Thông tin

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN

VỚI CÔNG CUỘC THỐNG NHẤT PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

PHẠM VĂN PHƯỢNG
và NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG
Trung tâm NCPGVN phía Bắc
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

 

1. Gia nhập Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước

Sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, non sông thu về một cõi, Bắc Nam liền một dải.

Đất nước đã bước sang giai đoạn mới-giai đoạn xây dựng Tổ quốc và phát huy đạo pháp trong chiều hướng đi lên của dân tộc, Tăng ni, Phật tử yêu nước ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đã đoàn kết và sát cánh nhau thành lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước, thuộc Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng thành phố Hồ Chí Minh, nhằm thực thi ba nguyện vọng:

- Đoàn kết rộng rãi tất cả những tổ chức Phật giáo để tiến đến một chương trình hành động thống nhất trong Mặt trận dân tộc giải phóng.

- Phát huy truyền thống yêu nước của người Phật tử Việt Nam để tích cực tham gia, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, ra sức phục hồi sản xuất không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

- Trau dồi chính pháp uyên thâm của Phật, bồi dưỡng đạo đức trong sáng và đưa nếp sống tinh thần của Tăng ni và Phật tử ngày càng hoà hợp với đạo đức cách mạng của Hồ Chủ tịch: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Củng cố hàng ngũ Tăng ni, cảnh giác sự lợi dụng tín ngưỡng của những người núp bóng tôn giáo hoạt động chính trị phản động.

Với chủ trương và đường lối đúng đắn đó, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước đã được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các giáo phái và đoàn thể Phật giáo:

1) Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

2) Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam.

3) Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam.

4) Thiên Thai Thiền Giáo Quán Tông.

5) Hội Phật học Nam Việt.

6) Gia đình Phật tử Việt Nam.

7) Ni bộ Bắc tông Việt Nam.

8) Một số quý vị trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

9) Giáo hội Phật giáo Hoa tông tại miền Nam.

10) Giáo hội Phật giáo Mahanikay tại Việt Nam.

Ngày 7/8/1975, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ ra mắt với thành phần sau:

1.1 Chủ tịch đoàn

a. Chủ tịch

Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận dân tộc giải phóng Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ.

b. Phó Chủ tịch

1) Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, nguyên Tăng thống Giáo hội Tăng già Nguyên thuỷ Việt Nam.

2) Hòa thượng Thích Bửu Ý, Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

3) Hòa thượng Thích Bửu Chơn, Phó Tăng thống Giáo hội Tăng già Nguyên thuỷ Việt Nam.

4) Ni sư Thích Nữ Huỳnh Liên, Ni sư trưởng Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủỷ ban Mặt trận dân tộc giải phóng Thành phố Hồ Chí Minh.

1.2 Ủy viên Chủ tịch đoàn

1) Hòa thượng Thích Đạt Hảo, Trị sự trưởng Thiên Thai Giáo quán tông.

2) Ni sư Diệu Đức, Ni bộ Bắc tông Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.

3) Hòa thượng Thích Pháp Dõng, Tổng vụ trưởng Tổng vụ xã hội, tái thiết Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

4) Giáo thụ Thích Viên Hảo, có công tranh đấu hoà bình, độc lập dân tộc.

5) Ni sư Liễu Tánh, nguyên Vụ trưởng Ni bộ Bắc tông Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

6) Đại đức Thạch Inh, Trưởng Giáo phái Mahanikay.

7) Hòa thượng Thích Hồng Năng, Tăng trưởng Thành hội Sài Gòn Phật giáo Cổ truyền.

8) Đạo hữu Tống Hồ Cầm, Ban Quản trị Hội Phật học Nam Việt.

1.3 Ban Thư ký

a. Tổng Thư ký

Đại đức Thích Hiển Pháp, Uỷ viên Mặt trận dân tộc giải phóng Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Thư ký Tổng vụ xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nguyên Chủ tịch Mặt trận nhân dân cứu đói.

b. Phó Tổng Thư ký

Đạo hữu Võ Đình Cường, Ủy viên Chủ tịch đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng Thành phố Hồ Chí Minh.

Thượng tọa Thích Từ Hạnh, nguyên Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

1.4 Ủy viên: gồm 8 vị

Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố đặt trụ sở tại chùa Xá Lợi, số 89 Bà Huyện Thanh Quan1.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền đã đóng góp công sức của mình nhằm hàn gắn vết thương sau bao nhiêu năm chiến tranh, nhiều vị Tăng ni đã trở thành cán bộ, tham gia các đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc và Hội đồng Nhân dân các cấp.

Đặc biệt trong phong trào bảo vệ Tổ quốc, nhiều thanh niên tăng đã lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự, các lực lượng dân quân và thanh niên xung phong, tham gia xây dựng tuyến phòng thủ của biên giới Tây Nam, xây dựng hai công trình bảo vệ thành phố tại Tân Thới Hiệp và Tân Hiệp thuộc huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh2.

2. Tích cực tham gia cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam

Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam rất phấn khởi đứng trong Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước - một tổ chức của Phật giáo, do những người Phật giáo có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc đứng lên thành lập.

Tổ chức này có nhiệm vụ liên lạc với những người Phật giáo có tinh thần yêu nước, phụng đạo, cùng nhau xây dựng sự đoàn kết, thống nhất từ ý chí đến hành động, từ lãnh đạo đến tổ chức, để Phật giáo có một vị trí vững vàng trong xã hội mới.

Sau gần năm năm hoạt động (từ 7/8/1975 đến tháng 2/1980), Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước đã nối kết được ba nhà lãnh đạo Phật giáo đức cao đạo trọng, là ba vị Hòa thượng đầu tiên đặt nền móng cho công cuộc thống nhất Phật giáo cả nước 1980-1981, đó là Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh, Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa thượng Thích Thế Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam.3

Ngày 2/2/1980, chư tôn giáo phẩm tiêu biểu ba miền Bắc, Trung, Nam đã thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam và suy cử Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Hòa thượng Thích Đôn Hậu vào Ban Chứng minh, Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban.

Ngày 12 và 13/2/1980, tại Thành phố Hồ Chí Minh các vị giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức hệ phái Phật giáo cả nước đã tiến hành cuộc họp mặt đầu xuân Canh Thân thân mật đạo tình. Hòa thượngThích Bửu Ý, Viện trưởng Viện Hoằng đạo, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam hiện diện trong cuộc họp mặt này.

Hội nghị đã thông qua nội dung chương trình làm việc (gồm 5 điểm). Hoàn chỉnh các bản dự thảo Thông bạch và Kiến nghị gửi Chính phủ và Mặt trận. Buổi chiều 13/2 tiếp tục bàn những vấn đề chung quanh nhiệm vụ Ban Vận động: Việc tổ chức lễ ra mắt Ban Vận động tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; Dự kiến mời bổ sung vào Ban Vận động. Quyết định xin đặt trụ sở và Văn phòng thường trực Ban Vận động tại chùa Quán Sứ, Hà Nội và chùa Xá Lợi Thành phố Hồ Chí Minh.

Chiều ngày 13/2/1980, buổi họp có vinh hạnh được đón tiếp Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Phó Thủ tướng Chính phủ; giáo sư Nguyễn Văn Chì Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Thường vụ thành ủy, Trưởng ban Dân vận và Mặt trận Thành phố Hồ Chí Minh, đến thăm viếng, ca ngợi công việc các vị lãnh đạo Phật giáo đang làm.

Sau khi tiễn đưa các vị khách quý, toàn thể các vị hiện diện đã nhất tâm phát nguyện hồi hướng công đức, cuộc họp đã kết thúc lúc 17 giờ ngày 13/2.

Ngày 27/3/1980, tại chùa Trường Thạnh nằm trên đường Yersin, quận 1, bỗng trở nên vui vẻ lạ thường. Từ các quận huyện trong thành phố, các Tăng ni Phật tử thuộc các chùa Phật giáo Cổ truyền Thành phố Hồ Chi Minh đã về họp mặt đầu năm, theo thông lệ của giới này. Hiện diện trong buổi họp mặt có Hòa thượng Thích Minh Nguyệt Trưởng Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh; Hòa thượng Thích Bửu Ý Viện trưởng Viện Hoằng đạo Trung ương Phật giáo Cổ truyền; Hòa thượng Huệ Thành (chùa Long Thiền) Tăng thống của Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Trong gần 30 đại biểu Phật giáo Cổ truyền của quận huyện nói trên, người ta còn nhận thấy các Thượng tọa, Đại đức của phái này đã từng nổi tiếng trên các mặt trận công tác và sản xuất như các Đại đức Thiện Xuân ở Bình Chánh, Huệ Xướng ở Tân Bình… Hầu hết các Thượng tọa, Đại đức này đã giữ những vai trò quan trọng ở các Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước ở các quận huyện vừa kể.

Ngoài ra, trong cuộc họp này còn có một số cư sĩ có uy tín trong giới Phật giáo Cổ truyền như Huệ Châu, Thiện Đức, Quảng Minh.

Mở đầu cuộc họp, Hòa thượng Bửu Ý, Viện trưởng Viện Hoằng đạo Trung ương Phật giáo Cổ truyền đã long trọng tuyên bố lý do. Theo Hòa thượng, đây là một cuộc họp đầu năm của phái Phật giáo Cổ truyền ở thành phố để nghe Trung ương Giáo hội báo cáo lại tình hình và thành tích của Giáo hội đã thu đạt được trong thời gian qua. Sau đó, hội nghị nghe Hòa thượng Tăng thống ôn lại quá trình đóng góp của chùa Trường Thạnh, trụ sở văn phòng Viện Tăng thống Phật giáo Cổ truyền, hiện nay là Văn phòng Giáo hội Trung ương Phật giáo Cổ truyền. Hòa thượng Tăng thống cho biết, ngay khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng thì Phật giáo Cổ truyền đã hoan hỷ cho chính quyền và Mặt trận thành phố mở các lớp bồi dưỡng, học tập cho Tăng ni, Phật tử tại chùa Trường Thạnh và cũng cho biết từ sau ngày giải phóng đến nay hầu hết các chùa thuộc Phật giáo Cổ truyền trong thành phố đã tham gia vào Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước và gương mẫu chấp hành tốt các đường lối chính sách chung.

Sau đó Hòa thượng Tăng thống hoan hỷ báo tin sự thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam (gọi tắt Ban Vận động) và ngài nhờ Hòa thượng Minh Nguyệt báo cáo lại cụ thế và chi tiết tin vui trọng đại này.

Với giọng nói hiền từ nhưng đầy sức hấp dẫn, Hòa thượng Minh Nguyệt lần lượt tường thuật lại những diễn tiến liên hệ đến tin vui này: Cuộc họp mặt lịch sử của Phật giáo Việt Nam vào đầu xuân Canh Thân vừa qua ngày 12/2 và 13/2/1980 của các vị giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức, hệ phái Phật giáo cả nước tại thành phố Hồ Chí Minh.

Hòa thượng cho biết trong cuộc họp mặt này, giới Phật giáo Việt Nam đã có vinh hạnh được đón tiếp các ông Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Trần Bạch Đằng, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương MTTQ Việt Nam và ông Phạm Quang Hiệu Ban Tôn giáo Phủ Thủ tướng đến thăm và nói chuyện. Cử tọa đã chăm chú theo dõi những lời tường thuật của Hòa thượng Minh Nguyệt và hết sức hoan nghênh khi được biết trong Ban Vận động đã qui tụ đầy đủ đại diện những hệ phái Phật giáo trong nước.

Sau đó Đại đức Thiện Xuân cũng long trọng báo tin thêm, trong thời gian qua đã có rất nhiều chùa thuộc hệ phái Phật giáo Cổ truyền các tỉnh như Pleiku, Cần Thơ, Nha Trang đã đánh điện cho Văn phòng Giáo hội Trung ương Phật giáo Cổ truyền biểu lộ niềm vui mừng lớn lao đối với vấn đề thống nhất Phật giáo.4

Trả lời phỏng vấn của báo Giác ngộ, Hòa thượng Thích Trí Tâm - Tổng Thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam nói:

“Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: Người là vị lãnh đạo thiên tài, là bậc Thầy đáng kính của toàn dân Việt Nam, đề ra chính sách đại đoàn kết không phân biệt Trung, Nam, Bắc, lương hay giáo, đoàn kết một lòng trong Mặt trận dân tộc thống nhất để đấu tranh giành độc lập, thống nhất cho Tổ quốc.

Nay nước nhà đã hoàn toàn thống nhất, Bắc, Trung, Nam liền một dải, là cơ duyên thuận lợi nhất cho nhân dân Việt Nam đoàn kết một lòng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nước nhà đã thống nhất thì việc thống nhất Phật giáo là nguyện vọng của Tăng ni,tín đồ Phật tử Việt Nam không phân biệt Giáo hội này Giáo hội khác.

…Hôm nay (15/ 5/1980), Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam tổ chức làm lễ ra mắt tại thành phố Hồ Chí Minh, thay mặt Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, chúng tôi hoàn toàn nhất trí về phương hướng và nguyên tắc hoạt động do Ban Vận động đã đề ra đồng thời nhiệt liệt hoan nghênh và thành tâm cầu chúc…chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa quí vị trong Ban Vận động đầy đủ sức khỏe để hoàn thành sứ mệnh trọng đại của dân tộc và đạo pháp”5.

Ngày 8/4/1980, tại chùa Quán Sứ Hà Nội, Ban Vận động đã họp phiên thứ nhất dưới sự chủ tọa của Hòa thượng Trưởng ban Thích Trí Thủ; Hòa thượng Thích Bửu Ý được bầu làm một trong 6 Phó Trưởng ban Vận động.

Trong bài chào mừng Phật đản 2524 (1980), Hòa thượng Thích Bửu Ý, Viện trưởng Viện Hoằng đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam viết:

“Năm nay, Tăng, Ni và tín đồ Phật giáo chúng ta hân hoan đón ngày Khánh Đản của Đức Thế Tôn trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực quyết tâm hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm lần thứ 2 để tạo ra một bước phát triển mới của thời kỳ quá độ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam văn minh và giàu mạnh. Khắp nơi Tăng ni và đồng bào Phật tử chúng ta không ngừng phát huy truyền thống yêu nước phụng đạo của mình, ra sức cùng toàn dân khắc phục mọi khó khăn, tích cực tham gia lao động sản xuất làm ra nhiều của cải vật chất để từng bước ổn định và cải thiện đời sống tu hành và góp phần làm nhiệm vụ hậu phương đối với tiền tuyến. Cũng chính trong thời gian này, chúng ta vô cùng hân hoan phấn khởi trước công cuộc vận động thống nhất Phật giáo cả nước. Cuộc gặp mặt vào đầu xuân năm nay tại thành phố chúng ta của các vị giáo phẩm tiêu biểu, lãnh đạo các hệ phái Phật giáo trong cả nước, là một cuộc gặp mặt lịch sử đánh dấu một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Việc thành lập và ra mắt Ban Vận động vừa qua đã làm nức lòng hoan hỷ trong toàn thể Phật giáo đồ cả nước. Tăng, Ni và đồng bào Phật tử xem đây là một sự kiện lịch sử hết sức quan trọng đáp ứng trúng với hoài bão và nguyện vọng tha thiết của toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam. Như trong Thông Bạch và Nghị quyết của Ban Vận động đã nhận định: muốn tiến mạnh, tiến xa, chúng ta phải chuẩn bị nghiêm túc, chỉnh đốn hàng ngũ, thống nhất ý chí và hành động. Vấn đề đầu tiên là phải thống nhất ý chí, thống nhất nội bộ như lòng thiết tha yêu nước phụng đạo. Nguyện vọng thống nhất Phật giáo của toàn thể Tăng ni và đồng bào Phật tử, các tổ chức, giáo phái Phật giáo, đã từng ấp ủ, vận động dưới nhiều hình thức trong hàng thế kỷ qua, nhưng chưa bao giờ được thống nhất trọn vẹn dưới các triều đại của phong kiến, thực dân và đế quốc. Hơn bao giờ hết với những điều kiện thuận lợi hiện nay trong chế độ xã hội chủ nghĩa, các cơ duyên đã hội đủ để thực hiện thống nhất thực sự Phật giáo nước nhà. Thống nhất Phật giáo Việt Nam sẽ mở ra một hướng phát triển mới trong lịch sử Phật giáo, phù hợp với lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, làm sáng chói tinh thần Phật giáo trong thời đại nước ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát huy cao hơn nữa truyền thống gắn bó hài hòa giữa đạo Phật với dân tộc, đảm bảo truyền thống tín ngưỡng và phương pháp tu hành của Tăng, Ni và đồng bào Phật tử Việt Nam theo lời Phật dạy.

Công cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam được mở ra vào chính năm nay cũng là một dịp quý báu để chúng ta thiết thực cúng dường công đức lên Đức Thế Tôn nhân ngày giáng thế của ngài.

Cũng nhân dịp này, toàn thể tín đồ Phật giáo chúng ta xin nhất tâm cầu nguyện cho công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam được sớm hoàn thành viên mãn”.6

Ngày 17/3/1981 (Tân Dậu), phái đoàn Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng ban đến thăm và tiếp xúc với lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (Lục Hòa Tăng, Lục Hòa Phật tử) tại Hội quán Trung ương Giáo hội, Tổ đình Giác Lâm, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Đón tiếp và hội đàm với đoàn có các vị: Hòa thượng Thích Huệ Thành, Tăng thống Giáo hội; Hòa thượng Thích Bửu Ý, Viện trưởng Viện Hoằng đạo…

Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền đã đóng góp những ý kiến sau:

- Việc thống nhất Phật giáo hợp với nguyện vọng của Tăng, Ni và Phật tử trong Giáo hội.

- Giáo hội hoàn toàn tán thành nguyên tắc thống nhất trong bản Thông bạch mùa Xuân Canh Thân 1980.

- Cơ cấu tổ chức: cần hình thành 2 cơ quan lãnh đạo ở Trung ương, một tiêu biểu cho truyền thống tín ngưỡng, một lãnh đạo các hoạt động của Phật giáo7.

Ngày 2/11/1981, các đoàn đại biểu Phật giáo ba miền đã tề tựu đông đủ tại thủ đô Hà Nội. Tổng cộng có 165 vị đại biểu tham dự Hội nghị.

Ngoài ba vị: Hòa thượng Thích Bửu Ý là đại biểu thuộc thành phần Ban Vận động, Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Hồng Năng là đại biểu tiêu biểu ở phía Nam; Đoàn Đại biểu Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam gồm 12 vị do Hòa thượng Thích Trí Tấn (1906-1995) làm Trưởng đoàn, Thượng tọa Thích Trí Tâm là Phó đoàn, Đại đức Thích Thiện Xuân là Thư ký đoàn. Thượng toạ Thích Trí Tâm đã thay mặt Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đọc tham luận tại diễn đàn Hội nghị8.

Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam diễn ra tại chùa Quán Sứ, Hà Nội từ ngày 4 đến 7/11/ 1981. Hội nghị đã thông qua Hiến chương và Chương trình hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hội nghị đã suy tôn Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm 50 vị Hòa thượng, Trưởng lão tiêu biểu của các Giáo hội, hệ phái, do Hòa thượng Thích Đức Nhuận làm Pháp chủ đầu tiên. Trong số 6 vị được suy tôn là Phó Pháp chủ có Hòa thượng Thích Huệ Thành – Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền. Các Hòa thượng: Thích Hồng Năng, Thích Trí Tấn, Thích Bửu Ý, Thích Quảng Kim tham gia Hội đồng Chứng minh.9

Hội nghị đã suy cử Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN gồm 49 vị tiêu biểu của 9 tổ chức, giáo hội, hệ phái có năng lực, sức khỏe để gánh vác điều hành các mặt Phật sự của Giáo hội do Hòa thượng Thích Trí Thủ là Chủ tịch Hội đồng Trị sự đầu tiên. Phó Chủ tịch gồm 9 vị, trong đó có Hòa thượng Thích Bửu Ý thuộc Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Hòa thượng Thích Trí Tấn, Hòa thượng Thích Trí Tâm tham gia Hội đồng Trị sự10.

Kết luận

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nược thống nhất, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền đã tham gia Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước và nhiệt liệt ủng hộ công cuộc vận động thống nhất Phật giáo cả nước của tổ chức này.

Sau khi được tin trong dịp đầu năm Canh Thân (1980), Chư tôn Hòa thượng lãnh đạo các giáo phái ở miền Bắc cũng như miền Nam đã có cuộc họp mặt lịch sử đi đến thống nhất Phật giáo Việt Nam và thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban cùng với các vị lãnh đạo tiêu biểu của các giáo phái Phật giáo Việt Nam làm Ủy viên, thì Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã tổ chức hội thảo tại chùa Trường Thạnh, Văn phòng Giáo hội Trung ương và các cuộc hội thảo tại một số các Tỉnh hội địa phương đều hân hoan phấn khởi đón nhận tin vui này.

Qua sự phổ biến trên các cơ quan ngôn luận về các văn kiện của Ban Vận động như Thông Bạch, Nghị quyết, Văn bản giải thích ý nghĩa nội dung văn bản Thông Bạch v.v… nhân ngày ra mắt tại thủ đô Hà Nội (9/4/1980), toàn thể Tăng, Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền lại càng hiểu rõ mục đích, ý nghĩa cao quí của việc thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Những số liệu sau: có 15/165 vị đại biểu tham gia Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo – thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với 4 vị tham gia Hội đồng Chứng minh (trong đó có 1 Phó Pháp chủ), 3 vị tham gia Hội đồng Trị sự Trung ương (trong đó có một vị là Phó Chủ tịch) chứng tỏ Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng trong công cuộc vận động thống nhất Phật giáo.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo Giác Ngộ số 65 ra ngày 1/4/1980.

2. Báo Giác Ngộ , số 98 ra ngày 15/5/1980,

3. Báo Giác Ngộ số 99 ra ngày 1/6/1980.

4. Phật giáo Việt Nam, Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam, số 1, 1981.

5. Trần Hồng Liên, Phật giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2007.

6. Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981, Nxb Tôn Giáo, 2018.

 


1. Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981, Nxb Tôn giáo, 2018, tr.385-388

2. Phật giáo Việt Nam, Hội nghị đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam, số 1. 1981, tr.25

3 Trần Hồng Liên, Phật giáo ở thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2007, tr.141.

4. Báo Giác ngộ số 65 ra ngày 1 tháng 4 năm 1980, tr.11.

5. Báo Giác ngộ , số 98 ra ngày 15 tháng 5 năm 1980,

6. Báo Giác ngộ số 99 ra ngày 1 tháng 6 năm 1980.

7. Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Việt Nam từ khởi thủy đến năm 1981, Nxb Tôn giáo, tr.425 và 443.

8. Phật giáo Việt Nam, Hội nghị đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam, số 1. 1981, tr47-49.

9. Phật giáo Việt Nam, Hội nghị đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam, số 1. 1981, tr.44-47.

10. Sách đã dẫn, tr.45.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6059397