HOÀ THƯỢNG THÍCH MINH CHÂU VỚI CHÙA PHẬT HỌC XÁ LỢI
Thành kính tưởng niệm bậc cao tăng:
HOÀ THƯỢNG THÍCH MINH CHÂU
VỚI CHÙA PHẬT HỌC XÁ LỢI
Tỳ kheo THÍCH ĐỒNG BỔN
Lễ Vu Lan vừa xong, thì chúng tôi nhận dược tin buồn Hoà thượng đã thâu thần viên tịch vào lúc 9 giờ sang ngày 16 tháng Bảy năm Nhâm Thìn tại Thiền viện Vạn Hạnh thành phố Hồ Chí Minh. Hoà thượng ra đi nhằm ngày Phật Hoan Hỷ, tức ngày chúng tăng mãn Hạ, giữa cái buồn đau của đất trời tháng Bảy sụt sùi hạt mưa khóc thương. . . .
Lần giở lại tạp chí Từ Quang bộ cũ, chúng tôi mới biết được bao lớp cư sĩ tiền bối trong Hội Phật học Nam Việt trước đây, đều là học trò của Hoà thượng nơi Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn, như cư sĩ Trúc Thiên, Trần Hơn, Vũ Phan, Vũ Văn Phường… và sau này là các học tăng Học viện Phật giáo Việt Nam đang tu hành tại chùa Phật học Xá Lợi. Ngay cả chúng tôi cũng là học trò cùa Người trong quá trình công tác trong sự nghiệp giáo dục. Chính vì thế, Hoà thượng được Ban Quản trị Hội Phật học Nam Việt trước đây, cùng Ban Trụ trì chùa Phật học Xá Lợi sau này cung thỉnh Ôn vào Ban Giảng Sư chính thức, phụ trách thuyết giảng thường xuyên của tại giảng đường Chánh Trí của chùa. Hoà thượng phụ trách thuyết giảng nơi này gần 20 năm cho đến khi sức khoẻ của Ôn không còn cho phép.
Nhớ về những kỷ niệm với Hoà thượng, vào năm 1991, chúng tôi có bài viết về Phật giáo Nghệ Tĩnh đăng trên báo Giác Ngộ, tôi cầm tờ báo lên gặp Ôn để tặng và đọc cho Ôn nghe. Nghe xong tôi hỏi Ôn “con rất bức xúc vì chưa ai đứng ra giúp đỡ xây dựng lại Phật giáo Nghệ Tĩnh, Ôn là người Nghệ Tĩnh, vậy Ôn có phương cách gì, tiếng nói gì với Giáo hội và Nhà nước để thúc đẩy việc gây dựng lại chăng?”. Vẻ trầm ngâm và từ tốn, Ôn nói “Tôi có quan tâm và cầu nguyện cho Phật giáo quê hương sớm được phục hồi. Muốn như thế thì cần có ba yếu tố : quần chúng phật tử, chính quyền quan tâm và con người lãnh đạo. Bây giờ ngoài nớ chỉ mới có một yếu tố thôi thì chưa đủ, phải chờ thôi!”. Tôi thưa tiếp “Bạch Ôn, đúng là xứ ấy còn thiếu hàng ngũ Tu sĩ để lãnh đạo, không lẽ chúng ta cứ ngồi chờ mà không làm gì thì bao giờ mới thành tựu?” Ôn nói “ Tôi cũng sẽ tác động với Phật giáo ngoài Bắc, vì xứ nớ thuộc ngoài ấy quản lý, mình không thể đưa người ra được đâu! Tôi cũng mong rằng đến khi nào Phật giáo quê hương được phục hồi, thì tôi mới yên lòng về cõi Phật”.
Quả thật như lời kỳ vọng của Ôn, Phật giáo Nghệ An đã được thành lập năm vừa qua, rồi đến Tuần lễ Văn Hoá Phật giáo Nghệ An vừa kết thúc mỹ mãn, chắc chắn rằng, Ôn đã trọn vẹn tâm nguyện của người con xứ Nghệ đối với Phật giáo quê hương, giờ thì Ôn đã an lòng ra đi mãi mãi, để lại bao tiếc nuối cho xứ Nghệ vừa mất một bậc danh tăng cao đức, Để lại ngậm ngùi kính tiếc cho bao lớp người được đào tạo từ Đại học Vạn Hạnh và Học viện Phật giáo trong Nam lẫn ngoài Bắc, nhất là xứ Huế, nơi ghi dấu Ôn đã xuất gia trở thành người con xuất chúng của Phật giáo Việt Nam.
Ban Trụ trì, Ban Phật học Xá Lợi, cùng chư tăng và phật tử của chùa đã tổ chức đoàn kính viếng lễ tang của Ôn nơi Thiền viện Vạn Hạnh, để tỏ lòng tri ân sâu sắc bậc cao đức đã có thời gian dài thuyết giảng nơi giảng đường Chánh Trí. Thay mặt Ban biên tập Tủ sách Phật học Từ Quang, xin thắp nén hương tưởng niệm giác linh Hoà thượng an dưỡng Niết bàn:
Đường trần Ôn thôi bước
Lời dạy vẫn đi xa
Học đồ bao nhiêu lớp
Thương tiễn bậc cha già !
Hành trang cho hậu thế
Trí tuệ vượt bờ mê
Giáo dục là sự nghiệp
Ân – Đức, vẹn đôi bề.
Gieo mình kính lễ Ôn
Chúng con nguyện tiếp bước
Vì thế nhân Ngũ trược
Chữ HỌC – vẹn tâm hồn. . .
Tin tức khác
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập II
Bình luận bài viết