Thông tin

DƯƠNG BÁ TRẠC (1884-1944), MỘT TRÍ THỨC TIẾN BỘ TRONG PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO Ở BẮC KỲ (1934-

DƯƠNG BÁ TRẠC (1884-1944), MỘT TRÍ THỨC TIẾN BỘ

TRONG PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO

Ở BẮC KỲ (1934-1945)

                                                     

                                                      TS. NINH THỊ SINH

               Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

 

Dương Bá Trạc 

 

Cách đây vài năm khi tôi bắt tay thực hiện Luận án về đề tài chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ, nhân duyên đã cho tôi gặp nhiều gương mặt chí sĩ tiêu biểu hồi đầu thế kỷ XX, trong số đó có cụ cử Dương Bá Trạc. Hẳn chúng ta không hề xa lạ với chí sĩ Dương Bá Trạc, bởi lẽ tên tuổi của ông gắn liền với các hoạt động duy tân hồi đầu thế kỷ, là một “yếu nhân của Đông Kinh Nghĩa Thục” và là “một nhà hoạt động văn hóa tích cực”. Nghiên cứu Dương Bá Trạc với những đóng góp trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ cho phép chúng ta khám phá những khía cạnh thú vị khác trong con người ông.

Hội Phật giáo Bắc kỳ được thành lập ngày 6/11/1934 theo Quyết định số 4328 của Thống sứ Bắc kỳ do Tổng đốc trí sĩ Nguyễn Năng Quốc làm hội trưởng, hội quán đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Không chỉ là một trong 32 thành viên tham gia sáng lập Hội Phật giáo Bắc kỳ, Dương Bá Trạc còn đảm nhiệm công việc ở nhiều vị trí khác nhau như tham gia Ban Quản trị Trung ương, hội viên Ban Khảo cứu, biên tập tạp chí Đuốc Tuệ, Chánh Đại lý Chi hội Phật giáo Mễ Sở (phủ Khoái Châu, Hưng Yên). Đối với hoạt động của Hội Phật giáo ở cả trung ương và địa phương ông đều có những đóng góp tích cực.

Với mong muốn dùng đạo Phật để duy trì nhân tâm thế đạo, cứu vãn phong tục đang suy đồi, ông đã viết nhiều bài trên báo Đuốc Tuệ. Chúng tôi liệt kê có cả thảy 7 bài viết của ông. Ông tập trung vào giải thích Mấy điều cốt yếu trong đạo Phật1, nêu lên Những nghĩa chân chính trong đạo Phật2, và chỉ ra Cái nguyên lý của Phật giáo3. Bên cạnh đó, ông còn giới thiệu tới độc giả mục đích ra đời của Hội Phật giáo cũng như mục đích của báo Đuốc Tuệ trong các bài như Mục đích Hội Phật giáo4, Vì sao mà Hội Phật giáo Bắc kỳ sáng lập? Vì sao mà Báo Đuốc Tuệ ra đời5. Ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những người tu tại gia và phương pháp tu tại gia trong bài Tu tại gia6. Về phương diện tổ chức ông góp ý kiến về việc chỉnh đốn tăng già Vấn đề chỉnh đốn tăng già7.

Trước hết, Dương Bá Trạc đã nêu lên những luận đề để bênh vực đạo Phật.  Ông khẳng định chắc chắn rằng, đạo Phật không phải là một đạo chán đời, mà là một “đạo rất yêu đời”. Biện luận cho quan điểm này, ông đã lấy những dẫn chứng trong kinh Phật cũng như chính ngay trong cuộc đời của Đức Thích Ca. Ông nhìn thấy ngay từ trong hành động từ bỏ cuộc sống giàu sang nhung lụa quyết đi cầu đạo của Thái tử là một tấm lòng thương đời của Ngài:

Xét trong thân thế Đức Thích Ca thì Ngài chỉ vì tấm lòng thương đời mà hy sinh hết cả cái thân ngài, ngôi báu của ngài và tất cả cái vinh hoa phú quý một đời ngài để cầu lấy một cái đạo vô thượng đặng cứu độ cho người, nên ngài phải tìm đường xuất thế, nghĩa là bước ra khỏi cái đời vật chất, dứt bỏ hết những vòng thanh sắc, lợi dục thì mới có thể tìm được những cái giáo lí huyền diệu mà dạy đời8.

Dương Bá Trạc đã so sánh hành động ấy của Ngài bằng một ví dụ rất cụ thể và sinh động: “Cũng ví như cái nhà đang bị cháy, thì phải ra ngoài cái nhà ấy, nếu cứ ở trong cái nhà ấy thì còn cứu chữa thế nào được9.

Không những là một đạo vì đời, đạo Phật còn một đạo rất “rất thiết thực, vì đạo Phật không chỉ dạy người ta phân biệt thực hư” ở đời mà còn khuyên người ta bỏ điều ác làm điều thiện, dạy người ta từ bi, bác ái, biết yêu mình phải biết yêu cả người, lại có cái tính cách tinh tiến, dũng mãnh, nghĩa là khi đã biết những việc gì là đúng, là có ích cho bản thân, và cho mọi người thì phải gắng sức để làm, làm cho đến khi đạt được kết quả mới thôi. Vì “đạo Phật dạy ta phân biệt thực hư, biết cái chân thức mới là của ta, mới là thực có, còn những cái ngoại cảnh kia đều là nhân duyên giả hợp mà thành đó thôi… hư thực đã phân thì tự khắc tỏ được cái hư mê muội mà trọn vẹn được cái thực bản tính10.

Dương Bá Trạc phản ánh một thực trạng ít hiểu hiết về kinh điển, về giáo lý tồn tại trong dân chúng. Mặc dù đạo Phật rất có ích đối với đời, nhưng “giáo lý đạo Phật ít có người thông hiểu, kinh điển đạo Phật ít có người diễn giải11”. Đây không chỉ là nguyên nhân dẫn đến Phật giáo suy đồi mà còn dẫn đến những sai lầm trong việc thực hành đạo Phật. Chẳng hạn như đối với thuyết nghiệp báo luân hồi của đạo Phật, ai cũng hiểu gieo nhân ác thì sẽ gặt quả ác, nhưng lại không hiểu rằng thiện, ác là tự mình làm, tự mình tạo ra. Do vậy, nhiều người lại tưởng rằng Phật cũng như “các quan lại tham nhũng12” ở trần thế “hễ tốt lễ thì dễ xin”, dù có làm điều ác, làm càn làm bậy đến đâu chỉ cần chăm chỉ lễ bái, cầu khấn, đi chùa thì sẽ không phải nhận quả ác. Bởi thế, “chùa nào cũng đi, ngày nào cũng lễ” nhưng lại bỏ ngoài tai những điều Phật dạy. Từ đó, ông nêu lên tôn chỉ và mục đích của Hội Phật giáo “chấn hưng Phật giáo, hiểu đạo Phật cho rành, thực hành đạo Phật cho đúng, để độ cho mình và độ cả cho người13”. Vì những mục đích tốt đẹp như vậy, tín đồ đạo Phật nên tham gia Hội Phật giáo, đoàn kết trong hội để cùng nhau thực hành mọi việc cho được kết quả vẹn toàn. Với tư cách là ủy viên trong Ban Quản trị Trung ương, Dương Bá Trạc còn có dịp tham gia lễ khánh thành chi hội ở các địa phương. Trong những dịp này, ông có những bài diễn giảng về mục đích của hội nhằm cổ động mọi người tham gia vào Hội Phật giáo. Đặc biệt, bài diễn giảng của ông trong dịp lễ “Giỗ trận” năm 1936 tại chùa Đồng Quang do chi hội Hoàn Long tổ chức rất đáng chú ý. Bài giảng thể hiện rõ tinh thần yêu nước của ông. Theo thông lệ, cứ vào ngày 5 tháng Giêng hằng năm, nhân dân trong vùng thường sửa một lễ cúng vừa để siêu độ âm hồn vất vưởng vừa để tưởng nhớ chiến công oanh liệt của vua Quang Trung hồi thế kỷ XVIII, đã đánh tan quân Thanh bảo vệ nền độc lập dân tộc. Lễ “Giỗ trận” năm 1936 có sự tham dự của hàng ngàn người. Nhân dịp này, Dương Bá Trạc được mời nói chuyện về chiến thắng Đống Đa ngày 5 tháng Giêng năm 1789 của vua Quang Trung, về gốc tích chùa Đồng Quang và ý nghĩa ngày “Giỗ trận”. Điều đáng lưu ý ở đây là diễn giả đã ca ngợi chiến công của vua Tây Sơn trong khi triều Nguyễn vẫn đang tồn tại14.

Ông là người rất coi trọng vai trò của những người tu tại gia trong việc phổ cập Phật pháp trong xã hội, vì theo ông họ chiếm phần đông. Trong bài Tu tại gia, Dương Bá Trạc phân biệt tín đồ đạo Phật có hai hạng: tại gia và xuất gia. Xuất gia là người đã thoát ly quan hệ với hết thảy mọi sự trần tục ở thế gian để truyền thụ Phật pháp, cho nên số người này chỉ chiếm một phần rất ít. Người xuất gia là đại biểu cho Phật pháp ở thế gian, nhưng Phật giáo thịnh hay suy có công dụng đối với xã hội hay không cũng nhờ một phần rất lớn ở sự tu hành của những người tại gia. Chính vì ý thức được điều này, nên Dương Bá Trạc đã giải thích rất cặn kẽ phương pháp tu hành đối với người tại gia. Ông chỉ ra sáu phương pháp để biến tính xấu thành tính tốt, đó là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định trí tuệ. Đó là con đường để trở thành người hiền trong xã hội.

Bên cạnh đó, về phương diện tổ chức ông góp ý kiến về việc chỉnh đốn tăng già. Tăng già là người đại diện cho Phật pháp ở thế gian. Phật pháp thịnh hay suy là ở phần trách nhiệm rất lớn của tăng già. Xuất phát từ thực trạng chia rẽ của các sơn môn, “cái tiếng tăng thì còn mà cái thực tăng hầu như không có, nghĩa là tăng chúng trong các sơn môn ngoài sự lễ bái thì không theo một kỷ luật chung nào, không có lãnh tụ chung nào phải phục tùng, ai ở chùa nào biết chùa nấy, thân ai nấy lo việc ai nấy làm”. Sự yếu kém của chư tăng cũng giống như hình ảnh bó đũa bị bẻ rời từng cái vậy. Trước thực trạng đó, Dương Bá Trạc đề xuất giải pháp là phải cột từng chiếc đũa lại thành một bó to. Chỉnh đốn lại tăng già, các sư tăng phải có người đứng đầu, thực hiện theo mệnh lệnh của người đứng đầu đó và có một kỷ luật chung. Theo đó, các sơn môn phải sắp đặt lại hệ thống và tổ chức trong sơn môn, nghĩa là mỗi vị sư tổ đào tạo được bao nhiêu vị thượng tọa, các vị thượng tọa này dù được chia đi trụ trì ở các chùa khác nhau, đều thuộc về một chốn tổ đó. Các vị thượng tọa lại đào tạo ra bao nhiêu vị nữa, chia đi giữ các chùa khác, cũng vẫn thuộc về chốn tổ ban đầu. Sự quản lý của vị trưởng sơn môn đối với các chùa do các đệ tử trụ trì, được thiết lập như sau: Đứng đầu sơn môn (chốn tổ) là một vị đại đức thâm niên cao chức, lập ra kỷ luật chung cho toàn thể sơn môn, sau đó cấp cho chư tăng trong các chùa thuộc chốn tổ ấy một điệp vi. Chư tăng trong sơn môn phải phục tùng mệnh lệnh của trưởng lão, tuân thủ kỷ luật. Mỗi sơn môn lập một trường tăng học dạy từ tiểu học cho đến đại học, để đào tạo lấy những thanh niên tăng chúng có trình độ, và mở chốn tùng lâm để nuôi dưỡng những kẻ già nua, bất hạnh. Các vị trưởng sơn môn (trưởng chốn tổ) ấy lại hợp với nhau thành Ban Kỳ túc đạo sư trên Trung ương, do 5 vị phụ trách. Sau đó trong 5 vị ấy suy tôn một vị lên làm Thuyền gia pháp chủ. Ban kỳ túc đạo sư sẽ cùng với Ban Quản trị Hội Phật giáo trông coi quản lý các công việc trong hội, chẳng hạn như việc thi hành kỷ luật trong tăng chúng, việc thi cử ở các trường tăng học, hay việc cử người đi trụ trì các chùa ở địa phương,... có chế độ thưởng phạt công minh, rõ ràng, những chư tăng nào vi phạm kỷ luật, không phục tùng mệnh lệnh vị trưởng sơn môn thì sẽ bị trục xuất ra khỏi sơn môn, ra thông tư đi khắp các sơn môn trong cả nước để không nơi nào nhận nữa. Còn những người nào học lực khá, giới hạnh tốt,... sẽ được thưởng, thăng thụ cấp phẩm tùy theo kết quả đạt được15.

Có thể khái quát mô hình tổ chức mà Dương Bá Trạc đề xuất theo sơ đồ dưới đây:

 

 

Không chỉ đảm nhiệm các việc ở Hội Trung ương, Dương Bá Trạc còn là Chánh Đại lý Chi hội Phật giáo Mễ Sở, phủ Khoái Châu, Hưng Yên, hội quán đặt tại chùa Phúc Hưng, làng Phú Thị quê hương ông.

Chi hội Phật giáo Mễ Sở là một chi hội rất tích cực, có nhiều đóng góp trong việc mở mang dân trí, dạy nghề, dạy đạo như lập thư viện, mở xưởng thủ công dạy trẻ con học nghề. Thư viện được đặt tại hành lang 3 gian nhà ngói, được trang bị tủ sách cùng nhiều kinh sách chữ Nho, chữ quốc ngữ, do Ban Thư viện gồm 18 người trông coi và phụ trách, trong đó có ông Dương Trọng Khiết, “người đã đỗ đầu xứ về cựu học” và là em thứ hai của Dương Bá Trạc16. Xưởng thủ công của hội được đặt tại 4 nơi là Phú Thị, Phú Trạch, Đa Hòa, Mễ Sở, đón thầy giáo Nguyễn Văn Tung (từ Nam Định) về dạy nghề thủ công cho trẻ con từ 7, 8 tuổi đến 15 tuổi. Số học trò có đến 100 em. Các trò ngoài học nghề, còn được học các câu kinh trong cuốn Phật giáo nhật tụng. Hoạt động dạy nghề thủ công của chi hội Mễ Sở được hội Phật giáo Trung ương rất hoan nghênh. Ông Nguyễn Năng Quốc còn kêu gọi các địa phương nên bắt chước chi hội Mễ Sở, nên theo cách dạy đạo ở trong các nghề, không những giúp trẻ con nghèo có nghề sinh nhai, mà còn được thấm nhuần đạo lý tốt đẹp của Phật tổ. Học tập chi hội Mễ Sở, chi giảng Ngọc Nha thuộc Chi hội Đông Kết (Hưng Yên) cũng mở lớp dạy trẻ đan đăng-ten, sản phẩm đã được mang đi dự triển lãm ở Hưng Yên.

Mặc dù bên ngoài Dương Bá Trạc vẫn tỏ là một người chăm lo các việc công ích nhưng cái ách nô lệ vẫn canh cánh trong lòng ông. Năm 1943, ông từ chức trong Ban Quản trị Hội Phật giáo, quyết định xuất dương, nhằm liên lạc với các bạn đồng chí ở nước ngoài để giành tự chủ cho nước Nam. Ngày 29-10-1943 (tức 1-10 Âm lịch), ông từ giã gia đình đi ngoại quốc, nhưng sự nghiệp chưa thành thì ngày 11-1944 (26 -10-1944 Âm lịch), ông mắc bạo bệnh và mất ở Singapore khi chí lớn chưa thành17.

Ghi nhận những đóng góp của Dương Bá Trạc đối với dân tộc, ngày 17-3-1945, trong lễ truy điệu các nghĩa sĩ Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội, quốc dân đã đã liệt tên ông vào “lớp người nho cùng với hai ông Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh”. Một ngày sau, Hội Phật giáo Bắc kì đã tổ chức lễ truy điệu Dương Bá Trạc tại chùa Quán Sứ18, ông Lê Đại và ông Bùi Kỷ đã đọc hai bài truy điệu rất cảm động. Chúng tôi, thế hệ sau này xin được kính cẩn nghiêng mình trước tấm lòng yêu nước, thương nòi và tinh thần tích cực duy tân của ông! 


1. Dương Bá Trạc, Mấy điều cốt yếu trong đạo Phật, Đuốc Tuệ, số 127, 1-3-1940, tr.3-9.

2. Dương Bá Trạc, Những nghĩa chân chính trong đạo Phật, Tập kỷ yếu Hội Phật giáo, số 2-3, tháng 6 và 7-1935, tr.20-48.

3. Dương Bá Trạc, Cái nguyên lý của Phật giáo, Đuốc Tuệ, số 15, 24 -3-1936, tr.3-6.

4.  Dương Bá Trạc, Mục đích Hội Phật giáo, Tập kỷ yếu Hội Phật giáo, số 1, 5-1935, tr.12-21.

5. Dương Bá Trạc, Vì sao mà Hội Phật giáo Bắc kỳ sáng lập? Vì sao mà Báo Đuốc Tuệ ra đời, Đuốc Tuệ, số 1, 10-12-1935, tr.3-8.

6. Dương Bá Trạc, Tu tại gia, Đuốc Tuệ, số 64, 1-7-1937, p.13-20; Đuốc Tuệ số 65, 15 -7- 1937, tr. 3-7; Đuốc Tuệ số 66, 1-8- 1937, tr. 3-6.

7. Dương Bá Trạc, Vấn đề chỉnh đốn tăng già, Đuốc Tuệ, số 101, 15-1-1939, tr. 39-44.

8. Dương Bá Trạc, Mấy điều cốt yếu trong đạo Phật, Đuốc Tuệ, số 127, 1-3-1940, tr.4

9. Như trên

10. Nt, tr.6

11. Dương Bá Trạc, Vì sao mà Hội Phật giáo Bắc kỳ sáng lập? Vì sao mà Báo Đuốc Tuệ ra đời, Đuốc Tuệ, số 1, 10-12-1935, tr.6.

12. Dương Bá Trạc, Những nghĩa chân chính trong đạo Phật, Tập kỷ yếu Hội Phật giáo, số 2-3, tháng 6 và 7- 1935, tr.21.

13. Dương Bá Trạc, Mục đích Hội Phật giáo, Tập kỷ yếu Hội Phật giáo, số 1, 5-1935, tr.17.

14.  Ngày giỗ trận tại chùa Đồng Quang, Ngọ Báo, 30 -1-1936, Lưu trữ Hải ngoại Pháp, hồ sơ 65540.

15.  Dương Bá Trạc, Vấn đề chỉnh đốn tăng già, Đuốc Tuệ, số 101, tr.39-44.

16. Dương Bá Trạc là con cụ Dương Trọng Phổ, anh trai ruột của nhà báo Dương Tụ Quán, chủ nhà in Đông Tây và chủ nhiệm tờ Văn học tạp chí. Một người em khác của cụ cử là Dương Quảng Hàm, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam.

17. “Mùa đông năm 1943, hai nhà chí sĩ Việt Nam là Dương Bá Trạc và Trần Trọng Kim cùng vào Sài Gòn, ở đó 1 tháng rồi đi Singapore để gặp các bạn đồng chí, hẹn nhau ở đấy. Đầu tháng 1 năm 1944, sau khi trả bao nỗi khó nhọc dọc đường, hai chí sĩ thấy người vẫn còn nguyên vẹn và cùng nhau dùng bữa cơm thường, Dương Bá Trạc đã khóc, khóc vì nay thấy người già yếu, sức người có hạn mà việc nước ngổn ngang. Vài ngày sau Dương Bá Trạc nhóm bệnh, một chứng bệnh quái ác, ung thư phổi, phải vào bệnh viện ở Singapore, có Trần Trọng Kim lui tới săn sóc. Trước khi chết ông vẫn không quên chữ “hiếu”, có nhờ Trần Trọng Kim khi về nước nhớ thay ông về thăm mẹ già rồi trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện. Sau khi chết thi hài được hỏa táng và đem vào để thờ ở chùa. Khi Trần Trọng Kim về Băng Cốc có mang theo hộp tro cốt ấy về. Nhân có người về Sài Gòn, Trần Trọng Kim có đem gửi hộp tro cốt đó mang về cho ông Dương Cẩm Chương làm thầy thuốc ở Chợ Quán. Sau đó, Trần Quang Vinh chủ hội Cao Đài đem về thờ ở đền Cao Đài”. Theo Tiên Đàm, Những ngày cuối cùng của Dương Bá Trạc ở Chiêu Nam, Tri Tân, số 191.

18. Lễ Truy điệu Dương Bá Trạc, Tri Tân, số 183, 19-4-1945, tr.8, tr.13.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 6712239