Thông tin

HẠNH “LẮNG NGHE” CỦA BỒ TÁT TRONG TÔI

HẠNH “LẮNG NGHE” CỦA BỒ TÁT TRONG TÔI

 

VIÊN PHƯƠNG

 


 

Trong các vị Phật và Bồ tát của Phật giáo Đại Thừa, ngoài đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni ra có thể nói Bồ tát Quán Thế Âm là vị Bồ tát được mọi người biết đến nhiều nhất. Như kinh văn có nói, Ngài có tất cả 32 ứng hóa thân. Nhưng trong cuộc sống thường ngày quanh ta, Ngài thị hiện giữa đời thường với hình tướng người mẹ hiền thương xót mọi loài chúng sanh. Dù thị hiện dưới hình tướng nào, hay người ta đặt cho Ngài những tên gọi như Thủy Nguyệt Quán Âm, Nhất Diệp Quán Âm, Trì Bình Quán Âm v.v… Ngài vẫn là một vị Bồ tát gắn liền với hạnh nguyện “Lắng nghe” để thấu hiểu và giải tỏa bao nỗi ưu phiền giúp chúng sanh.

“Quán” là quán sát, “Âm” là âm thanh. Với tôi, âm thanh ấy bao gồm hai loại là thanh âm ở bên ngoài do ngoại cảnh tạo nên, và cả âm thanh bên trong chính là tiếng lòng của mỗi con người trước sự tác động của ngoại cảnh và tha nhân tạo nên.

Vốn xuất thân từ một gia đình đốc tín Phật giáo, nhà tôi cũng phụng thờ một tôn tượng Quán Thế Âm. Khi chiêm ngưỡng dung nhan của Ngài, ở trong tôi luôn có một cảm giác nhẹ nhàng và thanh thản. Với tư cách là một người Phật tử, tôi không chỉ bị cuốn hút bởi vẻ đẹp tôn nghiêm của Ngài dưới bàn tay chế tác của những nghệ nhân tạc tượng Phật tài hoa tạo nên, mà hơn thế nữa, chính là phẩm hạnh lắng nghe của Ngài. Với tôi, cái hạnh “Lắng nghe” học hỏi từ Ngài thật đáng quý biết bao. “Lắng nghe” như một vị Bồ Tát thật sự là một điều vô cùng quan trọng. “Lắng nghe” để chuyển hóa mọi ưu phiền, để tâm được nhẹ nhõm, để trị liệu những căn bệnh về tâm, hay lắng nghe để thấu hiểu và cảm thông đối với tha nhân, hay đôi khi lắng nghe cũng chỉ để lắng nghe mà thôi. Tôi khắc ghi hình thượng cúi nhìn của Bồ tát Quán Âm, Ngài cúi xuống với ánh mắt hiền từ nhìn chúng sanh và cúi xuống cũng là một tư thế để nhắc nhở chúng sanh khiêm hạ nhìn lại nội tâm của chính mình. Tôi ứng dụng hạnh lắng nghe này vào trong công việc, cuộc sống, đối nhân xử thế với mọi người, ngay cả với những người có thể nói chưa được gọi là “thân” cho lắm. Trong công việc, đối với cấp trên, với đồng nghiệp, nếu ta biết lắng nghe, sẽ góp phần giúp cho công việc được trôi chảy, thuận lợi, bởi khi ta biết lắng nghe khiêm tốn và tiếp thu sẽ mang lại cho chính bản thân mình những điều lợi lạc không thể nghĩ bàn. Ví như bản thân tôi khi nghe sếp hay đồng nghiệp góp ý không hay về mình, điều đầu tiên tôi luôn nhắn nhủ bản thân hãy thực hành hạnh lắng nghe của Bồ tát mà không nên biện bạch hay phủ nhận tức thời như một cách phản ứng bình thường của bản ngã. Vì thật lòng mà nói, khi ta lắng nghe và dành cho mình đủ thời gian để suy xét lại những ý kiến ấy, ta càng cám ơn người đã góp ý cho ta, họ giúp ta ngày một hoàn thiện hơn trong công việc cũng như trong quan hệ với mọi người. Còn đối với người thân trong gia đình, ta cũng phải học “lắng nghe”, lắng nghe để giải tỏa mọi khúc mắc hay bất đồng trong cuộc sống thường nhật bằng tình thương và sự hiểu biết. Bởi suy cho cùng, không phải nhân duyên sâu dày, thì chúng ta không phải là người trong một nhà với nhau. Ở ngoài, đối với người khác ta có thể lắng nghe thì sao ngay trong gia đình, những người thân thuộc ta lại không thể dành ra chút thời gian để lắng nghe và thấu hiểu. Hay đôi khi do một nhân duyên nào mà có người lại tìm đến tôi như một nơi để giải tỏa và trút mọi ưu phiền. Do nguyên nhân nào đó mà họ không thể trực tiếp giải bày với người trong cuộc chỉ có thể tìm một nơi cũng chỉ để trút mọi tâm tư, thì tôi cũng xin vui vẻ để đảm nhận vai trò như thế. Khi ấy, tôi càng biết mình phải lắng nghe, và lắng nghe cũng chỉ để lắng nghe mà thôi. Khi ấy, tôi chợt nhớ đến hạnh lắng nghe của Bồ tát Quán Âm, Ngài lắng nghe mọi nỗi niềm của chúng sanh mà không hề than vãn. Ngài cũng nhìn chúng sanh với ánh mắt đầy bao dung thông cảm mà không hề thêm vào bất cứ mọi phân tích đúng sai hay kết tội bất kỳ ai. Cứ thế, Ngài chỉ lắng nghe và lắng nghe để chúng sanh được giảm bớt ưu phiền, để cho lòng nhẹ nhõm, để người ta có đủ bình tĩnh và thêm thời gian để suy xét lại mọi việc và lựa chọn tâm thế chấp nhận khôn ngoan hơn.

“Lắng nghe” đối với tôi như một liều thuốc quý có thể chữa lành mọi đau khổ, nếu ta kịp nhận ra và dành thời gian chăm sóc nỗi đau sau khi đã lắng nghe thật kỹ và thật sâu. Sống trong bát phong giữa cuộc đời này, cần lắm hạnh “Lắng nghe”.

Lại một mùa lễ tưởng niệm đức Bồ tát Quán Thế Âm nữa lại đến, hi vọng mọi chúng sanh đều nhớ nghĩ đến Ngài với một đức hạnh đáng quý để noi theo. Khi đến chùa đứng trước tôn tượng Quán Thế Âm, ta không chỉ bị thu hút bởi tính thẩm mỹ nơi Ngài, hay vì một niềm tin tín ngưỡng tôn giáo, mà hơn cả chính là đức hạnh mà Ngài muốn trao gởi cho chúng ta hôm nay. Trong một thế giới đầy sôi động và biến hóa nhanh chóng này, cần lắm một khoảng lặng để lắng nghe và thấu hiểu. Nguyện cho mọi loài có thể học theo hạnh lắng nghe của Bồ tát Quán Âm để có được một cuộc sống an lành và tỉnh thức.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 70
    • Số lượt truy cập : 6797531