Thông tin

HÒA CA MỪNG PHẬT ĐẢN

HÒA CA MỪNG PHẬT ĐẢN

ĐẶNG HÙNG ANH

 

Nhà ở trên rẫy, một sớm có tiếng động mạnh làm Dũng tỉnh giấc. Trời se lạnh, Dũng muốn nằm nán chút nữa thì nghe có tiếng chim kêu gắt. Tiếng chim mẹ, chim con kêu lên có vẻ hốt hoảng.

Dũng liền bật dậy. Ra sau nhà, nơi có mấy cây xoài trồng lâu năm, Dũng thấy một cành khô to bằng bắp vế nằm dưới đất. Trên lùm cây hàng rào có hai con chim non đứng chới với, kêu chí chóe. Chúng bay còn yếu lắm, chỉ lướt từ trên cao xuống thấp một đoạn thôi. Hai con chim lớn chẳng biết con nào trống con nào mái lúc nhảy lên cao, lúc sà xuống thấp muốn đưa chim con lên cao mà không được. Chắc bị trận mưa rào hồi hôm, lại bị cơn gió mạnh vừa rồi thổi rớt nhánh bằng lăng khô xuống cây xoài làm văng tổ chim và chim con. Đây là chim cu gáy, tổ của chúng ở nơi kín nhưng làm đơn sơ.

Chần chừ giây lát, Dũng đến bắt hai con chim để nuôi. Nhưng rồi sẩy tay, một con lủi qua vườn bên cạnh. Dũng đành phải chui qua rào để bắt lại. Bắt được rồi Dũng mới biết chúng bị thương, một con giập cánh, một con tét đùi. Dũng lúng túng vì không có thuốc để xức và không có lồng để nhốt. Nghe tiếng chó sủa chủ nhà chạy ra la hỏi. Khi biết được chuyện, bà bảo đem vào trong nhà sẽ giúp cho. Bà lấy ra một hộp, bên ngoài có chữ thập đỏ, bên trong có bông băng, thuốc sát trùng... Bà bảo Dũng giữ chim còn bà thoa thuốc và rịt lại. Sau đó, bà lấy một cái lồng cũ cho Dũng mượn để bỏ hai con chim vào ở. Đó là một bà già gần tuổi bảy mươi nhưng trông còn khỏe. Cử chỉ của bà có vẻ nhẹ nhàng nhưng chính xác nên việc băng bó được nhanh. Bà nói: 

 - Cái lồng và hộp thuốc là của đứa cháu nhà ở thành phố gửi lại. Trước đây nó hay lên đây chơi nhưng vừa rồi vì chơi thể thao bị trật chân nên gần cả tháng rồi chưa thấy ghé. Khi Dũng sắp về, bà dặn dò và cho một ít đậu, mè.  

Nuôi được vài hôm thì có đám thanh niên làm rẫy gần đó, xách canh rượu đi ngang. Thấy cặp chim non, chúng thích quá định mua để nhậu. Chúng nài nỉ với giá cao nhưng Dũng không chịu. Hôm sau, lúc đi làm về chúng còn hỏi nữa làm Dũng đâm lo. Dũng đâu có ở đây thường xuyên mà còn phải về thành phố.Dù có ở đây cũng không ở nhà hoài mà phải ra rẫy trông coi, tham gia việc trồng trọt cho gia đình. Những lúc vắng mình, sợ chúng say rồi làm ẩu. Khi nghe Dũng kể và nói ý định gửi nhờ lồng chim, bà vui vẻ nhận lời.

- Cháu cứ để chim ở đây. Khi nào cháu vắng, tôi chăm sóc cho. Nhà này ở trái ngả đường, hàng rào lại kín và thường có người nên chẳng ai dám vào quấy đâu. Rồi bà chỉ cho Dũng chỗ góc rào để qua cho tiện. Nuôi được mươi ngày thì chim đã lành lặn, linh hoạt hẳn lên. Chúng nhảy nhót, nhịp cánh rần rật trong lồng. Bà già đưa ra một cái lồng nữa và bảo nhốt riêng. Trước đây nhà bà trái ngõ, kín rào chẳng ai biết ai, nay nuôi chim chung lại thành thân thuộc. Dũng qua lại nhà này, lối đã mòn, chim đã quen tiếng, chó đã quen hơi mà chẳng thấy cháu của bà đâu. Nhiều lúc Dũng định hỏi nhưng thấy bà ít nói, lại thôi.

Thấm thoát chim đã trổ cườm và tập gáy. Lúc này trông chim tròn lên, mướt ra. Chúng siêng tập gáy lắm, nhất là khi nghe tiếng chim bên ngoài gáy, chúng gáy càng hăng. Một hôm có một ông già ở đâu ngoài rẫy đi về cùng con rể của bà. Ngắm nghía chim một hồi ông nói:

- Cặp chim này có tướng quý, dân mồi cu biết được là mua liền; cũng được khá tiền đấy. Dũng mừng thầm, hỏi lại: 

- Thật thế hả bác? Cháu chẳng biết xem tướng chim đâu. Ông già nói giọng chắc nịch:

- Trước kia, tôi đã từng chơi chim mồi nên biết. Con này ẩn tướng Liên giáp, gáy ra âm Thổ đồng tốt lắm, phải nuôi thêm thời gian nữa mới lộ rõ hơn. Tôi đã nghỉ chơi nhưng sẽ nhắn đám bạn đến mua.

- Cảm ơn bác trước. Có ai mua, nhờ bác nhắn hộ. Trước khi về, ông còn bày cách hạ thổ để lấy sinh khí. Từ đó, Dũng trông  chim mau lớn, trông người mua ghé qua.

Một hôm, Dũng từ thành phố chạy xe lên đến gần rẫy thì thấy rể của bà đang ngồi trên xe, dang tay đón lại:

- Má tôi có việc gấp phải về thành phố hôm qua. Lúc đi không gặp chú, bả phải mang theo chim và nhắn là chú yên tâm vì chim đã có người nuôi giúp. Dũng định hỏi thì có người thanh niên vọt lên sau xe và xe chạy. Người đó còn quay lại nói hãy yên tâm. Qua nhà bà già, Dũng chỉ thấy con chó chạy ra mừng thôi. Chỗ góc nhà dưới, hai lồng chim biến mất. Hỏi một người tưới cây ngoài vườn, anh ta nói:

- Bà chủ bảo tôi ở lại coi vườn, nhà... còn việc gì đó chờ họ lên sẽ rõ. Tôi không có điện thoại. Vắng chim, Dũng thấy buồn và nhớ...

Có việc, Dũng về thành phố ở hơi lâu, hôm lên thì bà già đã lên trước một bữa rồi. Chim nghe Dũng đến liền nhịp cánh, gật gù như nhận biết. Trông chim lớn hẳn ra. Được biết, bà già về thành phố để nuôi con gái út đẻ và ra đời một cháu trai bụ bẫm. Gặp lại chim, Dũng thương quá nên bỏ ý định bán lấy tiền. Dũng sợ người ta chăm sóc không bằng mình. Về với người ta làm cu mồi đấu đá biết bao là nguy hiểm. Dũng tính để chim lại nuôi rồi nghe gáy chơi. Tiếng chim cu gáy hay thật. Dũng đã từng nghe gáy ở ngoài rẫy và gần đây xem đĩa. Chiều hôm đó, bà già nói:

- Cháu định bán chim đã có người hỏi mua rồi. Dù không hào hứng, Dũng vẫn hỏi lại:

- Có phải bạn của ông già đến chơi hôm trước không bác?

- Không phải! Người này lạ lắm.

- Vậy là không gặp rắc rối. Cháu đổi ý rồi, dù ai mua cháu cũng không bán nữa.

- Vì sao?

- Người ta mua để làm chim mồi, chim nhử cháu xót lắm.

- Người này mua để thả, là phóng sinh đó. Dũng nghe hay hay nhưng vẫn lắc đầu. Thật ra có lúc Dũng đã nghĩ tới chuyện này khi thấy chim muốn tung lồng bay ra bởi nghe tiếng gáy ở bên ngoài. Nhưng rồi Dũng thấy thương tiếc và sợ chim ra ngoài vụng kiếm ăn, sẽ sống không đầy đủ bằng ở với mình. Bà già nói tiếp:

- Đáng giá bao nhiêu thì người này trả bấy nhiêu, không để cháu thiệt đâu. Cháu về suy nghĩ đi. Nếu muốn gặp người mua thì trưa mai qua đây.

Đêm về, Dũng trằn trọc không yên. Chuyện bán hay không bán chim cứ dằn vặt Dũng mãi. Không ngủ được, Dũng nghĩ từ chuyện này sang chuyện nọ. Dũng đã tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp nhưng chưa xin đi làm vì còn phụ việc cho gia đình và tranh thủ học thêm vi tính. Ở thành phố vốn ồn ào, nay được lên miền quê yên tĩnh, được gần với thiên nhiên, Dũng thấy nhẹ nhỏm. Ba Dũng mua thêm đất và làm nhà tạm ở rẫy để tiện việc trồng cây ăn quả. Ông đang dưỡng bệnh nên bảo Dũng trông coi, cùng làm với người nhà và nhân công. Họ ăn ở nơi trại cũng gần đây.

Hôm Chủ nhật, trên đường đi lên rẫy vì tránh đàn bò nên xe của Dũng nhủi vô bụi. Dũng thì không sao nhưng đi một lát mới hay rớt ví tiền, trong đó có giấy chứng minh và một số tiền trả cho nhân công. Dũng hoảng hốt quay lại tìm thì thấy một người con gái với áo quần bạc thếch, đầu đội nón, tay chống cuốc, đứng dưới bóng cây gần chỗ Dũng té. Dũng xuống xe, đang nhìn tới, nhìn lui dưới nắng nóng thì người ấy tới dò hỏi. Khi biết chắc sự việc, cô gái vui vẻ trao lại ví và nói lượm được ở bên bụi cây. Với cái nhìn mát rượi, giọng trong trẻo, cô ấy nói:

- Tôi đoán người làm rớt thế nào cũng quay lại nên ngưng việc ở vườn chùa, đứng đây chờ. Anh kiểm lại thử có thiếu gì không! Dũng xem lại và nói:

- Cảm ơn cô nhiều! May mà gặp được người tốt!

- Không có gì! Đưa lại đủ cho anh là vui rồi.  

Dũng hỏi chuyện, chỉ biết cô ấy tên Lan, nhà ở thành phố, có bà con ở quanh đây. Có bà dì ở gần chùa nên thỉnh thoảng Lan ở lại làm công quả. Dũng không hiểu vì sao hình ảnh cô ấy cũng chập chờn trong đêm mất ngủ...

Gần trưa, Dũng qua nhà thì có tiếng xe đổ ngoài sân. Dũng không ngờ người đó là Lan, chạy ra gọi tên rối rít. Bà già hỏi:

- Hai đứa đã quen nhau à!

- Dạ! Cũng mới quen thôi ạ! Lan bẽn lẽn trả lời rồi kể đầu đuôi cho ngoại mình nghe. Bà già gục gặc một cách thích thú rồi chỉ tay nói:

- Đây là người bán chim, đây là người mua chim. Ai cũng ngạc nhiên về chuyện này. Dũng càng ngạc nhiên hơn nữa khi biết người cháu mà bà nói và người nuôi giùm chim mấy ngày qua cũng là Lan. Vậy là cặp chim có đến ba người chăm sóc.

Ngồi vào bàn uống nước, Lan nói: 

- Hôm ngoại của Lan đem chim về thành phố, nói của một người làm rẫy gửi nhờ, chứ đâu biết của anh. Thấy ngoại bận thì Lan nuôi hộ, luôn tiện hỏi mua để phóng sanh nhân ngày Phật đản. Dũng nói:

- Thấy một số ngưới đặt mua trước, sao Lan không bắt chước cho chắc chắn?

- Lan không thích làm thế. Khi nào thấy con vật bị nguy mà liệu được thì Lan mua để thả, thế thôi. Lan cũng mới làm được ít lần. Lồng này là chuyện của năm ngoái đó.

- Tôi thấy ở chùa phóng sanh phải có thời điểm, lễ nghi... như thế có phải hình thức quá không?

- Không phải! Ở chùa lại khác, nhân ngày lễ lớn đông người, chùa làm lễ phóng sanh vừa giải thoát cho chúng, vừa để khuyến khích mọi người làm theo hạnh từ bi của Phật. Đọc kinh, chú nguyện là tạo duyên lành cho muôn vật gần Phật pháp. Đó là nét đẹp văn hóa của Phật giáo. Đức Phật ra đời với lòng từ bi rộng lớn chỉ đường cho chúng sanh thoát khỏi khổ đau, đem lại an vui cho nhân thế. Là một Phật tử, Lan chưa làm được những việc gì to tát, chỉ có một nguyện vọng nhỏ và lượng cũng vừa sức là mua cặp chim này để phóng sanh. Chúng nó cũng muốn sống tự do như chúng ta.

Không hiểu vì lời nói có ý nghĩa hay vì giọng nói truyền cảm thốt ra từ cái miệng xinh xắn của Lan, một người Phật tử hay không mà Dũng đã chuyển ý, không bán cũng không nuôi. Dũng nói:

- Tôi giao cặp chim cho Lan đấy!

Lan đòi trả tiền nhưng Dũng xua tay:

- Đừng nói thế! Cặp chim lớn khôn được là có công của ba người, giờ cả ba chung một tấm lòng mừng Phật đản thì không nói của riêng ai nữa.

Bà già cho hay, trước kia không nói người hỏi mua chim là cháu bà vì sợ Dùng khó xử, nay nhất trí như thế là thuận duyên rồi. Bà nói tiếp:

- Bà già rồi, không hiểu đạo nhiều, chỉ biết niệm Phật thôi. Ba má của Lan ở thành phố đã quy y Tam bảo và có điều kiện học hỏi.

Cũng trong bữa cơm thân mật ở đây, Dũng được biết thêm: Lan đang học Đại học Sư phạm, còn hai năm nữa là ra trường.

Theo kế hoạch, Dũng lên trước, ngày rằm Lan đi xe gắn máy lên sớm. Rồi mỗi người chở một cái lồng chim xuống nhà bà dì để đi qua chùa dự lễ sau đó về thả chim. Đến ngày lễ, Dũng ăn mặc đoàng hoàng chờ sẵn. Bỗng có người thanh niên thấy quen quen, chở Lan tới, cười chào rồi đi. Bà già nói:

- Thằng em, con bà dì của Lan đó. Lan cũng chưa có bồ bịch gì đâu.

Lan nói:

- Xe của nó hư nên mượn xe của con rồi.

Bà già mỉm cười, gục gặc. Hai đứa chung xe. Dũng chở, Lan ngồi sau xách hai chiếc lồng. Nhà dì của Lan chung rào với chùa. Sau khi chào hỏi và gửi chim, Dũng cùng Lan đến chùa. Dũng nai nịt nghiêm chỉnh đi bên Lan với áo dài lam hiền dịu. Lan nói:

- Ở thành phố, ba má Lan đi dự lễ Tam hợp từ sáng sớm.

Bà con đến đã đông, ai cũng hớn hở, vui tươi. Chung quanh cờ giăng phất phới. Vườn thiêng liêng, có Phật đản sanh với bước chân có hoa sen nở. Tiếng chuông trống vang lên, bắt đầu một buổi lễ trang nghiêm và hoành tráng. Các sư và bà con chấp tay hướng về lễ đài với vẻ nghiêm trang, thành kính. Đến lúc phóng sinh Dũng và Lan đi tắt về vườn bà dì. Bà ngoại của Lan cũng đứng sẵn rồi. Chim thấy ba người lại nói chuyện với mình, gù lên mừng rỡ và cất tiếng gáy dễ thương làm sao. Sau phút đọc kinh và lời cầu nguyện của Lan, chim được thả ra khỏi lồng, bay vào trời cao rộng. Chúng lượn một vòng rồi lẩn vào vườn cây xanh. Bên chùa, từng đàn bồ câu cũng tung bay. Ba người im lặng một hồi lâu, lắng nghe tiếng chim cu gáy đâu đây, rộn lên cùng tiếng chim khác. Dũng và Lan nhìn nhau cười tươi. Dũng cảm nhận được tiếng lòng người vui hòa cùng tiếng chim vui, hợp thành bản hòa ca mừng ngày Phật đản.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 69
    • Số lượt truy cập : 6345927