Thông tin

HAI CHỦ TRƯƠNG LÀM TIỀN ĐỀ

CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

TS. LÊ SƠN PHƯƠNG NGỌC*

 

Đề xướng thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam của sư Khánh Hòa đã mở ra hướng đúng cho Phật tử và dân tộc.

Hòa thượng Thích Như Tri, thường được người Nam xưng hô vắn tắt là sư Khánh Hòa, là người đầu tiên đề xướng chủ trương chấn hưng Phật giáo và thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất trên toàn quốc. Năm 1927, Hòa thượng Khánh Hòa đã cử sư Thiện Chiếu đi Hà Nội để liên lạc với chư tăng đất Bắc về việc ấy1.

Như vậy, có thể xem Hòa thượng Khánh Hòa là người đã lập nên công đức lớn cho Phật giáo nước ta và đóng góp tích cực vào sự nghiệp đoàn kết dân tộc ta trong công cuộc giải phóng và xây dựng đất nước.

Vì sao phải chấn hưng Phật giáo?

Vì tình hình Phật giáo trong nước sa sút.

Từ khi nước Pháp xâm lược nước ta, đạo Thiên chúa được chính quyền thực dân tạo điều kiện thuận lợi phát triển. Bản chất của văn hóa Tây phương mà biểu hiên là đạo Thiên Chúa, là không chấp nhận sống chung với các nền văn hóa khác mình, không sống chung thì tiêu diệt, nếu không tiêu diệt được trong một sớm một chiều thì tìm cách đẩy lùi bằng nhiều biện pháp. Phật giáo và tôn giáo Đình làng lâu đời của dân tộc Việt Nam đều nằm trong ý đồ đẩy lùi vào bóng tối và tiêu diệt của chính quyền thực dân Pháp.

Sư tăng bị bắt đi lính, hoạt động Phật sự bị kiểm tra gắt gao. Đình chùa bị dở bỏ, lấy gỗ quý xây nhà thờ như chùa Báo Thiên ở Hà Nội thành nhà thờ Đức Bà phố Nhà Chung, đình Chợ Quán thành nhà thờ Chợ Quán, chùa Cây Mai thành đồn Cây Mai ngày nay, chùa Khải Tường thành trại lính Pháp…

Đạo Phật sa sút nhưng nhiều người không nắm rõ nguyên nhân sâu xa do chính quyền thực dân, mà đổ lỗi cho sư tăng người mình kém hiểu biết như vài tờ báo đăng bài như sau:

Cư sĩ Khánh Vân viết trong số 18 tạp chí Duy tâm (Nam kỳ), cho rằng: thầy chùa không hiểu đạo Phật, hoặc khinh thường giới luật:

Có kẻ mượn Phật làm danh, cũng ngày đêm hai buổi công phu, thọ trì, sóc vọng, cũng sám hối như ai, nhưng lại thủ dị cầu kỳ, học thêm bùa ngải, luyện roi thần, làm bạn với thiên linh cái, đồng nhi, khi ông lên lúc bà xuống, ngáp vắn ngáp dài như phù niệm chú, gọi là cứu nhân độ thế, nhưng thực ra là lợi dụng lòng mê muội của thiện nam tín nữ, mở rộng túi tham vơ vét cho sạch sành sanh. Than ôi! Họ phải ma vương sao mà làm chuyện trò cười cho ngoại đạo? Vậy mà cũng lên mặt trụ trì! Hiện trạng như thế, bảo sao chẳng suy đồi, làm tấm bia cho các nhà duy vật mỉa mai?”.

Thanh Quang, trong báo Đuốc tuệ số 178 (Bắc Kỳ), kể ba khuyết điểm của tăng đồ về văn hóa, giáo dục và đoàn thể, đã viết:

Đau đớn thay! Xứ ta, những hạng người xuất gia vào chùa phần nhiều chỉ học đặng vài bộ kinh, lo luyện hơi cho hay, tập nhịp tán cho già, nay lãnh đám này mai lãnh đám khác; cũng tràng hạt, cũng cà sa, thử lật mặt trái của họ mà xem thì có khác nào người trần tục?”.

Tình hình Phật giáo trên thế giới cũng gặp hoàn cảnh tương tự, nhất là tại Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, đặc biệt tại Trung Hoa đều bị chính quyền thực dân đem theo văn hóa phương Tây đến tạo điều kiện của kẻ mạnh lấn lướt, đạo Phật sa sút thảm hại, phần mê tín chiếm lĩnh Phật sự, phần trí tuệ tinh hoa ít được quan tâm phát huy.

Thế là bậc trí giả phương Đông đã làm gì?

Họ tập trung vào việc học Tây để rồi chừng năm bảy chục năm sau, đến thập niên 1920, thì giới trí thức phương Đông đã khá tường tận sở học Tây, nhất là triết học, tôn giáo, khoa học kỹ thuật Tây phương. Gần như đồng thời họ đã nhận ra rằng Phật học mang tính khoa học rất cao và họ lên tiếng kêu gọi chấn hưng Phật giáo, cơ sở tâm linh lâu đời trên 2.000 năm của nền văn hóa phương Đông.

Phát pháo đầu đòi chấn hưng Phật giáo là giới trí thức Phật giáo Trung Hoa, rồi những hoạt động chấn hưng Phật giáo ở Trung Hoa đã kích hoạt phong trào chấn hưng Phật giáo các nước Đông Á khác, trong đó có nước ta..

Tai Trung Hoa vào những năm đầu thập niên 1920, tờ báo chuyên khảo về Phật giáo “Giác Xã tùng thư” xuất hiện, là tiền thân của nguyệt san “Hải triều âm” nổi tiếng của Hội Phật học Trung Quốc. Đại sư Thái Hư, người đã thiết lập kế hoạch hiện đai hoá và hệ thống cơ chế quản lý chùa chiền và việc giáo dục tăng đoàn. Trong tác phẩm “Phật giáo nhân gian” (Buddhism for this world: Phật giáo cho thế giới ngày nay), đại sư Thái Hư đã nhấn mạnh sự quan trọng của các vấn đề đương đại như là giáo dục, xuất bản, công tác xã hội… đối với của Phật giáo đồ trên toàn thế gíơi trong tương lai.

Tại Trung Quốc và Nhật Bản bắt đầu nảy sinh và phát triển một phong trào chấn hưng Phật giáo. Tại Nam Kinh, Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu… bấy giờ mọc lên nhiều viện nghiên cứu Phật học, nhiều trường đào tạo tăng đồ; nhiều sách báo được xuất bản, trong số đó nguyệt san Hải triều âm được nhiều Phật tử Việt Nam ưa thích. Thái Hư Hòa thượng được đông đảo các nhà sư và cư sĩ trí thức Việt Nam có học thức hâm mộ

Chịu ảnh hưởng phong trào chấn hưng Phật giáo trên thế giới, nhất là từ Trung Hoa, ý tưởng “chấn hưng Phật giáo” tại nước ta, được trình bày rải rác trên báo chí từ những năm 1923 - 1924, ở Sài Gòn trên tờ Đông Pháp thời báo đăng những bài viết nghiên cứu Phật học, qua đó các tác giả đặt ra cho các nhà trí thức nhiệm vụ góp phần chỉnh đốn Phật giáo nước nhà. Từ đó, Phật giáo được nói đến ngày càng nhiều, đặc biệt là từ năm 19262.

Sư Khánh Hòa giảng tại Hội Lưỡng Xuyên Phật học nhân kỳ đại hội đầu năm bàn về quan niệm vũ trụ và nhân sinh của Phật giáo. Cái điều trước hết được Hòa thượng nhấn mạnh là mối quan hệ giữa khoa học hiện đại và Phật học cổ truyền. Hòa thượng cho rằng giữa hai cái học ấy có mối quan hệ độc đáo và mật thiết. Hòa thượng muốn gỡ ngay cái nhãn mê tín dị đoạn khỏi đạo Phật:

Tôi vốn là một nhà Phật học chớ không phải một nhà thực nghiệm khoa học, nên không dám phê bình khoa học; nhưng theo lý học thì Phật pháp tức khoa học, khoa học tức Phật pháp; khoa học là “tướng”, Phật pháp là “tánh”; khoa học là “dụng”, Phật pháp là “thể”; khoa học là “sự”, Phật pháp là “lý”; khoa học là “hình thức”, Phật pháp là “tinh thần”. Chưa hề có tướng mà không tánh, có thể mà không dụng, có sự mà không có lý, có hình thức mà không có tinh thần bao giờ. Bởi cái bệnh vĩ ngã đã thông thường, phái duy tâm thì bài xích phái duy vật, phái duy vật lại khích bác phái duy tâm, ai chấp sở kiến này, kẻ chấp lý bỏ sự, người chấp sự bỏ lý, mới sinh ra phân biệt bỉ thử. Thật ra, Phật pháp không ngoài khoa học, khoa học cũng không ngoài Phật pháp; Phật pháp khoa học viên dung mới hoàn toàn sự lý”.

Sư Khánh Hòa muốn thỏa hiệp Phật giáo với khoa học, vì sư cho rằng trong tất cả các tôn giáo lưu hành trên thế giới ngày nay, duy có Phật giáo là nhất trí với khoa học, hai bên bổ sung cho nhau. Lúc này, ở Bắc, Trung, Nam, đặc biệt là trong báo Đuốc tuệ (Hà Nội), chỗ nào cũng thấy có Phật tử ra sức chứng minh rằng Phật giáo là khoa học chớ không phải mê tín, là tiên tiến chớ không phải bảo thủ, là cứu đời chớ không phải yếm thế3.

Vì sao phải thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam?

Phật giáo phổ biến rất sâu rộng trong xã hội nước ta. Đại bộ phận người Việt theo đạo Phật, trong khi Nho giáo, Lão giáo chỉ ảnh hưởng đến tầng lớp chính trị bên trên. Có lẽ vì đạo Phật gần gũi với văn hóa Việt cổ, lại với tư tưởng rất có hệ thống và hết sức cụ thể đã thật sự giài quyết được những vấn đề tâm linh và những vấn đề đời sống toàn diện và rốt ráo hơn cả. Khi số dân ngày càng đông, trình độ ngày càng cao, mối quan hệ cuộc sống ngày càng trở nên đa dạng phong phú, những tín ngưỡng sơ khai lẻ tẻ không thể làm thỏa mãn nhu cầu tinh thần và đời sống tâm linh của con người thì đạo Phật như là một mẫu số chung, hấp dẫn mọi thành phần xã hội người Việt. Vì thế, đạo Phật ăn sâu bám rễ vào mọi ngóc ngách trong đời sống tinh thần của người Việt Nam, trở thành tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Nước ta hiện nay bao gồm cả 3 miền đất nước, mà mỗi miền có lịch sử hình thành khác nhau, nên riêng về Phật giáo mỗi miền cũng có nguồn gốc du nhập bằng những con đường khác nhau, cho nên quá trình tiếp biến mang những đặc điểm khác biệt. Vì thế, đoàn kết Phật giáo Việt Nam là vấn đề tiên quyết trong việc phát huy và phát triển Phật giáo Việt Nam. Sự đoàn kết dân tộc lại là vấn đề cốt tử trong sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước Việt Nam.

Ở miền Bắc, đạo Phật đại bộ phận từ Trung Hoa truyền sang là Phật giáo Đại thừa. Từ khi các chúa Nguyễn hình thành nên Xứ Đàng Trong thì Phật giáo theo chân người lưu dân đến tận miền cực Nam của nước Việt. Ở miền Nam, ngoài Phật giáo Đại thừa từ miền ngoài truyền vào khá muộn khoảng thế kỷ XVI, XVII. Còn tại Nam Bộ, chậm nhất là vào thế kỷ thứ IV Phật giáo từ Nam Ấn Độ trực tiếp truyền đến cộng đồng người Phù Nam, rồi đến người Khmer. Phái Phật giáo này, khác với các phái Phật giáo Đại thừa ở người Việt, người Hoa trên kia. Phái Phật giáo Thévarada - Nguyên thủy cũng thu hút một bộ phận người Việt, người Hoa sinh sống trong vùng. Phật giáo Nguyên thủy với kinh tạng hệ Pali.

Ở miền Nam, còn có Phật giáo ở cộng đồng người Hoa trực tiếp từ Nam Trung Hoa truyền sang vào thế kỷ XVII CN, mà trên căn bản kinh tạng cùng hệ với Phật giáo người Việt song không đồng nhất về truyền thừa. Một hiện tượng riêng biệt ở Phật giáo miền Nam, không hề có ở miền Bắc và miền Trung.

Ảnh hưởng của Phật giáo trên nền văn hóa Việt Nam thật sâu đậm. Sâu đậm đến độ người ta không còn phân biệt được đâu là văn hóa Phật giáo, đâu là văn hóa dân tộc. Sở dĩ như vậy là vì Phật giáo thật sự đã hòa làm một với dân tộc Việt Nam. Phật giáo đã đi vào dân tộc Việt Nam không bằng con đường giáo điều khô cứng, không bằng con đường ru ngủ dân chúng với những hứa hẹn hão huyền, mà bằng con đường phát triển trí tuệ, tự lực tự cường, phù hợp với truyền thống dân tộc Việt Nam. Với những giáo lý nhân bản và những triết lý Phật giáo cao siêu, phù hợp tinh thần khoa học, thu hút tầng lớp trí thức. Còn với bản chất hòa bình, bao dung, bình đẳng, cũng như với những định hướng hành vi cụ thể, giản dị. Phật giáo lại gần gũi với đông đảo quần chúng bình dân ít học. Phật giáo thực sự đã góp phần rất quan trọng trong việc phát triển tư tưởng nền tảng của văn hóa Việt Nam.

Phật giáo Việt Nam bao giờ cũng đứng về phía dân tộc. Suối gần 20 thế kỷ qua, lực lượng Phật giáo Việt Nam chưa một lần liên kết với kẻ ngoại xâm, giết hại đồng bào, phản bội dân tộc. Phật giáo Việt Nam chưa bao giờ nhận lệnh của bất cứ chức sắc ngoại quốc nào, lệ thuộc bất cứ một tổ chức chính trị hay tôn giáo quốc tế nào. Nhờ thế mà Việt Nam đã bao lần đánh đuổi được giặc ngoại xâm. Với lịch sử đậm tính truyền thống ấy, không lạ gì khi thấy tinh thần Phật giáo thể hiện sâu đậm trong mọi bộ môn của nền văn hóa Việt Nam như văn học bác học và bình dân Việt Nam, như trong nghệ thuật, trong kiến trúc, trong phong tục tập quán của cộng đồng, cũng như trong hành vi ứng xử của người Việt Nam4.

Nhưng nhiều nguồn du nhập Phật giáo với những khác biệt nhiều mặt dễ hình thành tính bảo thủ của từng bộ phận, mạnh ai nấy tu, mạnh ai nấy lo cho nội bộ mình.

Chỉ riêng ở miền Nam, năm 1963, có đến 11 tông phái Phật giáo lớn, Các tông phái Phật giáo Việt Nam đại diện cho hầu hết nhân dân cả nước. Đoàn kết các tông phái Phật giáo dưới một tổ chức là Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất là sức mạnh tổng lực của đại bộ phận nhân dân Việt Nam trong giải phóng và xây dựng đất nước

Đề xướng thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam của sư Khánh Hòa đã mở ra hướng đúng cho Phật tử và dân tộc.

Vào những năm 1925-1926, cao trào dân tộc dân chủ có ảnh hưởng đáng kể đến Phật tử, đến tầng lớp sư tăng trẻ tuổi. Trong Phật giáo thì ngày càng nhiều người muốn sửa đổi những lề thói hủ lậu đã làm giảm uy thế của đạo Phật, đưa đạo Phật vào hoạt động xã hội. Đó là sự đấu tranh giữa cũ và mới, giữa bảo thủ với chấn hưng. Nhiều Phật tử, sư tăng muốn đạo Phật đóng vai trò đưa cả dân tộc Việt Nam tiến lên.

Bắt đầu từ năm 1931 (ta hãy chú ý đến năm này vì ý nghĩa chính trị, xã hội của nó, những hội nghiên cứu Phật học, những tạp chí Phật học nối nhau ra đời ở Nam kỳ, ở Trung kỳ, tạo thành một phong trào có ý nghĩa chính trị, đã tạo ra một số tiền đề, điều kiện cho lực lượng Phật giáo sau này).

Những năm sau, khi các tổ chức Phật giáo xuất hiện, đến những năm 1950, có sáu tổ chức quan trọng nhất cña Phật gíao đã hình thành:

Bắc Việt:

- Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt.

- Hội Tăng già Bắc Việt.

Trung Việt:

- Hội Việt Nam Phật học Trung Việt.

- Hội Sơn môn Tăng già Trung Việt.

Nam Việt:

- Hội Phật học Nam Việt.

- Hội Tăng già Nam Việt.

Năm 1963, tại chùa Xá Lợi - Sài Gòn và năm 1981, tại chừa Quán Sứ - Hà Nội, đã thực hiện theo đướng lối đúng đắn ấy. Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất được thành lập góp phần quan trọng cho công cuộc đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp giải phóng và xây dựng phát triển đất nước như mong muốn của sư Khánh Hòa và đông đảo Phật tử và nhân dân Việt Nam.

 


* Văn phòng Giải thưởng Trần Văn Giàu.

1. Hòa thượng Thích Như Niệm, TS Đinh Thu Xuân, Thiện Chiếu…, tr. 29.

2, 3. Trần Văn Giàu, Trần Văn Giàu toàn tập, bản thảo.

4. Nguyễn Quốc Tuấn, Đặc điểm và vai trò của Phật giáo Việt Nam, bản thảo.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 15
    • Số lượt truy cập : 6129460