Thông tin

HÒA THƯỢNG AN LẠC-THÍCH MINH ĐÀNG (1874 - 1939)

 

 

Hòa thượng An Lạc, tự Minh Đàng, thế danh Lê Ngọc Xuyên, sinh năm Ất Hợi (1874) tại tổng Thanh Phong, làng Mỹ Phong, là làng sở tại chùa Vĩnh Tràng, thành phố Mỹ Tho.

Ngài sinh trưởng trong một gia đình sùng kính đạo Phật. Cha là đệ tử Hòa thượng Tư Trung. Mẹ là đệ tử Hòa thượng Chánh Hậu. Do đó từ thuở bé thơ, Ngài đã thường xuyên các ngày sóc vọng theo cha mẹ lên chùa thắp nhang lễ Phật. Năm Ngài 15 tuổi (1889) được song thân dẫn tới quy y thế độ với Yết ma Chánh Hậu, được Bổn sư ban cho pháp danh Tục Thông, pháp hiệu An Lạc. Từ đó Ngài ở lại chùa Sắc Tứ Linh Thứu chuyên tâm tu học.

Qua năm sau, Hòa thượng Chánh Hậu về trụ trì chùa Vĩnh Tràng, chú tiểu Tục Thông theo Bổn sư về đây tiếp tục tu hành. Tuy được về chùa gần nhà, nhưng Ngài không bao giờ xao nhãng công phu tu học. Rằm tháng 3 năm Canh Tý (1900), sau một thời gian học hành công quả, Ngài lại được Hòa thượng Bổn sư ban cho pháp danh Kiểu Thuận, pháp hiệu Tâm Liễu (nối đời thứ 40 dòng kệ Đạo Mẫn, tông Lâm Tế) và nhận Ngài làm pháp tử, phú cho bài kệ như sau:

Kiểu pháp phương tri sắc tức không

Thuận thừa Phật nguyệt đạt chân tông

Tâm thiền khổ hải tòng siêu xuất

Liễu ngộ nguyên lai hữu hà công? (1)

Tạm dịch:

Kiểu pháp biết nên sắc tức không

Thuận về Phật nguyệt đạt chân tông

Tâm thiền biển khổ cùng siêu xuất

Liễu ngộ nguyên lai hỏi có công?

Năm Nhâm Dần (1902), Ngài thọ giới Cụ Túc tại giới đàn chùa Kim Tiên (xã An Hữu, huyện Cái Bè), sau đó Ngài an cư tại chùa Hội Phước ở Sa Đéc (1904). Năm 1905, Ngài an cư tại chùa Sắc Tứ Trường Thọ ở Gia Định và được cử làm Chánh Tri Sự, sau mùa an cư Ngài được cử làm Đệ tam Tôn chứng Đại giới đàn. Mùa an cư năm Đinh Mùi (1906) tại chùa Long Quang ở Vĩnh Long, Ngài được cử làm Thư ký. Năm Mậu Thân (1907) sau mùa an cư tại chùa Bửu Long ở Sa Đéc, Ngài được cử Yết ma tại Đại giới đàn ở đây.

Tháng 7 năm Quý Hợi (1923), Hòa thượng Bổn sư viên tịch, Ngài là trưởng tử được kế thừa trụ trì chùa Vĩnh Tràng. Để báo đáp thâm ân Bổn sư, Ngài ra Đà Nẵng đặt làm một cây tháp đá để thờ Hòa thượng Chánh Hậu. Năm 1925, Ngài đặt thêm một cây bảo đồng hai tầng riêng thờ Tỳ kheo ni Diệu Tín.(2) Năm 1930, Ngài trùng tu chùa Vĩnh Tràng với quy mô lớn, kết hợp hài hòa giữa nền kiến trúc xứ chùa Tháp với nền kiến trúc chùa cổ truyền của Nam bộ, với những kiểu dáng La Mã thời Phục Hưng, vừa có nét Ấn Độ - Á Đông. Ngày nay, chùa Vĩnh Tràng là một trung tâm du lịch của thành phố Mỹ Tho. Công đóng góp của Ngài không nhỏ.

Trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại Nam kỳ vào những năm của thập niên 1930, người tiên phong và có công lớn là Hòa thượng Thích Khánh Hòa. Cộng tác với Ngài một cách tích cực gồm nhiều Hòa thượng ở các Tổ đình, trong số đó có Hòa thượng Thích An Lạc ở Tổ đình Vĩnh Tràng thuộc thành phố Mỹ Tho.

Năm 1931, Hòa thượng Thích Khánh Hòa cùng với các Hòa thượng đồng chí hướng thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn gần chợ Cầu Muối Sàigon. Hội đã xây dựng xong sáu căn nhà sát bên chùa, sắm đủ bàn ghế giường tủ trang bị cho các học Tăng, chỉ chờ ngày làm lễ khai giảng Thích học đường, nhưng Hội đã gặp trở ngại, lớp học không tiến hành được.

Nôn nóng với việc đào tạo Tăng tài, chuẩn bị đội ngũ Tăng Ni cho phong trào chấn hưng Phật giáo, Hòa thượng Thích Khánh Hòa lui về Trà Vinh, cùng các pháp hữu thành lập Phật học đường lưu động lấy tên là Liên Đoàn Phật Học Xã, lớp học đầu tiên đặt tại chùa Long Hòa, hai lớp sau tại chùa Thiên Phước (ở Trà Ôn), và chùa Viên Giác (ở Bến Tre). Sau đó trường phải giải tán vì thiếu tài chánh. Rút kinh nghiệm, Hòa thượng Thích Khánh Hòa cùng các pháp hữu nghĩ đến việc thành lập một hội Phật học có đông đảo hội viên thường xuyên đóng góp tài chánh mới có thể duy trì một Phật học đường được lâu dài. Kết quả Hội Lưỡng Xuyên Phật Học được chính thức thành lập ngày 13-8-1934, đặt trụ sở tại chùa Long Phước ở Trà Vinh. Ngài được công cử làm Hội trưởng khóa đầu và Hòa thượng Thích Từ Phong làm Chứng minh Đạo sư.

Ngày 22 tháng 6 Ất Mão (1939), Ngài viên tịch tại chùa Vĩnh Tràng, thọ 65 tuổi với 37 hạ lạp.

 


 Chú thích :

1) Các chữ đầu của mỗi câu trong bài kệ này là pháp danh và pháp hiệu của Hòa thượng Thích An Lạc.

2) Bà Phan Thị Lê sau khi xuất gia có pháp hiệu Diệu Tín (xem thêm tiểu sử Hòa thượng Thích Chánh Hậu).

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 45
    • Số lượt truy cập : 6794448