Thông tin

ĐỨC PHẬT THỊ HIỆN YAMAKAPĀṬITHĀRIYA NHIẾP PHỤC NGOẠI ĐẠO

ĐỨC PHẬT THỊ HIỆN YAMAKAPĀṬITHĀRIYA

NHIẾP PHỤC NGOẠI ĐẠO

                                                     

VŨ ĐÌNH LÂM

 


 

Dùng thần thông để nhiếp phục ngoại đạo là một trong ba mươi tục lệ của chư Phật. Ðã là tục lệ thì vị Phật Chánh Giác nào cũng phải thực thi đúng như vậy. Tục lệ ở đây có nghĩa là những điều chư Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai đều thể hiện một cách đồng nhất mà không có ai quy định cả.

Cho nên câu chuyện đức Phật Gotama nhiếp phục ngoại đạo bằng thần thông là một chuyện bình thường vì đây chỉ là một việc làm kế thừa truyền thống của chư Phật. Trong thời đức Phật có tổng cộng sáu nhóm ngoại đạo. Những vị này đều có tuổi đời rất thâm niên và tín đồ vô cùng đông đảo. Tên của các vị này là:

- Purānakassapa

- Makkhaligosana

- Ajitakesakambala

- Sanjayavelatthaputta

- Pakuddhakaccayana

- Niganthanātaputta

Từ khi đức Phật Gotama thành đạo dưới cội Bồ-đề và Ngài thuyết pháp hóa đạo, có rất nhiều người hữu duyên tìm đến với Ngài. Pháp của đức Phật giảng có hệ thống, tâm lý, triết học, hoàn hảo đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối, chúng sinh nào có duyên chắc chắn giác ngộ ngay trong kiếp hiện tiền. Do đó nhiều đệ tử của đức Phật Gotama xuất gia, đắc đạo mặc dù họ đã có nhiều năm tu hành theo sáu vị lãnh đạo tinh thần trên. Các vị lãnh đạo đó nhìn thấy đệ tử của mình mỗi ngày mỗi ít, đa số đã từ giã mình đi theo thọ giới với đức Phật. Không nói được, nhưng càng nhìn đệ tử từ giã ra đi lại càng thêm căm thù đức Phật. Thế nên hình ảnh đức Phật và đệ tử của Ngài là một sự căm thù đối với nhóm lục sư ngoại đạo trên. Mọi sinh hoạt của Ngài đều bị họ theo dõi để tìm khuyết điểm xuyên tạc, nhục mạ, hạ uy tín... nhưng tất cả đều như gió thoảng mây bay.

Sở dĩ có chuyện đức Phật dùng thần thông chiến thắng ngoại đạo là vì Ðại đức Pindolabhāradvāja vâng lời ngài Moggallāna đi thu bát trầm trên hư không của một vị trưởng giả. Lần nọ, có một ông trưởng giả tìm được một khối trầm, cho tạc thành một bình bát và ông ta treo giải thưởng nếu ai lấy được bát, ông sẽ trọng thưởng và cả gia đình theo nương nhờ làm học trò. Nhóm Lục sư ngoại đạo nghe vậy cho người môi giới đến xin, nhưng ông từ chối. Họ nói với ông trưởng giả, chẳng lẽ vì một cái bát mà phải dùng thần thông thì không xứng đáng. Họ tìm nhiều mưu mô để đoạt được bát trầm nhưng không được. Ông trưởng giả nghĩ rằng trong nước mình đang ở có nhiều tôn giáo họ tự xưng là bậc Arahán cho nên ông treo giải thưởng như vậy người nào lấy được mới quả là Thánh Arahán. Nhưng bảy ngày trôi qua, nhóm Lục sư ngoại đạo không người nào thi hành theo tâm nguyện của ông trưởng giả.

Thế là một buổi sáng tinh sương, ngài Moggallāna và ngài Pindo vào thành khất thực nghe dân chúng đồn xôn xao về bình bát trầm của ông trưởng giả, nên ngài Moggallāna bảo Ðại đức Pindo hãy đi thu bát. Ông trưởng giả và dân chúng nhìn thấy tận mắt Ðại đức Pindo lấy bát, ông liền phát tâm trong sạch và hoan hỷ cúng dường tứ sự. Từ chuyện lấy bát của Ðại đức Pindo, dân chúng kính trọng và sùng ái đệ tử Sa môn Gotama, và họ rủ nhau đến chùa đông đảo để tìm xem thi triển thần thông. Ðức Phật hay biết chuyện này nên Ngài gọi Ðại đức Pindo vào và cấm từ nay về sau, Ðại đức và chư Tăng không được tự tiện dùng thần thông trước quần chúng.

Khi đức Phật cấm chế điều luật đó, nhóm Lục sư ngoại đạo hay biết được và cho người đi tuyên truyền rằng: đệ tử của Sa-môn Gotama còn vì danh lợi nên mới đi lấy bát, còn chúng tôi là Arahán không vì danh lợi nên không lấy bát theo lời yêu cầu của trưởng giả. Sa-môn Gotama còn đập bát và cấm chế điều luật, không cho đệ tử sử dụng thần thông. Do đó, họ quyết định thi thố thần thông với Sa-môn Gotama.

Vua Ajātasattu hay tin ngoại đạo nói như vậy, vội vã vào yết kiến Đức Thế Tôn và bạch rõ vấn đề những vị lãnh đạo tôn giáo đó muốn thách thức so tài thần lực với Ngài. Ðức Phật trầm lặng trong giây lát, Ngài nói với nhà vua là đồng ý so tài thần thông với họ.

Vua nói: - Bạch đức Thế Tôn, còn việc Ngài cấm sử dụng thần thông thì sao?

- Thưa Ðại vương, Như-Lai cấm đệ tử, chứ Như-Lai đâu có cấm chính mình?

Thế là đức Phật báo rõ địa điểm và thời gian để so tài thần thông với nhóm Lục sư ngoại đạo. Ngày đó là Rằm tháng Āsālha tại Savatthī.

Khi ngoại đạo hay tin đức Phật đồng ý so tài thần thông với họ, nên họ rất sợ và hoang mang. Vì họ nghĩ rằng, Ngài cấm chế không cho đệ tử sử dụng thần thông thì chắc Ngài cũng không được phép sử dụng, ai ngờ bây giờ Ngài đồng ý đấu thần thông với bọn họ thì tính sao đây? Nhưng dù sao thì đã lỡ công bố rồi! Nhóm Lục sư ngoại đạo cùng nhau kéo về Savatthī và họ kêu gọi tín đồ hùn tiền để xây tháp đài để so tài thần lực với Sa-môn Gotama, nên họ thu được một số tiền rất lớn. Vua Pasenadi hay biết tín đồ của nhóm Lục sư ngoại đạo lo lắng cho thầy như vậy nên cũng nao nao trong lòng. Hôm sau, vua vào lễ đức Phật và xin Ngài chấp thuận cho xây một tháp đài giống như ngoại đạo để đức Thế tôn so tài với họ. Ðức Phật khước từ và Ngài bảo sẽ hiện thần thông dưới gốc cây xoài.

Ngoại đạo biết được cuộc nói chuyện giữa đức Phật và vua Pasenadi, nên họ cho đệ tử chặt hết những cây xoài trong thành Savatthī. Ðã đến ngày giờ so tài với ngoại đạo, đức Phật ngự vào thành nhưng chưa đến thành thì có một người giữ vườn Thượng uyển thấy xoài chín hái dâng lên đức Phật. Ngài chấp thuận vật thí và nói đại đức Ānanda tước vỏ xoài rồi thọ nhận, sau khi đức Thế Tôn dùng xong, còn hạt xoài thì Ngài bảo người giữ vườn đào lỗ trồng và Ngài tưới nước rửa tay lên đó. Chẳng bao lâu hạt xoài mọc lên một cây xoài xanh tươi nhiều hoa lá và có nhiều trái thơm ngon.

Dân chúng đến tham dự cuộc so tài của đức Phật và ngoại đạo, họ thấy xoài có nhiều trái chín nên họ hái cùng nhau ăn. Họ ăn xoài thấy hương vị ngon lạ lùng, càng ngon họ càng nguyền rủa bọn ngoại đạo vô cớ chặt hết những cây xoài trong thành Sāvatthī, nên họ thấy bọn ngoại đạo ở đâu họ dùng hạt xoài ném vào bọn ngoại đạo.

Sắp đến giờ so tài, nhóm ngoại đạo khủng hoảng tinh thần trước đại chúng. Liền sau đó, đức Phật hóa một con đường bằng ngọc báu, rồi Ngài đi thiền hành trên con đường đó. Tiếp theo, Ngài hóa thân, từ một thân thành nhiều thân, lúc đó đại chúng thấy nhiều đức Phật trong tư thế khác nhau, có vị Phật ngồi, nằm hoặc hai vị thuyết pháp với nhau... Cuối cùng, Ngài hiện song thông (Yamakāpātihāriya), với năng lực này chỉ có đức Phật Chánh Đẳng Giác mới có thể thực hiện được. Thần thông này cùng một lúc hiện ra hai điều kỳ diệu: từ thân vừa phún tia nước, vừa phún tia lửa; từ thân phát hào quang xanh và đỏ... Trước uy lực của một vị Phật như vậy, bọn ngoại đạo kiếp sợ và rút lui chạy tán loạn chỉ còn lại dân chúng đang hướng về đức Phật thành kính lễ bái. Sau đó, Ngài thuyết một bài pháp đúng vào tâm lý của từng chúng sinh, nên hôm đó chư Thiên và tứ chúng đắc đạo chứng quả nhiều vô số kể.

Ngay lúc đó, đức Phật chiêm nghiệm bằng tuệ giải thoát, Ngài thấy chư Phật trong quá khứ sau khi dùng thần thông thắng ngoại đạo thì sẽ lên cõi Trời Ðao Lợi thuyết pháp độ Phật mẫu bằng tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma). Hôm ấy, đúng vào ngày Rằm tháng Sáu.

Từ việc đức Phật so tài với ngoại đạo giúp chúng ta có thêm những ý niệm về lời dạy của đức Phật như sau:

- Việc đức Phật thị hiện song thông để chiến thắng ngoại đạo không phải chỉ riêng Ðức Phật Gotama, mà các vị Phật Chánh Giác đều giống nhau. Lý do thì không thấy kinh điển chú giải thêm nhưng điều đó có thể là để khẳng định trước Tứ chúng sự uy nghiêm và oai phong của một vị Phật Chánh Giác.

- Có thêm một luận cứ trong kinh tạng Nguyên thủy cho rằng đức Phật nhập hạ thứ bảy trên cõi Trời và Ngài giảng Tạng Diệu Pháp (Abhidhamma) độ Phật mẫu. Căn cứ vào những điểm lịch sử trên, chúng ta không thể nào lãng quên ngày trăng tròn tháng Āsālha (tháng sáu âm lịch) của Phật giáo.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 171
    • Số lượt truy cập : 6357671