HIỆN TRẠNG VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ KHU DI TÍCH
CHÙA THÁNH QUANG VÀ KHU HANG ĐỘNG NHẪM DƯƠNG
NGUYỄN THỊ CUỐI*
Khu di tích khảo cổ học Nhẫm Dương gồm có chùa Thánh Quang và quần thể hang động trong núi Nhẫm Dương, thuộc xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Khu di tích được xếp hạng quốc gia năm 2003.
Chùa Thánh Quang còn được gọi là chùa Nhẫm (gọi tắt tên làng Nhẫm Dương) nằm dưới chân núi Nhẫm Dương. Theo các dấu tích còn lại cho biết, chùa được khởi dựng từ thời Trần, đến thế kỷ 17 trở thành một trung tâm tôn giáo của thiền phái Tào Động. Một số di vật có niên đại thế kỷ 14 được phát hiện ở sau chùa, dọc đường lên động Thánh Hoá, động Tĩnh Niệm. Bia ký, tháp đá, và một số cổ vật thuộc thời Lê, Nguyễn còn khá phong phú.
Chùa Thánh Quang bị phá hủy trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chỉ còn lại 02 tháp mộ chất liệu đá chứa xá lị của 2 thiền sư thuộc phái Tào Động (01 tháp chứa xá lỵ của thánh tổ đệ nhất Thủy Nguyệt, thế kỷ 17, tại phía sau chùa; 01 tháp chứa xá lỵ đệ nhị tổ Tông Diễn trên núi đất sau nhà tổ).
Trong những năm (1960), hòa thượng Thích Vô Vi trụ trì tại chùa, xây dựng lại ngôi bảo điện tạm thời. Từ những năm cuối của thế kỷ XX, dưới sự trụ trì của sư thày Thích Diệu Mơ- người thôn Nhẫm Dương đã miệt mài như con tằm nhả tơ, chắt chiu tiền bạc, từng bước phục dựng, tôn tạo các hạng mục chùa được khang trang như ngày nay, cụ thể:
- Ngôi tam bảo: khởi tạo năm 1997, khánh thành năm 2002, có kiến trúc hình chữ Công (I) gồm 10 gian, chất liệu bê tông cốt thép, mái gỗ.
- Nhà tổ: 18 gian, kiến trúc hình chữ Nhất (-), xây dựng và hoàn thành vào năm 2011, hệ thống cột chất liệu bê tông, cấu kiện phần mái chất liệu gỗ;
- Nhà ở của các ni: 5 gian mái bằng, xây dựng năm 2002;
- Toàn bộ hệ thống sân đã được lát gạch và xi măng;
Chùa Thánh Quang đã từng được gọi là danh lam, thắng cảnh bởi được bao bọc bởi núi Nhẫm Dương có các hang động hội tụ các giá trị độc đáo mà thiên - địa - nhân ban tặng và tạo ra cho vùng đất này.
Núi Nhẫm Dương thuộc 2 thôn (Châu Xá và Nhẫm Dương), trước năm 1990 có 19 hang động. Hiện nay có 8 hang động đang được bảo vệ và phát huy giá trị nhưng phải đối diện với nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng bởi hoạt động khai thác đá, phục vụ sản xuất xi-măng. Cụ thể:
- Hang Thánh Hoá - thôn Nhẫm Dương: Nằm dưới chân núi Nhẫm Dương, sát sau chùa Thánh Quang. Đây là nơi đã phát hiện ra những hoá thạch xương răng người và động vật có giá trị vào tháng 6 năm 2000. Cửa hang hướng Nam, chếch Tây là nơi tập hợp nhiều di cốt hoá thạch của 17 loại như voi, gấu, tê giác, trâu… Sự kiện phát hiện công cụ bằng đá thời tiền sử cùng thời văn hoá Hạ Long ở Nhẫm Dương cho thấy sự xuất hiện của con người thời tiền sử ở đây từ rất sớm. Theo PGS.TS. Nguyễn Lân Cường- Viện Khảo cổ học cho biết ở hang Thánh Hoá vẫn còn một bộ di cốt hoá thạch người cổ được táng bằng nhũ đá vôi cần được khai quật. Hiện tại cửa hang được tu bổ xây bằng chất liệu gạch + vôi vữa.
- Hang Tĩnh Niệm - thôn Nhẫm Dương: Tương truyền hang này là nơi các nhà sư xưa chuyên ngồi thiền ở đây. Hiện tại hang còn 2 pho tượng đá, các ban thờ bài trí còn sơ sài, ẩm ướt quanh năm, đường vào hang chưa được cải tạo, nâng cấp.
- Khu động Tám Tổ - thôn Nhẫm Dương: Có 4 hang lớn, hang rộng 10m và sâu 25m, đây là hang có nhiều nhũ đá đẹp, nhà sư Thích Diệu Mơ trụ trì chùa Thánh Quang (Nhẫm Dương) đã phát hiện 01 chum tiền cổ vào những năm 2000.
- Hang Chiêng, hang Trống - thôn Nhẫm Dương: Sâu khoảng 15m, cao 15m: chưa khai thác
- Hang Tối (thôn Nhẫm Dương): Trên núi Nhẫm Dương thuộc địa phận thôn Nhẫm Dương: chưa khai thác
- Hang Bà Điền - thôn Nhẫm Dương: Mang tên người trông coi hang trước đây, trong hang có cảnh quan đẹp, song các nhũ đá đã bị chặt phá, nay còn bỏ hoang, chưa khai thác.
- Hang Hố Lờ: Trên ranh giới 2 thôn Châu Xá và Nhẫm Dương: chưa được khai thác.
Ngoài các hang động trên, các hang động còn lại sau đã bị phá hoặc không còn nguyên vẹn
- Hang Mạt (thôn Duyên Linh) - Nay là nơi chứa mìn phá đá;
- Hang Đình (thôn Duyên Linh): Đã bị phá cửa hang;
- Hang Ma (thôn Duyên Linh): Bị phá hết 2/3 hang;
- Hang Tối (thôn Duyên Linh): Bị phá;
- Hang Thung thóc Hạ (thôn Châu Xá): Bị phá;
- Hang Thung thóc Thượng (thôn Châu Xá): Bị phá;
- Hang Đình (thôn Châu Xá): Bị phá cửa hang;
- Hang Luồn (thôn Châu Xá): Bị phá;
- Hang Bò Lê (thôn Châu Xá): Bị phá;
- Khe Ngựa bay (thuộc 2 thôn Châu Xá và Nhẫm Dương): Đã bị phá;
Như vậy hiện tại khu hang động Nhẫm Dương còn một số điểm hang có thể phát huy được là các hang: Thánh Hóa, Tĩnh Niệm, Hang Chiêng, hang Trống, Hang Tối, Hang Bà Điền, Hang Hố Lờ, Hang Tám Tổ (đã thuộc vùng bảo vệ di tích). Các hang: Hang Mạt, Hang Đình, Hang Ma (thôn Duyên Linh) đã bị phá một phần do khai thác đá.
Giá trị cảnh quan môi trường:
- Động vật: hiện trên khu vực núi còn có các loài động vật như sáo, dơi, khỉ, trăn, rắn, ốc núi..
- Thực vật: có nhiều cây dược thảo quý có thể làm thuốc chữa các bệnh đường ruột, đau xương, cầm máu, bệnh ngoài da (các cây thuốc này đã được sư thày Thích Diệu Mơ sử dụng chữa bệnh cho phật tử theo kinh nghiệm dân gian). Ngoài ra khu vực chùa Nhẫm Dương, nhà sư đã cho trồng nhiều cây voi tai tượng, thông, cây ăn quả... làm tăng khí dưỡng môi trường.
- Rác thải và chất bụi: Đây là khu vực phải chịu nhiều tác động của bụi bởi trong khu vực có 5 cơ sở khai thác đá làm vật liệu xây dựng.
Về các giá trị văn hoá phi vật thể: Lễ hội, được tổ chức vào 2 ngày mồng 5 và mồng 6 tháng Ba (âm lịch) hàng năm; đây là lễ hội giỗ tổ thiền phái Tào Động. Lượng khách đến đây ngoài khác địa phương trong tỉnh còn có đông khách từ các vùng Quảng Ninh, Hải Phòng. Đặc biệt những năm gần đây phần hội trong dịp Lễ hội truyền thống của chùa đã được chính quyền địa phương và sư thày Thích Diệu Mơ bổ sung nhiều nội dung mới với những hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc không chỉ để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của di tích mà còn góp phần vào việc nhằm bảo vệ môi trường như tổ chức trồng cây, truyền thông ngăn chặn sự khai thác đá thuộc quần thể di tích trái phép.
Khu di tích khảo cổ Nhẫm Dương và chùa Thánh Quang nổi tiếng không chỉ về giá trị khoa học lịch sử, tôn giáo qua kết quả khai quật khảo cổ học như các nhà khoa học đã nghiên cứu, mà những giá trị lịch sử văn hóa trong thời kỳ cách mạng kháng chiến cần được trân trọng và phát huy.
Khu di tích nằm trên vùng đất Duy Tân, một vùng đất giàu truyền thống cách mạng.
Duy Tân là một trong 22 xã và 3 thị trấn của huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, là xã anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945- 1975), Duy Tân có 6 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 2 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 137 liệt sĩ, 54 thương binh. Xã có 4 thôn: Châu Xá, Duyên Linh, Nhẫm Dương, Kim Bào đều là những căn cứ địa của hai cuộc kháng chiến, mà tấm tường thép ngăn giặc là LÒNG DÂN và các DÃY NÚI cùng các HANG ĐỘNG. Các địa danh còn được lưu truyền mãi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc như núi Nhẫm (thôn Nhẫm Dương), núi Ngang, núi Công, núi Xanh (thôn Duyên Linh), núi Vườn Không, núi Chùa, núi Trà Lăng, núi Nghè, núi Yên Ngựa, núi Hàm Éch, núi Gồi (thôn Châu Xá), với các hang động vừa là cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, vừa lưu dấu chiến công hiển hách của quân và dân ta.
Chùa Nhẫm Dương cũng đã trở thành căn cứ quan trọng trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp: Núi Nhẫm Dương là một trong những mục tiêu Vùng Trắng của địch, bởi trong các hang động đều là nơi đóng quân của bộ đội chủ lực và du kích địa phương.
Theo tài liệu của sư thầy Thích Diệu Mơ trụ trì chùa Nhẫm Dương hiện nay cho biết, sư thầy đã từng được nghe nhân chứng sống là cụ Luyên ở thôn Châu Xá, cụ Nghĩ ở Hạ Chiểu là những cán bộ tiền khởi nghĩa kể lại: Vào các năm 1943-1944, các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Công Hòa, Hải Thanh, những ủy viên của Xứ ủy Bắc Kỳ đã về ở tại hang Thánh Hóa và hang Tĩnh Niệm tuyên truyền, vận động quần chúng, xây dựng Đệ tứ chiến khu Đông Triều (huyện Đông Triều thời kỳ đó thuộc tỉnh Hải Dương, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh).
Ngày 31 tháng 8 năm 1952, quân đội Việt Nam chặn đánh hai ca nô tiếp viện của địch tại Vũng Tâm gần Nhẫm Dương, trong trận đánh này đồng chí Chu Hà Thành, Tỉnh ủy viên theo dõi Kinh Môn đã hy sinh tại chùa Nhẫm Dương.
Vào các tháng 9, 10 năm 1952, Thung Xanh (Duyên Linh) có 2 đơn vị bộ đội chủ lực C910, C923 và du kích xã Duy Tân đóng quân, địch đã huy động 2000 quân bao vây, riêng ngày 16 tháng 10 địch đã tổ chức 9 đợt tấn công, nhưng trước sự kiên cường của quân và dân ta và từ lợi thế của hang động, trong 3 ngày quân địch đã phải rút chạy, bị ta tiêu diệt. Các hang như hang Đình, hang Lợn là nơi ở của ban chỉ huy phản công địch.
Vào năm 1953, giữa những ngày địch càn quét ác liệt, tại chùa Nhẫm, trường phổ thông cấp I được mở, các lớp 1,2 do thày Việt dạy, các lớp 3,4 do thày Nguyễn Văn Nậm dạy. Lớp học vừa học văn hóa, vừa là nơi tuyên truyền đường lối kháng chiến của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước: Duy Tân trở thành một bệnh viện quân đội lớn của Quân khu 3, các tài liệu lịch sử Viện Quân Y 7 và xã Duy Tân đã ghi chi tiết:
Tháng 12, năm 1965, Đế Quốc Mỹ mở những đợt không kích đối với miền Bắc, Viện Quân Y 7 được lệnh sơ tán về khu Nhị Chiểu, Kinh Môn, đóng quân tại 2 xã Duy Tân và Phú Thứ. Cuốn Lịch sử Viện Quân Y 7 (1959 - 2000), NXB Quân đội nhân dân; 2000; đã ghi: Trong đêm đông giá lạnh 10 độ C, nhưng đoàn thuyền của nhân dân dưới sự chỉ đạo của Bí thư đảng ủy xã Trần Quyết và chủ tịch xã Phùng Văn Tạc đã đón cán bộ, nhân viên cùng máy móc thiết bị của Viện về nơi an toàn... Địa điểm là nhà dân và các lán trại trên các sườn núi, các hang động trong các núi được tận dụng tối đa
Những tháng cuối năm 1967, đầu năm 1968, đại bộ phận cơ quan và khối cận lâm sàng Ban Ngoại chấn thương và phòng mổ, ba ban Nội (nội chung, da liễu, truyền nhiễm) Viện Quân y 7, quân khu 3, đã về đóng quân tại Duy Tân,
- Hang Thánh Hóa: Cạnh chùa Nhẫm Dương dùng để kho thuốc, Động chùa Nhẫm Dương là phòng mổ, phòng cấp cứu, hang Bò Lê (Thung Nhẫm) là nơi phẫu thuật thương binh.
- Hang Ma: Là nơi tập kết các thương binh: Khi sơ tán về Duy Tân, hàng nghìn thương binh, bác sĩ, cán bộ nhân viên của Viện được nhân nhân che chở. Khi thương bình về đông, nhân dân chủ động đến giúp đỡ Viện trong công việc hộ lý, nấu ắn, ngày lễ, ngày tết, kể cả ngày thường, các đoàn thể, tổ chức quần chúng như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội mẹ chiến sĩ, các cụ phụ lão, các em thiếu nhi, đến thăm hỏi thương binh và mang những sản vật của địa phương như cam, chuối, mía, đường đến để các anh bồi dưỡng, đem lời ca, tiếng hát để động viên thương binh mau lành vết thương. Có mẹ Nguyễn Thị Cáy, 70 tuổi đã chống gậy từ làng Tiên Xá vào tận hang Ma thôn Duyên Linh cách 15 km thăm hỏi thương binh, mang những quả trứng, nải chuối ngon nhất để bồi dưỡng cho thương binh…
Trang sử của ngành quân Y Quân khu III và Viện Quân Y 7 đã viết về những câu chuyện trên bằng những tình cảm trân trọng nhất. Tôi được biết các thế hệ cán bộ chiến sĩ Viện Quân Y 7 luôn gìn giữ những giá trị truyền thống về tình gắn bó quân dân và sự hy sinh của nhân dân Duy Tân thời kỳ đó và điều không thể không nhắc đến là trong chiến công chung đó có sự đóng góp không nhỏ của các thế hệ tăng ni chùa Thánh Quang đã nuôi giấu cán bộ, bộ đội, hiến tài sản cho cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến.
Trong định hướng quy hoạch bảo tồn và phát huy khu di tích chùa Nhẫm Dương với mong muốn của tôi (là người tham gia Quy hoạch bảo tồn và phát huy khu di tích) là cùng với việc tu bổ tôn tạo, mở rộng khu di tích, chấm dứt tình trạng khai thác đá trên núi Nhẫm Dương, bảo vệ toàn vẹn các hang động hiện còn, thì ở chính nơi đây cần xây dựng Nhà trưng bày các di vật lịch sử mà các nhà khoa học đã dày công phát hiện tại đây, giới thiệu về chiến công oai hùng của quân dân Hải Dương nói chung, quân dân xã Duy Tân nói riêng trong các thời kỳ lịch sử. Mong muốn nơi đây không chỉ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, điểm du lịch sinh thái trong tua tuyến du lịch vùng Đông Bắc đất nước mà còn trở thành địa chỉ đỏ trong hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho thế hệ trẻ và nhân dân cả nước.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết