Thông tin

HÒA THƯỢNG LÊ KHÁNH HÒA VỚI PHẬT GIÁO XỨ BẮC

 

NGUYỄN HỮU VIỆT

 

Hòa thượng Khánh Hòa khuyên: «Người xin tuyên bố này là có ý muốn cho những bực hảo tâm tu hành kia sớm tỉnh ngộ, sớm bỏ cảnh chân lý lờ mờ mà mau mau bước qua cảnh cứu cánh chân lý tỏ rõ, chớ không có ý chi lạ».

Ít người biết chuyện Hòa thượng Lê Khánh Hòa – một người ở phương Nam xa xôi, ngày đêm lo những Phật sự vì sự nghiệp chấn hưng lại có mối giao tình với Phật giáo xứ Bắc như chuyện kể dưới đây.

Cử Giáo thụ Thiện Chiếu ra Bắc bàn việc chấn hưng Phật giáo

Tháng 2 năm Đinh Mão (1927), Hòa thượng Khánh Hòa qua đám thượng lương chùa Long Khánh, tỉnh Trà Vinh. Tại đây, ngài gặp gỡ và quen với nhà sư trẻ Thiện Chiếu, trụ trì chùa Linh Sơn Sài Gòn là tác giả bài viết Chấn hưng Phật giáo ở nước nhà đăng trên tờ Đông Pháp, số 533 ra ngày 14 tháng 1 năm 1927. Đây là dịp tốt để ngài cùng ngài Huệ Quang và sư Thiện Chiếu bàn việc chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ1.

Hai tháng sau, theo kế hoạch, ngài Khánh Hòa và ngài Huệ Quang ra giảng kinh tại trường Hạ tại chùa Long Khánh, Quy Nhơn, tỉnh Bình Định để tìm hiểu tình hình Phật giáo Trung kỳ và chiêu tập thêm một vài đồng chí2.

Được tin ngoài Bắc phong trào chấn hưng Phật giáo có người khởi xướng và một số sơn môn ủng hộ, chùa Phương Lăng ở huyện Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An (nay thuộc Hải Phòng) tổ chức dịch 4 bộ kinh chữ Hán ra quốc ngữ, lại nuôi 3-4 trẻ mồ côi, Hòa thượng Khánh Hòa liền cử sư Thiện Chiếu ra Bắc liên lạc với các tổ đình để xúc tiến việc thành lập Tổng hội Phật giáo (tức thống nhất Phật giáo ba miền).

Tháng 5 năm Đinh Mão (1927), Giáo thụ Thiện Chiếu ra Bắc, xin phép sơn môn Bà Đá cho sư lên huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên gặp Tỷ khiêu Tâm Lai đang trụ trì chùa Hang (Tiên Lữ Động tự) ở đồn điền Đồng Bẩm là người khởi xướng chấn hưng Phật giáo xứ Bắc. Do duyên chưa thuận nên chuyến đi của Thiện Chiếu không thành3. Tuy nhiên, Thiện Chiếu cũng được Phật giáo xứ Bắc hoan hỷ chuyển một số tạp chí Hải triều âm mang về Nam, trong đó có số đăng chương trình chấn hưng Phật giáo Trung Hoa của Thái Hư đại sư.

Tiếp nhận sư cô Huệ Tâm theo học Phật pháp

Sư cô thế danh là Nguyễn Thị Khuê, sinh năm 1911, quê Hưng Yên. Tuổi đồng niên sư cô vào trường học chữ quốc ngữ và chữ Pháp, năm 13 tuổi lại theo cha mẹ đổi sang Tàu 2 năm. Năm 16 tuổi, buồn vì cảnh cha theo vợ lẽ bỏ con không nuôi, xét biết đạo Phật là phương thuốc cứu đời, bà phát tâm xuất gia học đạo, thụ giới Sa di ni và học Kinh Luật chữ Hán. Năm 19 tuổi, bà thụ giới Thức xoa Ma na và học Luật thụ giới Tỷ khiêu ni với Hòa thượng Tế Cát Thích Doãn Hài (Dương Văn Hiển) ở chùa Tế Xuyên, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, thầy ban pháp danh là Huệ Tâm. Năm 21 tuổi, sư cô đã có 2 tuổi Hạ.

Lúc bấy giờ, biết Hòa thượng Lê Khánh Hòa mở Phật học đường, Huệ Tâm liền viết thư xin vào học, nhưng Hòa thượng không thể nhận lời vì bận việc. Ít tháng sau, Hòa thượng lại nhận được thư của Huệ Tâm và một ngân phiếu 10$ (tiền Đông Dương). Sau khi nhận được thư phúc đáp của cụ Lê Khánh Hòa, ngày 12-1 năm Quý Dậu (1933) sư cô vào Sài Gòn gặp Hòa thượng ở chùa Linh Sơn. Hòa thượng biên thư cho sư cô cầm đến chùa Viên Giác ở Bến Tre và kết bạn với Sa di ni Diệu Hường. Ít lâu sau, hai người trở qua chùa Tiên Linh, Mỏ Cày (Bến Tre), kế Hòa thượng Huệ Quang khai trường gia giáo tại chùa Long Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh; chùa Thiên Phước ở Trà Ôn, Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Vĩnh Long); chùa Viên Giác, đến ngày 20 tháng 11 bãi trường, Huệ Tâm và Diệu Hường lưu lại chùa Viên Giác.

Tháng Giêng năm Giáp Tuất (1934), hai người qua chùa Tiên Linh học kinh Lăng Nghiêm với sư cụ Lê Khánh Hòa. Ngày 20 tháng 9 năm ấy, ngài Khánh Hòa phải về chùa Huy Linh lo đám tang cho sư cụ trụ trì viên tịch nên việc học phải dừng, hai người lại xuống ở học tại chùa Long Phước ở Ba Tri, Bến Tre.

Tháng Giêng năm Ất Hợi (1935), sư cô Huệ Tâm trở về Bắc. Bấy giờ, Hội Phật giáo Bắc Kỳ mới thành lập và qua những lời khuyến lệ của đồng đạo, Huệ Tâm đăng đàn thuyết pháp “Chúng ta nên tín ngưỡng Phật Pháp, tín ngưỡng Phật pháp không phải là mê tín” tại chùa Đồng Quang (nay là chùa Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội). Bài thuyết pháp được thính giả nhiệt liệt hoan nghênh, được đăng trên hai tờ Đông Pháp, (số 2966 ra ngày 17, 18 tháng 6 năm 1935) và Trung Bắc Tân Văn. Tạp chí Viên âm cơ quan hoằng pháp của Hội An Nam Phật học (Trung kỳ) đăng lại bài này và tỏ lời khen ngợi sự tu học Phật pháp của sư cô4.

Tuy nhiên, Huệ Tâm là người rất mực khiêm tốn, tự nhận học lực của sư cô còn thấp, nên chưa dám tham dự vào công cuộc chấn hưng Phật giáo xứ Bắc, chỉ một lòng lo tham học thêm kinh điển mà thôi.

Huệ Tâm quyết định vào Nam lần thứ hai. Sư cô đi thẳng xuống Ba Tri cùng Diệu Hường - người bạn thân thiết ở lại chùa Long Phước. Sau đó, khi nghe tin Hội Lưỡng Xuyên Phật học khai trường, Huệ Tâm qua Trà Vinh thăm Hội và sư cụ Lê Khánh Hòa hiện kiêm làm Đốc học sư.

Ngài Khánh Hòa lấy tình sư đệ hỏi sư cô: “Việc học của đệ tử, Hán văn khá, có thể nghiên cứu. Nay có Hội Phật giáo ở Hà thành thành lập, lần lượt cũng sẽ sắm đủ tài liệu kinh luận, sao đệ tử không ở ngoài ấy mà nghiên cứu, an ổn tu hành, vì cớ gì lại trở vào Nam nữa?”.

Huệ Tâm bạch: “Vì có sự khó, các sư cụ bảo đệ tử giảng diễn về vấn đề Phật học mà đệ tử thì việc học còn ít, từ chối không đặng.

Vì vậy, đệ tử trở vào Nam, kiếm chùa tịch tịnh cho gần Hội, trước nữa nghiên cứu thêm Kinh Luận, sau nữa cho tiện việc tu hành, nhưng chưa biết tại Trà Vinh đây có cảnh chùa nào hay không, xin thầy chỉ bảo”.

Ngài Khánh Hòa thấy Huệ Tâm bạch như thế liền giới thiệu chùa Phước Hòa và nhủ cô tìm thêm vài sư ni nữa làm bạn ở đó gần Hội quán thì tốt lắm”.

Sư cô hứa để trở về Ba Tri sẽ tính5.

Tỷ khiêu ni Huệ Tâm còn là người đầu tiên trong Ni giới đề xướng vấn đề Thống nhất Phật giáo Việt Nam. Bà kêu gọi “Các Hội Phật học ở ba kỳ nên hiệp nhất” để bàn luận, cùng nhau giải quyết những vấn đề trọng yếu, nhất là bốn việc sau:

1) Giảng biệt Phật pháp và ngoại đạo.

2) Định rõ giới tướng và phẩm cách của các bậc xuất gia.

3) Định rõ giới tướng và bổn phận của các bậc tại gia.

4) Kiểm sát những cơ quan tuyên truyền Phật giáo.

Bà chỉ ra: Muốn hợp nhất thì các Hội Phật học và các sơn môn trong ba kỳ đều ủy đại biểu hội hợp cùng nhau trong một Đại tùng lâm, hoặc ba năm một lần, hoặc một năm một lần để cùng nhau bàn định và thảo luận chương trình hoằng pháp của mỗi xứ cho thích hợp với trình độ dân chúng. Huệ Tâm đã dấn thân không mệt mỏi vào sự nghiệp này, bà nói: “tôi trực tiếp với thiền gia ngoài Bắc trong Nam ngót 10 năm trời, biết rõ nội dung nên phát sinh ý kiến như vậy”, “mới đây khi được hầu tiếp Hòa thượng Chánh Tổng lý Hội Phật học Lưỡng Xuyên (tức Hòa thượng Huệ Quang) tôi đã bày tỏ ý kiến hợp nhất các Hội Phật học trong ba kỳ, nhưng chưa rõ Ngài sẽ định liệu thế nào?”6.

Các báo Duy tâm Phật học, Trung Bắc Tân văn... coi bà là một chân tài Ni giới xuất sắc thời đó.

Năm 1936, bà quyên sinh khi còn rất trẻ, không quên để lại cho sư cô Diệu Hường 29$50 tiền học. Được tin, Hòa thượng Khánh Hòa rất đau xót vì mất đi một học trò giỏi, người đã lặn lội hai lần từ Bắc vào Nam theo học Hòa thượng gần 2 năm trời. Thấu hiểu hoàn cảnh của Huệ Tâm, ngài nói, đó là “Định nghiệp sử nhiên”7.

Việc Hòa thượng Lê Khánh Hòa tiếp nhận sư cô Huệ Tâm vào Nam theo học Phật pháp thể hiện sự quan tâm của Hòa thượng đến việc đào tạo các ni tài lúc bấy giờ, cho tương lai Phật giáo Việt Nam.

Giao tình với Hòa thượng Trí Hải

Sa môn Thích Trí Hải (1906-1979) một trong những sáng lập viên Hội Phật giáo Bắc Kỳ trong Hồi ký Thành lập Hội Phật giáo Việt Nam8, viết: “Năm 1931, được tin Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học thành lập ở Sài Gòn, xuất bản báo Từ bi âm, chúng tôi liền mua đọc. Thấy trong trang báo nói có mở trường Phật học để đào tạo các sư thanh niên, tôi liền viết thư vào hỏi điều kiện nhập học như thế nào. Được ít lâu sau, trong ấy trả lời: “Lúc đầu chưa tổ chức được đầy đủ nên chỉ mới nhận những học sinh là đệ tử của những vị hội viên mà thôi”. Chúng tôi liền trích quỹ ra đóng cho Hòa thượng Phổ Hài gia nhập Hội để lấy đường gửi người vào học sau này. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy tin trường mở cửa”.

Tuy không nêu rõ mình viết thư cho ai, nhưng xét bối cảnh lúc đó, chúng tôi cho rằng ngài Trí Hải đã viết thư cho Hòa thượng Lê Khánh Hòa bấy giờ là Hội trưởng Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học kiêm Chủ nhiệm tạp chí Từ bi âm, người rất quan tâm đến việc mở Thích học đường đào tạo tăng tài.

Ít lâu sau, ngài Trí Hải cùng Thượng tọa Thái Hòa (Tâm Bảo, Đỗ Trân Bảo) và sư ông Vũ Đình Ứng (Tâm Ứng, Hải Châu) (gọi tắt là nhóm 3 người) lên Hà Nội vào các chùa lớn trình bày việc thành lập Hội Phật học để chấn hưng Phật giáo. Nhưng bị các sơn môn lớn như Bà Đá, Hồng Phúc từ chối, nhóm 3 người quay ra tìm sự hợp tác của phía cư sĩ. Họ tìm đến ông Lê Toại, phán sự tại Sở Đốc lý, Hà Nội là người rất thành tâm mộ đạo Phật, từng viết các bài về chấn hưng Phật giáo trên báo Trung Bắc Tân Văn, đã dịch và xuất bản cuốn Phật học sơ giải. Ông Toại dẫn nhóm đến thăm ông Trần Văn Giác, người tỉnh Trà Vinh, Nam kỳ, đang làm việc tại Sở Thương chính, Hà Nội. Cả hai vợ chồng ông đều là người rất hâm mộ đạo Phật, có thờ Phật tại nhà, đều ăn chay, đều là hội viên Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học từ năm 1931. Khi ngài Khánh Hòa rút khỏi Nam kỳ Phật học Hội về Trà Vinh cùng các đồng chí thành lập Hội Phật học Lưỡng Xuyên, ông Trần Văn Giác tham gia Hội ngay từ những ngày đầu tiên và là Phó Thủ bổn Ban Trị sự Hội, gắn bó với Hòa thượng Khánh Hòa. Những kinh nghiệm hoạt động của ông trong Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học và Lưỡng Xuyên Phật học Hội giúp ích rất nhiều cho Phật học Tùng thư (do ngài Trí Hải đứng đầu cùng các sư Thái Hòa, Vũ Đình Ứng, Lê Toại, Trần Văn Giác, Nguyễn Hữu Kha) vận động, cuốn hút nhiều trí thức tân học cũng như cựu học ở Bắc Kỳ, tiến tới thành lập Bắc Kỳ Phật giáo Hội vào tháng 11 năm 1934, lãnh đạo công cuộc chấn hưng Phật giáo ở xứ Bắc.

Năm 1935, ông Trần Văn Giác chuyển về Nam, Ban Trị sự Hội đã tổ chức tiễn đưa ông rất long trọng và thân tình9.

Lời khuyên đối với người chủ trương Phật học

Năm 1934, Bắc Kỳ Cổ Sơn môn ra đời, do Hòa thượng Đinh Xuân Lạc (Chánh Duy na sơn môn và trụ trì chùa Võ Thạch) đứng đầu gồm hai sơn môn Bà Đá và Hồng Phúc với hàng chục chùa ở các tỉnh Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Đông và thành phố Hà Nội. Hội ra bán nguyệt san Tiếng chuông sớm từ 1-6-1935 để hoằng dương Phật pháp. Trên Tiếng chuông sớm số 14 ra tháng 12 năm Bảo Đại thứ 10, trong bài Cái cảm tưởng đối với người chủ trương Phật học mà chưa biết học Phật,

Hòa thượng Khánh Hòa kể: «Tôi lại nhớ năm 1932 tôi còn làm Chủ nhiệm «Từ bi âm» ở chùa Linh Sơn, tòa Pháp Bảo Phương của Hội NKNCPH... Thủ bổn Nguyễn Văn Nhơn có trữ tạp chí và Kinh sách chữ Pháp nói về Phật giáo đặng bán ra cho xứ ta. Sau bà KARPELES, Chánh đầu phòng sở Khảo cứu Phật giáo xứ Cao Mên và xứ Lào đến xem kinh sách trong tòa Pháp Bảo Phương, bà thấy có sách Bà La Môn Thông thiên học. Bà nói sách này của Bà La Môn pha lẫn sách Phật đừng chứa trong tòa Pháp bảo mất giá trị của hội. Ôi! Tôi đâu biết chữ Pháp mà Thủ bổn lâu nay chưa hiểu kinh Phật nên mới trữ sách ấy làm cho người ta thêm lầm lạc thêm nhiều. Tiếc thay! Tôi liền thầm tưởng: Ông Chủ nhiệm «Duy Tâm Phật học» này chưa biết học Phật, còn lầm lạc «Niết Bàn» lờ mờ, nên mới chỉ đường cho người khác đi vào cảnh lờ mờ nữa. Than ôi! Thương thay!» và Hòa thượng đề nghị: «Tôi xin tờ Tiếng chuông sớm đăng bài cảm tưởng này. Như đăng thời mới phải tạp chí Phật học».

Và ngài khuyên: «Người xin tuyên bố này là có ý muốn cho những bực hảo tâm tu hành kia sớm tỉnh ngộ, sớm bỏ cảnh chân lý lờ mờ mà mau mau bước qua cảnh cứu cánh chân lý tỏ rõ, chớ không có ý chi lạ»10.

Đó cũng là lời khuyên chân tình của Hòa thượng Lê Khánh Hòa đối với những người chủ trương Phật học trong Phật giáo Bắc Kỳ.

 Những mẩu chuyện và bài báo kể trên đã thể hiện giao tình của Phật giáo Nam Bộ nói chung và Hòa thượng Khánh Hòa nói riêng đối với Phật giáo xứ Bắc trong buổi đầu công cuộc chấn hưng.

 


1. Tạp chí Pháp âm, số 1 ra ngày 13-8-1929.

2. Lê Tâm Đắc – Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX: Nhân vật và sự kiện, NXB Chính trị quốc gia, 2013.

3. Lê Tâm Đắc – Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX: Nhân vật và sự kiện, NXB Chính trị quốc gia, 2013.

4. Viên âm số 13 ra tháng 1 và 2 năm 1935

5. Duy tâmPhật học, số 4 ra tháng 1 và 2 năm 1935.

6. Viên âm số 17 ra tháng 9 và 10 năm 1935.

7. Duy tâmPhật học số 4 ra tháng 1 và 2 năm 1935

8. Hòa thượng Thích Trí Hải, Hồi ký thành lập Hội Việt Nam Phật giáo, NXB Tôn giáo, 2004, tr 11-12.

9. Hòa thượng Thích Trí Hải, Hồi ký thành lập Hội Việt Nam Phật giáo, NXB Tôn giáo, 2004, tr 11-12.

10. Tiếng chuông sớm, số 14 ra 15 tháng Decembre năm Bảo Đại thứ 10.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6058385