GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO TRONG VIỆC HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM
GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO TRONG VIỆC HÌNH THÀNH
VÀ PHÁT TRIỂN ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM
VŨ THỊ HỒNG DUNG
Trường Đại học Hải Phòng
Ngay từ rất sớm, người dân Việt Nam đã có vô số những tín ngưỡng dân gian như thờ Mẫu, thờ thành hoàng, thờ thổ địa, thờ cúng tổ tiên… Các tín ngưỡng nguyên thủy đã góp phần thỏa mãn các nhu cầu văn hóa tinh thần, nhận thức và tâm lý của người dân. Song, con người ngày càng khao khát hướng tới những vấn đề mang tính triết lý nhân sinh như nguồn gốc con người, ý nghĩa cuộc sống, vấn đề họa phúc trong cuộc đời. Phật giáo là một tôn giáo giàu tính nhân văn, lý tưởng của đạo Phật là giúp con người thoát khổ, giáo dục tình yêu thương giữa con người với con người, giữa con người với muôn vật. Tư tưởng nhân văn bác ái đó đã dễ dàng chinh phục được lòng người. Vì vậy, Phật giáo từ khi du nhập vào nước ta đã tìm được cho mình cơ sở tồn tại và phát triển. Cùng với quá trình du nhập và phát triển của đạo Phật, những giá trị chuẩn mực của đạo đức Phật giáo cũng xâm nhập và góp phần bổ sung những giá trị đạo đức truyền thống cho con người Việt Nam. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi xem xét giá trị của đạo đức Phật giáo tới việc hình thành đạo đức truyền thống cho người Việt Nam.
1. Quan niệm về đạo đức truyền thống Việt Nam và đạo đức Phật giáo
Trong lịch sử phát triển tư tưởng nhân loại đã có nhiều quan niệm khác nhau về đạo đức. Trong triết học phương Đông, theo quan niệm của Khổng tử, đạo đức là luân thường đạo lý, là quan niệm về tốt, xấu, đúng, sai. Con người phải làm theo cái đúng, cái tốt, tránh những cái sai. Trong triết học phương Tây, đạo đức là moral, là những chuẩn mực chung nhằm điều chỉnh hành vi của con người sao cho tạo nên mối quan hệ hài hòa giữa con người với nhau và giữa mỗi người với xã hội.
Ở Việt Nam hiện nay có một số quan niệm khác nhau về đạo đức, có tác giả cho rằng: “Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tập hợp những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội nhằm điều chỉnh, đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau và quan hệ với xã hội. Chúng thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội”[1]. Từ quan niệm đạo đức nêu trên chúng ta đi nghiên cứu đạo đức truyền thống.
Đạo đức truyền thống của một dân tộc được hình thành trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc đó. Mỗi dân tộc có điều kiện tự nhiên khác nhau, có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau, có tôn giáo khác nhau, do vậy có đạo đức truyền thống khác nhau. Khi nói về đạo đức truyền thống, theo tác giả Dương Văn Duyên: Đạo đức truyền thống Việt Nam là những quan điểm, những chuẩn mực đạo đức, phong tục, tập quán, lối ứng xử của con người Việt Nam được hình thành trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, là sự tiếp nhận có chọn lọc những tinh hoa đạo đức nhân loại phù hợp với mỗi giai đoạn lịch sử của dân tộc.
Trước đây, đã có những cuộc tranh luận xung quanh vấn đề tôn giáo có đạo đức riêng hay không. Một số ý kiến cho rằng, tôn giáo không có đạo đức riêng, bởi lẽ, nó chỉ là sự phản ánh hoang đường, hư ảo về hiện thực. Một số ý kiến khác cho rằng, tôn giáo có đạo đức riêng thể hiện ở các quy tắc, giáo luật, nghi thức thờ cúng, nhưng đạo đức tôn giáo hoàn toàn đối lập với đạo đức xã hội. Các nhà tư tưởng tư sản, các nhà thần học lại thường đề cao đạo đức tôn giáo, cho đạo đức tôn giáo là siêu việt, là ngọn nguồn của đạo đức xã hội. Cùng với sự nhận thức lại lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về tôn giáo, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra một cách thuyết phục rằng, tôn giáo có đạo đức riêng, đạo đức tôn giáo bắt nguồn từ đạo đức xã hội và do đó không hoàn toàn đối lập với đạo đức xã hội.
Phật giáo là một hiện tượng tồn tại khách quan trong đời sống xã hội Việt Nam. Hiện nay, hệ giá trị đạo đức của Phật giáo vẫn có những ảnh hưởng tích cực đến đời sống tinh thần xã hội, thể hiện trước hết ở chỗ chúng bổ sung một số giá trị cho đạo đức, lối sống của dân tộc. Phân tích đạo đức tôn giáo nói chung trong mối quan hệ với đời sống xã hội, Giáo sư Nguyễn Hữu Vui nhận xét: Có thể nói trong lý thuyết đạo đức của hầu hết tôn giáo đều chứa đựng những chuẩn mực đạo đức tối sơ mang tính chất nhân loại như “kính trọng người già”, “yêu thương trẻ nhỏ”, “sống thiện với mọi người”, “tránh làm điều ác”, v.v.. Trong đó, nhiều giá trị đã trở thành di sản văn hóa quý báu của dân tộc ta và hiện nay vẫn có sự tương hợp ở những mức độ khác nhau với nền đạo đức mới.
Đạo đức Phật giáo bao gồm các giới cùng các chuẩn mực và các phạm trù có liên quan tới nhau một cách chặt chẽ. Phật giáo xây dựng một hệ thống đạo đức hoàn chỉnh từ nhận thức, lý luận đến thực hành và việc áp dụng nó để xây dựng một nếp sống tốt đẹp. Bên cạnh đó, Phật giáo còn xây dựng mẫu người đạo đức đó là con người từ bi, hỷ, xả, vô ngã, vị tha mà thâu tóm là đứng vững trên hai chân: từ bi và trí tuệ. Đạo đức Phật giáo có nhiều điểm tương đồng với đạo đức người Việt. Những phạm trù cơ bản của đạo đức Phật giáo đã ảnh hưởng khá sâu đậm vào đời sống người Việt. Ngày nay, với sự chấn hưng của Phật giáo Việt Nam, đạo đức Phật giáo sẽ góp phần hết sức to lớn vào việc xây dựng một xã hội hài hòa, phát triển.
2. Giá trị của đạo đức Phật giáo với việc hình thành và phát triển đạo đức truyền thống của người Việt Nam
Thứ nhất, đạo đức Phật giáo bổ sung một số giá trị cho đạo đức cho con người Việt
Đức Phật Thích ca là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại đấu tranh cho tự do, bình đẳng xã hội, bình đẳng giữa các giai cấp, bình đẳng giữa những con người. Phật cho rằng, Phật dành cho mọi người, Phật không dành riêng ai. Phật là Phật đã thành, chúng sinh là Phật đang thành. Đức phật dạy rằng: “Không có đẳng cấp trong dòng máu cùng đỏ, không có đẳng cấp trong giọt nước mắt cùng mặn, con người sinh ra không phải đã mang sẵn trong bào thai dây chuyền ở cổ hay dấu ấn tín - ca (dấu hiệu quý phái của dòng bàlamôn) trên trán”[2].
Đức Phật quan niệm bình đẳng là bình đẳng cho mọi giai cấp không phân biệt tuổi tác, kẻ sang, người hèn, kẻ oán, người thân, không phân biệt nam nữ. Bình đẳng trong đạo Phật là bình đẳng trong nghiệp báo luân hồi, kẻ ác phải chịu tội không kể kẻ sang hèn, người làm việc thiện đều được phúc lộc không kể chức vụ cao thấp.Tư tưởng bình đẳng trong Phật giáo là một tiến bộ so với Nho giáo, Hồi giáo và một số tôn giáo khác.
Đạo đức Phật giáo là đạo đức của chính con người, con người phải bắt đầu từ chính mình, phải chịu trách nhiệm trước bản thân mình. Phật giáo quan niệm đời là bể khổ. Nguyên nhân của nỗi khổ là do tham, sân, si và vô minh. Do vô minh, con người bị ngũ dục cuốn hút là danh vọng, tiền tài, sắc đẹp,… che lấp Phật tính. Đạo Phật cho rằng, con người muốn vượt qua những nỗi khổ, những bất hạnh phải bắt đầu từ chính mình. Phật giáo không tin vào mệnh trời như Nho giáo, cũng không tin vào sự cứu rỗi của Chúa như trong Thiên Chúa giáo.
Vấn đề diệt khổ và giải thoát là vấn đề trọng tâm cơ bản của đạo Phật, tư tưởng này nằm trong “Tứ diệu đế” và được trình bày một cách logic giúp con người nhận biết nỗi khổ, tìm ra nguyên nhân của nỗi khổ, khả năng và cách thức diệt khổ và sau cùng là tìm ra được chân lý trên con đường giải thoát. Nét nổi bật trong Phật giáo là tạo cho con người niềm tin, động viên con người hãy tận dụng thời gian trong một đời người nỗ lực tu tâm, tu thiện tích đức ngay trong bản thân mỗi người nhằm tiến đến giải thoát. Như vậy, vấn đề giải thoát chấm dứt đau khổ cho con người ở thế giới này là mục đích cuối cùng của đạo Phật, đó cũng là vấn đề cơ bản nhất được thể hiện nhất quán trong giáo lý Phật giáo.
Tóm lại, Phật giáo không phải là một tôn giáo duy nhất quan tâm đến số phận của những con người đau khổ. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa Phật giáo và tôn giáo khác là phương thức giải thoát khỏi sự đau khổ. Đó là con đường tu học trau dồi trí tuệ, phá vỡ vô minh, dứt bỏ mọi nhân quả để khỏi bị luân hồi khổ báo, thoát khỏi luân hồi sinh tử. Triết lý Phật giáo thể hiện tính nhân bản ở chỗ tin tưởng vào khả năng của con người, chỉ cho con người con đường và phương pháp đi đến hạnh phúc, an vui, tự tại.
Xuất phát từ quan niệm bản chất nhân sinh là khổ, Phật giáo đề xuất một hệ thống luân lý để con người thoát khổ, đạt được hạnh phúc, an bình. Nó dạy con người thực hành ba điều chính: loại bỏ những điều ác, thực hiện các hạnh lành, giữ ý thanh tịnh bằng cách đoạn tuyệt với mọi thứ ô nhiễm. Kinh Pháp cú còn ghi lại lời Phật dạy: “Không làm mọi điều ác/ Thành tựu các hạnh lành/ Tâm giữ ý trong sạch/ Chính lời chư Phật dạy”[3]. Thực hành ba điều đó tức là đã chiến thắng bản thân mình, là chiến thắng oanh liệt nhất. Bởi lẽ theo Phật giáo: Thắng ngàn quân giặc ở chiến trường chẳng bằng người tự thắng. Điều đó phù hợp với yêu cầu tự giáo dục theo định hướng Chân, Thiện, Mỹ của dân tộc ta.
Thứ hai, đạo đức Phật giáo góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của đạo đức truyền thống Việt Nam
Nhờ tiếp biến các giá trị tốt đẹp về đạo đức, lối sống truyền thống của dân tộc Việt Nam mà hệ giá trị đạo đức của Phật giáo trở nên phong phú sinh động. Tất nhiên, Phật giáo tiếp thu các giá trị đạo đức của dân tộc là nhằm củng cố niềm tin cho các tín đồ. Nhưng cũng nhờ vậy mà các giá trị tốt đẹp trong đạo đức, lối sống truyền thống của dân tộc được giữ gìn.
Đạo đức truyền thống Việt Nam đề cao chuẩn mực giữa các thành viên trong gia đình và giữa các cá nhân trong cộng đồng, với dân tộc. Có thể nói, đối với người Việt Nam, một cá nhân được đánh giá thiện hay ác, tốt hay xấu phụ thuộc vào việc ứng xử của người đó với tổ tiên, với gia đình, với cộng đồng. Đạo đức Phật giáo dạy con người phải sống có trách nhiệm với nhau. Cha mẹ phải có trách nhiệm với con cái, chăm lo con cái đến nơi, đến chốn, khuyến khích con cái làm những việc thiện, những việc tốt, ngăn cản con cái làm những việc ác, việc xấu. Ngược lại, con cái phải có trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ già, chăm sóc tận tình khi cha mẹ ốm đau, làm theo những điều cha mẹ mong muốn, lo tang ma chu đáo khi cha mẹ qua đời, cúng giỗ khi cha mẹ đã chết. Đạo Phật dạy con người:
“Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu”[4]
Đạo Phật yêu cầu vợ chồng phải sống có tình nghĩa với nhau, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống gia đình. Anh em bạn bè phải quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, thương yêu nhau, chỉ cho nhau những điều phải làm, những điều trái để tránh, giúp nhau lúc khó khăn hoạn nạn.
Tinh thần từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha của Phật giáo là một thành tựu của nền văn minh nhân loại, mãi mãi vẫn là những giá trị đạo đức bồi đắp cho “lực lượng bản chất” của con người. Có ý kiến đã nhận xét về đạo đức Phật giáo như sau: Cái sống đời trong đạo đức Phật giáo là từ bi và cứu khổ cứu nạn. Nó vượt thời gian và không gian vì nó nhằm bảo vệ, phát huy, duy trì nhân bản làm điều lành, hướng về điều lành, hoặc ít nhất là đừng làm ác, đừng hướng về cái ác.
Tinh thần hướng thiện của Phật giáo thể hiện rõ trong những quy định về “Ngũ giới”, “Thập thiện” để tín đồ thực hiện, trong đó có những quy định có giá trị chuẩn mực đạo đức của con người là: không được trộm cắp, không được thông dâm với người khác ngoài vợ hay chồng, không được nói lời sai trái, không tham lam,... Lối sống lục hòa, lục độ mà cốt lõi là sống hòa hợp, vị tha dựa trên sự tự giác, hiểu biết, trí tuệ của Phật giáo cũng là lối sống mà xã hội ta đang hướng tới. Với quan niệm “tự độ độ tha, tự giác giác tha”, Phật giáo đại thừa vừa đề cao sự tự giải thoát vừa chú ý giúp đỡ, giải thoát cho những người khác. Điều đó phần nào phù hợp với tinh thần tự lực, tự cường và tương trợ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ của dân tộc ta.
Như vậy, đạo đức Phật giáo đóng góp vào nền đạo đức, lối sống xã hội nhiều chuẩn mực, giá trị tốt đẹp, trong đó nổi bật là tinh thần hướng thiện. Từ rất sớm, nhân dân ta đã tiếp thu những giá trị tốt đẹp về đạo đức của Phật giáo để biểu thị tinh thần, lối sống nhân đạo của con người Việt Nam. Nhiều chuẩn mực, giá trị đạo đức Phật giáo đã đi vào tâm thức của mỗi người, hòa nhập với tình cảm, tâm hồn, khí phách dân tộc, bồi đắp cho đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân” của con người Việt Nam. Khái quát một số giá trị đạo đức Phật giáo hiện nay có thể thấy, nhiều giá trị vẫn còn phù hợp ở những mức độ khác nhau với công cuộc xây dựng xã hội mới. Chúng góp phần bổ sung cho hệ giá trị đạo đức và lối sống của dân tộc ta trong quá trình đổi mới đất nước.
Đạo đức Phật giáo không chỉ lưu giữ các giá trị truyền thống đạo đức trong quan hệ gia đình mà còn giữ gìn, phát huy truyền thống nhân nghĩa của dân tộc. Trong quan hệ cộng đồng, đạo đức truyền thống Việt Nam đề cao tinh thần hòa hợp, đoàn kết, nhân nghĩa và khoan dung. Những giá trị tốt đẹp đó đều được Phật giáo tiếp thu, củng cố bằng luân lý và niềm tin tôn giáo. Tinh thần từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha của Phật giáo rất gần gũi với lối sống vì cộng đồng, vì tập thể của con người Việt Nam.
Chuẩn mực cơ bản của đạo đức Phật giáo là “Ngũ giới”: Không sát sinh, không trộm cắp, không gian dâm, không nói dối, không uống rượu. Ngũ giới giúp con người hoàn thiện trong tư tưởng và hành vi nhằm phát triển hoàn thiện nhân cách con người theo nhân sinh quan Phật giáo. Đạo đức Phật giáo đi tìm sự dung hòa trong xã hội. Thiên nhiên và con người là một thể thống nhất. Con người và con người có những lợi ích chung như mong mỏi hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Do vậy, con người muốn có cuộc sống tốt đẹp phải hòa đồng với thiên nhiên, môi trường xung quanh, không được giết hại các loài động vật kể cả từ con kiến trở đi, phải sống có tình, có nghĩa với nhau. Trong giáo lý Phật giáo đã đề cập đến rất nhiều vấn đề, song trung tâm của nó là vấn đề tu luyện đạo đức để hướng đến giải thoát. Muốn giải thoát con người không chỉ cần có niềm tin tôn giáo mà cần có sự phấn đấu nỗ lực của bản thân bằng cách thực hiện một đời sống đạo đức nhân bản. Nhìn một cách tổng thể, đạo đức Phật giáo là một hệ đạo đức tôn giáo xuất thế thiên về thế giới nội tâm chính vì thế với tư cách là một bộ phận của ý thức xã hội, đạo đức Phật giáo luôn giữ một vị trí xứng đáng trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam.
Thứ ba, đạo đức Phật giáo góp phần củng cố đạo đức, lối sống thiện, mỹ cho dân tộc Việt Nam
Nếu các chuẩn mực đạo đức xã hội điều chỉnh hành vi của con người thông qua dư luận của cộng đồng, xã hội thì các chuẩn mực trong đạo đức Phật giáo điều chỉnh hành vi của tín đồ bằng cả dư luận xã hội và sự thôi thúc của niềm tin về sự báo ứng. Vì vậy, nhìn chung các Phật tử nói riêng và những người có cảm tình với Phật giáo nói chung đều định hướng cho bản thân theo các chuẩn mực của đạo đức Phật giáo.
Điều đặc biệt nữa ở đạo đức Phật giáo là việc đánh giá nhân cách, lối sống không chỉ ở hành vi mà còn ở cả ý thức, suy nghĩ bên trong của con người. Trong “Thập thiện” của Phật giáo có tới ba giới răn về ý: không tham lam, không giận dữ, không tà kiến. Đương thời, đức Phật nhiều lần nhắc nhở đệ tử phải biết hổ thẹn, tức là đạo đức phải biết xuất phát từ tâm. Người khẳng định: “Sự hổ thẹn là phục sức đẹp nhất trong mọi thứ phục sức, sự hổ thẹn có năng lực để chế ngự mọi thứ phi pháp của con người”[5]. Phật dạy đệ tử: “Đối với người nói dối không biết hổ thẹn, không tội lỗi xấu xa nào mà người ấy có thể không làm. Do đó, La-hầu-la, con phải cố gắng lập tâm dù trong lúc chơi đùa thôi cũng không nói dối”[6]. Như vậy, đối với Phật giáo, một người có đạo đức tốt là người không chỉ có hành vi tốt mà quan trọng hơn là hành vi đó phải xuất phát từ thiện tâm, thiện ý.
Khi phân tích về ảnh hưởng của Phật giáo đến đạo đức xã hội, có nhà nghiên cứu khẳng định rằng: “Tuy trong dân gian không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa sâu xa về ái, ố, hỉ, nộ, từ bi, hỷ xả, nhưng hễ cứ nghe đến, nhắc đến những từ này, là người ta tưởng tượng, hình dung ngay đó là một sự hiền hòa, phúc đức”[7]. Thật vậy, những hình ảnh cao đẹp về lòng từ bi trong biểu tượng về đức Phật cùng với không gian thiêng liêng của các ngôi chùa, từ lâu đã trở thành chỗ dựa tinh thần để con người xây đắp một cuộc sống chí thiện, chí mỹ trong cuộc sống thực tại. Bên cạnh đó, thông qua việc tham dự các nghi lễ của Phật giáo, con người được bồi đắp tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái, nên họ hình thành nếp sống, lối ứng xử cao đẹp.
Kết luận
Như vậy, từ cái ngoại lai khi vào nước ta Phật giáo đã được nhân dân Việt Nam tiếp nhận và phát triển tương đối rộng rãi để trở thành cái bản địa, từ cái xa lạ trở thành cái thân thuộc với dân tộc. Đạo đức Phật giáo thực sự đã bám rễ vào đạo lý truyền thống dân tộc ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý lối sống, phong tục tập quán của con người. Đối với con người Việt Nam, đạo đức Phật giáo không chỉ là tính triết lý mà quan trọng hơn là hành vi mang tính thiện. Họ tiếp thu Phật giáo không phải với tư cách là một hệ tư tưởng với các giáo lý cao siêu mà là những điều rất gần với tâm tư tình cảm của mình. Người dân Việt Nam đã tìm thấy ở Phật giáo một chỗ dựa tinh thần, một niềm tin và một sự cảm thông, đồng điệu. Phải chăng chính bởi những lý do trên mà đã tạo cho Phật giáo có một sức sống lâu bền đến ngày nay. Gần 2.000 năm qua, Phật giáo đã đi vào đời sống tâm linh vượt ra khỏi khuôn khổ của tín ngưỡng tôn giáo trở thành một nét văn hóa độc đáo của đời sống con người Việt.
[1]Giáo trình đạo đức học (2000), nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, tr 8.
[2] Võ Đình Cường (1986), Mấy suy nghĩ về tính nhân bản của Phật giáo, Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Viện Triết học, tr.115.
[3] Thích Minh Châu (1995): Những lời Đức Phật dạy về hòa bình và giá trị con người, Viện Nghiên cứu Phật học ấn hành, tr149.
[4] Vũ Ngọc Phan (2002), Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb Văn học, tr. 388.
[5] Thích Viên Giác (2004), Kinh Di giáo lược giải, nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr 124.
[6] Warada Thera: Đức Phật và Phật pháp (1991), bản dịch của Phạm Kim Khánh, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, tr 133.
[7] Nguyễn Đăng Duy (1999), Phật giáo với văn hóa Việt Nam, nxb Hà Nội, tr 305.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thích Minh Châu (1995): Những lời Đức Phật dạy về hòa bình và giá trị con người, Viện Nghiên cứu Phật học ấn hành.
2. Võ Đình Cường (1986), Mấy suy nghĩ về tính nhân bản của Phật giáo, Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch ử tư tưởng Việt Nam, Viện Triết học.
3. Nguyễn Đăng Duy (1999), Phật giáo với văn hóa Việt Nam, nxb Hà Nội.
4. Nguyễn Khắc Đức (2008), Vai trò của Phật giáo ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 7/2008.
5. Giáo trình đạo đức học (2000), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
6. Đặng Thị Lan (2006), Đạo đức Phật giáo với đạo đức con người Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia.
7. Vũ Ngọc Phan (2002), Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb Văn học.
8. Thích Viên Giác (2004), Kinh Di giáo lược giải, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
9. Hoàng Thị Thơ (2002) Đạo đức Phật giáo với xây dựng nhân cách con người Việt Nam,Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 1/2002.
10. Warada Thera: Đức Phật và Phật pháp (1991), bản dịch của Phạm Kim Khánh, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
Bình luận bài viết