HOA SEN TRÊN ĐẢO
HOA SEN TRÊN ĐẢO
HÀNG CHÂU
Trời mờ mờ, lố nhố những chiếc thuyền con bên kia bến phà Thủ Thiêm. Có lẽ hơn bốn giờ sáng. Chiếc tàu thật cao không có nóc từ từ rời bến. Trên boong, hai bên sườn tàu ẩn hiện vài chục tên lính hải quân trang bị súng ống như sẵn sàng nhả đạn khi bất trắc.
Dưới hầm tàu lấp xấp nước, hơn năm trăm người, chân bị khóa chặt theo những dãy cùm sắt dài, tay thì bị còng bằng còng số tám dính chặt với người bên cạnh. Họ ngồi chen chúc, chỉ nhìn thấy những đôi vai xương xẩu kề nhau. Trên vòm trời còn sót lại vài ngôi sao lấp loáng.
Chiếc tàu rời khỏi Nhà Bè khá xa, qua sông Lòng Tàu, bắt đầu ra khơi. Thỉnh thoảng, có từng đợt sóng cao, tàu hơi chồng chềnh, nghiêng qua nghiêng lại, rồi nghe có tiếng ọ ọe của số người chưa lần nào đi biển.
Chắc chắn rằng năm trăm con người có mặt trên chiếc tàu mang số 502 nầy, trong quãng đời của họ, đều khắc ghi vào lúc ba giờ sáng nay, hình ảnh tên Luyến trưởng trại giam Chí hòa đã chỉ huy đám cai ngục, bọn trật tự khiêng cần xé lựu đạn cay mang mặt nạ, tay cầm ma trắc lên phòng “điện ảnh”, nơi giam những người chống đối không chấp nhận chào cờ ba que, quăng tới tấp lựu đạn cay, đánh đập túi bụi vào đầu, vào thân thể những người tù, lôi xểnh họ ra ngoài phòng giam.
Giữa đêm khuya mịt mùng, tiếng hô vang từng chập lan tỏa trong không gian bao la:
- Đả đảo đàn áp! Đả đảo! Đả đảo!
Khu OB, khu FG, khu ED, đồng loạt hô to hỗ trợ:
- Đả đảo đàn áp tù nhân! Đả đảo!
- Cương quyết chống lưu đày! Cương quyết! Cương quyết!
Cả thành phố đang yên ngủ, những tiếng gào thét như muốn xé tan màn đêm làm 6.000 tù nhân trong nhà tù Chí Hòa bừng tỉnh hẳn. Tên Luyến ra lệnh tắt hết tất cả các ngọn đèn. Trong bóng đêm, nhóm cai ngục cùng những tên trật tự tay sai đánh đập anh em tù như đàn trâu điên đang hăng máu.
Tên Đàn trưởng ban an ninh Chí Hòa bực tức
- Đ.M! đánh chết cha thằng nào ngoan cố!
Tên Hoa bồi thêm:
- Bày đặt chống đối! Nó có chết tao chịu trách nhiệm!
Cuộc đấu tranh chống đi đày, giằng co hơn một tiếng đồng hồ, bọn chúng mới lôi được số tù nhân ra sân, còng chặt tay, lôi lên các xe cam nhông đậu sẵn ở đó.
Thầy Hành Tuệ ngồi co ro với những người bạn đồng số phận, cùng bị còng tay. Có người đã mệt nhoài, gục đầu ngủ tạm trên hai đầu gối trơ xương. Con tàu lướt sóng giữa biển cả mênh mông. Bầu trời dần dần sáng. Mặt trời nhô lên khỏi biển, chói chang ở đằng xa.
Dưới hầm tàu lúc nhúc những người. Hành trang của họ chỉ có một túi vải nhỏ đựng một hai bộ đồ vải ú mốc thếch.Số người nầy phần đông không có án, cũng có người án hai năm, năm năm, mười năm. Tất cả đều bị tòa án gán cho “tội phản nghịch” và “phá rối trị an”.
Hành Tuệ nhìn số anh em trên tàu mà thương. Chỉ có những người đồng chịu cảnh khổ hết sức cùng cực mới thấm thía được tình cảm thân ái đó. Mặt người nào cũng xanh xao hốc hác, những năm tháng bị tra tấn từ các tỉnh lỵ miền Trung, miền Tây rồi đưa về Sài Gòn, qua nha Cảnh Sát, Tổng nha rồi về nhà lao Chí Hòa, mới thấy một ngày ở trong tù bằng mấy trăm năm ngoài đời. Có bị giam cầm mới thấu hiểu được giá trị của sự tự do.
Hành Tuệ co một chân lên cho đỡ mỏi, cánh tay không bị còng khẽ kéo chiếc áo “vạt khách” màu nâu bạc màu trong túi vải trùm lên đầu cho đỡ chói nắng. Mồ hôi bắt đầu ướt rịn thấm vào lớp vôi bột hồi khuya làm mọi người cảm thấy nóng ran khó chịu.
Bọn lính gác đi qua lại trên boong tàu, thỉnh thoảng liếc nhìn số tù nhân. Họ bị còng chặt cả tay chân thì chẳng còn phương cách nào nổi dậy chiếm tàu.
Con tàu cứ xập xình trôi theo dòng nước. Tiếng sóng va mạnh từng cơn vào thành tàu như trỗi dậy sự căm hờn trong lòng anh em tù. Thôi! Xa rồi thành phố Sài Gòn thân thương.
Thầy nhớ lại năm 8 tuổi theo mẹ vào chùa rồi lúc 16 tuổi học trung cấp Phật học ở chùa Phổ Đà - Đà Nẵng, sau đó vào Sài Gòn ở chùa Hưng Long với Thầy Như Tín. Cũng có lúc sang chùa Phật Bửu, Thầy Tịnh Hạnh rất thương yêu người học trò trẻ tuổi, chịu khó cùng thầy lao động xây dựng ngôi chùa Tổ đình nầy. Hạnh Tuệ rất chăm học, giỏi việc văn thư nên Thầy trụ trì ưu ái dành cho một phòng riêng, có bàn đánh máy chữ cùng các phương tiện để làm việc.
Hành Tuệ nhớ như in, ngày 8 tháng 5 năm 1963, các chùa tại Huế cử hành lễ Phật đản và rước Phật trọng thể từ chùa Từ Đàn qua chùa Diệu đế, chánh quyền ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo, các Phật tử xôn xao thì có nhiều tiếng súng và một quả lựu đạn phát nổ làm 7 thường dân chết và bị thương một số người.
Làn sóng căm phẫn trào dâng, các Phật tử lại họp tại chùa Từ Đàm đưa ra các nguyện vọng: xin tự do hành đạo, chấm dứt các vụ khủng bố đàn áp Phật giáo, bồi thường các nạn nhân, trừng trị kẻ gây nợ máu.
Ngày 29 tháng 5, lực lượng an ninh được lệnh xiết chặt vòng vây chùa Từ Đàm. Dã man hơn họ còn cắt cả điện nước, cô lập cả hàng ngàn người ở trong đó. Chánh quyền còn cho một số cảnh sát, công an cạo đầu, mặc áo nâu, giả tăng ni ra chợ ăn thịt, uống rượu, mua hàng không trả tiền, hòng bôi nhọ các nhà sư, xuyên tạc cuộc đấu tranh của Phật giáo.
Hành Tuệ ôm đầu, mắt nhắm nghiền. Ôi! Phật giáo đang gặp cơn đại nạn năm đó, thầy và các đồng đạo ngày đêm xiết chặt tay, không sao ngủ được.
Thế rồi, ngày 11 tháng 6 năm 1963, quyết tâm làm lại ngọn đuốc soi đường, Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu nơi ngã tư Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng. Quá phẫn uất, ngày 16 tháng 6, 200 tăng ni biểu tình trước tòa Đại Sứ Hoa Kỳ. Thật thương tâm, sau khi đi chùa về, nữ sinh Mai Tuyết An chặt tay để phản đối lời tuyên bố của Trần Lệ Xuân: “Quyết đập tan cuộc đấu tranh của Phật giáo”.
Từ Sài Gòn nối dài đến Nha Trang, các thầy trụ trì và Thầy Hội Trưởng Đức Minh bị tra khảo, tăng ni bị đánh đập, bắt giam toàn bộ tại quân lao.
Các bạn Sinh viên - Học sinh các Trường Đại học y Khoa, Đại học Khoa học, Luật Khoa, Văn Khoa, các trường Trung học Gia Long, Pétruy Ký, Trương Vương, Chu Văn An, Kỹ Thuật Cao Thắng, Võ Trường Toản đồng loạt xuống đường.
Rồi ngày 25 tháng 11, học sinh Trường Hồng Lạc phản đối bắt bớ người biểu tình. Đến 9 giờ đêm, cảnh sát quân đội ngụy trang mới giải tán được đám đông. Cảnh sát đã dùng vòi rồng, lựu đạn cay, dùi cui đánh đập túi bụi vào học sinh và số người ủng hộ làm 85 người bị thương, 238 người bị bắt. Các trường học trong toàn thành phố bãi khóa.
Đến ngày 27 tháng 11, thành phố ban hành thiết quân luật. Viện Hóa Đạo bị đóng cửa. Trước mặt Hạnh Tuệ, hình ảnh các nam nữ sinh viên học sinh ủng hộ Phật giáo trước Viện Hóa Đạo, trước chùa Xá Lợi, trước chợ Bến Thành thật dũng cảm, đáng mến phục. Hai vạt áo dài của các nữ sinh cột chặt ngang lưng, họ tràn tới xô xát với cảnh sát, hỗ trợ cho các bạn, còn sinh viên nam bảo vệ các tăng ni. Hình ảnh ấy sao mà thấm thía vô cùng.
“Phải được tự do hành đạo”, đó là khẩu hiệu của tất cả các chùa. Những ngày hè năm 1963 là hình ảnh của một “thủ đô Sài Gòn bốc lửa”.
Ánh nắng dìu dịu. Có lẽ đã về chiều. Trên cao vài con chim bay lượn. Chiếc tàu lách qua hai hòn đảo nhỏ, thấy có từng cụm cây xanh, chỉ còn vài phút nữa là đến nhà tù Côn Đảo.
Hành Tuệ ngồi thu mình trong góc hầm chuồng cọp. Hầm chuồng cọp 2, bề ngang 1,20 mét, bề dài 2,50 mét. Mấy tháng trước, chúng nhốt mỗi hầm 5 người, chân bị còng nên cứ phải thay nhau, cứ ba người nằm thì hai người ngồi. Có lúc quá mỏi mệt phải nằm chồng lên nhau trên bệ xi măng. Thùng cầu để dưới đất, mùi hôi thối nồng nặc. Trên nóc hầm có một thùng vôi bột và hai cây roi mây, mỗi khi tù nhân đòi viết thư về gia đình, đòi có rau để ăn l2 bọn chúa ngục cho đổ vôi bột xuống hầm, dùng roi đánh đập tới tấp vào tù nhân. Da thịt hằn lên những vết roi rướm máu.
Mỗi ngày chúng chỉ cho có một lon gô nước để uống, rửa mặt. Tù nhân mỗi người để dành ba miếng vải bằng bàn tay: dùng để chà răng súc miệng, lau mặt, một miếng để chà lựa cơm bị trộn với cát, một để lau khi đại tiện.
Chợt cánh cửa sắt hé mở chỉ vừa đủ đĩa cơm đẩy vào. Hành Tuệ nhìn đĩa cơm khô, trên có một con khô mục mà ngoài đời người ta dùng làm phân. Có hôm mắm nấu có con giòi trắng nổi lầu bầu. Không hề có ngọn rau tươi. Sức khỏe càng ngày càng suy kiệt.
Hôm ở trại 4, trời tối mờ mờ, anh Mười hỏi Hành Tuệ:
- Chú bị bắt ở đâu vậy?
Hành Tuệ nói nhỏ:
- Từ hướng Phật Bửu tự ra, đến góc Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt thì bị công an chìm xét giấy. Lúc đó vào cuối năm 1966. Sau những hồi tra tấn, chúng kết tội tôi vận động các tăng sĩ đấu tranh đòi tự do cho Phật giáo và bị đày đi đảo vào năm 1967.
Anh Mười nhìn gương mặt như thư sinh của Hành Tuệ:
- Mới 22 tuổi mà đã bị quy là lãnh đạo tăng ni xuống đường!
Rồi Huệ tâm sự:
- Thật là bất công, chính phủ Diệm cho phép các nhà thờ được trùng tu, các trường đại học tư của Công giáo mọc lên rất nhiều. Còn Phật giáo chỉ có mấy trường Bồ đề cũ của thời trước để lại. Các Tổ chức công giáo tha hồ xuất bản Kinh sách, trong khi Kinh điển Phật giáo bị kiểm duyệt gắt gao. Phật giáo không dám ra một tờ báo. Chính quyền làm tê liệt các cơ sở của Phật giáo bằng cách kiểm soát chặt chẽ các trường tư thục.
Tin Hiệp định Paris ký kết lan truyền ra ngoài đảo. Hòa bình đang đến. Biết bao niềm hy vọng đến với anh em tù. Bọn chúa ngục cương quyết tìm hồ sơ 32 tù nhân chúng cho là quan trọng, cứng đầu, phân tán về chuồng cọp 2 có 60 phòng. Mỗi người còng cách nhau một hầm. Tù nhân được biết chúng dã tâm chuyển hồ sơ tù chánh trị thành thường phạm với tội danh “gian nhân hiệp đảng” để đánh tráo, thủ tiêu những con người trung kiên.
Ngoài chiến trường, quân Giải phóng đã qua đường 9 tiến về Khe Sanh, căn cứ ở Tây Nguyên. Tin nầy len láo lan truyền khắp các trại tù ở đảo. Mọi người mong ước đến ngày đoàn tụ. Nụ cười sẽ chan hòa với nước mắt. Hành Tuệ nhớ Thầy mình ở chùa Phật Bửu, chùa Hưng Long, các sư huynh đã đùm bọc, che chở cho mình. Ngày ấy, Hành Tuệ sẽ xuôi tàu về Quảng Nam thăm lại những người thân.
Thầy nhắm nghiền đôi mắt, những hình ảnh thân thương với bao kỷ niệm lần lượt hiện về. Thương nhớ biết bao, con đường mòn với lũy tre xanh về ngôi chùa ở quê nhà, có cây da rợp bóng mà năm 8 tuổi, lần đầu tiên, Thầy từng bước bước chân vào chùa…
Như sực tỉnh, Hành Tuệ khẳng định cương quyết không ký vào bản án dối trá đó.
Sóng biển ngoài khơi ầm ầm từng đợt dâng trào xô vào vách đá cầu tàu của hòn đảo. Màn đêm phủ trùm lên nóc chuồng cọp. Bóng đêm mờ ảo qua những chấn song sắt lạnh xám xịt, làm ẩn hiện dưới hầm những thân thể gầy còm như bộ xương khô, chỉ còn nhận ra những cặp mắt sáng rực trong đêm trường.
Có tiếng mở khóa lộc cộc thật khẽ trước cửa hầm. Tức khắc 62 cái tai của 31 tù nhân cố nhận ra âm thanh xuyên tường đá, định hướng hầm bị mở lén lút, mờ ám…
Không ai thấy được bóng gầy gò của một tù nhân bị lôi ra, miệng bịt kín chặt. Bóng đêm đen ngòm một cách ghê rợn…
Sáng hôm sau, toàn đảo xôn xao:
- Nhà Sư Thích Hành Tuệ bị bọn chúa ngục đánh đập dã man bằng roi sắt bọc nhựa, bằng củ chì thun, bằng cây song hồng sắt cho đến chết ở hầm đá chuồng cọp 2 trước ngày trao trả tù binh…
Nghĩa trang liệt sĩ Hàng dương nằm cạnh một ngọn núi nhìn ra biển với trên 20 ngàn ngôi mộ của những người con vì Tổ quốc hy sinh.
Mộ bia chiến sĩ Nguyễn Thới, pháp danh Thích Hành Tuệ, quê Quảng Nam, hy sinh vì đạo pháp, vì đất nước Việt Nam, tươi đẹp như đóa hoa sen tỏa ngát giữa trời…
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
Bình luận bài viết