Thông tin

HÒA THẠNH CỔ TỰ

HÒA THẠNH CỔ TỰ

HỮU CHÍ

Toàn cảnh Hòa Thạnh cổ tự - Ảnh Internet

Những ngôi chùa cổ ở An Giang được xây dựng vào thế kỷ XVII, XIX hiện còn tồn tại như:

- Chùa Xà Tón (Xvay Ton) tọa lạc ở khóm 3 trung tâm huyện lỵ Tri Tôn là ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer, được xây dựng sơ sài vào thế kỷ XVII, trùng tu vào năm 1896, 1933, được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng “Di tích Kiến trúc – Nghệ thuật” cấp Quốc gia ngày 12/12/1986.

- Chùa Hang (Phước Điền Tự) tọa lạc tại núi Sam, xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc do bà Thợ dựng lên đầu tiên bằng tre lá đơn sơ khoảng năm 1840-1850, trùng tu vào năm 1885, 1946 khang trang hơn. Hiện nay là di tích lịch sử danh thắng.

- Chùa Tây An (Tây An núi Sam hay Tây An cổ tự) tọa lạc tại phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc được Tổng đốc Doãn Uẫn cho xây dựng vào năm 1847, trùng tu vào các năm 1861, 1958…, được Bộ Văn hóa xếp hạng “Di tích Kiến trúc – Nghệ thuật” cấp Quốc gia ngày 10/7/1980.

- Chùa Phú Thạnh  (chùa Truông) tọa lạc ở hương lộ 4, phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc. Chùa được xây dựng vào giữa thế kỷ XIX, đại trùng tu vào những năm 1934, 1988, 2006.

- Chùa Long Hưng (chùa Giồng Thành) tọa lạc xã Long Sơn, huyện Phú Tân được Thiền sư Minh Lý cho xây dựng vào năm 1875, trùng tu vảo năm 1970, được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng “Di tích Lịch sử - Văn hóa” cấp Quốc gia ngày 12/12/1986.

- Chùa Tam Bửu tọa lạc tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn do ông Ngô Lợi, Giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, một sĩ phu yêu nước của phong trào Cần Vương xây dựng vào ngày 26/6/1882. Nơi đây còn giữ được “Long đình” – rất có giá trị về nghệ thuật.

- Chùa Phi Lai nằm đối diện chùa Tam Bửu, tổ đình của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, cách núi Tượng khoảng 200m về hướng Đông, thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn,  được tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa xây dựng vào ngày 19/1/1887.

Hòa Thạnh cổ tự (còn gọi là chùa Cây Mít) tọa lạc tại ấp Tây Hưng, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cách thành phố Long Xuyên 87 km, là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của vùng đồng bằng Nam bộ. Năm 1993, chùa đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Hòa Thạnh cổ tự do nhân dân thôn Nhơn Hòa (nay là xã Nhơn Hưng) xây dựng từ năm 1847, ban đầu rất đơn sơ bằng cây tạp, vách lá, mái tranh.

Theo một số vị cao niên trong làng kể lại, nơi đây toàn rừng rậm, cây cối mọc um tùm, và có rất nhiều gỗ mít. Thấy vậy, các vị sư mới dùng gỗ mít cất chùa và chạm khắc tượng để thờ cúng. Năm 1913, trong lúc chùa bị cháy người dân ở gần chùa cùng các vị tu hành kịp khiêng, vác các pho tượng ra khỏi chùa. Cho nên, nhà chùa mới giữ được các pho tượng gỗ quý đến ngày nay. Riêng  pho tượng Ngọc Hoàng thì bị cháy nám, nay còn dấu tích để lại. Sau đó, ngôi chùa bị hỏa hoạn thiêu rụi.

Năm 1925, nhờ sự đóng góp của bà con trong vùng và Phật tử các nơi, chùa Hòa Thạnh được xây dựng lại khang trang hơn.

Giống như các chùa khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, chùa Hòa Thạnh cũng được xây theo bố cục kiến trúc thống nhất. Chính diện chùa là ao Liên Trì được xây dựng vào năm 2009. Trên ao có lối đi dẫn đến tượng Phật Bà Quan Âm cưỡi rồng rất đẹp. Bên trái là đền thờ Phật Di Lặc, bên phải chùa là hai bảo tháp. Trong chính điện, chùa còn bảo tồn nhiều pho tượng cổ có giá trị nghệ thuật độc đáo.

Trước chùa Hòa Thạnh hiện có một tấm bia tưởng niệm có hình quốc huy Việt Nam, ở giữa quốc huy là một tấm bảng ghi ngày tháng năm cụ Nguyễn Sinh Sắc đến chùa. Cụ thể như sau: “Hòa Thạnh cổ tự (chùa Cây Mít) xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Nơi đây, từ năm 1921-1923, cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến ở để hoạt động, truyền bá tinh thần yêu nước. Bia xây dựng tháng 12 năm 1989”.

Hằng năm, vào những ngày 12 và 13 tháng 8 âm lịch, rất nhiều Phật tử tựu hội về đây để lễ bái, cầu nguyện cho những linh hồn quá cố được siêu sinh, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa để nhân dân có được cuộc sống ấm no, sung túc và hạnh phúc.

Trở về quá khứ, năm 1911, Hòa thượng Huỳnh Hồng Diệp(1)  ở chùa Mai Sơn, xã  Xuân Tô, quận Tịnh Biên, tỉnh Châu Đốc chuyển về Hòa Thạnh làm sư trụ trì. Năm 1913, chùa bị cháy, nhân dân đóng góp để xây dựng lại chùa bằng danh mộc, vách ván, mái lợp ngói âm dương, cách nền cũ khoảng 40 m.

Năm 1925, hòa thượng Huỳnh Hồng Diệp cho xây dựng lại chùa khang trang như hiện nay, rộng 11,5 m, dài 40 m.

Về kiến trúc: chùa Hòa Thạnh được xây dựng theo kiến trúc Phật giáo. Chùa là một khối hình chữ nhật, diện tích 11,5 m x 40 m, cao trên dưới 15 m. Có hai mái chính ở đằng trước và đằng sau, và hai mái bên, được dựng trên nền cao 0,5 m, các mái lan xuống thấp với các đầu đao ở bốn góc cong lên, nhìn tổng thể ngôi chùa giống như một đóa hoa khổng lồ đang độ nở.

Không gian kiến trúc ngôi chùa là sự tổng hợp của vạn vật với môi trường xung quanh như sân, hồ, vườn, thể hiện sự gần gũi với thiên nhiên. Hằng năm có rất nhiều Phật tử đến chùa để cầu nguyện. Đây cũng là nét văn hóa đặc trưng của người dân Nam Bộ. Ngoài giá trị lịch sử, chùa Hòa Thạnh còn được biết đến bởi giá trị văn hóa độc đáo, đó là những giá trị kiến trúc tinh tế, tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhìn bên ngoài cứ tưởng tượng Phật làm bằng thạch cao. Chẳng ngờ các pho tượng được chạm khắc bằng gỗ, bởi giống hệt những bức tượng thạch cao, trông đẹp lộng lẫy. Nhưng khi lại gần và lấy ngón tay gõ vào thì mới biết đó chính là những pho tượng gỗ. Từ đó cho thấy, tài nghệ thuật chạm khắc thời bấy giờ rất công phu và điêu luyện.

Các bức tượng được làm bằng gỗ Ảnh: Thanh Tùng

Ông Nguyễn Hữu Trí, một thợ vẽ ở núi Sam vào chùa để sơn lại các pho tượng, ông Trí cho biết: “Vào nghề sơn vẽ tượng Phật hơn 30 năm và đi không biết bao nhiêu kiểng chùa, tôi mới thấy ngôi chùa Cây Mít sở hữu nhiều bức tượng gỗ quý như vậy”.                         

Nếu ngày trước chạm khắc chủ yếu làm bằng thủ công thì mỗi một pho tượng, các vị sư phải đục đẽo mất ít nhất cũng phải 3-4 tháng. Ở đây nếu nhìn trên bình diện nghệ thuật thì các pho tượng mang một giá trị nhân văn sâu sắc, khiến những người chiêm ngưỡng phải tâm phục, khẩu phục trước cái tài của người xưa.

Mới đây, chùa Cây Mít đã cho trùng tu, xây dựng bổ sung khu Long Hoa Cát và hồ Phật Bà.

Mỗi ngôi chùa cổ là một di tích lịch sử Danh thắng - Kiến trúc – Nghệ thuật – Văn hóa  với sắc thái riêng biệt cần được trân trọng bảo tồn và duy tu đúng lúc.


(1) Tra cứu trong tài liệu Phật giáo không thấy có tên Hòa thượng Huỳnh Hồng Diệp và cũng không có pháp danh. Có tư liệu lại ghi: “Đại đức Thích Thiện Chiếu, Trụ trì chùa Cây Mít, cho biết chùa do Tổ sư Tiên Giác (tức Hòa thượng Thích Hải Tịnh) xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Ngày trước, Hòa thượng Thích Hải Tịnh đến núi Sam, ở lại chùa Tây An tu một thời gian, rồi ngao du đến vùng Bảy Núi. Khoảng năm 1850, Hòa thượng Thích Hải Tịnh dừng chân tại ấp Tây Hưng (xã Nhơn Hưng) xây dựng chùa Cây Mít với mục đích truyền giáo lý Phật pháp để răn dạy chúng sinh ăn ở hiền lành. Sau đó, hòa thượng tiếp tục đi giáo hóa nơi khác. Trong thời gian này, chùa Cây Mít không có người trông coi, các vị bổn đạo của chùa mới thỉnh Hòa thượng Thích Viên Minh về làm trụ trì… , tuy nhiên khi tra cứu về tiểu sử Tăng cang Tiên Giác – Hải Tịnh thì không thây có phần nào nói về Hòa thượng Thích Hải Tịnh với chùa Cây Mít!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 72
    • Số lượt truy cập : 6345948