Thông tin

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

TỪ KHỞI ĐIỂM ĐẾN HỢP NHẤT VÀO NĂM 1981

 

Đại đức THÍCH NGUYÊN PHÁP

 

Bài tham luận sẽ khảo sát Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam từ khởi điểm cho đến khi hợp nhất với các hệ phái khác vào năm 1981. Tham luận bắt đầu từ các tổ chức tiền thân như: Lục Hòa Liên Xã, Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, Hội Lục Hòa Phật tử, đến khi chính thức thành lập và cuối cùng là hợp nhất cùng các hệ phái khác.

1. Lục Hòa liên xã (năm 1920-1923)

Trong chữ Hán, xã 社 có nghĩa là một hay nhiều tổ chức. Theo Từ điển Hán Việt từ nguyên, từ liên xã 連社 có nghĩa là nhiều làng/xã hợp lại với nhau [tr.1058]. The History of Buddhism in Vietnam dịch “Lục Hòa Liên Xã” là Luc Hoa association với hàm nghĩa là Hội Lục Hòa [tr.271]. Hội ra đời khoảng năm 1920-3, trụ sở đặt tại chùa Long Hòa (Tiểu Cần, Trà Vinh do Hòa thượng Huệ Quang trụ trì). Mục đích của tổ chức này là tạo điều kiện gặp gỡ để bàn bạc việc chấn hưng Phật giáo qua ba nỗ lực: chỉnh đốn Tăng già, kiến lập Phật học đường, phiên dịch và xuất bản kinh sách Việt ngữ. Các vị Hòa thượng tiêu biểu trong hội này là các ngài Khánh Hòa, Khánh Anh, Huệ Quang1

Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Nam được phát động từ năm 1929. Năm 1930, Hòa thượng Khánh Hòa trụ trì hai chùa Tuyên Linh (Bến Tre) và Sắc tứ Linh Thứu (Mỹ Tho). Ngài chọn chùa Sắc tứ Linh Thứu làm trụ sở tạp chí Pháp Âm, tờ báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ và là cơ quan ngôn luận của phong trào chấn hưng Phật giáo. Công việc chấn hưng được vài năm hanh thông suôn sẻ thì mật thám Pháp xen vào, khiến nội bộ lủng củng. Không thể tiếp tục được nữa nên Hòa thượng mở ra hướng khác nhằm duy trì sự hoạt động. Ngài sang Trà Vinh thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật Học vào năm 1934, theo nghị định số 2286 ký bởi Thống đốc Nam Kỳ Pages. Ngài Khánh Hòa làm chứng minh Pháp sư. Ngài Huệ Quang giữ chức Chánh tổng lý kiêm giảng sư, chủ nhiệm tạp chí “Duy Tâm Phật học”. Ngài Khánh Anh làm Đốc Học sư. Ngài Khánh Anh trụ trì chùa Long An ở Trà Ôn - Cần Thơ. Tại Đại hội kỳ III vào ngày 31/3/1957 của Giáo hội Tăng già Nam Việt, ngài được bổ xứ làm Pháp chủ; đến ngày 10/9/1959, ngài được suy tôn lên ngôi Thượng thủ.

Trong lịch sử Việt Nam, giai đoạn này thuộc về thời kỳ Pháp thuộc (1884-1945). Bối cảnh đương thời đặt ra yêu cầu tinh thần đoàn kết là quan trọng nhất, cho nên từ những ngày đầu cho đến khi chính thức thành lập, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam luôn gắn với từ “lục hòa”. Vậy Phật giáo - thông qua Lục Hòa liên xã và các vị Hòa thượng tiêu biểu - đã có những hoạt động nổi bật gì? Bằng con đường giáo dục và tạo dư luận (mở trường lớp, xuất bản sách, báo chí, tập san), Phật giáo chủ yếu xây dựng ý thức chấn hưng, nỗ lực đoàn kết nội bộ để đặt nền móng cho một tổ chức toàn quốc. Vì vậy, chúng tôi đồng ý với nhận định của tác giả Nguyễn Lang khi cho rằng Lục Hòa Liên Hiệp có vai trò như viên đá đầu tiên của phong trào chấn hưng Phật giáo tại Nam Kỳ [4, tr.763].

2. Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ (1947)

Như đã nói, với vai trò như viên đá đầu tiên của phong trào chấn hưng Phật giáo tại Nam Kỳ, Lục Hòa Liên Xã là tiền thân của nhiều tổ chức nói chung, trong đó, có Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ. Vậy Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ ra đời như thế nào? Và vì lý do gì được xem là tiền thân trực tiếp của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam?

Trước hết, cần phải nói sơ qua về bối cảnh lịch sử chung của thời điểm lúc bấy giờ. Đây là một giai đoạn lịch sử với nhiều biến động đặc biệt trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Tùy theo từng góc độ, từng quan điểm mà các sử gia có cách tiếp cận khác nhau. Giai đoạn này Phật giáo chú ý đến việc gắn bó với các tổ chức có xu hướng giành độc lập dân tộc như Nguyễn Lang nhận xét: Đứng về mặt hình thức, các tổ chức này đều tuyên bố không mang màu sắc chính trị, nhưng đứng về mặt nội dung thì có khuynh hướng thân kháng chiến [tr.697-8]. Đồng thời, Phật giáo bắt đầu ý thức tham gia vào các hoạt động quốc tế nhằm khẳng định vai trò, vị trí của mình trong lịch sử dân tộc.

Ngày 19/8/1945, cách mạng Tháng Tám thành công, chính phủ Trần Trọng Kim giải tán, Mặt trận Việt Minh tuyên bố thành lập chính quyền lâm thời. Sau đó, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Phật giáo có sự chuyển biến mới: Cùng với nhiều đoàn thể khác, Hội Phật giáo cứu quốc được thành lập khắp nơi [4, tr.683] và trở thành những lực lượng xã hội đáng kể, bắt đầu gây ảnh hưởng trực tiếp với thời cuộc [4, tr.702].

Ở miền Bắc, Thiền sư Thái Hòa thành lập Đoàn Tăng già cứu quốc và vận động tổ chức khắp nơi các đơn vị Phật giáo cứu quốc.

Ở miền Trung, các Hội cứu quốc còn nhiều hơn. Ngài Trí Độ tham gia vào phong trào Phật giáo cứu quốc từ 1945, được bầu làm Ủy viên Ủy ban Liên Việt tại Thanh Hóa năm 19502. Ngoài ra, Thích Thiện Minh phụ trách Ủy ban Phật giáo cứu quốc tại Quảng Trị, Thích Trí Quang phụ trách Ủy ban Phật giáo cứu quốc tại Quảng Bình. Thích Huyền Quang phụ trách Phật giáo cứu quốc tại Bình Định [4, tr.683]. Ngài Mật Thể còn dấn thân vào nhiều hoạt động hơn nữa: Tháng giêng năm 1946, khi Chính phủ lâm thời tổ chức Tổng tuyển cử, ngài đã ra ứng cử ở Thừa Thiên và đắc cử làm Đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là lần đầu tiên một vị Tăng sĩ Việt Nam trực tiếp đi vào chính trị. Cũng năm 1946, ngài được mời làm Chủ tịch Phật giáo cứu quốc Thừa Thiên. [2 và 4, tr.682]

Ở miền Nam, nhiều Hội Phật giáo cứu quốc cũng được thành lập. Nhiều vị tôn túc cũng đã chịu đứng ra làm Chủ tịch các tổ chức Phật giáo cứu quốc để các Tăng sĩ trẻ tuổi dựa vào làm việc: Ngày 6/9/1945, Hòa thượng Huệ Thành (1912-2001) trụ trì chùa Long Thiền làm Chủ tịch Phật giáo cứu quốc tỉnh Biên Hòa, trụ sở của Hội đặt tại chùa Long Thiền. Cũng khoảng thời điểm này, Hòa thượng Minh Tịnh (1907-1985) làm Chủ tịch Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một. Thiền sư Huệ Quang đứng ra làm Chủ tịch Phật giáo cứu quốc tỉnh Trà Vinh, đồng thời cũng là Ủy viên Xã hội của Ủy ban Hành chính Tỉnh bộ Trà Vinh. Thiền sư Pháp Dõng làm Chủ tịch Phật giáo cứu quốc tỉnh Gia Định, Thiền sư Pháp Tràng làm Chủ tịch Phật giáo cứu quốc tỉnh Mỹ Tho, Thiền sư Pháp Long làm Chủ tịch Phật giáo cứu quốc tỉnh Vĩnh Long. [4, tr.694]

Với bối cảnh chung như vậy và để thuận lợi cho việc tập hợp Tăng, Ni và Phật tử miền Nam, Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ ra đời. Năm 1947, các vị cao Tăng và Phật tử trong tổ chức Phật giáo cứu quốc các tỉnh, thành phố ra chiến khu Đồng Tháp Mười thành lập Ban Chấp hành Phật giáo cứu quốc Nam Bộ; Chủ tịch Hội là Hòa thượng Minh Nguyệt (1907-1985)3 và Phó Chủ tịch (Phó Hội trưởng) là Hòa thượng Thích Huệ Thành. Chùa Ô Môi ở xã Mỹ Quý trong chiến khu Đồng Tháp Mười là trụ sở của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ. Tham dự vào Ban Chấp hành còn có các thiền sư Huệ Phương, Viên Minh và Không Không [tr.694]. Tuy nhiên, những năm 1949-50, phong trào Phật giáo cứu quốc Nam Bộ suy yếu, chỉ còn lại một vài vị tiêu biểu trong Mặt trận Liên Việt. Năm 1952 Phật giáo cứu quốc Sài Gòn - Chợ Lớn nỗ lực phối hợp với Phật giáo cứu quốc Biên Hòa thành lập và mở trường Phật học, kết hợp chặt chẽ với nhau qua phong trào cứu đói, cầu nguyện cho hòa bình nhưng tình hình thực tế không mấy khả quan. Có thể nói, tuy có thời điểm suy yếu nhưng Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ vẫn đóng vai trò tiếp nối xuyên suốt cho các tổ chức trước và sau nó. Nhất là với việc xác định rõ sự tập trung vào giới Phật giáo Nam Bộ, Hội này thực sự hồi sinh bởi hai tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam (1952), Hội Lục Hòa Phật tử về sau.

3. Giáo hội Lục Hòa Tăng (1952), Hội Lục Hòa Phật tử (1954) và Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (1968)

3.1 Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam

So sánh với hai miền còn lại, xu hướng thân kháng chiến của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ là rõ rệt nhất. Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam thành lập trong tinh thần nối tiếp xu hướng đó. Đại hội được tổ chức vào tháng 2 năm 1952 (ngày rằm tháng hai, năm Nhâm Thìn), tại chùa Long An - đường Nguyễn Văn Cừ, TPHCM ngày nay.

Điều 2 của Điều lệ Giáo hội này cho biết nguyên nhân thành lập là nhằm “duy trì nền tảng cổ truyền và thực hiện nền giáo dục Phật lý để dìu dắt nhân sinh sống theo sáu phép Lục Hòa mà nghìn xưa đức Phật đã dạy”. Mặt khác, còn một mục đích quan trọng hơn, như lời Hòa thượng Bửu Ý cho biết: “Sở dĩ Giáo hội ra đời là vì năm 1949 Ban chấp hành Phật giáo cứu quốc Nam Bộ do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Hội trưởng xét thấy tình hình khó khăn do giặc Pháp khủng bố, lúc bấy giờ tôi là Ủy viên phụ trách Phật giáo cứu quốc Sài Gòn – Gia Định, bấy giờ quý cụ như Hòa thượng ở chùa Trường Thạnh, Phật Ấn, Long An, Long Quang, Giác Viên… âu lo, âm thầm lặng lẽ hoạt động cốt yếu là giữ tổ chức, và người…

Cơ cấu tổ chức được Đại hội bầu ra như sau:

- Tăng trưởng: Hòa thượng Thích Thiện Tòng chùa Trường Thạnh (quận 1).

- Phó Tăng trưởng: Hòa thượng Thích Pháp Nhạc.

- Tăng giám: Hòa thượng Thích Thành Đạo.

- Phó Tăng giám: Hòa thượng Thích Minh Đức.

- Tổng Thư ký: Hòa thượng Thích Huệ Chí.

- Ban Hoằng pháp gồm có Hòa thượng Thích Pháp Lan và Huệ Thành.

- Văn phòng đặt tại chùa Trường Thạnh (Sài Gòn). Cơ quan ngôn luận là Phật học tạp chí, tòa soạn đặt tại chùa Phật Ấn (quận 1) do Hòa thượng Thành Đạo làm chủ nhiệm và Hòa thượng Huệ Chí làm chủ bút.

- Giáo hội có một trường học mang tên Phật Học Đường Lục Hòa, được xây dựng cạnh chùa Giác Viên (quận 11) do Hòa thượng Huệ Chí làm giám đốc và mở lớp Phật học gia giáo từ năm 1955-1957 và khóa trụ trì Tăng từ năm 1957-1960.

- Năm 1957, Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam được chính quyền Ngô Đình Diệm thừa nhận bằng nghị định 93BNV/NA/P5 ký ngày 1/10/1957.

Có một chi tiết được một số tài liệu ghi lại một cách nhầm lẫn: Sau khi ngài Quảng Đức tự thiêu (11/6/1963), chính quyền Ngô Đình Diệm muốn phân hóa Phật giáo, dùng Phật giáo đánh Phật giáo nên thỏa hiệp với một vài cá nhân trong giáo hội này để liên lạc với quốc tế (Sri Lanka) nhằm vô hiệu hóa pháp nhân của tổ chức Phật giáo khác. Tại sao các tài liệu đó lại nhầm lẫn như vậy? Vì có thể nhầm lẫn danh xưng, nhưng nhầm lẫn đáng tiếc nhất là không thấy được sự nhất quán lập trường của giáo hội này xuyên suốt từ những ngày đầu thành lập cho đến mãi về sau, luôn trong tâm thế đối kháng với chế độ Ngô Đình Diệm, cho nên, không thể nào có chi tiết như vài tài liệu đã nêu trên.

Cuối năm 1963, chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Đầu năm 1964, Giáo hội Việt Nam Thống Nhất được thành lập. Tuy nhiên lúc đó Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam có lập trường riêng, chú tâm củng cố tổ chức một cách vững chắc.

3.2 Hội Lục Hòa Phật tử

Giáo hội cũng thành lập thêm một tổ chức của cư sĩ Phật tử, đó là Hội Lục Hòa Phật tử vào ngày 24/2/1954, trụ sở đặt tại chùa Long Vân (xã Bình Hòa, tỉnh Gia Định) trong hai niên khóa đầu, đến năm 1954 thì dời về chùa Phật Ấn. Mục đích chính của Hội nhằm chăm lo tốt đời sống các Phật tử có tuổi, giúp đỡ họ được chu tất khi qua đời. Hội có một nghĩa trang tại Gò Dưa (Thủ Đức). Lãnh đạo là Hội trưởng Hòa thượng Thích Thiện Hào (1911-1997)4

3.3 Sự hợp nhất thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam

Xét bối cảnh chung, từ năm 1950, Phật giáo Việt Nam đã hòa mình với Phật giáo Việt Nam quốc tế qua việc tham gia các kỳ hội nghị. Năm 1951, Tổng hội Phật giáo Việt Nam quy tụ sáu tổ chức của ba miền Bắc Trung Nam: Hòa thượng Tịnh Khiết đứng đầu, Hòa thượng Tâm Châu đại diện miền Bắc, Hòa thượng Thiện Minh đại diện miền Trung, Hòa thượng Thiện Hoa đại diện miền Nam; tuy nhiên, cơ chế quản lý vẫn chưa được chặt chẽ, vì vậy, thực chất, các tổ chức vẫn tự hoạt động. Năm 1952, tổ chức rước xá-lợi thật lớn gây chú ý cho quốc tế, nâng cấp Tổng hội Phật giáo Việt Nam thành Giáo hội Tăng già toàn quốc [4, tr.716-7]. Các hoạt động đó cho thấy Phật giáo nỗ lực không ngừng trên hai phương diện quốc tế và quốc nội. Về phương diện quốc tế, Phật giáo muốn thể hiện một tư cách pháp nhân chính thức. Về phương diện quốc nội, Phật giáo đang nỗ lực kiến tạo một giáo hội thống nhất toàn quốc.

Như trên đã nói, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, Phật giáo có hai khuynh hướng: lập trường thân kháng chiến và lập trường độc lập. Sự xuất hiện hai khuynh hướng này thể hiện sự phân vân của Phật giáo khi lựa chọn con đường thống nhất mặc dù chúng diễn ra một cách tự nhiên như một thực tiễn của lịch sử. Vì vẫn kiên định lập trường thân kháng chiến như một sự tiếp nối Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, cho nên, ngày 9/11/1968, Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam và Hội Lục Hòa Phật tử hợp nhất đổi tên là Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (the Vietnam Traditional Buddhist Association). Danh xưng này tồn tại trong khoảng thời gian 13 năm cho đến năm 1981 thì hợp nhất. Theo tác giả Thích Đồng Bổn, Văn phòng Giáo hội đặt tại chùa Phật Ấn.5

Cơ cấu tổ chức của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam:

- Tăng trưởng: Hòa thượng Thích Thiện Tòng (1891-1964), kế nhiệm là Hòa thượng Thích Huệ Thành (1912-2001)6 và Đệ nhất Phó Tăng giám là Hòa thượng Thích Thiện Hương (1903-1971).7

- Tổng Thư ký: Hòa thượng Thích Bửu Ý (1917-1996).8

- Tổng Thư ký Viện Tăng thống: Hòa thượng Thích Trí Tấn9 (1906-1995).

- Viện trưởng Viện Hoằng đạo: Hòa thượng Thích Thiện Thuận10 (1900-1973).

- Tổng Thư ký Viện Hoằng đạo: Hòa thượng Thích Trí Tâm.11

- Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp Viện Hoằng đạo: Hòa thượng Thích Thành Đạo (1906-1977).

- Tổng Thư ký: Hòa thượng Thích Thiện Hào.

Như vậy, sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là tất yếu theo quy luật vận hành của lịch sử. Giáo hội này đã thực hiện chức năng tập hợp quần chúng, chia sẻ trách nhiệm lịch sử với các tổ chức khác.

3.4. Phân biệt với Giáo hội Cổ Sơn Môn (1958)

Nói đến Giáo hội Cổ Sơn Môn, trước hết, cần nói đến Hòa thượng Trí Hưng.12 Năm 1947, tại Huế, Hòa thượng được suy cử làm Tòng lâm Thuyền chủ kiêm Hội trưởng Sơn môn Tăng già Trung Việt. Hòa thượng cùng với một số Tăng sĩ chùa Hải Đức và chùa Phổ Thiên lập hội Phật giáo thuyền lữ và cho ra tập san Thuyền Lữ. Tháng 3/1955, chư sơn Quảng Ngãi cung thỉnh Hòa thượng chứng minh và thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi.

Đại hội tại chùa Sắc tứ Từ Lâm ngày 29/4/1958 thay đổi danh hiệu Hội và bầu Ban Quản trị Tỉnh hội Phật giáo Cổ Sơn Môn và Hòa thượng giữ chức Tăng trưởng.

Sau năm 1962, Hòa thượng vào Sài Gòn để cùng một số vị vận động thành lập Giáo hội Phật giáo Cổ Sơn Môn Việt Nam. Đại hội thành lập được tiến hành ngày 12/6/196313 tại Tổ đình Giác Lâm, Phú Thọ Hòa - Gia Định. Trong Đại hội này, Hòa thượng được cử giữ chức Phó Tăng thống Quản Tăng Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ Sơn Môn. Cuối năm 1963, chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Đầu năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất thành lập. Mối liên hệ giữa hai giáo hội này vẫn còn bỏ ngỏ tại Đại hội. Tuy nhiên, vào ngày 11/5/1964, hai giáo hội này ký kết một bản Thông cáo chung ghi nhận hoạt động của Cổ Sơn Môn “y theo thiền lâm quy củ thể hiện trong bản Hiến Chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất để hành đạo, không y theo điều lệ bằng Nghị Định của Bộ Nội Vụ”.

Tuy nhiên tổ chức Giáo hội Cổ Sơn Môn và của Hòa thượng Trí Hưng không đồng hành với Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam trong công cuộc đấu tranh vì hòa bình thống nhất đất nước và lợi ích chung của Phật giáo nước nhà.

4. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981)

Có thể nói, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước là thời điểm mà khát vọng thống nhất một tổ chức của Phật giáo suốt trên nửa thế kỷ trong bom đạn chiến tranh đã đến lúc chín muồi. Ngày 12 và 13/2/1980, Hòa thượng Thích Bửu Ý, đại diện Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tham gia cuộc gặp mặt lịch sử chính thức thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam. Cùng với Ban Vận động, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam có nhiệm vụ vận động, nghiên cứu, thực hiện công cuộc thống nhất Phật giáo nước nhà, thành tiếng nói chung, tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam.

Gần hai năm sau, ngày 4 đến ngày 7/11/1981, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam cùng các hệ phái khác chính thức hợp nhất thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hòa thượng Thích Thiện Hoa, 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, 1970.

2. Thích Đồng Bổn, Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX - tập I, Thành hội Phật giáo TP.HCM, 1995.

3. Nguyễn Thị Thảo, Tạp chí KHXH, số 12 (2012).

4. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Lá Bối, 1973, 1978.

 


1. Tạp chí KHXH, số 12 (2012)

2. Năm 1953, Hòa thượng được nhà nước chỉ định làm Ủy viên Ủy ban Việt Nam bảo vệ hòa bình thế Giới, lại được giữ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa các khóa 2, 3, 4 và 5. [4, tr.745].

3. Sau 1981 ngài là Phó Pháp chủ Thường trực GHPGVN.

4. Sau này ngài là thành viên HĐCM kiêm Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN.

5. Có tài liệu cho rằng văn phòng đặt tại Chùa Thiên Tôn (quận 5 hiện nay).

6. Sau này ngài là Phó Pháp chủ HĐTS GHPGVN.

7. Tăng trưởng Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tỉnh Bình Dương.

8. Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam

9. Sau này ngài là thành viên HĐCM Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

10. Viện chủ Tổ đình Giác Lâm.

11. Sau năm 1981 là Phó Pháp chủ HĐCM Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

12. Hòa thượng pháp hiệu Trí Hưng (1908-1986), pháp tự Đạo Long, thế danh là Nguyễn Tăng, sinh ngày mồng 8 tháng 7 năm Mậu Thân tại làng Thạch Trụ, xã Đức Mỹ, quận Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

13. Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu trước đó một ngày, tức 11/6/1963.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 10
    • Số lượt truy cập : 6116381