GIÁO LÝ ĐẠO PHẬT
GIÁO LÝ ĐẠO PHẬT
TỪ TÂM
Trước khi thuyết thời pháp này, tôi xin nói cùng với quý vị: Tôi là một tu sĩ, chỉ biết đem giáo lý của đức Phật Thế Tôn là đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni chỉ dạy cho con người am tường giáo lý của Ngài và hành theo đúng lời chỉ dạy đó, để rồi thành bậc Chánh đẳng Chánh giác như Ngài.
Tôi cũng xin sám hối, vì nếu tôi có lỡ đụng chạm vào một sự hiểu biết riêng tư của cá nhân nào, thì xin quý vị ấy tha lỗi cho tôi, vì lời nói của tôi là từ tâm trong sạch mà đến chớ thật không dám chỉ trích một cá nhân nào hay tôn giáo nào, bởi vì tôi là tu sĩ, bao giờ cũng thuyết pháp về giáo lý của đức Phật mà thôi.
Vậy thời pháp hôm nay tôi trình bày cùng với quý vị là do nguyên nhân có một học sinh đến hỏi tôi rằng:
1/ Phật giáo có phải là triết học không?
2/ Chủ trương của đạo Phật có phải là khoa học và luân hồi quả báo không?
3/ Học thuyết của Phật giáo có tương đồng giữa vũ trụ với nhân sinh không?
Theo ba vấn đề kia, tôi xin đem học thuyết về Phật giáo mà chia làm hai giai đoạn trong thời pháp này từ gần đến xa, từ cạn đến sâu rộng và từ pháp thấp đến pháp cao, tôi phân tách để quý vị hiểu rõ về giáo lý của đức Phật ra thế nào.
Thưa quý vị;
Nếu hiểu về đạo Phật mà không thực hành thì như một tủ sách chứa đầy những chữ nghĩa trong đó mà thôi. Cũng như tạo ra cảnh giới bên ngoài mà không khởi được nội tâm để đạt cứu cánh và phát sanh trí tuệ thì chẳng khác nào người ta làm cánh hoa bằng giấy không có hương thơm.
Vậy đối với đạo Phật mà không tìm hiểu học hỏi để thực hành thì chẳng khác chi người mù mà làm công việc, có làm mà không thấy gì hết.
Đức Phật nói cái nhỏ để rồi chúng đệ tử tìm thêm cái lớn mà thực hành, từ cái nhỏ ấy đến cái vô cùng, vô tận, chớ Ngài không nói cái to lớn để rồi vô ích. Đức Phật lại cũng nói các điều mà chư đệ tử Ngài chưa hiểu, chưa làm được để rồi lần lần tìm hiểu và tập làm được. Cũng như người lái thuyền nói chuyện vượt trùng dương ngoài bể cả, chỉ lối cho chúng ta từ bờ biển đau khổ bên này để rồi buồm lái chiếc thuyền từ bãi cạn ra khơi và đến Niết bàn an lạc bờ bên kia (bỉ ngạn). Như vậy, đạo Phật không phải là một triết học, vì triết học cũng tìm hiểu cái không thể hiểu hay khó hiểu, tìm cho hiểu được là cứu cánh, là cùng lý và đạt chân lý của sự hiểu biết mà thôi, đó là cùng tột của triết học.
Để tôi thuật lại một chuyện khi đức Phật còn tại thế, có một vị đệ tử bạch đức Thế Tôn: Xin Ngài giải về nguồn gốc của vũ trụ là thế nào? Xin Ngài giải cho con nghe, bằng không con sẽ hoàn tục.
Đức Phật đáp rằng: Thí như có một người kia bị mũi tên bắn vào thân, anh ta bèn la lên: Ai bắn tôi? Tên gì? Dòng phái nào? Từ bao xa bắn đến? Mũi tên này bằng gì? v.v... mà anh ta không cần kíp nhổ mũi tên ấy cho mau và tẩm thuốc cầm máu, băng bó vết thương. Khi mà tìm cho ra những lý do ai sát hại thì anh ta đã chết rồi, mà có lẽ khi chưa tìm ra những vấn đề anh ta hỏi thì máu trong người anh ta đã chảy hết và anh ta cũng đã chết từ lâu.
Nếu đức Phật thuyết cặn kẽ về nguồn gốc của vũ trụ cho chúng ta nghe như lời yêu cầu của vị đệ tử Ngài thì có lẽ vị đệ tử ấy cũng già nua và cũng có lẽ đã chết trước khi chưa dứt thời pháp về nguồn gốc của vũ trụ. Vì, như quý vị đã chứng kiến, ngoài nghĩa địa hay ở bãi tha ma có biết bao nhiêu thi hài trong đó số tuổi khác nhau.
Đức Phật chỉ thuyết về sự đau khổ mà nhơn loại đang bị ràng buộc và chỉ dạy các phương pháp trừ diệt sự đau khổ ấy bằng cách tham thiền để phát sanh trí huệ và nhờ trí huệ mà thấy rõ con đường đi đến quả Niết bàn. Cũng như thấy rõ ba trạng thái: Quá khứ, hiện tại và vị lai đều không thật thể nếu không thật thể thì vũ trụ nguồn gốc lấy chi làm khởi điểm?
500 năm trước Tây lịch cũng có một nhà Bác học trình bày mường tượng như lời giải thích của đức Phật, tên là Califette: Không có hiện tại, hiện tại không có vì ví dụ như một tiếng phát ra do ta gõ thì nó là vị lai (chưa đến) mà tiếng gõ ấy phát ra rồi thì nó thuộc về quá khứ và như vậy triền miên thì làm sao tìm nguồn gốc của tiếng khua động ấy.
Vũ trụ cũng mường tượng: Sáng, trưa, chiều, tối rồi lại sáng. Cành cây kia trổ hoa, hoa nở, hoa tàn, hoa rụng, tiếp diễn triền miên của Vũ trụ xoay tròn như luân chuyển. Lại nữa, xác thân này cũng mường tượng sự biến dị, sự thay đổi không ngừng nghỉ. Sự biến dị của một ấu nhi từ mới sinh ra, rồi qua rất lẹ, trong ít tháng là biết lật, biết bò, rồi biết đi, biết chạy, biết đi học v.v... sự thay đổi không ngừng nghỉ của con người từ bên ngoài. Thật đáng thương cho con người, bởi vô minh là sắc, tài, danh, lợi, tình che phủ nên quên cả từ thuở bé đến răng long tóc bạc, quên cả kiếp mình quá khứ và vị lai... từ đâu đến và về đâu? Các chuyện mà mỗi người chúng ta cấu tạo hằng ngày sự biến thiên chẳng khác nào vũ trụ tương đồng.
Đức Phật còn chỉ thêm một vài phát minh, như trong một sát na mà thôi, luồng máu có thể chạy ba dặm, mà một sát na lẹ hơn ba mươi lần nháy mắt. Như vậy, mỗi phút đồng hồ đường máu ta có thể chạy mấy chục cây số ngàn, trong ấy còn hàm chứa bao nhiêu nguyên tử tinh anh và vi trùng đau bịnh: Một bên làm cơ thể mau lớn, còn một bên làm cơ thể mau già, mau đau bệnh và mau chết. Cái điều mà đức Phật dạy cho đệ tử Ngài, dùng mắt phàm này, có khi thấy được và có khi không thấy được, chỉ trừ bậc tu hành tham thiền, nhập định thì mới thấy rõ được. Tư tưởng cũng thế, mỗi mỗi sát na nó chạy quanh được mấy vòng trái đất, vừa phóng ra và trở lại có thể đã trải qua Tam thiên Đại thiên thế giới trong một sát na. Thế thì cái tư tưởng ấy vô lượng, vô biên, vô cùng, vô tận bao trùm cả vũ trụ, không gì so sánh được.
Cái tư tưởng đó gọi là "Tâm". Còn những biến dị, tạo tác xoay chuyển vũ trụ gọi là chập tư tưởng. Tư tưởng lành thì cái lành nó bao chung quanh, còn tư tưởng dữ thì sự lo sợ, buồn thảm cũng bao chung quanh vậy. Chẳng những nó bao trùm trong kiếp này mà nó còn ảnh hưởng đến đời sau. Vì vậy cho nên đức Phật cũng thường giảng dạy một vài trường hợp kiếp trước gây nhân mà hiện tại chịu quả. Nhưng đừng tưởng Đạo Phật cúi đầu thọ lãnh cái quả báo trong kiếp luân hồi. Đức Phật đã suy tầm ra nguyên nhân sự khổ và Ngài cũng đã tìm được đạo mầu Diệt khổ và thuyết giảng cho đệ tử Ngài. Một là đi thẳng đến quả Niết bàn, hai là đem lại sự an lành trong tái sanh, như người ta bỏ cái áo cũ rách kia để mặc cái áo mới lành này mà thôi, chớ không phải đầu thai, xin bỏ tiếng đầu thai, mà nên nói tái sanh.
Cần phải thấu hiểu rõ rệt để thực hành, đức Phật thường nhắc các đệ tử của Ngài rằng: Đừng vội tin một lời nói nào hay lý luận nào hoặc thành kiến trong một quyển sách nào, dù cho lời nói ấy mà người ta bảo chính là lời của Như Lai nói, thì cũng đừng vội tin, hãy suy nghĩ, dùng lý trí mà suy nghĩ, rồi thấy đúng hãy tin. Đức Phật bảo dùng lý trí để suy nghĩ rồi còn phải thực hành thì sự tin ấy mới có kết quả rõ rệt, ấy là pháp tham thiền.
Trong thế kỷ thứ XVI, có nhà Bác học Ga-li-lê nói: Trái đất xoay chung quanh mặt trời, có chừng đó sự phát minh mà dân chúng cho ông nói bậy, đòi đem ông ra xử cực hình, nếu ông muốn sống thì phải nói mặt trời xoay chung quanh trái đất.
Đến đây, tôi nói pháp hơi cao một chút, mời quý vị ráng nghe. Ông Ga-li-lê thấy người đời chưa có thể hiểu khoa học vũ trụ quan còn xa lắm với con người. Chỉ nói trái đất xoay chung quanh mặt trời mà người còn đòi xử cực hình thì làm sao mà phân tích nguyên tử lực cho con người thấu hiểu nguồn gốc của vũ trụ với nhân sinh? Thế là đành nói theo họ rằng: Thôi, cái nào xoay cũng không sao đến chúng ta!
Về sau học trò ông Ga-li-lê lại đem vũ trụ quan mà nói nữa, trái đất xoay quanh mặt trời như thầy mình, nên bị họ đem ra trói và đốt. Nhờ khoa học tiến bộ, lần lần con người mới nhận ra là đúng và ai ai cũng nhận là đúng, là trái đất xoay chung quanh mặt trời. Đức Phật thì đem học nghiệm của Ngài ra và đưa một phần to lớn cho thính giả so sánh. Cũng như muốn nói đến nguyên tử thì Ngài đem ra một ánh sáng của mặt trời rọi trước khuôn cửa và trong đó có những hạt bụi nho nhỏ liên tiếp dầy đặc, bây giờ lấy ra một hạt trong đó chia ra làm 32 phần, lấy một trong 32 phần đó chia làm 32 phần và cũng lấy một trong 32 phần đó chia làm 32 phần nữa, chia ba lần như vậy trong một hạt bụi nhỏ nằm trong ánh sáng rọi kia thì quý vị thử dùng con mắt gì để thấy cho được hạt nhỏ bé ấy? Thế mà đức Phật thấy được và gọi là Baramal hay là nguyên tử, mà 2.000 năm sau khoa học mới tìm ra.
Một hôm, đang cùng các đệ tử đi ngang cụm rừng, đức Phật dừng lại hốt một nắm lá cây, Ngài hỏi các đệ tử: Nắm lá cây này nhiều hay lá cây trong rừng kia nhiều? Các đệ tử bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, lá cây trong rừng kia nhiều hơn. Đức Phật bèn nói tiếp: Cũng thế, giáo lý mà Như Lai đã thuyết qua rồi, cũng như nắm lá cây này, còn sự ngộ đạo mà Như Lai dành để cho các đệ tử tìm hiểu thì như lá cây trong rừng kia.
Thưa quý vị,
Tôi đem trình bày cùng quý vị một vài luận pháp để đáp ứng cho duyên khởi của đề tài thời pháp hôm nay, tôi mong rằng quý vị cùng tôi mật niệm 5 lần sau đây, để làm tâm quý vị an lành trong sạch và thương yêu nhân loại.
Chúng ta hãy niệm "Từ bi" 5 lần, rồi mật niệm thêm "Mở rộng tình thương nhân loại" 5 lần trong tâm.
Tôi mong quý vị tham thiền mật niệm thường ngày nhiều thêm để bản ngã chìm lặn mất khỏi nội tâm và lòng vị tha nổi lên tràn ngập, đi đâu, đến đâu cũng thấy an lành và phước đức trước mặt như đức Phật.
Tôi xin hồi hướng công đức pháp thí đến quý vị.
Tóm lược bài pháp của Đại đức NARADA MAHA THERA
thuyết tại giảng đường chùa Xá Lợi, ngày 2/1/1969.
Tin tức khác
- TỪ QUANG TẬP 16 – THÁNG 4 NĂM 2016 (PL. 2560)
- TỪ QUANG XUÂN BÍNH THÂN (TẬP 15) – THÁNG 1 NĂM 2016 (PL. 2559)
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
Bình luận bài viết