Thông tin

HẠNH PHÚC CHÂN THẬT

HẠNH PHÚC CHÂN THẬT

 

HUỲNH ĐĂNG KHOA

 

 

Phàm là con người, ai cũng có nhu cầu về hạnh phúc, dù một chút thôi, lúc trẻ thì hạnh phúc khi được ngủ trong vòng tay của cha mẹ, được cha mẹ mua cho chiếc xe, cho cái bánh, lớn lên đi học hạnh phúc khi đạt được những điểm mười, hay theo chúng bạn đi chơi, lớn chút thì có công việc ổn định, mà như giới trẻ ngày nay nói là có 5C (Nhà, Tiền, Xe, Vợ, Con) là đã hạnh phúc lắm rồi; già hơn thì có sức khỏe, con cháu đầy nhà là hạnh phúc. Vậy chất liệu tạo nên hạnh phúc là gì? Liệu hạnh phúc có bền vững khi xây dựng trên nhu cầu ham muốn của mỗi cá nhân? Và liệu rằng hạnh phúc có cân đo đong đếm được không để làm quy chuẩn cho đời sống cá nhân, của xã hội?

Trong một lần, nhóm bạn trẻ chúng tôi bàn luận về hạnh phúc. Người thì cho rằng hạnh phúc là có sức khỏe, người thì nói hạnh phúc là làm được những gì mình muốn, có bạn lại dẫn chứng câu “Hạnh phúc là khi nghĩ, khi nói và khi làm giống nhau”... ôi thôi nhiều lắm, vậy ai đúng ai sai? Hay chẳng ai đúng, mà cũng chẳng ai sai? Vậy thì người trẻ nghĩ thế nào cho đúng với tinh thần nhà Phật về hạnh phúc? Chúng ta hãy tìm hiểu xem Phật đã dạy chúng ta thế nào về vấn đề nhiều rắc rối này? Bởi người Phật tử, nhất là giới trẻ, có Văn Tư Tu, nghĩa là có đọc, tìm hiểu kinh sách, rồi suy ngẫm, rồi vò đấu bứt tóc về vấn đề đó, xong rồi thực hành nếu thấy lời Phật dạy trong kinh là đúng thì mới mau sáng tỏ và “ngộ” được vấn đề để có lối sống an lành tự tại.Bài viết này xin giới thiệu cách hiểu một cuộc sống hạnh phúc theo Kinh Tuổi Trẻ Và Hạnh Phúc (*) và kinh có ghi lại như sau:

“Ðây là những điều tôi được nghe vào một thời mà Phật đang cư trú ở tu viện Trúc Lâm Ca Lan Ðà tại kinh thành Vương Xá. Một sớm mai nọ, có vị khất sĩ ra sông, cởi y áo để trên bờ rồi xuống nước tắm gội. Tắm xong vị ấy lên bờ, đợi cho khô mình mẩy rồi mặc áo vào. Bấy giờ có một vị thiên nữ xuất hiện, hào quang từ thân hình phát ra sáng chói, soi rõ cả bờ sông. Thiên nữ nói với vị khất sĩ: "Thầy là một người mới xuất gia. Tóc còn xanh, tuổi còn trẻ, giờ này đáng lý thầy phải xông ướp hương thơm, trang điểm châu báu, đeo tràng hoa thơm mà hưởng thụ năm thứ vui thú. Trong khi đó thì thầy lại bỏ những người thương, quay lưng lại với cuộc đời thế tục, chịu đựng sự biệt ly, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca sa, tin tưởng vào con đường xuất gia học đạo. Tại sao lại bỏ cái lạc thú hiện tại mà đi tìm cái lạc thú phi thời như thế?

Vị khất sĩ đáp: "Tôi đâu có bỏ cái lạc thú hiện tại mà đi tìm cái lạc thú phi thời? Chính tôi đã bỏ cái lạc thú phi thời để tìm tới cái lạc thú chân thực trong hiện tại đấy chứ”. Vị thiên nữ hỏi: "Thế nào là bỏ cái lạc thú phi thời để tìm tới cái lạc thú chân thực trong hiện tại?”. Vị khất sĩ đáp: "Ðức Thế Tôn có dạy: Trong cái vui phi thời của ái dục, vị ngọt rất ít mà chất cay đắng rất nhiều, cái hưởng thụ rất bé mà tai họa rất lớn. Tôi giờ này đang an trú trong hiện pháp, lìa bỏ được những ngọn lửa phiền não đốt cháy. Hiện pháp này vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, tự mình thông đạt, tự mình có thể giác tri. Này thiên nữ, đó gọi là bỏ cái lạc thú phi thời để đạt tới cái lạc thú chân thực trong hiện tại".

Qua lời kinh, chúng ta nhận thấy một điều rằng, những thứ tài sản, sắc đẹp điều là những thú vui tạm bợ của thế gian, hạnh phúc thật sự không đến từ những điều phi thời như vậy.Sự hưởng thụ nhỏ bé như con rắn độc của bản thân, của con đường đưa vào vòng luân hồi sanh tử, hạnh phúc đó ý như giấc mộng, mà mộng thì làm gì có thật mà để chúng ta mong tìm, níu kéo và đau khổ vì nó. Đoạn kinh thuật lại sau đối đáp với Thiên nữ, vị Khất sĩ đã về trình với Phật để làm rõ hơn vấn đề, ta hãy cùng tìm hiểu xem đức Phật sẽ dạy gì cho vị thiên nữ.

Ngài dạy qua bài kệ như sau: "Không thấy rõ ái dục, Mới vướng vào ái dục, Ảo tưởng về ái dục, Ðưa người về nẻo chết"sau lời kệ vị thiên nữ cũng chưa hiểu, Phật mới đọc tiếp bài thứ hai cho vị này nghe rằng: “Thấy chân tướng ái dục, Tâm ái dục không sanh, Tâm ái dục không sanh, Ai cám dỗ được mình". Nếu là các bạn trẻ, các bạn có hiểu ý của đức Thế tôn chưa, hay vẫn còn lăn tăn mơ màng, Phật nói gì không hiểu chi hết? Hiểu được điều đó Ngài lại đọc tiếp bài kệ: "Mặc cảm hơn, kém, bằng Tạo ra nhiều rối rắm, Ba mạn đã vượt rồi, Tâm không còn khuynh động". Đến đây, vị thiên nữ vẫn chưa hiểu, chắc cũng giống chúng ta phải không? Vì đức từ bi rộng lớn, là một vị Thầy thương yêu học trò thơ dại của mình, Phật cũng không lấy làm phiền lòng mà đọc tiếp bài kệ: “Trừ dục, vượt ba mạn, Tâm lặng, hết mong cầu, Mọi đau phiền cởi bỏ, Ðời này và đời sau".

À đến đây thì vị thiên nữ kia mới òa lên, hiểu ra và “ngộ” nhiều thứ khi thốt lên rằng: "Con đã hiểu, bạch Ðức Thế Tôn. Con đã hiểu, bạch Ðức Thiện Thệ”. Vậy còn chúng ta, chúng ta hiểu thế nào qua bốn bài kệ Phật đã dạy ở trên?

Theo cách hiểu của cá nhân tôi (nếu có gì không đúng xin quý thiện hữu góp ý và bỏ qua cho), bốn bài kệ của đức Phật đã dạy cho chúng ta về cách nhận diện rõ ham muốn mong cầu của mình (ái dục), nhận diện ham muốn đó, truy tìm gốc rễ của nó, để thấy chân tướng của ham muốn từ đâu mà ra, khi nhận diện rõ ràng những ham muốn nhất thời, tạm bợ thì không còn ảo tưởng, điên đảo vì nó nữa, không chạy theo cái hư vọng, không tìm cầu cái mộng huyễn để quay về thực tại, sống trong chánh niệm để biết đâu là nẻo chánh đường tà, đâu là ham muốn đưa ta vào luân hồi sanh tử. Ấy vậy, Phật mới nói bài kệ thứ hai, khi thấy chân tướng mộng huyễn giả tạo của mong cầu thì tâm mình sống trong tĩnh lặng, sống trong chánh niệm, trong định tâm thì thân tâm luôn thanh thản, như mây trời trôi nhẹ mà không vướng vào bất cứ phiền não hay khổ đau nào nữa. Tuổi trẻ hay muốn nhiều thứ, không biết bao giờ là đủ cho mình, và rồi nếu không được ta lại khổ đau, tuyệt vọng, rồi sanh ra thói hư tật xấu và nhiều tệ nạn xã hội như ngày nay. Nếu cuộc sống chúng ta biết chậm lại, nhìn nhận và suy nghĩ về những gì đang xảy ra quanh ta, lúc đó nhận diện nó, sống không lo âu và không bị ái dục chi phối thì cuộc sống an lành biết bao.

Nhưng đôi khi cái ngã chấp, cái tôi luôn lớn, bám víu vào cái thân này để đặt cái tôi của mình lên trên hết, khi đó sự cạnh tranh hơn thua, tâm mình luôn xáo động trong cái mong cầu, không còn thời gian đâu cho sự quán chiếu, suy xét, để rồi quay cuồng trong mớ hỗn độn của tham đắm si mê, mang sừng đội móng, ôi thôi hạnh phúc không nếu cuộc sống ta như vậy? Vì đó mà đức Phật mới dạy bài kệ thứ ba này, khi chúng ta thấy sự sống an trú thanh tịnh trong hiện tại, ngay đây, bây giờ qua từng hơi thở thì cái tôi không còn ngã mạn, sân hận hơn thua được mất, mà thay vào đó là cuộc sống an lành, tâm không chạy rong theo nhu cầu hưởng thụ hay cạnh tranh hơn thua thì đó mới là hạnh phúc, hạnh phúc không quá xa lạ nếu chúng ta biết dừng lại, chiếu rọi chính mình, chính cái tâm đang khởi lên mong cầu ái dục này khi vắng lặng thì hạnh phúc hiện bày ra, có ngay đây, đó là nội dung bài kệ thứ tư của đức Thế tôn. Khi nhận diện rõ ràng ái dục, thấy chân tướng mộng huyễn và tâm không còn tham đắm vào những hạnh phúc phù du của tiền tài danh vọng hư ảo đó nữa, thì cái tôi cũng không còn, không để si mê chi phối, vượt lên ham muốn để quay về bản tánh thanh tịnh, quay về với viên ngọc chân tâm của mình, thì phiền não nào có thể đến được, đau khổ nào có thể vào nhà và sống chung với mình, một khi cái nhân “ái dục” được chuyển hóa thì mình sẽ có một cuộc đời an trú trong thảnh thơi và chánh niệm.

Đó mới là chân hạnh phúc, là hạnh phúc thật sự, hạnh phúc trên nền tảng của đạo lý nhà Phật, một cuộc sống hạnh phúc nơi vùng đất tịnh độ hiện tiền, không phiền não và khổ đau thì dù ở độ tuổi nào cũng thích thú muốn quay về, nhất là các bạn trẻ. Nhưng để hiểu và có cái nhìn chân thật về hạnh phúc, thì chúng ta cần trải nghiệm, như đã nói trên, phải học hỏi giáo lý, chiêm nghiệm và thực hành, thì hạnh phúc không đâu xa, hạnh phúc có trong ta, ngày đây và bây giờ.


(*) Kinh Tam Di Đề, Kinh số 1078 của bộ Tạp A Hàm trong Hán tạng (99, tạng kinh Đại Chính), tương đương kinh Samidhi của Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikàya I,2.10), Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 59
    • Số lượt truy cập : 6367805