HÒA THƯỢNG HOẰNG ÂN - MINH KHIÊM (1850 - 1914)
Tổ Hoằng Ân thế danh Nguyễn Văn Khiêm, húy Minh Khiêm, pháp hiệu Liễu Khiêm-Diệu Nghĩa. Sinh ngày rằm tháng 07 năm Canh Tuất (1850) tại làng Bà Điểm, tỉnh Gia Định. Ngài sinh ra trong một gia đình nông dân, hai vị thân sinh do tham gia vào cuộc nổi dậy chống sưu cao thuế nặng của triều đình nhà Nguyễn nơi Mười Tám Thôn Vườn Trầu và Bưng Tầm Lạc, nên gởi Ngài lại nhờ bà con nuôi giúp để lánh mặt, tránh những đợt truy lùng gắt gao của hương hào địa chủ.
Năm 1859, lúc vừa được 9 tuổi, thực dân Pháp sau khi đánh chiếm thành Gia Định đã cử binh đến nơi đây, nông dân lại nổi dậy, kế đó nghĩa binh Trương Định sau khi đánh đồn Thuận Kiều đã kéo quân về đây và được nhân dân trao thanh kiếm Bình Tây Đại Nguyên Soái(1). Giữa lúc tình thế nhiều biến đổi ấy, Ngài không thể tìm lại được song thân. Vì thế tên tuổi của hai người cho đến mãi về sau vẫn không biết được, sống chết như thế nào, tại đâu?
Chưa thấy có sử liệu nào ghi lại ngày tháng Ngài xuất gia lúc bao nhiêu tuổi. Chỉ biết Ngài đã đến chùa Giác Lâm (Nay ở quận Tân Bình - Sài Gòn) xin xuất gia với Tổ Hải Tịnh.
Khi đã trở thành một vị xuất gia, Ngài hết lòng học hỏi, tham cứu tất cả các pháp yếu nơi thiền môn. Với trí tuệ và tư chất thông minh, Ngài đã sớm vượt xa các pháp lữ đã xuất gia trước mình trong một khoảng thời gian rất ngắn. Do đó Ngài đã được Bổn sư chú ý và chăm sóc tận tình. Ngoài sở học uyên thâm, Ngài còn có phong thái nhanh nhẹn mà điềm đạm, vóc người cao ráo, thanh thoát, hội đủ các tướng hảo ở một vị Tỳ kheo xuất trần vi thượng sĩ.
Năm 1870, Ngài được trao nhiệm vụ trụ trì chùa Giác Viên khi vừa đúng 20 tuổi. Đây là một trường hợp cá biệt, rất hiếm thấy nơi lịch sử các vị Tổ đức xưa. Đủ để khẳng định hoài bão mà Bổn sư Ngài đã đặt để, quả chẳng uổng.
Năm 1876 ở độ tuổi 26, Ngài lại được cử làm Giáo thọ và đã được Tăng chúng kính trọng do sự tinh tấn và uyên thâm Phật pháp. Cùng năm đó, Tổ Minh Vi - Mật Hạnh (trụ trì chùa Giác Lâm) cảm thấy sức khỏe suy yếu và nhận biết một vị Tăng trẻ như Ngài lại có nhiều nỗ lực, đầy trách nhiệm, nên đã giao cho Ngài cùng lúc trụ trì hai chùa Giác Viên và Giác Lâm.
Năm 1899, với trách nhiệm của mình, Ngài đã cho tiến hành trùng tu lại ngôi chùa Giác Viên. Đây là lần trùng tu lớn nhất trong lịch sử chùa này. Trong đó Ngài cho mở rộng mặt bằng chùa và chỉnh trang lại chánh điện theo đúng sở nguyện chư Tổ đời trước chưa có dịp thực hiện được.
Cũng như các vị Tổ trong tông môn, Ngài cũng không có đệ tử nhiều ngoài hai Ngài Như Nhu - Chơn Không và Như Phòng - Hoằng Nghĩa. Vì thế thời gian kế tiếp Ngài đã cử Ngài Chơn Không trụ trì chùa Giác Viên, giúp cho Ngài có thời gian lo việc khác (Chức trụ trì nơi này khi Ngài Chơn Không tịch thì được trao cho Ngài Như Phòng tiếp nối) (2).
Sự kiện nổi bật trong việc hoằng đạo của Ngài là việc sao chép kinh sách, bằng cách cho khắc bản gỗ kinh, luật và diễn nôm một số sách Phật giáo khác. Số lượng công trình biên tập diễn nôm và các loại sách khác do Ngài chứng minh rất nhiều nhưng đã thất lạc cũng không ít. Hiện tại chỉ còn lưu lại một số như bản chép tay bộ Kinh Pháp Hoa, được chép vào năm Bính Tuất (1886) mỗi phẩm đóng thành một tập.
Năm 1880, tác phẩm bằng thơ lục bát dưới dạng chữ Nôm, tập “Hứa Sử Vãn Truyện” cũng được Ngài cho khắc gỗ để in lại.
Năm 1894, bộ sách Thiền Môn Trường Hàng Luật bằng chữ Hán, được Ngài chỉnh biên tóm lược lại bằng chữ nôm và đặt tên là TỲ NI NHỰT DỤNG YẾU LƯỢC cùng cho khắc in để phổ biến rộng rãi.
Để tiến hành khắc in bộ Luật nói trên cùng nhiều loại sách khác, Ngài đã nhờ đến sự trợ lực của Ngài Đạt Lý - Huệ Lưu (trụ trì Chùa Huê Nghiêm, Thủ Đức), giúp phần sao chép để khắc vào bản gỗ.
Với khối lượng bề dày của mỗi quyển sách thì cũng bấy nhiêu số lượng bản gỗ. Và như thế, ngay tại chùa Giác Viên, Ngài cho mời các thợ khắc về ăn ở tại chùa để thực hiện công trình.
Ngài đã bỏ công và mạnh dạn thực hiện công trình in bộ Luật quan trọng ấy. Ngài ý thức được rằng đó sẽ là bộ sách giáo khoa đầu tiên ở cấp sơ học, rất cần thiết cho các chùa ở Nam Bộ. Kết quả là đã trở thành giáo trình học tập nơi các cuộc khảo thí của những Trường Hương, Trường Kỳ thời bấy giờ.
Năm 1898, một số kinh chủ yếu như Nhơn Quả Thực Lục Toàn Bản, Lăng Nghiêm Kinh Tán, Thí Thực Khoa v.v... được Ngài chứng minh dưới bản khắc với tên Diệu Nghĩa, và diễn nôm Tống Đàn Tăng.
Năm 1912, Ngài còn đứng ra hiệu đính cho bộ Quy Nguyên Trực Chỉ do đệ tử là Ngài Từ Phong- Như Nhãn diễn nôm.
Trong số kinh sách chép tay lưu lại, hiện còn thủ bút của Ngài bằng hai câu đối. Trong đó nêu lên Pháp danh, Pháp hiệu và tên chùa Giác Viên:
“GIÁC ngộ đốn HOẰNG ÂN, ân mộc Như Lai thọ ký.
VIÊN thông minh DIỆU NGHĨA, nghĩa tùng Bát Nhã nghiên cầu”.
Ngoài việc thực hiện các công trình in khắc kinh trên, Ngài còn dành rất nhiều thời gian du hóa khắp nơi. Bước chân Ngài đã từng trải suốt cả đồng bằng sông Cửu Long như Mỹ Tho, Đồng Tháp, Cửu Long, An Giang, Hà Tiên v.v... Ngài đi bằng tất cả phương tiện, có lúc phải đi bộ, kể cả trèo đèo băng suối như khi qua vùng hiểm trở Thất Sơn. Đặc biệt, tại Tiền Giang và An Giang, Ngài đã trụ lại một thời gian khá dài từ năm 1905 cho đến khi viên tịch.
Trong thời gian ở Tiền Giang, Ngài đã tu tập tại am Viên Giác, cách chùa Bửu Lâm không xa, do đệ tử là Thiên Trường dựng. Cũng tại nơi này, khoảng năm Ất Mùi (1895) Ngài đã đứng ra vẽ kiểu và chứng minh cho việc xây dựng ngôi chùa Vĩnh Tràng, một ngôi chùa lớn nhất Nam Bộ hiện nay.
Sau khi rời Tiền Giang, Ngài đi sang một số tỉnh khác và trụ lại chùa Tây An (Núi Sam - Châu Đốc). Đến đâu Ngài cũng để lại niềm kính mến sâu xa trong lòng Tăng chúng và Phật tử. Cho đến hôm nay, khi nhắc đến Ngài, Phật tử nơi này vẫn còn gọi Ngài là “Tổ Núi Sam”. Thời gian tại chùa Tây An, Ngài ở trong một am nhỏ sau chùa do Sư bà NHƯ THÀNH - DIỆU DANH (3) là đệ tử của Ngài dựng nên và thường xuyên công quả lo cơm nước cho Ngài. Tại đây, Ngài còn hai thị giả nữa là Thiện Diệu (chùa Châu Viên) và một vị là thư ký nên gọi là Ký Viên (chùa Pháp Võ).
Những ngày cuối cùng, Ngài không cảm thấy đau nhức như các bậc luống tuổi, mặc dù Ngài đã đi suốt cả một thời gian dài như thế. Ngược lại, những ngày này Ngài càng tráng kiện và minh mẫn hơn. Do đó, Ngài tận dụng những giây phút hiếm hoi còn lại để khuyên nhủ các đệ tử, nhắn gởi về Giác Lâm, Giác Viên chăm lo giữ gìn ngôi chùa Tổ v.v...
Vào giờ Thìn, ngày 29 tháng Giêng năm Giáp Dần (1914) Ngài đã thâu thần thị tịch tại chùa Tây An (Núi Sam - Châu Đốc)(4). Hưởng thọ 64 tuổi. Nhục thân Ngài sau đó được đưa về nhập tháp tại chùa Giác Lâm (Sài Gòn). Tại chùa Tây An tháp vọng cũng được dựng lên để kính thờ Ngài.
Với hành trạng như thế Ngài thật quả xứng đáng là người hậu duệ đời thứ 38 dòng Lâm Tế (Bổn Ngươn) và truyền thừa cho các đệ tử sau này như Ngài Đạt Lý - Huệ Lưu (chùa Huê Nghiêm, Thủ Đức), Như Lợi (chùa Giác Lâm), Như Nhu - Chơn Không, Như Phòng - Hoằng Nghĩa (chùa Giác Viên), Như Nhãn - Từ Phong (chùa Giác Hải, Q.6 - TP. HCM) và chùa Thiền Lâm (Tây Ninh).
Chú thích :
1) TP. CCT - Thanh Giang - NXB TP. HCM 1980.
2) Sau đó, Ngài lập một am trong khuôn viên chùa Giác Lâm (vị trí là bót Nguyễn văn Cự sau này) đó là am Giác Đế ( PTS Trần Hồng Liên).
3) Ảnh và bàn thờ Sư Bà hiện đặt tại chùa Thới Hòa (Gò Vấp).
4) Có ý kiến cho rằng Ngài tịch tại am Viên Giác (PTS Trần Hồng Liên).
Tin tức khác
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
Bình luận bài viết