Thông tin

GIỌT SƯƠNG TRÊN LÁ

GIỌT SƯƠNG TRÊN LÁ

 

VÂN HÀ

 

 

Sáng nào, Tâm cũng dậy sớm để tập thể dục cùng với các bạn trong sân chùa. Thầy luôn bảo các con phải siêng năng tập thể dục cho thân thể khỏe mạnh thì mới học hành tấn tới và làm việc gì cũng phấn chấn, hăng say… không có cảm giác buồn chán… Tâm rất nghe lời thầy cũng như các bạn ở đây, bởi thầy vừa là cha, vừa là mẹ của tất cả bọn trẻ trong trại cô nhi của chùa này, mà Tâm thì còn may mắn hơn các bạn vì Tâm không bị khuyết tật như các bạn khác. Không biết cha mẹ là ai, Tâm lớn lên trong tình yêu thương của sư thầy và những người bạn đồng cảnh ngộ… cái tập thể nhỏ nhoi ấy càng ngày càng đông thêm nhưng Tâm không hề cảm thấy vui sướng khi có thêm bạn đồng hành. Mỗi lần, thầy ra sân tập thể dục với các em, nếu như bình thường, sau khi tập thể dục xong, các em quây quần bên thầy để nghe thầy giảng những bài học hay, những tấm gương tốt trong xã hội đã làm cuộc sống con người thay đổi… những câu chuyện cổ tích, huyền thoại có ý nghĩa sâu sắc để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ của các em… Thế nhưng cũng có những ngày thầy im lặng không nói câu nào, chỉ lặng lẽ bế một bọc vải của ai đó bỏ lại trong sân chùa, bên trong là một sinh linh bé nhỏ đáng thương còn thoi thóp… và rồi cái tập thể bất hạnh ấy lại có thêm một cư dân bé nhỏ, vô tội, vô thừa nhận của ai đó bỏ rơi, đám cô nhi được nhà chùa cưu mang mỗi ngày một đông thêm…

Tâm thích ngồi ngắm những giọt sương còn đọng lại trên lá cây. Mỗi lần tập thể dục xong em thường chọn một vị trí thích hợp, kín đáo một chút – sau lưng thầy hoặc sau một bụi cây nguyệt quế thơm ngát – vừa nghe thầy kể chuyện, vừa ngắm giọt sương trong vắt còn đọng trên những lá cỏ non. Tâm thường ví những giọt sương đó là những em bé mà thầy nhặt được ngoài cổng hoặc trong sân chùa mỗi sớm mai thức dậy, nó thật quá bé nhỏ và mong manh! Nếu như không may những giọt sương đó không được thầy đón lấy mà bị rớt xuống một nơi nào đó không tốt hay bị khô lần đi theo từng tia nắng mặt trời thì thật là tội nghiệp… Thầy đã phì cười khi nghe Tâm kể lại ý nghĩ ngộ nghĩnh đó. Tâm cũng hay chạy đến bên thầy để được là người đầu tiên nhìn thấy em bé mới sinh được gia nhập vào cái tập thể bất hạnh, nhỏ bé nầy. Có lần, thầy bồng vào một em bé bị kiến cắn đến ngất đi, mình mẩy sưng vù, Tâm phải chạy đi nấu nước, lấy bông gòn thấm từng giọt nước ấm lau cho em, vừa lau Tâm vừa xuýt xoa và cảm thấy đau xót như chính mình bị kiến cắn vậy. Tâm vẫn thường tự hỏi: Tại sao cha mẹ lại có thể bỏ con của mình được nhỉ? Nếu như không thương nó thì sinh ra nó làm chi để rồi lại phải lén lút mang vứt bỏ con mình như thế? Tâm không làm sao hiểu được bởi em hãy còn nhỏ quá, chưa đủ trí khôn và kinh nghiệm sống để có thể phán đoán một con người nào đó nhất là kẻ đã sinh thành ra em. Tâm cũng chưa bao giờ hình dung được diện mạo của cha mẹ mình ra sao, bởi em cũng đến với sư thầy trong tình trạng bị bỏ rơi như thế… Sống ở đây, trong tình yêu thương của sư thầy, của các cô, chú đến làm công quả cho nhà chùa, Tâm thấy mình cũng có phước lắm rồi, bởi ngoài kia, còn biết bao trẻ mồ côi không nơi nương tựa, phải tự kiếm sống với rất nhiều cạm bẫy của cuộc đời, của những con người xấu đang vây bủa khắp nơi… Tâm tuy mới mười hai tuổi nhưng em cũng hiểu được điều đó, em và các bạn ở đây đã được sư thầy dạy dỗ rất kỹ. Buổi sáng, các em còn được thầy xin cho đến học ở các trường gần đó, cho nên, ngoài việc thiếu vắng cha mẹ, các em cũng được nuôi nấng, sinh hoạt bình thường như bao đứa trẻ khác bằng tình yêu thương của thầy và các cô chú ở trong chùa. Chính nhờ tình yêu thương đó mà Tâm không cảm thấy mình là một đứa trẻ lạc loài. Tâm vẫn cảm nhận được mối liên lạc mật thiết giữa em và họ. Theo em thì những người đó chính là người thân của em, thay thế cho cha mẹ em đã vì hoàn cảnh nghiệt ngả nào đó mà phải chối bỏ em. Tâm không hề oán trách cha mẹ đã bỏ rơi mình, mà em luôn mong muốn cho cha mẹ ở đâu đó luôn đuợc hạnh phúc với những người thân còn lại, vì Tâm đã được huân tập từ nhỏ cái tinh thần từ bi, trí huệ của con nhà Phật, cho nên em sống rất hồn nhiên, đầy lòng yêu thương con người như lời dạy của thầy hàng ngày… Phải biết sống vì mọi người, yêu thương mọi người cho dù mọi người có đối xử với ta tệ bạc đến đâu đi nữa… Vả chăng, đó còn là nghiệp báo của từng người – biệt nghiệp – không ai giống ai, những hành động mà ta đã tạo tác ra từ lâu, có thể là trong hiện kiếp, có thể là trong tiền kiếp còn rơi rớt lại cái dư báo mà bây giờ chúng ta phải nhận chịu, không ai có thể gánh dùm hoặc trả thay được hết… Tâm hiểu đuợc điều đó cũng là do thầy đã giảng dạy cho các em từ khi còn rất nhỏ, nhờ thế mà các em không cảm thấy buồn nhiều khi biết rõ thân phận của mình…

Mỗi sáng Chủ nhật, Tâm thích đứng xem Gia đình Phật tử sinh hoạt trong sân chùa. Các anh chị huynh trưởng điều khiển sinh hoạt cho các em thật hay. Sau khi cả đoàn vào lễ Phật, sám hối và hát bài Trầm hương đốt, các đoàn sinh tỏa ra sinh hoạt riêng với đoàn của mình. Có nhóm vào học giáo lý với thầy, có nhóm vào học các sinh hoạt, thao tác của các hướng đạo sinh như morse, sémaphore, dấu đi đường, sơ cấp cứu, v.v... Nhóm nữ thì học nấu ăn, làm bánh, cắm hoa… Nói chung các anh chị và các bạn trong Gia đình Phật tử thật dễ thương, họ cũng hay vào chơi và mang bánh, trái vào cho các em trong trại cô nhi này. Có khi họ bỏ cả những buổi sinh hoạt bình thường để vào giúp các em làm toán, học bài… hay cắt tóc cho các em… sau buổi sinh hoạt. Một số các anh chị ở lại giúp thầy chăm sóc các em hãy còn quá nhỏ, hoặc bị khuyết tật, không tự sinh hoạt được… Tâm thường lẽo đẽo quấn quít bên các anh chị ấy để phụ giúp hoặc hỏi han đủ mọi vấn đề mà Tâm không có cơ hội để học hỏi. Chị Thủy là người quan tâm đến em nhất, cho nên, mỗi khi Tâm hỏi điều gì, chị đều giải đáp cặn kẽ cho Tâm hiểu chứ không gắt lên như các anh chị khác: Con nít hỏi chuyện đó để làm gì? Mai mốt lớn lên sẽ biết hết mà, cứ lo học đi thôi, bé con… Vì vậy mà Tâm không hỏi các anh chị ấy nữa. Tâm chỉ thích đi theo chị Thủy để được nghe chị giải thích, kể chuyện ngoài đời, kể những chuyện vui, buồn của chị lúc đi học và… cả chuyện cổ tích thời đại mà chị đã khéo léo vận dụng để Tâm không cảm thấy tủi, buồn về thân phận của mình… Chị Thủy cũng thường hỏi Tâm:

– Tại sao em không vào sinh hoạt với Gia đình cho vui?

– Em cũng thích lắm nhưng… em cũng đang ở trong chùa mà…

– Vì vậy, nếu em vào đoàn em sẽ thuận lợi hơn trong việc đi sinh hoạt, không phải mất thì giờ chuẩn bị lên chùa…

– Nhưng em còn phải giúp thầy nhiều việc khác nữa, chẳng hạn như quét sân, nấu nước và trông các em còn quá nhỏ để cho thầy tụng kinh, ngồi thiền…

Chị Thủy vuốt đầu em ra vẻ thông cảm:

– Em làm nhiều việc thế cơ à? Vậy là em còn giỏi hơn cả chị nữa đấy…

Tâm lắc đầu nhưng trong lòng rất vui. Thật ra, không phải chỉ có mình Tâm là giúp thầy nhiều việc như thế đâu mà còn rất nhiều anh chị khác nữa. Họ là những người đã vào đây trước Tâm. Đó là chị Kiều, chị Lan, chị Hồng, anh Phong, anh Kỳ, anh Phúc, v.v… Họ đã sống và lớn lên ở đây từ rất lâu, có lẽ trước khi Tâm ra đời nữa đấy. Tuy không sống đời tu sĩ nhưng họ cũng ở trong chùa, đọc kinh sách, tham dự đều đặn các khóa lễ của chùa hằng ngày không khác gì các chú tiểu ở trong chùa. Thầy vẫn thường bảo với các anh chị ấy là bao giờ các con muốn ra đời để lập gia đình riêng, xây dựng tổ ấm cho mình một cuộc sống độc lập không lệ thuộc vào một ai cả thì cứ nói với thầy, thầy sẽ chuẩn bị cho đầy đủ mọi thứ… Nhưng các anh chị ấy dường như không muốn ra chen vai, thích cánh với người đời. Các anh chị ấy vẫn còn luyến tiếc cái gia đình thân yêu dưới mái chùa này, bên cạnh thầy, bên cạnh các bạn đồng cảnh ngộ của mình… Tâm có lẽ rồi cũng thế, em cảm thấy không ở đâu bằng ở đây, bên ngoài, cuộc sống có vẻ rộn rịp, hối hả, đầy sinh động nhưng cũng đầy cám dổ không lường trước mà các em… không khác gì những con chim đã bị thương, luôn luôn đầy mặc cảm, nhút nhát, sợ hãi,… trước tất cả mọi người. Tâm thỉnh thoảng cũng nghĩ đến tương lai của mình, nhưng em biết mình thật khó mà hòa nhập vào cái thế giới bên ngoài.

Em vẫn thường hay hỏi chị Thủy:

– Có bao giờ chị phải sống xa cha mẹ của chị không?

– Có chứ em, rồi sao nào?

– Chị luôn thấy nhớ cha mẹ chứ gì? Ấy là chị còn diễm phúc sống bên cạnh các người… chứ nếu như…

– Chị ở vào hoàn cảnh của các em chứ gì? Thì chị cũng sẽ như các em thôi…

– Nghĩa là sao?

– Thì chị cũng sẽ coi thầy và các bạn của mình là người thân trong gia đình, chị sẽ sống và lớn lên trong cái đại gia đình ấy…

– Ngay cả khi đã trưởng thành ư?

– Ừ, thì những người lớn đã nuôi mình, mình có bổn phận phải nuôi lại những bé mới đến còn nhỏ hơn mình chứ?

– Vậy là mình sẽ ở mãi nơi đây để trả ơn cuộc đời sao?

– Đó là ý kiến riêng của chị, còn em thì sao?

Tâm nhìn xuyên qua những lá trúc ngoài vườn, đôi mắt em ánh lên những tia sáng long lanh:

– Em cũng muốn có một gia đình riêng để tự mình chăm chút, có người thân để thương yêu, chia sẻ buồn vui…

– Thế em không coi nơi đây là những người thân của em sao? Còn các bạn, còn thầy, còn các anh chị thường xuyên đến thăm các em nữa…

– Nhưng rồi sau đó… ai cũng phải trở về nhà của mình…

– Còn em… thì đang ở trong chính căn nhà của mình rồi còn gì? Còn tính đi đâu nữa chứ?

Cả hai chị em cùng cười xòa bên nhau mỗi lần nói chuyện như thế. Tâm rất mến chị Thủy, cứ mỗi lần sinh hoạt xong, chị Thủy thường ở lại chơi với các em rất lâu, dường như chị không đành lòng khi thấy ánh mắt các em cứ lưu luyến nhìn theo, bao giờ chị Thủy cũng là người về sau cùng.

Đã hơn hai tuần nay, Tâm không thấy chị Thủy đi sinh hoạt Gia đình Phật tử, các anh chị khác vẫn sinh hoạt bình thường với các em, nhưng chị Thủy thì Tâm chẳng thấy đâu.Tâm cứ nhìn mãi ra cổng để mong chị Thủy đến trễ hay có ai đó đến cho hay chị Thủy xin phép nghỉ sinh hoạt một thời gian vì lý do nào đó… hoặc đích thân chị Thủy đến để xin phép các anh chị huynh trưởng nghỉ sinh hoạt luôn vì chuyển nhà... Tâm cứ vẽ ra hết lý do này đến lý do khác về sự vắng mặt của chị Thủy. Đối với em, việc chị Thủy vắng mặt cũng giống như em vừa bị lạc mất người thân của mình vậy. Cho nên, cứ đến giờ các anh chị sinh hoạt là Tâm cứ trông đứng trông ngồi, luôn nhìn ra cổng, mong chờ sự xuất hiện của chị Thủy... Cho đến một hôm, có một người phụ nữ rất đẹp, tuy bà ấy không còn trẻ nữa, dáng vẻ quý phái đến chùa lễ Phật và xin gặp thầy trụ trì, Tâm dẫn bà vào phòng tri khách, rót nước mời bà rồi chạy đi bẩm thầy. Tâm cứ lẩn quẩn ở cạnh đấy để hóng chuyện, khi biết bà khách ấy chính là mẹ của chị Thủy. Bà nói gì đó với thầy rất lâu rồi khóc và nhìn thầy khẩn khoản như muốn gửi gắm điều gì đó. Tâm nghe bà nói loáng thoáng tiếng được tiếng mất:

– Bạch thầy, xin thầy khuyên cháu giúp dùm con, con chỉ có cháu là đứa con duy nhất còn lại, anh cháu đã mất từ lúc còn rất nhỏ, cho nên cả nhà rất thương quý cháu… nay cháu muốn thế, cả nhà không biết phải làm thế nào để khuyên cháu nữa, xin thầy giúp chúng con, thầy cho cháu một lời khuyên… để cháu bỏ ý định…

Thầy không nói gì một lúc lâu, trầm ngâm suy nghĩ cân nhắc không biết nên nói thế nào để an ủi bà ấy. Đối với thầy, việc chị Thủy muốn xuất gia không phải là chuyện bình thường, bởi vì người có ý định ấy phải là người hiểu biết, từng trải việc đời, có ý chí xuất trần rất mạnh… Đằng này, chị Thủy chỉ là một cô gái mới lớn, còn rất ngây thơ, trong trắng, chưa vấp ngã trường đời bao giờ thì làm sao chị Thủy có thể đi trọn con đường tu hành mà không bị choáng bởi những thử thách sẽ phải trải qua. Thầy rất thông cảm với mẹ của chị Thủy. Cha mẹ nào mà chẳng thương con, muốn cho con sung sướng, hạnh phúc hơn người. Nay, chị Thủy lại muốn từ bỏ con đường thế gian thường tình đó để đi theo con đường đầy khó khăn thử thách của những bậc xuất thế, hỏi sao cha mẹ không lo lắng cho được?… Tâm nghe thầy nhỏ nhẹ, từ tốn bảo với mẹ chị Thủy:

– Có ý hướng thiện là tốt, tuy nhiên trong trường hợp của cháu Thủy cũng hơi bất ngờ, tôi không dám khuyên bác điều gì cả nhưng xin bác nên thận trọng trong việc này, có thể đó là bi nguyện của cháu từ tiền kiếp, có thể đó là lòng thương người của cháu do cháu tiếp xúc với các trẻ em mồ côi khuyết tật ở đây, cũng có thể do cháu có chuyện gì đó không hài lòng với gia đình… Dù gì đi nữa thì… đó cũng là một hướng đi tốt, bác đừng vội la rầy cháu mà hãy khuyên cháu nên suy nghĩ cho thật kỹ trước khi quyết định. Nếu cần hãy cho cháu vào chùa sống thử một thời gian…

– Bạch thầy, con chỉ sợ cháu không quen…

– Như thế, cháu sẽ có dịp rà soát lại quyết định của mình để xem đó có phải là quyết định quá vội vàng không? Với lại, ở trong chùa một thời gian, cháu Thủy có thể sẽ bỏ ý định xuất gia vì cuộc sống trong chùa rất cực khổ, cần sự nhẫn nại, chịu đựng khá cao của người muốn sống đời giải thoát… Tôi nghĩ, lúc ấy bác không cần khuyên, cháu cũng sẽ trở lại sống với gia đình để làm một nữ cư sĩ tốt mà thôi…

Mẹ chị Thủy đứng lên:

– Con xin nghe lời dạy của thầy. Nhưng thầy ạ, nếu như cháu có đến thăm thầy xin thầy khuyên giùm cháu một lời giúp con để cháu bỏ đi ý nghĩ ấy…

– Được, tôi hứa với bác…

Mẹ chị Thủy yên tâm, đứng lên chào thầy rồi ra về. Tâm nhìn theo bà ấy một cách ngạc nhiên. Tâm không hiểu sao chị Thủy thích làm một việc tốt như vậy mà bà lại không cho, nếu như chị Thủy thích ăn chơi, đua đòi với những bạn bè xấu thì sao? Từ nhỏ, Tâm đã sống và lớn lên ở trong chùa. Tâm yêu cuộc sống đạm bạc đó bởi vì em không có một mái ấm gia đình riêng của mình như những đứa trẻ khác, cho nên em rất ngạc nhiên khi biết chị Thủy lại thích vào chùa ở trong khi em thì luôn mơ ước ra ngoài đời để có một mái ấm gia đình… có cha, có mẹ để thương yêu… có anh, có chị để tâm sự… có những đứa em nhỏ để ẩm bồng, nâng niu, dỗ dành… để bớt đi cảm giác cô đơn, buồn tủi… của trẻ mồ côi. Mặc dầu, ở đây Tâm cũng được sự thương yêu, chở che, đùm bọc của sư thầy, được các bạn cùng hoàn cảnh thương mến, được các cô chú ở trong chùa thông cảm, yêu thương không khác gì người thân trong gia đình… vậy mà, Tâm vẫn cảm thấy buồn vô cùng cho thân phận mình, mỗi khi ngồi lặng ngắm nhìn giọt sương trên lá. Tâm nhận ra giọt sương ấy đẹp vô cùng và cũng mong manh vô cùng. Nó được tồn tại bao lâu là nhờ nằm im trên lá, lúc ấy trông nó giống như một viên ngọc hay một viên kim cương mà Tâm nhìn thấy trên tay của các bà, các cô giàu có đến viếng chùa… Nhưng nếu như có một cơn gió vô tình hay những tia nắng sáng soi đến, nó sẽ rơi xuống một nơi nào đấy để thấm vào lòng đất nuôi dưỡng cây cỏ nơi ấy, hoặc bốc hơi rồi biến mất vào hư không, chẳng lưu lại một dấu vết nào cả…Tâm nghĩ cuộc đời mình và các bạn ở trong trại trẻ mồ côi này chắc rồi cũng sẽ như vậy mà thôi…

– Này, chú bé, ngồi mơ mộng gì đấy?

Tâm quay lại không nén được niềm vui òa đến:

– Chị Thủy… chị Thủy… em mừng quá….

– Sao mừng vậy?

– Em tưởng là sẽ không được gặp chị nữa…

– Tại sao?

– Chứ không phải chị đi tu rồi sao? Mẹ chị đã đến đây báo tin cho thầy em nghe rất rõ mà…

– Ừ, như thế thì chị sẽ càng được dịp ở chùa rất nhiều, sẽ được gặp em hoài hoài chứ sao…

Tâm nhìn chị Thủy chăm chú, lạ lùng như mới gặp lần đầu. Chị Thủy tròn mắt, cười rất hóm hỉnh:

– Ngạc nhiên lắm phải không, chú bé? Chắc là tưởng chị chán đời vì một lý do nào đấy chứ gì? Không đâu, chị còn yêu đời lắm đấy nhé…

– Thế tại sao chị lại…

–…Đi tu chứ gì? Có giải thích em cũng không hiểu được đâu, cho nên chị không cần phải giải thích làm gì. Em chỉ cần hiểu đại khái là chị Thủy rất thương các em ở đây. Chị Thủy muốn cống hiến đời mình để bù đắp cho sự thiếu thốn tình thương cha mẹ của các em…

Tâm ái ngại nhìn chị Thủy. Em không muốn bất cứ ai vì cái tập thể này mà phải hy sinh hạnh phúc gia đình, điều mà em và các bạn có nằm mơ cũng không bao giờ có được, em bảo với chị Thủy:

– Tại sao chị phải vì người khác nhiều như thế? Em và các bạn ở đây cũng sung sướng lắm, có thầy, có bạn, lại có các anh chị hàng tuần đến thăm là đủ lắm rồi. Vả lại, chúng em cũng càng ngày càng lớn biết tự chăm sóc cho mình rồi mà…

Chị Thủy kéo Tâm ngồi xuống bãi cỏ xanh, bên cạnh khóm nguyệt quế đang trổ bông thơm lừng. Chị nhặt một đóa hoa rơi trên cỏ đặt vào lòng bàn tay em:

– Em nhìn xem, đây là một bông hoa nguyệt quế đã rời cành, kiếp sống của hoa thật là ngắn ngủi, đúng không? Tuy nhiên, nó sống không uổng phí một đời vì nó đã mang lại hương thơm cho mọi người, ngay cả khi hết kiếp, nó vẫn hãy còn thơm như khi còn ở trên cành đấy, em thấy không?…

Tâm lắc đầu buồn bã:

– Em không hiểu chị muốn nói gì nhưng em chẳng thích chị đi tu chút nào… Mặc đồ tu hành trông chị xấu lắm…

Chị Thủy chẳng giải thích vì thấy Tâm hãy còn nhỏ quá có nói chắc em cũng không hiểu nổi. Chị chỉ cười dịu dàng xoa đầu Tâm rồi ngồi yên lặng. Chị nhìn lên bầu trời trong xanh không một gợn mây, đôi mắt chị trong sáng và tự tin vào điều mình đã chọn. Tâm cũng không nói gì bởi em biết chị Thủy lớn hơn mình, học cao hơn mình, có hoàn cảnh tốt đẹp hơn mình nên những gì chị Thủy nói và làm – đối với em – đều là có ý thức và lý tưởng tốt đẹp hướng dẫn cuộc sống tinh thần đó của chị. Tâm chỉ ngạc nhiên không hiểu tại sao chị lại thích ở chùa, trong khi ở ngoài đời chị vẫn có thể thực hiện được những điều chị muốn làm kia mà, đôi khi lại còn làm được nhiều việc hơn là ở chùa nữa đấy bởi không bị trở ngại về mặt hình thức … Tâm chỉ nghĩ vậy thôi chứ em không dám nói lên điều đó. Chị Thủy dứng lên từ biệt. Tâm nắm tay chị thật chặt lưu luyến như sợ sẽ không còn được gặp lại chị nữa. Mà quả có thế thật, kể từ dạo đó đến nay em chưa gặp lại chị Thủy lần nào cả, gặp bất cứ ai là người quen biết chị dạo đó em đều hỏi thăm nhưng cũng chẳng có thông tin gì về chị. Tâm buồn lắm em vẫn thường lẩm bẩm nói một mình như nói với chị Thủy đang đứng trước mặt em: Chị Thủy ơi! Dù chị ở đâu và làm gì, em cũng xin Phật phù hộ độ trì cho chị được như ý nguyện. Mọi việc chị làm đều có kết quả tốt đẹp, đẹp như những giọt sương trên lá của chị em mình vậy…

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6713087