Thông tin

GIẢ CÓ

GIẢ CÓ

 

HOÀNG VĂN LỄ

 

 

 

1. Triết lý "vô thường" và "sắc tức thị không, không tức thị sắc" trong kinh Phật vốn rất trừu tượng, phải quán chiếu mới thấu hiểu; độ thẩm thấu theo từng thời gian và dần ngấm sâu vào tâm trí. Trong đó, thân xác con người, trí tuệ của con người là "có" hay "không có" buộc người đời phải trả lời, không phải ai cũng trả lời thật đúng với thực tế.

Trả lời "có" như hầu hết người đời nhìn thấy, thậm chí yêu lấy tấm thân và trí tuệ của mình một cách cực đoan, phương Tây có câu "Người ta có thể tha thứ cho kẻ thù của mình, chứ không ai có thể tha thứ cho kẻ làm nhục mình"; có ai nói va chạm, nhất là chê bai tấm thân mình thì phản ứng tức thì với nộ khí bộc lộ; sự hiện hữu quả thật có sức minh chứng cụ thể.

Trả lời "không" vì con người quy tụ các tố chất, các nhân duyên, các di truyền, các nghiệp báo... mà thành, khi các yếu tố đó không còn, thì thân xác trí tuệ có được, có hiện hữu nữa chăng? Từ lý lẽ đó phủ nhận bản ngã, bỏ qua các lời dèm pha, chê trách, kể cả lời lăng mạ, vu khống; hoặc trở thành kẻ vô cảm trước nghịch cảnh hay cảnh ngộ bất thường...

Do đó trả lời "có" hoặc "không" đều có lý đúng, song cần bổ khuyết.

2. Thân xác và trí tuệ của mỗi người chúng ta là "giả có", phủ nhận thân xác hữu hình này là điều không nên; vì con người vốn rất quý, là của phúc đức, đứng trên atula, súc sinh, ngạ quỷ; có trí tuệ, có Phật tánh, có thể hiểu thấu lẽ vô thường, có thể tu tập để tự mình giải thoát... Biết trân trọng thân mình, nhưng thấu hiểu lẽ vô thường, tránh tự đề cao quá mức thân phận con người, khiêm tốn và quy phục trước thiên nhiên luôn biến đổi không ngừng, có đột biến và có hủy diệt. Con người cá biệt có thể sống cá thể, song hầu hết sống cộng đồng; từ một gia đình nhỏ, đến bộ tộc, đến xã hội, hình thành quốc gia, có luật lệ riêng, có ý thức bảo tồn, có tranh chấp sinh tồn, có chiến tranh, có hủy diệt nhau... độ phức hợp của đời sống con người không thể lường hết được. Sự tiến triển dẫn đến tính tự tôn của con người, con người làm chủ là chủ thể của cuộc sống trên hành tinh này, vì vậy gieo rắc biết bao thảm họa, tội ác với các loại và với chính con người.

Con người và mỗi người được hiểu là "giả có", là có trong thế duyên hợp mà thành, không vĩnh cửu, và không toàn năng, không nên tự làm khổ mình và gây khổ cho muôn loài; tạo
nghiệp báo xấu và luân hồi muôn ức kiếp... Nếu ta biết con người chỉ là "giả có" thì không tự tôn quá mức, không tự đề cao bản thân và "có thể tha thứ cho kẻ làm nhục mình" khác với phương ngôn của xã hội phương Tây, vốn rất quan tâm với "đấu tranh sinh tồn", thể hiện trực diện trong đời sống muôn loài, từ sinh vật thật bé nhỏ đến con người trí tuệ sâu sắc.

3. Trong cuộc sống mỗi người và xã hội, trước nhiều thách thức, chướng ngại, thậm chí đứng trước sự hủy diệt, thấu triệt thực tế “giả có” của mỗi người và vũ trụ bao quanh, người ta có thể có ứng xử thích hợp.

Con người “có” trong hữu hạn (một kiếp người), phải sống thế nào để chánh tư duy được ứng dụng tốt nhất, giúp cho việc tu thân nhiều phước báu, cống hiến cho xã hội tiến triển mà không gây hại hoặc gây hại ít nhất cho muôn loài, cho môi trường, cho xã hội cụ thể mà mình đang được cưu mang. Chắc chắn đề cao bản thân mình là điều nên tránh, chỉ xiển dương thiện lành và tạo thiện nghiệp cho mình và cho mọi người, thậm chí mọi loài.

Nhưng con người vốn là “giả”, thì việc tô thắm được gọi là làm đẹp thì thật là vô lý; chúng ta sống và cố tạo ra giá trị chân thiện mỹ, thì cái làm đẹp có gì đáng chê trách không? Có lẽ đáng phê phán khi tô vẽ quá mức, vậy mức chung nhất là mức nào? Sự tranh luận có thể dẫn đến bế tắc. Chuẩn mực được sàng lọc và được đông đảo cộng đồng thừa nhận là đạo đức, là lối sống của con người. Tuy vậy, chuẩn mực đạo đức lại thay đổi theo thời gian, theo nhận thức và sự hiểu biết của con người trong từng xã hội, từng dân tộc và từng tôn giáo… Rõ ràng, ứng xử phù hợp với giáo lý của đạo Phật thật không đơn giản.

4. Là “giả có”, con người thực sự biết vai trò của chính mình, khiêm cung vốn cũng là đạo lý phổ biến của người trí, tính khiêm tốn trong đạo Phật từ đức Cồ Đàm chưa bao giờ nói mình là đấng cứu rỗi, là giáo chủ và đưa ra chân lý bó buộc mọi người nghe theo. Ngài chỉ nêu lên những tư duy giải thoát mà chính bản thân Ngài kiểm nghiệm, là người chỉ đường, dẫn đường không xử phạt ai không theo ngài, luôn muốn mọi chúng sanh thấy đúng, hiểu thấu mà tu tập tích cực; vì con người nhiều tầm mức khác nhau, Ngài đề ra nhiều phương thức tu tập để mọi nguòi có thể thực hành, tinh tấn tu tập để thấy “ánh trang” chân lý của Phật đà.

Câu chuyện kẻ ngoại đạo thù oán Ngài, đi theo suốt chặng đường khất thực của Ngài để nguyền rủa, bôi xấu và xuyên tạc. Đức Phật vẫn lặng thinh không tỏ vẻ ái ngại hoặc chịu đựng gì cả, người bực tức chính là kẻ xấu kia. Hắn hỏi đức Cồ Đàm có điếc không? Tại sao không đáp trả các lời xúc xiểm của hắn. Phật chỉ ôn tồn nói rằng, nếu người cho ta món quà, ta không nhận thì món quà đó thuộc về ai? Phương pháp ấu trĩ của gã kém cõi kia tự nhận lấy hậu quả của chính mình. Không những lời chê bai, mà hàng vạn lời ca tụng, đức Cồ Đàm vẫn bình thản, chưa bao giờ tỏ vẻ hưng phấn trong giao tiếp với mọi người, kể cả các đệ tự là thánh tăng cận kề Ngài.

5. “Giả có” và luật sinh tồn có mắc mứu nhau không? Nếu hiểu luật sinh tồn là đấu tranh loại trừ nhau, giành ưu thắng cho mình đề tồn tại… thì khó có thể hiểu thấu tính giả có của con người học Phật. Câu chuyện một con trăn to nuốt chửng một heo con, bi đàn heo (cha mẹ…) giày xéo bằng chân, cắn bằng miệng đến chết trả thù cho con mình; đó là đấu tranh sinh tồn rất tự nhiên của muôn loài. Nhưng con người trí tuệ sẽ không làm vậy; khi người Pháp cai trị các nước thuộc địa, họ thuê người bản xứ giữ con trẻ của mình, người này đặt trẻ nhỏ vào tủ lạnh vì hiểu rằng người da trắng muốn thế, sự vô trí đó dẫn đứa trẻ Pháp chết; cha mẹ bé chỉ than trời không giết hại người tôi tớ dốt nát. Hiểu “giả có” tức hiểu đúng luật sinh tồn “sinh, trụ, dị, diệt”, một chu trình sống của tất cả mọi vật và cả vũ trụ này, đấu tranh sinh tồn không thể hiện ở con người trí tuệ, học Phật, có vị Bồ tát “hiến” thân xác mình để cứu đàn hổ đang chờ chết vì đói. Nếu đấu tranh sinh tồn nêu ra, đây là cơ hội để tận diệt đàn hổ dữ, cứu rỗi các sinh vật khác kể cả con người. Vị Bồ tát đã hiểu thấu thân mình chỉ là giả có, sự mất đi lại cứu đàn chúng sinh, là lòng nhân vượt trên các lý lẽ thường tình của người đời. Tính triết lý sâu xa của đạo Phật đáng để chúng ta suy gẫm!

Tóm lại, “giả có” là một yêu cầu mỗi người chúng ta, nhất là Phật tử, cần tu tập và thể hiện trong cuộc sống; là nhân tố an bình trong tâm trí của mỗi người trong xã hội còn coi trọng đấu tranh để sinh tồn như hiện nay.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 34
    • Số lượt truy cập : 6367594