Thông tin

GIAI THOẠI ĐỘC ĐÁO THIỀN SƯ VĂN HỈ GẶP BỒ TÁT VĂN THÙ

GIAI THOẠI ĐỘC ĐÁO THIỀN SƯ VĂN HỈ

GẶP BỒ TÁT VĂN THÙ

                                                                                                                  

TUỆ QUÁN

 

 

Xưa, Ngài Vô Trước Văn Hỉ Thiền sư đến động Kim Cương ở núi Ngũ Đài chiêm bái Đức Văn Thù. Ngài gặp một ông già đang dắt trâu đi và mời Ngài vào chùa.

Ông già gọi: “Sa di!”, thì có một đồng tử ứng tiếng dạ, chạy ra tiếp. Ông già thả trâu đi, dắt thiền sư lên nhà khách. Nhà cửa đều chói lọi ánh vàng. Ông già ngồi lên giường, chỉ một cái đôn gấm mời Ngài ngồi.

Ông nói: “Ông từ đâu tới?”.

Sư Văn Hỉ đáp: “Phương Nam”.

Ông hỏi: “Phật Pháp ở phương Nam trụ trì thế nào?”

Sư đáp: “Đời mạt pháp các Tỳ kheo ít phụng trì Giới Luật”.

Ông hỏi: “Chúng nhiều ít ?”

Sư đáp: “Hoặc ba trăm, hoặc năm trăm”.

Sư Văn Hỉ trở lại hỏi: “Phật pháp ở đây trụ trì thế nào?”.

Ông già trả lời: “Rồng rắn lẫn lộn, phàm Thánh ở chung”.

Sư hỏi: “Chúng nhiều ít?”.

Ông đáp: “Trước ba ba, sau ba ba(1)”. Ông kêu đồng tử đem trà và váng sữa(2) lại. Sư dùng xong, tâm ý thông suốt.

Ông già cầm chén pha lê lên hỏi: “Phương Nam có thứ này không?”.

Sư đáp: “Không có”.

Ông hỏi: “Bình thường lấy gì uống trà?”.

Sư không đáp được.

Văn Hỉ thấy trời đã tối, bèn hỏi ông ở lại một đêm được chăng.

Ông già nói: “Ông còn cái tâm chấp không thể ở lại”.

Sư nói: “Tôi đâu có tâm câu chấp”.

Ông già hỏi: “Ông đã thọ giới chưa?”.

Sư đáp: “Thọ giới đã lâu”.

Ông già nói: “Nếu không có cái tâm chấp, thì thọ giới để làm gì?”.

Sư cáo từ. Ông già bảo đồng tử tiễn Ngài về.

Ngài hỏi đồng tử: “Trước ba ba, sau ba ba là nhiều ít?”.

Đồng tử gọi lớn: “Đại đức!”.

Sư ứng tiếng dạ.

Đồng tử nói: “Đó là nhiều ít?”.

Sư Hỉ lại hỏi: “Đây là chỗ nào?”.

Đáp rằng: “Đây là động Kim Cương, chùa Bát Nhã”.

Sư Văn Hỉ mới tỉnh ngộ ra rằng ông già tức là Văn Thù vậy. Không thể ra mắt trở lại đđược nữa, bèn cúi đầu trước đồng tử, xin một lời nói để từ biệt.

Đồng tử đọc bài kệ:

Trên mặt không sân: Đồ cúng dường

Trong miệng không sân: Xuất Diệu Hương

Trong tâm không sân là châu báu

Không dơ, không nhiễm tức Chân Thường.

Nói xong, cả người lẫn chùa đều ẩn mất.

Thầy Hỉ sau tham học với Tổ Ngưỡng Sơn, chóng ngộ tâm khế, giữ chức Điển Tòa(3). Khi nấu ăn, đức Văn Thù thường hiện hình trên nồi cháo. Sư Văn Hỉ lấy cái đũa tre quậy cháo đánh mà nói rằng: “Văn Thù tự mặc Văn Thù. Văn Hỉ tự mặc Văn Hỉ”.

Đức Văn Thù bèn nói bài kệ:

“Bầu đắng rễ cũng đắng,

Dưa ngọt tận cuống ngọt

Tu hành ba đại kiếp

Lại bị lão tăng từ (chối)”.

Tổ Tuyết Đậu tụng rằng :

“Ngàn đỉnh nhấp nhô một màu lam

Ai là Văn Thù để đối đàm

Nực cười Thanh Lương(4) nhiều ít chúng

Trước ba ba sau cũng ba ba”.

Một giai thoại tuyệt vời cho người học đạo, Ngài Văn Hỉ muốn đến núi Ngũ Đài lể bái đức Văn Thù, chiêm bái bức tượng Bồ tát Văn Thù, Trong khi  Văn Thù xuất hiện trước mặt mà lại lầm qua.

Ông già chăn trâu rất kỹ, không rời dây buộc. Khi tiếp khách thì gọi đồng tử thay mình dắt trâu đi, không một giây phút quên chăn con trâu tâm, thật là bài học dạy người, con trâu tâm như viên ý mã, chưa hàng phục được, Chưa thuần phục ngoan hiền thì chẳng dám rời tay. Các vị tổ thiền sư đã sáng tác Mười bức tranh chăn trâu nổi tiếng để dạy người (Thập Mục Ngưu Đồ)

Lúc này, ngài Văn Hỉ chưa ngộ đạo nên không hiểu ý ông già chỉ dạy (Bồ tát Văn Thù - tượng trưng cho trí tuệ). Qua đoạn đối đáp giữa hai người, Ngài Văn Hỉ chỉ thật thà chân chất trả lời, đâu biết ông già đang khám nghiệm mình. Hỏi: “Ông từ đâu đến?”, đáp: “Phương Nam”.

Câu đáp tạm ổn. Phương Nam là nơi Lục tổ Huệ Năng hoằng pháp, Thiền tông phát triển mạnh, cũng muốn nói ta cũng là con của Thiền tông đây.

Đến câu thứ hai trở đi là ngài mù mịt. Qua câu trả lời ông già biết ngay là chưa gặp được thầy. Ông già nay đâu rảnh đi hỏi Phật pháp phương Nam trụ trì thế nào, chúng ít nhiều làm gì! Chỉ là cám cảnh ông đường xa lặn lội tới đây, tùy duyên tiếp đãi khai thị vị người.

Thôi thì có qua có lại mới toại lòng nhau. Nãy giờ ông già hỏi ngài trả lời. Bây giờ ngài hỏi, lại được câu trả lời vời vợi, thật giống như muỗi cắn trâu sắt, không có chỗ để cắm mỏ. Ai hiểu được câu “Rồng rắn lẫn lộn, phàm thánh ở chung” hay “Trước ba ba, sau ba ba” là nghĩa lý gì, chỉ dạy đạo lý gì? Cũng chớ vội suy diễn lung tung hoặc cho là lời đáp chẳng vì người chẳng lợi ích gì!

Thôi tạm dừng uống trà vậy. Đãi trà ván sữa cho tỉnh táo. Xong lại cầm chén pha lê lên hỏi, chén pha lê là chén gì? sắc thế nào? Cũng có ý hay trong đó. Lại theo cảnh quên mình, thật thà trả lời không có. Ông già thương tình hỏi lại, nhưng cũng chỉ được “Tưởng ta phụ ông, ai ngờ ông phụ ta”.

Rồi trời tối xin ở lại – quả là vẫn còn tối đen như mực mà! Không được ông già chấp nhận, và còn nói thẳng vì còn tâm chấp nên không ở lại được. Bồ tát Văn Thù là bậc đại trí, là thầy của bảy vị Phật, sao khó chịu làm vậy! Học nhân muốn đến chiêm bái mình, lỡ độ đường trời tối xin tá túc một đêm cũng nhứt quyết không cho, quả là ông già khó chịu! Nhưng chớ vộ trách ông già, chẳng ai cấm ông ở lại, chỉ vì đây là động Kim Cang, chùa Bát Nhã, ông còn mờ mịt thế kia, là tự ông chẳng vào được cửa. Cảnh giới của Phật, Bồ tát vẫn bít kín ngàn năm…

May mắn được bậc đại trí tiếp cơ, tiếc rằng tâm người học đạo chưa đủ sức nên cũng đành thôi, đỉnh cao chót vót làm sao thấu, miễn cưỡng giao lại cho đồng tử tiếp ở bậc thềm.

Như vậy vẫn còn thương người chán, đừng trách ông lão thiếu từ bi. Bỏ mặc học nhân chơ vơ nơi núi rừng heo hút. Chẳng nhẽ lại không được chút lợi ích nào, ra về trắng tay sao?

Ở chỗ ông già không dám hỏi thẳng, đến lúc ra về vẫn còn trĩu nặng tâm tư, mới đem hỏi đồng tử “Trước ba ba, sau ba ba là nhiều ít?”. Rõ là ông sao cháu vậy, thầy nào trò đó, chỉ một bề nêu cao thánh lệnh, một đường hướng thượng vì người, kêu to “Đại Đức!”. “Dạ” thật dễ thương! “Đó là nhiều ít?”, cũng vẫn mù mịt và bó tay. Thôi đành chịu, cá có dũng khí nhưng chẳng vượt được vũ môn, chẳng thể hóa rồng cuộn mây bay đi, tạm bị điểm trán trở về luyện công trở lại.

Tiễn biệt một bài kệ, dù sao cũng rất ư hào phóng. Hai câu đầu thôi, gần gũi, học nhân ứng dụng đã biết bao lợi ích. Câu thứ ba ở tầng bậc cao hơn “Trong tâm không sân là châu báu”.Đầy đủ thanh tịnh ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý. Câu kết rõ ràng là tuyệt vời, một cảnh giới của tâm học nhân nào không mơ ước! “Không dơ, không nhiễm tức Chân thường”. Rất gần với ý nghĩa việc Ngũ tổ Hoằng Nhẫn bảo đại chúng theo bài kệ của Thần Tú qua giai thoại trình kệ của hai vị đệ tử núi Đông Sơn.

Kệ Thần Tú:

Thân như cây Bồ đề

Tâm như đài gương sáng

Luôn siêng năng lau chùi

Không để dính bụi bặm.

Ngài Huệ Năng (lúc còn cư sĩ) dựa bài kê trên, chỉnh lại mấy chữ

Cây Bồ đề chẳng có

Gương sáng cũng chẳng đài

Xưa nay không một vật

Làm sao dính bụi trần.

Đây là bài kệ thấy tánh, trình kệ vào cửa của Huệ Năng, Ngũ tổ đã thầm chấp nhận, nhưng đối với đại chúng trong pháp hội, có lẽ hơi lạ lùng, khó hiểu, khó nắm bắt, làm đại chúng kinh hãi. Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn muốn bảo vệ Huệ Năng nên dùng dép xóa đi, nói chưa được, mọi người nên học theo bài kệ của Thần Tú thì được lợi ích!

“Đây là chổ nào?”. Trả lời “Đây là động Kim Cang, chùa Bát Nhã”. Quá rõ ràng! Bồ tát có chỗ nào trụ.

Nói xong cả người, chùa đều ẩn mất. Thật là khó có chỗ cho người dò, tùy duyên mà thị hiện thế thôi, thị hiện cũng vì người, xong ẩn vậy, nào để lại dấu vết gì.

Sau này, dưới pháp hội cửa tổ Ngưỡng Sơn, lãnh hội yếu chỉ khi đức Văn Thù xuất hiện lại đánh đuổi đi, sao mà vô ơn quá vậy!

Ngài Văn Hỉ lúc này như con sư tử chúa lông vàng, mỗi lời mỗi câu rống lên âm vang Chánh pháp, nên được Bồ tát ca ngợi. Một người đã suốt rõ nguồn chân, thì mỗi lời nói, mỗi hành động đều từ tự tánh lưu xuất, người ngoài khó hiểu hành vi của họ, đây quả là điều kỳ đặc.

Ngày trước chưa xong, ông bị lừa

Nay rồi gặp lại ngắm gương xưa

Hãy để mọi người tròn to mắt

Ta đây cứ việc đuổi Văn Thù.


 

(1) Tiền tam tam, hậu tam tam.

(2) Tô lạc.

(3) Lo về trai tăng trong thiền viện.

(4) Núi Ngũ Đài.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6116517