HAI PHƯƠNG PHÁP
HAI PHƯƠNG PHÁP
CHÁNH TRÍ
NHO, THÍCH trên nguyên tắc đều đồng ý nhau về chỗ muốn trở nên bậc Thánh hiền cần phải trừng tâm diệt dục, nhưng phương pháp của đôi bên xét thấy không giống nhau, chỉ vì chủ trương của đôi bên về nguồn gốc của muôn dục khác nhau.
Theo Đào Trinh Nhất trong quyển Dương Vương Minh, Tống Nho chia có hai hạng lòng dục: Một là cái dục bên ngoài cám dỗ, hai là cái dục ở trong mình nổi lên. Với dục ngoại dụ, lấy phép sửa mình mà trị. Với dục trong tâm, có điều lành, có điều không lành, nếu mình muốn nó lành thì được lành, đến thế là lòng dục phải đạo; trái lại, hiếu danh tham lợi là lòng dục trái đạo, chúng ta phải dùng công phu đo đắn suy xét làm phương thuốc chữa.
Mới bước vào câu chuyện là thấy cách phân chia lòng dục như vừa kể, hình như không đúng lắm với sự thật. Cái dục bên ngoài cám dỗ là như thế nào? Thấy sắc động lòng, đó là lời nói ở cửa miệng nhiều người. Thế là đổ tội cho sắc, cho sắc là cái cơ làm phát động lòng muốn (dục). Đạo Phật không chủ trương như vậy mà quả quyết rằng tất cả đều do lòng ta, do tâm mà ra. Cái động ở tâm mới là nguyên nhân chính, còn sắc thấy trước mắt, chỉ là cái trợ duyên, giúp cho cái nhân kia đâm chồi nảy lộc. Có thể ví cái tâm tham sắc như một ngọn đèn trong lồng, còn sắc thấy ở ngoài như bó rơm. Có ngọn đèn mà không có rơm thì lửa của ngọn đèn lồng không có phương pháp cháy lan ra ngoài được. Đã đành trách nhiệm của rơm trong vụ cháy này chỉ là trách nhiệm nhẹ, trách nhiệm của một tòng phạm, còn chính thủ phạm là ngọn đèn kia. Thật thế, có rơm mà không lửa thì rơm làm gì cháy. Đã cần phân trách nhiệm của đôi đàng một cách minh chánh như vậy rồi, chúng ta không thể bảo có “cái dục bên ngoài cám dỗ” được. Đưa bó rơm vào tận phía trong của một cái lồng không đèn, thì rơm kia lẽ cố nhiên phải còn nguyên vẹn, có cháy là tại trong lồng có ngọn đèn.
Bởi cớ, Phật giáo dạy phải diệt ngọn đèn tham dục trong lòng ta. Đèn đã diệt được rồi, thì ngoại cảnh không còn ảnh hưởng gì đến ta nữa. Cái nhân chính đã dứt, ngoại duyên sẽ tiêu mà hành động, tức là nghiệp cũng không có. Vậy thì chỉ có một cái dục, chứ không phải hai cái. Cái dục ấy là “cái dục trong tâm mình nổi lên”, như Tống Nho nói trong phần sau của câu sách đã dẫn chứng ở đầu bài này.
Để trừ cái nợ duyên ngoại cảnh, Tống Nho có pháp sửa mình, nhà Phật có phép giữ giới, đồng nhau. Nhưng giới luật chỉ là một phương tiện “phòng phi chỉ ác”. Phòng phi là sự sái quấy hay tiếng người chê bai, như trường hợp cấm người tu sĩ tiếp chuyện một mình với đàn bà, hay nhận một vật gì do người đàn bà trao tận tay… Chỉ ác là dứt ác, thí như ăn chay để dứt cái ác sát hại sinh mạng của cầm thú. Phòng phi chỉ ác của nhà Phật hay phép sửa mình của Tống Nho chưa phải là phương thuốc trị dứt tham dục.
Có câu chuyện sau đây chứng tỏ điểm này. Một nhà sư trẻ tuổi, trên bước đường hành hóa, phải sang một con sông, nhờ thuyền của một cô lái đò cũng trẻ tuổi. Đò đến bến, nhà sư móc đãy trả tiền, như các khách độ giang khác. Cô lái đò đòi hai tiền. Nhà sư hỏi tại sao, cô lái bảo: “Một tiền qua đò, một tiền vì sư đã liếc tôi”. Chuyến về, nhà sư tự hối, không ngó cô lái nữa. Thế mà khi đến bờ bên kia, cô lái vẫn đòi hai tiền. Sư hơi cáu, nhưng cô bảo: “Ông không ngó tôi, nhưng ông còn thấy tôi trong tâm ông”...
Câu chuyện có thật không, nghĩ đó không phải là điều quan trọng. Cái hay ở đây là chỉ cho chúng ta thấy rằng không ngó mới là việc giữ giới bề ngoài, và không ngó chưa chắc là không thấy trong tâm, mà hễ thấy là phạm tội lỗi rồi. Tội lỗi bắt nguồn từ trong lòng ta. Có khi ta không ngó, không nghe, không hỏi, không nếm, không rờ, nhưng nghiệp quấy đã gây, bởi vì trong lòng ta đã khởi những ý niệm, những tư tưởng bất chánh. Vì vậy, phép sửa mình hay việc giữ giới chỉ là một bức rào mà chúng ta cần phải tự dựng lên để giữ mình đừng sa vào hố sâu tội lỗi, nhưng đừng tưởng có rào ấy là đủ. Có rào mà lòng ta vẫn như chảo dầu sôi, sùng sục thúc đẩy, thì rào có cao thế mấy, chúng ta cũng nhảy ngang. Phương thuốc trị dục hay nhất là phương trị ngay tận gốc, tức là ngay nơi tâm.
Về phương trị tâm, Tống Nho lại vớ vẩn như thế này: “Với dục trong tâm, có điều lành, có điều không lành, nếu mình muốn nó lành thì được lành, đến thế là lòng dục phải đạo; trái lại, hiếu danh tham lợi là lòng dục trái đạo, chúng ta phải dùng công phu đo đắn suy xét làm phương thuốc chữa”.
Bảo trong tâm có những cái dục lành, có những cái dục không lành, đành. Nhưng làm thế nào để phân biệt những cái ham muốn thiện với những ham muốn bất thiện? Tống Nho sơ lược cho biết: hiếu danh tham lợi là lòng dục trái đạo. Rất đúng! Nhưng bao giờ người hiếu danh tham lợi lại biết mình hiếu danh tham lợi? Tống Nho quả quyết nếu áp dụng phương pháp tĩnh lự, ngồi yên, lắng lòng suy xét sẽ biết. Đúng nữa! Nhưng nên đề phòng, nếu lấy cớ là suy xét mà thật ra là suy luận, thì không còn gì nguy hiểm hơn.
Suy luận là dựa theo những lý lẽ tự mình nhận là đúng đắn để xem xét mọi việc. Cái xem xét này là đúng đắn để xem xét mọi việc. Cái xem xét này có đúng là khi nào những lý lẽ kia cũng đúng. Nếu gặp những lý lẽ vụn vặt, những lý lẽ của người bị thành kiến, tập quán làm mù, thì tự suy luận dễ làm lầm đường lạc lối. Cái nguy ở chỗ họ lầm mà không bao giờ họ chịu là lầm. Vì sao? Vì họ bảo là họ đã suy nghĩ chín chắn rồi.
Phật giáo cũng nhận phải có tĩnh lự mới thấy sự thật, mới thấy chân lý. Tĩnh lự của Nho gia là phép chỉ quán của nhà Phật, trên nguyên tắc là vậy. Nhưng trong thực hành có chỗ sai khác.
Chỉ là dừng các loạn tưởng và đặt tất cả sức tư tưởng vào một việc, vào một vấn đề cứu xét cho tường tận, chẳng khác dùng cái kiếng chiếu đại (loupe) tập trung ánh sáng mặt trời vào một vòng nhỏ; ánh sáng tập trung ấy sẽ có năng lực đốt cháy mảnh giấy để dưới kiếng. Tập trung được như thế, tư tưởng sẽ có năng lực đốt cháy bao nhiêu đám mây mờ vô minh che lấp chân tâm, thực tánh của chúng ta.
Quán là xem xét. Cái xem xét này có đúng hay không là do cái “Chỉ” vừa nói có được thực hành toàn vẹn hay không. Vậy thì cái việc dừng các loạn tưởng, dừng nghĩ vơ nghĩ vẩn, là một điều kiện quan trọng, nhờ đó mà chúng ta sẽ được sáng suốt một phần nào về cái giả dối của thế sự, thế tình, nhiên hậu mới cởi mở được những xiềng xích bấy lâu buộc chặt chúng ta vào danh với lợi, để đứng dang ra dòm ngó lại việc đời mà đánh giá mọi sự vật cho đúng. Cứ sống mãi trong thành kiến sai lầm, như cho có giàu có tước mới sang, thịt cá, nem chả mới ngon… thì làm gì thấy cái nghĩa thật của chữ sang, chữ ngon?
Nhà Nho biết dạy người tĩnh lự, tức là chỉ quán, nhưng trước khi cho ngồi tĩnh lự, chưa dạy được người thấy rõ việc đời, nghĩa là tập cho có chánh kiến. Như vậy thì cái tĩnh lự dễ thành một lối suy luận, nếu không mơ hồ thì cũng nguy hại vì làm tăng lòng tin tưởng ở những lý lẽ trái với sự thật.
Đến đây, chúng ta thấy rõ, trên nguyên tắc, Nho Thích có chỗ tương đồng về lửa dục, về phương pháp dập lửa, thì bên cạn bên sâu, nếu không thận trọng, dễ lầm suy luận với quán sát.
Trích Tạp chí Từ Quang số 75 & 76
Tháng 4 và 5 năm 1958
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 20 – THÁNG 4 NĂM 2017 (PL. 2560)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 19 – THÁNG 1 NĂM 2017 (PL. 2560)
- ĐÓN XEM TỪ QUANG TẬP 19
Bình luận bài viết