Thông tin

HIỆN TƯỢNG TAM GIÁO ĐỒNG NGUYÊN TẠI KHÁNH VÂN NAM VIỆN

HIỆN TƯỢNG TAM GIÁO ĐỒNG NGUYÊN

TẠI KHÁNH VÂN NAM VIỆN

 

DƯƠNG HOÀNG HẢI BÌNH

 


Toàn cảnh gian thờ chính tại Khánh Vân Nam Viện

 

Tam giáo đồng nguyên là ba tôn giáo, gồm Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo cùng hòa vào làm một. Hiện tượng này phổ biến  ở một số nước Á Đông, điển hình là Trung Quốc và Việt Nam. Trong lịch sử, Nho giáo có sự ảnh hưởng sâu rộng, từ tầng lớp trí thức, quý tộc đến tất cả người dân. Vì nó chi phối gần như tất cả mối quan hệ xã hội thông thường, trong một khoảng thời gian rất dài. Ngày nay, tầm ảnh hưởng của nó vẫn còn tương đối mạnh mẽ. Bên cạnh đó, “hầu hết các tác giả khi cho đạo Khổng một tính chất gọi là tôn giáo nào đó đều đưa vào đó việc thờ Trời thờ Đất, thờ Thần Nông, thờ mùa màng, thờ vong linh các bậc tôn kính, thờ quỷ thần linh thiêng vạn vật và cuối cùng là chính việc thờ cúng ông bà”.

Đạo giáo và Phật giáo cũng là tôn giáo du nhập vào Việt Nam. Theo trình tự, có lẽ Đạo giáo đã tới và ảnh hưởng trong văn hóa Việt Nam trước, rồi sau mới tới Phật giáo. Nhưng người Việt Nam khi được hỏi, hoặc nếu tự nhận mình theo tôn giáo gì thì hầu hết sẽ trả lời là đạo Phật, hoặc trả lời là không có đạo. Và dù họ nói không theo tôn giáo nhưng vẫn có thờ cúng tổ tiên, ông bà cha mẹ. Và họ nghĩ đó là những đặc trưng hoặc là của đạo Phật, hoặc là do tín ngưỡng, tập tục lâu đời của người Việt nên cứ noi theo. Ngược lại, nếu hỏi về Đạo giáo, thì gần như không ai biết cả. Nhưng nếu nhìn vào sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của người Việt, ta đều thấy các hoạt động đó hầu hết là sản phẩm (hoặc là bị ảnh hưởng) từ Đạo giáo. Ví dụ như việc lập bàn thờ Thổ Địa, bàn thờ ông Táo mà gần như tất cả mọi nhà đều có hoặc như các nghi thức cúng động thổ, nhập trạch, khai trương, các hoạt động coi bói đầu năm, tử vi…

Có thể nói Đạo giáo có sự ảnh hưởng sâu rộng trong văn hóa Việt Nam. Nhưng theo thời gian, nó bị tan biến vào trong Phật giáo và Nho giáo, mà người ta hay nói Tam giáo đồng nguyên. Thế nhưng nhìn vào lịch sử cận đại và hiện đại, hầu như ta chỉ thấy sự thắng thế của Nho giáo rồi Phật giáo. Vị trí của Đạo giáo gần như chỉ còn trong cộng đồng người Hoa, mặc dù đây là một trong những tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới. Chính xác hơn, phải nói là tại Việt Nam gần như Đạo giáo đã bị “hòa tan” vào Nho giáo và Phật giáo, khó có thể nhận biết rạch ròi được. Khánh Vân Nam Viện ở TP.HCM ban đầu là của Đạo giáo, về sau chịu sự quản lí của Giáo hội Phật giáo người Hoa, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Vì thế, chắc chắn ngoài đặc trưng Đạo giáo của mình, tầm ảnh hưởng của Phật giáo tại Khánh Vân Nam Viện cũng không nhỏ cùng với nó là Nho giáo, và truyền thống hiếu học của người Trung Quốc từ xưa tới nay. Cho nên, thông qua cách bài trí bàn thờ tại chính điện, chúng ta dễ dàng thấy được nhận thức và ứng xử đối với tam giáo của cộng đồng người Hoa và cả người Việt sau này.

SƠ LƯỢC VỀ “KHÁNH VÂN NAM VIỆN”

Khánh Vân Nam Viện có tên gọi đầy đủ là Trà Sơn Khánh Vân Nam Viện, nhưng thường được gọi là chùa Khánh Vân hay chùa Khánh Vân Nam Viện. Đây là một cách gọi không đúng. Một phần do sự ảnh hưởng của người Việt và đạo Phật: trong đạo Phật, các cơ sở thờ cúng không phân biệt quy mô, đều gọi là chung là “chùa”. Lâu dần hình thành thói quen, nên cộng đồng người Hoa cũng gọi nơi này là “chùa”. Ngoài ra, về mặt tổ chức hành chính thì Khánh Vân Nam Viện hiện đang chịu sự quản lí của Giáo hội Phật giáo người Hoa, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nên để tạo sự nhất quán, các giấy tờ cũng ghi là “Chùa Khánh Vân Nam Viện”. Chính cách gọi này đã mang một hàm ý nhỏ về việc Đạo giáo bị nhập trong Phật giáo tại Việt Nam thời hiện đại.

Khánh Vân Nam Viện chính là quy mô thu nhỏ của Nam Hải Trà Sơn Khánh Vân Động tại Trung Quốc, được du nhập vào khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn từ những năm 1930. Ngoài ra, nơi đây cũng thường được gọi là chùa Lữ Tổ. Lữ Tổ là cách gọi kính trọng dành cho Lữ Đồng Tân, một trong tám vị tiên (Bát Tiên) trong văn hóa Trung Hoa, nên chùa còn có tên gọi dân dã hơn là chùa Ông Tiên (hay chùa Tiên Ông). Giữa bàn thờ chính có để tượng Lữ Tổ trong lồng kính, với trang phục đạo sĩ, râu tóc đề huề, phong thái tiêu dao. Đồng thời, có một tượng nhỏ mặc áo xanh cho những ai có nhu cầu thỉnh về nhà thờ.

Như vậy, riêng về tên gọi “Khánh Vân” đã phản ánh tinh thần của Đạo giáo thể hiện từ huyền thoại. Theo đó, các vị thần tiên trong cổ tích, hầu hết đều cưỡi mây để đi từ nơi này sang nơi khác. Đám mây đó là mây ngũ sắc, với màu sáng rực rỡ. Lâu dần, sự xuất hiện của mây nhiều màu cũng là biểu tượng cho điềm lành, cho sự may mắn, cát tường. Và nó được gọi là “khánh vân”. Về sau này, “khánh vân” cũng thường được sử dụng trong Phật giáo, cũng với một số ý nghĩa tương đương khi thông báo điềm may mắn hoặc cảnh báo trước khi một vị Phật hay Bồ Tát xuất hiện. Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ bản sắc văn hóa thì nó gần như là “phương tiện di chuyển” riêng biệt của các vị thần – tiên mà thôi (cả trong văn hóa Trung Hoa và sau này là Việt Nam nữa). Vì hầu hết hình thức mô tả các vị Phật hoặc là ngồi trên toà sen (như Phật Tổ, Quan Thế Âm Bồ tát), hoặc là ngồi trên một số linh thú làm vật cưỡi (như voi sáu ngà của Phổ Hiền Bồ tát, sư tử lông xanh của Văn Thù Bồ tát, hoặc như con Đế Thính của Địa Tạng Vương Bồ tát, hoặc như ngài Quan Thế Âm Bồ tát cưỡi Rồng), chứ ít có vị Phật nào dùng mây làm phương tiện như các vị Thần – Tiên của Đạo giáo lắm. Cho nên, ngay trong tên gọi, Khánh Vân Nam Viện đã mang một đặc trưng văn hóa Đạo giáo rõ rệt: nó gắn liền với phong cách thoát tục, tiêu dao tự tại của các Ông Tiên (ở đây chính là Lữ Tổ và các vị thần tiên tại Khánh Vân Nam Viện).

Theo kỷ yếu mà ban hộ tự ghi chép lại, cho tới 2013, chùa đã có 88 năm hoạt động với hơn 2.000 tín đồ (chủ yếu là người Hoa) và đã qua 3 đời trụ trì:

• Đệ nhất đạo trưởng trụ trì từ 1936-1943 là Trần Khải Minh;

• Đệ nhị đạo trưởng trụ trì từ 1944-1968 là Âu Diệu Duyên;

• Đệ tam đạo trưởng trụ trì từ 1968-2013 là Châu Viêm;

• Đệ tứ và đương nhiệm đạo trưởng từ 2013 tới nay là Châu Huê Bang.

KHU VỰC THỜ CHÍNH: TỪ TÔN TAM ĐẾ, HUỲNH ĐẠI TIÊN, HOA ĐÀ TIÊN SƯ

 

Cận cảnh Từ Tôn Tam Đế

 

Bàn thờ tại chính điện của một cơ sở thờ cúng là quan trọng nhất, có giá trị và sự ảnh hưởng lớn tới toàn bộ thiết chế của nó. Các vị trí khác chỉ là phụ trợ thêm vào mà thôi.

Khu vực này gồm ba bàn thờ. Chính giữa thờ bốn vị, một tượng lớn nhất đặt trên cùng, và ba tượng còn lại đặt ngang một hàng phía dưới. Tất cả gọi chung là Từ Tôn Tam Đế. Bốn tượng này đều làm bằng gỗ, đã rất cũ, hiện đặt trong một lồng kính. Đây là bốn vị thần quan trọng nhất, ảnh hưởng đến triết lý tu tập của các Đạo sĩ tại Khánh Vân Nam Viện.

Bốn vị ấy được giải nghĩa dựa trên quan niệm của Đạo giáo, và ý kiến của Đạo trưởng trụ trì (thầy Châu Huê Bang) gồm:

Từ tôn chính là Từ Hàng Đạo Nhân, một trong mười hai đệ tử của Nguyên Thủy Thiên Tôn. Trải qua sự giao lưu tiếp xúc với văn hóa Phật giáo, Từ Hàng Đạo Nhân được “Phật hóa” trở thành hoá thân của Quan Thế Âm Bồ tát. Và hiện tại, mọi người cũng quen gọi là Phật Bà Quan Âm theo sự chấp nhận của số đông. Tại điện thờ này, không thể chụp rõ được tượng Từ Tôn, vì tượng ở trên tầng cao, lại có rèm che không thể nhìn rõ mặt. Và ngày thường thì không cho người lạ vào khu vực này, nên chỉ có thể xác định được vị trí tượng, với toà sen được tạc ở phía dưới. Đồng thời, hai bên có tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ hộ giá.

• Phía dưới, thấp hơn tượng Quan Thế Âm, là ba tượng cùng đặt chung một tầng. Lần lượt từ phải qua trái là Quan Thánh Đế Quân (tức Quan Công), Văn Xương Đế Quân và cuối cùng là Phù Hựu Đế Quân (tức Lữ Tổ - Lữ Đồng Tân). Ba vị này được xưng tụng là Tam Đế.

Cả bốn tượng đều rất cũ kĩ. Đặc biệt là dung mạo của Tam Đế khá giống nhau. Chỉ có thể phân biệt rõ dựa vào trang phục: Lữ Tổ mặc đạo bào, lưng đeo kiếm. Văn Xương Đế Quân và Quan Thánh Đế Quân thì phân biệt theo mũ áo, một bên là văn quan, một bên là võ quan.

Từ Hàng Đạo Nhân được tiếp biến thành Quan Âm Bồ tát trong Phật giáo không chỉ là một hiện tượng tôn giáo thú vị, mà còn là một hiện tượng văn hóa đặc biệt. Nó phản ánh quá trình Phật giáo từ Thiên Trúc (nước Ấn Độ xưa) du nhập và phát triển tại Trung Hoa, kéo theo nhiều sự thay đổi của các tôn giáo bản địa, trong đó có Đạo giáo. Tuy Đạo giáo có phần thất thế trong lịch sử xã hội trước Phật giáo, nhưng việc xây dựng huyền thoại mới từ một tàn tích văn hóa tôn giáo cũ, trong một hệ thống tôn giáo mới, nhằm phục sinh và nâng tầm giá trị của các đấng Thiêng liêng là một trong những hiện tượng phổ biến trong quá trình giao lưu tiếp xúc ở bất kì nền văn hóa nào trên thế giới.

Ở Việt Nam thời cận đại, thì Đạo giáo gần như chỉ còn tồn tại trong những tàn tích văn hóa, dường như bị hoà tan trong những tín ngưỡng dân gian. Nói một cách khác, Đạo giáo ngày nay chỉ còn là tàn dư, ngoài những giá trị bản sắc hết sức căn bản còn lưu truyền như là hạt nhân văn hóa của nó, thì sự dị biệt cũng khá nhiều so với Đạo giáo Trung Hoa, nên người dân phổ thông khó nắm được khái niệm về thần phả của tôn giáo này, đặc biệt là các thiết chế của Đạo giáo truyền thừa đến ngày nay có nhiều sự pha trộn giữa tín ngưỡng cổ truyền và các hình tượng thần mới được xây dựng. Vì thế, việc xây dựng và tổ chức sắp xếp một ban thờ, với vị trí tối cao của Quan Âm – Từ Hàng Đạo Nhân tạo nên một sự đồng nhất, tránh được sự xung đột mâu thuẫn quan niệm của Phật giáo và Đạo giáo. Bên cạnh đó, nó còn thu hút được một số Phật tử cũng có thể đến viếng Khánh Vân Nam Viện như là viếng chùa cầu an, một trong những truyền thống của dân tộc (một phần cũng vì đã thống nhất cách gọi tên thành “chùa” theo quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam). Từ đó, củng cố thêm công năng (vốn đã có) là cứu khổ cứu nạn của ngài Quán Thế Âm Bồ tát, đáp ứng thêm nhu cầu của Phật tử vốn chiếm số đông tại Sài Gòn, đồng thời tăng sự đoàn kết, thống nhất tôn giáo giữa Đạo giáo và Phật giáo.

Đạo giáo coi trọng Bồ tát, vì theo quan niệm của họ khi chịu tiếp biến từ Phật giáo thì Bồ tát là một vị thần nhưng có đầy đủ quyền năng của một vị Phật. Từ các huyền thoại, ngài Quán Thế Âm Bồ tát đã đắc đạo, trở thành Phật. Nhưng vì tâm nguyện cứu vớt toàn bộ chúng sinh, nên quay trở về cõi Ta bà, dùng thần thông của mình mà giúp đỡ mọi người. Cái hạnh nguyện này lại rất phù hợp với tinh thần phổ độ đã có từ xa xưa của Đạo giáo. Và giờ nó được đẩy tới đỉnh điểm với giá trị to lớn hơn. Vì thế, nó dễ dàng được Đạo giáo chấp nhận.

Tương tự như vậy, cách sắp xếp Tam Đế, với Văn Xương Đế Quân được đặt chính giữa cũng cho thấy tầm quan trọng của vị thần này. Qua đó cũng bộc lộ chức năng riêng và vai trò riêng.

Văn Xương Đế Quân là một vị thần phù hộ cho chuyện học hành thi cử, công danh sự nghiệp của người Hoa. Sau này, ảnh hưởng tới cả văn hóa Việt Nam. Có nhiều cổ tích về vị thần này, trong đó bao gồm những giả thuyết cho rằng Vạn Thế Sư Biểu – Khổng Phu Tử với trí tuệ phi phàm cũng là hóa thân của Văn Xương Đế Quân. Thêm vào đó, nếu xét dưới góc nhìn văn hóa, các nước như Trung Hoa, Việt Nam đều chịu ảnh hưởng của Khổng giáo (Nho giáo), nên con đường tiến thân lập nghiệp là học hành để thi ra làm quan. Từ đó, dẫn tới sự trọng việc học. Việc khẳng định vị trí chính của Văn Xương Đế Quân, cũng chính là “thông điệp” của Khánh Vân Nam Viện: ngay phía dưới nhu cầu hạnh phúc bình an trong cuộc sống (được đảm bảo bởi việc sẽ tránh khỏi những đau khổ từ “Quan Âm Bồ tát”), là một tinh thần học tập rèn luyện không ngừng. Chính tinh thần ấy mới tạo sự liên kết độc đáo các tín ngưỡng, chứ không phải là một tinh thần đậm chất Đạo giáo qua hình tượng Lữ Tổ, hay tinh thần anh dũng của Quan Thánh Đế Quân. Tinh thần học hành luôn đi kèm với truyền thống của người Trung Hoa lẫn Việt Nam và còn truyền giữ cho tới ngày nay.

Ngày nay, tuy có sự thay đổi về bản chất (ý nghĩa thực sự) của việc học, nhưng Văn Xương Đế Quân vẫn có giá trị “thiêng liêng” của mình. Vì xã hội Việt Nam hiện đại rất coi trọng bằng cấp mà việc học càng trở nên quan trọng. Thế nhưng không nhiều nơi có chức năng tâm linh để thỏa mãn nhu cầu được may mắn hanh thông trong học hành thi cử này của cộng đồng (người ta hay nói học tài thi phận mà). Hoặc có, nhưng lại không có vị trí quan trọng như tại Khánh Vân Nam Viện. Ví dụ như tại Hội Quán Ôn Lăng đường Lão Tử (thường được gọi là chùa Quan Âm), cũng có bàn thờ Văn Xương Đế Quân, nhưng được đặt chung với Hoa Phấn Phu Nhân, cùng “thứ bậc” với nhiều bàn thờ khác, nên so ra, kém phần trang trọng và quan trọng.

Văn Xương Đế Quân đồng thời cũng tượng trưng cho công danh sự nghiệp, nên trong thời buổi kinh tế thị trường lại có thêm chức năng của một “Thần Tài”, nghĩa là vị thần mang lại tài lộc của cải cho công việc làm ăn, cũng như thăng quan tiến chức. Vì có công danh sự nghiệp thì đương nhiên đồng thời cũng có tăng thêm thu nhập, như người ta thường nói thăng quan phát tài.

Như vậy, ta có thể thấy tinh thần Tam giáo đồng nguyên, hay Đạo giáo hoà nhập trong Nho giáo và Phật giáo qua cách sắp xếp vị trí của các vị thần quan trọng nhất tại Khánh Vân Nam Viện. Việc sắp xếp coi trọng vị thế của Phật giáo nhất (qua vị trí cao nhất dành cho Quan Thế Âm Bồ tát), sau đó đến vai trò của Nho giáo (vị trí của Văn Xương Đế Quân như vừa trình bày trên đây) đã thể hiện sự khiêm nhường của một tôn giáo lâu đời nhất Trung Quốc là Đạo giáo.

Khẳng định được vai trò và tầm quan trọng của chuyện học hành, tu dưỡng qua vị trí của Văn Xương Đế Quân, ta thấy vị trí tả phù, hữu bật của Quan Thánh Đế Quân và Phù Hựu Đế Quân trở thành những yếu tố trợ giúp, cũng quan trọng trên con đường tu/học. Cần phải có một tấm lòng trung nghĩa chính trực, vũ dõng anh minh như ngài Quan Thánh Đế Quân và một tấm lòng nhân ái luôn sẵn sàng chống lại cái xấu, bảo vệ mà cứu giúp mọi người như Phù Hựu Đế Quân.

Tuy Lữ Tổ - Phù Hựu Đế Quân là một vị thần quan trọng, có ý nghĩa và ảnh hưởng lớn tới Đạo giáo nói chung và tại Khánh Vân Nam Viện nói riêng, nhưng chỉ có vị trí khiêm tốn, nằm bên phải của Văn Xương Đế Quân. Thế nhưng trong văn hóa Trung Hoa, bên phải của bậc quân vương, luôn là người tin cậy nhất. Và thực tế trong sinh hoạt của Khánh Vân Nam Viện, mỗi năm ngày giỗ Lữ Tổ là ngày lễ quan trọng nhất. So sánh quy mô thì lại luôn luôn hoành tráng hơn ngày lễ của Văn Xương Đế Quân và Quan Thánh Đế Quân.

Xem xét vị trí thờ, tương tự ta cũng suy ra được vai trò của vị Hoa Đà Tiên Sư (bên phải của bàn thờ Từ Tôn Tam Đế) và Huỳnh Đại Tiên (bên trái của bàn thờ Từ Tôn Tam Đế). Hoa Đà Tiên Sư vốn là một nhân vật vào thời Tam Quốc (cùng thời với Quan Công). Sau này được suy tôn thành Thần vì khả năng chữa bệnh của mình. Khả năng chữa bệnh này cũng tương tự như vị Huỳnh Đại Tiên. Cũng có huyền thoại cho rằng Hoa Đà chính là hóa thân của Huỳnh Đại Tiên ở trên trời, vì vị thần này có một hồ lô chứa nước phép có thể chữa lành mọi chứng bệnh, đồng thời kéo dài thọ mạng. Ở Hồng Kông, miếu thờ Huỳnh Đại Tiên là một trong những điểm tham quan có số lượng du khách viếng thăm nhiều nhất. Cũng có lí do tâm linh thông qua nhiều lời đồn đãi về tính linh thiêng, hữu cầu tất ứng của vị thần này nơi đây. Không chỉ là trị bệnh, mà còn ban cho mọi người tài lộc. Vì thần có một phép chỉ đá hóa vàng, có thể đáp ứng được nhu cầu giàu sang của nhân loại, nên theo cách gọi của người Hương Cảng, họ cũng hay gọi là Huỳnh Tài Thần, nghĩa là vị thần họ Huỳnh mang lại tài lộc. Một số huyền thoại khác cũng cho rằng ngài có quan hệ hảo hữu với Lữ Tổ. Cả hai vị thường đánh cờ trên thiên giới với nhau, nên thông thường nơi nào có thờ Lữ Tổ thì nơi ấy có thờ Huỳnh Đại Tiên và ngược lại.

Với sự an vị tượng tại Khánh Vân Nam Viện, một lần nữa vai trò được đề cao tại tọa vị bên phải chánh điện của Hoa Đà Tiên Sư. Thêm vào đó, vị Thần Y này phổ biến trong văn hóa Việt Nam (và cả Trung Hoa) nhờ bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, chỉ thua Quan Thánh Đế Quân một chút.

Một lý do nữa trong việc Khánh Vân Nam Viện đề cao công năng trị bệnh của vị Thần Y này, vì quan niệm coi trọng sức khỏe hơn là tiền bạc. Con người có sức khỏe rồi mới có thể lao động làm việc tạo ra của cải vật chất. Có tiền mà không có sức khỏe thì cũng không thể nào hạnh phúc được. Điều này có nhiều sự tương đồng với quan niệm của người Việt. Hầu hết các vị Thần/Phật đều có “công năng” chữa bệnh, giúp con người vượt qua được đau khổ do bệnh tật. Nhưng vị thần “chuyên biệt” chỉ đảm nhiệm một chức vụ này như Thần Y Hoa Đà (và Huỳnh Đại Tiên) thì hiện chỉ duy nhất Khánh Vân Nam Viện là có thờ.

KẾT LUẬN

Hiện tượng Tam giáo đồng nguyên tại các cơ sở thờ cúng, khá phổ biến trong văn hóa Việt Nam. Thể hiện rõ nhất là việc thờ cúng các vị Phật, Bồ tát của Phật giáo song song với các vị Thần của Đạo giáo. Tuy nhiên vai trò của Phật giáo lúc nào cũng được đề cao qua cách thể hiện bàn thờ Phật trang trọng, đặt tại trung tâm thờ cúng của các chùa. Đạo giáo cũng có vai trò nhưng thể hiện mờ nhạt hơn qua hình tượng các vị thần là hộ pháp chốn Phật môn. Còn hình tượng Nho giáo thì gần như không thấy. Nếu miễn cưỡng, chỉ có thể nhận ra qua cách thờ cúng tổ tiên, ông bà, và điều này thì không phải là đặc trưng của Nho giáo.

Thế nhưng tại Khánh Vân Nam Viện, vị trí của Nho giáo qua hình tượng của vị thần được cho là hoá thân của Khổng Tử được thể hiện trang trọng tại chính điện. Đây là điểm khác biệt rất rõ. Cả ba tôn giáo này thể hiện hài hòa, với ý nghĩa, tầm quan trọng và sự ảnh hưởng gần như tương đương nhau. Tuy cách thể hiện dành cho đại chúng thì phải cụ thể hoá, từ đó mà có sự phân biệt “cao, thấp”. Nhưng tất cả đằng sau nó là một ý nghĩa sâu xa hơn, trong quan niệm và văn hóa ứng xử của cộng đồng người Hoa. Nó là một nét bản sắc văn hóa riêng biệt của họ vậy.

Thêm vào đó, Đạo giáo ở đây còn có chức năng đoàn kết cộng đồng người Hoa, nó hoàn thiện và kết hợp các vị Thần - Tiên nơi các Hội quán của từng nhóm người (vốn chỉ mang tính cục bộ, và vì thế phần nào gây chia rẽ; khi những nhóm người với ngôn ngữ khác nhau chỉ sinh hoạt tại Hội quán riêng mà ít có sự giao lưu với Hội quán khác). Bởi vì trong tiến trình lịch sử của người Hoa, thì Đạo giáo có nguồn gốc lâu đời nhất, thấm sâu nhất trong văn hóa. Cho nên giữa việc các Hội quán với một số vị Thần phổ biến trong tín ngưỡng Trung Hoa được đưa sang để thoả mãn nhu cầu tâm linh của một tập thể nhỏ lẻ, thì việc thành lập Khánh Vân Nam Viện, một nơi sinh hoạt Đạo giáo đã có một ý nghĩa to lớn, kết hợp và phục vụ cho cả cộng đồng người Hoa nói chung. Cụ thể hơn, việc sát nhập các vị thần như Quan Công vào một thần phả với quy mô rộng lớn hơn, hệ thống chặt chẽ hơn, quy cũ rõ ràng hơn bằng một lý luận mang tính truyền thống cộng đồng trong một thiết chế đặc thù của Đạo giáo. Tiến trình đó có cơ sở từ trong những huyền thoại hình thành dân tộc, nên nó dễ dàng thực hiện.

Có thể trong quá trình này, người Hoa cũng mang theo Phật giáo của riêng mình. Nhưng so với Phật giáo của người Việt có rất nhiều tương đồng, và tầm ảnh hưởng của nó cũng không thể bằng được tôn giáo bản địa, vì Phật giáo đã sớm bén rễ sâu trong tâm thức người Việt rồi, nên họ càng đẩy mạnh các tín ngưỡng bản sắc của dân tộc như một cơ chế tự vệ văn hóa. Từ đó, các giá trị này được bảo tồn và phát huy cho tới ngày nay. Do đó, sự hòa trộn của Nho giáo (nằm trong văn hóa ứng xử), Đạo giáo và Phật giáo của người Hoa cũng có nhiều sự khác biệt so với người Việt. Sự thể hiện này cụ thể tại bàn thờ nơi chính điện.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 58
    • Số lượt truy cập : 6367804