ĐỨC PHẬT QUA 2.640 NĂM
ĐỨC PHẬT QUA 2.640 NĂM
HOÀNG VĂN LỄ
Nhân kỷ niệm Phật đản năm nay, chúng tôi tìm hiểu một số vấn đề đặt ra qua nhận thức và nghi lễ dâng lên Phật.
1- ĐỨC PHẬT, CON NGƯỜI LỊCH SỬ VĨ ĐẠI
Đức Phật được sinh ra, làm người từ 2.640 năm trước đây, thọ 80 tuổi, với 45 năm hoằng pháp, sau 6 năm tu hành tìm kiếm con đường giải thoát. Hiện nay, Phật giáo ghi nhận hơn 30.000 bài kinh Đức Phật đã truyền giảng, một kho tàng trí tuệ, một minh triết cao siêu có tính giáo dục thiết thực cho mỗi chúng sinh để cứu khổ, giải thoát…
Nhân ngày Đức Phât ra đời (vào năm 1952, tại Đại hội Phật giáo Thế giới tổ chức ở Nhật Bản, các đại biểu đã thống nhất lấy năm Phật nhập Niết Bàn làm năm thứ nhất của Phật lịch. Phật lịch bắt đầu từ năm 544 trước Công nguyên. Như vậy, năm 2016 này sẽ là năm 2560 Phật lịch, và kỷ niệm 2.640 năm ngày Đức Phật ra đời), chúng ta nhìn vào con người lịch sử của Đức Phật để ngưỡng mộ và tu tập thiết thực.
Đức Phật được các sư tăng và người đời tôn kính là “đức thế tôn”, nhưng không bao giờ tự xưng mình là thần linh, hay là con của thần linh, hoặc là sứ giả của thần linh. Ngài chỉ là một con người với tư duy sâu sắc về lẽ thường tồn “sinh, già, bệnh, chết”, đã vượt qua các thử thách trong tìm kiếm chân lý và tự cải thiện để trở nên toàn hảo, Ngài không bao giờ bảo đệ tử của Ngài thờ phượng Ngài như một vị thần, hay đấng cứu thế. Ngài khuyên mọi người kính trọng Ngài như một người chỉ đường, một người thầy, và nếu chúng ta noi theo Ngài, ta cũng có thể trở nên toàn hảo như Ngài. Câu triết lý “kia là trăng, đây là ngón tay chỉ trăng”, chớ lầm lẫn ngón tay tức triết lý chỉ đường của Ngài là mặt trăng tức chân lý giải thoát.
Trong nhiều bộ kinh còn lưu lại, đó là sự kết tập của nhiều đại sư trong tiến trình phát triển của xã hội, của đạo Phật. Lời dạy của Đức Phật có thể được thêm bớt qua nhận thức của người đời dù là tăng sĩ uyên bác bậc nhất. Người Phương Tây từ chỗ xem đạo Phật như dạng mê tín, tôn thờ ảnh tượng; đến nay đã thấy tính minh triết và con đường tu tập rất nhân văn, cứu cánh là giải thoát. Những nhà khoa học bậc thầy của thế gian có khuynh hướng thừa nhận minh triết của Phật giáo là khoa học, Đức Phật là bậc thầy của nhân loại nhìn thấu suốt lẽ sinh tồn của con người.
Học Phật nơi con người giác ngộ là thực tế sống động của thế giới ngày nay; hiểu minh triết Phật giáo một cách nhân văn trái ngược với cuộc sống nhiều lý lẽ đấu tranh sinh tồn phiến diện. Lịch sử minh chứng, cấp vua quan nước ta có lúc biến Đức Phật như thần linh, dùng tượng Phật ra cầu mưa, giải hạn; như vậy đã không hiểu đúng minh triết nhà Phật. Người đến chùa, kể cả người tự nhận mình là con Phật, cầu Phật những điều rất riêng tư, thậm chí trái ngược lại với lẽ sống đời thường; như vây thực sự rất xa với triết lý nhân quả, một nguyên lý căn bản Đức Phật đã truyền thừa. Xu hướng thần thánh hóa, “ban phước, giáng họa” của thế gian đề ra, đi ngược lại với việc tu hành theo “bát chánh đạo” của Đức Phật.
Trên 2.500 năm Phật giáo nhập thế, dù nhiều cao tăng mở rộng triết lý Phật giáo với nhiều bổ sung, sát với nhận thức nhân sinh từng lúc; song chúng ta đều nhận rõ, triết lý căn bản nhất về “tứ thánh đế” không thay đổi, là điều căn bản trong học Phật, trong đó “bát chánh đạo” là con đường tu tập để giải thoát. Đơn giản hóa pháp môn tu tập có thể mơ hồ trong thấu hiểu đạo Phật, pháp môn nào dù đạt mục đích giáo hóa con người, nhưng nếu không xuất phát từ “bát chánh đạo” khó thành đạt cuối cùng là giải thoát. Đó là lẽ sống của con người lịch sử mà Đức Phật đã trải nghiệm trong 80 năm ở thế giới ta bà này.
2- Ý NGHĨA LỄ TẮM PHẬT
Theo Bồ Đề Hải, nghi thức tắm Phật được tín đồ Phật giáo tôn trọng và cung kính thực hành hàng năm vào ngày Phật đản, vì nó là một phương pháp để người tu phản tỉnh. Phương pháp tắm Phật rất giản dị: Phật tử lên trước tượng Phật sơ sinh đặt giữa một bồn nước, thông thường là nước pha trộn bởi các vị hương thơm; quỳ xuống đảnh lễ ba lạy để bày tỏ lòng thành kính và khiêm cung đối với vị Phật sơ sinh; đồng thời có thể cúng dường hương hoa, phẩm vật, để bày tỏ lòng kính mộ của mình; dùng một cái gáo nhỏ múc nước hương thơm, từ từ rưới lên thân mình Phật ba lần. Tắm Phật như vậy, Phật tử quán tưởng rằng thân Phật cũng ví như là thân tâm của mình vậy, nước rưới lên thân Phật, sẽ gội rửa ba nghiệp ác do thân, miệng và ý của mình tạo ra. Nếu nước hương thơm là thứ dùng để tắm thân Phật, thì Phật pháp là thứ mà bạn phải dùng để gột trừ cấu uế trong tâm; từ bỏ hành động, lời nói và suy nghĩ của kẻ phàm trải qua bao kiếp, tích tập vô số thói hư tật xấu, tà kiến ác hạnh, ngu si chấp trước. Nếu dùng Phật pháp như nước tẩy, tắm gội tam nghiệp, tức là nếu ta sửa đổi thói hư tật xấu, xả trừ chấp trước, minh tâm kiến tánh, thì ta sẽ khôi phục lại được thể tánh thanh tịnh sẵn có. Bởi vậy, điều then chốt trong lễ tắm Phật là ta phải hết sức thành tâm để ta tiêu trừ nghiệp chướng chấp trước.
Nguồn gốc của lễ tắm Phật bắt nguồn từ sự tích đức Phật đản sinh. Tương truyền khi Phật giáng sinh, có chín vị rồng tới phun nước tắm rửa cho Ngài. Cùng với nước là hương hoa do các vị trời rơi xuống làm thanh tịnh thân Phật. Về sau Ấn Ðộ, các tự viện thường hay để tượng một vị Phật sơ sinh, mỗi ngày tín đồ có thể tới viếng chùa và lấy nước rưới lên mình Phật như là một hành động tẩy trừ sự ô nhiễm nơi thân Phật, cũng như thân mình. Về sau không rõ đích xác nguyên do gì truyền thống này lần lần cải biến. Ở Trung Hoa, vào đời Ðường, đời Tống, tắm Phật là một pháp hội rất long trọng, mỗi năm được tổ chức một lần vào ngày Phật đản sinh. Nhất là ở Nhật Bản, vào khoảng năm 840, niên hiệu Thừa Hòa thứ bảy trở về sau, mỗi năm nhằm vào ngày tám tháng tư lễ tắm Phật được cử hành vô cùng trang nghiêm trong hoàng cung. Vì vậy, ở Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, lễ Phật đản là một ngày vô cùng quan trọng được gọi là Phật Sinh Hội, Dục Phật Hội, Quán Phật Hội, đều là chỉ vào nghi thức tắm Phật cử hành trong ngày ấy. Lý do nghi thức tắm Phật được tín đồ Phật giáo tôn trọng và cung kính thực hành hàng năm vì nó là một phương pháp rất hay để người tu phản tỉnh.
3-KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT
Kinh Bát nhã Ba la mật được đọc tụng trong nghi thức Phật đản. Đây là bộ kinh triết lý thâm sâu của Phật giáo, nội dung như sau:
Khi Ngài Quán Tự Tại Bồ tát thực hành sâu xa pháp Bát nhã Ba la mật đa,
Ngài soi thấy năm uẩn đều không, qua hết thảy khổ ách.
"Này ông Xá Lợi Phất, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều như thế".
"Này ông Xá Lợi Phất, 'tướng không của mọi pháp' không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không thêm, không bớt, nên trong 'chân không', không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức, không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, không có sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, không có nhãn giới, cho đến không có ý thức giới, không có vô minh, cũng không có cái hết vô minh, cho đến không có già chết, cũng không có cái hết già chết, không có khổ, tập, diệt, đạo, không có trí huệ, cũng không có chứng đắc.
Vì không có chỗ chứng đắc, nên Bồ tát y theo Bát nhã Ba la mật đa, tâm không ngăn ngại. Vì không ngăn ngại, nên không sợ hãi, xa hẳn điên đảo, mộng tưởng, đạt tới cứu cánh Niết bàn.
Chư Phật trong ba đời cũng y theo Bát nhã Ba la mật đa, được đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Nên biết Bát nhã Ba la mật đa là Đại Thần chú, là Đại Minh chú, là Vô thuợng chú, là Vô đẳng Đẳng chú, trừ được hết thảy khổ, chân thật không hư".
Vì vậy, liền nói Chú Bát nhã Ba la mật đa: "Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha".
Như vậy, tôn trọng nghi thức lễ Phật đản không gì quý hơn việc tu tập theo định hướng và phương thức của Đức Phật; xuất phát từ tam quy và giữ gìn các giới luật được Phật đề ra một cách nghiêm túc và có yêu cầu thực tế hóa; không thần thánh hóa Đức Phật, chọn nguyên lý “tứ thánh đế” và con đường “bát chánh đạo” để làm căn bản trong bước đường học và hành theo Phật.
Tin tức khác
- TỪ QUANG TẬP 16 – THÁNG 4 NĂM 2016 (PL. 2560)
- TỪ QUANG XUÂN BÍNH THÂN (TẬP 15) – THÁNG 1 NĂM 2016 (PL. 2559)
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
Bình luận bài viết