Thông tin

TQ14 - HÒA THƯỢNG SƠN NHÂN

HÒA THƯỢNG SƠN NHÂN

TRẦN ĐÌNH SƠN

 

Núi rừng Phú Yên

Sơn Nhân có pháp hiệu Giác Ngộ, sinh trưởng ở thành Gia Định. Đầu triều Nguyễn, ông được tuyển dụng làm việc khai thác đá phục vụ xây dựng thành trì.

Một hôm ông phá tảng đá lớn lộ ra một pho tượng Phật, bèn nghĩ mình có nhân duyên tu hành. Ông liền bưng pho tượng đến gặp vị quan giám sát xin được nghỉ việc để theo Phật vun bồi gốc rễ đạo đức. Cảm lòng thành của ông, vị quan chấp thuận lời thỉnh cầu.

Ông trở về gia đình từ giã thân bằng quyến thuộc rồi thỉnh tượng Phật đi sâu vào rừng núi, cắt đứt mọi chuyện thế gian. Từ đó, không ai biết ông đi về phương nào.

Trải qua nhiều năm, người dân  Phú Yên tình cờ gặp ông ở tại ngôi chùa hoang trên núi. Nguyên vùng này có nhiều cọp dữ nên dân làng làm chùa mà không ai dám lên ở. Chỉ khi nào  lễ hội mới tổ chức trai tráng cầm gậy gộc, đánh trống chiêng tụ họp lễ Phật. Nay, thấy ông  đến trú ngụ ở chùa, dân làng lo lắng tìm đến thăm hỏi. Ông bảo rằng: “Cọp kệ cọp, tôi mặc tôi. Hai bên không có ý hại nhau thì can chi phải sợ!”. Nhiều người hỏi ông chuyên trì kinh chú gì mà hàng phục được cọp như thế? Ông đáp rằng: Tôi chỉ  trì niệm chân ngôn sáu chữ là “Nam mô A Di Đà Phật”, ngoài ra chẳng có kinh chú chi khác. Từ đó, làng giao cho ông trú trì ngôi chùa, gọi là “Không Tự”. Gặp thời có dịch lệ phát ra, dân làng đến làm lễ xin ông cầu nguyện, ông làm thinh chỉ khẽ gật đầu. Nhiều vùng khác bịnh dịch lây lan chết hại rất nhiều riêng ở làng nầy vẫn được an lành vô sự.

Dân chúng thấy kỳ lạ nên báo cáo lên tòa tỉnh. Gặp lúc con trai quan đầu tỉnh phát bịnh tâm thần, thầy thuốc bó tay không chữa trị được. Người ta bảo rằng người con trai đó bị loài yêu mị  luyến ái nhập vào.

Quan tỉnh liền sai phái hai viên suất đội cỡi ngựa đi tìm rước ông. Lính đến chùa, ông hỏi: Tỉnh đường ở phương hướng nào? Suất đội thưa: Nằm về phía Đông của chùa này.

Ông bảo: Biết rồi các chú cứ về, ta sẽ đến.

Quả nhiên khi suất đội cưỡi ngựa phi về đến dinh tỉnh thì thấy ông đã đến đó trước. Quan tỉnh mời ông vào phòng con trai chẩn bệnh. Nhìn thẳng người bệnh, ông nghiêm sắc mặt bảo: Hồ nương (loài yêu nữ) hãy buông bỏ người trai này. Nó chỉ là đứa si mê khờ dại, hồ nương hãy nhanh chóng rời xa ngay!

Bất ngờ mọi người nghe tiếng động rồi nhìn lên thấy hình bóng như dải lụa từ trong phòng bay vụt ra. Từ đó, người con trai khỏi bệnh. Sự việc ở Phú Yên lan truyền ra đến Kinh đô Huế. Đương kim hoàng đế Minh Mạng (1820 – 1840) liền hạ chỉ cho rước ông vào cung, ban ghế cho ngồi rồi hỏi sự việc. Ông cứ tình thực tâu trình rõ ràng. Được vua ban thưởng rất nhiều thứ quý lạ nhưng ông đều xin từ tạ, không nhận vật gì.

Nhà vua dụ rằng: Người xưa có bảo cách xa nhau hằng ngàn dặm mà tụ họp lại gọi là “hòa”. Cha mẹ vái trả lại con gọi là “thượng”. Ta thấy ý chưa rõ! Nhưng có người bảo, tinh ròng không pha tạp gọi là “hòa”. Vạn loài cùng tôn kính gọi là “thượng”. Lời đó dành để chỉ cho người nầy chăng?

Vua liền ban cho ông hiệu “Sơn Nhân hòa thượng”. Hiệu Sơn Nhân xuất hiện từ đây, vua ra lịnh cho các Hòa thượng ở chùa công (quan tự) phải đổi thành chức Tăng cang, để tỏ ý khiêm cung, còn kém Hòa thượng một bậc.

Sơn Nhân chỉ ăn hoa quả, y phục dùng vỏ cây kết lại, dùng hai miếng gỗ nhỏ làm  đôi guốc, đặc biệt ngài đi rất nhanh. Các bậc quyền quý ở kinh đô phần nhiều đến xin bái yết, dân chúng thấy vậy cho là sự lạ, hiếm gặp được thánh tăng nên tranh nhau tỏ lòng ngưỡng mộ.

Nhà vua hạ chỉ cho rước Sơn Nhân vào trú trì quốc tự Giác Hoàng, nhằm lưu truyền dấu tích của của sự đắc Đạo. Mới hơn một tháng, ông khẩn thiết xin cho trở về núi rừng ở Phú Yên. Không thay đổi ý chí Sơn Nhân được, vua lần lượt ban cấp vàng, bạc, vật phẩm giao phó cho địa phương cất giữ sẵn, lo liệu cung dưỡng cho ngài lâu dài.

Sơn Nhân từ biệt chùa vua vàng son lộng lẫy trở về “Không Tự” trên non vắng kiên trì tu niệm như cũ, lúc đã hơn tám mươi tuổi. Cuối đời ngài đi vào cõi vô tung lúc nào chẳng ai hay biết...(1) 


(1) Phỏng dịch  Sơn Nhân hòa thượng, truyện trong sách Tường Vân tự sự lục. Do Như Như đạo nhân viết bằng Hán văn, đầu tk. XX.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6057923