Thông tin

HÀNH TRẠNG CỦA HÒA THƯỢNG MINH NGUYỆT:

MỘT HÌNH ẢNH TIÊU BIỂU CHO SỰ GẮN BÓ - ĐÓNG GÓP

CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

ĐỐI VỚI ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC

 

ĐÀO NGUYÊN
Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

 

Bài viết này gồm có hai phần chính: Thứ nhất, là phần nêu dẫn một số nhận định, đánh giá của các vị giáo sư, học giả ở Việt Nam, về sự gắn bó giữa Phật giáo và dân tộc trong quá khứ. Thứ hai, là phần nêu tóm lược về hành trạng của Hòa thượng Minh Nguyệt (1907-1982): Một hình ảnh tiêu biểu cho sự gắn bó – đóng góp của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đối với đạo pháp và dân tộc nơi thời cận - hiện đại.

Chúng tôi xin lần lượt đi vào từng phần.

1. Nêu dẫn một số nhận định – đánh giá

1.1 Nhà Sử học Phan Đại Doãn, trong bài “Phật giáo thời Đinh Lê” in nơi sách “Thế kỷ X - Những vấn đề lịch sử”, Nxb KHXH, 1984, đã viết về khía cạnh Bản địa hóa của Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam: “Đạo Phật bắt nguồn từ Ấn Độ do Khâu Đà La (Ksudra) và Ma Ha Kỳ Vực (Mahajtraka) truyền vào đầu tiên ở Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Phật giáo này lại dung hợp với tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ (Tục thờ cúng các hiện tượng tự nhiên có liên quan đến nông nghiệp), mặt khác tín ngưỡng dân gian lại hóa thân vào Phật. Hình tượng Phật giáo là cái vỏ bên ngoài, mà tín ngưỡng dân gian là nội dung chủ yếu. Những thần mây mưa sấm chớp vốn là biểu tượng của các lực tự nhiên trong tín ngưỡng Việt cổ, đã trở thành Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, là những vị Phật đầu tiên của Việt Nam”.1

1.2 Giáo sư Trần Văn Giàu (1911-2010) đã viết về những gắn bó, những đóng góp của Phật giáo ngay từ buổi đầu trong quá trình đi tới của lịch sử dân tộc Việt Nam: “Bình minh của lịch sử dân tộc ta đã gắn liền với Phật giáo. Phật giáo là ngọn đuốc văn minh ở xứ ta”.2

1.3 Giáo sư Trần Quốc Vượng (1934-2005), trong sách Lịch sử Việt Nam (Tập 1), Nxb ĐH-THCN, 1983, đã viết về Nhà nước Vạn Xuân của Lý Bí (503-548) đã cho xây dựng chùa Khai Quốc: “Nhà nước Vạn Xuân – 2 - 544 TL – dù mới dựng cũng bỏ tiền xây một ngôi chùa lớn, sau trở thành một trung tâm Phật giáo và Phật học lớn của nước ta. Đó là chùa Khai Quốc, tiền thân của chùa Trấn Quốc ở Hà Nội ngày sau. Ngay cái tên chùa Mở Nước cũng đã hàm chứa nhiều ý nghĩa”.3

1.4 Học giả Đào Duy Anh (1904-1988): Trong Hồi ký “Nhớ nghĩ chiều hôm”, đã viết về mối tương quan giữa Phật giáo và dân tộc Việt Nam ở đời Trần: “Trần Thái Tông là vua sáng nghiệp nhà Trần, lại là tác giả sách Khóa Hư Lục, một tác phẩm tiêu biểu của Thiền Tông ở đời Trần, và vua Trần Nhân Tông là vị vua anh hùng của nhà Trần, lại là Tổ thứ nhất của phái Trúc Lâm trong Thiền tông Việt Nam. Cả hai người đều kết hợp một cách tốt đẹp hoạt động tu hành và hoạt động kinh bang tế thế”.4

Bốn ví dụ như thế là quá đủ, quá đủ để chúng ta nhận biết thêm rằng, vào thời cận hiện đại, trên con đường đi tới của lịch sử dân tộc và đạo pháp, Phật giáo Việt Nam nói chung, Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam nói riêng, đã có những đóng góp, những gắn bó, những đồng hành rất tích cực, là điều hầu như tất nhiên.

2. Tóm lược về hành trạng của Hòa thượng Minh Nguyệt

Hòa thượng Thích Minh Nguyệt (1907-1985) thế danh là Lý Duy Kim, sinh ngày 19/12/1907, trong một gia đình trung nông thuộc xã Tân An, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Năm 13 tuổi (1919) xuất gia tại chùa Thiên Thai (Bà Rịa – Vũng Tàu) với Hòa thượng Huệ Đăng (1873-1953), lúc đó Hòa thượng Huệ Đăng là trụ trì chùa Thiên Thai, chùa Thiên Thai được tạo dựng vào khoảng 1910-1912, và 15 năm sau (1934-1935), Hòa thượng Huệ Đăng là người sáng lập Hội Thiên Thai Thiền Giáo Tông Liên Hữu, một giáo phái Phật giáo mang đậm màu sắc bản địa, nhập thế và yêu nước.

Vốn là một thiếu niên thông minh, năng động, lại được Hòa thượng Huệ Đăng tận tình chỉ dạy, dẫn dắt, nên trong gần 20 năm tu học tại Tổ đình Thiên Thai (1919-1938), vị Tăng sĩ trẻ Minh Nguyệt đã cố gắng học tập tối đa để thâu nạp những kiến thức Phật học vừa cơ bản vừa chuyên sâu, nhất là ý hướng nhập thế hành đạo của Bồ tát đại thừa. Đồng thời, cũng tạo cho mình những nhận thức đúng đắn về quá trình chiến đấu để dựng nước và giữ nước của tiền nhân, về hiện tình của xã hội Việt Nam đang sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp xâm lược, về con đường đi tới của lịch sử dân tộc và đạo pháp mà thế hệ Tăng sĩ trẻ của Phật giáo Việt Nam hiện có không thể không quan tâm. Sách Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX, Tập 1, do Thích Đồng Bổn chủ biên, mục Hòa thượng Thích Minh Nguyệt (1907-1985) đã cho biết: “Thời gian tu học tại chùa Thiên Thai (Bà Rịa – Vũng Tàu), do luôn được hầu cận bên bổn sư, nên Hòa thượng Minh Nguyệt đã được dự nghe những lần đàm đạo giữa Tổ Huệ Đăng (1873-1953) và chí sĩ Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929), thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969), do đó mà ý thức cách mạng đã nảy nở trong tâm khiến Hòa thượng Minh Nguyệt luôn trăn trở về điều ấy.5

- Năm 1938, Tăng sĩ Minh Nguyệt đã xin Thầy Bổn sư cho phép mình được đến tham quan, cầu học nơi khắp các chùa ở nhiều tỉnh thành thuộc Nam bộ (Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Cao Lãnh). Đây chính là một dịp để thâm nhập thực tế, nhận biết rõ hơn về sinh hoạt nơi một số tự viện tiêu biểu trong bối cảnh là phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Nam đã và đang dấy khởi và phát triển. Đồng thời cũng là dịp thuận tiện để vị Tăng sĩ trẻ tuổi, luôn có đủ tinh thần yêu nước ấy, bước đầu tham khảo tạo sự đối chiếu, khi đứng từ nơi cửa Thiền đang có những chuyển biến tích cực, nhìn ra cảnh giới bên ngoài, cụ thể là đời sống xã hội của đại đa số dân chúng miền Nam sau hơn 50 năm mất nước và bị thực dân Pháp xâm lược thống trị. Điều cần được nói thêm ở đây là, trong những lượt đến tham quan các ngôi Tổ đình như đã dẫn, Tăng sĩ Minh Nguyệt đều tạo được những sự nối kết thuận hợp với chư vị trụ trì, viện chủ v.v… để tổ chức các buổi thuyết giảng Phật pháp do mình đảm nhiệm, trước đông đảo người nghe là Tăng Ni và quần chúng Phật tử tại địa phương. Qua đấy, người thuyết giảng đã đề cao, tán dương tính chất Bi Trí Dũng gồm đủ trong kinh điển của Phật giáo đại thừa, chính là nền tảng để phát khởi tâm từ bi cứu khổ, phát khởi tinh thần nhập thế cứu độ chúng sinh, nơi hàng Phật tử xuất gia tiêu biểu, đang dốc sức hành trì đạo Bồ tát theo Phật giáo Bắc truyền. Thành quả của những buổi thuyết giảng ấy, đó là danh xưng và nhất là tâm nguyện lợi tha của Tăng sĩ Minh Nguyệt đã được Tăng Ni cùng quần chúng Phật tử nơi các địa phương kia biết đến, ghi nhớ với lòng ngưỡng mộ, tín kính chân thành.

- Năm 1940, có hai sự kiện chính trị – xã hội đã tạo được những tác động lớn đối với tâm nguyện lợi tha, cũng như tinh thần yêu nước của Tăng sĩ Minh Nguyệt, khiến cho cái câu hỏi do ông đã đặt ra và trăn trở qua nhiều ngày tháng: “Trong hoàn cảnh như vậy, là một Tăng sĩ Phật giáo có học có hiểu biết, chúng tôi nên làm gì để có thể gọi là “Nhập thế cứu độ chúng sinh”, bấy giờ đã chuyển thành hành động thiết thực: Tăng sĩ Minh Nguyệt đã theo hẳn về phía những người yêu nước, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp để giành lấy độc lập cho dân tộc.

Hai sự kiện chính trị – xã hội đã tạo được những tác động… như trên vừa nêu. Đó là:

+ Thứ nhất: Ngày 23-11-1940, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã bùng nổ tại Hóc Môn (Sài Gòn) và lan rộng đến nhiều vùng xa gần, nhưng sau đấy thì thất bại do binh lính của thực dân Pháp đã đàn áp dữ dội, một số vị tu sĩ Phật giáo có tham gia vào cuộc khởi nghĩa ấy đều bị thực dân Pháp bắn giết hoặc bắt bớ, tra tấn, tù đày.

+ Thứ hai: Hòa thượng Trí Thiền (1882-1943), trụ trì chùa Tam Bảo ở Rạch Giá đã bị thực dân Pháp bắt giam, sau khi chùa Tam Bảo đã bị mật thám Pháp khám xét. Hòa thượng Trí Thiền thế danh là Nguyễn Văn Đồng, sinh năm 1882 tại xã Vĩnh Thanh Vân, huyện Châu Thành, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang), xuất gia tu Phật năm 30 tuổi (1912), sớm được quần chúng Phật tử biết đến qua hai lãnh vực thuyết pháp và xây dựng tự viện. Năm 1932, Hòa thượng Trí Thiền được mời làm cố vấn cho Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật Học. Năm 1937 thì đảm nhận chức vụ Chánh Tổng Lý của Hội Phật học Kiêm Tế, cho xuất bản Tạp chí Tiến Hóa (1938), là cơ quan ngôn luận của Hội, chủ trương theo đường lối cấp tiến, cách mạng. Để giúp cho Hội Phật học Kiêm Tế và tạp chí Tiến Hóa có đủ phương tiện hoạt động, Hòa thượng Trí Thiền đã hiến cúng toàn bộ tài sản của chùa Tam Bảo gồm có ngôi chùa, ruộng đất vườn tược và số tiền mặt gần 20 ngàn đồng (vào thời đầu năm 1938, đó là một số tiền khá lớn) cho Hội, sau khi được bổn đạo của chùa Tam Bảo chấp thuận. Từ những nhân duyên ấy nên chùa Tam Bảo đã trở thành một nơi chốn lui tới của các cán bộ cách mạng, được chọn làm chốn chế tạo vũ khí, in ấn truyền đơn chống chế độ thực dân Pháp xâm lược. Cuối năm 1939, cơ sở cách mạng ở chùa Tam Bảo bị bại lộ do một kẻ xấu ác làm nội gián, chùa bị mật thám Pháp khám xét, nên vũ khí và những tài liệu, truyền đơn v.v… bị tịch thu, Hòa thượng Trí Thiền, Đại đức Thiện Ân và một số vị trong Ban Trị sự Hội Phật học Kiêm Tế bị bắt. Hai vị tu sĩ, một thầy, một trò đã bị chúng giải lên Sài Gòn, đưa ra tòa xét xử. Đại đức Thiện Ân bị kết án tử hình, còn Hòa thượng Trí Thiền thì bị kết án 5 năm biệt xứ, đày ra Côn Đảo.

Chính từ sự kiện này đã là nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy Hòa thượng Minh Nguyệt (1907-1985) gia nhập vào hàng ngũ của lực lượng cách mạng, lực lượng kháng chiến.

Chúng tôi xin tạm phân chia toàn bộ quá trình hoạt động, tham gia kháng chiến chống thực dân, đế quốc, xây dựng đất nước v.v… với những đóng góp thiết thực cho dân tộc và đạo pháp của Hòa thượng Minh Nguyệt trong suốt hơn 40 năm, tức từ năm 1940 đến năm 1985, ra làm 3 giai đoạn chính: Giai đoạn 1940 – 1954, giai đoạn 1955 – 1975 và giai đoạn sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975) đến cuối đời của Hòa thượng (1985).

2.1. Giai đoạn 1940 – 1954

- Cho đến ngày Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công (19/8/1945), nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập (2/9/1945) và nhất là ngày toàn quốc kháng chiến đã bùng nổ (19/12/1946) thì Hòa thượng Minh Nguyệt đã tham gia theo lực lượng cách mạng hơn 6 năm, thời gian tạm đủ để hòa thượng suy nghĩ cùng nhận thấy rõ sự lựa chọn đi đến với dân tộc, với kháng chiến của bản thân mình từ năm 1940 là hoàn toàn đúng đắn, thuận hợp và tiến bộ.

Theo một vài tài liệu ghi lại, thì trong thời gian này (1940-1946) Hòa thượng Minh Nguyệt đã chọn bí danh là Tam Không, hoạt động khi ẩn khi hiện nhưng rất nhiệt tình, thiết thực, cổ vũ làm phát khởi tinh thần yêu nước nơi quần chúng Phật tử ở nhiều tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ, khiến họ hăng hái tham gia hoặc ủng hộ tài vật cho lực lượng cách mạng.

- Năm 1947, Hòa thượng Minh Nguyệt được bầu giữ chức vụ Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ. Sau đấy thì hòa thượng cùng đảm nhận luôn các chức vụ Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Mỹ Tho. Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc khu Sài Gòn – Gia Định. Ủy viên Ủy ban Mặt trận tỉnh Mỹ Tho. Ủy viên Ủy ban Mặt trận khu Sài Gòn – Gia Định v.v…

Trong tác phẩm Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (tập III) học giả Nguyễn Lang đã cho biết, vào thời bấy giờ, nhiều vị thiền sư lớn tuổi và nhất là lớp tu sĩ trai trẻ đều đã tham gia tích cực vào các Hội Phật giáo cứu quốc ở Nam Bộ trong số ấy có Hòa thượng Minh Nguyệt: “…Thiền sư Huệ Quang (1888-1956) một trong những cây cột chống của Hội Lưỡng Xuyên Phật học đã đứng ra làm Chủ tịch của Ủy ban Phật giáo cứu quốc tỉnh Trà Vinh, đồng thời cũng là Ủy viên xã hội của Ủy ban Hành chánh Tỉnh bộ Trà Vinh… Thiền sư Pháp Dõng đứng ra làm Chủ tịch Ủy ban Phật giáo cứu quốc tỉnh Gia Định. Thiền sư Pháp Tràng (1898-1984) là Chủ tịch Ủy ban Phật giáo cứu quốc tỉnh Mỹ Tho. Thiền sư Pháp Long (1901-1971) là Chủ tịch Ủy ban Phật giáo cứu quốc tỉnh Vĩnh Long. Chùa Ô Môi ở xã Mỹ Quý trong chiến khu Đồng Tháp Mười là trụ sở của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ. Tham dự vào Ban Chấp hành có các Thiền sư Minh Nguyệt, Huệ Phương, Viên Minh và Không Không. Tờ Tinh Tấn, nguyệt san của tổ chức ấy có khi được phổ biến về tận Sài Gòn”6

Sách Phật giáo Việt Nam (Từ khởi nguyên đến 1981) do Bồ Đề Tân Thanh Nguyễn Đại Đồng biên soạn, đã nêu dẫn rõ hơn về sự thành lập Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ (1947) do Hòa thượng Minh Nguyệt làm Hội trưởng như sau:

+ Những người vận động thành lập: Cư sĩ Lê Hoàng Minh, Yết ma Pháp Long (chùa Thiên Quang. Hóc Môn – Sài Gòn).

+ Hội viên sáng lập: Hòa thượng Hồng Từ (chùa Giác Viên, Sài Gòn), Hòa thượng Hồng Hưng (chùa Giác Lâm – Sài Gòn).

+ Hội trưởng: Hòa thượng Minh Nguyệt; Phó Hội trưởng: Hòa thượng Huệ Thành (chùa Long Thiền, Biên Hòa).

+ Các Ủy viên: Ủy viên tuyên huấn: Ông Đào Không Không; Ủy viên thủ quỹ: Ông Lê Hoàng Minh; Ủy viên xã hội: Thượng tọa Thiện Sĩ (chùa Kim Cang, huyện Cai Lậy, Mỹ Tho); Ủy viên kiểm soát: Thượng tọa Huệ Phương và Yết ma Pháp Tràng (chùa Liên Từ, Tiền Giang); Ủy viên liên lạc: ông Thiện Lý ở Hóc Môn.

Trong Ban Trị sự còn có 21 Ủy viên đại diện cho 21 tỉnh ở Nam Bộ, như các Hòa thượng Huệ Quang (Trà Vinh), Pháp Dõng (Gia Định), Pháp Long (Vĩnh Long), Bửu Ý (Chợ Lớn). Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ xuất bản tờ báo Tinh Tấn, do Hòa thượng Minh Nguyệt làm Chủ nhiệm, nhà giáo Lê Văn Đông làm Chủ bút. Tòa soạn đặt tại chùa Bửu Lâm (chùa Tổ) ở xã Mỹ Tho, tỉnh Cao Lãnh (nay là tỉnh Đồng Tháp). Còn cơ quan của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ thì đặt tại chùa Ô Môi, xã Mỹ Quý trong chiến khu Đồng Tháp Mười, nguyệt san Tinh Tấn kia, có khi được phổ biến lên tận Sài Gòn”7.

- Năm 1949, Ban chấp hành Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, đứng đầu là Hòa thượng Minh Nguyệt, Hội trưởng, đã phối hợp cùng với Hội Phật giáo cứu quốc liên tỉnh Mỹ Tho – Sa Đéc, tổ chức rất long trọng Đại lễ Phật Đản vào ngày mồng 8 tháng 4 năm Kỷ Sửu, tức ngày 5/5/1949 tại một địa điểm trong chiến khu Đồng Tháp Mười. Số lượng người tham dự, gồm các cấp dân – quân – chính cùng đồng bào và quần chúng Phật tử là trên 6 ngàn8. Cũng theo sự nêu dẫn của sách Phật giáo Việt Nam (Từ khởi nguyên đến 1981), thì trong Đại lễ Phật Đản vào ngày ấy, sau phần nghi lễ chính thức, Hòa thượng Minh Nguyệt với tư cách là Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, đã lên khán đài phát biểu ý kiến, nói rõ về 2 vấn đề chính có tính thời sự. Đó là, thứ nhất tức giải thích về ý nghĩa tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp của Phật tử ở Nam Bộ. Về phần này, Hòa thượng Minh Nguyệt đã nhấn mạnh: Phật giáo đồ ở Nam Bộ đã chấp nhận giới sát sinh, gia nhập vệ quốc quân và dân quân địa phương cầm súng mang dao giết giặc trừ gian, góp phần giải phóng đất nước.9

Vấn đề thứ hai là Hòa thượng Hội trưởng đã nêu tóm tắt về một số thành tích mà các Hội Phật giáo cứu quốc nơi các tỉnh ở Nam Bộ đã thực hiện và đạt được, như: Phát khởi phong trào vận động thanh niên lên đường tòng quân chiến đấu; tham gia phong trào ủng hộ quỹ tài chánh kháng chiến; tham gia ủng hộ tuần lễ thu nhận đồng để đúc đạn dược; tham gia vào lực lượng dân quân địa phương; tham gia vào các hội mẹ chiến sĩ đỡ đầu cho nhiều đơn vị vệ quốc quân v.v… Một vài số liệu cụ thể cũng được đưa ra; chẳng hạn, số hội viên của Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Bạc Liêu chỉ hơn 5 ngàn người mà đã có tới 1500 người tham gia vào lực lượng dân quân địa phương. Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Mỹ Tho đã hiến cúng cho công binh xưởng 50 đại hồng chung, 14 tiểu hồng chung. Còn Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Sa Đéc thì hiến cúng trên 2 tấn đồ đồng. Phần cuối của bài phát biểu, Hòa thượng Minh Nguyệt như thể thay mặt cho toàn bộ Phật giáo đồ của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ bày tỏ lòng kính mến đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vị Bồ tát đã noi gương Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hoàn toàn dấn thân cho sự nghiệp chiến đấu giải phóng đất nước, dân tộc…”.10

- Thời gian tiếp theo, từ năm 1950 đến 1953, những hoạt động của Hòa thượng Minh Nguyệt có thể ghi nhận như sách “Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX” (Tập 1) đã viết: “… Mọi hoạt động chống thực dân và phát triển Hội Phật giáo cứu quốc đều được Hòa thượng Minh Nguyệt tiến hành song song ở từng địa bàn, nhất là nơi chiến khu Đồng Tháp Mười với chùa Ô Môi hiện là trụ sở của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ. Bất chấp mọi gian nguy, hòa thượng đã đi đến khắp chốn để vận động cùng đấu tranh ngay trong vùng do thực dân kiểm soát. Và như vậy là trong nội thành Sài Gòn – Gia Định của thời ấy cũng không thiếu dấu chân ngài”11.

Trong thời gian ấy, một Phật sự lớn rất đáng chú ý, đánh dấu cho sự phát triển thuận hợp của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, đó là vào ngày rằm tháng 2 năm Nhâm Thìn (1952), Giáo hội Lục Hòa Tăng được thành lập. Và sang năm 1953, Hội Lục Hòa Phật tử đã được thành lập. Hai tổ chức Phật giáo ấy được xem là hậu thân của phong trào Phật giáo cứu quốc ở Nam Bộ. Ban vận động để thành lập cũng là ban lãnh đạo của hai tổ chức Phật giáo như vừa nêu, là Chư Tôn đức: Hòa thượng Thiện Tòng (1891-1964), Hòa thượng Minh Đức (1902-1971), Hòa thượng Thành Đạo (1906-1977), Hòa thượng Bửu Ý (1917-1996)…

2.2 Giai đoạn 1955 – 1975

Về giai đoạn này, chúng tôi xin dựa theo tài liệu nơi sách Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX, Tập 1, do Thích Đồng Bổn chủ biên12 để ghi nhận tóm tắt như sau:

- Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, gián tiếp xác nhận công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành lấy độc lập của toàn dân Việt Nam đã đạt được thắng lợi. Tuy nhiên, thắng lợi đó chưa được trọn vẹn, vì một nửa đất nước là miền Nam, từ vĩ tuyến 17 trở vào, còn bị đặt dưới sự cai trị của chế độ Ngô Đình Diệm, do người Mỹ dựng lên và hậu thuẫn. Hòa thượng Minh Nguyệt, bấy giờ đã quyết định ở lại miền Nam chứ không theo các chiến hữu tập kết ra miền Bắc, để tiếp tục hoạt động bí mật, gây dựng lại các cơ sở cách mạng đã có từ thời kháng chiến chống Pháp, chuẩn bị cho quá trình chiến đấu chống chế độ Ngô Đình Diệm và “chống Mỹ cứu nước”.

- Trong những năm tháng từ 1955 đến 1960, Hòa thượng Minh Nguyệt được xem là hình ảnh tiêu biểu nhất cho lực lượng Tăng sĩ Phật giáo yêu nước ở miền Nam, đã tham gia tích cực, tạo được những đóng góp rất đáng kể cho lực lượng cách mạng còn đang hoạt động bí mật. Do đó, chế độ Ngô Đình Diệm đã luôn chú ý và theo dõi rất gắt gao từng bước đi của hòa thượng.

- Ngày 6/4/1960, một cơ sở bí mật của cách mạng bị lộ, toàn bộ các cán bộ chủ chốt đều bị bắt, trong ấy có Hòa thượng Minh Nguyệt, lúc này đã được 54 tuổi. Chế độ Ngô Đình Diệm nhân đấy đã mặc sức “bêu xấu” tên tuổi của Hòa thượng Minh Nguyệt, sau đấy thì kết án 20 năm tù khổ sai, đày ra Côn Đảo, cho đến năm 1974, tức sau ngày Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), Hòa thượng Minh Nguyệt mới được trao trả về vùng giải phóng ở Lộc Ninh. Như vậy là hòa thượng đã bị lưu đày khổ sai nơi Côn Đảo gần 15 năm.

Đã được sống ở vùng tự do, Hòa thượng Minh Nguyệt liền tạo phương tiện để liên lạc với Chư vị giáo phẩm ở hàng lãnh đạo trong các tỉnh phía Nam, nhất là chư vị Hòa thượng, Thượng tọa thuộc hệ thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (được thành lập vào ngày 9-11-1968, do sự hợp nhất 2 tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật tử mà thành). Tất cả là để chuẩn bị cho lực lượng Phật giáo tham gia vào công cuộc tổng tiến công của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

2.3 Giai đoạn sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975) cho đến cuối đời (1985)

Đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp, chính là những yếu tố thuận lợi giúp cho Hòa thượng Minh Nguyệt, bấy giờ đã gần 70 tuổi, nhưng vẫn còn đủ sức khỏe và trí tuệ, phát huy khả năng lãnh đạo, khả năng kết hợp, hòa giải v.v… vốn có của mình, để bước đầu tạo được những sự ổn định cho sinh hoạt tu Phật của giới Tăng Ni nơi các tự viện cũng như quần chúng Phật tử tại các địa phương xa gần, cụ thể là tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Chúng tôi xin dựa theo tài liệu trong sách Phật giáo Việt Nam: Từ khởi nguyên đến 1981, do Bồ Đề Tân Thanh Nguyễn Đại Đồng biên soạn13 để nêu dẫn tóm tắt về một số chức vụ đã đảm nhận – gồm cả phía Mặt trận và phía Giáo hội, một số Phật sự tiêu biểu đã tham gia thực hiện của Hòa thượng Minh Nguyệt, trong giai đoạn sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975) đến cuối đời (1985) như sau:

- Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng thành phố Hồ Chí Minh.

- Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Chủ tịch Ủy ban liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh (tổ chức lễ ra mắt vào ngày 7/8/1975). Chúng ta cũng nên nhận biết thêm: Ba vị hòa thượng thuộc thành phần lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, cũng đã nhận giữ các chức vụ Phó Chủ tịch và Ủy viên Chủ tịch đoàn của Ủy ban liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh như vừa nêu. Đó là Hòa thượng Bửu Ý (Phó Chủ tịch); Hòa thượng Pháp Dõng (Ủy viên Chủ tịch đoàn); Hòa thượng Hồng Năng (Ủy viên Chủ tịch đoàn). Trụ sở của Ủy ban liên lạc Phật giáo yêu nước ấy được đặt tại chùa Xá Lợi, số 89 đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Công tác cấp thiết trước mắt của Ủy ban liên lạc vào lúc này là thành lập Ban giảng huấn để phụ trách công tác diễn giảng, thuyết giảng, kết hợp để tổ chức các khóa tập huấn về chính trị, các buổi nói chuyện về giáo lý cùng tình hình Phật giáo trong và ngoài nước, về vấn đề hiệp thương nhằm thống nhất tổ quốc, kể cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

- Chủ nhiệm báo Giác Ngộ: Báo Giác Ngộ ra số đầu tiên vào ngày 1/1/1976, là cơ quan ngôn luận của Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh. Tòa soạn đặt tại số 6A đường Lê Quý Đôn, quận 3, đến tháng 1-1978 thì chuyển về số 85 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, do Hòa thượng Minh Nguyệt (1907-1985) làm Chủ nhiệm, Cư sĩ Nguyên Hùng – Võ Đình Cường (1918-2008) làm Tổng Biên tập. Đến năm 1900, báo Giác Ngộ trở thành cơ quan ngôn luận của Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, do Hòa thượng Thiện Hào (1911-1997) làm Chủ nhiệm, Hòa thượng Trí Quảng làm Tổng Biên tập. Từ Bán Nguyệt san ra 2 kỳ/1 tháng, báo Giác Ngộ đã phấn đấu để trở thành Tuần báo. Năm 1996 thì ra thêm một phụ trương nghiên cứu Phật học, tức Nguyệt san Giác Ngộ, và đến năm 2008 thì có thêm Giác Ngộ Online…. Nguyệt san Giác Ngộ ra đời tới nay (tháng 12/2019) là được 285 số, đã nối tiếp và phát huy tốt truyền thống nghiên cứu Phật giáo vốn có từ thời chấn hưng…

- Tham dự, chủ trì các cuộc hội nghị, các lớp tập huấn, đọc tham luận nêu rõ về những thành quả:

+ Đầu tháng 2/1976, Hòa thượng Minh Nguyệt với tư cách là Chủ tịch Ủy ban liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trì một hội nghị do Ban Vận động thành lập Ban liên lạc Phật giáo yêu nước tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương) tổ chức tại Tổ đình Hội Khánh. Hội nghị đã bầu ra 15 thành viên do Hòa thượng Thiện Tràng làm Trưởng ban.

+ Từ ngày 6 đến ngày 11/11/1976, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lớp tập huấn về chính trị cho hàng giáo phẩm Phật giáo của tỉnh tại chùa Đại Giác. Hòa thượng Minh Nguyệt và quý Hòa thượng Thiện Hào, Hòa thượng Huệ Thành, Hòa thượng Hưng Từ… đã tham dự trong thành phần Chủ tọa đoàn.

+ Ngày 26/2/1979 tại Hội nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hòa thượng Minh Nguyệt, Ủy viên đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ban liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh, đã đọc tham luận, nêu rõ về những thành quả mà giới Phật giáo ở miền Nam trong các năm 1976, 1977 và nhất là trong năm 1978 đã đạt được…

+ Tham dự các cuộc thăm viếng, các hội nghị quốc tế, tiếp đón các đoàn Phật giáo nước ngoài.

- Từ 30/8 đến 24/9/1975: Hòa thượng Minh Nguyệt đã cùng với chư vị Hòa thượng Trí Thủ, Hòa thượng Đôn Hậu, Hòa thượng Mật Hiển, Ni sư Huỳnh Liên, các Thượng tọa Hiển Pháp, Hành Minh… tham gia vào phái đoàn quân dân chính đảng của miền Nam ra thăm miền Bắc.

- Ngày 1/2/1977, lãnh đạo Ban liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh gồm Hòa thượng Minh Nguyệt, Hòa thượng Thiện Hào, Thượng tọa Hiển Pháp, Thanh Kiểm, đã tiếp Phái đoàn Phật giáo miền Bắc gồm Hòa thượng Tâm An, Hòa thượng Thế Long và Thượng tọa Tâm Minh, nhân phái đoàn này vào tham dự Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam.

- Từ ngày 6 đến ngày 10/6/1977: Đại hội Tôn giáo thế giới vì hòa bình lâu dài, giải trừ quân bị, quan hệ đúng đắn giữa các dân tộc đã họp tại Matxcơva – Liên Xô. Tham dự Đại hội có 616 đại biểu gồm nhiều chức sắc cao cấp của các tôn giáo…. Đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Minh Nguyệt, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Trưởng đoàn. Sau khi tham dự Đại hội, đoàn đã đi thăm một số nước thuộc Liên Xô và Thủ đô Ulanbator của Mông Cổ.

- Từ ngày 18/12/1978 đến ngày 25/12/1978: Đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thế Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, đại biểu Quốc hội nước Việt Nam làm Trưởng đoàn; Hòa thượng Minh Nguyệt, Chủ tịch Ban liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh làm Phó Trưởng đoàn, đã đến thủ đô Viêng Chăn, thăm hữu nghĩ chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Lào.

- Ngày 16/6/1979: Đại hội Phật giáo Châu Á vì hòa bình (ABCP) lần thứ năm diễn ra tại UlanBator, Thủ đô nước Cộng Hòa Nhân Dân Mông Cổ. Có 241 đại biểu và quan sát viên của 11 nước tham dự. Đoàn Phật giáo Việt Nam có 10 đại biểu gồm Hòa thượng Trí Thủ, Hòa thượng Minh Nguyệt, Thượng tọa Thiện Châu, Thượng tọa Thanh Sam… Hòa thượng Minh Nguyệt, Phó Trưởng đoàn đã đọc báo cáo về ý nghĩa và kinh nghiệm lịch sử của tinh thần đoàn kết quốc tế trong việc lập lại hòa bình ở Việt Nam…

+ Tham gia các Phật sự, góp phần thực hiện để tiến tới thống nhất Phật giáo cả nước:

- Ngày 2/2/1980 Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã được thành lập. Hòa thượng Trí Thủ (1909-1984) được bầu làm Trưởng ban; các Phó Trưởng ban gồm Hòa thượng Minh Nguyệt (1907-1985), Hòa thượng Thế Long (1909-1985), Hòa thượng Trí Tịnh (1917-2114), Hòa thượng Mật Hiển (1907-1992), Hòa thượng Bửu Ý (1917-1996), Hòa thượng Giới Nghiêm (1921-1984). Ban vận động đã suy cử Đại lão Hòa thượng Đức Nhuận (1897-1973) và Hòa thượng Đôn Hậu (1905-1992) vào Ban Chứng minh.

- Ngày 8/4/1980 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã họp phiên thứ nhất, thống nhất với một số quyết định như: Làm lễ ra mắt Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội (ngày 9/4/1980), tại Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 15/5/1980) và tại Huế (ngày 24/5/1980). Thành lập 3 Tiểu ban với nhiệm vụ chuyên trách, tạo những chuẩn bị cho Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đó là Tiểu Ban nội dung, Tiểu ban tổ chức và Tiểu ban thông tin. Hòa thượng Minh Nguyệt được giao giữ chức vụ Trưởng Ban thông tin…

- Cũng nên nhận biết thêm, là sau khi Ban Vận động thống nhất Phật Giáo Việt Nam được thành lập (2/2/1980) thì vào ngày 27/3/1980, 30 đại biểu của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã họp tại chùa Trường Thạnh (Quận 1) thảo luận và nhất trí tán dương sự việc thống nhất Phật giáo Việt Nam.

- Từ ngày 15 đến ngày 18/1/1981, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã mở Hội nghị thứ hai. Sau đấy thì cử nhiều phái đoàn lần lượt đi đến thăm viếng, tiếp xúc, tham khảo ý kiến đóng góp v.v… với các ban lãnh đạo của các giáo phái, các Giáo hội Phật giáo, Hội Phật học… đều có trụ sở tại Tp HCM.

Ngày 13/4/1981, phái đoàn của Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Trí Thủ dẫn đầu đã ra Hà Nội để thăm viếng, tiếp xúc trao đổi ý kiến với lãnh đạo Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam tại chùa Quán Sứ.

Sau cùng là vào các ngày 3/6 tháng 8/1981, Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã họp Hội nghị kỳ 3, tại trụ sở của Văn phòng 2 Ban vận động là chùa Xá Lợi, 89 đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, Tp. HCM.

Như thế là mọi sự chuẩn bị đã hoàn tất, nên đến ngày 4/11/1981 thì Hội nghị Thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị làm việc trong 4 ngày (4/7 tháng 11/1981) và đã suy cử Đại lão Hòa thượng Đức Nhuận giữ ngôi vị Pháp chủ Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Trí Thủ giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Hòa thượng Minh Nguyệt giữ chức vụ Phó Pháp chủ Thường trực của Hội đồng Chứng minh Trung ương.

Những năm tháng cuối đời, Hòa thượng Minh Nguyệt đã trở về an trụ và làm việc tại chùa Long Hoa (Quận 10, Tp HCM). Rồi tại ngôi chùa này, vào ngày 18 tháng Chạp năm Giáp Tý (18/1/1985), Hòa thượng đã an nhiên viên tịch, thọ 78 tuổi đời, với hơn 60 năm hành đạo.

Kết luận

Từ Hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ (1947) đến Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật Tử (1952-1953), rồi tới Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (9/11/1968) đều là những biến chuyển lịch sử rất thuận hợp, càng làm rõ sự gắn bó với dân tộc, với kháng chiến, của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam nơi thời cận và hiện đại, mà hành trạng của Hòa thượng Minh Nguyệt như đã nêu bày tóm tắt ở trên, là một minh chứng sáng tỏ nhất.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thế kỷ X - Những Vấn Đề Lịch Sử, nhiều người viết, Nxb KHXH, 1984.

2. Phật giáo và Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo, Viện Triết Học xb. 1986.

3. Lịch sử Việt Nam 1, nhiều người viết, Nxb Đại Học và THCN. 1983.

4. Nhớ nghĩ chiều hôm, hồi ký của Đào Duy Anh, Nxb Trẻ. 1989.

5. Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX, tập 1, Thích Đồng Bổn chủ biên, 1995.

6. Việt Nam Phật giáo Sử luận III của Nguyễn Lang, Nxb Lá Bối, Paris, 1985.

7. Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến 1981, Bồ Đề Tân Thanh – Nguyễn Đại Đồng, Nxb Văn Học, 2012.

8. 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam (1920-1970) của Thích Thiện Hoa, 1970.

9. Toàn Nhật Thiền Sư toàn tập (Tập 1), Lê Mạnh Thát sưu tập, 1979.

 


1. Xem: Thế kỷ X - Những vấn đề lịch sử, Sđd, trang 265.

2. Xem: Trần Văn Giàu, Đạo Phật và một số vấn đề của lịch sử tư tưởng Việt Nam, in trong “Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam”, Viện Triết Học xb, 1986, trang 15.

3. Xem: Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb Đại Học và THCN, 1983, trang 409.

4. Xem: Nhớ nghĩ chiều hôm, hồi ký của Đào Duy Anh, Nxb Trẻ, 1989, trang 193.

5. Xem: Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX (Tập 1). Sđd. Thành hội Phật giáo Thành phố HCM xb, 1995, trang 745.

6. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (III), Sđd. Nxb Lá Bối. Paris, 1985, Tr. 206.

7. Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Việt Nam (từ khởi nguyên đến 1981). Nxb Văn Học, 2012, tr. 280-281.

8. Phật giáo Việt Nam… Sđd. Trang 281.

9. Tham khảo quan điểm của Thiền sư Toàn Nhật (1750/1755-1832) đã biện rõ trong tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn: “Mật Hạnh nghe luận từ bi/Nói rằng Phật chế tu trì đa môn/Giả như cố ý bất nhân/Buông lòng sát hại tội dường hằng sa/Vốn nay vì sự nước nhà/Cứu dân giúp chúa sao mà chẳng nên/Luật rằng phương tiện xảo quyền/Tùy cơ lợi vật phép truyền xưa nay…”. (Hứa sử truyện vãn, câu 3729-3736. Dẫn theo: Toàn Nhật Thiền Sư toàn tập, tập 1, Lê Mạnh Thát bs. 1979. Tr314).

10. Phật Giáo Việt Nam. Sđd. Trang 181-182.

11. Sđd. Trang 747.

12. Sđd. Trang 747-749.

13. Sđd. Chương 12. Từ trang 387-457.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 9
    • Số lượt truy cập : 6126910