ vật treo bên trong gồm: một đại hồng chung, một giá chiêng, một giá trống và một con cá gỗ. Bốn vật dụng này được dóng lên vào mỗi sáng sớm và chiều tối nhằm cứu vớt tất cả sinh linh trong vũ trụ: Những âm thanh của chuông cứu vớt các linh hồn thoát khỏi địa ngục; Những âm thanh của trống cứu vớt linh hồn các loài động vật; Những âm thanh của chiêng cứu vớt các linh hồn lang thang trong không  trung, đặc biệt là linh hồn các loài chim; Âm thanh của cá gỗ cứu vớt linh hồn các loài vật lang thang trong nước… để đưa tất cả các linh hồn đó lên thiên đường. Bên dưới tháp chuông là hồ nước tròn, chính giữa dựng tượng Đức Phật Quán Thế Âm Bồ tát trên tay cầm bình Cam lồ - vị Phật nghe, nhìn, thấu hiểu mọi nỗi khổ thế gian. Cụm kiến trúc bao gồm gác chuông, hồ nước và Đức Phật Quán Thế Âm Bồ tát mang tính biểu tượng về triết lý cứu độ chúng sinh của đạo Phật, đồng thời ghi nhận dấu ấn Phật giáo Hàn Quốc.

 

Một trong hai gác chuông     

 

- Các pho tượng có giá trị về văn hóa, nghệ thuật tại Bongeunsa:

Gồm bốn pho tượng bằng gỗ tạc bốn vị vua Trời lấy nguyên mẫu từ văn hóa Ấn Độ. Theo truyền thuyết, mỗi vị trấn giữ một phương trời bảo vệ Phật Tổ tu luyện trong rừng. Mỗi pho tượng là một tác phẩm đặc sắc trong loại hình tượng này tại Hàn Quốc với nét mặt nhân từ, nụ cười rạng rỡ.

Tượng Phật Di Lặc được tạc từ đá hoa cương cao 23 m, mô tả Đức Phật đến thế gian cứu độ chúng sinh. Đây là một công trình đồ sộ, đá dùng xây tượng được lấy từ Iksan, tỉnh Jeolla nơi Đức Di Lặc được đặc biệt tôn thờ. Bức tượng là minh chứng đức tin của các Phật tử tại Hàn Quốc.

Một số hoạt động du lịch tâm linh tại Bongeunsa

Trước hết, do đặc thù của Phật giáo Hàn Quốc không phải là tôn giáo chiếm ưu thế trong xã hội, để tồn tại và phát triển như phần trên đã trình bày, từ những năm đầu thế kỷ XX, Phật giáo Hàn Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm chấn hưng Đạo, dưới sự dẫn đắt của thiền sư Ven.Youngam, Phật tử đã phát triển Bongeunsa trở thành một ngôi chùa lớn, đại diện cho Phật giáo Hàn Quốc. Từ kết quả của quá trình nỗ lực bền bỉ của toàn thể Phật tử Hàn Quốc, ngày nay Bongeunsa đã viết lên trang sử mới, trở thành trung tâm thực hành Phật giáo lớn nhất ở Hàn Quốc. Các thiền sư thực hành tu luyện thiền song song với việc tham gia vào các công việc xã hội. Việc quản lý tài chính của chùa được mở rộng với sự góp mặt của Phật tử. Các phật tử không chỉ hoạt động tôn giáo một cách tích cực qua các nghi lễ thờ cúng mà còn là các tình nguyện viên tham gia các công việc xã hội, thông qua các hoạt động đó đã đem những điều răn dạy của Phật Tổ lan tỏa rộng khắp chúng sinh, giúp cho Phật giáo hiện đại Hàn Quốc vươn tới cộng đồng.

Để tạo nguồn tài chính duy trì hoạt động và phát triển, Bongeunsa có nhiều hoạt động kinh tế sáng tạo, thích ứng với nhịp sống hiện đại, năng động của một thành phố hiện đại như Seoul. Chương trình du lịch tâm linh tại chùa là một hoạt động nổi bật hướng tới hai mục tiêu: mục tiêu kinh tế và mục tiêu hoằng dương Phật pháp. Hiện Bongeunsa có hai gói tour dài ngày và ngắn hạn. Gói thứ nhất 2 ngày một đêm thực hành thiền tại chùa của các du khách với kinh phí 50.000won/người (được bắt đầu từ 2g chiều ngày đầu tiên, kết thúc vào 9g sáng ngày thứ hai). Lượng khách được nhà chùa tiếp đón cùng lúc khoảng từ 10 đến 30 người. Du khách sẽ được trải nghiệm sống như một thiền sư, hưởng không khí trong lành tĩnh mịch với tiếng chuông chùa ngân nga trong đêm khuya thanh vắng, uống trà đạo, đàm đạo cùng các thiền sư và thực hành thiền như lần trang hạt, quỳ lạy 108 lần. Gói thứ hai chỉ thực hiện trong 2g tiếp đón từng nhóm du khách cỡ khoảng 5 người (khách nước ngoài được xếp lịch từ 2g đến 4g30 chiều ngày thứ 5 hàng tuần), đem đến cho du khách những trải nghiệm nhỏ về văn hóa Hàn và văn hóa Phật giáo gồm: Tham quan chùa, dự trà đạo, thực hành thiền, làm đèn hoa sen với kinh phí 20.000 won/ người.

Việc lôi cuốn sự đóng góp của Phật tử tại Bongeunsa cũng rất đáng lưu ý, tại bất cứ ban thờ nào trong chùa cũng không đặt hòm công đức. Ban trị sự chùa cho xây dựng bên ngoài khuôn viên ngay gần cổng chính một cửa hàng gồm các gian bán đồ lưu niệm; gian bán thực phẩm đồ chay; gian bán quần áo, giầy dép (gồm đồ đã dùng và đồ mới tồn kho)… do Phật tử cúng dường và được điều hành bởi các Phật tử. Hoạt động nhộn nhịp mua bán tại cửa hàng phục vụ các Phật tử, du khách đã đem lại nguồn thu đáng kể. Chúng tôi tới viếng thăm đền trong dịp sang công tác tại Hàn Quốc năm 2011 đã chứng kiến hình ảnh những phụ nữ trẻ mang những bộ quần áo được giặt là cẩn thận treo trên mắc, phủ ni lông tới chùa làm từ thiện, sau khi được tiếp nhận đã được treo bán ngay tại cửa hàng mà không cần qua khâu xử lý làm sạch. Với phương châm gắn đạo với đời trong mọi  hoạt động đã khiến  Bongeunsa - báu vật trong di sản văn hóa Hàn Quốc, ngôi chùa nghìn năm tuổi tràn đầy sức sống giữa một Seoul hiện đại.

***

Từ các hoạt động của chùa Bongeunsa, đặc biệt qua hoạt động du lịch tâm linh đem đến cho chúng ta cái nhìn tham chiếu, suy nghĩ về cách thức khai thác di sản đem lại lợi ích kinh tế và hoằng dương Phật pháp một cách chính thống. Ở Việt Nam, Phật giáo có lợi thế trong hòa đồng với tín ngưỡng dân gian với một số lượng Phật tử đông đảo, tuy nhiên việc tiếp xúc giữa các vị sư và Phật tử thường có khoảng cách, làm thế nào để giáo lý của Phật đến với người dân một cách nhuần nhị, tự nhiên rất cần vai trò dẫn dắt của các vị cao tăng, cũng như làm thế nào thay đổi việc cúng dường của các tín đồ một cách đẹp đẽ, trang trọng hơn. Việt Nam có rất nhiều ngôi chùa có vị trí thuận lợi, có kiến trúc, lịch sử lâu đời cùng các di vật có giá trị, làm thế nào để phát huy các giá trị đó một cách chủ động không chỉ trông chờ vào các tác động từ bên ngoài tới từ các công ty lữ hành, từ lòng sùng kính của thiện nam tín nữ mà rất cần sự chủ động từ chính các vị sư trụ trì để du lịch tâm linh đạt tới hai mục tiêu là vừa khai thác di sản đem lại lợi ích kinh tế vừa hoằng dương Phật pháp.


 Ảnh, tài liệu cho bài viết lấy từ chuyến đi Hàn Quốc tháng 10 năm 2011 của tác giả.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 10
    • Số lượt truy cập : 6058291