HÒA THƯỢNG THÍCH CHÁNH HẬU (1852 - 1923)
Hòa thượng Thích Chánh Hậu, thế danh là Trà Xuân Tồn, gốc người Minh Hương, sinh năm Nhâm Tý (1852) tại làng Điều Hòa, tỉnh Định Tường, nay thuộc tỉnh Tiền Giang.
Ngài xuất thân từ một gia đình thế gia vọng tộc. Thân phụ Ngài làm chức Tri Phủ, nhưng khi Ngài lớn lên thì gia đình gặp lúc suy vi vì thực dân Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta. Tuy nhiên Ngài vẫn được giáo dục chu đáo từ thuở nhỏ.
Năm 18 tuổi, Ngài vâng lệnh song thân kết hôn với cô Phan Thị Lê, con quan Thủ Hạp(1) Định Tường ở cùng làng. Được người vợ trẻ đẹp, đoan trang, con quan, tưởng đâu Ngài sẽ được sống hạnh phúc đời thường. Không ngờ năm Ngài 22 tuổi (1874), cha mẹ đều qua đời, lại gặp lúc thời cuộc đang buổi rối ren, Ngài cảm thấu luật “sanh lão bệnh tử” của kiếp người và lẽ “vô thường” của tạo vật, bèn giao gia tài cơ nghiệp lại cho người anh, khuyên vợ về bên gia đình cha mẹ ở, rồi Ngài cất một cái am đặt tên là “Thiền Lâm Tiểu Viện”, tự tu hành để báo hiếu cha mẹ.
Ngài thực hiện ăn chay nằm đất khoảng hai năm, người ngoài không rõ Ngài tu theo pháp môn nào, vì không có bổn sư hướng dẫn. Một hôm có Hòa thượng Huỳnh Chơn Giác ở chùa Bửu Hưng (Sa Đéc) về Tổ đình Bửu Lâm (Mỹ Tho) nghe chuyện này bèn rủ Yết Ma Nguyễn Huyền Dương cùng tới viếng thăm Thiền Lâm Tiểu Viện. Sau khi trò chuyện trao đổi, thấy Ngài dốc lòng tu, nhưng không đúng hướng, hai vị lấy lời giảng giải và thuyết phục Ngài nên đi theo con đường Chánh pháp.
Theo lời khuyên của hai vị chân tu, năm 24 tuổi (1876) Ngài đến Tổ đình Bửu Lâm đảnh lễ quy y thọ giới với Hòa thượng Minh Phước (tức Nguyên Phước), hiệu Tư Trung. Hòa thượng Tư Trung cũng là người Minh Hương, nên ban cho Ngài pháp danh Quảng Ân, pháp hiệu Chánh Hậu (Theo một dòng kệ phái Lâm Tế phổ biến trong giới Hoa kiều).
Năm Ngài 27 tuổi (1879) được Hòa thượng Bổn sư ban cho bài kệ truyền thừa như sau:
Tùng lai tiền niệm sự kinh dinh
Lũy niên dũ chướng dũ niệm tình
“Hữu vi” thị pháp tâm bất liễu
Đạt đắc “vô vi” pháp thậm “minh”.
Tạm dịch:
Dò theo nghĩ lại chuyện kinh dinh
Năm thâm, chướng lắp, lại thêm tình
“Hữu vi” là pháp tâm nào được
Đạt được “vô vi” pháp thật “minh”.
Năm sau Hòa thượng Bổn sư cử Ngài làm Thủ tọa chùa Sắc Tứ Linh Thứu ở gần Mỹ Tho là một danh lam cổ tự có trước thời Gia Long(2).
Còn bà Phan Thị Lê, lúc đầu trở về nhà cha mẹ, cùng chồng tuy không phải tử biệt nhưng thực sự đã sinh ly. Dần dần nhờ bạn bè khuyên giải, bà vơi được nỗi đau buồn cũng xin xuất gia đầu Phật tìm con đường giải thoát. (Sau thành Tỳ kheo ni hiệu Diệu Tín, được Ngài An Lạc trụ trì chùa Vĩnh Tràng thờ ở chùa này).
Mùa hè năm Bính Tuất (1886) Ngài an cư kiết hạ tại chùa Phước Hưng (Sa Đéc). Sau mùa an cư có giới đàn, Ngài được cử làm Yết ma A Xà Lê Sư. Năm Canh Dần (1890), ông Huyện Thụ là một cư sĩ thuần thành cùng các tín đồ đến chùa Sắc Tứ Linh Thứu thỉnh Ngài về trụ trì chùa Vĩnh Tràng, một ngôi chùa danh tiếng của đất Mỹ Tho đã bị hoang phế vì nạn binh lửa. Từ khi Ngài về làm trụ trì, chùa được phục hồi sinh khí như xưa, bổn đạo tới lui tấp nập. Năm Ất Mùi (1895) Ngài xây lại chùa Vĩnh Tràng. Năm Kỷ Hợi (1889) Ngài trùng tu chùa Sắc Tứ Linh Thứu. Năm Giáp Thìn (1904) cơn bão lớn xảy ra vào hồi tháng ba đã làm hư hại nặng chùa Vĩnh Tràng. Từ năm Đinh Mùi (1907) đến năm Tân Hợi (1911) Ngài lại phải khuyến giáo tín đồ góp công góp của trùng tu lại chùa. Đáng chú ý trong lần trùng tu này, Ngài đã nhờ nghệ nhân điêu khắc tài hoa Tài Công Nguyên đảm nhận phần trang trí và tạc toàn bộ tượng thờ trong chùa. Ngày nay, chùa Vĩnh Tràng và Linh Thứu là hai thắng tích bậc nhất tỉnh Tiền Giang, phần lớn nhờ vào công tu tạo của Ngài.
Thời gian Hòa thượng Chánh Hậu trụ trì chùa Vĩnh Tràng là thời gian khắp các nước Đông Á khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo. Từ Tích Lan, Ấn Độ, qua Thái Lan, Miến Điện, đến Nhật Bản, Trung Hoa, đâu đâu cũng có các trung tâm, các cơ quan ngôn luận, các vị tu sĩ và học giả hoạt động cho phong trào. Đặc biệt tại Trung Hoa là nước gần với Việt Nam, sự giao lưu chặt chẽ, các sách báo nói về việc chấn hưng Phật giáo đã được các thương buôn Hoa kiều du nhập vào nước ta, nhất là ở Nam kỳ, đã ảnh hưởng sâu xa đến các vị Tôn túc Hòa thượng có đạo tâm, hằng ưu tư về tiền đồ của Phật giáo Việt Nam.
Hòa thượng là người Minh Hương nên dễ dàng tiếp cận và quan hệ chặt chẽ với các bậc thức giả Hoa kiều, có dịp đọc các bài nói về phong trào chấn hưng Phật giáo của Thái Hư Pháp Sư bên Trung Hoa. Trong thâm tâm Ngài đã ươm hạt giống chấn hưng để chờ có cơ duyên là đem gieo rắc vun trồng. Tuy Ngài chưa khởi xướng lên được phong trào chấn hưng Phật giáo, nhưng việc hoằng dương Chánh pháp của Ngài đã đi đúng con đường chấn hưng. Ngài thường xuyên mở trường gia giáo để đào tạo Tăng tài. Khi thì tự Ngài làm Pháp Sư. Khi thì Ngài thỉnh Hòa thượng Giác Hải. Đặc biệt Ngài còn mở lớp dạy chữ Nho, dạy thuốc. Ngài mời các bậc túc nho, phần nhiều là các chiến sĩ Văn Thân, Cần Vương lánh nạn ẩn tích và các bậc lương y trong vùng đến dạy. Trong số có cụ Tòng Am Phan Văn Viễn cùng họ với cụ Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh đã được chùa Vĩnh Tràng nuôi ở hàng chục năm.
Rất tiếc là công cuộc chấn hưng Phật giáo tại Nam kỳ đang trong thời kỳ manh nha, thai nghén thì ngày 29 tháng 7 năm Quý Hợi (1923) Hòa thượng Chánh Hậu viên tịch, thọ 72 tuổi với 47 hạ lạp.
Sự nghiệp kiến lập trùng tu tự viện, khai mở các lớp gia giáo đào tạo Tăng tài và quan tâm đến tiền đồ Phật giáo của Ngài, được xem là bước tiên phong chân chính, vinh quang như bình minh thế kỷ XX.
Tin tức khác
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
Bình luận bài viết